Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Wednesday, August 29, 2018

Tiếng đàn Piano nửa đêm



Tiếng đàn Piano nửa đêm

Nguyễn Đại Hoàng

Lời tác giả: Một người bạn gởi cho tôi câu chuyện này, không rõ tác giả, một câu chuyện thực sự cảm động và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về cuộc sống. Bài viết gần như hoàn chỉnh tôi chỉ sửa một số lỗi chính tả và hiệu chỉnh lại một số đoạn cho rõ nghĩa hơn. Tựa do tôi đặt lại. (NĐH).

●●●

Một ngày anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen.

Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt:

Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây?

Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong sự hổ thẹn:

Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm!

Chị sầm mặt xuống:

Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc lên đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?

Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều mà anh muốn nhờ chị.

Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh:

Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa!

Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối:

Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.

Chị thở dài:

Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau.

Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi, tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

* Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây Đức. Chị tốt nghiệp đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau. Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.

Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán, chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta.

Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn.

«Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng…», đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ. Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn. Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.

Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống. Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm.

Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được. Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm, ...đàn... đàn… klavia… con muốn… Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm.

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì. Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: «… Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo… sống với cha êm như làn mây trắng… nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con… . với tháng năm nhanh tựa gió… ôi cha già đi cha biết không…».

Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó. Nó chìa cho chị một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát. Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ.

Chị hỏi, bốn tháng rồi hả. Nó gật đầu.

Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng:

Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con. .

Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg… .

Đoạn kết:


Tôi nghe người ta kể lại câu chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát «Người Cha Yêu Dấu» bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

●●●

* Lời phụ của Nguyễn Đại Hoàng: Câu chuyện đơn giản, không nhiều tình tiết, đã lấy đi nước mắt của nhiều người đọc. Tôi hình dung được cảnh người cha Việt Nam gầy ốm bệnh tật và đứa con gái tật nguyền tội nghiệp của anh trên đất khách quê người.

Tôi như thấy được hình ảnh đứa con gái tưởng nhớ người cha − mà em biết đã mất rồi – qua tiếng đàn Piano. Tôi biết tiếng đàn ấy đau đớn biết bao. Tôi nghe được cả lời ca nghẹn ngào của em…

«Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo… sống với cha êm như làn mây trắng… nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con… với tháng năm nhanh tựa gió... ôi cha già đi cha biết không…»

Em bé Việt Nam ở phương trời xa lạ kia ơi em thật là vĩ đại! Tôi hãnh diện vì em biết bao!
 Nguyễn Đại Hoàng

Tuesday, August 28, 2018

Một số trang web, blog với những chuyện hay



Một số trang web, blog
với những chuyện hay

Những câu chuyện ngắn:

Truyện viết:
1)
2)
Truyện kể:
2)
1)
Truyện đọc
2)
1)
Sách:
2)
1)

...

Ý cao tình đẹp



Ý CAO TÌNH ĐẸP



1) Tựa


Tuesday, August 21, 2018

Một bài pháp tuyệt vời



Một bài pháp tuyệt vời

Chuyện về loài chim ó:

Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, nhưng hoàn không có nóc, tức là phần trên được mở toang; con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một... tù nhân trong lồng đó.
Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay «chạy đà» khoảng 3- 4m đầu tiên. Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chim ó không thể bay lên, và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một «nhà giam» nhỏ không có mái!

Câu chuyện con dơi:



Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối.
Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác.
Tuy nhiên, nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay.
Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì nó chỉ có thể lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và, tất nhiên vô dụng, không thể bay đi.
Cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.


Câu chuyện về con ong nghệ:



Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết.
Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua... đáy ly.

Và câu chuyện về con người...

Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên.
Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt, vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ, tham lam.. và sự lệ thuộc vào người khác.

Đọc thêm


Người có trí tuệ xưa nay thường không sống «trong miệng» của người khác, cũng không sống «trong mắt» của người khác.
Gặp nhau là duyên mà không gặp cũng là duyên, gặp lại là duyên mà biệt ly cũng là duyên.
Trần thế mênh mông giữa đến và đi cho nên gặp hay không gặp cần gì phải đau khổ luyến lưu? Vậy bí quyết sống hạnh phúc vui vẻ là gì?
Bất luận bạn làm tổn thương ai thì xét về lâu về dài, đó đều là sẽ tự làm tổn thương đến mình..
Có thể hiện giờ bạn sẽ không cảm nhận thấy được nhưng nó nhất định sẽ chuyển động ngược trở lại và quẩn quanh bên bạn.
Phàm là bạn làm việc gì đối với người khác thì cũng là đối với mình, bạn khiến người khác trải qua điều gì thì sau này bạn nhất định sẽ trải qua điều đó..
Phật giáo truyền giảng về nhân quả không phải để hù dọa con người mà chính là có ý muốn nhắc nhở, bảo ban con người
Đây là chân lý, cho dù bạn có tin hay không thì nó vẫn cứ tồn tại không cách nào bị mất đi.
Đến với giáo lý nhà Phật không phải là để ký thác khi mất đi mà là để đối đãi đúng đắn với cuộc đời.
Nhìn thấu sự «vô thường» của nhà Phật chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều điều mặc dù là tốt đẹp nhưng sẽ không bền vững lâu dài. Hay rất nhiều khi chúng ta rơi vào thống khổ tưởng như không thể chịu đựng được nữa nhưng rồi chúng lại qua đi nhanh chóng.
Cho nên, «vô thường» là gợi ý tốt nhất cho cuộc đời. Nó khiến cho chúng ta ở trong hoàn cảnh biến đổi thất thường của cuộc đời mà có thể thăng hoa trí tuệ.
Học giáo lý nhà Phật để làm gì? Chính là để điều phục tự tâm (tạm hiểu: điều hòa, thu phục tâm).
Rất nhiều người chỉ vì muốn cầu sống lâu, cầu không bệnh tật, cầu tiền tài, cầu sinh con trai mà đến tu trì... Kỳ thật, đây đều là đã đi ngược lại với Phật Pháp.
Bái lạy không phải chỉ là khom lưng cúi người xuống mà là buông bỏ ngạo mạn.
Niệm Phật không phải là thể hiện ở số lượng thanh âm mà là thể hiện ở sự thanh tịnh của tâm địa. 
Chắp tay không phải chỉ là khép hai tay lại mà còn thể hiện sự cung kính.
Thiền định không phải là ngồi lâu đến mức không dậy nổi mà là trong tâm không bị dao động bởi bên ngoài.
Vui mừng không phải là ở khuôn mặt rạng rỡ mà là ở sự khoan khoái, dễ chịu trong lòng. 
Thanh tịnh không phải là ở sự vứt bỏ dục vọng mà là thể hiện ở tâm địa không mưu cầu cái lợi.
Bố thí quyên tặng không phải chỉ là cho đi hết vật chất mà là chia sẻ tấm lòng yêu thương.
Tín Phật không phải là học tập tri thức mà là thực hiện vô ngã.
Có những người khi ăn chỉ chuyên chọn những thứ mình yêu thích, ở cũng chọn chỗ mình yêu thích, kết giao bạn bè cũng chỉ chấp nhận người mình ưa thích… Vậy một khi gặp được điều mình không ưa thích sẽ không có cách nào tiếp nhận.
Kỳ thực, ngoại cảnh không thể vĩnh viễn cho bạn sự sung sướng, hạnh phúc. Chỉ có học được cách thích ứng được với cả điều mình không yêu thích thì mới vĩnh viễn có được niềm hạnh phúc!
Sống trên đời :
Không tranh giành chính là từ bi,
Không tranh cãi chính là trí tuệ,
Không nghe thấy chính là thanh tịnh,
Không nhìn chính là tự tại,
Không tham lam chính là bố thí,
Đoạn tuyệt cái ác chính là làm việc thiện,
Sửa đổi chính là sám hối,
Khiêm tốn chính là lễ Phật,
Tha thứ chính là giải thoát,
Thấy đủ chính là buông bỏ,
Lợi người chính là lợi mình.

Rất nhiều khi chúng ta nhìn thấy sự hào nhoáng, phù hoa mà lại không nhìn thấy một «mạch nước ngầm» đang khởi động:
Có một ít người biểu hiện bề ngoài hạnh phúc là bởi vì họ đang che dấu nỗi khổ khó tả.
Có một ít người bên ngoài nở nụ cười nhưng trong lòng lại đang có âm thanh của nước mắt.
Có một ít người thường hay khoa trương nhưng kỳ thực trong tâm linh lại có nhiều hư không… 
Bình luận của người khác thực sự không quá trọng yếu như vậy, hạnh phúc và vui vẻ của bản thân là không phải ở trong con mắt của người khác mà là ở chính trong tâm mình!

Tuesday, August 7, 2018

Phật ở đâu?!



Phật ở đâu?!

Cả nhà tôi đi chùa Hương, bé Ớt nhà tôi 11 tuổi, một trẻ con thành thị điển hình chỉ biết gắn chặt với màn hình vi tính và những điệu nhảy hip-hop hiển nhiên ậm ạch khi vừa phải leo núi vừa chen chúc…
Bé hỏi luôn: «Mẹ ơi mình phải leo núi thế này để làm gì?». Tôi trả lời không cần suy nghĩ: «Để đi lễ Phật con ạ».
Bé lại hỏi: «Phật ở đâu hả mẹ?». Ngẫm nghĩ một lúc, tôi chọn câu trả lời cho có vẻ gần gũi một chút: «Phật trong tim mình con ạ. Khi con phải lựa chọn giữa hai việc tốt và xấu, mà con dám chọn việc tốt để làm, cho dù khó khăn, thì khi ấy con đã có Phật ở trong mình.» Bé Ớt vẫn không buông tha: «Phật ở trong tim mình rồi thì việc gì mình phải leo lên đây cho khổ hả mẹ?»
Câu hỏi của bé làm tôi suy nghĩ nhiều về hành động đi lễ chùa của mình. Tôi sẽ cầu gì khi chắp tay cúi mình trước tượng Phật?
«Con cầu xin cho cả nhà con được khoẻ mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, các cháu ngoan, học giỏi, con viết được những tiểu thuyết hay...» – toàn những điều có lợi cho bản thân mình.
Tôi nhìn ra những người đang chen chúc cúi đầu lầm rầm khấn vái xung quanh và tự hỏi: họ xin được hoá giải tội lỗi, thăng quan tiến chức, có nhiều tiền của, nhà lầu xe hơi, đi nước ngoài nước trong hay cầu cho kẻ thù khuynh gia bại sản???
Tôi lại hỏi mình: mình giảng giải cho con như thế về Phật, nhưng liệu mình có làm được như thế? Tại sao mình đi chùa Hương lễ Phật tới 2 lần? Với thời gian ấy, với chi phí ấy để đi lễ chùa, giá như mình bỏ ra để tặng, để chăm sóc cho một cháu bé mồ côi, cho một người già không nơi nương tựa, thì có hữu ích hơn không, tâm mình sẽ thanh thản, lòng mình thoả mãn hơn không?
Một lần, tôi vào miền Trung, cầy cục tìm vào tận nhà anh Lê Nuôi, người từng một thời là chồng của nghệ sĩ Lê Vân. Anh có một biệt thự tuyệt đẹp ven sông, và ngôi biệt thự này không bao giờ đóng cửa, bất cứ người nào dù quen biết anh hay người lạ, đều có thể vào nhà anh tá túc, ở chơi, thức ăn có trong tủ lạnh, tự nấu, tự ăn, ở rồi đi tự do như nhà mình. Có lẽ vì cái tình hiếm có đó của anh, mà ngôi biệt thự dù không có bảo vệ, dù mở cửa thông thoáng đêm ngày, nhưng không bao giờ mất trộm.
Trong khuôn viên biệt thự, anh trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều đồ lưu niệm đẹp đẽ và giá trị, người nào đến ở, nếu thích có thể lấy đi để giữ làm của riêng, nhưng không được lấy đi bán. Cũng có người đến lấy đi, nhưng lại có người khác mang đến tặng anh những thứ khác, và ngôi biệt thự góc nào ta cũng có thể ngắm say sưa, vì những món đồ, những điều đẹp đẽ ngự trị...
Trò chuyện với Lê Nuôi, tôi thấy anh vô cùng bức xúc về chuyện có những nhà thờ, những chùa chiền giờ đây mọc lên trên khắp đất nước chúng ta, xây cao to đẹp đẽ với số tiền lên tới hàng chục tỷ mỗi ngôi chùa, nhưng tối đến thì lại khoá kỹ kín cổng cao tường, kẻ thất cơ lỡ vận không nhà không cửa chẳng vào được cửa Phật để tá túc, phải nằm ghé mái hiên lạnh lẽo bên ngoài! Vô lý lắm thay! Cửa chùa rộng mà lòng người lại hẹp!
Vậy thì Phật có ở chùa hay không?
Nguồn: Tầm Nhìn

Thursday, August 2, 2018

Chị Agnès



CHỊ AGNÈS

Vĩnh Chánh

Vào năm Terminale tôi chuyễn trường từ Providence ở Huế vào Lycée Blaise Pascal tại Đà Nẵng, và tạm trú trong biệt thự của người chị con bác ruột tại đường Nguyễn Thị Giang trong suốt niên học. Gia đình anh chị Châu có 4 đứa con, gồm 3 trai và một gái út đang ở lứa tuổi từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp. Gia đình rất mộ đạo, tối nào cũng đọc kinh chung với nhau trước bàn thờ. Tôi cũng tham gia khi không quá bận với các bài học.


Thỉnh thoảng, vào cuối mỗi hai tuần, thân phụ của anh Châu đến thăm, mang những sản phẩm trong vườn nhà tại Hòa Vang, như các loại rau, ớt, su le, mướp, khoai lang, chuối, ổi, nhản, mận, mít, bòn bon, chanh, xoài, cà na…cùng với gà vịt tươi. Ngoài ra ông còn mang theo 2 chị em, là cháu ngoại của ông, kêu anh Châu bằng cậu, từ trong nội trú của dòng nữ tu Sacré Coeur tại Đà Nẵng, về ở chơi suốt ngày thứ Bảy rồi đem trả về lại nhà dòng sau lể sáng Chủ Nhật. Người chị lớn tên Thanh, còn được mấy đứa nhỏ trong nhà kêu chị Agnès, thua tôi khoảng ba hay bốn tuổi. Mỗi khi đến chơi, Thanh luôn mặc đồng phục màu xanh da trời, nhìn vào biết ngay đang là đệ tử thanh tuyễn.

Ngoài chuyện thỉnh thoảng tôi chỉ dạy cho các cháu nhỏ chút bài vở, nhất là các bài tập về toán vào cuối tuần theo sự yêu cầu của cha mẹ, cả đám xúm xít ngồi nghe tôi kể chuyện, thường là vào tối Thứ Bảy, bao gồm bốn đứa con của anh chị chủ nhà, hai chị em Thanh, và một đứa cháu trai khác là con của em gái chị chủ nhà. Tất cả đám, từ Thanh lớn nhất cho đến đứa nhỏ nhất, đều kêu tôi bằng cậu. Từ chuyện tôi vui chơi lang thang một mình khi còn nhỏ trong vườn rộng lớn đầy đủ loại cây ăn trái của OB Nội tôi, như trèo cây hái trái, bắt ve sầu bằng mủ mít, bắt châu chấu cho chim con, bắt dế cho đá nhau, lấy tre làm gươm… trong thời gian gia đình tôi còn ở Phủ Cam, cho đến các chuyện ma kinh dị, các truyện đường rừng mà tôi nghe được từ các bà chị ông anh của tôi, rồi chuyện vui buồn 7 năm học của tôi tại trường Providence với các Cha người Pháp thuộc Dòng Thừa Sai Mission Étrangère de Paris. Tôi cũng kể những đoạn hay trong các truyện tàu như Nhạc Phi Chung Vô Diệm, Tề Thiên Đại Thánh và Đường Tam Tạng, Tôn Tẩn Bàng Quyên, Việt Vương Câu Tiển nàng Tây Thi và Ngô Phù Sa , Trận Xích Bích, Luu Bị Tào Tháo Khổng Minh, Triệu Tử Long cứu ấu chúa... Rồi lần lượt kể luôn những tác phẩm văn chương Pháp tôi còn nhớ, đã học hay đọc qua, của Lamartine, Victor Hugo, Molière, Corneille, Romeo et Juliette, Les Miserables, Quasimodo của Nhà Thờ Đức Bà, Les Trois Musquetaires, Vingt Ans Après, Le Comte de Monte Cristo, Les Grands Coeurs, cùng một số tác phẩm của các văn hào người Nga và một loạt truyện của AJ Cronin như La Citadelle, Les Vertes Années, Les Clés du Royaume, Trois Amours, là những truyện có lẻ phần nào ảnh hưởng đến tôi về sau khi tôi chọn theo học Y Khoa.

Những tối cùng ngồi trên sân thượng, nhất là vào những đêm có nhiều sao, tôi cũng giải thích chút xíu về thiên văn, giải ngân hà, các chùm sao Petite Ourse, Grande Ourse, Étoile Polaire kèm theo câu chuyện thần thoại Hy Lạp…Cách tôi kể chuyện có vẻ hấp dẫn vì không những các câu truyện đều mới lạ với đám trẻ trong lứa từ 7 tuổi cho đến 15 tuổi mà còn vì tôi có khuynh hướng thêm chổ này bớt chổ nọ cho câu chuyện thêm phần ly kì và lý thú. Cả đám thường hả miệng chăm chú ngồi nghe một cách say sưa, súyt soa khi đến phần nguy hiểm, vổ tay khi người xấu bị loại và người tốt thắng, hoặc la hét ngồi sát với nhau vì sợ ma trong các chuyện kinh dị. Chị Agnès cũng thích thú lắng nghe như bọn nhỏ, tuy có phần yên lặng, kín đáo hơn và ngồi tách xa hơn.

Một trong những truyện tôi kể, có lẻ chị Agnès thích nhất là truyện Les Étoiles của Alphone D’Audet. Đó là câu truyện ngắn về một chú chăn cừu thường xuyên đưa đàn cừu của ông chủ lên núi và ở đó đôi khi cả vài tháng. Ở trên cao, chú thường nhìn xuống so sánh ánh sáng làng mình với ánh sáng của các vì sao trên trời, đồng thời nghĩ đến những sinh hoạt hàng ngày tại trang trại, và đôi khi chú cũng mơ mộng về Stephanette, cô con gái trẻ đẹp như thiên thần và rất thương người của ông chủ. Ngày tiếp tế lương thực, chú không ngờ chính Stephanette tình nguyện cởi lưng lừa đem lương thực đến vì mọi người trong trang trại đều bận. Quá bối rối và vui sướng vì đây là lần đầu tiên được cô chủ nhỏ đích thân tiếp tế lương thực, chú chăn cừu chỉ cho cô chủ bầy cừu, chổ ăn ngủ của mình và giảng bày sinh hoạt hàng ngày của mình…Khi cô chủ nhỏ chào ra về vào xế trưa, chú cảm thấy tiếng đá lăng dưới móng chân lừa y như tiếng đá rơi vào lòng chú. Vào lúc trời gần tối, bổng dưng chú nghe như ai gọi tên mình vọng lên từ dưới dốc, sau đó cô chủ nhỏ bất ngờ xuất hiện trên lưng con lừa, không tươi cười như vùa qua, mà ướt sủng, rét run và sợ hải. Thì ra cô gần chết đuối khi vượt qua con suối với nước dâng lớn và chảy xiếc sau trận mưa hồi đêm.

Thế là chú phải an ủi Stephanette đừng quá lo lắng, rồi lăng xăng dọn bửa ăn tối, soạn chổ ngủ cho nàng nằm trong lán gần mấy con cừu cho được ấm. Còn chú thì ra ngoài sân trống, nằm bên cạnh đống củi bùng sáng trong lửa. Nhưng nàng không ngủ được vì các con cừu cựa mình sột sột rồi be be. Nàng đành ra bên ngoài ngồi gần đống lửa, bên cạnh chú. Chú cảm thấy thế giới đêm nay bổng trở nên huyền bí hơn với hương đêm ngọt ngào, những âm thanh của thiên nhiên, tiếng nổ lách tách của các que củi cháy, những rung động nhỏ nghe thật gần gủi của cây cỏ xung quanh, tiếng suối văng vẳng nơi xa, những vì sao lấp lánh nhiều hơn trên trời…Rồi chú giải thích cho nàng khi có sao băng xẹt trên trời tức là phải cầu nguyện cho một linh hồn lên thiên đàng, chỉ cho nàng thấy vị trí và tên những chùm sao, mà quan trọng nhất với nhóm người chăn cừu là Sao Mục Đồng vì đó là Sao Hôm, kim chỉ thời gian cho chú xua đàn cừu về chuồng và đó cũng là Sao Mai để lùa chúng ra khỏi chuồng trước sáng. Thao thao kể chuyện, chú cảm thấy có cái gì mịn màng êm ái đè nhẹ xuống vai mình. Thì ra nàng đang tựa đầu vào vai chú thiêm thiếp giấc nồng. Về phần chú, ngồi yên cho nàng tựa đầu, chú ngắm nhìn ngàn sao tiếp tục chuyễn động trầm lặng lung linh trên trời từ từ mờ dần trong ban mai, để cảm nhận một ngôi sao nhỏ bé, sáng nhất và thanh tú nhất đang lạc đường và đậu trên vai mình.

Giữa Thanh và tôi, chúng tôi luôn giữ một khoảng cách tuy rằng, giống như mấy đứa cháu nhỏ kia, càng lúc càng thân tình một cách tự nhiên, và tôi luôn miệng kêu Thanh là chị Agnès - một sự nể nang kính trọng cho những người tu hành, cũng như tôi cũng đã từng kêu Chú tất cả 11 bạn học cùng lớp ở Providence nhưng đang tu tại Chủng Viện gần trường mà về sau đều trở thành linh mục. Có lần tôi hỏi Thanh vì sao chọn bổn mạng Agnès vì theo tôi tên Thánh Agnès không mấy thông dụng, chị trả lời do mẹ đở đầu chọn. Khi vào dòng tu, chị mới biết Agnès, có nghĩa là cừu con theo tiếng Latin, bị xử tử bởi quân dữ La Mã vì đã làm nhiều phép lạ cứu người nhân danh Chúa Giê Su khi chỉ vào khoảng 13 tuổi. Về sau Agnès được Giáo Hội Công Giáo phong Nữ Thánh Agnès và là biểu tượng cho sự thanh khiết, lòng trinh bạch, sự trong trắng mộc mạc.

Có một lần, tôi múa miệng khoe với chị Agnès là tôi biết coi chỉ tay, vì tôi có đọc qua 2 cuốn sách La Main Qui Parle và Les Lignes De La Main. Đó là hai cuốn sách mà Măng tôi thường xuyên nghiên cứu và thỉnh thoảng giảng dạy cho tôi đôi chút trong những khi cầm bàn tay tôi để so các chỉ tay. Thế là chị đưa bàn tay cho tôi đọc. Tôi vừa cầm tay chị Agnès vừa thao thao bất tuyệt giảng và chỉ vào lòng bàn tay các ligne de vie, de tête, de coeur, de destinée mà nhiều người còn gọi là ligne de chance và vài lignes nhỏ phụ khác như de santé, de soleil, de l’amour, de l’argent, de l’intuition…thì bổng ông Ngoại của chị bước đến gần, trừng mắt với chị và ra dấu bắt chị vào bên trong nhà. Chị Agnès đứng dậy đi ngay; phần tôi cảm thấy mình thật vô ý, vụng về, và sượng cả người.

Kể từ tối hôm đó, những chuyến về thăm cậu mợ của chị Agnès thưa dần. Mà nếu có thì cả hai chúng tôi cố tình lẫn tránh không chạm mặt nhau, vì cảm giác luôn có sự theo dỏi nghiêm khắc của ông ngoại của chị làm chúng tôi cảm nhận phần nào chút mặc cảm tội lổi. Phần tôi quen thuộc dần nên theo bạn cùng lớp vui chơi vào cuối tuần nhiều hơn, hai chị em Agnès ít ở lại tối Thứ Bảy. Cuối niên học, sau khi đậu Bac 2, tôi rời hẳn Đà Nẵng, về Huế thi vào học Y Khoa. Image result for hình ảnh nữ tu cầu nguyện

Các nữ tu khấn hứa trọn đời (hình minh họa)

 Vào cuối năm thứ 2 Y Khoa, tôi nghe tin chị Agnès đậu tú tài toàn, nhận được ơn kêu gọi, đồng thời xác tín tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình khi chị khấn hứa trọn đời và chính thức trở thành một nữ tu Dòng Thành Tâm (hình số 1). Một vài năm sau, Chị Agnès nhận trách nhiệm đến phục vụ trại cùi tại làng Hòa Vân, được xây dựng bởi một Mục Sư người Mỹ vào đầu năm 1968 và ẩn mình kín đáo dưới chân núi Hải Vân nhìn ra biển (hình số 2), mà phía trái là biển Lăng Cô. Đây cũng là nơi mà các bệnh nhân trại cùi ở Huế, vốn nằm ở phía sau BV Huế, được chuyễn đến, khi cơ sở tại Huế bị thiệt hại nặng trong biến cố Mậu Thân. 


Làng Hòa Vân từ trên cao nhìn xuống (hình từ internet)

Vài năm sau, khi dân số làng cùi Hòa Vân đạt trên ba trăm người, do từ những trại cùi các địa phương khác đưa về, bao gồm vừa bệnh nhân và gia đình của họ, đó chính là thời điểm chị Agnès đến tăng cường nhóm 2 nữ tu có sẳn, đem lòng thương khó phục vụ dân làng cùi, trực tiếp chung sức săn sóc bệnh nhân, chăm lo đời sống tinh thần và sức khỏe cho dân làng, xây dựng từ từ bệnh xá nhỏ, nhà sinh hoạt, nhà nguyện, cũng cố niềm tin và lòng tự trọng cho bệnh nhân cùi luôn cảm thấy bất hạnh và mặc cảm vừa bị trời phạt vừa bị xả hội kỳ thị, hắt hủi và ruồng bỏ. Về vật chất, dân Làng Hòa Vân sống nhờ vào hổ trợ xả hội từ chính phủ và cơ quan y tế địa phương và từ những thu hoạch riêng của họ qua trồng trọt, chăn nuôi và đánh lưới bắt cá cận biển.



BS. người Đức Malfred Ludwig, BS. Ngô Văn Tường và BS. Hà Thị Như Minh (tư liệu cá nhân)

Từ năm 1972, bệnh viện Đức Malteser tại Đà Nẵng chính thức đảm trách chửa trị cho làng Hòa Vân. Các toán y tế bao gồm các BS. người Đức của bệnh viện Malteser, như BS. Malfred Ludwig, BS. Zimmerman (phụ chú hình số 2) cùng với các đồng nghiệp BS. tốt nghiệp từ trường Y Khoa Huế, như BS. Ngô Văn Tường (BV. Malteser) cùng vợ là BS. Hà Thị Như Minh (Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa ĐN), BS. Lê Thị Mỹ (hình số 2), BS. Trần Tiễn Lương Hoa (BV Malteser) nhận trách nhiệm săn sóc sức khỏe làng cùi Hoa Vân. Đây là một việc làm phát xuất từ lòng từ tâm của các vị BS. và họ đã đến thăm, khám bệnh cho thuốc từng mỗi cuối tuần. Thỉnh thoảng các BS. Giải Phẩu người Đức cũng tham gia hội chẩn và chọn các bệnh nhân đã âm tinh với vi trùng cùi Hansen để đưa vào bệnh viện Malteser giải phẩu chỉnh hình tay chân hay ghép lông mày.

Từ trái qua phải: 1. BS. Lê Thị Mỹ (ngồi quay mặt. BS. Mỹ mất tích trên biển sau biến cố 1975 trên đường tìm tự do); 2) BS. Tường; 
3) BS. Như Minh (vợ BS. Tường) (Tư liệu cá nhân) 

Tháng 8, 1974, khi đoàn xe chuyễn quân Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù của tôi trên đường từ Điện Bàn đến tham chiến tại một vùng phía Tây Đà Nẵng tạm ngừng di chuyễn, tôi nhảy xuống xe và tình cờ nhìn thấy một giáo đường nhỏ nằm về phía phải và cách quốc lộ 14 chừng vài trăm thước. Tôi bước vào nhà thờ bấy giờ vắng hoe, đứng ở góc gần cửa ra vào, đọc kinh cầu nguyện xin Ơn Trên phù hộ cho tôi trong chuyến vào trận đầu đời lính của mình. Bước ra khỏi nhà thờ, tôi thấy một nữ tu trong bộ đồ màu xanh nhạt, có mang lúp cùng màu trên đầu, dáng người nhỏ và gầy; tôi tiến lại gần người nữ tu hỏi tên của nhà thờ giáo xứ. Sau đôi ba câu mở đầu, bỗng chị nữ tu thốt lên «Xin lổi ông, có phải ông là em của mợ Châu trước đây ở Đà Nẵng không?» Đang khi tôi chưa kịp nhớ tên người bà con, người nữ tu nói tiếp liền, có lẻ vừa đọc bản tên màu đen của tôi trên áo trận «Và ông tên Chánh phải không?»

Thế là chị Agnès và tôi cùng nhận ra nhau. Trong ít phút nói chuyện, Chị Agnès cho biết chị khấn hứa trọn đời vào cuối năm 1969. Sau trên một năm làm việc tại một giáo xứ trong Quảng Tín, chị được điều về làm việc ở làng Hòa Vân từ đầu năm 1971. Khi số bệnh nhân cùi trong làng Hòa Vân giảm dần vì tiến triển bệnh tình khả quan, phần lớn do sự tận tụy chửa bệnh của các bác sĩ Đức - Việt và sự sử dụng hữu hiệu các trụ sinh mới, vào đầu năm 1974, chị được Mẹ Bề Trên chuyễn đến nhà thờ Ái Nghĩa này, tại quận Đại Lộc, phụ trách dạy giáo lý cho các em trong giáo xứ. Phần tôi cho chị biết tôi nay là một bác sĩ nhảy dù và đơn vị đang di chuyễn vào vùng hành quân. Chị vừa chỉ tay về hướng núi trước mặt vừa cho biết là trong mấy ngày qua dân trong vùng này dồn dập dắt nhau tản cư đi nơi khác sau khi có tin Việt Cọng chiếm được quận Thường Đức nằm không quá xa nơi đây. Trước khi chào nhau tạm biệt, tôi chúc chị Agnès nhiều ơn phước trong sứ mệnh rao giảng đức tin và tình thương, và nhờ chị góp lời cầu nguyện cho tôi được bình an trong cuộc hành quân.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Agnès. Vào lần chuyễn vùng hành quân vài tháng sau đó, vào một ngày lạnh có mây xám và mưa của tháng 1, 1975, trong tôi không còn có những nao nức bồn chồn sôi động của lần mới vào vùng. Với tâm trạng của một người lính sống qua sự tàn phá chết chóc của trận chiến, miên mang suy tư về những khuôn mặt cương nghị, những ánh mắt quyết tâm, những tên không kịp nhớ nay đã ra đi, và những chiến binh sống sót giờ đây im lặng ngồi tư lự bên cạnh tôi trong cùng chiếc GMC, tôi chẳng để ý đến ngôi nhà thờ đoàn xe bỏ lại đằng sau hồi nào. Để tự hỏi Chị Agnès còn yên bình ở đó, nhà thờ có bị trúng pháo địch…

Qua một thời gian dài hơn cả một phần ba thế kỷ, và sau bao trôi nổi của cuộc đời, tôi có dịp liên lạc với đứa cháu có mặt cùng thời với tôi trong nhà anh chị Châu ở Đà Nẵng, và được cho biết anh chị Châu có cuộc sống ổn dịnh tại Pháp, 4 đứa con đều thành đạt. Người em gái của chị Agnès về sau cũng trở thành một nữ tu và đã về hưu trí tại nhà dòng Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Riêng chị Agnès tình nguyện trở lại phục vụ người cùi, không phải ở làng Hòa Vân mà tại trại cùi Quy Hòa, cách thị xả Quy Nhơn khoảng mươi cây số, sau khi làng Hòa Vân lần lượt bị giải tỏa bởi chính quyền mới, với tin truyền miệng một số bệnh nhân bị chết khi chiếc tàu chở họ bị đắm ngoài biển, do tai nạn hay do bàn tay sắp xếp của nhóm người vô thần, và số còn lại được đưa vào Quy Hòa. Một số ít khác được cho ra Đà Nẵng nếu xét tình trạng căn bệnh phần nào ổn định.

Trại Quy Hòa, yên tỉnh và biệt lập trong một thung lũng bao quanh ba mặt bởi núi và mặt còn lại tiếp giáp với biển, được thành lập từ đầu thế kỷ 20 do BS. người Pháp Lemoine hợp chung với các cố đạo và nữ tu người Pháp. Nơi đây cũng là nơi có ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mạc Tử, một bệnh xá khá rộng, cả trăm căn nhà lớn nhỏ cho bệnh nhân và một giáo đường nghe nói có móng sâu bằng chiều cao của nhà thờ để chống bảo. Trước 1975 một năm và vài năm sau đó, lượng bệnh nhân cùi và gia đình gia tăng rất nhiều, có khi đạt đến trên cả năm ngàn người, khiến công việc nuôi ăn, săn sóc, chửa trị, phục vụ…trở nên khó khăn và phức tạp, đòi hỏi thêm nhân lực và thiện chí. Với kinh nghiệm từng làm việc với bệnh nhân cùi, lòng tận tụy và đức hy sinh sẳn có, chị Agnès lại lên đường tận hiến thêm một lần nữa cuộc đời mình cho nhóm người cùng cực nhất của trần gian, mang đến cho họ tình thương và niềm hy vọng. Để cuối cùng chị qua đời ngay tại trại Quy Hòa, nơi chị cống hiến cả 25 năm cuối cuộc đời mình, giữa sự thương mến vô tận của đại gia đình cùi của trại.

Tôi không thể biết khi chị Agnès vĩnh viễn nhắm mắt, có ngôi sao băng nào xẹt ngang trên trời cao không? Nhưng tôi nghĩ chị luôn sẳn sàng đón nhận ánh sáng vĩnh cữu từ hằng bao triệu sao khác đã có mặt trên thiên đàng.

Xin Chúa nhân từ cho linh hồn Agnès được yên nghĩ muôn đời và ánh sáng ngàn thu luôn soi sáng lên linh hồn chị.

Giờ đây, trại Hòa Vân hoàn toàn bị xóa tên, nhà cửa cơ sở bỏ hoang phế, kể từ khi vùng đất xanh đẹp yên tỉnh này bị các lãnh đạo địa phương chiếu cố, và trưng dụng cho dự án xây cơ sở dưỡng hưu lớn cho các thành phần giàu có cao cấp. Trại Quy Hòa cũng chịu một số phận tương tự, biến thành một thắng cảnh du lịch, là nơi du khách đến tắm biển và thăm viếng ngôi mộ của Hàn Mạc Tử nhiều hơn các cơ sở đã từng là nơi ở, nơi săn sóc, nơi sinh hoạt, bệnh xá, di tích của những bệnh nhân cùi… Tuy nhiên, khách đường xa thỉnh thoảng vẫn được cho nhìn thấy một vài bệnh nhân cũ lãng vãng đây đó trong trại. Như một trưng bày vô cảm không hơn không kém cho mục đích thương mãi.

Vĩnh Chánh

Mission Viejo,

Ngày 27, tháng 6, 2018