Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Sunday, December 10, 2023

Hồn Nước

 

Hồn Nước

https://baotreonline.com/van-hoc/so-tay-thuong-dan/hon-nuoc.baotre

(Sổ tay Tưởng Năng Tiến)

Nhạc phẩm Bên Bờ Đại Dương là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1957 (khi đất nước đã bị cắt chia) nên có thể là nhiều người chưa từng nghe đến lần nào:

Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam

Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trong máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung …

 Nếu được hân hạnh ngồi chung bàn với nhị vị tác giả của tác phẩm thượng dẫn (và nếu uống đủ nhiều) tôi «dám» sẽ đề nghị hai ông sửa đổi lại đôi câu:

Làm trai toàn là Quang Trung
Làm gái rạng hồn Trưng Vương …

Chả hiểu tại sao nhưng tôi cứ đinh ninh rằng hồn thiêng sông núi luôn luôn tiềm ẩn trong tim của những người phụ nữ, chứ không phải là nam giới. Sự chủ quan này –  phần nào – là do kinh nghiệm cá nhân vì tôi đã may mắn gặp được cái hồn của dân tộc mình rồi, và không chỉ một lần.

Lần đầu tiên tôi gặp «nó» trong hẻm Ánh Hồng (Hà Nội) cạnh một nhà xí công cộng, nơi cư trú của một kẻ bần cùng: chị Sợi. Chị có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Vì không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.

Chị ấy bán hàng không đủ thu nhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên (đôi lúc) còn buộc phải bán thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác «xuống cấp» của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày.

«Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.

Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.

Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.

Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ… một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa … Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.

Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:

– Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.

Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà… Thì ra bà muốn gửi chị tiền.

Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê … Chị nắm chặt tay bà: Bà yên tâm. Tiền bà gửi con không suy suyển một xu.

Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại…  Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:

Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.

Em biết quê bà ở đâu mà tìm? Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra … Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó… Phải đi ngay kẻo lỡ mất chuyến tàu».

(Bùi Ngọc Tấn. «Truyện Không Tên.» 05/17/2009).

Sau khi đọc xong câu chuyện này, tôi viết thư cảm ơn tác giả vì đã giúp cho tôi cảm được cái hồn của dân tộc mình. Nhà văn hồi đáp rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời, theo đúng y như lời tâm sự của chị Sự chứ không thêm bớt chi cả.

Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què chắc vẫn quanh quẩn nơi những con hẻm tối tăm (nào đó) giữa lòng Hà Nội. Ở đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay một vị tiến sỹ mà (đôi khi) chúng ta còn gặp được những mảnh hồn của đất nước nữa nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.

Mới đây, tôi lại may mắn gặp cái hồn của đất nước mình tại một nơi chốn khác –qua câu chuyện kể của một người chủ tiệm cơm tấm ở Hóc Môn, Sài Gòn:

«Cách đây không lâu, mình thấy hai bà cháu ngồi xin ăn bên đường nên đã đem làm 2 phần cơm qua ủng hộ. Mỗi phần cơm tấm quán bán trị giá 45 nghìn.

Lúc qua thì thấy bé cầm sẵn tiền lẻ, bà ngồi bên có nói là nó thèm cơm, đang định qua mua nhưng mà chỉ có tờ 1 nghìn, 2 nghìn, tiền cũng bị rách nữa, sợ qua chủ quán không chịu bán.

Lần thứ 2, mình dặn nhân viên đem cơm qua, nói là quán tụi con cũng hay cho cơm vậy lắm, bà đừng ngại gì hết.

Rồi lần thứ 3, hôm đó trời mưa, quán mình cũng vắng khách, em bé mới cầm tiền qua, nói hôm nay con mua ủng hộ chú, nay bà cháu con xin được nên có tiền rồi.»

(Thủy Tiên. «Đem xấp tiền lẻ tới mua cơm, cậu bé bán vé số thuật lại lời dặn của bà khiến chủ tiệm bối rối.» Soha 24/09/2023).

«Lòng tự trọng của hai bà cháu» cũng khiến tôi bối rối theo, và bối rối lắm, khi liên tưởng vụ án Vạn Thịnh Phát đang làm dậy sóng dư luận suốt mấy tuần qua. Nhân vật chính bị cáo buộc đã chiếm đoạt một số tiền kếch xù khiến nhiều người rất băn khoăn:

● Trần Ngọc Tuấn: «Bạn nào giỏi toán tính hộ mình: số tiền của Vạn Thịnh Phát xây được bao nhiêu ngôi nhà, cho người cơ nhỡ, tàn tật không nơi nương tựa?»

● Nguyễn Bước BD: «Con số 304 ngàn tỷ đồng rất lớn và lớn đến mức nào? Để dễ mường tượng, ta quy ra tương đương:

─ Viết đầy đủ: 304.000.000.000.000 VND.

─ Quy ra USD: 12 tỷ đô la Mỹ.

─ Quy ra vàng 24K: 170 tấn.

─ Quy ra lương tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng, mỗi lao động làm việc chừng 25 năm thì thu nhập của khoảng 200.000 đời người không tiêu xài…»

● Nguyên Tống : «Để dễ hình dung 300,000 tỷ mà Vạn Thịnh Phát chiếm dụng lớn cỡ nào, ta cần chia nó ra tờ 500,000 để bớt các số 0 đi mới bấm được máy tính. Nó là 600 triệu tờ. Mỗi tờ tiền này có trọng lượng chính xác là 1g. Vậy là số tiền này sẽ nặng 600,000kg, hay 600 tấn…»

● Nguyen Nhoc: «Vạn Thịnh Phát nguyên dòng họ ăn cả đời ko hết, mà sao lấy chi mà lắm vậy.»

Vậy mà giữa cái ngõ Ánh Hồng Hà Nội vẫn có người phụ nữ tuy phải bán thân nuôi miệng (và nuôi mẹ) nhưng không tơ hào một đồng xu cắc bạc nào của tha nhân. Trong một con hẻm tăm tối ở Sài Gòn vẫn có người ăn mày đủ «tự trọng» để từ chối những phần ăn được trao tặng miễn phí (cho cả hai bà cháu) khi túi có đủ tiền để chi trả đàng hoàng, sòng phẳng.

Bao giờ mà quê hương còn những tấm lòng thơm thảo như thế thì chúng ta vẫn còn có thể hy vọng vào hậu vận của dân tộc này, mặc cho bao bầu trời đã sụp và đang sụp!

Tưởng Năng Tiến

Sunday, June 18, 2023

Đừng Bao Giờ...

Đừng Bao Giờ...

 Trần Dzũng Minh Dân

Tôi ngồi ẩn mình dưới tàng cây rậm rạp sau sân chùa, tránh cái nắng oi ả của mùa hè. Hôm nay ngày thường, mọi người đi làm cả, cảnh chùa im lặng một cách trang nghiêm. Nhân tiện có công việc đi ngang qua chùa, tôi tạt vào viếng cốt và thắp cho ông bác một nén hương để tưởng nhớ đến bác mình. Tôi thường thích ngồi một mình yên lặng như thế, đầu óc như thể hồi mới sinh, mắt thấy cảnh, cảm nhận được hình ảnh nhưng chưa biết nói, trong đầu chưa có những biểu tượng tạo thành ý nghĩ hay tư tưởng! Những lúc như thế, tôi thấy tâm hồn có phần nào an lạc bình yên hơn.

Ngồi lơ đãng như vậy một lúc lâu, tôi chợt thấy bóng người đang lui cui dọn dẹp phía hông mé nhà kho. Để ý kỹ, tôi nhận ra đó là người đàn ông khoảng lứa tuổi ngoài 30 mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp làm công quả cho chùa. Mồ hôi người đàn ông đổ nhễ nhại dưới cái nóng bức của mùa hè, nhưng anh ta vẫn lẳng lặng làm không tỏ vẻ một chút nào khó chịu cả. Tôi ngồi nhìn anh ta làm việc, lòng thầm cảm phục.  Người đàn ông bất chợt nhìn thấy tôi. Anh ta cười, vẫy tay chào.  Tôi nói lớn:

 - Nghỉ tay, uống miếng nước đã!

 Người đàn ông khựng lại, ngẫm nghĩ, cúi xuống xách chai nước suối dưới đất rồi đi lại phía tôi ngồi.  Tôi đứng lên, bắt tay tự giới thiệu tên mình.

- Chào anh, tôi là Minh.

 - Dạ, tôi tên Hiếu.

 - Hôm nay anh không phải đi làm à?

 

Tôi ngắm Hiếu trong khi chờ đợi câu trả lời. Tuy với làn da hơi rám nắng, cùng với một mái tóc cắt ngắn, Hiếu có một khuôn mặt sáng sủa dù ẩn hiện nhiều nét suy tư. Đôi bàn tay gầy gầy thanh nhã chứng tỏ không phải làm việc lao động nhiều.

 - Thưa anh không. Tôi nghỉ thứ Ba, không làm việc. Còn anh, sao hôm nay không đi làm à?

 - Tôi có vài công việc riêng cần phải làm nên lấy ngày nghỉ hôm nay. Xong việc, đi ngang chùa nên ghé vào đây thăm cốt ông bác. Tôi thỉnh thoảng đi chùa vẫn thấy anh. Anh chắc thường làm công quả ở đây đã lâu?

 - Dạ, cũng được vài năm, thưa anh. Sắp tới lễ Vu Lan rồi, tôi soạn lại nhà kho lấy những vật dụng cần thiết, để sẵn đó cho họ. Mỗi người một tay.

 - Ừ nhỉ. Anh không nhắc thì tôi cũng quên khuấy đi mất, rằm tháng 7 sắp tới rồi! Trông anh còn trẻ, chắc còn bà cụ?

 Hiếu chợt khựng lại, giọng nhỏ đi.

 - Thưa anh không. Mẹ tôi mất cách đây được vài năm.

 - Tôi xin lỗi.

 - Dạ, không hề chi.

 

Tôi ngẫm nghĩ, miệng nói thầm “Hiếu, Hiếu ...”. Tôi đã có nghe ai đó nói tới cái tên này, và đang cố nhớ là đã nghe ở đâu.

 - A! Tôi có nghe mẹ tôi thỉnh thoảng nói ở chùa có một anh bác sĩ trẻ hay đến làm công quả, cho chùa tiền và chữa bệnh cho người đồng hương lấy tiền rất rẻ, gặp người nghèo thì chữa miễn phí, không biết có phải là anh không?

 Hiếu cười ngượng ngập.

 - Dạ, bà cụ anh nói quá lời. Tôi chỉ làm những gì khả năng cho phép.

 Tôi tiếp lời:

 - Mẹ tôi và mọi người ở đây quý mến anh lắm. Được một người trẻ công danh thành toại trong cộng đồng cũng là điều quý rồi, huống hồ thay vì hưởng thụ, vinh thân phì gia, anh còn nghĩ đến cộng đồng, giúp đỡ cộng đồng thì quá tốt. Tôi nói điều này bằng cả thực lòng, chẳng phải nói cho anh vui.

 - Dạ, cám ơn anh. Tôi cũng chỉ xin đóng góp phần nào mà thôi. Một mình tôi thì cũng chẳng làm gì được nhiều nếu không có những sự tiếp tay và góp sức của những người khác. Người cho $100, người cho $5 đồng, $10 đồng ... người làm trong nhà bếp, người chăm lo vườn, người lo giấy tờ thủ tục hành chánh v.v... một người thì chắc chắn không thể nào làm xuể được từng ấy công việc.

 Tôi đổi đề tài đối thoại, để cho Hiếu được thoải mái, hỏi về những khóa tu thiền sắp tới do chùa tổ chức, những lớp học tiếng Việt v.v...

Ngồi nói chuyện được một lát, Hiếu xin phép quay trở lại làm tiếp công việc dang dở, tôi bảo để tôi phụ một tay khuân dọn cho nhanh chóng, thêm phần có hai người vừa làm vừa nói chuyện đỡ nhàm chán hơn. Hiếu vui vẻ cám ơn tôi. Công việc xong thì cũng khoảng 5 giờ chiều. Tôi từ giã Hiếu và hẹn gặp lại trong ngày Vu Lan.

 

o0o

 

Khi tôi chở mẹ tôi tới thì chùa cũng đã có khá đông người. Một cô bé nhỏ tuổi mà tôi thường thấy trong gia đình Phật Tử của chùa chạy lại, chẳng cả hỏi, cài trên ngực áo tôi một bông đỏ rồi nhoẻn một nụ cười thật dễ thương chúc tôi may mắn còn mẹ.  Tôi mỉm cười sung sướng.

Mẹ tôi dặn dò tôi vài điều như sẽ về lúc mấy giờ, nếu muốn kiếm mẹ tôi thì có thể kiếm bà ở đâu... rồi vội vã đi về hướng nhà bếp để tiếp tay với những người bạn trong Ban Hộ Niệm của bà trong đó.

Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, có những người mang đóa hoa đỏ cài trước ngực và có những người cài đóa hoa trắng, những người mà thân mẫu đã qua đời. Tôi chợt nhớ đến Hiếu, nhớ đến người bác sĩ trẻ hay làm công quả cho chùa. Tôi định bụng sẽ để ý kiếm Hiếu. Tôi đi vội về phía khán đài để giúp ban tổ chức văn nghệ khuân ghế ra cho khán giả ngồi và sắp đặt chương trình.

Không khí nhà chùa hôm nay đâu đâu cũng nhộn nhịp, mọi người cười nói vui vẻ. Tiếng thầy trụ trì đang sang sảng thuyết pháp vọng lại từ chính điện. Các em nhỏ trong ban vũ tíu tít gọi nhau để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Những tà áo dài đủ mầu sắc thỉnh thoảng có dịp gì đó trong năm mới được mang ra mặc. Mọi người rạng rỡ trong ngày báo hiếu. Khi trời trở chiều, tôi kiếm mẹ tôi, chở bà về lo nấu nướng để cúng bái ở nhà. Tôi vẫn chưa thấy Hiếu. Tôi chợt nhớ là người hẹn gặp nhau ở chùa là tôi và Hiếu chỉ cười, không nói.

 

o0o

 

Sau ngày Vu Lan tôi gặp Hiếu đôi lần ở chùa, những lúc như thế, chúng tôi thường thảo luận về các kinh điển nhà Phật. Hiếu có một trí nhớ rất dai, thuộc làu làu những câu kinh hoặc đoạn kinh. Tôi vốn thuộc loại “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, thuộc loại ưa ngủ chứ chẳng phải tướng học trò gì cả, chẳng nhớ gì nhiều. Nhưng có điều khi nghe Hiếu đọc các câu kinh, tôi hiểu thế nào nói ra như vậy khiến nhiều lúc Hiếu kinh ngạc và thường khen tôi là người có căn cơ, chắc những kiếp trước có tu tập gì rồi. Chúng tôi lại tưởng tượng ra những kiếp trước ra sao để trêu chọc nhau và ngày càng trở nên thân nhau hơn. Thú thật tới lúc đó, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về bản thân cũng như gia đình của Hiếu. Tính tôi vốn không tò mò, ai thích kể cho mình nghe thì kể, tôi không hỏi và cũng không lấy đó làm điều quan tâm. Cho đến một hôm...

- Chiều thứ Bẩy này ông có rảnh không?

Ngẫm nghĩ một chốc, tôi trả lời Hiếu:

- Rảnh. Có chuyện gì không?

- Tôi định mời ông đến nhà ăn giỗ bà cụ.

- Ừ, nhưng ông phải chỉ đường cho tôi hay cho tôi địa chỉ. Ông định mấy giờ?

- Khoảng 7 giờ chiều được không? Sáng tôi còn ở phòng mạch. Để tôi vẽ đường đến cho ông sau.

- Ừ, cứ định như vậy đi.

 

Chiều thứ Bẩy tôi đến nhà Hiếu, một căn nhà nhỏ tọa lạc trong một khu vực yên lặng, hơi xa thành phố. Khi tôi tới, Hiếu đã cúng bái xong rồi, đang ngồi chờ tôi. Tôi đến bàn thờ, thắp nén nhang tỏ lòng tôn kính người quá cố. Nhìn di ảnh, mẹ của Hiếu là một người đàn bà khắc khổ, trông có vẻ lam lũ dù tấm ảnh chụp lúc còn khá trẻ. Duy chỉ có cặp mắt, cặp mắt thật buồn, cặp mắt của một người chịu đựng và hy sinh. Kế bên di ảnh là một bức ảnh của một người đàn ông mặc quân phục, da sạm nắng mà tôi đoán là cha của Hiếu. Điểm làm tôi ngạc nhiên, tôi là người khách duy nhất mà Hiếu mời! Không một người nào khác, ngoài tôi và Hiếu! Ngoài hai bức di ảnh trên bàn thờ, trong nhà không treo một tấm hình nào khác. Đồ đạc bầy biện rất đơn sơ nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Nhìn qua, ai cũng có thể đoán được phần nào tâm lý của người chủ nhà.

Trong bữa ăn, Hiếu vui vẻ cười nói huyên thuyên nhiều hơn bình thường. Không biết có phải vì chút rượu vang hay đã lâu trong bữa ăn mới có người cho Hiếu nói chuyện, hoặc vì một lý do nào đó mà Hiếu cố che dấu để quên đi?

Dùng cơm xong, chúng tôi ra phòng khách ngồi uống cà phê, nói chuyện. Lúc này Hiếu lại trở nên ít nói, có vẻ trầm ngâm tư lự, thành thử tôi cứ phải khơi chuyện.

- Ông ở một mình, sao không lấy vợ cho có không khí gia đình? Tôi đi làm về còn có cha mẹ, anh em, ông định ở như vầy đến bao giờ? Vả lại, cỡ người như ông đâu phải là khó lấy vợ!

Hiếu im lặng một hồi lâu rồi trả lời:

- Tôi cũng đã từng lập gia đình rồi.

Tôi nhìn Hiếu không nói. Hiếu tiếp tục kể:

- Tôi lấy vợ cách đây ba năm, ăn ở với nhau được gần một năm thì chúng tôi xa nhau. Chẳng phải lỗi tại Thy, lỗi tại tôi thì đúng hơn. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng đã ly dị. Như có dịp để tâm sự, Hiếu miên man kể cho tôi nghe.

- Bố của tôi là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông thuộc đơn vị tác chiến nên nay đây mai đó, vì vậy ông không muốn mẹ tôi theo. Khi tôi ra đời, lớn lên trong tình thương của mẹ, ít khi thấy mặt cha. Gia đình bên nội cũng như bên ngoại, tôi đều không biết vì bố mẹ tôi thương nhau không có sự đồng ý của cả hai gia đình vốn ghét nhau từ lâu. Mẹ tôi bị gia đình mình từ và gia đình bố tôi không nhận, nhưng vì thương yêu nhau nên bố mẹ tôi bất chấp tất cả để được gần nhau.

 

Lấy nhau một thời gian ngắn thì bố tôi nhập ngũ, mẹ tôi bắt đầu cuộc sống xa chồng, một thân một mình và có mang tôi. Không nói thì ông cũng có thể tưởng tượng được lúc đó mẹ tôi khổ sở đến thế nào. Bên nội, bên ngoại ngoảnh mặt nhất định không chịu nhìn. Chỉ tội bà ngoại tôi, thương con nhưng sợ chồng, lâu lâu lén lút gặp mẹ tôi và dấm dúi cho ít tiền. Mẹ tôi phải buôn thúng bán bưng để tự nuôi thân và chờ ngày sinh con.

Ngày tôi ra đời, tôi là nguồn sống của bà. Tôi lớn lên trong sự hy sinh cơ cực của mẹ tôi, nhưng ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được sự hy sinh của mẹ mình. Tôi không biết  phải diễn tả thế nào để nói lên được sự vui sướng của mẹ tôi mỗi khi bố tôi về phép, không còn gì sung sướng hơn cho người đàn bà khi thấy chồng mình, con mình và mình được quây quần chung một nhà. Đôi khi mẹ tôi đi xe đò, mang tôi lên đơn vị thăm chồng. Bố tôi vừa mừng vì được gặp vợ con, vừa lo vì đường xá xa xôi, mất an ninh.

Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, bố tôi bị chúng bắt đi cải tạo hay đi tù thì đúng hơn! Họ chuyển bố tôi ra Bắc. Mẹ tôi lặn lội ra ngoài đó thăm chồng nhưng họ cho biết bố tôi đã bị bệnh chết! Một người đồng tù đã lén cho mẹ tôi biết là bố tôi đã bị hành hạ đến chết và cho mẹ tôi biết ngày bố tôi bị giết!

 

Trở vào Nam, đau đớn vì bố tôi bị giết, mẹ tôi lại phải chứng kiến cảnh tôi bị ngược đãi ở trường học vì có cha là lính ngụy. Mẹ tôi tìm cách vượt biên vì tương lai của tôi. Tôi vốn hiếu học lại có trí nhớ dai. Sau khi bán hết tất cả đồ đạc, tom góp được một khoản tiền, mẹ tôi đưa tôi xuống Rạch Giá để tìm đường đi.

Dừng lại, Hiếu nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi kể tiếp:

- Trời cũng thương nên chuyến đầu đi lọt dù trải bao gian nan trên biển cả. Nếu không lọt thì cũng chẳng bao giờ còn tiền để đi những chuyến sau. Cuối cùng mẹ tôi và tôi đến Mã Lai. Không một nước nào nhận, nước sau cùng là Mỹ, họ nhận mẹ con tôi, một họ đạo Tin Lành bảo trợ cho vào Mỹ.

 

Đến Mỹ, không có nghề chuyên môn, tiếng Anh lại không biết, mẹ tôi vào làm phụ bếp trong một nhà hàng. Ai sai gì làm đó, một tuần bẩy ngày. Tối về mẹ tôi lại gò lưng may, ráp những tay áo, lấy tiền theo từng cái. Còn tôi chẳng phải lo lắng gì ngoài việc ăn học. Tôi học dễ dàng, từ trung học lên đại học rồi thi vào trường thuốc, ra trường và đi thực tập. Trong thời gian thực tập, tôi gặp Thy cũng thực tập cùng một nhà thương. Chúng tôi quen nhau và tình cảm nẩy sinh.

 

Cha mẹ của Thy cũng là bác sĩ từ Việt Nam, qua đây thi lại, thực tập lại rồi ra hành nghề. Nói chung gia đình Thy thuộc giai cấp trưởng giả. Họ biết cách ăn nói, xã giao rất lịch thiệp. Gia đình Thy rất quý mến tôi, mọi người ai cũng mong chúng tôi thành vợ thành chồng cả. Đời tôi thật sung sướng. Năm cuối thực tập, chúng tôi quyết định lấy nhau. Tôi đưa mẹ tôi đến nhà bố mẹ Thy dùng cơm tối để nói chuyện chung thân cho hai đứa tôi. Trong bữa cơm với gia đình Thy ...

Giọng Hiếu trở nên khó khăn, ngập ngừng.

- Tôi chợt nhận thấy sự quê mùa của mẹ tôi khi ngồi chung bàn với gia đình Thy. Từ cái tóc, cách ăn mặc, lối ăn uống... Khi bố mẹ Thy nói chuyện, hỏi mẹ tôi những chuyện thông thường, mặt mẹ tôi ngớ ra, trắng bệch, giọng nói trở nên run rẩy, sợ hãi... Tôi... Hiếu nói nhỏ nhỏ, giọng run run trong cuống họng.

- Tôi... lúc đó cảm thấy xấu hổ. Tôi xấu hổ vì sự quê mùa, thiếu kiến thức của mẹ mình khi so sánh với người khác. Tôi trở nên tức giận mẹ tôi và có nhiều cử chỉ hỗn láo với mẹ trong suốt bữa ăn! Mẹ tôi im lặng, lúc về nhà bà luôn miệng xin lỗi tôi, đã làm tôi mất thể diện.

 

Đám cưới chúng tôi diễn tiến như dự định. Tôi càng tức tối trong ngày cưới khi thấy sự quê kệch, luống cuống của mẹ mình. Khách toàn là khách sang trọng. Lúc đó, tôi giận mẹ tôi vô cùng, tại sao những việc đơn giản như thế mà cũng không biết. Tôi gay gắt với mẹ tôi đến nỗi có lúc mẹ tôi vừa run vừa chẩy nước mắt vì sợ không vừa ý tôi!

Mẹ tôi về ở với vợ chồng chúng tôi. Thy có nhiều lúc khiếm nhã với mẹ của tôi, những lúc đó tôi lại tức tối mẹ tôi, tại sao những chuyện như vậy mà cũng không biết để người khác coi thường. Mẹ tôi trở nên sợ hãi, bà cố tránh chúng tôi, cả ngày bà trốn trong phòng. Chỉ những lúc ăn cơm bà mới phải ra, ăn vội ăn vàng rồi lại vào phòng. Mà đồ ăn nào vừa ý bà! Mẹ tôi ăn không có cơm đâu được. Đồ ăn thường là đồ kho, đồ xào. Thy lớn từ bé ở đây, lại thích ăn như người Mỹ. Tôi thì sao cũng được nhưng lúc đó tôi lại muốn tập cho mẹ tôi thay đổi! Chúng tôi đã bắt mẹ tôi nghỉ làm trước khi lấy nhau. Không lẽ cả hai vợ chồng là bác sĩ mà mẹ thì làm phụ bếp!

 

Ở như vậy được vài tháng thì mẹ tôi bỏ đi. Bà đi vì sợ vì bà, vì sự quê kệch của bà mà vợ chồng tôi sẽ mất hạnh phúc. Tôi không hiểu lúc đó tôi là con người hay là con vật! Tôi không mảy may quan tâm. Tôi nghĩ mẹ tôi đã từng tự lập từ hồi trẻ đến giờ, không có tôi mẹ tôi cũng không sao, nhất là mẹ tôi nói mẹ tôi dọn về ở với một người bạn. Thy cũng vậy. Chẳng trách Thy được. Tôi là con mà đối xử với mẹ mình như vậy, trách sao được người con dâu! Tôi có hỗn láo với mẹ tôi thì Thy mới dám coi thường mẹ tôi chứ! Mấy tháng sau...

Giọng Hiếu trở nên run rẩy, cố kìm hãm sự xúc động. Mắt ngấn lệ ngước lên nhìn hình mẹ.

- Mấy tháng sau, một nhân viên cảnh sát đến gõ cửa báo cho tôi biết mẹ tôi đã qua đời. Như tiếng sét đánh ngang tai, tôi không tin! Tôi vội vã chạy đến nhà xác. Xác mẹ tôi nằm đó, những nét nhăn hằn trên trán, những sự khổ cực hy sinh của mẹ tôi mà tôi cho là dấu tích của sự quê mùa. Tôi đã lầm ...

Hiếu nức nở khóc.

- Làm sao mẹ tôi có thể sống thiếu tôi! Tôi là nguồn sống của bà mà! Tất cả sinh lực, ý chí phấn đấu trước kia là vì tương lai của tôi, là vì tôi! Không có tôi bên cạnh, không có đứa con trai thương yêu của bà bên cạnh, bà chẳng còn thiết gì! Tinh thần bà suy sụp, thể xác khô kiệt. Mẹ tôi lại sống một mình, chẳng phải với người quen như tôi tưởng. Trong khi đó vợ chồng tôi mải mê làm việc, lo làm giầu!

 

Tội này tôi làm sao rửa hết được! Tại sao tôi không nghĩ những lúc mẹ tôi khổ cực ở xó bếp để tôi được ăn miếng ngon, đến trường mặc những bộ quần áo mới! Tại sao tôi không nghĩ mẹ tôi còng lưng may những buổi tối để tôi có cái xe, thay vì bà ngồi đọc sách báo để tăng kiến thức như tôi mong muốn, cho tôi khỏi xấu hổ. Mẹ tôi chịu ngu dốt để cho tôi khôn, mẹ tôi quê mùa để tôi được thanh lịch mà tôi lại coi thường, khinh chê mẹ tôi! Sau khi chôn cất mẹ tôi. Tôi và Thy ly dị nhau chẳng bao lâu sau đó vì thấy Thy tôi lại nghĩ đến mẹ tôi.

 

Tôi dọn về tiểu bang này để khỏi phải thấy những cảnh quen cũ. Ông thấy đó, ngày lễ Vu Lan tôi không dám lên chùa vì sợ thấy cảnh hiếu thảo của người con đối với mẹ của họ, sợ thấy cảnh những người còn các bậc từ mẫu. Tôi làm công quả hy vọng hương hồn mẹ tôi vui lòng, những công việc mà bà rất muốn làm nhưng đã không làm được vì dành hết thời giờ cho tôi. Tôi bố thí, cúng dường với tâm ý hồi hướng công đức cho mẹ tôi dù biết rằng nên hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh. Công ơn mẹ tôi sâu dầy, lúc sống tôi đã không trả được, ít ra cũng làm nguôi ngoai phần nào hương hồn người khi đã mất.

Hiếu nhìn ảnh mẹ mình, nước mắt dàn dụa, miệng lẩm bẩm:

- Mẹ ơi, tội này con làm sao rửa hết được.

Tôi ngồi chẩy nước mắt nhìn Hiếu. Một tâm hồn đau khổ, đang quằn quại trước mặt tôi. Hiếu tiễn tôi ra cửa, miệng nói khe khẽ:

- Đừng bao giờ để hối hận như tôi, ông nhé. Phúc thay cho những kẻ còn mẹ!

Tôi không trả lời, nắm tay Hiếu bóp mạnh.

Trần Dzũng Minh Dân

 

Thursday, May 4, 2023

Thầy ơi… Thầy đâu rồi?

 

Thầy ơi… Thầy đâu rồi?

https://giadinhnazareth.org/thegioiquanhta/xahoi/thay-oitthay-dau-roi/
https://www.youtube.com/watch?v=9VsCzG-p-gI

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Tôi trở về Việt Nam thăm thân nhân vào một mùa hè.

Tôi thuê xe đến ngôi trường cũ, một mình tìm lại kỷ niệm xưa, không chỉ là mái trường trung học thân yêu mà còn có bóng dáng một tình yêu.Thày Chuẩn, giáo sư môn toán của tôi suốt 3 năm liền từ lớp 10 đến lớp 12.

Kể từ ngày tôi đi vượt biên được đến Mỹ định cư. Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam và ngôi trường cũ là một kỷ niệm tôi luôn mong muốn được gặp lại.

Đứng trước ngôi trường xưa lòng tôi bồi hồi thổn thức….

Ngôi trường đã hoàn toàn thay đổi, trường được xây mới và rộng thêm, cây phượng vỹ gìa nơi sát hàng rào trường không còn nữa. Bao mùa hoa Phượng của tôi chín đỏ sân trường nay về đâu, hoa Phượng ơi, thày cô ơi, bạn bè ơi..…

Tên trường không thay đổi, vị trí trường vẫn là đây, nơi tôi từng đi về suốt mấy năm trung học.

Trường lớp đóng cổng đóng cửa im vắng trong một buổi trưa hè. Mùa khai trường sắp đến rồi, mai mốt sân trường im vắng này lại rộn rã thày trò đông vui.

Nhìn dãy hành lang trường hun hút tôi nhớ bóng dáng thày Chuẩn thường đi qua. Nhìn phòng lớp im tiếng tôi nhớ những lúc thầy đứng giảng bài và tôi thì mơ mộng nhìn ra ngoài khung cửa, bài toán thày giảng giải xong mà tôi giấc mộng chưa tròn.


Nguyễn Thị Thanh Dương.

Nước mắt rưng rưng tôi bâng khuâng tự hỏi:

- Thày ơi…thầy đâu rồi?

Không biết thày Chuẩn còn dạy ở trường này không? Mai này đến ngày khai trường tôi sẽ đến đây, không là cô học trò nhỏ năm xưa, chỉ là người khách lạ, tôi sẽ đứng ngoài cổng như thế này để tìm trong đám đông thày trò một bóng dáng thày. Nhất định tôi sẽ nhận ra thày, con người ấy, nét mặt ấy tôi vẫn chưa quên dù 20 năm đã xa, 20 năm chưa gặp lại thậm chí chưa nghe tin tức gì về thày.

Suốt bao năm tôi mải lo cuộc sống hiện tại nơi quê người và mối tình học trò mong manh nơi quê nhà luôn là kỷ niệm đẹp.

Năm tôi lên lớp 10 thày Chuẩn mới đổi về trường dạy môn toán, ngày đầu tiên thày vào lớp lũ học trò con gái chúng tôi xôn xao vì thày giáo trẻ tuổi đẹp trai lại vui tính ăn nói ngọt ngào.

Chúng tôi đã nhanh chóng điều tra ra «lý lịch» của thày, độc thân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo.

Tôi còn nhớ bạn Kim Sa nói:

- Thày chỉ đáng tuổi anh chúng mình thôi, tao chẳng muốn gọi bằng «thày».

Tôi cũng nghĩ thế và tôi chỉ muốn gọi thày bằng «Anh».

Tôi thầm yêu thày ngay năm học đầu tiên, chờ mong từng giờ học với thày, mừng vui khi thấy bóng dáng cao cao của thày xuất hiện, hồi hộp khi thấy đôi mắt hiền sau cặp kính cận của thày nhìn tôi dù chỉ là cái nhìn bình thường hay thoáng qua.

Có lần trong hành lang trường, từ xa thấy thày đang đi đến gần tôi đâm ra luống cuống vụng về làm rơi cả mấy quyển vở đang cầm trên tay. Thày đã cúi xuống nhặt lên đưa cho tôi. Giây phút đối diện và chạm tay ấy tôi không bao giờ quên.

Thời kỳ bao cấp cuộc sống ai cũng ít nhiều khó khăn, tôi đã chứng kiến cảnh các giáo viên chia nhau nhu yếu phẩm gạo thịt tiêu chuẩn tại văn phòng. Tôi thương thày giáo độc thân của tôi cũng không thoát khỏi cảnh đời thực tế này, nhưng dường như tôi ít khi thấy thày Chuẩn mang những thứ nhu yếu phẩm ấy về nhà.

Một học trò lớp tôi nghỉ bệnh mấy ngày ở nhà, gia cảnh nó khó khăn, thày Chuẩn là thày giáo chủ nhiệm sẽ tổ chức một buổi đến thăm để «động viên» học trò. Tôi là trưởng lớp được đi cùng thày.

Tôi bất ngờ khi thấy thày mang theo miếng thịt heo nửa ký và bịch gạo 12 ký là tiêu chuẩn của thày vừa lãnh. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, thày nói:

- Nghe nói gia cảnh trò Hoa nghèo, lại ốm đau nghỉ học thày chẳng biết mang qùa gì, sẵn hôm nay có tiêu chuẩn gạo thịt này…

Tôi ngại ngùng và thương cảm…cho thày, chứ không phải cho bạn:

-  Thế…tháng này thày không có gạo thịt ăn hả? thày báo tin thăm Hoa đột xuất qúa em chẳng kịp góp phần mua qùa…

Thày Chuẩn mỉm cười:

- Lo cho người bệnh chứ việc gì lo cho thày. Tháng này thày sẽ…ăn chực bố mẹ.

Sau này tôi biết thêm thày Chuẩn vẫn thỉnh thoảng nhường phần gạo thịt tiêu chuẩn của thày cho một vài bạn đồng nghiệp đông con hay gia cảnh khó khăn dù thày cũng chẳng khá gỉa .

Một nhà giáo chăm chỉ yêu nghề hết lòng chỉ dạy học trò, một nhà giáo luôn giúp đỡ bạn bè cả vật chất lẫn tinh thần, khi thì nhường tiêu chuẩn nhu yếu phẩm, khi thì thay bạn đứng lớp lúc họ bận việc hay ốm đau.

Lũ học trò chúng tôi đã «phát giác» ra những điều ấy không khó gì.

Thày là một chàng trai trẻ phóng khoáng và bao dung trong bộn bề cuộc sống.

Càng ngưỡng mộ thày tôi càng yêu mến thày.

Mùa hè năm lớp 12, mùa hè cuối cùng rồi mỗi người vào đời một hướng rẽ. Tôi sẽ đi xa hơn, cuộc chia tay này không thể nói cùng ai, gia đình tôi chuẩn bị cho hai chị em tôi đi vượt biên.

Ngày cuối cùng trước khi nghỉ hè tôi cố tình đợi để đối diện thày nơi hành lang lớp, lần này tôi không vụng về làm rơi cuốn vở mà vụng về nói chia tay với thày:

- Em …chúc thày…ở lại… một mùa hè vui vẻ.

Thày ân cần :

- Thày chúc em thi đậu đại học và tương lai mở ra phía trước. Còn thày dĩ nhiên vẫn ở lại làm «ông lái đò chở người qua sông»

«Anh lái đò» ơi, ước gì anh không chở em qua sông mà chở em trên suốt con sông dài cuôc đời nhỉ…

Tôi lãng mạn nghĩ thế. Thấy tôi không nói gì thêm thày định bước đi, tôi chợt tỉnh cơn mơ vội nói với theo:

- Thày ơi…thày nhớ lo cho chính bản thân mình, giữ gìn sức khỏe…

Thày hiểu ý tôi và mỉm cười:

- Em muốn nhắc lại chuyện thày đi thăm em Hoa với phần tiêu chuẩn lương thực của thày chứ gì. Xem này, thày có gày ốm đi tí nào đâu.

Khi bóng thày rẽ khuất vào một lớp học, tôi đứng ngẩn ngơ gọi thầm hai tiếng thân thương : «Thầy ơi…».

Xa lớp xa trường đã buồn, xa thày tôi càng buồn hơn. Tôi ra đi mang theo một mối tình câm tuyệt vọng.

Để rồi hơn 20 năm sau trở về kỷ niệm năm nào bỗng thức dậy. Trong tôi vẫn còn hình bóng thày Chuẩn cao cao đẹp trai và rất đàn ông tính rộng rãi bao dung.

Bây giờ chắc thày đã có gia đình vợ con và vẫn là thày như thuở độc thân vui tính.

Tôi muốn biết thày còn dạy ở trường cũ không, để ngày khai trường sắp đến đây tôi nhất định sẽ đến trường, chỉ để nhìn thày bây giờ ra sao.

Tôi tự trách mình bấy lâu đã không tìm liên lạc với bạn bè đồng môn cũ để biết tin về thày.

Tôi cố moi óc nhớ lại những bạn bè cùng lớp cũ và nhớ ra nhà Kim Sa ở gần nhà tôi nhất nên đến thăm hỏi, Kim Sa đã dọn đi kể từ khi lập gia đình. Tôi xin được số điện thoại của Kim Sa..

Khi tôi gọi phone cho Kim Sa, nó mừng rỡ, chúng tôi cùng nhắc lại ngôi trường cũ bạn bè xưa. Tôi hỏi :

- Kim Sa ơi, thày giáo Chuẩn đẹp trai, thần tượng ngày xưa của chúng mình đâu rồi ? thày còn dạy ở trường mình không?

- Kim Sa định kể đây, thày Chuẩn đặc biệt nhất nên để dành kể sau cùng.

Tôi mừng rỡ, không kịp kìm nén lòng mình reo lên:

- Thày Chuẩn đặc biệt là phải rồi. Một người tốt tính như thày chắc luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

- Chỉ đúng một nửa, thày gặp…may mắn trong cuộc sống nhưng không còn đi dạy học nữa.

Kim Sa kể thày Chuẩn bây giờ giàu sang vào hàng đại gia. Thày lập gia đình với con gái một cán bộ cao cấp, gia đình vợ đã lo cho thày một chức vụ trong ngành giáo dục. Bao nhiêu năm qua thày làm giàu nhờ chạy điểm cho học sinh, muốn con em vào trường tốt, muốn con em vào đại học đều qua tay thày.

Nghe đến đâu tôi bàng hoàng đến đấy. Chàng tuổi trẻ thuở vào đời với tấm lòng hồn nhiên cởi mở, với nhiệt huyết yêu nghề yêu chữ đâu rồi?

- Lẽ nào thày Chuẩn lại thế??

Tôi cố tình chưa tin dù biết bạn đang nói thật, nói đúng. Kim Sa thản nhiên:

- Bạn sống ở Mỹ nên không quen với những trò tiêu cực trong xã hội như thế này, chúng tôi ở Việt Nam thì là chuyện bình thường. Thời buổi này xã hội này ai có quyền lực trong tay mà không giàu mới là lạ.

Kim Sa nửa đùa nửa thật:

- Thế bạn có muốn đến thăm thày xưa không?

Và Kim Sa tự nhanh nhẩu trả lời:

- Đừng nhé, không ai tiếp bạn đâu. Vào cửa nhà thày phải có người giới thiệu, thày chẳng có thì giờ tiếp chuyện vớ vẩn những đứa học trò xưa. Với lại mùa hè này vợ chồng con cái thày đang đi du lịch Châu Âu chưa về.

Tôi chán nản nhưng vẫn mong là nãy giờ bạn…nói đùa:

- Kim Sa đùa thế đủ chưa? Làm sao mà Kim Sa biết rõ về thày như thế ?

- Ai dám nói đùa nói xấu một con người, lại là thày giáo cũ mà mình từng ngưỡng mộ. Từ một người bà con bên vợ của thày kể ra cho bạn bè anh ta và truyền đến bọn mình. Không tin thì cứ nhìn căn biệt thự lộng lẫy của gia đình thày cũng là một câu giải đáp. Thời buổi này nhà giáo chân chính có dạy trường điểm, dạy thêm ngoài giờ đến hao mòn sức khỏe, ho lao khạc ra máu cũng chỉ đủ sống chứ ai làm giàu cho nổi…

Tôi buông phone, những lời nói của Kim Sa đang bủa vây xung quanh tôi. Thày giáo trẻ tuổi đẹp trai con nhà nghèo nhưng tâm hồn không vướng bận vật chất lợi danh của ngày xưa đã thay thế bằng một ông cán bộ ngành giáo dục tham hư danh quyền lợi, bán rẻ lương tâm nhà giáo chỉ vì tiền.

Tôi đã mất thày rồi, tôi trách hoàn cảnh xã hội, trách người phụ nữ làm vợ thày đã lấy đi trong tôi hình ảnh đẹp của thày, lấy đi mối tình đầu đời tuổi học trò mới lớn của tôi, những thứ mà tôi từng trân trọng cất dấu trong đời..

Tôi thốt kêu lên trong thất vọng:

- Thày ơi…thày đâu rồi ??./.

Nguyễn Thị Thanh Dương.




Sunday, April 30, 2023

Chiến binh Mỹ và tấm ảnh người con gái Việt

 

Chiến binh Mỹ và tấm ảnh người con gái Việt

Nguyễn Vạn Lý

https://www.facebook.com/Chuyennhanvanhay/posts/3252793608282061/?locale=hi_IN

Ðây chỉ là một tấm ảnh nhỏ, sờn cũ từ nhiều thập kỷ rồi. Nhưng tấm ảnh nhỏ bé ấy kể lại một câu chuyện ly kỳ và cảm động, và ám ảnh một chiến binh Mỹ tại Việt Nam trên 30 năm – cái hình ảnh một cô gái nhỏ chưa hề quen biết đã dẫn người cựu chiến binh Mỹ làm một cuộc hành trình trở lại Việt Nam, để hàn gắn đau thương quá khứ và tìm sự bình yên cho tâm hồn mình.

Ðối với Rich Luttrell, người cựu chiến binh Mỹ, thì đi tìm một người con gái trong ảnh là một việc làm khó khăn nhất trong đời ông. Ông ngồi nhìn rừng già bên dưới chiếc Boeing 747, thần kinh căng thẳng với những xúc cảm đè nén. Nhưng tất cả những gì Rich có thể trông thấy là tấm ảnh ấy. Hình ảnh người con gái nhỏ ấy có gì mạnh mẽ đến nỗi Rich phải trở lại Việt Nam?

Cô gái nhỏ ấy là ai? Tại sao Rich không thể chịu đựng được nỗi buồn bã của đôi mắt cô gái trong tấm ảnh? Rich thú nhận, «Mỗi khi tôi nhìn lại tấm ảnh, tôi dường như bị mê hoặc. Tôi cảm thấy đúng như thế kể từ ngày ấy, trong một cánh rừng già cách nước Mỹ nửa vòng trái đất.» Ðó là cái giây phút mà một hành động thời chiến đã tạo cho Rich một gánh nặng trong suốt 33 năm.

Năm 1967, Rich Luttrell gia nhập quân đội, khi là một thiếu niên 17 tuổi. Ðây là một cơ hội cho Rich thoát cảnh nghèo trong một khu gia cư rẻ tiền tại Illinois. Ông bỗng thấy mình trưởng thành, có được hai đôi giầy ống, một đôi giầy mới, và những quân phục mới. Trong đời ông, chưa bao giờ ông có nhiều quần áo như thế trong một lần. Ông nghèo, nhưng có lòng ái quốc. Ông quyết định ra đi và gia nhập Chiến đoàn dù 101. Giống như nhiều thanh niên khác, Rich được huấn luyện cho cuộc chiến tại Việt Nam.

Ngày Rich tới đơn vị, chiếc trực thăng hạ cánh xuống một khu rừng già tại Việt Nam, và ông trông thấy những người thuộc trung đội ông đứng đó – cũng trạc tuổi ông. Có những người trông rất ngầu – nhất là mắt họ. Ông hoảng sợ kêu lên, «Lạy Chúa, con sẽ phải đương đầu với những gì ở đây?»

Rich đã được huấn luyện như mọi người, để chiến đấu trong điều kiện của địch quân, nghĩa là phải chiến đấu du kích – đêm đi nằm phục kích, lùng và diệt địch. Lúc ấy Rich chỉ vừa mới 18 tuổi. Chàng thiếu niên bé bỏng từ khu gia cư rẻ tiền tại Illinois bỗng thấy mình ở trong một hoàn cảnh mà không một sự huấn luyện nào đủ sửa soạn cho rừng già Việt Nam. Tại đây trời nóng hoặc mưa, hoặc cả mưa và nóng. Không có nhà cửa, không giường chiếu, không nghỉ ngơi, và không ngừng sợ hãi. Rich chỉ là một thiếu niên gầy gò, vai đeo chiếc ba lô to hơn lưng, và phải học điều luật căn bản đầu tiên: phải tiếp tục tiến bước, tiến bước và tiến bước mãi.

Có những lúc Rich phải trèo núi, và muốn chảy nước mắt và kêu lên, «Lạy Chúa, xin dừng lại. Con không thể đi được nữa. Và chúng tôi vẫn cứ phải tiểp tục như thế, từ sáng sớm tới đêm tối. Tôi nghĩ tôi sẽ phải làm gì khi đụng trận? Tôi không thể di chuyển được nữa. Tôi quá mệt. Tôi sẽ làm sao nếu gặp địch quân? Tôi chưa sẵn sàng cho một trận đánh.»

Và một ngày đặc biệt đã làm thay đổi tất cả. Hôm ấy nóng như thường lệ, giống như mặc áo choàng đứng trong một phòng bốc hơi nóng vậy. Rich không biết địch quân chỉ cách ông vài thước trong rừng già.

Rich kể lại, «Từ khóe mắt tôi trông thấy một động đậy. Tôi có thể trông thấy một binh sĩ Việt Cộng ngồi tựa vào khẩu AK 47. Ðây là lần đầu tiên tôi trông thấy một lính Việt Cộng. Suốt đời tôi tôi chưa bao giờ trông thấy họ.»

Rich mới 18 tuổi, và bỗng nhiên vô cùng sợ hãi, người như đóng băng lại. Ông biết không thể không làm gì, và ông phải có phản ứng, phải làm một cái gì. Ðấy là quyết định của Rich. Ông ở trong tầm đạn của địch quân. Cái chết chỉ cách một nhịp tim đập. Rich quay lại và nhìn thẳng mặt người lính Việt Cộng. Ông kể lại, «Dường như chúng tôi chăm chú nhìn nhau một lúc lâu. Và rồi giống như một chuyển động chậm, tôi bóp cò súng tự động của tôi. Tên địch ngã gục xuống. Ngay sau đó là một trận đụng độ dữ dằn. Tôi chưa đủ kinh nghiệm để nhào xuống đất. Và có một người nào đó giúp tôi, đẩy tôi nằm xuống.»

Rich có thể nhận thức rằng người lính Việt Cộng ấy đã có thể giết chết ông trước khi ông trông thấy hắn. Rich công nhận, «Chắc chắn như vậy. Và cho tới bây giờ tôi vẫn lấy làm lạ, và tự hỏi tại sao hắn không bắn tôi?»

Nhưng đó không phải là điều ám ảnh Rich nhiều năm sau đó. Không phải là súng nổ, và cũng không phải việc giết người. Ngoài chiến trường thì lúc nào cũng có quá nhiều súng nổ và người chết.

° ° °

Chàng thanh niên 18 tuổi Rich Luttrell cuối cùng đã đụng địch quân và thoát chết. Người lính Việt Cộng ấy đáng lẽ ra đã giết Rich rồi. Nhưng kết quả ngược lại. Rich toát mồ hôi, chất adrenalin tỏa ra khắp người và cảm thấy như không đứng vững nữa, vì hành động vừa giết người.

Thiếu kinh nghiệm, Rich tỏ ra rất xúc động sau vụ giết người lần đầu tiên, và kinh hoàng thấy các bạn đồng đội đi tìm kỷ vật trên xác địch quân. Có người cúi xuống rút ví của tên địch vừa mới bị Rich bắn chết. Một mẩu giấy rơi ra; Rich cúi xuống nhặt lên: đó là một tấm ảnh nhỏ nhô ra một nửa, trông giống khuôn mặt một cô gái nhỏ có mái tóc dài. Rich rút tấm ảnh ra, chỉ to bằng một con tem. Ðó là ảnh một người lính và một cô gái nhỏ. Họ là ai? Phải chăng đó là người lính Việt Cộng đã chết? Có phải người lính là bố cô gái không?

Rich quyết định giữ tấm ảnh ấy. Ðúng ra, ông ngồi xuống, cúi nhìn người lính chết và nhìn tấm ảnh, rồi lại nhìn mặt anh ta. Hai người trong tấm ảnh quá trang nghiêm, quá buồn. Phải chăng họ chụp tấm ảnh này ngay trước khi họ từ giã nhau – trước khi người lính bỏ con gái ở lại, để ra đi và để bị Rich bắn chết. Rich cảm thấy đau đớn lắm. Nhưng chỉ trong vài phút, trung đội của Rich phải di chuyển. Rich nhét tấm ảnh vào ví.

Cái gì đã khiến Rich phải giữ tấm ảnh? Rich trả lời, «Tôi không biết. Tôi đã suy nghĩ cả triệu lần rồi. Cái phần đầu tiên tôi trông thấy trong tấm ảnh là cô gái, và cô ta có một cái gì buồn bã lắm.»

Nhưng Rich không phải là một người lính bất đắc dĩ, không muốn giao chiến với địch quân. Nếu Rich muốn sống thoát khỏi cuộc chiến, ông phải học cách giết người mà không hối tiếc, và Rich đã trở thành một chiến binh như thế.

Tại cái nơi ghê gớm ấy, Rich mau lẹ trở nên cứng cỏi. Cuối cùng Rich là người được giao nhiệm vụ giải tỏa những đường hầm của địch quân. Ông trở nên thiện nghệ cận chiến. Rich đã nhìn thấy các bạn đồng đội tử trận. Ông quen giết địch quân, và cầu nguyện được thoát chết. Một lần trong đêm tối trên một ngọn đồi, đạn pháo kích nổ quanh mình và nghe thấy bạn đồng đội la hét và bị tan xác, Rich đưa ba lô lên che đầu và cầu nguyện, «Lạy Chúa, xin cho con đừng trúng đạn.» Rich không nghĩ ông có thể tiếp tục được như thế trong sáu tháng nữa.

Khi Rich chỉ còn 20 ngày nữa là được trở về Mỹ thì ông gặp nạn. Ðơn vị ông bị phục kích; ông được giao nhiệm vụ xông ra cứu một đồng đội bị bắn hạ. Trong lúc cứu bạn đồng đội, Rich bị trúng đạn vào lưng, và chính vết thương này giúp Rich được hồi hương sớm. Trong lúc ông được đưa lên trực thăng tải thương, Rich cảm thấy có lỗi, và bị dằn vặt vì những câu hỏi, Ta bỏ đi đâu? Ta sẽ làm gì? Ta bỏ dồng đội lại hay sao?

Rich hồi hương với một hộp đầy huân chương, và kết hôn với Carole, một người bạn gái tại quê nhà. Thập niên 60 nhường chỗ cho thập niên 70; ông không bao giờ nói về cuộc chiến ấy. Thời đại đã thay đổi. Rich có đời sống riêng – hai người con gái, một việc làm tốt tại Sở Cựu Chiến Binh Illinois. Ông cố gắng quên cuộc chiến Việt Nam, và tập trung vào tương lai với Carole.

Carole nói, «Chồng tôi thực sự không nói về chiến tranh Việt Nam trong nhiều năm. Ðó là một cái gì chồng tôi muốn giữ rất riêng tư và giấu kín.»

Rich có thể trốn tránh cuộc chiến, nhưng không không thể trốn tránh được cô gái nhỏ mà ông mang trong ví. Thực sự đã có một ràng buộc đặc biệt giữa Rich và cô gái trong tấm ảnh. Ðây là một điều lạ lùng. Rich đã chứng kiến và đã quên nhiều kinh hoàng trong cuộc chiến, nhưng khuôn mặt của cô gái trong tấm ảnh cứ tiếp tục ám ảnh tâm trí ông. Tấm ảnh nặng không tới một gam mà đè nặng tâm trí ông một cách khủng khiếp.

Vào mùa Giáng Sinh, các con gái ông thường hỏi mẹ mua quà gì cho Rich, và quà tặng ông thường nhận lại là ví da. Hàng ngày người ta thường rút ví ra để trả tiền bằng tiền mặt hoặc bằng credit card, và mỗi lần như thế, Rich lại có dịp kéo tấm ảnh nhỏ ra. Ðối với Rich thì đó là một cô gái tội nghiệp, đã không còn bố chỉ vì ông.

Rich biết nếu ông không giữ tấm ảnh thì ông đã không có những ý nghĩ tội lỗi này. Rich xác nhận, «Tôi hoàn toàn đồng ý. Sau nhiều năm tôi thành thực nói là đã có nhiều lần tôi hối tiếc đã giữ tấm ảnh ấy.»

Carole rất thông cảm và ủng hộ chồng, nhưng bà thấy chồng muốn thoát khỏi ám ảnh ấy thì phải vất tấm ảnh ấy đi. Một lần bà hỏi chồng, «Tại sao anh không vất bỏ tấm ảnh? Hãy liệng bỏ nó đi, loại nó khỏi cuộc đời anh, để anh có thể quên và tiếp tục sống.»

Nhưng Rich không thể liệng bỏ hoặc hủy hoại tấm ảnh được. Ông biết ông phải làm một cách đặc biệt nào đó, phải làm một cách trong kính trọng và danh dự, bởi vì ông nghĩ người lính ấy là một người can đảm.

Năm 1989, hơn hai mươi năm sau khi từ Việt Nam trở về, việc giải quyết tấm ảnh đã rõ ràng và cấp bách. Rich và Carole nghỉ phép hàng năm. Hai người quyết định đi thăm Bức Tường Kỷ Niệm Chiến Binh Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Tại đó Rich biết mình phải làm gì với tấm ảnh nhỏ cũ kỹ này. Rich nghĩ rằng cách tốt nhất là bỏ tấm ảnh tại Bức Tường.

Ngồi trong khách sạn, Rich quyết định phải làm cho đúng. Ông ngồi trên giường với một tập giấy trong tay. Ông suy nghĩ tìm cách nói chuyện với người lính trong tấm ảnh. Trong vài phút, Rich viết xong một lá thư ngắn, gồm có một vài điều ông vẫn từng muốn nói. Ông viết:

«Thưa ông, trong suốt 22 năm nay, tôi giữ ảnh ông trong ví. Hôm ấy tôi mới có 18 tuổi, khi chúng ta trông thấy nhau trên con đường mòn gần Chu Lai, Việt Nam. Xin tha thứ cho tôi đã giết ông. Ðã nhiều lần trong những năm qua, tôi nhìn ảnh ông và người con gái tôi đoán là con ông. Mỗi lần tim tôi bừng cháy với nỗi đau tội lỗi. Xin ông tha thứ cho tôi.»

Mỗi khi Rich đọc lại những hàng chữ trên đây, và ngay cả bây giờ, ông lại cảm thấy một cái gì. Ngày hôm sau, Rich đặt tấm ảnh và lá thư ngắn ấy tại chân Bức Tường, bên dưới tên của 58,000 binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam. Rich nói, «Hành động ấy giống như sự đứng nghiêm chào lần cuối cùng. Người lính ấy chết vì chiến đấu cho niềm tin của ông ta. Và đây là một cách vinh danh và tôn kính ông ta.»

Vào lúc ấy hai người không còn là kẻ thù nữa. Rich nói, «Ông ta không còn là kẻ thù nữa, mà là một người bạn. Giống như chào vĩnh biệt một người bạn. Vào lúc đó, giống như tôi vừa chấm dứt một trận đánh, buông ba lô xuống để nghi ngơi. Cái gánh nặng tôi mang nay không còn nữa.» Phải, tất cả đã mất rồi, và Rich bây giờ cảm thấy nhẹ nhõm, tự do và thoải mái.

Làm thế nào Rich biết được sức mạnh thực sự của tấm ảnh nhỏ bé ấy, của cô gái nhỏ có đuôi tóc, mà bây giờ không còn nhỏ nữa?

° ° °

Tấm ảnh của Rich đã mất rồi. Mặc cảm tội lỗi cũng mất luôn. Cái gánh nặng đã được vất bỏ tại Bức Tường hùng vĩ ấy. Và trở lại Illinois, Rich và Carole bắt đầu cuộc đời mới, sau khi nghe lời khuyên của vợ loại bỏ tấm ảnh để tránh cái tâm trạng ngã lòng mỗi khi trông thấy tấm ảnh. Rich vất bỏ tấm ảnh năm 1989.

Hoặc Rich tưởng đã có thể vất bỏ được. Hàng ngày, hàng trăm người bỏ lại nhiều kỷ vật tại Bức Tường này. Và mọi vật kỷ niệm, dù tầm thường hay thiêng liêng, đều được nhân viên của công viên thu thập lại – kể cả tấm ảnh nhỏ và lá thư xin lỗi của Rich. Tấm ảnh ấy tình cờ nằm trên cùng của một cái hộp, và nằm ngửa lên. Và cũng tình cờ Duery Felton, một cựu chiến binh Mỹ khác, trông thấy. Durey hiểu ngay đây là một cái gì khác thường.

Duery là quản lý phòng sưu tập tại đài Kỷ Niệm Chiến Binh Việt Nam. Ông tự hỏi tấm ảnh này là gì, và cầm lên xem. Ông đã từng trông thấy đủ thứ tại Bức Tường, nhưng chưa bao giờ thấy ảnh một binh sĩ địch quân. Ông vui sướng trông thấy bộ quân phục màu xanh lá cây ấy.

Trong hơn 30 năm Duery chưa bao giờ trông thấy bộ quân phục màu xanh ấy. Một câu hỏi hiện lên trong tâm trí ông «Người con gái này là ai? Có phải là con gái hay cháu gái của người linh Việt Cộng này?»

Rồi Duery đọc lá thư xin lỗi của Rich. Ông nhớ lại khi còn chiến đấu tại Việt Nam, ông đã từng giúp khiêng xác đồng đội, những bao đựng xác và những ponchos. Ông đọc lá thư về việc giết người ấy. Thực là khó khăn khi phải làm quyết định ấy, một duyết định chỉ làm trong vài giây đồng hồ, nhưng người ta sẽ phải ân hận suốt đời. Durey cảm thấy có một cái gì an ủi, khi được biết có người cũng trải qua kinh nghiệm ấy, và viết lại lên giấy.

Duery dùng lá thư xin lỗi và tấm ảnh của Rich trong các cuộc trưng bầy về Bức Tường, dậy cho thế hệ mới về chiến tranh, và chiến đấu trong chiến tranh có hậu quả gì cho con người. Tấm ảnh ám ảnh Rich bao nhiêu năm, bây giờ lại mê hoặc một cựu chiến binh Việt Nam khác.

Cái gì trong tấm ảnh ấy mạnh mẽ đến nỗi bây giờ đến lượt Duery phải ôm giữ nó và không bỏ đi được? Có thể tấm ảnh đã vang vọng lên trong tâm thần của Duery, và gây một hậu quả sâu xa cho ông.

Dĩ nhiên tại Rochester Illinois, Rich không biết gì về Duery. Rich tiếp tục cuộc đời của ông. Ông chứng kiến hai con gái trưởng thành và sinh con đẻ cái. Bây giờ ông cưng chiều hai cô cháu ngoại của ông. Ông tìm cách đưa người con gái trong tấm ảnh ra khỏi tâm trí ông.

Nhưng người con gái ấy bây giờ lại ám ảnh Duery Felton. Khi một nhà xuất bản yêu cầu Duery giúp in ra một ấn bản về Bức Tường, ông biết rằng ông phải đưa tấm ảnh của cô gái và lá thư xin lỗi vào ấn bản ấy. Duery nói, «Tấm ảnh này ám ảnh tôi nhiều năm, và tôi không biết cô ta là ai.»

Cuốn sách có tựa là «Của Dâng Hiến Tại Bức Tường» và in tấm ảnh và lá thư xin lỗi của Rich. Ðây là một cuốn sách đơn giản, trình bày những hình ảnh, những ám ảnh, những kỷ niệm và lòng kính trọng của những người có liên hệ với Bức Tường. Một hôm cuốn sách này xuất hiện trên bàn giấy của dân biểu tiểu bang Ron Stephens. Stephens lật từng trang cuốn sách, và tới một trang đặc biệt có một tấm ảnh mà ông chưa từng trông thấy, và bỗng nhiên ông bị xúc động mạnh. Ông chợt nhận thức ông biết người lính ấy, ông biết tấm ảnh ấy.

Làm thế nào ông Stephens biết được tấm ảnh ấy? Ông ta chưa bao giờ nhìn thấy tấm ảnh, nhưng ông đã nghe người bạn thân là Rich kể nhiều lần. Stephens nói, «Tôi thực sự tuột xuống khỏi Bức Tường, và ngồi phiá sau Bức Tường cầm tấm ảnh này và biết nó là tấm ảnh của Rich. Tôi biết câu chuyện Rich bỏ tấm ảnh tại chân Bức Tường. Chúng tôi nói về chuyện này nhiều lần rồi.»

Năm 1996, bảy năm sau khi Rich nghĩ có thể chào vĩnh biệt tấm ảnh lần cuối cùng, thì ông Stephens vội vã lái xe lại ngay văn phòng của Rich. Rich đang họp với một người nào đó, nhưng Stepehns xen vào và nói, «Tôi cần nói chuyện với anh,» và đặt cuốn sách lên bàn của Rich, và yêu cầu Rich mở trang 53.

Rich mở trang 53 của cuốn sách, và trước mắt ông là tấm ảnh và lá thư xin lỗi gửi người lính Việt Cộng ông bỏ lại bên Bức Tường. Rich lập tức xúc động và bật khóc. Vẫn tấm ảnh người con gái ấy, và đôi mắt buồn bã chăm chú nhìn ông, không chịu quay đi chỗ khác. Rich có cảm tưởng như người con gái muốn buộc tội ông. Lúc ấy Rich như ở trong một cơn ác mộng, và muốn hỏi cô gái muốn gì ở ông.

Nỗi ám ảnh cũ bây giờ trở lại với Rich, mạnh mẽ hơn bao giờ. Rich biết ông phải lấy lại tấm ảnh. Thế là Rich liên lạc với Durey, người cũng đang bị tấm ảnh ám ảnh. Durey bay từ Hoa Thịnh Ðốn tới Illinois, và tận tay trao trả Rich tấm ảnh. Thực là một truyện kỳ lạ. Hai người đàn ông không quen biết nhau, chưa từng gặp nhau, nay ôm nhau khóc vì một cô gái nhỏ mà cả hai đều không biết.

Rich cầm lấy tấm ảnh, và tâm hồn ông là một vết thương tái phát. Ông biết ông phải tìm cách hàn gắn vết thương này. Một buổi tối ông cho vợ biết đây có thể là một sự huyền bí hoặc là định mệnh. Nhưng dù là gì, ông cảm thấy ông phải trả lại tấm ảnh này, có nghĩa là ông sẽ đi tìm người con gái trong tấm ảnh và gia đình người lính Việt Cộng đã bị ông giết.

Nếu như ông biết người con gái ở đâu thì công việc dễ dàng quá, chỉ việc bỏ tấm ảnh vào phong bì và gửi tấm ảnh này ra khỏi cuộc đời của ông. Nhưng ông không làm thế được. Ông không biết tên và địa chỉ người con gái. Ông không có một ý niệm bây giờ người con gái trông như thế nào.

Carole cố gắng khuyên nhủ ông đây là một việc không đơn giản và không thể thực hiện được. Ông không thể đi Việt Nam tìm người con gái được, vì ông không biết tiếng Việt, không quen một ai tại Việt Nam. Ngay tìm một người tại Hoa Kỳ cũng đã khó khăn lắm rồi, huống chi tìm một người hoàn toàn xa lạ cách đây hơn 30 năm, già hơn 30 tuổi trong một quốc gia hoàn toàn khác lạ, nhất là quốc gia ấy từng có thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ.

Ðây là những lý do đúng và hợp lý để loại bỏ ý định của Rich. Bà vợ nhấn mạnh, «Nếu chồng tôi quyết định thực hiện ý định thì ông ấy cứ việc tự đi mà làm. Tôi không cản trở chồng tôi. Nhưng tôi nói với chồng tôi việc này không thể làm được, hãy bỏ cuộc và quên đi, không đáng làm đâu. Tôi thực sự đã chán ngấy chuyện này rồi.»

Carole công nhận bà đã chán nghe chuyện về tấm ảnh này rồi. Ðây chỉ là một sự ám ảnh. Carole cũng bị đau đớn như Rich vậy, mặc dù lý do khác nhau. Cái mà Carole ao uớc là Rich có thể quên được nỗi ám ảnh và tìm được sự bằng an của tâm hồn.

° ° °

Tấm ảnh của hai bố con người lính Việt Cộng đã âm thầm làm nhiệm vụ trong nhiều năm. Nhưng bây giờ nó gây hứng khởi cho một việc làm được coi là không thể thực hiện được. Rich chỉ muốn được cô gái ấy buông tha, và Rich sẽ cố gắng tìm cô ta, nếu đó là điều cô gái ấy muốn.

Rich không biết tên và địa chỉ cô gái, và bây giờ hình dáng cô ta trông thế nào, bao nhiêu tuổi, và nhất là cô ta còn sống không? Nhưng Rich biết ông phải tìm ra người con gái. Rich nghĩ nếu ông công khai cho mọi người biết ông đang tìm cô gái thì có lợi hơn. Vì thế Rich trả lời một cuộc phỏng vấn cho tờ báo St. Louis Post Dispatch, và câu chuyện được đăng lên trang nhất của tờ Post Dispatch.

Rich cứ tiến hành dự định. Ông gấp bài báo ấy, nhét vào một phong bì cùng với một lá thư gửi cho Ðại sứ Hà Nội tại Hoa Thinh Ðốn. Rich giải thích với ông Ðại sứ rằng ông muốn một sự giúp đỡ để tìm ra người con gái, và gia đình người lính trong tấm ảnh. Ông đại sứ hứa chuyển tài liệu về Hà Nội và cho biết phải có phép lạ mới có kết quả.

Giống như tìm kiếm một cây kim trong đống rơm. Ðây là một quốc gia có 80 triệu dân. Chính Rich cũng không tin tưởng lắm. Rich thực tình không hy vọng sẽ có kết quả. Từ đáy lòng ông đã không tin tưởng, nhưng ông biết đây là một việc phải làm. Ít nhất ông phải thử cho biết.

Và thế là một bản sao của tấm ảnh được gửi tới Hà Nội, tại đấy chủ bút một tờ báo nhận thấy đây là một truyện hấp dẫn. Ông ta cho đăng tấm ảnh với lời kêu gọi «Có ai biết những người này không?»

Nếu bài báo ở Hà Nội không đạt mục tiêu ngay thì nó cũng âm thầm tạo ra kết quả. Báo chí có hai công dụng: công dụng thứ nhất là thông tin, và công dụng thứ hai là trở thành báo cũ để gói hàng. Chính công dụng thứ hai này đã đưa tới kết quả.

Một người ở Hà Nội gửi một món quà về quê biếu mẹ. Ông ta dùng cái tờ báo đăng tấm ảnh của Rich để gói món quà, và gửi về cho bà mẹ ở một miền quê xa. Tuy thế câu chuyện cũng có thể chấm dứt ở đây – nếu không vì một tình cờ, bài báo đó đã về đúng chỗ.

Mảnh giấy báo gói đồ ấy về tới một làng quê xa Hà Nội, tại đó bà mẹ mở gói đồ của con, và trên tờ giấy báo nhàu nát, hình ảnh người lính Việt Cộng đập vào mắt bà gìà. Bà ta biết người trong tấm ảnh. Thế là bà ta cầm tờ báo đi tới một thôn xóm nhỏ bé, và bảo cho chị em một nhà kia biết tấm ảnh là bố của họ.

Thật là một điều không tưởng, giống như tấm ảnh nhất định không chấp nhận bị từ chối. Trái với mọi khó khăn tưởng như không qua được, tấm ảnh như một mũi tên trúng đích.

Từ Mỹ quốc cách xa ba ngàn dặm, Rich sẵn sàng chờ đợi lâu dài hơn nữa. Nhưng chỉ vài tuần sau, một lá thư của Ðại sứ Hà Nội tới hộp thư của ông. Lá thư đó viết:

«Có một người tên là Nguyễn Văn Huệ viết thư cho biết ông ta tin rằng tấm ảnh của ông chính là ảnh của thân phụ ông ta, và người con gái nhỏ ấy là chị ông ta.»

Ba mươi năm sau khi trông thấy tấm ảnh lần đầu, cuối cùng Rich biết người con gái ấy còn sống. Trong suốt cuộc đời, người con gái ấy ở cùng một chỗ. Như vậy Rich đã tìm thấy người con gái ấy, tên là Lan, và đã có con cái.

Thực là không ngờ đối với Rich. Thoạt đầu ông không thể tin kết quả mau lẹ như vậy. Rich rất xúc động và tự hỏi không biết những người con này có thù ghét ông vì đã giết cha họ không. Ông bắt đầu lo lắng hai người con có thể hiểu lầm về việc ông tham chiến tại Việt Nam. Rich rất cởi mở và thành thực. Vì trong thư của người con có nói tới tội lỗi và lòng hối tiếc của ông. Ông thấy cần phải bày tỏ cho họ biết có sự khác biệt giữa tội lỗi và hối tiếc. Rich mang trong lòng một mặc cảm tội lỗi nào đó vì cái hành động giết cha của họ, nhưng ông không hề có một hối tiếc nào với tư cách của một quân nhân, cũng không hối tiếc đã tham chiến tại Việt Nam. Và ông nghĩ rằng điều quan trọng là họ phải hiểu như thế.

Rich mong đợi gì ở hai người con này? Dẫu sao ông cũng đã giết cha họ. Ông không mong đợi gì, không biết họ thù ghét và tức giận ông hay không. Người con gái mất bố ấy cảm thấy thế nào? Nàng có coi ông như một con quái vật trong những năm ấy không? Con gái của ông sẽ nghĩ thế nào về một người đã giết ông?

Rich không có nhiều thời giờ suy nghĩ về phản ứng của hai người con này vì một lá thư thứ hai đến với ông. Lần này chính cô gái trong tấm ảnh viết cho ông. Ông vội chạy đi tìm người thông dịch. Lá thư viết:

«Kính gửi ông Richard, đứa nhỏ mà ông đã chăm sóc qua tấm ảnh trong hơn 30 năm bây giờ đã trưởng thành rồi. Đứa nhỏ ấy đã trải qua nhiều đau khổ trong tuổi thơ ấu vì đã mất bố và nhớ thương bố. Tôi hy vọng ông sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi.»

Niềm vui và hạnh phúc? Rich vô cùng kinh ngạc. Như vậy cô gái đã tha thứ cho Rich? Nhưng tin vui vừa nhận được thì tất cả dường như rơi vào tuyệt vọng. Sau một cuộc điều tra nội bộ, chính phủ Hà Nội kết luận thân phụ của Nguyễn Thị Lan không thể là người trong tấm ảnh, bởi vì hồ sơ quân đội chứng minh thân phụ cô ta không tử trận tại nơi Rich nhớ đã bắn chết ông ta.

Rồi ba gia đình khác cho Rich biết tấm ảnh ấy là của họ. Người trong ảnh là bố họ, chứ không phải là bố của Nguyễn Thị Lan.

Làm sao Rich có thể biết chắc tin nào đúng. Người Việt Nam không giữ được hồ sơ thật chính xác. Có khoảng 3 triệu người Việt chết trong cuộc chiến mà tới nay vẫn còn 300,000 lính Việt Cộng được coi là mất tích.

Nhưng rồi có một lá thư nữa xác định niềm tin của Rich đã đạt tới kết cục. Ðó là thư của một đồng đội của người lính trong ảnh, một người quen biết thân phụ của Nguyễn Thị Lan kể từ khi hai người còn nhỏ, và đã chiến đấu bên nhau. Người ấy đoan chắc người trong tấm ảnh là cha của Nguyễn Thị Lan.

Bây giờ Rich rất tin vào kết quả cuối cùng. Khi sự việc đã sáng tỏ, Rich trao đổi nhiều thư từ với gia đình, và đi đến quyết định trao trả lại tấm ảnh cho gia đình người chết. Thoạt dầu Rich định gửi trả lại bằng thư, nhưng rồi cuối cùng Rich hiểu. Chính ông phải bay sang Việt Nam, mang theo tấm ảnh ấy. Ông nghĩ đây là điều ông cần làm và phải làm.

Nhưng làm thế nào Rich có thể đương đầu với Việt Nam, với cô gái và gia đình cô ta? Chính Rich có thể nào nhìn tận mặt kẻ đã giết cha mình trong chiến tranh không? Rich không biết câu trả lời. Ông nhận rằng có một sự nguy hiểm, không biết gia đình người tử sĩ sẽ phản ứng thế nào.

° ° °

Việc gặp gia đình người lính Việt Cộng không dễ dàng đối với Rich. Nhưng chính tại đây vào mùa xuân năm 2000, Rich sửa soạn đương đầu với quá khứ. Ông cảm thấy bị cuốn trôi theo sự việc, như thể ông bị chi phối bởi câu chuyện mà chính ông khởi đầu. Ðôi khi Rich thấy khó hiểu, nhưng vẫn nghĩ rằng đây là việc chính đáng mà ông phải làm.

Nhiều năm trước ông đã thề không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Ông đã chứng kiến quá nhiều cảnh bắn giết, quá nhiều kinh hoàng. Tất cả những đau khổ ấy phản chiếu trong tấm ảnh nhỏ ấy.

Tấm ảnh ấy có lẽ chụp tại một tiệm ảnh địa phương nào đó, tại đó người lính cùng chụp với người con gái để làm kỷ niệm cho cha nhớ con và con nhớ cha, khi ông ta ra đi chiến đấu. Giống như một vật có đời sống, tấm ảnh ấy đi từ một binh sĩ tử trận trên một con đường mòn, tới một người lính Mỹ, đài kỷ niệm chiến tranh, một cuốn sách, một chiếc ví, và tới một gói trên đuờng hồi hương.

Rich và Carole lên máy bay. Không còn đường rút lui nữa. Ðối với Rich, cuộc hành trình này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một chấm dứt. Sự chấm dứt một nỗi ám ảnh trên 30 năm của một tấm ảnh người lính Việt Cộng và cô con gái.

Không có gì ám ảnh hơn là khuôn mặt cô gái, mà Rich biết bây giờ không còn giống như thế nữa. Nhưng chính Rich cũng đã thay đổi và ngay cả Việt Nam nữa. Ðối với Rich, Việt Nam vừa xa lạ vừa gần gũi. Trên tất cả, nó là cái gì làm căng thẳng trí óc. Ngày hôm trước khi gặp nhau, Rich rất căng thẳng. Ông nói, «Tôi thà phải ra trận còn hơn phải gặp cô gái này.»

Ðó là một ngày thứ Tư u ám tại Hà Nội. Trời có vẻ sắp mưa trong lúc Rich bước lên một chiếc xe van để làm một chuyến đi hai giờ rưỡi tới làng của Lan. Chiếc xe chạy qua một vùng rất xa lạ, qua những chợ đầy những khuôn mặt ngạc nhiên trông thấy một đám du khách và người Mỹ tóc bạc này.

Càng gần tới làng, trên xe van Rich càng bồn chồn cựa quậy. Rồi bỗng nhiên, Rich và Carole tới nơi. Ðây chính là nơi người lính ảm đạm nghiêm trang ấy từng sống và có con cái. Ðây là nơi người lính ấy không bao giờ trở lại.

Rich hoang mang, Và sau đó bước qua một bức tường đá, Rich trông thấy người đàn bà. Rich tin chắc đã trông thấy người đàn bà này rồi. Rich phải mất vài phút để lấy lại bình tĩnh, rồi tiến lại phía người đàn bà. Và bây giờ hai người đối diện nhau. Hai người chưa từng thấy nhau bao giờ. Trong vài giây, hai người không biết nói gì. Họ là hai người thân mật nhưng xa lạ. Ông lập lại câu nói tiếng Việt mà ông đã học thuộc lòng:

«Hôm nay tôi trả lại tấm ảnh của cô và cha cô mà tôi đã giữ 33 năm. Xin tha thứ cho tôi.»

Cuối cùng tất cả tuôn ra – như một sự giải thoát đau đớn kinh hoàng. Dường như ngay lúc này người con gái cuối cùng đã có thể chịu được sự đau khổ, khóc gọi người cha mà cô không thực sự biết rõ.

Cô ôm lấy Rich và khóc. Cô ôm chặt lấy Rich như thể Rich chính là cha cô, cuối cùng đã trở về từ cuộc chiến. Người em cô cho biết cả hai chị em dị đoan tin rằng linh hồn người cha sống qua Rich. Ðối với họ, ngày hôm nay linh hồn cha của họ đã trở về với họ.

Cả làng tuôn ra xem tấm ảnh trả lại. Thực ra đó là một đại gia đình, tất cả làng thương tiếc người tử sĩ. Họ biết điều ấy có ý nghĩa như thế nào đối với Lan, và tấm ảnh đã gây xúc động cho mọi người.

Người ta có thể trả lại thế nào một cái gì mạnh mẽ như tấm ảnh ấy? Một lần Rich đã nghĩ tới một nghi thức trang trọng, nhưng cuối cùng chỉ là một câu nói đơn giản của Rich, «Nói cho cô ấy biết đây là tấm ảnh tôi lấy từ ví của cha cô ấy cái ngày tôi bắn chết ông ta, và hôm nay tôi mang trả lại.»

Người con gái nhỏ ấy nay đã 40 tuổi, và đây là lần đầu cô ta cầm được hình mình và hình cha trong tay. Cô ta vùi mặt vào hình ảnh người bố. Ðây là lúc cô ta có thể nhìn bố gần nhất kể từ khi cô lên 6 tuổi và người bố ra đi. Như thể tất cả gánh nặng đã hoán chuyển trong khi tấm ảnh nhỏ này truyền tay. Bây giờ chính Rich là người an ủi Lan.

Ðây là tấm ảnh duy nhất và đầu tiên của người lính Nguyễn Trọng Ngoạn mà con cái có được. Lan và người em tên Huệ đặt tấm ảnh lên bàn thờ cha mẹ. Rich cũng tham dự nghi lễ cầu nguyện trước bàn thờ.

Rich nói, «Thân phụ của họ là một cguời can đảm, và ông chết là một chiến sĩ can trường. Ông ta không bị đau đớn. Tôi rất tiếc.»

Lan và Rich ôm nhau khóc. Hiển nhiên bây giờ Lan đã tha thứ cho Rich. Và trong những giờ sau đó, Rich trở nên gần như một người trong gia đình. Rich có dịp gặp lại bạn đồng đội của người lính đã chết, và những kẻ thù cũ trao đổi những kỷ niệm chiến tranh, như thể họ là đồng đội cùng chiến đấu bên nhau, trong cái góc nhỏ bé này của thế giới, nơi có những mộ bia ghi tên những chiến binh Bắc Việt không trở về.

Nhưng có lẽ còn có một cái gì đáng kể hơn nữa. Một cái gì trong Rich, bây giờ đã thay đổi 33 năm sau khi Rich bóp cò súng trong khu rừng già nóng nực ấy, trong cái ngày khó hiểu ấy. Bây giờ Rich đã tự tha thứ cho mình.

Rich bước đi, tự nhủ việc này «quá khó.» Rất khó cho Rich trở lại được đây, và cũng quá khó cho Rich từ giã nơi đây. Rich và Lan ôm nhau từ biệt. Trở lại xe van, Rich bật lên khóc.

Ba mươi ba năm trước đây, Rich tới quốc gia này để tham chiến. Hôm nay ông trở lại để tìm hoà bình. Ông bỏ lại tấm ảnh và cả một hồn ma nữa. Cái ám ảnh của cô gái cuối cùng đã mất đi, thay thế bằng hình ảnh một người đàn bà vẫn còn sống sau cái chết của thân phụ, và cũng đã tha thứ cái người đã giết cha mình.

Tấm ảnh đem Rich và Lan lại gần nhau và có thể giúp họ liên kết với nhau nữa. Rich cho biết ông sẽ liên lạc với Lan và gia đình. Ông cũng hy vọng câu chuyện ông đã đương dầu với quá khứ có thể giúp những cựu chiến binh khác đương đầu được với hoàn cảnh của họ. Nhiều cựu chiến binh đã trở lại Việt Nam 25 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt.

Ðối với Rich trở lại Việt Nam với tấm ảnh ấy giống như trở lại dự trận đánh cuối cùng. Và bây giờ chuyến trở lại Việt Nam đem lại cho Rich nhiều an ủi. Ông bây giờ đã trút được gánh nặng.

Gần một năm sau Rich vẫn còn mang trong lòng cái giây phút cuối cùng ấy, giống như một lá bùa may mắn, cái giây phút thay đổi của đời ông. Ông nói, «Khi tôi cầm tay và ôm cô ta, tôi cảm thấy như bỏ ba lô xuống và nghỉ ngơi, mọi thứ đều xong cả rồi.»

Rich vẫn chưa hiểu được – làm thế nào ông đã giết một người, mà lại chiếm được cảm tình gia đình của người ông đã giết? Làm thế nào những đau khổ trong những năm ấy, bỗng nhiên biến mất một cách giản dị như thế.

Trước khi trở lại Việt Nam, Rich không thể che giấu những mối lo lắng ông cảm thấy về Việt Nam – những nỗi đau buồn về tấm ảnh tội lỗi – những cảm xúc như thế thật là rõ ràng tại Việt Nam. Bây giờ những cảm giác ấy đâu? Rich nghĩ rằng ngay khi ông trông thấy người con gái ấy, các cảm giác ấy biến mất. Chính cô gái là người giải tỏa những cảm giác tội lỗi của ông.

Hai bên vẫn trao đổi thư tín, Rich và chị em Lan và Huệ. Huệ, người con trai viết cho Rich, «Trong thời gian ông viếng thăm gia đình tôi, mọi người trong làng nhận thấy ông là người rất tốt và tử tế. Khi ông rời Việt Nam, tôi cảm thấy như cha tôi đã trở về.»

Trong một thời gian lâu dài, một góc tim của Rich buồn bã lạnh lẽo. Bây giờ trái tim ấy hân hoan ấm áp trở lại. Ông nói, «Bây giờ chỉ là niềm vui, không còn đau buồn nữa.»

Hành động đầy thiện tâm của Rich không những giúp Rich thoát khỏi nỗi ám ảnh khôn nguôi trong suốt 33 năm, mà còn đem lại an ủi lớn lao cho hai người con của người lính Việt Cộng đã bị Rich bắn chết, vào một ngày mùa hạ trong khu rừng già ấy. Những tâm hồn một thời phong ba bão táp, nay đã có thể yên nghỉ.

(Viết theo tài liệu truyền hình Mỹ)