Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Thursday, May 31, 2018

Trạm Cuối Cuộc Đời



Trạm Cuối Cuộc Đời


Sống ở Mỹ khá lâu nên tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng của người Mỹ nên không có ý định nhờ vả con cái khi tuổi về chiều. Một ngày nào đó khi thấy mình không còn khả năng để tự lo cho mình được nữa tôi sẽ vào sống trong các «Boarding care» để có người chăm sóc, nếu tệ hơn sẽ được hưởng những phúc lợi dành cho người cao niên và được bảo vệ bởi hệ thống an ninh xã hội Mỹ... Ở Mỹ có «Nursing Home» được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và nhân sự chuyên môn để chăm sóc những người không còn khả năng tự lo cho mình, có «Hospice Service» chăm sóc vật chất lẫn tinh thần cho các bịnh nhân không thể sống hơn sáu tháng, giúp họ ra đi trong yên bình và giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Nhưng tư tưởng lạc quan nầy đã hoàn toàn thay đổi từ khi tôi thật sự đối diện với tử thần và nếm mùi bịnh viện sau khi trải qua một cơn bạo bịnh phải nhập viện trong 10 ngày. Tuy đã được thoát chết, vết thương mổ xẻ đã lành, nhưng những đau đớn về thể xác và vết thương tâm thần mà bịnh viện để lại vẫn còn hằn sâu trong ký ức không bao giờ lành. Từ đấy tôi bắt đầu thấy sợ bịnh viện, sợ luôn cả nursing home vì đây chẳng qua chỉ là một hình thức khác của bịnh viện, bịnh viện của người già.

Từ tâm trạng sợ hãi nầy tôi liên tưởng đến 4 năm hãi hùng mà nhạc mẫu tôi phải trải qua trong nursing home trước khi bà mất. Từ đấy những quảng cáo đẹp về nursing home với hình ảnh những cụ già vui chơi hạnh phúc được thay thế bằng những hình ảnh đau khổ của nhạc mẫu tôi và của những cụ già ngồi xe lăn ủ rủ, nghiêng ngả, cong queo, nhễu nhão, những gương mặt mếu máo, những ánh mắt vô thần.

Chúng tôi may mắn được sống chung với cha mẹ vợ vì bà xã tôi là con gái út. Lúc còn khỏe ông bà nhạc của tôi quán xuyến hết mọi chuyên trong nhà để vợ chồng tôi được rảnh tay lo chuyện ngoài xã hội. Hai con tôi gần gũi với ông bà ngoại nhiều hơn với cha mẹ chúng. Đi học về vừa đến cổng nhà là đã réo gọi ông bà ngoại. Tuy nuôi con nhưng thật ra tôi chưa biết thay tã hay cho con bú! Kể cã tiếng Việt chúng nói đều nhờ ông bà dạy từ ngày chúng bập bẹ tập nói...

Nhưng cuộc sống hanh phúc chấm dứt từ khi nhạc mẫu tôi ngã bịnh. Năm 78 tuổi, sau chuyến du lịch Việt Nam về, mẹ nằm suốt trong phòng, than mệt. Ngoài bịnh tiểu đường loại 2 mãn tính, mẹ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu, đau cột sống, ho kinh niên và sau đó khám phá ra bị ung thư phổi. Từ đấy bà ra vào bịnh viện như đi chợ... Thiếu bàn tay của mẹ, gia đình tôi rối loạn lung tung, con cái đi học trể, cơm nước thất thường, nhà cửa bề bộn. Vợ chồng tôi phải tập lại từ đầu cách quán xuyến gia đình, nuôi con, thêm nuôi mẹ già trong bịnh viện. Bố cũng yếu chỉ hụ hợ chuyện lấy thơ, đổ rác, đóng cổng là đã than mệt rồi.

Bác sĩ ung thư khuyến cáo không nên mổ xẻ hoặc trị liệu gì cho mẹ vì ung thư đã di căn đến não. Hơn nữa tuổi mẹ đã quá cao lại bị bịnh tiểu đường nên vết mổ không lành. Hãy để cho thiên nhiên quyết định vận mệnh của mẹ... Tôi dấu nhẹm lời bác sĩ bảo rằng mẹ chỉ sống tối đa là sáu tháng. Mẹ được cho về nhà với lời khuyên «thích ăn cái gì cho bà ăn cái nấy». Nhưng «Còn nước còn tát» chúng tôi không chịu thua, chạy chửa bịnh cho mẹ bằng thuốc nam. Ai bày thuốc gì ở đâu tôi cũng tìm cho được. Khi lái xe mắt tôi cũng láo liên nhìn bên lề đường, dọc theo các hàng rào tìm cây cỏ «Dendelion» để hái lá cho mẹ ăn. Nghe nhà ai có cây nha đam  chúng tôi cũng tìm đến xin hay mua cho bằng được. Bã xã tôi cầu nguyện cho mẹ hàng ngày không xao lãng.

Như được một phép nhiệm mầu, bịnh ung thư của mẹ tôi thuyên giảm dần dần và sau mấy tháng khối u trong phổi tự nhiên biến mất. Bác sĩ gia đình rất vui bảo «đừng thắc mắc, hảy cứ tin là như vây đi». Nhạc mẫu tôi thì tin là mình đã hết bịnh thật, còn vợ chồng tôi thì gần như kiệt lực, mong sau phép lạ sẽ kéo dài. Bịnh ung tư không thấy trở lại, nhưng bịnh đau cột sống làm mẹ đau đớn không ăn ngủ được nên sinh ra khó tính. Mẹ lại quên trước quên sau. Mẹ không còn kiểm soát được tiêu tiểu nữa nhưng nhất định không chịu mang tã. Bố cũng già mệt mõi, suốt ngày ngủ trong phòng. Ông bà lại không biết tiếng Mỹ, không dùng điện thoại, nên khi vợ chồng tôi đi làm lúc nào cũng phập phòng lo sợ.

Bác sĩ gia đình đề nghị nên cho mẹ vào nursing home để dễ bề chăm sóc. Vợ chồng tôi đồng ý ngay nhưng gặp sự phản khán quyết liệt của nhạc mẫu tôi. Suốt đời mẹ không bao giờ xa gia đình nửa bước nói chi chuyện cách ly vĩnh viễn! Đối với mẹ, mất gia đình là mất tất cã. Chúng tôi nể mẹ nên không dám nói chuyện nursing home nữa, chỉ sợ làm mẹ buồn ảnh hưỡng đến sức khỏe.

Nhưng sức khỏe của mẹ càng lúc càng tệ. Sau lần cấp cứu cuối cùng vì bị ngất xỉu, bác sĩ đề nghị phải đưa thẳng mẹ vào nursing home, vì theo ông, đó là cách tốt nhất để bác sĩ có thể theo dỏi bịnh tình và giữ an toàn cho mẹ.

Ngày đầu tiên vào nursing home không ai nỡ bỏ mẹ một mình nên quấn quít bên bà cho đến tối rồi cũng phải ra về. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời mẹ phải sống lẻ loi một mình bên những người xa lạ. Tôi còn nhớ rỏ gương mặt thẫn thờ của mẹ nhìn theo con cháu đang bỏ bà mà đi. Tôi không dám nhìn mẹ lâu hơn vì tôi thấy mẹ khóc, một điều rất lạ đối với nhạc mẫu tôi vốn là người đàn bà can cường và cứng rắn. Bố thấy tội nhiệp đòi mỗi ngày chở bố vào nursing home để ông chăm sóc cho mẹ. Được mấy tuần rồi tôi cũng chịu thua vì chuyện đón đưa hàng ngày thật là bất tiện. Còn nếu để bố đi xe bus nếu có chuyện gì xảy ra thì ai lo cho bố đây!

Từ ngày Mẹ vào nursing home vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, không còn phải lo lắng như khi xưa khi bỏ mẹ ở nhà. Chúng tôi yên tâm là mẹ được theo dõi và chăm sóc 24/7.  Tan sở vợ chồng tôi chở bố vào thăm mẹ, thấy mẹ sạch sẽ thơm tho, giường nệm trắng tinh, kẻ qua người lại tấp nập vui vẻ lắm. Yên tâm chúng tôi dần dần xao lãng việc thăm viếng. Cả hai cháu cũng không còn đòi đi thăm ngọai nữa, nhiều khi phải bắt chúng mới chịu đi. Chúng không thích cái mùi trong nursing home.

Từ ngày sống trong nursing home mẹ hoàn toàn thay đổi, trở nên trầm lặng, ít nói,  khác hẳn với mẹ trước đó «quậy» tưng bừng trong bịnh viện. Mẹ chịu mang tã, nằm yên trên giường, không có ý kiến chuyện chung quanh, không đòi hỏi gì, không còn than phiền đau lưng nhức gối, hay càu nhàu vì thiếu ngủ, mất ăn như lúc ở nhà. Sau nầy mới biết bà đã được cho dùng thuốc an thần và thuốc đau nhức nồng độ cao nên lúc nào bà cũng ở trạng thái lờ đờ lim dim ngủ. Có lúc tỉnh táo, mẹ chỉ nhìn qua khung cửa sổ với đôi mắt vô thần. Hỏi mẹ có đau đớn gì không, mẹ lắc đầu. Hỏi có thích ăn uống đồ ăn Việt Nam không mẹ lắc đầu, tuy tôi biết là mẹ rất ghét đồ ăn Mỹ nhất là khẩu phần cho bịnh nhân tiểu đường và cao máu nhạt nhẽo không sao nuốt nỗi. Mẹ chịu đưng, sống âm thầm không một lời than thở.

Cho đến một hôm mẹ nắm tay nhà tôi, nước mắt rưng rưng mẹ van xin:

-  Mẹ muốn chết con à. Con xin người ta cho mẹ chết đi!

Bà xã tôi sững sờ, ôm mẹ năn nỉ:

-  Mẹ đừng nói kỳ vậy, phải ráng lên chớ, con biết phải làm sao bây giờ?

Rồi vợ tôi cũng khóc. Tôi chỉ đứng nhìn. «Chúng tôi biết phải làm sao bây giờ»?

Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng đã tìm được giải pháp tốt nhất cho mẹ rồi. Mẹ thì đã «ráng» quá nhiều, ráng đến mõi mòn, đến kiêt quệ nên muốn bỏ cuộc. Đã bốn năm dài đăng đẵng mẹ sống nơi đây như cái xác không hồn.

Có lúc chúng tôi vào thăm mẹ vào giờ ăn trưa thấy mẹ ngồi gục đầu trên xe lăn như một em bé ngoan, mắt nhắm nghiền, đợị đến phiên mình há mồm được đút cho ăn. Mẹ không còn thiết tha gì nữa.

Những tháng cuối cùng mẹ nằm trên giường đưa mắt nhìn con cháu, không cử động hoặc nói năng gì. Hình như có điều gì u uẩn trong lòng mà mẹ không nói được hay mẹ có tâm sự gì nhưng muốn giấu kín trong lòng.

Một buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại từ nursing home báo tin là mẹ chúng tôi đã mất đêm qua. Bà mất lúc nửa đêm nên không ai hay biết cho đến sáng ngày hôm sau. Bà âm thầm ra đi không một lời từ giả, không một giọt nước mắt tiển đưa. Chắc mẹ cô đơn lắm lúc trút hơi thở cuối cùng. Suốt đời mẹ lo cho chồng, cho con, cho cháu, ngày mẹ ra đi chỉ có một mình, trong cô đơn. Có ai biết rằng không phải mẹ chỉ cô đơn trong giây phút ra đi mà mẹ đã chết từ lâu rồi, kể từ ngày mẹ bước chân vào ngưởng cửa nursing home, một nhà tù không cần đóng cửa. Tôi chợt hiểu được tại sao mẹ đã khóc ngày đầu tiên đến nursing home. Ngày ấy mẹ chấp nhận bản ản tử hình không văn tự vì muốn hy sinh cho con cái. Ngày ấy Mẹ đã khóc lời vĩnh biệt các con cháu rồi.

Chúng tôi vội vã vào nursing home vừa kịp lúc nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi người ta phủ kín mặt mẹ với tấm trải giường màu trắng rồi mang xác mẹ đi. Mọi người đứng nhìn theo chết đứng, ngỡ ngàng, đớn đau, nhưng không ai khóc thành lời. Chúng tôi đã biết là ngày nầy sẽ đến với mẹ, và hôm nay nó đã đến.

Cái chết của nhạc mẫu nhắc tôi nhớ lại chuyện cổ tích về chuyện người tiều phu đẩy xe chở mẹ vào rừng cho thú hoang ăn thịt vì bà đã quá già. Tôi có khác gì người tiều phu đó, đã đưa nhạc mẫu tôi vào nursing home để chết. Đến một ngày nào sẽ đến lượt con tôi chở tôi đi như vậy sao?

Tôi lại nhớ đến chuyện con voi già biết mình sắp chết, nó âm thầm đi vào cái «nghĩa địa voi» là cái hang động cho voi đến để chết. Nó âm thầm gục chết một mình bên cạnh những đống xương voi già đã chết trước nó. Tôi chợt nghĩ nếu con người làm được như con voi già thì con cháu không phải cực khổ vì cha mẹ già, không phải khổ tâm vì mặc cảm là đã làm một hành động bất nhân, bất hiếu, như tâm trạng hối hận của tôi bây giờ đối với nhạc mẫu của tôi.

Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!

Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?

Chú Chín Cali

Làm điều tốt mà không cần suy tính



Làm điều tốt mà không cần suy tính.

 Câu chuyện cảm động của một chàng trai Mỹ. 

Trong cuộc sống, không ai không mong mình có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tuy nhiên để đạt được điều đó thì mấy ai làm được. Bạn hãy đọc câu chuyện dưới đây về một chàng trai Mỹ, có thể tự rút ra bài học cho mình.

Câu chuyện cảm động này có thể nhiều người sẽ cảm thấy quen thuộc. Ai chưa từng một lần nhặt được của rơi? Tuy nhiên, ít ai biết được tầm ý nghĩa của một hành động, dù rất nhỏ.

Tommy làm thuê cho gia đình ông George đã nhiều năm. Anh rất được ông chủ coi trọng bởi vì anh là người thật thà, chăm chỉ và luôn chu toàn mọi việc. Một ngày nọ, ông chủ bảo Tommy đi về phía Nam của Texas để thu tiền nợ quý đầu năm.

Tommy rời nhà vào buổi sáng và thu được 100.000 đô la tiền nợ. Anh hào hứng vì đã hoàn thành xuất sắc công việc mà ông chủ giao phó và bỏ tất cả tiền vào chiếc túi nhỏ bên mình. Trên đường trở về, vì đói và khát nên Tommy đã ghé vào một quán ăn bên đường dùng bữa trưa rồi nhanh chóng bắt chuyến xe buýt quen thuộc để trở về giao tiền cho ông chủ.

Túi tiền bị mất

Về đến nhà, Tommy nhận ra chiếc túi da nhỏ bên người cùng tất cả số tiền đã biến mất. Ông chủ rất tức giận và nghi ngờ Tommy đã nói dối về việc đánh mất tiền để chiếm dụng 100.000 đô la cho riêng mình. Ông chủ la mắng Tommy và đe dọa rằng nếu anh không thể trả lại số tiền đó vào ngày hôm sau, ông sẽ trình báo với cảnh sát. Bị oan uổng nhưng lại không thể biện minh cho bản thân, Tommy chán nản, thất vọng và chỉ biết gục đầu khóc thật to.

Cùng khu phố của họ có một cậu thanh niên tên là Jeffery. Anh cũng làm kinh doanh nhiều năm và mặc dù nỗ lực, chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, sáng tạo nhưng Jeffery thường xuyên gặp thất bại trong công việc.

Mệt mỏi với những kế hoạch không thành, Jeffery quyết định đóng cửa cửa hàng kinh doanh và trở về quê nhà trông nom trang trại cùng cha mẹ. Và điều trùng hợp ngẫu nhiên chính là khi Tommy có mặt trong quán ăn ven đường, Jeffery cũng đã ở đó trong khi chờ đợi chuyến xe để trở về quê.

Người đàn ông chính trực tìm thấy được túi tiền

Sau khi Tommy đứng lên và rời khỏi quán, Jeffery đã thấy chiếc túi nhỏ của anh. Jeffery để ý thấy bên trong có rất nhiều tiền và trong thoáng chốc anh nảy ra ý định muốn có số tiền đó.

Jeffery nhanh chóng di chuyển tới chỗ chiếc túi da và vui sướng khi biết rằng mình đang nắm giữ trong tay 100.000 đô la.. Nỗi buồn vì thất bại trong kinh doanh và tâm trạng ủ rũ kéo dài suốt nhiều ngày tháng của anh bỗng chốc tan biến. Anh mơ về viễn cảnh tươi đẹp cùng những kế hoạch, dự định mới với số tiền lớn này. Tuy nhiên, vào lúc anh quyết định bỏ tiền vào trong túi của mình, những suy nghĩ khác nhau giằng xe trong tâm anh.

Jeffery thầm nghĩ:

«Nếu mình giữ lại số tiền này, cuộc sống của mình khi trở về quê sẽ dễ dàng và vui sướng biết bao. Mình sẽ dùng nó để mua thêm một số giống vật nuôi, mở rộng kinh doanh trang trại của cha mẹ.»

«Nhưng rất có thể chủ nhân của túi tiền này sẽ bị oan ức suốt đời, bị mất chức vị hay thậm chí có thể mất mạng chỉ bởi vì họ đã đánh mất túi tiền. Hành động tham lam của mình có thể sẽ khiến một gia đình hạnh phúc trở nên tan vỡ, hoặc khiến một người chắt chiu tích góp cả đời bỗng chốc về tay không. Nếu như vậy thì mình sẽ gây ra tội lỗi quá lớn rồi.»

«Nghèo khó hay giàu sang đều có nguyên nhân, mình nên thuận theo an bài của số phận. Vì thế mình nên đợi ở đây cho đến khi chủ nhân của số tiền này quay trở lại. Số tiền này nhất định phải trở về với chủ nhân của nó».

Trời tối dần và người vào quán ăn càng lúc càng tấp nập. Jeffery cố gắng quan sát từng người, nhưng không ai có vẻ lo lắng vì mất đi túi tiền lớn cả. Mặc dù Jeffery đói sôi bụng nhưng anh lại chẳng có tiền để mua thức ăn, tuy nhiên anh vẫn cố chờ đợi để tìm cho ra chủ nhân túi tiền trong dòng người ra vào quán.

Jeffery ngồi đợi cho tới khi khách trong quán bắt đầu thưa dần và cửa hàng chuẩn bị đóng cửa. Đột nhiên, Jeffery nhìn thấy một người thanh niên khác trạc tuổi anh bước vào quán, nét mặt thể hiện rõ sự lo lắng, căng thẳng và đau khổ.

Đó chính là Tommy. Tommy đã xin ông chủ cho đi tìm túi tiền nhưng sợ Tommy bỏ trốn nên cử thêm hai người đi theo giám sát anh.


Túi tiền được trả lại

Jeffery quan sát rất kỹ rồi đi lại bên người thanh niên và hỏi: «Anh đánh mất thứ gì sao?». Tommy tường thuật lại sự việc cho Jeffery và nói rằng nếu không tìm thấy số tiền ấy, anh không biết cuộc đời mình sẽ ra sao. Jeffery mỉm cười đáp lại: «Cuối cùng anh cũng đến rồi. Tôi đã đợi anh mãi».

Nhận lại túi tiền, Tommy ôm chặt lấy Jeffery và nghẹn ngào: «Tôi vô cùng biết ơn anh, Jeffery ạ. Nếu không phải một người chính trực như anh tìm được túi tiền và kiên nhẫn ngồi đây chờ đợi, tôi đã thực sự đi đến bước đường cùng và dự định tìm cho mình một cái chết. Anh đã cứu cuộc đời của tôi và tránh cho người thân của tôi khỏi những lụy phiền. Anh quả thực đã làm một việc vô cùng vĩ đại».

Tommy đề nghị đưa lại cho Jeffery 1/5 giá trị số tiền tìm được nhưng Jeffery đã một mực từ chối. Tommy rút xuống còn 1/10 nhưng Jeffery vẫn cương quyết không nhận. Cho tới khi Tommy nói: «Vậy anh hãy cầm 20 đô la này để mua đồ ăn», Jeffery vẫn lắc đầu và tỏ ý Tommy hãy mang đầy đủ số tiền trả lại cho ông chủ.

Cuối cùng, Tommy nói: «Vậy sáng mai tôi mời anh dùng bữa có được không?» và Jeffery đã đồng ý.


Một hành động tốt, hai người được cứu

Sáng hôm sau, Jeffery mang theo tâm trạng vô cùng phấn khởi tới điểm hẹn của hai người. Khi Tommy có ý định định mời Jeffery ăn sáng trong một nhà hàng sang trọng, anh ngay lập tức ngăn lại và nói:

«Tôi rất biết ơn anh Tommy. Hôm qua tôi định bắt xe về quê, nhưng vì đợi anh nên tôi đã lỡ mất chuyến xe ấy. Sáng nay, tôi nghe tin chuyến xe đã gặp tai nạn và rất nhiều hành khách đã bị thương. Anh mới là người đã cứu mạng tôi và làm một việc vĩ đại».

Hành động chính trực của Jeffery đã cứu mạng cả hai người. Khi ông chủ của Tommy nghe được câu chuyện đã vô cùng ngưỡng mộ sự thành thật của Jeffery và trò chuyện với anh một hồi lâu. Sau đó ông giữ Jeffery ở lại làm kế toán tại cửa hàng của mình. Sau nhiều năm làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ ông chủ, cuối cùng Jeffery đã thành công với công việc kinh doanh riêng của mình và trở thành một doanh nhân thành đạt trong xã hội.

***

Trong cuộc đời ngắn ngủi, con người ai cũng muốn có được nhiều lợi ích vật chất để sống tốt. Tuy nhiên, không mấy ai hiểu được đạo lý «Lấy đủ làm vui», vì thế mà luôn vận dụng các loại thủ đoạn để giành lợi cho riêng mình. Họ không biết rằng, phàm là những thứ dùng thủ đoạn, cưỡng cầu để có được đều mang theo nghiệp chướng rất lớn.

Ngược lại, con người nếu biết sống tốt, tích đức hành thiện, có phúc báo thì tự nhiên sẽ được mọi thứ..

Người xưa vẫn dạy rằng một người cần sống lương thiện, làm điều tốt mà không cần suy tính, mang ơn mà không bao giờ quên.

Nếu có thể làm được như vậy thì chính là đang tích phúc báo, đó mới là cái lợi vĩnh hằng.

Friday, May 25, 2018

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn



Chỉ người có tâm Đại Nhẫn
mới làm được việc to lớn


Trần Hưng

Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn đến đó.

Cổ nhân có câu: «Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn». Người nhẫn nhịn thường kín đáo, trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng.

Lão Tử nói: «Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng». Phật giáo giảng: «Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, «Nhẫn» là đệ nhất». Khổng Tử cũng nói rằng: «Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn», hay: «Bậc quân tử không có tranh giành». Tất cả đều giảng về Đạo «Nhẫn».

Trong lịch sử còn lưu lại nhiều câu chuyện nhờ có Nhẫn mà làm được việc lớn.

Trần Quốc Tuấn nhẫn nhịn cho đại sự

Năm 1281, nhân lúc nhà Trần có sự biến động, Vua Trần Thái Tông đã mất, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông. Nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung cùng ngàn quân hộ tống sang sứ nước ta.

Sài Thung đến kinh thành nghênh mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa thẳng vào cửa Dương Minh, bị quân lính ngăn cản, Sài Thung không xuống ngựa mà còn dùng roi ngựa đánh thẳng vào mặt quân lính khiến họ bị thương ở đầu.

Sài Thung trách vua Trần lên ngôi nhưng không sang thiên triều để chầu, yêu cầu vua Trần phải sang Nguyên đề chầu và triều cống.

Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp Thung, thế nhưng Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Thung cũng không dậy tiếp.

Biết tin, Trần Quốc Tuấn xin vua tiếp sứ quân Nguyên, khi Quốc Tuấn đến Sài Thung liền vái chào rồi mời ngồi dùng trà. Thì ra Quốc Tuấn đã gọt đầu ăn mặc giả làm nhà sư Tàu khiến Sài Thung phải tiếp.

Khi tiếp kiến Quốc Tuấn, Sài Thung biết người đối diện mình là ai, liền đưa mắt ra hiệu cho lính hầu, lính hầu hiểu ý liền từ đằng sau lấy mũi tên đâm vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, thế nhưng ông vẫn nhẫn chịu, điềm nhiên nói chuyện như không có chuyện gì xảy ra.

Dù rất đau nhưng do Đại Việt đang ở thế yếu, nên Trần Quốc Tuấn chủ động hòa hoãn, nhằm trì hoãn cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, để Đại Việt có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Nhờ đó phải đến 4 năm sau, quân Nguyên mới đem binh sang xâm lược đại Việt, lúc đó lực lượng quân ta đã mạnh hơn, đủ sức chống giặc.

Trần Quốc Tuấn sau này đã trở thành vị Hưng Đạo Đại Vương lưu danh sử sách (Ảnh sưu tầm)

Khi 50 vạn đại quân Nguyên tiến đánh nước ta, vận nước rối ren, nhiều người nhắc lại mối thù nhà năm xưa, để Trần Quốc Tuấn nhân cơ hội này trả thù xưa và lên ngôi vua. Theo đó, cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu trước khi chết nhắc lại mối thù nhà với Vua và còn nói rõ: «Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.»

Thế nhưng Trần Quốc Tuấn không vì tư thù mà làm hỏng việc nước, trước nhiều lời nhắc lại mối tư thù này, trên đường hành quân ông nhẫn nhịn cắm cây kiếm mạnh xuống đất đến gãy cả mũi kiếm, thể hiện quyết tâm lo cho an nguy của xã tắc.

Chính vì có tâm Đại Nhẫn như vậy, Trần Quốc Tuấn mới làm được việc lớn, làm Quốc Công Tiết Chế (Tổng chỉ huy quân đội) đánh với quân Nguyên Mông 2 lần (lần thứ hai và thứ 3), lần nào cũng giành đại thắng, khiến quân Nguyên đại bại tâm phục khẩu phục không còn dám nghĩ đến chuyện sáng đánh nước ta thêm một lần nào nữa.

Đức tính nào giúp Tư Mã Ý ngăn được Gia Cát Lượng?

Lần cuối cùng Gia Cát Lượng đưa quân ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, Tư Mã Ý hiểu rõ mình là không phải đối thủ của Gia Cát Lượng nên cố thủ không giao chiến. Nhưng Gia Cát Lượng lừa được Tư Mã Ý là quân Thục đang cất lương thực trên núi. Tư Mã Ý quyết định đến núi cướp lương nhằm ép Gia Cát Lượng hết lương thực phải rút về.

Tại hang Thượng Phương quân Ngụy bị Gia Cát Lượng dùng hỏa công tiêu diệt, trong lúc cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời than khóc chờ chết thì một cơn mưa lớn trút xuống cứu thoát toàn bộ quân Ngụy.

Tư Mã Ý rút quân về bờ nam sông Vị Thủy hạ trại và ra lệnh cho các tướng quyết không được ra đánh. Quyết kiên nhẫn cố thủ trong thành để ngăn quân Thục.

Gia Cát Lượng đưa quân đến khiêu chiến, dùng đủ mọi cách khiêu khích, hạ nhục, đến chửi mắng quân Ngụy, nhiều tướng Ngụy không sao chịu nhục được, muốn quyết một phen đánh với quân Thục, nhưng Tư Mã Ý không đồng ý và quyết thủ trong thành.

Tạo hình Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý trong phim (Ảnh qua Kienthuc.net.vn)

Tư Mã Ý biết rằng quân Thục hành quân từ xa đến, thì việc tiếp tế chi viện sẽ hết sức khó khăn. Chỉ cần cố thủ, quân Thục lương hết sẽ phải rút về.

Đây gọi là lấy «tĩnh chế động», không đánh khi kẻ địch đang có lợi thế, chỉ đánh khi quân mình có lợi thế. Đợi thời cơ đến sẽ có thể «chuyển bại thành thắng», tuyệt đối không manh động làm hỏng đại sự, đó chính là cái tài của người dùng binh vậy. Nhưng để thực hiện được kế này thì cần phải có «Nhẫn».

Thấy mắng nhiếc không có tác dụng, Gia Cát Lượng mang khăn, yếm, cùng bộ đồ đàn bà rồi cho người đưa sang tặng cho Tư Mã Ý kèm theo lá thư sau:

«Trọng Đạt (tên tự gọi của Tư Mã Ý) đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang, để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến».

Thời đấy nữ nhi không như bây giờ, phụ nữ thời đấy hầu như không tham gia chính sự, chỉ ở nhà giữ mái ấm gia đình. Việc đưa đồ đàn bà cho Tư Mã Ý là sự sỉ nhục vô cùng to lớn, là điều mà không một ai có thể chịu đựng được.

Người xưa có câu: «Sĩ khả sát, bất khả nhục», nghĩa là kẻ sĩ thà bị chết chứ không chịu nhục. Tư Mã Ý có thể chịu nhẫn nhục thêm một lần nữa, nhưng các tướng sĩ khác không sao chịu nhục thêm được, bất chấp quân lệnh muốn ra trận ngay.

Tư Mã Ý trước đấy đã tâu với Vua xin giữ thành không đánh rồi, nay bèn nhắc lại với các tướng của mình rằng: «Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh mất».

Thấy các tướng bực dọc không bằng lòng, Tư Mã Ý đành nói: «Các ngươi nếu muốn đánh, đợi ta tâu với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc, được chăng?»

Nói rồi, Tư Mã Ý cho người mang thư báo cho Ngụy Chủ rằng: «Thần tài nhỏ trách nhiệm to… chiếu chỉ sai thần giữ vững không đánh, để đợi quân Thục tự nhiên phải tan. Nhưng nay Gia Cát Lượng sai người đưa khăn yếm, coi thần như đàn bà, thần lấy làm sỉ nhục lắm. Thần kính tâu trước vời bệ hạ, sớm tối xin liều một trận đại chiến để báo ơn triều đình, mà rửa cái xấu hổ cho ba quân. Thần cảm kích không biết ngần nào».

Vua Ngụy là Tào Tuấn xem xong, hỏi các tướng rằng: «Tư Mã Ý trước xin giữ vững không đánh, nay lại dâng biểu xin đánh là cớ làm sao?» Vệ uý là Tân Tỷ tâu rằng: «Tư Mã Ý vốn không có bụng muốn đánh, đây là Gia Cát Lượng sỉ nhục, các tướng căm tức, cho nên dâng biểu lên, là có ý muốn cầu chiếu chỉ để trấn bụng các tướng đấy thôi.»

Tào Tuấn lấy làm phải, sai Tân Tỷ cầm cờ tiết đến trại Vị Bắc, truyền lời dụ không được ra đánh. Nếu ai dám nói đến sự đánh, thì ghép vào tội trái chiếu chỉ nhà vua. Các tướng đều phải tuân theo. Ý bảo với Tân Tỷ rằng: «Ông thực là biết bụng tôi lắm!»

Gia Cát Lượng được tin liền nói: «Tư Mã Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị oai với chúng đó thôi. Có câu rằng: ‘Tướng ở ngoài, dù vua sai có điều không nghe cũng được’. Lẽ đâu cách xa nghìn dặm, mà phải xin lệnh đánh bao giờ? Đây vì Tư Mã Ý nhân các tướng tức giận, cho nên mượn ý Tào Tuấn để trấn bụng chúng và truyền lời ấy ra, để quân ta sinh trễ nải đó thôi.»

Sau đó Gia Cát Lượng gặp bệnh mà mất, quân Thục phải rút về. Gia Cát Lượng dù được xem là không có đối thủ, thế nhưng Tư Mã Ý đã dùng sự Nhẫn nhịn to lớn của mình mà đẩy lui được đại quân của Gia Cát Lượng.

Lý Mục dùng Đại Nhẫn đánh bại đại quân Hung Nô

Lý Mục là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, thời gian này quân Hung Nô thường tràn biên giới nước Triệu cướp bóc, khi quân Triệu đánh chỗ này thì đến chỗ khác cướp, khi quân Triệu rút thì lại tràn sang cướp. Vì thế quân Triệu không có biện pháp nào để chặn quân Hung Nô.

Lý Mục được giao quân đóng ở vùng biên giới để ngăn chặn quân Hung Nô. Ông đưa ra kế sách vườn không nhà trống, rồi nhẫn nhịn cố thủ trong thành mà không đánh, ai trái lệnh tham chiến bị xử theo quân lệnh. Quân Hung Nô đến dù không bị đánh nhưng gặp phải vườn không nhà trống thì không cướp được phải tự rút về.

Triệu Vương cho rằng Lý Mục hèn nhát không đánh, nhắc nhở nhiều lần nhưng Lý Mục cứ vờ như không nghe. Triệu Vượng bèn thay tướng khác đến đem quân giao chiến nhiều trận với Hung Nô, kết quả quân Hung Nô quen địa thế và thông thạo tập kích đã đánh cho quân Triệu đại bại.

Lúc này Triệu Vương đành phục chức cho Lý Mục để chặn quân Hung Nô, Lý Mục ra điều kiện không được can thiệp vào kế sách của ông.

Danh tướng Lý Mục (Ảnh: Sina)

Lý Mục tiếp tục thực hiện kế sách cũ, thực hiện vườn không nhà trống và thủ trong thành, củng cố lực lượng, quyết không giao chiến.

Sau vài năm, lúc này quân Lý Mục có 1.300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, thế nhưng quân Hung Nô không biết lực lượng quân Triệu. Mặt khác sau vài năm cướp bóc quân Hung Nô đã quen với cảnh quân Triệu chết nhát chỉ lo phòng thủ chứ không tham chiến, nên nghênh ngang như chỗ không người mà chẳng phải lo gì, rất chủ quan khinh địch.

Khi sĩ khí lên cao, Lý Mục chủ động đưa quân tấn công quân Hung Nô rồi giả thua vứt hết khí giới bỏ chạy, quân Hung Nô chủ quan đưa hết 10 vạn kỵ binh tràn sang biên giới quyết đuổi theo quân Triệu và rơi vào trận phục binh do Lý Mục chuẩn bị sẵn. Hai cánh quân của Lý Mục xông ra đánh bại 10 vạn đại quân Hung Nô, từ đó trở về sau quân Hung Nô vô cùng sợ hãi không còn dám cướp phá nữa.

Nhờ nhẫn nhịn vài năm mà chỉ một trận đánh Lý Mục đã khiến quân Hung Nô đại bại không còn dám cướp phá như trước nữa.

Hàn Tín chịu nhục chui háng

Hàn Tín là đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã đánh bại nhà Tần, chặn Sở, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, thu Tề, đánh trận «thập diện mai phục» với Hạng Vũ lưu danh sử sách, cuối cùng khiến nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Sở dĩ ông có năng lực lớn thế là nhờ có tâm Đại Nhẫn.

Thời còn trẻ Hàn Tín luyện võ, học phép dùng binh và thường khoác bảo kiếm đi ngoài đường. Một hôm, ngay trên phố sá sầm uất, Hàn Tín mang kiếm đang đi trên đường thì gặp một đám côn đồ, một trong số chúng hét lên: «Này, ngươi trông thật nhát gan. Tại sao ngươi mang kiếm?»

Hàn Tín không muốn trả lời và chỉ muốn đơn giản bước đi. Điều này khiến đám côn đồ vô lại giận dữ hơn nữa. «Nếu nhà ngươi có gan giết ta thì hãy rút kiếm đâm ta xem nào. Nhưng nếu nhà ngươi nhát gan thì phải chui háng ta!»

Hàn Tín có tâm Đại Nhẫn nên mới thành nghiệp lớn (Ảnh: Internet)

Đám đông tụ lại hồ hởi theo dõi xem sự việc thế nào. Kẻ vô lại thấy Hàn Tín không dám đâm liền dang rộng hai chân ra thách thức. Hàn Tín dù là tay kiếm rất giỏi nhưng không muốn phạm pháp, nên đã cúi mình bò dưới hai chân kẻ vô lại kia. Những kẻ đứng xem đều cười lên thích thú chế giễu Hàn Tín hèn nhát mà cũng mang theo kiếm.

Hàn Tín sau này trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, giúp Lưu Bang đánh thắng hết trận này đến trận khác. Lưu Bang không có Hàn Tín giúp thì cũng không thể lập ra nhà Hán được. Bản tính khoan dung và tâm đại nhẫn phi thường của Hàn Tín đã đặt nền móng cho sự thành công của ông.

Nếu như lúc đó Hàn Tín vung kiếm vì bị chọc giận, ông sẽ bị xét xử vì tội sát nhân, và con đường học tập của ông sẽ bị gián đoán ảnh hưởng, làm hỏng cả tiền đồ phía trước.

Nội hàm của chữ Nhẫn

Chữ Nhẫn () gồm có chữ tâm () ở dưới vì chữ đao tức dao () ở trên. Chữ «đao» có hàm ý phải tôi luyện, mãi dũa mà thành.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn

Chữ đao () này còn có thêm một nét gạch nữa thể hiện độ sắc bén của dao kề vào trái tim tức chữ tâm ở dưới. Ý nghĩa một con dao sắc bén cứa vào tim đối với người bình thường phải rất đau đớn quằn quại.

Thế nhưng chữ tâm nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ «Nhẫn». Tâm này vẫn bất động, dù dao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không Nhẫn được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra tâm Đại Nhẫn.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm thành được được việc to lớn, những ai sống chỉ vì tranh vì đấu, suốt đời sống trong ủy mị, dằn vặt và đau khổ, họ không thể làm được việc gì lớn lao cả.

Trần Hưng


Người có thể thắng mà không cần thắng mới thực sự là cao nhân



Người có thể thắng mà không cần thắng
mới thực sự là cao nhân



Đời người, đôi khi thắng chưa hẳn đã chứng tỏ đó là người có trí tuệ, là bậc cao nhân. Trái lại, thua cũng chưa hẳn là người tầm thường, kém cỏi.
Vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, Tả Tông Đường được xưng là người có tài năng kiệt xuất và gan dạ hơn người. Ông là người tỉnh Hồ Nam. Theo sử sách ghi chép, Tả Tông Đường là người thông minh thiên bẩm. Thời thanh niên, ông có tài nhưng không gặp thời, mãi đến tuổi trung niên mới được bạn bè tiến cử làm quan.
Về sau này, qua cách xử thế của Tả Tông Đường trong cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc, thu phục chiến dịch biên cương thì tài năng quân sư và chính trị tuyệt vời của ông mới được hiển lộ rõ ra. Vì vậy mà Tả Tông Đường được người đời xưng là «Gia Cát Lượng tái thế».

Đôi khi thắng chưa hẳn đã chứng tỏ đó là người có trí tuệ
(Ảnh sưu tầm)
Tả Tông Đường còn rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ. Kỳ thực gần như không có ai là đối thủ của ông. Trong những câu chuyện kể về thú vui chơi cờ vây của Tả Tông Đường, người ta còn lưu lại một câu chuyện xưa «Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ» khiến người đời phải suy ngẫm như thế này:
Có một lần Tả Tông Đường dẫn quân xuất chinh. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một ngôi nhà tranh, bên trên treo một tấm biển «Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ». Tả Tông Đường rất không phục liền tiến vào nhà tranh đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ liền.
Kết quả, chơi cả ba ván cờ, người chủ nhân này đều bị thua. Tả Tông Đường hưng phấn dạt dào, rồi cười lớn và nói: «Ông có thể hạ tấm biển này xuống được rồi!» Nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, vui vẻ dẫn quân đi tiếp.
Không lâu sau khi Tả Tông Đường quay trở lại con đường ấy để về triều. Khi ông đi ngang qua ngôi nhà kia, ông ngạc nhiên vì nhìn thấy tấm biển «Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ» vẫn không bị chủ nhân dỡ xuống. Tả Tông Đường có chút suy nghĩ rồi liền bước vào trong nhà và lại đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ nữa.
Kết quả, lần này, chơi cả ba ván cờ, Tả Tông Đường đều bị thua.
Tả Tông Đường rất kinh ngạc liền hỏi vị chủ nhân xem nguyên nhân là vì sao?
Người chủ nhân của ngôi nhà chậm rãi đáp: «Thưa ngài, lần trước là trên thân ngài còn mang trọng trách lớn, phải dẫn binh đi đánh giặc. Tôi đương nhiên không thể làm giảm nhuệ khí của ngài được. Hôm nay, ngài đã thắng lợi trở về, tôi đương nhiên có thể chơi hết sức mình, không nhân nhượng, việc đáng làm thì phải làm thôi!»
Tả Tông Đường nghe xong những lời này liền bừng tỉnh đại ngộ, hơi một chút xấu hổ nhưng trong lòng lại vô cùng bội phục người chủ nhà này. Tả Tông Đường liền nói: «Ngài không hổ danh là ‘Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ’!»


Đôi khi thắng chưa hẳn đã chứng tỏ đó là người có trí tuệ
(Ảnh sưu tầm)

Trong bất kỳ một lĩnh vực nào đều có người đạt được những thành tựu xuất sắc nổi bật hơn người. Nhưng thông thường họ đều là những người có hàm dưỡng rất cao. Họ chẳng những có kỹ nghệ cao siêu mà khí độ cũng vượt quá người thường. Cũng có thể chính là bởi vì, lòng khoan dung độ lượng của họ lớn lại có đủ mỹ đức giỏi hiểu được ý người khác nên họ mới có thể đạt được thành tựu to lớn như vậy.
Đương nhiên cái «giỏi hiểu ý người khác» mà chúng ta nói đến ở đây cũng không giống như việc mà mọi người thường hay nói là «tinh khôn». Mà nó chính là thái độ đối nhân xử thế, là có lý tính kết hợp với chân thành, thiện ác phân minh, phải trái rõ ràng. Giống như người xưa từng nói: «Cao nhân thực sự trong thế gian chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định cần phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người.»
Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, chẳng phải cũng như vậy sao? Thông minh thì không nhất định là có trí tuệ nhưng trí tuệ thì bao gồm cả thông minh. Thông minh không nhất định là có mỹ đức, có mỹ đức mà lại thông minh mới giống như «hổ thêm cánh». Người thông minh thường thường xem trọng được mất, nhưng người có mỹ đức, trí tuệ biết dũng cảm buông bỏ và vượt qua, có thể tiến, có thể lui nên mới có thể ở trong hoàn cảnh hỗn tạp mà bảo trì được ý nghĩ thanh tỉnh, mới có thể nhẫn và ở vào lúc nguy nan, đột ngột mới có thể bình tĩnh tìm được hướng giải quyết.
Người ta nói: «Tai thực sự thính chính là có thể nghe được tiếng lòng, mắt thực sự sáng là có thể nhìn thấu tâm linh.»
«Nhìn, không hẳn đã là nhìn thấy.
«Nhìn thấy không hẳn đã là nhìn thấy rõ
«Nhìn thấy rõ không hẳn đã là nhìn thấy hiểu
«Nhìn thấy hiểu không hẳn đã là nhìn thấu.
«Nhìn thấu không hẳn đã là thông suốt.»

Thursday, May 24, 2018

Mẹ đạp xe đi bán rau chở con trong chậu nhựa



Mẹ đạp xe đi bán rau chở con trong chậu nhựa

Cập nhật lúc: 00:18 29/04/2017

Chỉ cần nhìn vào bức ảnh  người mẹ đi bán rau, bỏ con trong chậu nhựa đạp xe đi muôn nơi là ai cũng có thể lăn dài vài dòng nước mắt.


Bức ảnh mẹ đạp xe đi bán rau chở con
trong chiếc chậu nhựa làm lay động lòng người

MẸ - Người phụ nữ tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta, dù con bay cao, bay xa tới tận chân trời góc bể thì vẫn không thể quên đi hình bóng mẹ già hiền dịu. Ai sinh ra trong những gia đình nghèo khó lại càng hiểu rõ hơn về nỗi khắc khổ của người mẹ. Người phụ nữ vĩ đại ấy có thể hy sinh tất cả để bảo vệ đứa con bé bỏng của mình, mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn chi tiêu để dành dụm, nuôi ta khôn lớn, học tập nên người... Bởi vậy mới có câu:

«Đi khắp thế gian, không ai thương con bằng mẹ
«Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha».

Tình mẹ bao la như đong đầy theo năm tháng... Chúng ta lớn lên trên những giọt mồ hôi mặn nồng của mẹ. Con cái trưởng thành nhờ những điều tốt đẹp mẹ chỉ dạy năm xưa. Cuộc sống quanh năm chỉ có cơm, muối, dưa, cà nhưng dưới bàn tay không hề mượt mà của mẹ, ta vẫn có những bữa cơm đậm đà, dân dã của quê hương.

Thương mẹ là thế, đôi khi bắt gặp một hình ảnh bình dị chúng ta cũng có thể rơi nước mắt bởi cảm xúc lại ùa về, hình ảnh mẹ hiền lại như đang hiện hữu trong tâm trí mỗi chúng ta và bức ảnh người mẹ đạp xe đi bán rau chở con trong chiếc chậu nhựa trên đây cũng là một điển hình như thế.

Hình ảnh người mẹ quá đỗi bình dị đạp xe đi bán rau lại còn chở thêm một «thiên thần» nằm ngoan trong chiếc chậu đã khiến nhiều người cảm động.

Cũng có nhiều người chê trách sợ đứa trẻ nguy hiểm nhưng rất nhiều người tỏ rõ sự cảm thương khi cho rằng không ai trông con để mẹ đi chợ kiếm tiền nên mẹ mới phải «kềm cặp»  như vậy... Nhưng dù gì đi nữa chúng ta vẫn thấy được tình mẫu tử thật quá thiêng liêng, sự gắn kết giữa mối quan hệ này quá lớn... phải không các bạn?