Câu
Chuyện Ở Trên Chùa
http://www.dslamvien.com/2022/11/cau-chuyen-o-tren-chua.html
Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)
Tôi sống cách khu chợ Việt
Chuyến «lên
tỉnh» lần này là sáng sớm thứ bảy, và tôi «lên tỉnh» một mình với một «danh
sách» những gì phải mua, vì bà xã phải ở nhà để trông cháu. Khi đi ngang
qua chỗ bán nhang đèn, tôi sực nhớ ra là đã khá lâu không ghé qua chùa để thắp
nén nhang cho cha mẹ vợ tôi. Thế cho nên khi mua xong các thức ăn khô, tôi liền
ghé qua chùa, nơi để hình ảnh của cha mẹ vợ, cách chợ cũng chẳng bao xa.
Đây là một ngôi chùa lớn, thế nhưng hôm nay thật vắng
vẻ. Trước sân chùa có một cụ già đang quét lá. Cụ già người gầy còm nhưng xem
ra rất khoẻ mạnh, không có vẻ là người đi tu, với mái tóc và bộ râu bạc phơ,
mặc bộ quần áo nâu rách vá nhiều chỗ. Tôi gật đầu chào:
- Chào ... bác ... Hôm nay sao chùa
vắng vẻ quá vậy?
Ông cụ ngửng đầu lên:
- Chào ông. À
... dạo này mùa dịch nên chùa lúc nào cũng vắng ... Ông ghé chùa chắc có điều
gì ...
- Dạ cũng không
có chi. Tôi đi chợ nên tiện đường ghé qua đây thắp nén nhang cho ông bà cụ tôi.
- À ra thế ...
Như vậy cũng tốt ...
Tôi gợi chuyện:
- Bác làm công
quả sớm thế ...
Ông cụ ngừng quét, nhìn lên cười:
- Tôi ở ngay
trong chùa này ông ạ. Thấy có gì giúp được thì tôi làm ... đổi lấy chút hương
hoa, lộc chùa ấy mà ... À, tôi cũng phải vào xem xét bàn thờ và nhang đèn nữa
chứ ...
Tôi và ông cụ cùng bước vào chánh điện. Ông cụ bước
lên bục xem xét nhang đèn, các đĩa trái cây và các bình hoa. Tôi đi ra căn
phòng phía sau bệ thờ, là nơi để hình của những người đã khuất được gia đình
đem lên chùa. Bà mẹ vợ tôi mất sau ông cụ hơn bẩy năm, nhưng khi nhà chùa biết
là vợ chồng thì để hai hình cạnh bên nhau. Tôi vừa cắm ba nén nhang vào bát
nhang thì giật mình vì nghe thấy tiếng của ông cụ quét sân đã đến kế bên từ lúc
nào.
- Đâu là hình
hai ông bà, hả ông?
Tôi chỉ vào hai tấm hình. Ông cụ nghiêng đâu nhìn,
rồi gật gù:
- Ông bà cụ tốt
tướng lắm ... Thế hai ông bà thọ được bao lâu hả ông?
- À ... Ông bà
cụ tôi bằng tuổi nhau ... Ông cụ tôi chỉ mới ngoài tám mươi ... Nhưng mất trước
bà cụ tôi cả gần chục năm ...
Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, ông cụ lên tiếng:
- Ồ ... xin lỗi
ông ... Đáng lý tôi không nên quá tò mò ...
- Không có gì
đâu bác. Thực ra thì đây là cha mẹ vợ tôi, và khi bác hỏi thì tôi bỗng dưng
không nhớ gì về tuổi tác của ông bà, thế cho nên mới ngập ngừng vậy thôi ...
- À ra thế ...
Ông có ghé chùa thường xuyên không?
Tôi đỏ mặt:
- Dạ ... không
... vì chúng tôi ở cách đây khá xa ...
Ông cụ cười thông cảm:
- Vậy thì ngày
rằm hay mùng một thì tôi xin phép ông để thắp cho ông bà đây mấy nén nhang ...
Tôi chắp tay xuýt xoa:
- Vậy thì quý
hoá quá ... Gia đình tôi xin cảm ơn bác rất nhiều ... Cầu xin đức Phật gia hộ
cho bác ...
Ông cụ quét sân chắp tay trả lễ:
- Không có gì
đâu ông ... Tôi ở trong chùa, nếu biết ai không thường được thăm viếng thì tôi
giúp ngay ...
Sau đó thì cuộc nói chuyện trở nên thân mật hơn, và
tôi được biết tên ông cụ là Hoà, vợ mất sớm và được gửi về an táng ở quê nhà,
chỉ có một người con gái, nhưng theo chồng ở miền đông. Cụ có ở với gia đình cô
con gái một vài năm, nhưng không chịu nổi cái lạnh mùa đông, nhất là hầu như
chẳng có bóng dáng người Việt nào ở gần, thế cho nên cụ trở lại miền nam
California nắng ấm và đông đảo người Việt. Cụ hay lên chùa làm công quả, và đàm
đạo rất tương đắc với vị sư trụ trì. Thế cho nên, sau khi hiểu hoàn cảnh của cụ
thì sư trụ trì cho cụ ở luôn trong chùa cho tiện.
Khi nắng đã lên quá đỉnh đầu, tôi xin phép cụ Hoà để
ghé chợ mua tiếp các thức cần thiết trong danh sách của vợ tôi đã ghi.
oOo
Có lẽ cũng đã hơn một tháng trời tôi mới lại có dịp «lên tỉnh». Lần này cũng đi một mình vì
là đi gặp bác sĩ để khám sức khoẻ thường niên; và vợ tôi, cũng nhân tiện, ghi
cho tôi một danh sách thức ăn cần thiết, không dài lắm. Vì là khám sức khoẻ
thường niên, nên chỉ mất khoảng chưa đến nửa tiếng là xong. Việc mua hàng cũng
chẳng mất bao lâu. Lúc ra quầy tính tiền, nhìn thấy cô gái tính tiền có đeo
tượng Phật trên cổ, tôi chợt nhớ đến bác Hoà, lần trước gặp ở trên chùa. Tôi
hỏi cô tính tiền xem ở gần đây có tiệm nào bán quần áo cho người tu hành tại
gia không?
Không những cô gái này không có vẻ gì ngạc nhiên về
câu hỏi, mà cô ta còn sốt sắng trả lời và ghi cho tôi địa chỉ của một tiệm bán
vải và quần áo may sẵn gần nhất, đồng thời cũng cẩn thận chỉ rõ ràng cho «chú» về quẹo trái, quẹo phải, qua mấy
cái đèn đỏ ... để đến tiệm đó mà không bị lạc. Và nhất là nói với họ là «con» tên là Liên giới thiệu «chú» đến mua quần áo thì sẽ được giá rẻ.
Tôi cảm ơn cô ta, và quả nhiên, nếu cứ nhắm mắt mà đi theo lời cô ta dặn dò thì
cũng đến đúng ngay cửa tiệm bán quần áo.
Thực ra thì đây là tiệm bán vải và quần áo may sẵn
cho phụ nữ và một vài kiểu áo dài khăn đóng cổ truyền cho phái nam. Nhìn quanh
thì chẳng thấy loại quần áo cho người lên chùa thường mặc. Thấy tôi có vẻ ngơ
ngác, bà chủ tiệm, tôi đoán như thế, là một người dáng phúc hậu, từ sau quầy
tính tiền, tiến lại gần và lên tiếng:
- Ông cần gì,
tôi có thể giúp ông ...
Tôi nói ngay là cô Liên giới thiệu tôi đế đây để mua
quần áo của những người hay mặc khi lên chùa tụng kinh hoặc làm công quả. Với
một vẻ ngạc nhiên thoáng qua, bà chủ tiệm lên tiếng:
- À thì ra vậy.
Ông chờ tôi một chút, vì loại quần áo đó chỉ thỉnh thoảng mới bày ra bên ngoài
...
Vài phút sau, bà chủ tiệm mang từ sau ra một xấp mấy
bộ quần áo, rồi với lời lẽ của một người buôn bán chuyên nghiệp:
- Đây là các bộ
quần áo mà ông hỏi ... Tôi không biết ông định mua cho ai, nhưng thường thì đàn
ông mặc màu nâu, và đàn bà mặc màu lam ... Chúng tôi có đủ cỡ và nếu cần phải
sửa như lên gấu, lên tay, hay «bóp eo» thì cũng không tính thêm tiền ... Chúng
tôi có thợ làm hai ngày, thứ ba và thứ tư, nếu đến đúng ngày thì có thể chờ để
lấy liền ... Ông được cô Liên giới thiệu thì chúng tôi bớt mười phần trăm ...
và mua từ hai bộ trở lên sẽ bớt tổng cộng mười lăm phần trăm ...
Sau vài phút nói về giá cả và ni tấc, tôi quyết định
mua hai bộ màu nâu để tặng cho bác Hoà. Bà chủ tiệm, xem ra có vẻ là người mộ
đạo, nên khi tôi ra về thì bà ta chào với câu «A Di Đà Phật ... Cho tôi gửi lời thăm cô Liên ...» Tôi nói lời đáp
lễ, nhưng nghĩ thầm «Cái nhà cô Liên ấy,
chắc gì có dịp gặp lại để chuyển lời nhắn của bà chủ tiệm này ...Mà có gặp lại
thì tôi cũng chẳng dám chuyển lời, vì chắc gì cô ta đã nhớ cái 'chú' hỏi tiệm
mua quân áo mặc lên chùa ...»
oOo
Cơn đại dịch vẫn chưa qua, nên cảnh chùa cũng vắng vẻ
như lần trước. Thực ra thì vắng vẻ hơn lần trước vì không thấy ông cụ quét sân
chùa đâu cả. Tôi cầm chiếc túi đựng hai bộ quần áo nâu đi loanh quanh từ trước
ra sau, từ trong ra ngoài chùa để tìm bác Hoà mà tuyệt nhiên chẳng gặp ai cả.
Bên trong chánh điện thì đang có tiếng tụng kinh, nên tôi thơ thẩn ngoài sân để
chờ. Cũng may là chỉ mấy phút sau là có một vị sư già, râu dài và bạc phơ như
ông tiên, đang chậm rãi đi ra trước sân chùa. Tôi lên tiếng hỏi:
- Thưa ... thầy
... Xin phép cho tôi hỏi là tôi muốn gặp cụ Hoà ...
Vị sư già nhíu mày:
- Cụ Hoà ...
Tôi mau mắn:
- Vâng, cụ Hoà ... giúp việc chùa ...
Vị sư già
nhướng mày:
- Ồ, tưởng ai chứ bác Hoà thì chắc là quanh
quẩn đâu đây thôi... Ông chờ chút để tôi đi mời bác ấy ...
Chờ chút, như
lời vị sư già nói, nhưng cả mười phút sau cũng chẳng thấy vị sư già kia hoặc
bác Hoà đâu cả. Cũng may là tiếng tụng kinh trong chánh điện đã dứt, nên tôi
bước vào trong. Khi ấy trong chánh điện chỉ còn một vị sư, không già lắm, có lẽ
vẫn còn ở trong khoảng tuổi sáu mươi, đang bước vào phía sau bệ thờ đến khu để
hình ảnh. Tôi vội bước theo:
- Xin lỗi thầy ... tôi muốn gặp bác Hoà ...
Cũng với cái
nhíu mày, vị sư lên tiếng:
- Bác Hoà?
Tôi cũng vội
vã:
- Vâng ... bác Hoà, người vẫn giúp việc cho
chùa ...
Vị sư trung
niên nhướng mày, như chợt nhận ra câu hỏi:
- À, bác Hoà ... Ông muốn gặp bác làm gì?
Tôi giơ chiếc
bao đựng hai bộ quần áo:
- Tôi muốn tặng bác ấy hai bộ quần áo này ... Vị
sư cụ ngoài vườn bảo tôi chờ để đi gọi bác ấy ... nhưng nãy giờ không thấy ... Tôi
ở xa không thể ở lại lâu ... Thầy có thể giúp tôi được không?
Vị sư trung
niên nở một nụ cười rất hiền từ, chỉ tay lên bức hình treo trên tường, ngay sau
lưng tôi:
- Có phải vị sư già này bảo ông chờ phải
không?
Tôi quay lại
nhìn:
- Vâng, đúng là vị sư này ...
Vị sư trung niên chắp tay:
- A Di Đà Phật, Đó là thầy của tôi ...
Rồi quay qua
những tấm hình, vị sư chỉ tay vào một bức hình:
- Bác Hoà có giống vị này không?
Tôi bàng hoàng:
- Vâng ... rất giống ...
Vị sư trung
niên, vẫn với nụ cười trên môi, hai tay chắp trước ngực, chậm rãi nói:
- A Di Đà Phật ... Tôi là sư trụ trì của chùa
này. Vị sư già trong hình là thầy tôi, nhưng đã viên tịch gần mười năm rồi. Bác
Hoà thì cũng đã mất hơn năm năm nay rồi... Thật là hy hữu... A Di Đà Phật...
Về phần tôi
thì lúc đó nghe như có một luồng khí lạnh buốt chạy từ đỉnh đầu đến gót chân. Thế
nhưng khuôn mặt với nụ cười từ bi của vị sư trung niên đã đem lại sự bình tĩnh
cho tôi:
- Vậy sao ... thưa thầy ... Thế thì hai bộ
quần áo này có lẽ tôi nên đốt để gửi đến cho bác Hoà ...
Vẫn với nụ
cười từ bi trên môi:
- Chắc là không nên đâu ông ạ, tăng chúng thì
thiếu gì người ... Ông cứ để lại đây ... Ai cần thì nhà chùa sẽ thay ông để
tặng cho họ ... Vì con gái bác Hoà, hôm qua, đã đến chùa xin đem tro cốt của
bác ấy để đem về quê an táng rồi ...
Không hiểu vì
lý do gì khiến tôi buột miệng:
- Con gái bác Hoà, cô Liên phải không ạ?
Vẫn với nụ
cười từ bi trên môi, vị sư trung niên nói:
- À thì ra ông cũng biết về gia đình bác Hoà
...
Bùi Phạm Thành
ngày 1 tháng 10 năm 2022
(Đặc San Lâm Viên)