Chó, Người Bạn
Trung Thành…
& Bài Diễn Văn Hay Nhất Thế Giới về Tình Cảm Loài CHÓ...
I. NGƯỜI BẠN TRUNG THÀNH: «Chê
Cha Mẹ Khó, Chó Không Bỏ Chủ Nghèo»...
Nơi góc chợ của một thị trấn nhỏ miền biên giới
gần đây người ta bỗng thấy xuất hiện một người hành khất
tiều tụy, rách rưới bên một con chó xơ xác.
Người ăn xin sống lay lắt qua
ngày với những của bố thí. Chẳng ai biết lão từ đâu tới,
cũng không ai hiểu vì sao lão lại ra nông nỗi này ?...
Rồi người ta bàn
tán :
─ Tại
sao lão lại không vất quách con chó đi cho rảnh, thân lão còn không
lo nổi huống chi lại có thêm một con vật.
Ngày lại qua ngày, người ta cũng
quen với hình ảnh một người một chó nơi góc chợ bẩn thỉu.
Kẻ qua đường mỗi khi rủ lòng vứt cho những đồng tiền lẻ. Mỗi
lần như thế con chó lại tỏ ra nhanh nhẹn chạy ra gặm lấy đồng
tiền đem về cho chủ. Còn có người chỉ vì tò mò ném ra một
mẩu bánh mỳ, nó cũng trân trọng dùng cái mõm gặm đưa lại. Còn
người xin ăn thong thả bẻ đôi mẩu bánh đưa cho nó một nửa. Cứ
như thế một người một vật sống lần nữa qua ngày…
Rồi một hôm, có ông thợ dệt
thổ cẩm dừng lại chăm chú nhìn con chó, có vẻ thích thú bèn
lên tiếng :
─
Này ông lão, ông bán cho tôi con chó này nhá.
Nói xong người thợ rút ra 30
đồng và tự cho rằng: mình cũng đã làm một việc tốt không kém
ai.
Ông già ngước
đôi mắt đục về phía người thợ nói đứt đoạn :
─
Ta cũng không còn sống được bao lâu nữa, anh hãy đem nó về mà
nuôi !
Ông nhẹ nhàng với
tay vuốt lên đầu con chó giọng chua xót :
─
Nó là con vật có nghĩa, có tình.
Người thợ tìm được sợi dây
mang đến. Tay ông già run run luồn dây quanh cổ con chó, nó bỗng
hạ thấp hai chân trước như thể cầu cứu van xin. Ông vỗ nhẹ :
─
Không hề gì đâu, anh bạn nhỏ ạ ! Ta vẫn còn có mọi người đấy
thôi.
Xong rồi ông đẩy
nó về phía người thợ dứt tình :
─
Thôi ngoan nào !.
Con chó cong lưng cưỡng lại, ông
phải ôm nó vào lòng cất giọng rưng rưng :
─
Ta không thể sống cùng con được bao lâu nữa đâu, hãy đi đi…
Khó khăn lắm người thợ cũng
đem được con chó về…
Hai ngày sau, người ta lại thấy
người thợ đem con chó đến với ông già khốn khổ. Nó bây giờ
có vẻ bảnh chọe, bóng mượt, dưới cổ còn thắt chiếc nơ làm
dáng. Người thợ nói với ông lão cùng với mọi người xung quanh
:
─
Tôi xin trả lại con chó này cho ông vì suốt hai ngày nay nó không
chịu ăn uống gì cả mặc dù nhà tôi không thiếu, có lẽ nó nhớ
ông !?
Rồi anh ta thừa
nhận :
─
Đúng là một con chó trung nghĩa.
Người thợ vừa lỏng tay, con
chó phóng ra nhào vào lòng người ăn xin, nồng nhiệt liếm lên
đôi bàn tay lạnh giá với cái đuôi mừng rỡ khôn cùng. Ông già
vuốt ve nó như đã từ lâu không gặp đồng thời rút mấy đồng
bạc trả lại cho người thợ. Người thợ xua tay :
─
Thôi, thôi coi như tôi tặng ông và cũng như tôi đã mua rồi, nếu
không làm sao tôi biết được một con chó tốt đến thế !
Anh kết thúc :
─
Coi như ta đã sòng phẳng với nhau rồi nhá…
Mùa đông tới, khắp vùng biên
giới gió rít từng cơn, lá vàng cuộn thành đống nơi góc chợ.
Buổi sáng ngày đó người ta
không còn thấy hình ảnh quen thuộc. Con chó nằm phủ phục bên
đống chăn cũ nát. Người ăn xin đã chết đêm hôm qua. Thảo nào
người đi chợ sớm nghe thấy tiếng con chó tru lên từng hồi,
rợn cả người.
Nhà chức trách thị trấn cho
người đến giải quyết sự việc với cái xác vô chủ. Lục tìm
trong ông họ không thấy có thứ gì ngoài một tấm thẻ có từ
thời Pháp bị cháy sém chỉ còn rõ con số 1938…và 30 đồng.
Con chó ngồi đó im lặng nhìn
người ta ghép vội mấy miếng gỗ tạp làm một cái gọi là quan
tài. Xong xuôi họ khiêng cái xác lạnh ngắt ép xuống. Chiếc quan
tài được buộc vào giữa hai cây gỗ như một cái thang, hai đầu
thang quét xuống đất.
Con bò già lững thững kéo
chiếc xe quẹt đi, ngay lập tức con chó vùng dậy theo sau. Nhìn đám
ma người xấu số và thấy hành động của một con chó bất giác
có một nhúm người đi theo sau đưa đám
~oOo~
Một đám ma không có tiếng khóc,
đằng sau chiếc quan tài là một con chó xám, sau nữa là một nhúm
người im lặng.
Những con người đi sau như mắc
nợ với người nằm trong quan tài, món nợ thật dễ trả nhưng
không bao giờ họ làm được.
Bên nấm mồ vô chủ mấy ngày
sau người ta vẫn thấy con chó nằm phủ phục bất động, đầu
ghếch lên nấm đất mới. Bên cạnh nấm mồ, con chó cũng kịp
bới một ô trũng hình lòng chảo. Hai ngày sau nó chết dưới vũng
đất ấy.
Đám đất bên vệ đường cứ to
lên mãi. Người qua đường, kẻ đi chợ không ai bảo ai, người hòn
đất, người hòn gạch, hòn đá ven đường ! Người đời trả nợ
cho ông. Và người ta lan truyền rằng : Đắp một nắm đất lên
đó thì làm việc gì cũng gặp may mắn. Không biết ai đã đặt tên
cho là :
«Đất Nghĩa»
Một ngày nào đó, người bạn tốt nhất của ta
cũng có thể bỏ mặc ta trong cơn hoạn nạn. Con cái ta
dầy công nuôi nấng chăm chút cũng sẽ trở thành kẻ vong ơn bội
nghĩa. Con người lâu nay ta gửi gắm nâng đỡ thành sự nghiệp
cũng sẽ thơ ơ lạnh nhạt khi ta thất thế. Sự nghiệp của ta một
ngày nào đó cũng có thể trở thành mây khói, ta thành một kẻ cô
đơn không còn ai cậy nhờ chia sẻ.
Nhưng đối với con
chó thì Không ! Cho dù ta có vinh quang, sống trong giầu sang phú
quí hay ta trở thành một kẻ khốn khổ, nó vẫn là người bạn
gần gũi nhất, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi mà cùng ta đi tới tận
cùng trời cuối đất. Khi trở về dù trắng tay nó vẫn
nồng nàn liếm lên bàn tay ta nóng hổi. Trên đời này có người
bạn nào tốt và trung thành hơn thế ?
*****
II.
Đoản Văn : Bài Diễn Văn Hay Nhất Thế Giới về Tình Cảm Loài CHÓ trong 1.000
năm qua
(VTC News) ─ Phần diễn thuyết về chó
của luật sư Vest được báo New York Times bình chọn là diễn văn hay nhất thế
giới về loài chó trong 1.000 năm qua.
Thân chủ của luật sư
Graham là Charles Burden. Vào một buổi sáng mùa hè năm 1870, ông
Burden phát hiện chú chó cưng Old Drum ông coi như người bạn
tri kỷ chết với một nhát đạn bắn trên đầu gần căn nhà của người hàng xóm Leonidas
Hornsby. Các manh mối đều chỉ ra rằng chính Hornsby là
người đã ra tay sát hại chú chó Old Drum.
Ông Burden quyết định
đệ đơn kiện lên Tòa án Hòa bình ở Warrensburg, Missouri, Mỹ để tìm lại công lý
cho chú chó của mình. Tuy nhiên, thông báo của toà án nói rằng ông chỉ có
thể nhận được tối đa 150 USD. Số tiền không phải là tất cả những gì ông cần và
những mất mát về tinh thần ông phải chịu đựng đã khiến Burden tiếp tục nộp đơn
kháng án cho tới khi tòa mở phiên xét xử
Thượng nghị sỹ Mỹ với
câu nói nổi tiếng. (Ảnh: AZ Quotes)
Tại phiên tòa cuối cùng, George Graham Vest ─
luật sư của ông Burden đã khiến tất cả mọi người trong khán phòng phải nín lặng
vì bài diễn văn về chó.
Dưới đây là Nội Dung
Bài Diễn Văn của Ông:
Người bạn thân của ta có thể chống lại
và trở thành kẻ thù của ta. Những đứa trẻ mà ta nuôi dưỡng bằng tất cả tình yêu
thương rồi cũng có thể trở nên bất hiếu. Những người gần gũi và thân thiết nhất
với ta, những người mà ta tin tưởng nhất cũng có thể sẽ phản bội niềm tin của
ta. Tiền bạc mà ta đang có rồi cũng có ngày sẽ tuột khỏi tay, thậm chí là vào
những lúc ta cần nó nhất. Danh tiếng mà ta xây dựng bấy lâu cũng có lúc sẽ tan
biến vào hư vô trong một khoảnh khắc không cẩn trọng.
Những kẻ sẵn sàng quỳ gối để được đứng
cạnh ta khi ta thành công có thể sẽ là những người đầu tiên ném đá khi ta thất
bại.
Nhưng luôn có một người bạn, một người không bao giờ
toan tính trong thể giới ích kỷ này, người không bao giờ quay lưng, tỏ ra vô ơn
hay bội bạc là con chó của ta. Nó sẽ luôn ở cạnh ta bất kể
lúc nghèo đói hay giàu sang, khỏe mạnh hay bệnh tật. Nó có thể ngủ trên mặt đất
lạnh lẽo, nơi những ngọn gió đông gào thét và tuyết rơi dày đặc chỉ để gần gũi
bên ta. Nó sẽ hôn tay ta kể cả khi bị bỏ đói.
Nó sẽ liếm láp các vết thương mà ta gặp
phải khi đối đầu với những chông gai ngoài kia. Nó canh giấc ngủ cho ta như thể
ta là một hoàng tử. Khi tất cả những người bạn khác rời bỏ ta, nó vẫn sẽ ở lại.
Khi thành công chắp cánh bay đi, khi danh tiếng đã lụi tàn thành từng mảnh vụn,
tình yêu của nó dành cho ta vẫn sẽ như ánh mặt trời soi rọi.
Khi ta khuynh gia bại sản, bị cả thế
giới ruồng bỏ, trở thành người vô gia cư, không chốn dung thân, nó sẽ không đòi
hỏi bất cứ điều gì ngoài việc luôn được ở bên cạnh ta, bảo vệ ta, đưa ta qua
những phong ba bão táp, cùng ta chiến đấu chống lại kẻ thù. Và khi tận số, khi
mà ta đã sắp lìa bỏ thế gian, khi cơ thể của ta nằm xuống đất lạnh, mọi người
sẽ vẫn bước qua điều đó để bước tiếp cuộc đời của họ, thì vẫn còn đó chú chó
của ta. Nó sẽ gục đầu giữa đôi bàn chân với đôi mắt buồn nhưng luôn căng mở
cảnh giác. Nó vẫn luôn trung thành ngay cả khi ta không còn trên cõi đời”.
Với bài diễn văn ─ bào chữa xuất sắc,
luật sư Vest cuối cùng đã giúp thân chủ của mình thắng kiện. Bài diễn văn về
chó của ông được phóng viên William Safire báo New York Times bình chọn là hay
nhất trong các diễn văn trên thế giới trong 1000 năm qua.
George Graham Vest
sinh năm 1830 ở Frankfort, Kentucky, Mỹ. Ông được biết đến với những tài
năng hùng biện và tranh luận trước khi trở thành một luật sư và sau là một
chính trị gia. Ông từng phục vụ như một Dân biểu của tiểu bang Missouri, một
nghị sĩ liên minh trong cuộc nội chiến và cuối cùng là một thượng nghị sĩ Mỹ.
SONG HY