Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Sunday, November 10, 2024

Ba lời khuyên quý giá

Ba lời khuyên quý giá

https://todaynewsbc.com/?p=34307

Một cặp vợ chồng mới kết hôn rất nghèo và sống trong một nông trại nhỏ. Một ngày, người chồng nói với vợ: «Em yêu, anh sẽ rời ngôi nhà này… Anh sẽ phải đi rất xa, rất xa, tìm một công việc, rồi làm thật chăm chỉ để có thể trở về và cho em một cuộc sống đầy đủ mà em luôn xứng đáng. Anh không biết đôi ta sẽ biệt ly bao lâu, vì vậy anh chỉ đòi hỏi em một điều này thôi: Hãy đợi anh. Khi anh không còn ở đây, em hãy giữ tấm lòng son, hãy bảo toàn sự thủy chung, bởi anh cũng sẽ như vậy với em.»

Sau đó, người chồng rời đi. Ngày lại ngày trôi qua, anh đã đi một quãng đường rất rất xa, cho đến khi gặp một lão nông bên đường. Ông lão cũng đang cần tìm người phò tá mình. Chàng trai trẻ bước đến và tỏ ý muốn trở thành người hầu cận giúp đỡ ông mỗi ngày. Ông lão chấp nhận, sau đó, họ cùng thảo luận với nhau. Anh nói:

«Hãy để tôi làm việc chừng nào tôi còn có thể, và khi tôi nhận thấy đã đến lúc phải trở về cố hương, xin hãy để tôi đi. Tôi không muốn nhận một đồng lương nào trong lúc này – ngài vui lòng giữ lại giúp tôi cho đến ngày tôi rời đi. Vào ngày ấy, xin hãy đưa lại cho tôi toàn bộ số tiền ấy».

Họ cùng đồng ý với thỏa thuận này. Và thế là người chồng làm việc trong nông trại của ông lão trong suốt 20 năm – không có ngày lễ, và cũng không có ngày nghỉ ngơi. Thấm thoắt 20 năm đã trôi qua, anh đến gặp ông chủ của mình và nói:

«Thưa ngài, đã đến lúc tôi cần phải trở về nhà, xin ngài hãy gửi lại tôi số tiền lương trong những năm qua».

Ông chủ của anh trả lời:

«Tốt lắm! Sau cùng, ta đã có thỏa thuận với anh và ta sẽ giữ lời. Tuy nhiên, trước khi anh đi, ta muốn anh hãy cân nhắc điều này: Hoặc là ta sẽ trả lại anh tất cả số tiền và để anh đi; hoặc ta sẽ cho anh 3 lời khuyên và để anh đi. Nếu anh chọn túi tiền, ta sẽ không cho anh 3 lời khuyên ấy; và ngược lại, nếu anh chọn lời khuyên, ta cũng sẽ không đưa tiền cho anh. Bây giờ, chàng trai, hãy trở về phòng và suy nghĩ trước khi cho ta biết quyết định của mình».

Sau hai ngày suy nghĩ, anh quay lại và nói với ông chủ:

«Thưa ngài, tôi muốn nhận 3 lời khuyên của ngài».

«Đừng quên rằng, nếu ta cho anh 3 lời khuyên này, ta sẽ không đưa tiền cho anh. Anh còn băn khoăn điều gì không?»

«Thưa ngài, tôi muốn nhận 3 lời khuyên…»

Sau đó, ông chủ nói với anh:

«Một là: Đừng bao giờ lựa chọn đường tắt trong cuộc đời. Những con đường nóng vội có thể tiềm ẩn mối hiểm họa khôn lường!

«Hai là: Đừng bao giờ quá hiếu kỳ, bởi cái giá cho hiếu kỳ có thể là quá đắt…

«Ba là: Đừng bao giờ quyết định trong cơn nóng giận hay trong lúc tuyệt vọng, bởi những quyết định mù quáng sẽ khiến anh phải hối hận muộn màng.»

Tiếp đó, ông chủ đưa cho anh ba chiếc bánh mỳ và nói:

«Đây là 3 chiếc bánh mỳ dành cho anh: Hai chiếc trên đường, còn chiếc cuối cùng để anh thưởng thức cùng vợ mình khi trở về nhà».

Tạm biệt ông lão, người đàn ông lên đường trở về. Con đường 20 năm cách trở trải dài ra trước mắt. Anh hồi hộp mong chờ đến giây phút đoàn tụ với người vợ ở quê nhà.

Sau ngày đầu tiên, anh gặp một hành khách trên đường. Người lạ mặt nói:

«Chàng trai, anh đang đi đâu thế?»

«Đến một nơi rất xa, cách đây 20 ngày đường nếu tôi tiếp tục đi về hướng này».

Người lạ mặt lại nói:

«Ồ, anh bạn trẻ, đường sẽ rất dài và xa xôi! Tôi biết có một ngã rẽ khác giúp anh sớm trở về nhà».

Anh hăm hở bước theo con đường mới này. Nhưng rồi sau đó, chợt nhớ lại lời khuyên đầu tiên của ông lão, anh bèn quay trở lại con đường cũ lúc đầu. Nhiều ngày sau đó, anh vô tình biết rằng đoạn đường tắt hôm trước có rất nhiều đạo tặc mai phục.

Nhiều ngày nữa lại trôi qua, anh may mắn tìm thấy một nhà nghỉ ven đường. Anh dừng chân dùng bữa tối rồi ngủ một giấc dài…

Đến nửa đêm, anh chợt tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng la hét thất kinh bên ngoài phòng trọ. Anh bước ra khỏi chăn và toan mở cửa xem điều gì đang diễn ra. Bất giác, anh nhớ lại lời khuyên thứ hai nên nén nỗi tò mò và quay trở lại giường.

Sáng hôm sau, khi dùng điểm tâm, người chủ nhà trọ hỏi rằng, liệu anh có nghe thấy tiếng la hét thất thanh đêm qua không. Anh đáp lại là có. Ông bèn hỏi tiếp:

«Anh không tò mò xem chuyện gì đang xảy ra sao?»

«Không, không hề!»

«Thật may mắn, anh là vị khách đầu tiên có thể sống sót mà rời khỏi đây. Trong làng chúng tôi có một con quỷ. Ban đêm, nó thường la hét để gây sự chú ý. Bất kỳ ai nghe thấy tiếng hét mà chạy tới đều sẽ rơi vào nanh vuốt con quỷ này…»

Anh lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Càng gần tới cố hương, anh lại càng hồi hộp và vui sướng. Ngày lại ngày, đêm lại đêm, đôi chân anh đã mệt mỏi rã rời. Cuối cùng anh cũng thấy thấp thoáng ánh lửa bập bùng trong túp lều thân quen.

Bầu trời đã tối lắm rồi, mà mái nhà của anh vẫn còn một quãng dài phía trước. Qua khung cửa sổ, anh thấy bóng dáng người vợ hiền mà anh luôn yêu tha thiết. Nhưng kìa, nàng không ở đó một mình mà còn xuất hiện một gã đàn ông nào đó… Nàng vuốt tóc hắn ta, có vẻ hai người rất tình cảm bên nhau.

Hình ảnh trước mắt khiến trái tim anh tan vỡ và cay đắng. Trong lòng anh sục sôi một nỗi tức giận và tủi nhục. Anh chỉ muốn chạy ngay đến để trút nỗi giận này. Nhưng rồi anh hít một hơi thật sâu để bình tĩnh lại khi nhớ đến lời khuyên thứ ba.

Anh dừng chân và quyết định ngủ lại bên ngoài. Nằm trên bãi cỏ giữa núi đồi và ngắm nhìn sao trời, anh tự nhủ sẽ chờ đến sáng mai.

Khi ánh bình minh ló rạng cũng là lúc anh lấy lại hoàn toàn bình tĩnh. Anh nói với chính mình:

«Ta sẽ không làm hại vợ ta và người tình của nàng. Ta sẽ trở lại bên ông chủ và yêu cầu ông chấp nhận ta làm việc thêm lần nữa. Nhưng trước khi lên đường, ta muốn gặp nàng để nói rằng ta vẫn luôn thủy chung với nàng…»

Anh ngập ngừng gõ cửa… Khi vợ anh mở cửa, cô đã òa lên hạnh phúc và ôm chầm lấy anh. Anh chỉ nhỏ nhẹ:

«Anh luôn một lòng một dạ với em, nhưng tại sao em lại phản bội niềm tin ấy?»

Lời kết tội như làm trái tim thắt lại, cô nói:

«Làm sao em có thể phản bội anh? Em không bao giờ làm điều gì trái với lương tâm mình. Em đã kiên nhẫn đợi chờ anh suốt 20 năm qua…»

«Vậy còn người đàn ông bên cạnh em đêm qua? Anh ta là ai chứ!»

Đến lúc này, cô mới mỉm cười:

«Đó là con trai chúng ta! Khi anh rời đi, em mới phát hiện rằng mình mang thai. Đến nay, con chúng ta đã 20 tuổi rồi».

Những lời nói ấy như dòng suối mát lành cuốn trôi nỗi buồn lo trong lòng anh. Anh cầu xin cô tha thứ, rồi bước vào phòng gặp người con trai anh chưa từng biết mặt. Sau đó, cả gia đình đoàn tụ trong bữa sáng mà vợ anh mới chuẩn bị. Anh lấy ra chiếc bánh mỳ cuối cùng và đặt lên bàn.

Khi cắt bánh mỳ làm ba phần đều nhau, anh bất ngờ khi nhìn thấy toàn bộ số tiền lương của 20 năm qua được giữ kín trong đó. Số tiền không chỉ là 20 năm mà còn vượt xa gấp nhiều lần.

Đức Chúa Trời cũng giống như ông chủ trong câu chuyện kể trên. Khi yêu cầu chúng ta cống hiến, ngài còn dành tặng chúng ta nhiều hơn những gì ta đã làm. Ngài muốn những đứa con của ngài có được trí huệ sáng suốt, và có cả những phúc lành xứng đáng…

Friday, August 16, 2024

Cambodia Trên Đường Vượt Biên

Cambodia Trên Đường Vượt Biên

Chuyến Xe Xuyên Màn Đêm

Trời tối dần tại bến xe Bà Hạt, chúng tôi lên đường. Tôi nhìn lại Sài Gòn lần cuối (lần nào đi vượt biên cũng có tiết mục nhìn Sài Gòn lần cuối, và lần này là… lần cuối thật sự). Xe chạy ra xa lộ hướng về Mộc Hoá, Long An, gió đêm mát rượi. Nửa khuya, tôi đang chập chờn ngủ thì xe dừng lại, mọi người nhốn nháo bảo nhau “đã tới biên giới Cambodia”. Tôi nhảy xuống xe, náo nức muốn xem cảnh “biên giới” nhưng chỉ thấy một màu tối đen. Căn nhà trọ, cũng là quán ăn duy nhất, đèn sáng mờ mờ. Chúng tôi bị lùa vào thật nhanh, chủ nhà đưa ra vài cái mùng, rồi chia nhau theo nhóm ngủ trên những chiếc bàn trong quán.

Sáng hôm sau thức dậy, chúng tôi ăn hủ tíu tại quán, rồi bước ra ngoài nhìn biên giới. Cảnh tượng hoang vu, buồn tênh. Quán nằm giữa đường, đồng ruộng bao quanh, bên này là trạm gác của Việt Nam, phía xa xa bên kia là trạm gác của Cambodia, đó là cột mốc ranh giới. Chúng tôi được lệnh ngồi rải rác xung quanh khu vực này, chờ đến giờ trưa, bên trạm Cambodia đổi nhóm lính gác (là nhóm sẽ ăn tiền hối lộ của ban tổ chức vượt biên) thì xe chúng tôi sẽ an toàn qua trạm. Thỉnh thoảng, có những người dân địa phương của cả hai bên, mặc xà rông, đầu đội thúng hàng hoá, đi qua lại hai trạm gác dễ như đi chợ, họ cười nói chào hỏi nhau bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Cam sành sõi.

Trời đứng bóng, chúng tôi chia ra hai nhóm, một nửa lên xe qua trạm biên giới, tôi theo nửa còn lại, băng đường tắt trong ruộng lúa, vào đất Cam, rồi đến chỗ hẹn với chiếc xe của nhóm, bắt đầu chuyến hành trình mới, hướng về thủ đô Phnom Penh.

Xe chạy được vài cây số, tôi đã lập tức yêu mến đất nước này, bởi khung cảnh quá đỗi quen thuộc: ruộng đồng cháy khô, những căn nhà sàn nghèo nàn, những người dân đen đủi gầy héo, hậu quả của chiến tranh còn vương vãi nơi đây, khung trời này, có khác gì Miền Nam Việt Nam sau năm 1975? Cảm giác yêu thương đó, còn lập lại nhiều lần trên hành trình tôi đi qua và khi vào trại tỵ nạn Thailand gặp gỡ những người bạn Cambodia.

Càng gần Phnom Penh đường xá đẹp hơn, phong cảnh trù phú, những khu phố hiện đại. Con đường buồn và dài hun hút bỏ lại phía sau vẫn còn ám ảnh tôi nhớ về nạn diệt chủng tàn bạo của chế độ Pol Pot. Tôi biết, dân tộc này, còn thấp thoáng những oan hồn, và những khắc khoải đau thương vẫn in hằn trên những khuôn mặt người sống mà tôi đã bắt gặp qua khung cửa xe.

Có Một Việt Nam Giữa Lòng Phnom Penh

Xe chúng tôi tiến vào thủ đô Phnom Penh khi trời chiều xế bóng. Vừa qua phà, chuẩn bị lên xe đi tiếp thì từng tốp người ở đâu chạy ùa đến, hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt: “Chị ơi, em ơi, đổi tiền Ria không?”. Tôi bối rối, ngơ ngác vì quá bất ngờ. Nhưng chưa hết, khi xe dừng lại phía chân cây cầu mang tên Sài Gòn (thấy thương ghê nơi!), vào quán ăn chiều, chủ quán và nhân viên đón chúng tôi bằng giọng Nam Kỳ ngọt như đường cát mát như đường phèn. Nhìn menu đầy hương vị quê nhà, tôi đã gọi dĩa cơm tôm càng kho tàu (vì đây là nơi dòng Mekong và Tonle Sap chảy qua, chưa kể Biển Hồ phù sa màu mỡ), ngon không thể tả!

Ngày hôm sau, chúng tôi khám phá thủ đô với ngôi chợ Olympic nổi tiếng. Lại bất ngờ nối tiếp bất ngờ, vì không khó khi đi dạo trong chợ nếu muốn tìm một vài bạn hàng nói tiếng Việt. Gian hàng ăn uống nơi cuối chợ có một xe hủ tíu đồ sộ, ông chủ người Tiều luôn tay hớn hở múc nước lèo và đáp lời chúng tôi một tràng tiếng Việt lơ lớ. Tôi đã được thưởng thức tô hủ tíu Nam Vang ngay tại… Nam Vang (tên cũ của Phnom Penh).

Là thân phận lén lút đi vượt biên, nhưng tôi đi dạo Phnom Penh với tâm trạng… du lịch. Từ chợ đi ra ngắm phố phường, người qua lại nhộn nhịp đông vui. Đến một đại lộ, có hai hàng cây cao bóng mát rất đẹp như những con đường của Sài Gòn. Quán xá tấp nập, nhất là các quán cà phê, thực khách ngồi tràn ra vỉa hè, đón gió mát, ngắm mây trời.

Và tôi có nghe nhầm không đấy? Âm thanh vọng ra từ dàn Cassette từ một quán cà phê, là tiếng hát điệu đà của Nhật Trường: “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi, thành phố sau lưng ôm mộng ước gì”. Tôi bước gần đến xem, là sạp bán băng nhạc vàng ngay trước quán, có đủ các loại băng của các ca sỹ Sài Gòn trước năm 1975 và một số băng từ hải ngoại chuyển về. Tôi bâng khuâng đi hết cuối con đường, vẫn còn nghe văng vẳng, lần này là Chế Linh nhừa nhựa ngậm ngùi: “Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ, nhiều đông lắm hạ…”

Tôi đang đi giữa lòng Phnom Penh đây, nhưng nào thấy “trời quen đất lạ”, mà chỉ cảm nhận ấm áp vô cùng, một “trời quen, đất quen và không gian cũng rất thân quen”

Hỏi sao tôi không yêu xứ sở này?!

Nhà Trọ

Là căn nhà trọ đầu tiên chúng tôi ghé đến tại Phnom Penh. “Nhà trọ” là căn nhà lầu hai tầng, bên trong trống rỗng, là chỗ ngả lưng và chứa hàng của dân buôn chuyến. Người đi buôn, đa số từ bên Việt Nam, qua đây lấy hàng hoá của Thailand từ biên giới, hoặc đi ra đảo Baklon, nơi có các tàu viễn dương ghé qua, rồi đem về lại Phnom Penh bán lại, hoặc đem về Việt Nam. Các món hàng là thuốc lá Samit, bánh kẹo, vải vóc, vật dụng máy móc…

Bước vào nhà trọ buổi chiều tàn, tôi giật mình vì một đám người lố nhố chật chội bên trong, và âm thanh thì hỗn độn, hầm bà lằng. Nhà trọ không có phòng, mỗi nhóm được cái mùng bự và một cái chiếu, tự tìm chỗ chen chúc mà giăng mùng, hành lý đồ đạc để vào trong mùng nếu không muốn bị mất. Đám con buôn để hàng hoá đầy mùng, hình như họ ngủ ngồi hay nửa nằm nửa ngồi trên những túi đồ đạc. Họ nói chuyện với nhau rất lớn, cười thật to, cãi nhau tranh luận cũng ầm ĩ không kém. Không ai phàn nàn về tiếng ồn, ai thức cứ thức, ai ngủ cứ ngủ, đèn trong nhà luôn mờ ảo. Có người còn mở nhạc, hoặc nghe Radio volume hết cỡ.

Nửa khuya, không ngủ được, tôi bước lên lầu tìm người quen trong nhóm, giữa nhà là chiếc tivi cũ đang mở cải lương Việt Nam (chắc là video). Nhiều người vây quanh tivi, uống trà ăn bánh, bàn tán về những chuyến hàng ngày mai, tôi tự hỏi họ không ngủ sao!?

Lạ lùng thay, sáng hôm sau tôi mở mắt thức giấc, cả nhà trọ im lặng, trống trơn, cảnh tượng đêm qua như là một giấc mơ. Đám con buôn đã đi rất sớm, khoảng 4-5 giờ sáng, chiếu và mùng xếp gọn nơi góc nhà. Nhóm vượt biên cũng phải rời nhà trọ để khỏi bị nghi ngờ, sẽ tìm nhà trọ khác.

Bước đi vội vã trên phố Phnom Penh, tôi thấy mủi lòng. Kẻ thì bỏ quê hương tìm đường vượt biên, người thì bôn ba đất khách mưu sinh không biết ngày mai. Tất cả chúng ta là nạn nhân của cộng sản Việt Nam!

On Xà Lanh Bon Tê?

Trưa hôm đó, chúng tôi cải trang giống “gái Miên hoặc gái Miên gốc Việt”, nào áo quần cũ, nào xách giỏ cói và quàng khăn rằn Cambodia, đón xe hàng đi thành phố biển Kom Pong Som. Ở Phnom Penh thì không sao, chớ đi qua Kom Pong Som thì sẽ bị tình nghi đi vượt biên. Đúng như dự đoán, nửa đoạn đường là gặp ngay trạm lính Cam, họ dí súng vào tôi hỏi “Tâu na?” (Đi đâu?), tôi đáp: “Tâu sa” (Đi chợ). Họ dí súng hỏi tiếp, tôi ú ớ, và bị đuổi xuống xe với hai người nữa trong nhóm. Người dẫn đường biết tiếng nên không bị đuổi, nhắn chúng tôi đừng lo, sẽ được lo ra sớm.

Nhà giam dã chiến, sơ sài nằm giữa đồng trống, bước vào thì thấy có năm người khác, cũng đã quen từ bến xe Bà Hạt và chung nhà trọ Phnom Penh, thế là an tâm.

Người lính Cam canh chừng ngồi ngay cửa, chúng tôi ngồi, nằm lố nhố bên trong và bắt chuyện với anh (trong nhóm có chú Trương người Việt gốc Hoa, biết tiếng Cam và tiếng Thái). Bốn đứa con gái chúng tôi (sau này qua trại ăn ở chung), xúm lại tán gẫu với anh lính trẻ, có chú Trương thông dịch. Anh lính tâm sự, gia đình anh ở miền quê rất xa, anh rất nhớ nhà và mong mau hết thời hạn nghĩa vụ quân sự để trở về nhà. Anh dạy chúng tôi mấy câu tiếng Cam, vui nhất là câu “On xà lanh bon tê?” nghĩa là “Anh có yêu Em không?”, bốn đứa con gái thay phiên nhau “thực tập” câu này với anh lính, làm anh ấy đỏ mặt mắc cỡ, còn chúng tôi được dịp cười giòn giã cả đồng vắng giữa đêm khuya.

Sáng hôm sau, anh lính mở cửa cho chúng tôi đi dạo quanh cánh đồng, rồi lại ngồi ngắm cảnh xung quanh, hoặc tán gẫu cho qua thời gian, chờ đến hai bữa cơm của ban tổ chức vượt biên mang tới. Xế chiều, có tin nhắn chuẩn bị có xe đón ra biển. Ăn tối xong, chúng tôi gói gọn hành lý, được anh lính dẫn qua đồng, đến xa lộ ngoài đường. Lúc này, anh không còn cười nói vui vẻ nữa, mà mang bộ mặt buồn bã nghiêm trang, chúng tôi cũng vậy, vì biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Ai cũng im lặng, căng thẳng, chẳng biết nói gì. Trời nhập nhoạng tối, bốn chiếc xe máy từ xa phóng tới, gấp rút hối chúng tôi hai người lên một xe. Anh lính Cam luống cuống giây phút tiễn đưa, tôi ngồi lên xe vẫn cố ngoái nhìn lại, nói một câu cho anh cười: “On Xà Lanh Bon Tê?” nhưng chỉ thấy bóng anh khuất dần phía sau bóng tối trời Kom Pong Som.

Tạm Biệt Xứ Chùa Tháp

Trước khi thật sự lên tàu ra khơi, chúng tôi còn bị bắt giam một lần nữa, trong doanh trại kiên cố của quân đội cảng Kom Pong Som. Gần một tuần bị giam nơi đây, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, ở tù mà vui như… Tết, vì cả 40 người trong phòng sẽ đi chung chuyến tàu vượt biên qua Thái.

Chuyến hải hành không êm ả chút nào vì gặp mưa bão, chúng tôi đến bờ biển Chad trong đêm tối với mệt mỏi, vật vã toàn thân ướt nước biển lạnh run. Cả nhóm lê lết trong làng chài, gặp căn nhà đầu tiên còn sáng đèn, may mắn thay, họ cho chúng tôi cả một lu nước ngoài sân để uống cho qua cơn đói khát. Người phụ nữ chủ nhà, nước da ngăm đen, mặc chiếc xà rông hoa văn sặc sỡ, làm chúng tôi chợt lo lắng, chẳng biết đây là xứ Thái hay là một làng biển nào đó của Cambodia thì quả là công toi. Chúng tôi dùng ngôn ngữ tay chân hỏi chị ấy: “Thailand or Cambodia?”. Chị cười thật tươi vì hiểu “nỗi lòng” của đám người Việt xác xơ và lập lại nhiều lần: “Thái! Thái! Thái…” cho chúng tôi yên tâm.

Đêm đó, chúng tôi ngủ vật vờ bên đống lửa ven biển để chờ sáng hôm sau được đưa đến trại Cảnh Sát huyện Tha Luông. Cả đêm, run lập cập vì gió biển tháng 12 lạnh cắt da, không chợp mắt được, tôi ôn lại kỷ niệm vừa qua với xứ Chùa Tháp. Từ lúc đến biên giới Mộc Hoá, cho đến chuyến xe đò dài tới Phnom Penh, những căn nhà trọ, chợ Olympic, cầu Sài Gòn, những con đường rợp bóng cây xanh, những khu ruộng khô cằn, những mặt người xa lạ nhưng dễ mến. Dù chúng tôi bị “trấn lột” hai lần tại hai trại tạm giam, nhưng tôi tin họ vẫn là người tốt, chỉ vì thời cuộc mưu sinh. Nếu nói đến sự tàn ác là quân Khmer Đỏ và hải tặc Thailand kìa, chứ tất cả những người dân Cam chúng tôi đã gặp đều rất thật thà, chân tình, đáng yêu!

Cứ ngỡ sẽ bỏ lại Cambodia phía bên kia bờ biển, mang theo nhớ nhung, nhưng có ngờ đâu, khi lên trại tỵ nạn Panatnikhom mới thấy cả một cộng đồng người Cam cũng đang ở trong trại. Tôi lại được dịp quen biết một số người bạn Cam rất hiền hoà, và dễ thương.

Cuộc đời có những niềm vui nỗi buồn mang tên Định Mệnh!

Kim Loan

Edmonton,

Tháng 4.2021

 


Tuesday, April 16, 2024

Cô giáo trẻ và đám học sinh hư hỏng

 

Cô giáo trẻ và đám học sinh hư hỏng

https://thsp.ctu.edu.vn/suu-tam/thay-co/685-co-giao-tre-va-dam-hoc-sinh-hu-hong

Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…

Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Tại một trường trung học ở Mỹ, có một lớp học nọ với 26 em học sinh cá biệt. Những em học sinh trong lớp học này đều có tiểu sử không mấy hay ho: em từng tiêm chích ma túy, em từng vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ mà trong một năm đã phá thai tới 3 lần.

Gia đình đều chán nản và đã buông bỏ chúng, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Tưởng chừng cuộc sống đã hết hi vọng thì một ngày kia, Phila, một cô giáo mới về trường đã tình nguyện làm chủ nhiệm của những đứa trẻ hư hỏng này.

Khác với suy đoán của bọn trẻ, trong ngày đầu tiên nhận lớp, Phila đã không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Trong chiếc đầm lụa màu xanh nhạt, mái tóc màu nâu hạt dẻ búi cao, Phila bước nhẹ lên bục giảng. Cô dịu dàng nhìn xuống lũ trẻ một lượt rồi cất tiếng với vẻ trầm ngâm:

«Cô sẽ kể cho các em nghe về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:

Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.

Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên…

Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.

Cô hỏi cả lớp, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?»

Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba sau khi nghe xong câu chuyện, nhưng câu trả lời của Phila đã khiến lũ trẻ chết lặng.

«Các em thân mến! Cô biết chắc là các em sẽ chọn người thứ 3 và cho rằng chỉ ông ta mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.

Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.

Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.

Còn người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội».

Người thứ nhất – Roosevelt, người thứ 2 – Churchill, và người thứ 3 là Adolf Hitler, thật không thể ngờ…

Những đứa trẻ như ngây người trước câu trả lời của Phila và dường như không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.

«Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, và cô tin các em sẽ trở thành những người xuất chúng…» – Phila vừa nói vừa nhìn chúng với ánh mắt đầy hi vọng.

Và bạn biết không, sau này khi trưởng thành, rất nhiều học sinh trong số họ đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người lại trở thành nhà du hành vũ trụ. Và trong số đó phải kể đến Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, nay đã trở thành Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall.

Ý nghĩa của câu chuyện ở đây là bạn hãy đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng bởi hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà.

Và đó là lý sao nó được gọi là «The Present» (hiện tại/món quà).

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng.

Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.

Thế nên:

Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác.

Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.

Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây.

Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.

Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

Sưu tầm


Sunday, March 31, 2024

Người bạn trung thành : con chó

cfff

Chó, Người Bạn Trung Thành…

& Bài Diễn Văn Hay Nhất Thế Giới về Tình Cảm Loài CHÓ...


I. NGƯỜI BẠN TRUNG THÀNH: «Chê Cha Mẹ Khó, Chó Không Bỏ Chủ Nghèo»...

Nơi góc chợ của một thị trấn nhỏ miền biên giới gần đây người ta bỗng thấy xuất hiện một người hành khất tiều tụy, rách rưới bên một con chó xơ xác.

Người ăn xin sống lay lắt qua ngày với những của bố thí. Chẳng ai biết lão từ đâu tới, cũng không ai hiểu vì sao lão lại ra nông nỗi này ?...

Rồi người ta bàn tán :

Tại sao lão lại không vất quách con chó đi cho rảnh, thân lão còn không lo nổi huống chi lại có thêm một con vật.

Ngày lại qua ngày, người ta cũng quen với hình ảnh một người một chó nơi góc chợ bẩn thỉu. Kẻ qua đường mỗi khi rủ lòng vứt cho những đồng tiền lẻ. Mỗi lần như thế con chó lại tỏ ra nhanh nhẹn chạy ra gặm lấy đồng tiền đem về cho chủ. Còn có người chỉ vì tò mò ném ra một mẩu bánh mỳ, nó cũng trân trọng dùng cái mõm gặm đưa lại. Còn người xin ăn thong thả bẻ đôi mẩu bánh đưa cho nó một nửa. Cứ như thế một người một vật sống lần nữa qua ngày…

Rồi một hôm, có ông thợ dệt thổ cẩm dừng lại chăm chú nhìn con chó, có vẻ thích thú bèn lên tiếng :

Này ông lão, ông bán cho tôi con chó này nhá.

Nói xong người thợ rút ra 30 đồng và tự cho rằng: mình cũng đã làm một việc tốt không kém ai.

Ông già ngước đôi mắt đục về phía người thợ nói đứt đoạn :

Ta cũng không còn sống được bao lâu nữa, anh hãy đem nó về mà nuôi !

Ông nhẹ nhàng với tay vuốt lên đầu con chó giọng chua xót :

Nó là con vật có nghĩa, có tình.

Người thợ tìm được sợi dây mang đến. Tay ông già run run luồn dây quanh cổ con chó, nó bỗng hạ thấp hai chân trước như thể cầu cứu van xin. Ông vỗ nhẹ :

Không hề gì đâu, anh bạn nhỏ ạ ! Ta vẫn còn có mọi người đấy thôi.

Xong rồi ông đẩy nó về phía người thợ dứt tình :

Thôi ngoan nào !.

Con chó cong lưng cưỡng lại, ông phải ôm nó vào lòng cất giọng rưng rưng :

Ta không thể sống cùng con được bao lâu nữa đâu, hãy đi đi…

Khó khăn lắm người thợ cũng đem được con chó về…

Hai ngày sau, người ta lại thấy người thợ đem con chó đến với ông già khốn khổ. Nó bây giờ có vẻ bảnh chọe, bóng mượt, dưới cổ còn thắt chiếc nơ làm dáng. Người thợ nói với ông lão cùng với mọi người xung quanh :

Tôi xin trả lại con chó này cho ông vì suốt hai ngày nay nó không chịu ăn uống gì cả mặc dù nhà tôi không thiếu, có lẽ nó nhớ ông !?

Rồi anh ta thừa nhận :

Đúng là một con chó trung nghĩa.

Người thợ vừa lỏng tay, con chó phóng ra nhào vào lòng người ăn xin, nồng nhiệt liếm lên đôi bàn tay lạnh giá với cái đuôi mừng rỡ khôn cùng. Ông già vuốt ve nó như đã từ lâu không gặp đồng thời rút mấy đồng bạc trả lại cho người thợ. Người thợ xua tay :

Thôi, thôi coi như tôi tặng ông và cũng như tôi đã mua rồi, nếu không làm sao tôi biết được một con chó tốt đến thế !

Anh kết thúc :

Coi như ta đã sòng phẳng với nhau rồi nhá…

Mùa đông tới, khắp vùng biên giới gió rít từng cơn, lá vàng cuộn thành đống nơi góc chợ.

Buổi sáng ngày đó người ta không còn thấy hình ảnh quen thuộc. Con chó nằm phủ phục bên đống chăn cũ nát. Người ăn xin đã chết đêm hôm qua. Thảo nào người đi chợ sớm nghe thấy tiếng con chó tru lên từng hồi, rợn cả người.

Nhà chức trách thị trấn cho người đến giải quyết sự việc với cái xác vô chủ. Lục tìm trong ông họ không thấy có thứ gì ngoài một tấm thẻ có từ thời Pháp bị cháy sém chỉ còn rõ con số 1938…và 30 đồng.

Con chó ngồi đó im lặng nhìn người ta ghép vội mấy miếng gỗ tạp làm một cái gọi là quan tài. Xong xuôi họ khiêng cái xác lạnh ngắt ép xuống. Chiếc quan tài được buộc vào giữa hai cây gỗ như một cái thang, hai đầu thang quét xuống đất.

Con bò già lững thững kéo chiếc xe quẹt đi, ngay lập tức con chó vùng dậy theo sau. Nhìn đám ma người xấu số và thấy hành động của một con chó bất giác có một nhúm người đi theo sau đưa đám

~oOo~

Một đám ma không có tiếng khóc, đằng sau chiếc quan tài là một con chó xám, sau nữa là một nhúm người im lặng.

Những con người đi sau như mắc nợ với người nằm trong quan tài, món nợ thật dễ trả nhưng không bao giờ họ làm được.

Bên nấm mồ vô chủ mấy ngày sau người ta vẫn thấy con chó nằm phủ phục bất động, đầu ghếch lên nấm đất mới. Bên cạnh nấm mồ, con chó cũng kịp bới một ô trũng hình lòng chảo. Hai ngày sau nó chết dưới vũng đất ấy.

Đám đất bên vệ đường cứ to lên mãi. Người qua đường, kẻ đi chợ không ai bảo ai, người hòn đất, người hòn gạch, hòn đá ven đường ! Người đời trả nợ cho ông. Và người ta lan truyền rằng : Đắp một nắm đất lên đó thì làm việc gì cũng gặp may mắn. Không biết ai đã đặt tên cho là : «Đất Nghĩa»

Một ngày nào đó, người bạn tốt nhất của ta cũng có thể bỏ mặc ta trong cơn hoạn nạn. Con cái ta dầy công nuôi nấng chăm chút cũng sẽ trở thành kẻ vong ơn bội nghĩa. Con người lâu nay ta gửi gắm nâng đỡ thành sự nghiệp cũng sẽ thơ ơ lạnh nhạt khi ta thất thế. Sự nghiệp của ta một ngày nào đó cũng có thể trở thành mây khói, ta thành một kẻ cô đơn không còn ai cậy nhờ chia sẻ.

Nhưng đối với con chó thì Không ! Cho dù ta có vinh quang, sống trong giầu sang phú quí hay ta trở thành một kẻ khốn khổ, nó vẫn là người bạn gần gũi nhất, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi mà cùng ta đi tới tận cùng trời cuối đất. Khi trở về dù trắng tay nó vẫn nồng nàn liếm lên bàn tay ta nóng hổi. Trên đời này có người bạn nào tốt và trung thành hơn thế ?

*****

II. Đoản Văn : Bài Diễn Văn Hay Nhất Thế Giới về Tình Cảm Loài CHÓ trong 1.000 năm qua

(VTC News) ─ Phần diễn thuyết về chó của luật sư Vest được báo New York Times bình chọn là diễn văn hay nhất thế giới về loài chó trong 1.000 năm qua.

Thân chủ của luật sư Graham là Charles Burden. Vào một buổi sáng mùa hè năm 1870, ông Burden phát hiện chú chó cưng Old Drum ông coi như người bạn tri kỷ chết với một nhát đạn bắn trên đầu gần căn nhà của người hàng xóm Leonidas Hornsby. Các manh mối đều chỉ ra rằng chính Hornsby là người đã ra tay sát hại chú chó Old Drum.

Ông Burden quyết định đệ đơn kiện lên Tòa án Hòa bình ở Warrensburg, Missouri, Mỹ để tìm lại công lý cho chú chó của mình. Tuy nhiên, thông báo của toà án nói rằng ông chỉ có thể nhận được tối đa 150 USD. Số tiền không phải là tất cả những gì ông cần và những mất mát về tinh thần ông phải chịu đựng đã khiến Burden tiếp tục nộp đơn kháng án cho tới khi tòa mở phiên xét xử

5095 2 BaiDVHayNhatSongHy

Thượng nghị sỹ Mỹ với câu nói nổi tiếng. (Ảnh: AZ Quotes)

Tại phiên tòa cuối cùng, George Graham Vest ─ luật sư của ông Burden đã khiến tất cả mọi người trong khán phòng phải nín lặng vì bài diễn văn về chó.

Dưới đây là Nội Dung Bài Diễn Văn của Ông:

Người bạn thân của ta có thể chống lại và trở thành kẻ thù của ta. Những đứa trẻ mà ta nuôi dưỡng bằng tất cả tình yêu thương rồi cũng có thể trở nên bất hiếu. Những người gần gũi và thân thiết nhất với ta, những người mà ta tin tưởng nhất cũng có thể sẽ phản bội niềm tin của ta. Tiền bạc mà ta đang có rồi cũng có ngày sẽ tuột khỏi tay, thậm chí là vào những lúc ta cần nó nhất. Danh tiếng mà ta xây dựng bấy lâu cũng có lúc sẽ tan biến vào hư vô trong một khoảnh khắc không cẩn trọng.

Những kẻ sẵn sàng quỳ gối để được đứng cạnh ta khi ta thành công có thể sẽ là những người đầu tiên ném đá khi ta thất bại.

Nhưng luôn có một người bạn, một người không bao giờ toan tính trong thể giới ích kỷ này, người không bao giờ quay lưng, tỏ ra vô ơn hay bội bạc là con chó của ta. Nó sẽ luôn ở cạnh ta bất kể lúc nghèo đói hay giàu sang, khỏe mạnh hay bệnh tật. Nó có thể ngủ trên mặt đất lạnh lẽo, nơi những ngọn gió đông gào thét và tuyết rơi dày đặc chỉ để gần gũi bên ta. Nó sẽ hôn tay ta kể cả khi bị bỏ đói.

Nó sẽ liếm láp các vết thương mà ta gặp phải khi đối đầu với những chông gai ngoài kia. Nó canh giấc ngủ cho ta như thể ta là một hoàng tử. Khi tất cả những người bạn khác rời bỏ ta, nó vẫn sẽ ở lại. Khi thành công chắp cánh bay đi, khi danh tiếng đã lụi tàn thành từng mảnh vụn, tình yêu của nó dành cho ta vẫn sẽ như ánh mặt trời soi rọi.

Khi ta khuynh gia bại sản, bị cả thế giới ruồng bỏ, trở thành người vô gia cư, không chốn dung thân, nó sẽ không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài việc luôn được ở bên cạnh ta, bảo vệ ta, đưa ta qua những phong ba bão táp, cùng ta chiến đấu chống lại kẻ thù. Và khi tận số, khi mà ta đã sắp lìa bỏ thế gian, khi cơ thể của ta nằm xuống đất lạnh, mọi người sẽ vẫn bước qua điều đó để bước tiếp cuộc đời của họ, thì vẫn còn đó chú chó của ta. Nó sẽ gục đầu giữa đôi bàn chân với đôi mắt buồn nhưng luôn căng mở cảnh giác. Nó vẫn luôn trung thành ngay cả khi ta không còn trên cõi đời”.

Với bài diễn văn ─ bào chữa xuất sắc, luật sư Vest cuối cùng đã giúp thân chủ của mình thắng kiện. Bài diễn văn về chó của ông được phóng viên William Safire báo New York Times bình chọn là hay nhất trong các diễn văn trên thế giới trong 1000 năm qua.

George Graham Vest sinh năm 1830 ở Frankfort, Kentucky, Mỹ.  Ông được biết đến với những tài năng hùng biện và tranh luận trước khi trở thành một luật sư và sau là một chính trị gia. Ông từng phục vụ như một Dân biểu của tiểu bang Missouri, một nghị sĩ liên minh trong cuộc nội chiến và cuối cùng là một thượng nghị sĩ Mỹ.

SONG HY