Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Friday, May 28, 2021

Tình bạn của Lưu Bình và Dương Lễ

 

 Tình bạn của Lưu Bình và Dương Lễ

Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình giàu có nên đã đưa bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc.


Dương Lễ biết phận mình là con nhà nghèo nên ra sức học, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi.

Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan. Còn Lưu Bình thì thi rớt nên sinh ra chán nản, ăn chơi hơn trước, thi mãi không đậu, tiền của tiêu mãi rồi cũng hết.

Trong lúc đó, Lưu Bình nhớ đến người bạn thuở thiếu thời là Dương Lễ, hiện đang làm quan lớn nên tìm đến mong nhận được sự trợ giúp của bạn. Cay đắng thay, Dương Lễ lánh mặt không tiếp, chỉ dọn mâm cơm hẩm với đĩa cà thâm để đãi.


Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại quán trọ, làm quen với một cô gái xinh đẹp, đằm thắm tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình bị trượt hai kỳ thi, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên Lưu Bình nên bền chí. Nàng sẽ lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên lòng ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc nên duyên vợ chồng. 


Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn thể hiện tình cảm nhưng Châu Long cương quyết từ chối, nàng nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, đến khoa thi năm đó thì đỗ Trạng nguyên. 


Nhưng khi trở về nhà, Lưu Bình không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi, không ai biết nàng ở đâu. Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại biến mất vào lúc mình đã hiển đạt, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương.


Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ hằng mong rửa nỗi nhục mà Dương Lễ đã gây ra cho mình trước kia. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp và bất ngờ giới thiệu nàng Châu Long chính là thiếp thứ ba của mình.


Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình. Nhưng vì sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, nên Lưu Bình sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. 

Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa.

Cuốn sổ nợ của người mẹ kế

  

Cuốn sổ nợ của người mẹ kế

https://www.facebook.com/100674221352305/posts/203545631065163/

https://m.facebook.com/HaiTVinfo/photos/a.100966191591946/120489749639590

https://cdnth6875.org/2016/01/30/cuon-so-no-dac-biet-cua-nguoi-me-ke/

Mẹ bỏ nhà đi khi cô còn bé, cô sống với cha đến năm 5 tuổi thì cô có mẹ kế. Cha con cô sống ở nhà mẹ kế, mọi chi tiêu đều nhờ vào tiền của bà.

Mẹ kế có một người con trai lớn hơn cô ba tuổi, không ức hiếp cô nhưng rất ít nói, thỉnh thoảng lại dùng ánh mắt lạnh lùng nhìn cô. Bà có một cửa hàng bán trái cây, bà đối xử với cha con cô cũng rất tốt.


Kể từ ngày mẹ đẻ bỏ cô mà đi, cô sống khép kín, ít nói, không thân thiện với mẹ kế. Bà đóng học phí cho cô, giặt quần áo cho cô. So với những đứa trẻ khác, cô không quá hạnh phúc nhưng cũng không đến nỗi khổ sở.

Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm cô lên 10 tuổi, công trường nơi cha cô làm việc bị sập do quá cũ, công nhân làm việc ở đó bị vùi trong đống cát, trong đó có cha cô.

Lúc cô chạy đến bệnh viện, cô thấy người ta đã phủ tấm vải trắng lên người, mẹ kế đang khóc lóc vật vã bên cạnh. Cô đứng chết lặng trước phòng bệnh, cậu con trai của mẹ kế đẩy cô vào: «Nhanh lại nhìn cha lần cuối đi!». Nói rồi, cô chạy nhào đến, khóc thét một tiếng rồi ngất lịm trên người cha cô.

Ngày tiễn đưa cha, cô như người mất hồn bên di ảnh của cha, những người xung quanh xì xào, đứa bé thật tội nghiệp, kiểu gì chẳng bị mẹ kế đuổi ra khỏi nhà. Tối đó, cô mơ thấy mình quần áo rách rưới, ăn xin ở ngoài đường. Cô bừng tỉnh và cảm thấy sợ hãi vô cùng.

Sáng sớm, mẹ kế vẫn như thường ngày, thức dậy nấu cơm, gọi cô dậy ăn sáng rồi đi học như chưa có chuyện gì xảy ra vậy. Đầu cô đau như búa bổ, cô thấp giọng van nài: «Hôm nay con có thể nghỉ một hôm không ạ? Con nhớ cha!».

Bà lạnh lùng nói: «Không được! Không đi học thì cha cô có sống lại được không? Nếu có sống ông ấy cũng không đồng ý chuyện này đâu».

Cô vác ba lô đi học trong nước mắt. Trước khi ra khỏi nhà, mẹ kế đứng đằng sau la lớn: «Đặng Phương Anh, cô nhớ cho tôi, bắt đầu từ hôm nay, tôi không muốn nhìn thấy cô khóc, nghe rõ chưa?».

Cũng bắt đầu từ hôm đó, mẹ kế dường như không bao giờ cười với cô, thái độ của bà khác hẳn so với khi cha cô còn sống. Cô bắt đầu nghĩ đến lời dân làng nói và thấy nó đúng thật. Cô tự nhủ mình nhất định phải lớn nhanh và rời khỏi ngôi nhà này.

Năm học lớp bảy, lần đầu tiên có kinh, cô sợ hãi. Mẹ kế cô biết chuyện liền vứt cho miếng băng vệ sinh, cô loay hoay không biết thế nào, bà cũng không giúp mà nghiêng mắt nhìn cô: «Đặng Phương Anh, chuyện gì cũng phải dựa dẫm vào người khác mới làm được à?».

Cô uất ức nhưng không biết nói với ai, cô nhủ mình phải học cách tự lập, không được nhờ cậy vào ai nữa.

Cô bắt đầu học cách giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, khâu áo. Cũng từ đó, mẹ kế không giặt đồ cho cô nữa.

Mặc dù mẹ kế không phải là người học giỏi, con trai bà cũng không có thành tích học tập tốt, tốt nghiệp xong chuyển sang học trung cấp nhưng bà yêu cầu cô phải xếp nhất lớp, nếu không thì sẽ bị phạt.

Mặc dù năng lực học tập của cô không đến nỗi nhưng để giành được vị trí nhất lớp là điều quá khó khăn. Cô hận, hận người mẹ kế độc ác, đối xử hà khắc với cô, chắc bà ta đang tìm trăm phương nghìn kế để đuổi cô ra khỏi nhà, nhưng cô không thể ra đi lúc này được bởi cô không muốn làm một kẻ ăn mày.


Và rồi, cô lao đầu vào học, học ngày học đêm, có nhiều lúc buồn ngủ quá cô gục xuống bàn, một lát sau lại tỉnh dậy đi rửa mặt và học tiếp. Thực ra cô rất chán ghét việc học nhưng cô không có sự lựa chọn nào khác. Kết quả thi cuối năm, cô vượt lên bao nhiêu bạn trong lớp và giành được vị trí thứ ba. Giáo viên chủ nhiệm cùng các bạn trong lớp đều ngạc nhiên bởi không ai ngờ cô lại giành được vị trí như vậy. Ấy thế nhưng cô không có chút niềm vui của kẻ chiến thắng, bởi trong cô lúc này là nỗi lo phải đối mặt với mẹ kế.

Tan học, cô sợ phải về nhà, cô vừa bước đến cửa, mẹ kế đã chỉ thẳng vào góc tường và mắng: «Đúng là đồ phế vật, mau quỳ xuống cho tôi!». Thì ra, trước lúc cô về, mẹ cô đã đến hỏi bạn bè. Cô quỳ vào góc tường, không khóc một tiếng. Hai từ «phế vật» luôn ám ảnh trong đầu cô, nó thôi thúc cô quyết tâm phải đậu Đại học, để xem bà ta có dám mắng nhiếc cô thế nữa không.

Chuyện mua bán của mẹ kế không được thuận lợi như trước. Ngày nào về cô cũng nhìn thấy bà ngồi đếm những tờ tiền, mà tiền thì ngày càng ít đi. Cô cầu mong ông trời đừng để cho mẹ kế không kiếm ra tiền, vì như thế cô sẽ không được đi học nữa.

Lần đó, cô bạn gần nhà sang tìm cô, mẹ kế mở cửa, cô bé kia vội nói: «Bạn Phương Anh có ở nhà không ạ? Bạn ấy mượn sách tham khảo của cháu, sắp thi tốt nghiệp rồi, cháu đang cần gấp ạ!».

Sách tham khảo không hề rẻ chút nào, một bộ hai quyển dày cộm, giá của một quyển phải mất hơn năm chục nghìn, vì thế nhiều lần muốn xin tiền nhưng cô không dám mở miệng.

Hôm sau, bà bỗng đưa cho cô tờ một trăm nghìn, vứt vào người cô như kiểu bố thí: «Cầm tiền mà đi mua sách! Tôi không cho không đâu, tôi ghi hẳn vào sổ nợ đấy!».

Cô thi đậu vào trường điểm cấp ba, những tưởng rằng mẹ kế sẽ bớt đay nghiến cô nhưng khi bà cầm tờ giấy báo trúng tuyển căm cụi tính tiền học phí, lâu lâu lại lẩm bẩm trong miệng: «Đúng là con quỷ đòi nợ! Nếu không vì sau này cô sẽ trả nợ cho tôi thì còn lâu tôi mới nuôi cô ăn học!». Cô nói với mẹ ở trong ký túc cho đỡ tiền, bà dí tay vào trán cô nói với giọng đay nghiến: «Ở trong trường không tốn tiền à?».

Ba năm sau, khi cầm tờ giấy trúng tuyển đỏ rực trong tay, cô khóc. Kể từ khi cha mất, đây là lần đầu tiên cô khóc, cô khóc trong sự sung sướng. Ngày lên trường đăng kí nhập học, mẹ kế gói bánh cho cô ăn, bà không nói gì, cũng không tiễn cô. Còn cô thì vui mừng vì đã thoát được cái ngôi nhà này, giờ cô không cần tiền mẹ kế gửi nữa bởi cô đã có thể tự kiếm tiền thêm từ việc dạy kèm, nghỉ hè cô không về nhà và dần dần hình ảnh mẹ kế bị phai nhòa trong đầu cô.

Năm thứ ba, trước giờ giao thừa, cô nhận được điện thoại của cậu con trai bà. Anh ta chỉ nói muốn cô về nhà một chuyến rồi cúp máy. Cô không muốn quay lại ngôi nhà đó, nơi đó có gì để cô luyến tiếc đâu. Nhưng rồi, cô cũng về xem sao.

Về đến nhà, cô chỉ nhìn thấy người con trai ngồi ở ghế, cô cũng không muốn hỏi bởi vốn dĩ cô không quan tâm. Nhìn thấy cô bước vào, anh trai đứng dậy và đưa cho cô một quyển sổ cũ. Đó là sổ nợ của mẹ kế.

Cô cười nhạt, cầm quyển sổ trên tay, cô nhìn anh ta với vẻ mặt khinh bỉ: «Sao, bây giờ muốn đòi nợ tôi à?»

Bỗng từ trong sổ rơi ra một quyển sổ tiết kiệm, đó là số tiền sang sạp trái cây mà mẹ kế để lại cho cô, còn ngôi nhà thì mẹ để lại cho anh trai. Mẹ đã qua đời…

Đó không phải sổ nợ mà là quyển nhật ký của mẹ kế. Tay cô run run lật từng trang nhật ký, cô ngồi thụp xuống và nước mắt vỡ òa.

Mẹ kế viết: «Ông à, ông yên tâm, tôi không đi bước nữa đâu. Tôi nhất định sẽ nuôi Phương Anh ăn học nên người, nó sẽ làm ông mở mày mở mặt. Ông đừng trách tôi tàn nhẫn với con nhé. Phương Anh không giống với những đứa trẻ khác, nó không có cha mẹ bên cạnh, vì thế nó phải học cách kiên cường, tự lập, nhịn nhục, chịu khổ. Nó thi không giành được hạng nhất, tôi phạt nó quỳ là quỳ với ông, bởi người nó có lỗi nhiều nhất chính là ông.

«Tôi xuất thân từ nông thôn, không được học hành nhiều, tôi không biết liệu mình dạy con như vậy có đúng không nhưng giờ con bé đậu Đại học rồi, đã đến lúc nó tự lo cho bản thân mình được rồi. Tôi mừng cho nó, đã đến lúc tôi đi gặp ông, tôi mệt lắm rồi, tôi muốn được nghỉ ngơi!

«Phương Anh à, hãy cho mẹ được xưng hô mẹ với con. Mấy năm nay, con không về thăm mẹ, mẹ rất buồn. Chắc là con rất ghét mẹ đúng không, mẹ biết điều đó. Hãy cố gắng học tập thật tốt, tự chăm lo cho bản thân mình nhé! Tuy không phải con ruột nhưng mẹ muốn nói rằng: “Mẹ yêu con!”».

Tạ Quốc Việt (sưu tầm)

Thursday, May 27, 2021

Lá thư của người đàn ông sau 24 giờ ly hôn vợ

 

 Lá thư của người đàn ông sau 24 giờ ly hôn vợ

https://www.facebook.com/BeautyGardenCosmetics/posts/4032709993418095

https://vnexpress.net/la-thu-cua-nguoi-dan-ong-sau-24-gio-ly-hon-4252927.html

Mạng xã hội ngày hôm nay đang 'dậy sóng' bởi bức thư của người đàn ông tên Cố Điển Điển đăng trên trang cá nhân khi vừa chia tay vợ được 24 giờ:


«Hôm qua, tôi đã ly hôn vợ. Khoảnh khắc bước chân vào Cục dân chính, tôi tràn đầy niềm vui bởi từ giờ sẽ không bao giờ phải nghe người phụ nữ này cằn nhằn nữa. Tôi có thể thản nhiên hút thuốc hoặc đi nhậu với bạn bè, về nhà không còn nhìn thấy khuôn mặt cau có và già nua của cô ấy.

«Mặc dù bố mẹ tôi không đồng ý việc ly hôn và nói rằng thật đáng thương cho hai đứa trẻ, nhưng tôi đã chịu đựng nhiều năm rồi và không thể tiếp tục được nữa. Đối với các con quả thật tôi có lỗi, nhưng đều đặn đóng tiền sinh hoạt hàng tháng, chúng sẽ vẫn yêu tôi và mang họ của tôi.


«Sau khi ly hôn, tôi hẹn vài người bạn đi uống bia. Họ đều ghen tị khi biết tôi bây giờ rất rảnh rỗi. Một trong những người bạn nhận được cuộc gọi từ vợ khi anh ta vừa ăn được nửa bữa cơm, hỏi khi nào về nhà. Một người khác nhận được điện thoại từ đứa con, nói rằng đợi bố về để cùng giải bài tập.

«Lúc chưa ly hôn, vợ cũ chắc chắn sẽ gọi điện cho tôi, hỏi vài câu ngớ ngẩn với giọng điệu tức giận. Mỗi lần như vậy tôi chỉ đáp vài câu chiếu lệ rồi dập máy. Nhưng bây giờ thì khác, tôi đã tự do, sẽ chẳng ai gọi điện làm phiền và cũng chẳng ai nhắn tin giục về.

«Thật sự, có vài giây trong buổi tối đó, tôi có cảm giác người từng ở bên cạnh mình không còn nữa. Nhưng ngay sau đó, cảm xúc này bị tôi lãng quên, và dự định sẽ uống rượu với bạn bè cả đêm. Nhậu đến 1h sáng tôi bắt taxi về , trời đã tối và trong nhà không có ánh đèn, tôi vô thức gọi tên “vợ” và chợt nhận ra mình đã ly hôn. Tôi nằm trên giường, khát khô cổ và muốn uống một cốc nước nhưng chẳng ai rót nước cho. Tôi định đi tắm, nhưng không tìm thấy bộ đồ ngủ của mình.

«Hôm sau tôi ngủ một giấc đến 10h sáng, mở mắt ra thấy căn phòng im ắng khủng khiếp, không ai gọi tôi dậy ăn sáng. Tôi đứng dậy và đi vào bếp, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trong tủ lạnh có thịt bò và vịt, tất cả các món yêu thích , nhưng không ai chế biến giúp tôi bây giờ. Cuối cùng tôi chọn một gói mì ăn liền. Không còn ai ngăn cản chuyện ăn đồ nhanh không tốt cho sức khỏe nữa. Trong nhà im ắng, không một tiếng động nào.

«Sau khi ăn no, tôi nằm trên ghế sofa, vô tình nhặt được bài kiểm tra của con gái thứ hai rơi ở gầm ghế. Tôi mở ra xem mới biết con mình đã học tới lớp 5, phía dưới bài kiểm tra có chữ ký của vợ cũ.


«Lần đầu tiên tôi phát hiện ra vợ mình làm tất cả những việc trong gia đình này.

«Mới 24 giờ kể từ khi ly hôn, tôi cảm tưởng đã trải qua một tuần. Đây rõ ràng là nhà của mình, tuy sống ở đây nhưng luôn cảm thấy mọi thứ đều xa lạ.

«Tôi không thể tìm thấy bộ quần áo muốn mặc, không nhớ cái bấm móng tay ở đâu. Khăn giấy vệ sinh không còn nữa, cũng chẳng biết tìm ở đâu để thay thế. Căn bếp cũng trở nên xa lạ, đã không còn mùi thơm nữa. Sàn phòng ngủ bẩn nhưng tôi chẳng muốn động tay chân.

«Đột nhiên tôi cảm thấy mình đã trở thành “đồ bỏ đi”, chẳng biết làm gì ngoại trừ việc đi làm. Tôi thực sự hối hận, chỉ 24 giờ sau ly hôn, tôi bắt đầu nhớ những ngày tháng bên vợ.

«Trước đây, tôi luôn nghĩ làm phụ nữ thật dễ dàng, đàn ông kiếm tiền nuôi gia đình mới khó nhưng giờ tôi mới phát hiện vợ mình không sống dễ dàng chút nào. Cô ấy phải làm việc không kém gì đàn ông với những công việc không tên.

«Tôi thấy vợ mình già nhanh chóng, đôi khi chế nhạo cô ấy là “vợ béo” nhưng không biết lý do vì sao lại vậy. Đó là vì cô ấy ăn uống đạm bạc và không bao giờ mua các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, chăm chút cho bản thân.

«Tôi từng không thích vợ mình cằn nhằn, nhưng giờ mới hiểu đó là cách làm của nhiều phụ nữ quan tâm tới chồng. Cô ấy dặn tôi không được hút thuốc, không nghe điện thoại khi lái xe và không uống quá nhiều rượu vào ban đêm. Cái nào trong số này không phải vì lợi ích của tôi?

«Trên đời này thứ không mua được chính là thuốc hối hận. Có những người chỉ biết quý giá thứ gì đó khi đã mất đi. Thật nực cười, tôi phát hiện ra mình thuộc loại người này.

«Tôi nhớ khi mới kết hôn, vợ cũ chỉ là một cô gái mỏng manh và dịu dàng. Sau này, khi sinh con, nghe cô ấy hét lên đau đớn trong phòng sinh, lúc đó tôi tự nhủ mình phải dành cả cuộc đời để bảo vệ và nâng niu vợ. Nhưng bao năm rồi tôi không cho cô ấy được sống một ngày thoải mái, có khi công việc không suôn sẻ, về đến nhà là tôi phải xả hơi vào vợ, dẫn đến cãi vã triền miên.

«Tôi thấy trên mạng có câu: Đàn ông bất tài thích quát mắng vợ.

«Tôi từng ghét và phản đối câu nói này, bây giờ nghĩ lại, có lẽ tôi quá bất tài, không thể cho cô ấy và hai đứa con điều kiện sống tốt . Đôi khi cô ấy vu vơ nói kiếp sau sẽ không muốn trở thành phụ nữ, giờ thì tôi mới hiểu.

«Chỉ một ngày sau ly hôn, tôi phát hiện ra trong gia đình có quá nhiều việc đều do cô ấy làm. Không phải ngày một ngày hai mà là hơn mười năm rồi, tôi cũng tự hỏi bản thân ngoài việc kiếm tiền cho gia đình, mình còn làm được gì nữa không?

«Tôi không nấu ăn, không giặt quần áo, thậm chí không buồn vò đôi tất bẩn cũng như chưa bao giờ đi đổ rác. Tôi cũng không kèm bài tập về nhà cùng con và chưa khi nào đưa con đến trường. Ngay cả khi bố mẹ tôi bị ốm, vợ cũng là người phải chăm sóc.

«Cô ấy ăn uống đạm bạc và không bao giờ chịu mua những thứ đắt tiền, nhưng lại rất hào phóng với tôi, vì sợ chồng mất mặt bên ngoài. Cô bận rộn nhất khi gần đến Tết, không chỉ dọn dẹp nhà cửa mà còn chuẩn bị những bữa cơm thịnh soạn.

«Và bây giờ, tôi đã ly hôn với cô ấy.

«Tôi từng nghĩ ly hôn nhất định sẽ tìm được người khác tốt hơn, trẻ trung hơn. Nhưng soi gương thấy cái bụng bia nhô cao và mái tóc thưa dần, có lẽ chẳng còn ai yêu tôi như cô ấy từng yêu.

«Cuộc đời của một người phụ nữ, kể từ khi kết hôn, giống như dành những năm tháng đẹp nhất của mình cho một người đàn ông. Điều một người đàn ông cần là bảo vệ, cưng chiều và coi vợ như một công chúa nhỏ.

«Giờ tôi đã hiểu chân lý này, nhưng mọi thứ đã quá muộn.

«Nếu ông trời cho tôi một cơ hội, tôi sẽ không bao giờ cãi nhau với cô ấy nữa, và cũng không nói câu “ly hôn” một cách bốc đồng.»

Vy Trang (Theo sina)

Tuesday, May 18, 2021

Buông cho nhẹ

 Buông cho nhẹ


Câu chuyện ngắn này diễn ra trong một giảng đường, đúng hơn là một hội trường lớn ở một trường đại học nổi tiếng. Một vị nữ giáo sư chuyên ngành Tâm lý học đang bước những bước chậm rãi trên một bục giảng trong một giảng đường sinh viên ngồi kín.

Bấy giờ là giờ giảng về những nguyên tắc quản lý cảm xúc và kiểm soát căng thắng. Trên tay vị giáo sư có một ly nước. Chợt bà dừng lại đối diện với các sinh viên, tay nâng cao ly nước ngang trước mặt. Gần hết sinh viên trong khán phòng đều mong chờ một câu hỏi quen thuộc kiểu như: “Vơi hết một nửa rồi” hay “Còn đầy tới một nửa".


Nụ cười trên môi, bà hỏi: “Các bạn có thể cho tôi biết ly nước tôi đang cầm nặng bao nhiêu không?” 

Nhiều tiếng hô to các câu trả lời của nhiều sinh viên: Các con số từ 300 gram cho đến 600, 700 hay 800 gram.

Giáo sư bấy giờ mới trả lời: «Theo tôi, trọng lượng tuyệt đối của cái ly này không đáng kể. Nặng bao nhiêu tùy thuộc vào thời gian tôi giữ nó. Nếu tôi giữ chiếc ly trong 1 hoặc 2 phút, thì nó khá nhẹ. Nếu tôi giữ ly nước 1 giờ liền, trọng lượng của nó có thể làm tay tôi hơi đau.Nhưng nếu tôi cầm ly nước nguyên cả ngày, tay của tôi sẽ bị chuột rút, tê liệt, buộc tôi phải buông cái ly xuống.

Trong mọi trường hợp trọng lượng của ly không thay đổi, nhưng tôi càng giữ lâu, càng thấy ly nước nặng hơn». 

Trong khi cả lớp gật đầu đồng ý, bày tỏ sự tán thành, giáo sư tiếp lời: «Những áp lực và muộn phiền, lo lắng của các bạn rất giống như ly nước này. Nghĩ về những căng thẳng lo âu ấy chốc lát thôi chẳng sao cả. Nghĩ về những chuyện đó lâu hơn, bạn bắt đầu thấy đau nhức. Nghĩ về chúng cả ngày, bạn sẽ thấy tê liệt hoàn toàn không làm được gì cho đến khi buông bỏ chúng khỏi tâm trí».


Bởi vậy, đừng bao giờ giữ những lo âu, muộn phiền quá lâu trong mình. Hãy học cách buông để thân tâm ta sớm trở nên nhẹ nhàng bạn nhé!

Tuesday, May 11, 2021

Thành bởi cần, bại do tùy là vậy


Thành bởi cần,
bại do tùy là vậy

https://qtcs.vn/thanh-boi-can-bai-do-tuy-la-vay/

Tăng Quốc Phiên cả đời chuyên cần, đọc sách mỗi ngày không ngừng nghỉ, được mệnh danh là bậc sĩ đại phu của Nho gia. Cả một đời ông đã viết rất nhiều sách đối nhân xử thế, không ít tác phẩm được liệt vào hàng sách quý mà người đời trân trọng.


Tăng Quốc Phiên tự đặt cho mình 12 quy tắc làm người, trong đó có thể kể đến 2 điều sau:

– Mỗi ngày đọc sách, ghi chép lại lời tâm đắc.

– Mỗi tháng làm vài bài thơ viết vài bài văn, để kiểm nghiệm bản thân tích lũy được đạo lý nhiều hay ít, nuôi dưỡng được cái khí chất nhiều hay ít.

Ngoài ra, đối với việc đối nhân xử thế, ông còn có đôi điều tâm đắc, khiến cuộc đời 10 phần ắt sẽ 7, 8 phần thành công. Đôi điều tâm đắc ấy là:

1. Nhân sinh tại thế: Thành bởi cần, bại bởi tùy

Những ai đã từng tìm hiểu về cuộc đời của Tăng Quốc Phiên ắt đều biết rằng ông vốn dĩ không phải là người có trí thông minh thiên bẩm, thậm chí còn đôi chút ngốc nghếch. Lương Khải Siêu từng bình phẩm về ông: «Văn Chính không phải là thiên tài kiệt xuất, trong số hiền tài có thể nói là người chậm chạp vụng về nhất».

Ngay cả Tăng Quốc Phiên cũng thừa nhận rằng bản thân không hề có thiên chất hơn người, mà là người: «Bình sinh không có sở tài», «Tính cách đần độn». Tuy nhiên sau này, vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, ông chỉ dựa vào một chữ «cần» để thay đổi tất cả vận mệnh cũng như tư chất của đời mình.

Vốn không phải là người thông minh, Tăng Quốc Phiên chỉ dựa vào một chữ «cần» để thay đổi tất cả vận mệnh cũng như tư chất của đời mình. (Ảnh: dkn.tv)

Khi Tăng Quốc Phiên còn nhỏ, cha của ông đã dạy rằng làm người cần phải chăm chỉ chuyên cần. Khi lên 8 tuổi phải đọc sách, vì tư chất không bằng người nên ông học rất chậm, thông thường sách đọc qua một lần vẫn không thể hiểu nội dung. Vậy nhưng ông không hề chán nản, đọc một lần không hiểu thì đọc hai lần, hai lần không hiểu thì đọc mười lần, đọc tới cả trăm lần đến khi thấu hiểu thì thôi. Ông chuyên cần đọc sách từ sáng đến khuya, có nhiều khi đọc đến mức thổ huyết quên ăn cũng chẳng chịu ngơi nghỉ.

Có một giai thoại về ông như sau:

Một hôm Tăng Quốc Phiên đọc sách trong thư phòng thì có tên trộm lẻn vào nhà, vì thấy gia chủ còn thức nên hắn không thể ra tay mà trốn ở góc nhà, định bụng đợi gia chủ đi ngủ thì sẽ lấy trộm đồ. Ngờ đâu có một đoạn văn mà ông đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn không hiểu, không thuộc. Trong khi đó tên trộm ẩn trong góc nhà nghe qua mấy lần đã sớm thuộc làu làu rồi. Tên trộm đợi mãi, đợi mãi đến đêm đã rất khuya rồi mà ông vẫn không chịu đi nghỉ, hắn không nhẫn được nữa bèn nhảy ra ngoài nhạo báng: «Cái đồ ngốc nghếch nhà ngươi, có đoạn văn đơn giản như vậy mà học mãi cũng không thuộc, ta nghe có mấy lần đã nhớ từ lâu rồi». Nói xong tên trộm đọc một lượt trôi chảy rồi bỏ đi.

Tuy nhiên sau này Tăng Quốc Phiên lại hiển danh như một nhân tài kiệt xuất, là rường cột của quốc gia, còn tên trộm kia thì vẫn cứ mãi là một tên trộm.

Câu chuyện này đã nói nên rằng, người thông minh chưa chắc đã thành công, nhưng người chuyên cần thành công là điều chắc chắn.

Trong lịch sử, Thương Trọng Vĩnh tuổi trẻ được xem là kỳ tài trong số kỳ tài, văn thơ tài phú hơn người, xuất khẩu thành thơ, người người ca tụng. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào hai chữ «thiên bẩm» thì chẳng thể tiến xa. Cổ nhân có câu: «Trẻ không cố gắng, già hối hận cũng bằng không», vì lười biếng mà Thương Trọng Vĩnh chẳng có được công danh sự nghiệp gì.

Kỳ thực đối với đại đa số chúng ta, sự khác nhau về thiên phú là rất ít ỏi, mà cần cù, lương thiện mới là con đường duy nhất để thành công. Cũng như một cỗ máy bình thường, nếu được vận hành thường xuyên thì sẽ luôn chạy được mượt mà, thân sáng, mình bóng. Còn chiếc máy có tốt đến đâu nhưng không vận hành thường xuyên thì cũng nay sửa mai chữa, han rỉ khắp nơi, thọ mệnh chẳng đáng là bao.

Với đại đa số chúng ta, sự khác nhau về thiên phú là rất ít ỏi, mà cần cù, lương thiện mới là con đường duy nhất để thành công. (Ảnh: pixabay.com)

Xã hội ngày nay có một hiện tượng vô cùng nổi cộm được gọi là «chứng trì hoãn», việc hôm nay nhưng cứ thích để ngày mai, đến lúc sau cùng một là làm không được, hai là không chịu làm, có làm cũng vội vội vàng vàng chẳng ra sao rồi lại trách người khác.

Kỳ thực có rất nhiều chuyện không phải làm không tốt, chỉ là không dụng tâm mà làm thôi, cũng không phải không có thời gian để làm, mà là không trân quý thời gian. Thời gian luôn công bằng với mọi người, ai trân quý, người đó thành công.

2. Nhân sinh tại thế: Thành bởi kính, bại bởi kiêu

Khi còn trẻ, vượng khí hùng hùng, Tăng Quốc Phiên cũng vì thế mà đắc tội với không ít người. Nhưng sau ngày cha mất, ông bỏ lại binh quyền và tước phẩm để về quê thụ hiếu hai năm. Trong hai năm chịu tang cha, tư tưởng của ông đã cải biến rất nhiều. Ông bắt đầu phản tỉnh chính mình, đối với người khác ông chỉ để ý đến sở trường, điểm tốt của họ mà không chú tâm đến điểm yếu của người ta. Ông bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của việc khiêm nhường trong cuộc sống.

Nhà ngoại giao nổi tiếng Quách Tung Đảo từng bình phẩm về Tăng Quốc Phiên: «Từ xưa tới nay, nhân tài được chia làm hai loại, loại thứ nhất là kiêu ngạo, loại thứ hai chính là khiêm nhường. Văn Chính là người thuộc loại thứ hai».

Tăng Quốc Phiên trước khi cải biến tư tưởng, trong lời nói, cử chỉ của ông vẫn mang phong thái của bậc nho gia đọc sách Thánh hiền, tuy nhiên ẩn sâu trong lời nói vẫn có bóng dáng của sự kiêu khí của mình. Sau khi thụ hiếu cha xong, con người ông đã hoàn toàn thay đổi. Trước lúc trở lại Hồ Nam phục chức, ông đã viết thư cho tất cả tướng lĩnh, quan viên ở đó, mỗi người một bức thư với lời lẽ khiêm nhường khát cầu sự chỉ bảo của mọi người. Sau đó ông lại đích thân đi viếng thăm từng người, không ai là không thỏa đáng chu đáo.

Vương Dương Minh cũng từng nói: «Sai lầm lớn của con người, tất cả chỉ bởi một chữ ‘kiêu’». Người khiêm thì lấy thiện làm căn, kẻ kiêu lại lấy ác làm đầu. Làm người thì phải có ngạo khí nhưng không được có kiêu khí.


Lão Tử nói: «Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng…», vậy nên làm người thì phải có ngạo khí nhưng không được có kiêu khí. (Ảnh: backpackerverse.com)

Người kiêu ngạo thì cũng như một bình hoa bằng nhựa vậy, lần đầu nhìn có thể đẹp nhưng chẳng được bao lâu sẽ bị ngả màu xấu xí, vĩnh viễn chẳng thể đơm hoa kết trái.

William Shakespeare cũng từng nói: «Người kiêu ngạo thường lại chết trong sự kiêu ngạo của chính mình».

Đường đời có xa, có muôn dạng muôn màu cũng chẳng thể phức tạp bằng suy nghĩ, trí tưởng tượng của con người chúng ta. Cuộc sống chính là từng bước, từng bước tiến về phía trước. Chúng ta luôn ngày đêm mong cầu vận mệnh mỉm cười với mình nhưng lại chẳng ngờ rằng «chuyên cần» chính là mẹ của thành công.

Vận mệnh thường chỉ mỉm cười với những người có quyết tâm hành động, khi chúng ta bắt đầu lười biếng, cũng là khi vận mệnh bắt đầu rời bỏ ta đi. Cần kiệm và khiêm nhường cũng như đôi cánh đại bàng, đại bàng tuy có thể bay cao ngàn trượng nhưng thiếu một trong hai cánh thì một tấc cũng chẳng nhấc nổi thân mình. Con người chúng ta cũng lại như vậy,

Vạn cổ xưa nay, người thường thì bại bởi chữ «lười», người tài lại bại bởi chữ «kiêu» trong lòng.

Theo http://www.dkn.tv


Monday, May 10, 2021

Nhac

 Nhạc

Eruption - One Way Ticket 1978 (High Quality)

The Good, the Bad and the Ugly - The Danish National Symphony Orchestra (Live)

El Condor Pasa - Paul Simon & Garfunkel

André Rieu - The Beautiful Blue Danube

André Rieu & Mirusia - Ave Maria

Doris Day - Que Sera Sera

Катюша - Варвара (Subtitles)

"APACHE" (Guitar instrumental)

André Rieu - I Will Follow Him

André Rieu - The Godfather Main Title Theme (Live in Italy)

Mireille Mathieu -La Paloma Ade-

André Rieu - Bésame Mucho

Christophe - Aline

André Rieu - Supercalifragilisticexpialidocious (Mary Poppins)

La Banda della Musica

Andre Rieu and the Johann Strauss Orchestra - Feuerfest 1996 !!!

I WILL FOLLOW HIM. Pourcell y Mauriat. P. Vilarroig. Director: Félix Redondo

André Rieu - O Holy Night

Silent Night

Mireille Mathieu singing La Marseillaise (with lyrics)

André Rieu - Song of Olympia

Mitch Miller - The River Kwai March ~ Colonel Bogey March

National Anthem of Israel - Beautiful Version (English Subtitles)

Bang Bang - My Baby Shot me Down // The Danish National Symphony Orchestra & Tuva Semmingsen (Live)

POWERFUL: Listen To This Amazing Russian Song Meadowlands / Полюшко-поле

André Rieu - Ode to Joy (All men shall be brothers)

Que Sera Sera ~~~~~ Doris Day ~~~~ Whatever Will Be, Will Be

"Song of the Volga Boatmen" - Leonid Kharitonov & The Red Army Choir (Live)

España Cañí - Andre Rieu

The Yellow Rose of Texas - The Confederate Army

Little Drummer Boy 2017

God Save the Queen Sing-A-Long (arranged by Sir William Walton)

Tango La Cumparsita

KATYUSHA / КАТЮШA: Russian Girl Sings One of the Most Popular Folk Songs Ever

Jingle Bells - André Rieu

André Rieu - Auld Lang Syne

"La Cumparsita "(Tango)

France Gall - Poupée de cire, poupée de son (TVE 1970, restaurée)

Roberto Alagna "La Marseillaise"

America the Beautiful

Haendel. El Mesias. Aleluya. Dir.: José Ramón Encinar.

La Marseillaise

Aleluya. MESIAS. Haendel.

*** CERISIER ROSE ET POMMIER BLANC ***

Yvette Giraud - Hello, le soleil brille (From "Le pont de la rivière Kwaï")

Trận đổ bộ Normandy - 6. 6 .1944