NHỮNG CÁI CHẾT BÍ ẨN
THIẾU TƯỚNG TRÌNH MINH THẾ
Sinh năm 1922, tỉnh Tây Ninh Việt Nam. Ngày 3-5-1955, trong lúc đang theo dõi các đơn vị của mình (quân đội Cao Đài) phối hợp với quân đội chính phủ tấn công lực lượng Bình Xuyên ở khu cầu Tân Thuận, tướng Trình minh Thế đứng trên một xe jeep tại dốc cầu, phía bên Sàigòn. Giữa tiếng nỗ của nhiều loại súng cách xa nơi ông đứng khoảng hơn 100m, có một viên đạn duy nhất không rõ ai bắn, đã trúng ngay đầu tướng Trình minh Thế làm ông chết tại chổ.
Cái chết chẳng ai ngờ của thiếu tướng Trình minh Thế vừa làm đau lòng, lẫn đau đầu cho người sống. Kẻ nổ phát súng ấy là ai? Và tại sao? Từ năm 1955 cho đến nay, 2010, đã có nhiều bài viết (kể cả sách) đưa ra các câu trả lời khác nhau về “thủ phạm” bắn tướng T.M.T., nhưng hầu hết các tác giả đó đều dựa trên sự suy luận mà không đưa ra được một chứng tích nào về văn bản, chứng từ, hoặc chứng nhân v.v… Duy nhất có một người tự nhận mình là kẻ tổ chức ám sát tướng T.M.T. Ông ta đã từng lập một lời thề, sẽ giết tướng T.M.T. để trả thù cho một vị chỉ huy mà ông ta kính trọng đã bị tướng T.M.T. tổ chức giết chết. Tuy ông nầy cũng chẳng trưng ra được chứng tích nào, nhưng nhận thấy lời ông kể nghe có lý hơn các câu trả lời từ trước đến nay. Chúng tôi xin phép được trích đăng lại từ nhiều nguồn tham khảo ở sách, báo tiếng Việt ở Mỹ có nói đến người nhận mình giết tướng Trình minh Thế.
…“Năm 1951, thiếu tá Antoine Savani là Trưởng Phòng Nhì, làm xếp an ninh mật thám của Phủ Toàn Quyền Pháp trên khắp ba nước Việt-Miên-Lào. Ông nầy rất kính trọng thiếu tướng Charles Chanson (1902-1951) nguyên Tư Lệnh quân đội Pháp tại Nam Việt.
Ngày 13-7-1951, Thủ Hiến Nam Việt là ông Thái Lập Thành (1896-1951) cùng với thiếu tướng Charles Chanson đến thị xã Sa Đéc dự lễ diễn binh mừng các chiến thắng vùng Tiền Giang. Hai ông xuống xe đứng chào cờ trước khán đài chính. Bỗng một bóng người mặc quân phục vạch đám đông dự lễ chạy thật nhanh đến chổ chào cờ, vừa chạy vừa đưa tay vào túi áo (rút chốt quả lựu đạn). Lúc đến trước mặt hai vị quan khách chính, người nầy đứng nghiêm và đưa tay lên chào cũng là lúc quả lựu đạn phát nổ. Sự việc xảy ra quá nhanh, không ai kịp có một phản ứng nào cả. Người mang lựu đạn bị xé làm hai, nằm bên cạnh hai xác người đang thoi thóp là các ông Thái lập Thành và tướng Charles Chanson. Gần đó hai sĩ quan Pháp cũng bị thương nặng. Những người bị thương được đưa vào một quân y viện gần đó, nhưng vài giờ sau thì cái chết đã đến với ông Thái lập Thành và tướng Charles Chanson.
Thiếu tá Antoine Savani gần như nổi điên vì cuộc ám sát vừa kể. Qua điều tra, được biết kẻ ám sát là một thanh niên tên Phạm văn Út (1925-1951) là con nuôi của đại tá Văn Thành Cao (1924- ?), Tư Lệnh quân đội Cao Đài vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, còn có tin báo cho phòng nhì Pháp biết: Đại tá Trình minh Thế ở Chiến Khu Lò Gò (dưới chân núi Bà Đen, Tây Ninh) cho tổ chức trọng thể lễ truy điệu và tôn vinh anh Phạm văn Út như một anh hùng kháng chiến của quân đội Cao Đài. Qua các nguồn tin thu nhận được, thiếu tá Antoine Savani cho rằng thủ phạm là ông Trình minh Thế và thề sẽ giết ông nầy bằng mọi giá.
Khoảng năm 1994, gần 40 năm sau ngày tướng Trình minh Thế bị ám sát (1955), ông Antoine Savani đã về hưu từ lâu với cấp đại tá và cũng đã già. Lúc gần chết vì bệnh tim, ông ta trăn trối những lời sau cùng về cái chết của tướng Trình minh Thế. Những lời kể của ông Antoine Savani được phỏng vấn và ghi chép bởi ông Jean Lartéguy (người sau nầy viết cuốn “Le Mal Jaune”, bản tiếng Anh là “Yellow Fever”).
…Chính tôi đã giết Trình minh Thế. Dù không tự tay cầm súng nhưng tôi là người tổ chức tất cả. Thế bị giết bởi một viên đạn do người thân tín của tôi nấp từ phía sau bắn tới, không phải từ dưới tàu bắn lên. Người bắn chẳng có tên tuổi gì, nói đúng ra, chỉ biết là cấp trung úy. Sở dĩ tôi phải giết Thế là để báo thù cho tướng Chanson mà tôi đã từng thề. Trong tất cả các thủ lãnh quân sự ở trong Nam thì Thế là người nguy hiểm nhất, có nhiều tham vọng nhất, và cũng là người khôn ngoan nhất. Lansdale* quả có mặt tinh đời khi chọn Thế … *(Đại Tá Edward Lansdale, 1908-1987, về hưu với cấp thiếu tướng)
Sinh ngày 20-11-1929, làng Bình Tước tỉnh Biên Hòa Việt Nam, nguyên là Tư Lệnh Quân Đoàn III/ Quân Khu III. Sáng ngày 23-2-1971, trên cương vị Tư Lệnh Hành Quân Toàn Thắng 1/71, ông chủ tọa cuộc họp tham mưu tại Bộ tư lệnh Tiền phương QĐIII/ QK III tại căn cứ Trảng Lớn, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh như thường lệ. Sau buổi họp, khoảng 09:30 giờ, ông dùng trực thăng bay về hướng bắc tỉnh Tây Ninh để đến Dambe (một thị trấn nhỏ của Kampuchia) nơi lực lượng xung kích QĐ III của đại tá Trần quang Khôi đang chờ. Trực thăng chỉ huy của Trung Tướng Đỗ cao Trí rời khỏi Trảng Lớn khoảng bốn phút thì bùng nổ ở trên không. Địa điểm tai nạn khoảng 7km bắc- tây-bắc thị xã Tây Ninh. Ngoài tướng Đỗ cao Trí bị tử thương còn có hai phi công (chỉ biết tên một người là đại uý Thành), hai xạ thủ và cơ khí phi hành (không rỏ danh tánh); trung tá Sỹ thuộc Trung Tâm Hành Quân QĐ III; trung tá Châu, Chỉ huy phó Truyền tin QĐ III; đại úy Tuấn, sĩ quan tuỳ viên; nhà báo Mỹ (gốc Pháp) Francoi Sully.
Sự ra đi đột ngột của tướng Đỗ cao Trí cũng để lại nhiều câu hỏi nhức đầu cho hậu thế. Gần 40 năm qua, đã có khá nhiều bài viết của người Việt bàn tán và nhận xét về cái chết nầy. Không có ai đưa ra được các chứng cứ nào có sức thuyết phục để dư luận chấp nhận là hợp lý, hợp tình hơn cả. Tuy nhiên tướng Đỗ cao Trí đi vào nơi khuất bóng trong lúc ông đang chiến thắng dồn dập (70-71) ở bên vùng biên giới Kampuchia. Có tin ông sắp ra nắm QĐ I để xoay chuyển tình huống mặt trận biên giới Lào, vậy mà ông ra đi! Đó là điều làm người đời sau thắc mắc.
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN VĂN HIẾU:
Sinh ngày 23-6-1929, thành phố Thiên Tân, Cộng Hoà Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1949 đang học đại học Aurore ở Thượng Hải thì phải theo gia đình dọn về Saigon, Việt Nam. Đầu năm 1951, ông theo học khóa 3 Võ Bị Liên Quân Việt Nam tại Đà Lạt, và tốt nghiệp (hạng hai) ngày 1-7-51 với cấp bậc thiếu uý.
Hai mươi năm sau, thiếu uý Nguyễn văn Hiếu đã là thiếu tướng Tư Lệnh Phó QĐ I (nhậm chức ngày 9-6-1971) và nỗi tiếng là một vị tướng liêm chính. Do có tài năng và đức độ, nên ngày 10-2-1972, Phó Tổng Thống Trần văn Hương (1902-1982) đề cử tướng Nguyễn văn Hiếu giữ chức Phụ Tá Đặc Biệt trong Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng (tương đương cấp Thứ Trưởng). Ngày 1-10-1973, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó QĐ III/ QK III và đã giữ chức vụ nầy qua ba vị Tư Lệnh Quân Đoàn là Trung Tướng Phạm quốc Thuần, Trung Tướng Dư quốc Đống (1932-2008), Trung Tướng Nguyễn văn Toàn (1932-2005).
Ngày 2-4-1975, tướng Nguyễn văn Hiếu được bổ nhiệm chức Tư Lệnh Tiền Phương QĐ III, nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở. Ngày 4-4-1975, khoảng 17:30 giờ (các tài liệu khác thì ghi buổi trưa khoảng 13:30 giờ) những người đang làm việc tại Bộ Tư Lệnh QĐ III ở Biên Hoà bổng nghe một tiếng súng nổ trong văn phòng thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu (cùng có nguồn tài liệu khác ghi có hai tiếng súng). Lúc mọi người mở cửa phòng thì thấy tướng Nguyễn văn Hiếu đã ngồi chết gục tại bàn làm việc, một tay ông để trên bàn và tay còn lại buông thòng xuống đất nơi có một cây súng nhỏ còn nằm trên sàn nhà (có thể loại súng P 38). Ông bị chết vì một viên đạn đi xuyên từ cằm lên thái dương (có vài tài liệu khác ghi viên đạn từ thái dương bắn xuyên lên đỉnh đầu và phá một lỗ trên trần nhà), nhưng chẳng có ai hiểu được nguyên nhân ông bị chết là do ngộ sát, tự sát hoặc bị ám sát. Vài ngày sau cái chết của tướng Nguyễn văn Hiếu, chính phủ ban đầu công bố là ông tự sát, nhưng sau đó đã cải chánh và đổi thành ngộ sát, bị cướp cò lúc đang lau súng.
Ba mươi năm sau cái chết bí ẩn của tướng Nguyễn văn Hiếu, có rất nhiều người vẫn không tin ông bị cướp cò súng bởi vì ông là người sưu tập và rất cẩn thận về súng. Có người còn quả quyết tướng Hiếu bị ám sát chết bởi những kẻ tham nhũng. Bọn nầy mượn gió bẻ măng để “giết người bịt miệng” lúc ngọn sóng Đỏ đang tràn tới. Nhưng cũng có người cho rằng một thế lực khác đã gây ra cái chết nầy. Thế lực đó đã biết được một kế hoặch bí mật giữa các tướng Nguyền văn Hiếu, Nguyễn khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần văn Hai ở QĐIV/ QKIV, là các vị nầy sẽ tái phối trí và tổ chức lực lượng quân sự tử thủ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nếu thủ đô Sài gòn rơi vào tay quân Cộng Sản. Và thế lực đó không muốn cuộc chiến kéo dài thêm nữa khi họ đã công khai bắt tay với Việt Cộng vì quyền lợi của họ.
CÁI CHẾT ĐAU LÒNG
CHUẨN TƯỚNG TRƯƠNG QUAN ÂN:
Sinh năm 1932, là thủ khoa khóa 7 Trường Võ Bị Liên Quân Việt Nam ở Đà Lạt. Ông nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh/ QĐII/ QKII từ ngày 24-11-1966. Vợ ông là bà Dương thị kim Thanh (Huế), nguyên chuẩn uý thuộc binh chủng Nhảy Dù nhưng làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Nhân dịp bà đi thăm và tặng quà cho các chiến sĩ và gia đình đang đồn trú tại vùng biên giới tây bắc tỉnh Pleiku, ngày 8-9-1968, Ông cùng bà đi chung một chiếc trực thăng loại H-34 (Choctaw) của Không Quân VNCH đến thăm các căn cứ tiền đồn. Sau khi thăm được vài nơi, trực thăng chở ông bà lại cất cánh để đến nơi khác thì máy bay phát nổ ngay trước mắt các binh sĩ và gia đình. Tất cả những người trên trực thăng đều tử thương, trong đó có Chuẩn Tướng Trương quang Ân và vợ là bà Dương thị Kim Thanh.
NHỮNG TAI NẠN TRỰC THĂNG
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN VIẾT THANH:
Sinh năm 1931, Lâm Đồng, tốt nghiệp khóa 4 Trường Võ Bị Liên Quân Việt Nam, Đà Lạt, nguyên là Tư Lệnh QĐIV/ QKIV từ ngày 1-7-1968. Hành quân Cửu Long 1 (bắt đầu ngày 9-5-1970) là cuộc hành quân cấp quân đoàn vượt qua đất Cam Bốt nhằm giải cứu, hồi hương hàng chục ngàn đồng bào thoát sự tàn sát của của dân Cam Bốt. Trên cương vị là Tư Lệnh Hành Quân Cửu Long 1, thiếu tướng Nguyễn viết Thanh thường xuyên có mặt trên máy bay trực thăng để theo dõi và đôn đốc các đơn vị. Ngày 1-5-1970, chiếc trực thăng chỉ huy của tướng Thanh đã vở tan trên không vì bị một chiếc trực thăng võ trang của Mỹ đụng vào. Tai nạn xảy ra trên bầu trời tỉnh Kiến Tường. Tất cả số người có mặt trên hai chiếc trực thăng đều tử nạn.
CHUẨN TƯỚNG PHAN ĐÌNH SOẠN:
Sinh ngày 16-11-1929, Huế, tốt nghiệp khóa 1 Trường Sĩ Quan Việt Nam Thủ Đức, nguyên Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh QLVNCH từ ngày 1-10-1968 đến 31-1-1972. Ông được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Phó QĐI/ QKI vào ngày 1-2-1972, thay thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu. Ngày 25-2-1972, chuẩn tướng Phan đình Soạn đi máy bay trực thăng ra thăm một chiến hạm Mỹ, cách Đà Nẵng khoảng 20km ngoài khơi biển Đông Việt Nam. Lúc cất cánh trở về, trực thăng của ông vì sơ suất nên đụng vào trụ ăng ten của chiến hạm. Tuy bị hư hại nhưng trực thăng vẫn gắng bay về và bị rớt gần bán đảo Sơn Trà, quận ba thành phố Đà Nẳng. Toàn bộ người trên máy bay đều chết và tìm được thi hài. Cùng đi với tướng Phan đình Soạn có đại tá Ngô hân Đông, nguyên Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh QĐI/ QKI.
CHUẨN TƯỚNG NGUYỄN HUY ÁNH:
Sinh tháng 7-1934, tốt nghiệp trường Không Quân Phi Hành Salon de Provence 1953, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân QĐIV/ QKIV cho đến năm 1972. Chuẩn Tướng Ánh tử nạn phi cơ trong một phi vụ quan sát tình hình, vì ghi nhận một phi cơ L19 bị rớt nên ông dùng trực thăng của ông đến câu phi cơ L19 và rủi ro xảy ra tai nạn. Ông tử nạn lúc 17giờ ngày 27-2-1972.
CHUẨN TƯỚNG NGUYỄN VĂN ĐIỀM
Sinh ngày 30-6-1929, tốt nghiệp khóa 4 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ông giữ chức vụ Trung đoàn trưởng của SĐ1/BB và Tư Lệnh Phó trước khi được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1/BB, năm 1973. Ông được thăng cấp Chuẩn tướng tháng 4-1974. Trực thăng của ông bị rơi gần bờ biển tỉnh Quảng Ngãi khoảng 8 giờ tối ngày 28-3-1975. Ông là vị tướng bị tử nạn cuối cùng trong cuộc chiến Việt Nam (Năm 2011, thân nhân tướng Nguyễn Văn Điềm đã tìm được hài cốt của ông ở La Ngãi, An Hải, quận Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi).
NHỮNG VỊ TƯỚNG TỰ SÁT
CHUẨN TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ:
Sinh ngày 22-8-1933, tỉnh Sơn Tây, học khoá 2 Trường Võ Bị Địa Phương Trung Việt, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn uý hiện dịch. Trước ngày 30-4-1975, ông nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 5/BB. Ngay sau lúc nghe được lời kêu gọi buông súng của ông Dương văn Minh, chuẩn tướng Lê nguyên Vỹ đã tự sát trước sân cờ của bản doanh Bộ Tư Lệnh SĐ5/BB ở Lai Khê tỉnh Bình Dương.
THIẾU TƯỚNG PHẠM VĂN PHÚ:
Sinh năm 1929, tỉnh Hà Đông, học khóa 8 Trường Võ Bị Liên Quân Việt Nam, Đà Lạt, nguyên là Tư Lệnh QĐII/QKII từ tháng 11-1974. Trong cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14-3-1975, Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu (1924-2001) lệnh cho tướng Phạm văn Phú rút quân khỏi các tỉnh Kontum, Pleiku về vùng duyên hải QĐ II. Cuộc lui quân nầy diễn tiến như thế nào thì lịch sữ đã cho thấy. Ngày 29-4-1975, tại nhà riêng ở Sàigòn, thiếu tướng Phạn văn Phú đã uống một liều thuốc độc thật mạnh nhưng gia đình phát giác và đưa ông vào bệnh viện cứu chữa. Trưa ngày 30-4-1975, ông tỉnh lại và thều thào hỏi vợ về tình trạng lúc bấy giờ. Sau khi nghe vợ cho biết ông Dương văn Minh đã đầu hàng và Việt Cộng vừa vô dinh Độc Lập. Nghe đến đây, thiếu tướng Phạm văn Phú thở hắt ra. Đó cũng là hơi thở cuối cùng của ông.
CHUẨN TƯỚNG TRẦN VĂN HAI:
Sinh năm 1929, Cần Thơ, tốt nghiệp khoá 7 Trường Võ Bị Liên Quân, Đà Lạt. Ông nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 7/BB thuộc QĐIV/ QKIV từ ngày 1-3-1974. Trước đó ông cũng từng đảm trách các chức vụ như Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên (năm 1965), Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Trung Ương (năm 1967), Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia (năm 1968), Chỉ Huy Trưởng Trung tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu Dục Mỹ (năm 1971), Tư Lệnh Phó QĐII/ QKII và kiêm nhiệm Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Hành Quân Chiến Thuật QĐII/QKII (năm 1972).
Trong ngày 30-4-1975, khoảng 17:00 giờ tại Bộ Tư Lệnh SĐ7/BB ở Mỹ Tho, chuẩn tướng Trần văn hai đã uống thuốc độc ngay trong văn phòng của mình. Vị sĩ quan tuỳ viên sau khi phát giác chủ tướng của mình đã quyên sinh, đã đưa ông qua Tiểu đoàn 7 Quân Y mong cứu được ông, nhưng mọi nổ lực đều quá muộn. Buổi chiều trong ngày, trước khi uống thuốc độc chuẩn tướng Trần văn Hai trao cho vị sĩ quan tuỳ viên số tiền 70.000 đồng nhờ đưa cho người mẹ già của mình. Đây cũng là tháng lương cuối cùng của một người lính suốt đời liêm chính.
Sinh năm 1933, Hóc Môn, Gia Định, tốt nghệp khoá 5 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nguyên là Tư Lệnh Phó QĐIV/ QKIV từ ngày 1-11-1974. Ông cũng từng là Tư Lệnh Sư Đoàn 5/BB (ngày 14-6-1971), Tư Lệnh Phó QĐIII/ QKIII Đặc trách Lực Lượng Phản Ứng Cấp Thời (ngày 4-9-1972), Tư Lệnh Sư Đoàn 21/BB (ngày 9-6-1973).
Khoảng 19:30 giờ ngày 30-4-1975, tại tư dinh của mình ở Cần Thơ, Chuẩn Tướng Lê văn Hưng sau khi nói những lời từ biệt với các thuộc cấp, dặn dò khuyên nhủ bạn đời là bà Phạm thị kim Hoàng, ông vào văn phòng riêng và khóa chặt cửa lại mặc dù tiếng khóc than nức nở kêu gào của người vợ. Ông đã dùng súng tự sát vào lúc 20:45 giờ ngày 30-4-1975.
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM:
Sinh ngày 23-9-1927, Đà Nẳng (chánh quán An Cựu Tây, quận Hương Thủy, tỉnh Thưà Thiên), tốt nghiệp khóa 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Đời binh nghiệp của ông đã trải qua những chức vụ như: Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5 Nhảy Dù (năm 1965), Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (năm 1967), Tư Lệnh Sư Đoàn 7/BB (tháng 1-1970) và Tư Lệnh Quân Đoàn IV/ Quân Khu IV (tháng 11-1974) với cấp thiếu tướng.
Ông đã dùng súng tự sát trong tư dinh của mình ở Cần Thơ khoảng 07:30 giờ ngày 1-5-1975.
CHẾT TRONG TÙ CỘNG SẢN