Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Sunday, April 12, 2020

Bác sĩ Alexandre Yersin


Bác sĩ Alexandre Yersin

«Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và có nhiều công việc cần làm», vị bác sĩ tiếp tục. Khi ấy, Nha Trang không biết đến ông như Alexandre Yersin lẫy lừng thế giới, người đã đẩy lùi căn bệnh dịch hạch. Trong mắt họ, chỉ có một «ông Năm» tốt bụng, quý trẻ con và chữa bệnh miễn phí cho làng chài nghèo khổ. Quả thật, hiếm người Pháp nào được xứ Đông Dương yêu mến nhiều đến thế.
Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.
Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương «dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ». Ông nói «đời mà không đi, thì còn gì là đời».
Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur «mời ăn tối và nghe báo cáo», «thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể». Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để «vang danh thiên hạ, giúp nhân loại». Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Viện bảo tàng Yersin tại Nha Trang
Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để «ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời». Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là thành phố dược phẩm, là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.
Ông cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua….(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng «tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân». Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.
Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà…thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh….mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ «ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..». Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật…không hề làm ông nản bước. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt Nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông «bày vẽ» cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói «do Pháp xây» là do ông chọn vị trí cả. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo «đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ». 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông «dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ». Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ quyết định thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém….của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.
Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi về phương Đông, một miền đất nghèo xa lạ. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm việc và an nghỉ cuối đời. Ông luôn nói «tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và tôi sẽ phụng sự cả tính mạng và cuộc đời tôi cho họ».

Tượng Alexandre Yersin nơi Bảo tàng Yersin tại Nha Trang
Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu 1 thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị «Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi».
Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo….để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn Yersin. Công lao của ông với dân tộc này, với đất nước này là không bao giờ kể hết.
Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin, có nhiều cuốn sách viết về ông. Đó là một người mà người Việt chúng ta phải mãi mãi nghiêng mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để dạy ở các cấp học để thế hệ chúng ta mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.
Và mỗi cá nhân, nếu tình cờ đọc được những dòng chữ trên thì hãy bắt chước ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe – cái nhà – miếng đất – bằng cấp – chức vụ – công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Cùng nhau MAKE VIETNAM BETTER.
Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.
Xuân Kỷ Hợi, 2019
Nguồn: Tony buổi sáng
____________________
«Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết nơi này thú vị như thế nào», Alexandre Yersin viết về Nha Trang trong lá thư gửi cộng sự Emile Roux đầu thế kỷ 20.
«Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và có nhiều công việc cần làm», vị bác sĩ tiếp tục. Khi ấy, Nha Trang không biết đến ông như Alexandre Yersin lẫy lừng thế giới, người đã đẩy lùi căn bệnh dịch hạch. Trong mắt họ, chỉ có một «ông Năm» tốt bụng, quý trẻ con và chữa bệnh miễn phí cho làng chài nghèo khổ. Quả thật, hiếm người Pháp nào được xứ Đông Dương yêu mến nhiều đến thế.
Chân dung bác sĩ Alexandre Yersin. Ảnh: Wikipedia.
Sinh năm 1863 tại Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ), Alexandre Yersin học y khoa tại Lausanne rồi chuyển sang Marburg (Đức), cuối cùng đến Paris (Pháp). Năm 1886, ông về làm việc tại phòng nghiên cứu Louis Pasteur theo lời mời của Emile Roux đồng thời tham gia phát triển huyết thanh chống bệnh dại. Năm 1888, ở tuổi 25, Yersin nhận bằng tiến sĩ. Ông gia nhập Viện Pasteur thành lập năm 1889, cùng với Roux khám phá ra độc tố bạch hầu. Tương lai sáng lạn như được định sẵn cho nhà khoa học trẻ tuổi tài năng. Thế nhưng Yersin lại suy nghĩ khác. Đối với ông, «đời mà không đi thì còn gì là đời». Louis Pasteur viết trong nhật ký ngày 21/10/1890: «Sự thôi thúc đi đến các quốc gia xa xôi cuốn hút Yersin, và không có cách nào giữ anh ở lại với chúng ta».
Năm 1890, Yersin nghỉ việc ở Viện Pasteur, lên đường đến Đông Dương với vai trò là bác sĩ cho công ty Vận tải Hàng hải trên tuyến Sài Gòn – Manila và Sài Gòn – Hải Phòng. Năm 1891, lần đầu đặt chân đến Nha Trang, Yersin đã yêu mến mảnh đất này và quyết định lưu trú tại đây. Ông cho dựng nhà ở Xóm Cồn đồng thời mở phòng khám, trở thành bác sĩ người Âu đầu tiên hành nghề trong vùng.
Năm 1894, chính phủ Pháp cùng Viện Pasteur yêu cầu Yersin tới Hong Kong nghiên cứu bệnh dịch. Ở đó, trong túp lều nhỏ gần bệnh viện, người học trò xuất sắc của Pasteur khám phá ra công trình vĩ đại: mầm bệnh dịch hạch. Ông đặt tên cho trực khuẩn tìm thấy là Pasteurella Pestis nhằm tôn vinh người thầy vĩ đại trước khi giới khoa học đổi lại thành Yersinia Pestis.
Từ năm 1895 đến 1897, Yersin tiếp tục công trình về bệnh dịch hạch. Năm 1895, ông quay về Viện Pasteur Paris với Émile Roux, Albert Calmette và Amédée Borrel; chuẩn bị cho huyết thanh chống dịch hạch đầu tiên. Cũng trong năm này, Yersin lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang phục vụ cho việc nghiên cứu. Năm 1898, Viện Pasteur Nha Trang được khánh thành.
Yersin trong trang phục thám hiểm tại Nha Trang. Ảnh: Institut Pasteur/CVN.
Năm 1902, theo đề nghị của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Yersin ra Hà Nội thành lập Đại học Y Đông Dương, nay là Đại học Y Hà Nội. Ông thiết kế giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp: sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết; đích thân giảng dạy các giờ vật lý, hóa học, phẫu thuật. Yersin nhận xét lứa sinh viên y khoa đầu được đào tạo ở Đông Dương «rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với các sinh viên giỏi nhất bên Pháp, ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm, gần như không có ai lười biếng». Hai năm sau, khi mọi thứ đã vào guồng, ông từ chức để dành trọn thì giờ nghiên cứu.
Quay về Nha Trang, Yersin sống gần gũi với dân làng. Người ta gọi ông là «Ông Năm» theo cấp bậc đại tá quân y. Vị bác sĩ lấy tiền khám bệnh của những kẻ máu mặt, giàu có nhưng hoàn toàn miễn phí với người nghèo, còn thường xuyên cho trẻ con kẹo hoặc tiền lẻ để mua quà. Trong thư gửi mẹ, Yersin tâm sự: «Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa bệnh cho những ai đến nhờ, nhưng không muốn biến y học thành một nghề, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một bệnh nhân trả tiền vì đã điều trị cho họ. Con coi y học là thiên chức, là nhiệm vụ. Đòi chi phí từ bệnh nhân chẳng khác nào nói với họ rằng: tiền hay mạng sống». Không chỉ vậy, Yersin trân trọng những đóng góp của các phụ tá người bản địa. Ông quý mến, quan tâm đến đời sống của họ, nhẫn nại tử tế và không bao giờ to tiếng thị oai.
Yersin cùng bác sĩ thú y Henri Jacotot. Ảnh: Institut Pasteur/CVN.
Dành trọn tâm huyết cho khoa học, Yersin không màng đến danh vọng quyền lợi của bản thân. Ông nhận những giải thưởng cao quý trong sự ái ngại bởi «không hề thấy mình xứng đáng», rồi quyết định dùng toàn bộ tiền từ số giải thưởng ấy vào các công trình nghiên cứu. Noel Bernard, cây bút đầu tiên viết tiểu sử Yersin nhận xét: «Chắc chắn rất hiếm người ít tư lợi như thế». Mặc bộ đồ kaki bạc màu, đi chiếc xe đạp cũ kỹ, Ông Năm sống giản đơn, ngay thẳng, bình thản và chừng mực.
Năm 1934, Yersin được đề cử làm Giám đốc Danh dự của Viện Pasteur Paris kiêm ủy viên Ban Quản trị. Năm 1940, ông quay lại Pháp lần cuối cùng trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai bùng nổ.
Ngày 1/3/1943, Yersin qua đời tại nhà riêng ở Nha Trang. Di chúc của ông viết: «Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Đám tang làm giản dị, không điếu văn». Rất đông dân chúng đã đến để tiễn Ông Năm về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn đưa tang dài hơn 3 km.
Trải qua gần nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất hình chữ S, bác sĩ Alexandre Yersin đã để lại dấu ấn sâu đậm khó có thể miêu tả hết. Ngoài y học, ông còn góp công lớn vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm, khí tượng. Tên ông được lấy đặt cho con đường ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang. Quần thể mộ Yersin ở Suối Dầu cùng thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được xem là trường hợp duy nhất người nước ngoài duy nhất được cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Làng Tân Xương ở Suối Dầu thờ cúng ông như một thành hoàng, một vị Bồ Tát. Yersin đã đến đây bằng tấm lòng chân thành và sẽ còn lưu mãi trong ký ức Việt Nam.
Minh Nguyên
Theo VnExpress

No comments:

Post a Comment