Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Friday, October 29, 2021

4 Chuyện Rất Ngắn Làm Thức Tỉnh Lương Tâm Người Đọc

 

 

4 Chuyện Rất Ngắn Làm Thức Tỉnh Lương Tâm Người Đọc

Thân gửi đến bạn để cùng chia sẻ với mọi người trong đời sống chúng ta.

Đinh công Đức


1 - Chuyện thứ nhất: Duyên nợ đời người.

Xưa, có một chàng tên Thư Sinh, anh và bạn gái đã đính ước và chuẩn bị hôn lễ. Thế nhưng trước đó ít ngày, cô gái lại lấy người khác. Thư Sinh bị lâm bệnh nặng. Vừa khi đó, một du khách đưa Thư Sinh chiếc gương soi. Thư Sinh nhìn thấy xác một cô gái trôi dạt vào bờ biển, trên người cô ta không một mảnh vải che thân.

Người đầu tiên đi qua chỉ thoáng nhìn, lắc đầu rồi… đi. Người thứ 2 đi qua cởi chiếc áo khoác đắp lên người cô gái. Ngư ời thứ 3 đi qua bèn đào hố và xây mộ cho cô gái và cho biết cô gái xấu số đó chính là bạn gái anh ta trong kiếp trước.

«Anh là người qua đường thứ 2 đã đắp áo cho cô gái. Đến nay, cô gái gặp chỉ là để trả… nợ lòng tốt của anh thôi! Còn người mà cô ấy phải báo đáp cả đời đó chính là người thứ 3 đã chôn cất cô cẩn thận, người đó chính là chồng hiện tại của cô gái»… Thư Sinh nghe xong liền tỉnh ngộ mọi chuyện.

3 - Chuyện thứ 2: Tấm lòng trẻ thơ.

Một bà mẹ đơn thân vừa chuyển nhà, bà phát giác hàng xóm là một gia đình nghèo với bà góa và hai con. Một hôm bị cúp điện, bà đành thắp nến cho sáng. Lúc sau, có tiếng người gõ cửa, bà mở cửa ra… thì chính là con của hàng xóm. Đứa bé nói: «Kính chào Dì, Dì có thêm cây nến nào không? » Bà ta thầm nghĩ: «Gia đình này nghèo đến nỗi cả nến cũng không có? Tốt nhất không cho, vì cứ cho như thế họ sẽ ỷ lại không chịu mua».

Bà liền trả lời: «Không có! ». Đúng lúc bà ta đang đóng cửa, đứa bé cười và nói: «Con biết là nhà dì không nhiều nến… ». Nói xong, nó lấy trong túi 2 cây nến và thưa: «Mẹ con sợ dì sống một mình thiếu nến… và sai con đem tặng dì 2 cây vì cúp điện lâu lắm»… Bà ta vừa tự trách vừa cảm động rơi nước mắt ôm chặt đứa bé!

3 - Chuyện thứ ba: Chúng ta chỉ bất tiện khoảng 3 giờ thôi!

Ngày nọ… tôi may mắn mua được vé về quê ngoại cùng chồng, nhưng khi lên xe thì nhìn thấy một cô đang ngồi ở ghế của chúng tôi. Chồng tôi bảo tôi ngồi ở cạnh cô đó và chàng thì đứng. Tôi phát giác chân phải của cô này bị tật… có chút trở ngại, lúc đó tôi hiểu ra tại sao chồng tôi làm như thế. Chồng tôi đứng như vậy từ Đà Nẵng ra Huế mà không hề đòi lại chỗ của mình.

Khi đến nơi tôi nói với giọng điệu buồn xót xa: «Nhường ghế là việc nên làm, thế nhưng đường quá xa… sao anh không nói cô này luôn phiên đổi chỗ đứng và anh ngồi một lúc chứ? ». Chồng tôi nhẹ nhàng nói: Cô này bị tật sẽ chịu cả đời… còn anh chỉ mỏi chân có 3 tiếng thôi mà em!

Nghe chồng nói vậy, tôi quá xúc động tự nghĩ:” Được chồng vừa tốt bụng vừa lương thiện là mãn nguyện lắm rồi!”… và lòng tôi trở nên ấm áp thêm nhiều.

4 - Chuyện thứ 4: Luật nhân quả.

Một đêm khuya đầu Xuân, lúc mọi người đều ngủ say thì đôi vợ chồng tuổi đã cao bước vào khách sạn, đáng buồn… là khách sạn hết phòng.

Nhân viên tiếp tân không đành lòng để cặp vợ chồng này phải lủi thủi tìm khách sạn khác, anh liền dẫn họ vào căn phòng và thưa: «Đây không phải là phòng tốt nhất nhưng ít nhất 2 bác cũng không phải đi tìm nơi khác nữa». Cặp vợ chồng thấy căn phòng tuy nhỏ nhưng sạch nên quyết định ở lại.

Hôm sau, khi trả tiền phòng thì anh nói: «Hai Bác không cần trả tiền… vì phòng đó là phòng của cháu! Xin chúc hai Bác có cuộc du lịch vui vẻ».

Thì ra, anh ta đã ngủ qua đêm tại quầy tiếp tân và nhường phòng cho họ. Cặp vợ chồng cảm động và nói: «Chàng trẻ à, cậu là nhân viên khách sạn tốt nhất mà chúng tôi gặp… Cậu sẽ được đền đáp». Chàng trai cười rồi tiễn cặp vợ chồng. và nhanh chóng quên chuyện này.

Bỗng một ngày, anh ta nhận được bức thư, trong đó có tấm vé đi du lịch New York, chàng xin phép chủ và đi. Khi đến đúng địa chỉ ghi trong thiệp là căn biệt thự to lớn sơn mầu xanh. À thì ra… 2 người mà anh ta tiếp đón trong đêm khuya đó chính là vợ chồng nhà tỷ phú! Ông bà này còn mua tặng một tiệm rượu lớn giao cho anh làm quản lý.

Kết luận:

NHÂN - QUẢ đều do mỗi người nắm giữ, khi chưa xác định được mục tiêu của đời… thì hãy dùng tấm lòng của mình để làm việc gì đó. Mỗi một cá nhân đều là một nhân viên phục vụ, những điều lớn lao đều bắt nguồn từ việc ta phục vụ cho người khác: Phục vụ người khác nhiều bao nhiêu thì kết quả chúng ta nhận được càng nhiều bấy nhiêu!

Trên đường đời, có lúc ta cười sảng khoái, nhưng cũng có khi buồn đến nhỏ lệ! . Vui lúc thành công… thì xin đừng tuyệt vọng khi gặp thất bại.

Giàu sang phú quý đến… thì vui nhưng xin đừng khổ đau buồn chán khi thất bại nghèo túng! Trên đời không cần điều quá cao, chỉ cần làm việc bằng sự chân thật là đủ:

 - Nếu muốn có bạn tốt, thì ta phải đối tốt với người khác.

 - Nếu muốn vui vẻ và hạnh phúc, xin hãy cố gắng làm việc thiện giúp người khác, không lâu bạn sẽ nhận ra mình cũng đầy đủ và sung sướng!

Yêu người, yêu đời, cho đi yêu thương thì nhận lại thương yêu và rồi «nhắm mắt ra đi» trong thương tiếc của nhiều người…

Saturday, October 2, 2021

Chúng ta không vì già mà ngừng chơi, chúng ta già vì ngừng chơi


Chúng ta không vì già mà ngừng chơi,
chúng ta già vì ngừng chơi

https://cafebiz.vn/ba-lao-87-tuoi-tom-tat-bi-quyet-khong-gia-mot-cau-don-gian-danh-thuc-hang-tram-trieu-nguoi-20200302173148129.chn

Lily

Bà lão 87 tuổi tóm tắt bí quyết không già: Một câu đơn giản thức tỉnh tɾiệu người

Một cụ bà 87 tuổi, câu nói của bà khiến vô số người trên thế giới phải bội phục: «Chúng ta không vì già mà ngừng chơi, chúng ta già vì ngừng chơi.»

Nước ngoài có một bà lão tên Rose, bà rất thích học, ở tuổi 87, bà đã đạt được ước nguyện của mình khi nhận được giấy thông báo nhập học.

Ngày đầu tiên nhập học, giáo sư yêu cầu mọi người tự giới thiệu về mình và làm quen cho mình một người bạn mới.

Bà Rose trông thấy một chàng thanh niên đẹp trai, bà nhẹ nhàng vỗ vào vai của cậu, nói: «Hi, chàng đẹp trai, bà là Rose, năm nay 87 tuổi, có thể ôm cháu một cái không?»

Chàng trai ngạc nhiên nhưng rồi cũng «hùa» theo: «Tất nhiên rồi ạ!», sau đó đùa bà Rose: «Tuổi bà “nhỏ” vậy sao vẫn còn đi học?»

Bà Rose cũng hài hước trả lời: «À, bà dự định vào đây câu vài “con cá vàng” rồi sinh mấy đứa con, sau khi nghỉ hưu thì đi du lịch vòng quanh thế giới ý mà.»

Trong suốt một năm học, bà Rose, một người với tính cách thân thiện và hài hước đã trở nên nổi tiếng khắp trường, bất kể đi đâu bà cũng có thể dễ dàng kết bạn với người khác.

Dù tuổi không còn nhỏ nữa nhưng bà vẫn rất biết chăm chút vẻ ngoài, luôn trang điểm ăn vận rất gọn gàng đúng thời trang khi ra ngoài.

Khi học kì kết thúc, trường học mời sinh viên «trẻ» này lên phát biểu, và đó là một buổi phát biểu rất khó quên.

Khi người dẫn chương trình giới thiệu xong, bà Rose chuẩn bị phát biểu thì tờ giấy trên tay bà bỗng rơi xuống đất, trong vài giây, bà Rose cảm thấy mắc cỡ, tuy nhiên, vài giây sau bà ngay lập tức trấn tĩnh, cầm mic nhẹ nhàng nói:

«Rất xin lỗi, tôi gần đây hay đánh rơi đồ, vừa rồi trước khi lên sân khấu vốn dự định uống tý bia để lấy dũng khí, ai dè uống nhầm whisky (một loại rượu mạnh) không ngờ cái thứ rượu đó lại đùa cái mạng già này của tôi, giờ tôi không nhớ mình định nói gì nữa rồi, thôi thì để tôi nói những điều thân thuộc nhất với mình vậy.»

Trong tiếng hoan hô của mọi người, bà Rose nói ra câu nói đánh động cả thế giới: «Chúng ta không vì già mà ngừng chơi, chúng ta già vì ngừng chơi.

Chỉ có một bí quyết có thể khiến con người trẻ mãi không già, luôn luôn vui vẻ, đó là luôn mỉm cười, hài hước, thú vị và không ngừng ước mơ. Khi một người mất đi ước mơ, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, nhàm chán. Già đi và trưởng thành rất khác nhau, ai rồi cũng sẽ già đi, nhưng không phải ai cũng có thể trưởng thành, chín chắn.

Ý nghĩa của trưởng thành đó là, bạn phải liên tục tìm cơ hội phát triển và tận dụng tốt chúng trong quá trình phát triển.

Phải sống mà không hối tiếc, con người khi già đi thường sẽ không hối hận về việc mình đã từng làm, mà sẽ hối tiếc về những chuyện mà khi còn trẻ mình chưa làm. chỉ người luôn sống trong hối tiếc mới sợ cái chết.»

Giải trí = vui chơi + theo đuổi ước mơ

Chúng ta phải dám «vui chơi», sau khi nghỉ hưu vẫn phải không ngừng theo đuổi ước mơ của bản thân, vui vẻ sống vì hiện tại.

«Giải trí» ở một giai đoạn nào đó là vô cùng quan trọng. Vui chơi, giải trí một cách hợp lý có thể giúp ta giải tỏa áp lực, gột sạch tâm hồn, giúp ta phấn khởi hơn sau khi quay lại với guồng quay hàng ngày của cuộc sống, giúp ta duy trì một tâm thái lạc quan hơn khi đối diện với cuộc sống, giúp ta sống lâu sống thọ hơn.

Theo đuổi giấc mơ có thể thỏa mãn cảm giác thành tựu của ta, giúp ta luôn luôn trong trạng thái không ngừng tiến bộ, duy trì sự trẻ trung mãi mãi.

Nuôi dưỡng hứng thú, sở thích

Nhà triết học người Anh Russell từng nói: «Sở thích mãnh liệt giúp tôi không bị già đi.»

Chúng ta phải học cách tìm ra sở thích riêng trong cuộc sống thường nhật, cố gắng tìm cách làm cho tuổi già của chúng ta trở nên trọn vẹn, vui vẻ và phong phú hơn.

Nhiếp ảnh, giúp não già chậm

Tập tành chụp ảnh, có thể giúp vận động cơ bắp, rèn luyện thân thể, gần gũi với thiên nhiên và hít thở không khí trong lành, còn có thể làm quen với nhiều người đồng chí hướng, làm trọn vẹn hơn cuộc sống của bản thân.

Ca hát, giải tỏa căng thẳng, tâm trạng thoải mái

Hít thở trong khi hát có thể tăng cường chức năng tim phổi. Nhớ lời bài hát có thể giúp bộ não tập thể dục.

Ca hát cũng có thể khiến mọi người cảm thấy thoải mái, loại bỏ sự cô đơn và áp lực, và làm chậm sự lão hóa của tinh thần và trí thông minh.

Nhảy múa, quên đi tất cả phiền não

Khiêu vũ là một bài tập aerobic. chỉ cần bạn nhảy đúng cách, cơ thể bạn sẽ trở nên khỏe mạnh hơn.

Những người khiêu vũ còn chú trọng vẻ bề ngoài, duy trì làn da, duy trì vóc dáng, mặc những bộ quần áo đẹp, khiến toàn bộ con người trông trẻ trung hơn.

Du lịch, cởi mở tâm trí

Đọc vạn cuốn sách không bằng đi vạn dặm đường. Tầm mắt mở rộng, tâm trí cũng sẽ mở rộng, không còn suy nghĩ về áp lực, được mất, quên đi những rắc rối và bất hạnh, làm sao một người như vậy có thể dễ dàng già đi?

Lily

Tuesday, September 21, 2021

Khổng Tử bái kiến Lão Tử

 

Khổng Tử bái kiến Lão Tử


Lão Tử và Khổng Tử, hai bậc Thánh nhân trong lịch sử đã có lần tương ngộ. Và cuộc đàm đạo của các ngài đã để lại giai thoại ngàn năm. Sau khi bái kiến Lão Tử trở về, Khổng Tử trầm mặc suốt 3 ngày không nói.

Một ngày vào năm 538 TCN, Khổng Tử nói với đệ tử là Nam Cung Kính Thúc rằng: «Lão Đam, người giữ chức Tàng thất sử của nhà Chu, bác cổ thông kim, biết cội nguồn của lễ nhạc, hiểu rõ mấu chốt của đạo đức. Nay ta muốn đến Chu xin thỉnh giáo, trò có muốn đi cùng không?».

Nam Cung Kính Thúc vui mừng đồng ý, lập tức tâu lên vua nước Lỗ. Vua Lỗ đồng ý cho ông đi, đồng thời cấp cho ông một cỗ xe song mã, một đứa nhỏ hầu, một người đánh xe, và cử Nam Cung Kính Thúc hộ tống Khổng Tử lên đường.

Lão Tử thấy Khổng Tử xa xôi ngàn dặm đến, vô cùng vui mừng.

Lão Tử hỏi Khổng Tử: «Ông đã đắc Đạo rồi chứ?».

Khổng Tử nói: «Học trò cầu Đạo đã 27 năm, vẫn chưa đắc được».

Lão Tử nói: «Nếu Đạo là vật hữu hình, có thể lấy đem dâng cho người, thế thì mọi người tranh nhau lấy dâng cho quân vương. Nếu Đạo có thể tặng cho người, mọi người sẽ đem tặng cho người thân. Nếu Đạo có thể thuyết giảng rõ ràng, mọi người đều sẽ thuyết giảng cho anh em. Nếu Đạo có thể truyền cho người khác, thế thì mọi người đều sẽ tranh nhau truyền lại cho con cái. Nhưng những điều nói trên đều không thể được, nguyên nhân rất đơn giản, đó là khi cái tâm con người không nhận thức đúng đắn về Đạo, thì Đạo sẽ không bao giờ vào đến tâm người ấy».

Khổng Tử nói: «Học trò nghiên cứu “Kinh thi”, “Kinh thư”, “Chu lễ”, “Chu nhạc”, “Kinh dịch” và “Kinh Xuân Thu”, thuyết giảng đạo trị quốc từ thời Tam Hoàng, hiểu rõ con đường công danh của Chu Công, Triệu Công, học trò đem dâng cho hơn 70 vị vua, nhưng không ai sử dụng. Xem ra con người khó thuyết phục quá!».

Lão Tử nói: «Lục nghệ của ông đều là lịch sử cũ xưa của các đời vua xưa, ông thuyết giảng những cái đó có tác dụng gì? Những thứ ông đang tu luyện, đều là những tích xưa cũ. “Tích” chính là dấu tích vết giày người ta để lại, dấu chân với dấu chân, thì có gì khác nhau?»

Sau lần đối thoại ban đầu, Lão Tử lại dẫn Khổng Tử thăm Đại phu Trường Hoằng. Trường Hoằng cực kỳ tinh thâm nhạc lý, truyền thụ cho Khổng Tử nhạc luật, nhạc lý, đồng thời dẫn Khổng Tử đi quan sát các lễ tế Thần, khảo sát nơi truyền giáo, nghiên cứu các lễ nghi lễ đền, làm cho Khổng Tử cảm thán không ngớt, thọ ích rất nhiều.

(Sau này, khi Khổng Tử ở nước Tề có may mắn được thưởng thức nhạc vũ «Đại thiều». Sau khi thưởng thức xong thì lòng khoan khoái ngây người ra, miệng không còn biết vị, ba tháng ròng ăn thịt không thấy mùi vị, thì cảm động than rằng: «Không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này!». Đây chính là điển cố «Ba tháng không biết mùi vị thịt» được ghi chép trong «Luận ngữ»).

Khổng Tử lưu tại đây vài ngày rồi từ biệt Lão Tử.

Lão Tử tiễn đưa ông ra ngoài công quán rồi nói:

«Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, sở dĩ gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay chê cái sai của người; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, sở dĩ gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn. Mong ông nhớ kỹ».

Khổng Tử bái lạy nói: «Học trò nhất định ghi nhớ trong lòng!».

Khi Khổng Tử đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông cuồn cuộn, sóng cuộn đục ngầu, khí thế như vạn ngựa đang phi, âm thanh như hổ gầm sấm động.

Khổng Tử đứng trên bờ rất lâu, bất giác nói thương cảm: «Cái đã qua là như thế này đây, ngày đêm không ngừng! Nước sông Hoàng Hà cuộn chảy không ngừng, tháng năm của con người qua đi chẳng dừng, nước sông chẳng biết chảy đi đâu, đời người chẳng biết đi về đâu?».

Nghe thấy Khổng Tử nói mấy câu này, Lão Tử nói: «Con người sống ở giữa trời đất, nên cùng với trời đất là một thể. Trời đất vạn vật là tự nhiên vậy. Con người cũng là thuận theo tự nhiên. Người có thay đổi từ trẻ em, thiếu niên, tráng niên, và già, cũng giống như trời đất có xuân, hạ, thu, đông đổi thay, có gì buồn đâu? Sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, cứ để nó tự nhiên, thì bản tính không loạn. Không để nó theo tự nhiên, tất bật trong nhân nghĩa, thì bản tính bị trói buộc. Công danh còn trong tâm, thì cái tình lo nghĩ nảy sinh. Lợi dục giữ trong tâm, thì cái tình phiền não càng tăng thêm».

Khổng Tử giải thích rằng: «Học trò lo đại Đạo không được thực hiện, nhân nghĩa không được thực thi, thì chiến loạn không ngừng, quốc loạn không yên, ví như cuộc đời ngắn ngủi, chẳng có công lao gì cho đời, không thể giúp gì cho dân, vậy thì tiếc lắm thay».

Một lúc sau Lão Tử chỉ con sông Hoàng Hà mênh mông, nói với Khổng Tử: «Ông sao không học đức của nước?»

Khổng Tử nói: «Nước có đức gì?».

Lão Tử nói: «Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường vậy. Sông biển sở dĩ có thể làm vua của trăm suối khe, là do nó giỏi ở chỗ thấp. Thiên hạ không có gì mềm mại yếu đuối hơn nước, mà những cái rắn chắc mạnh mẽ lại không cái nào có thể thắng được nước, đó là đức nhu vậy. Do đó nhu thắng cương (mềm thắng cứng), nhược thắng cường (yếu thắng mạnh). Vì nước không có hình thái cố định, nên có thể vào mà không bị ngăn cách, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)».

Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường vậy. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Khổng Tử nghe xong, bỗng bừng tỉnh ngộ, nói: «Lời này của tiên sinh, khiến học trò bừng tỉnh: Mọi người ở trên cao, chỉ riêng nước ở dưới thấp; mọi người ở chỗ dễ chịu, riêng nước ở chỗ hiểm trở; mọi người ở chỗ sạch sẽ, riêng nước ở chỗ dơ bẩn. Chỗ nước ở toàn là chỗ mà mọi người ghét, thì ai còn tranh với nước đây? Đây chính là cái thiện cao nhất vậy».

Lão Tử gật đầu nói: «Ông có thể dạy được! Ông phải nhớ kỹ: Không tranh với đời, thì thiên hạ không ai có thể tranh cùng, đó là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo. Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ trái ngược, là giỏi tìm chỗ đứng. Ở chỗ không, nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể dò tìm, là giỏi làm vực sâu. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân vậy. Tròn ắt sẽ xoay, vuông ắt sẽ gẫy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, đó là giỏi giữ chữ tín. Gột rửa mọi dơ bẩn, đo chỉnh cao thấp, là giỏi xử lý mọi vật. Dùng để chở thì nổi, dùng để soi thì trong, dùng để công phá thì tất cả những gì kiên cố vững chắc cũng không thể địch nổi, đó là giỏi dùng khả năng. Ngày đêm không nghỉ, tràn đầy rồi mới tiến tiếp, là giỏi chờ thời vậy.

Do đó bậc thánh nhân tùy thời mà hành (hành sự tùy theo thời vận), bậc hiền giả ứng sự nhi biến (ứng biến tùy theo sự việc). Bậc trí giả vô vi nhi trị (vô vi mà trị vì cai quản), bậc đạt giả thuận thiên nhi sinh (thuận theo lẽ trời mà sinh ra).Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, xóa bỏ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?».

Khổng Tử nói: «Lời của tiên sinh, là từ đáy lòng tiên sinh mà vào tận tâm can học trò. Học trò thọ ích rất nhiều, cả đời không quên. Học trò sẽ tuân theo chẳng dám trễ nải, để tạ ân của tiên sinh».

Nói xong, Khổng Tử từ biệt Lão Tử, lên xe cùng Nam Cung Kính Thúc, lưu luyến đi về hướng nước Lỗ.

Khổng Tử từ chỗ Lão Tử trở về, suốt 3 ngày im lặng không nói năng gì. Học trò Tử Cống lấy làm lạ bèn hỏi thầy làm sao. Khổng Tử lúc này mới đáp:

«Nếu ta gặp người có suy nghĩ thoáng đạt như chim bay, ta có thể dùng luận điểm chính xác sắc bén như cung tên của ta bắn hạ chế phục họ. Nếu tư tưởng của người ta vun vút không trói buộc như hươu nai chạy, ta có thể dùng chó săn đuổi theo, nhất định khiến họ bị luận điểm của ta chế phục.

Nếu tư tưởng của họ như con cá bơi trong vực sâu của lý luận, ta có thể dùng lưỡi câu để bắt lên.

Nhưng nếu tư tưởng họ như con rồng, cưỡi mây đạp gió, ngao du nơi cảnh huyền ảo thái hư (vũ trụ mênh mông huyền bí), không ảnh không hình, không nắm bắt được, thì ta chẳng có cách nào đuổi theo bắt được họ cả.

Ta đã gặp Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là Thần nữa. Lão Đam, thực sự là Thầy của ta!».

Và hàng ngàn năm sau, những tư tưởng sâu xa, thâm thúy của Lão Tử cho đến ngày nay vẫn là những lời dạy vô giá đối với hậu nhân.

Theo NTDTV

Hải Sơn biên dịch

Thursday, September 2, 2021

Chinh phục bóng ma


Chinh phục bóng ma

https://www.rongmotamhon.net/xem-sach_doi-chieu-anh-viet_gktsclp_show.html

Trích trong cuốn «Gõ Cửa Thiền»

Một cô vợ trẻ lâm bệnh nặng sắp chết nói với chồng: «Em yêu anh nhiều lắm! Em không muốn lìa xa anh! Đừng bỏ em mà theo một người đàn bà nào khác. Nếu anh làm thế, em sẽ trở về làm ma quấy nhiễu anh luôn!»

Không lâu sau, người vợ qua đời. Người chồng tôn trọng tâm nguyện cuối cùng của vợ được 3 tháng ngay sau đó, nhưng rồi anh ta gặp một người đàn bà khác và đem lòng yêu thương. Họ đính hôn với nhau.

Ngay sau lễ đính hôn, người chồng thấy một con ma xuất hiện hằng đêm, trách mắng anh ta không giữ lời đã hứa. Con ma rất khôn ngoan. Nó nói ra chính xác những việc đã diễn ra giữa anh với cô nhân tình mới. Mỗi khi anh tặng cô ta một món quà, con ma thường mô tả được chi tiết món quà ấy. Thậm chí nó thường lặp lại những lời trò chuyện giữa hai người. Và điều đó thật khó chịu đến nỗi người chồng không sao chợp mắt được nữa.

Có người khuyên anh ta trình bày việc này với vị thiền sư sống ở gần làng. Cuối cùng, trong tâm trạng thất vọng, người đàn ông tội nghiệp này tìm đến vị thiền sư để nhờ giúp đỡ. Vị thiền sư nhận xét: «Người vợ trước của anh hóa thành một bóng ma và biết được mọi việc anh làm. Bất kể điều gì anh nói, bất kỳ món gì anh tặng cho tình nhân, cô ấy đều biết. Hẳn đó phải là một con ma khôn ngoan! Lần tới đây, khi cô ấy xuất hiện, anh hãy thương lượng với cô ta. Bảo cô ấy rằng, cô ấy biết quá nhiều đến nỗi anh không thể che giấu được gì, và nếu như cô ấy trả lời anh một câu hỏi, anh hứa sẽ hủy bỏ ngay hôn ước và tiếp tục sống độc thân.» Người đàn ông thắc mắc: «Thế tôi phải hỏi cô ấy câu gì?» Vị thiền sư đáp: «Hãy nắm đầy trong tay một nắm đậu nành và hỏi cô ấy xem chính xác có bao nhiêu hạt. Nếu cô ta không nói được thì anh sẽ biết rằng đó chỉ là một hình ảnh từ trí tưởng tượng của anh mà thôi, và điều đó sẽ không còn quấy nhiễu anh nữa.»

Đêm sau, khi bóng ma xuất hiện, người đàn ông lên tiếng khen ngợi cô, rằng cô đã biết được hết thảy mọi việc. Bóng ma trả lời: «Đúng vậy, và tôi còn biết là hôm nay anh đã đến gặp lão thiền sư kia.» Người đàn ông đề nghị: «Vì em biết quá nhiều như thế, hãy nói cho anh biết trong tay anh đang có bao nhiêu hạt đậu nành.»

Lập tức, không còn bóng ma nào ở đó để trả lời câu hỏi!

 

Viết sau khi dịch

Sự yêu thương mù quáng thường làm khổ người mình yêu vì ý muốn chiếm hữu. Người vợ yêu chồng, nhưng thay vì mong muốn chồng mình được hạnh phúc thì lại chỉ muốn anh ta mãi mãi là «của mình». Đây có thể xem là trường hợp điển hình cho hầu hết những tình yêu nam nữ thông thường. Người chồng có thể vui lòng sống cô độc trọn đời mà không bước đến với ai khác, nếu bản thân anh ta tự nguyện như thế.

Nhưng nếu phải thực hiện điều đó chỉ vì lời trăn trối đầy hàm ý «đe dọa» của người vợ sắp chết thì quả là một sự đau khổ không cùng!

Bằng một sự phân tích sáng suốt và khoa học, vị thiền sư đã nhận ra ngay rằng «bóng ma» chỉ là kết quả của nỗi ám ảnh mà người chồng mang nặng từ những lời trăn trối của vợ. Vì thế, nó không từ đâu đến mà chỉ là sự hiện ra từ chính tâm thức của anh! Một cách khôn ngoan, ngài đã chỉ dạy cho anh chồng một phương pháp hết sức thực tiễn: Chất vấn «bóng ma» về một điều mà chính bản thân anh cũng không biết được! Và vì chính anh không biết được nên «bóng ma» cũng không thể biết được!

Bằng cách này, thiền sư không phải muốn khẳng định phán đoán của mình, mà là khéo léo giúp cho người chồng tự mình nhận hiểu, và nhờ đó đánh thức được anh ta ra khỏi cơn ảo mộng của mình!

 

Nguyên văn tiếng Anh:

The Subjugation of a Ghost

A young wife fell sick and was about to die. «I love you so much,» she told her husband, «I do not want to leave you. Do not go from me to any other woman. If you do, I will return as a ghost and cause you endless trouble.»

Soon the wife passed away. The husband respected her last wish for the first three months, but then he met another woman and fell in love with her. They became engaged to be married.

Immediately after the engagement a ghost appeared every night to the man, blaming him for not keeping his promise. The ghost was clever too. She told him exactly what had transpired between himself and his new sweetheart. Whenever he gave his fiancee a present, the ghost would describe it in detail. She would even repeat conversations, and it so annoyed the man that he could not sleep.

Someone advised him to take his problem to a Zen master who lived close to the village. At length, in despair, the poor man went to him for help. «Your former wife became a ghost and knows everything you do,» commented the master. «Whatever you do or say, whatever you give your beloved, she knows. She must be a very wise ghost. Really you should admire such a ghost. The next time she appears, bargain with her. Tell her that she knows so much you can hide nothing from her, and that if she will answer you one question, you promise to break your engagement and remain single.» «What is the question I must ask her?» inquired the man. The master replied: «Take a large handful of soy beans and ask her exactly how many beans you hold in your hand. If she cannot tell you, you will know she is only a figment of your imagination and will trouble you no longer.»

The next night, when the ghost appeared the man flattered her and told her that she knew everything. «Indeed,» replied the ghost, «and I know you went to see that Zen master today.» «And since you know so much,» demanded the man, «tell me how many beans I hold in this hand.»

There was no longer any ghost to answer the question.

Wednesday, August 18, 2021

Giãn cách xã hội

 

Giãn cách xã hội

Uyên Sồ

Bà cụ hướng đôi mắt về phía cuối hẻm. Cặp mắt hơn tám mươi không cho phép cụ nhìn thấy tỏ tường những sự việc đang diễn ra ở khoảng cách không đầy 100m. Bà chỉ nghe thấy tiếng xe chạy vọng tới. Đó là tiếng xe của các nhân viên công lực. Bây giờ, đường phố là của công an, của dân phòng. Họ tụ tập từng nhóm. Họ bay lượn thảnh thơi từ nơi này đến nơi khác như đàn bướm tung tăng đi hút mật hoa. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra sự chấp hành chỉ thị giãn cách xã hội của chính phủ. Ai có việc ra ngoài thì phải là việc thật cần kíp. Đó là lệnh trên giấy tờ. Còn trong thực tế thì lại khác. Chỉ được coi là cần kíp nếu được những ông thần đường phố này chấp nhận. Năn nỉ, khóc lóc cũng vô ích. Tuy vậy, dân nói nhỏ cho nhau nghe: Có «bác» thì việc gì cũng xuôi cả. Nhưng phải là «bác to» mới được nhé! Khi ra ngoài đường thì phải đi, đứng, ngồi, thậm chí là cả nằm nữa, người nọ cách người kia đúng 2m. Giãn cách xã hội là như thế. Cả thế giới áp dụng chứ không phải chỉ riêng một Việt Nam mình. Không đúng khoảng cách đó là bị phạt. Tiền phạt bây giờ được tính bằng tiền triệu. Hễ trông thấy chỗ nào có sai quy định là họ lập tức sầm sập chạy tới cả một đoàn, áp sát vào người dân, tay lôi kéo, xô đẩy, miệng chửi thề, quát tháo ầm ĩ. Những viên chức nhà nước mẫn cán - rất mẫn cán. Bệnh dịch là mối nguy, mối lo lớn. Nhưng, trước khi bệnh tràn tới thì nỗi lo canh cánh thường xuyên của dân đen là những vị thiên lôi này. Họ hiện diện trong đời sống của người dân trong từng khoảnh khắc. Bất kể thời gian và không gian.

Thành phố trở thành một bãi tha ma. Vắng tanh vắng ngắt. Nhà nhà cửa đóng then cài. Những cái miệng lúc nào cũng bịt kín. Không có bí mật nào được tiết lộ cả. Hàng xóm láng giềng trước đây thân thiện, qua lại với nhau như anh em một nhà, buồn vui đều có mặt. Ấy thế mà bây giờ lạt lẽo, lạ xa, sợ sệt lẫn nhau. Ngay cả con cháu ruột thịt cũng không ngoại lệ. Ai cũng có thể là tác nhân gây bệnh cho người khác. Nghi kị. Nghi kị. Nghi kị… Kinh khủng quá xá! Khi sống đã lẻ loi. Lúc chết lại càng cô quạnh. Không một mảnh khăn tang đưa tiễn. Chúa và Phật không được phép đến gần. Người dưng nước lã hối hả, dồn dập chuyển xác chết vào lò thiêu vì đó là ổ vi trùng nguy hiểm. Nắm xương tàn được chất đống cùng với bao nhiêu nắm xương tàn khác trên những chiếc xe giao hàng để chuyển đến cho thân nhân. Tất cả đều diễn ra trong lạnh lùng, vô cảm. Người sống đống vàng. Cũng một thân xác ấy, khi còn thở thì được xưng tụng như thế. Nhưng, trong cơn đại dịch này, cái thân xác ấy khi đã nhắm mắt xuôi tay lại trở nên một nỗi kinh hoàng cho xã hội. Từ xã hội nhỏ cho đến xã hội lớn. Bị xua đuổi. Bị hất hủi. Mọi thứ tình cảm dành cho nó không còn nữa.

Bà cụ rời khung cửa sổ. Từng bước run run tiến lại phía bàn thờ. Hai bàn tay xương xẩu cung kính chắp lại. Cặp mắt mờ mờ tỏ tỏ của bà nhìn lên Đức Thế Tôn thật chân thành, thật tha thiết. Bà lâm râm cầu nguyện: «Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Kính xin Đức Phật từ bi đoái nhìn xuống chúng sinh đang gặp tai ương khốn khổ mà độ trì cứu giúp. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Rồi bà lọng cọng quỳ xuống, kính cẩn lạy Phật.»

Xong xuôi, bà đến ngồi vào cái đi-văng kê ở góc nhà. Vắng lặng quá thể. Tiếng muỗi vo ve nghe rõ mồn một. Mấy con thạch sùng nằm trên bức tường vôi loang lổ, dáng vẻ biếng lười. Thỉnh thoảng chúng lại tắc lưỡi than thân. Tiếng kêu của loài động vật quanh năm suốt tháng bám trên trần nhà khiến bà rùng mình. Tiếng kêu ấy làm gia tăng sự buốt giá của cái vắng lặng ghê hồn. Đã từng bao phen trải qua cảnh đơn chiếc, nhưng chưa bao giờ bà có cảm giác hãi sợ như thế này. Chồng và con bà dù có những lúc phải đi xa, nhưng rồi sẽ lại trở về. Chắc chắn là như thế. Bà chờ đợi người đi trong niềm vui và hy vọng. Cái bếp kia luôn luôn âm ỉ ngọn lửa đoàn tụ. Nhưng, bây giờ thì không. Không một mảy may hy vọng. Số người chết cứ tăng lên vùn vụt từng ngày. Những xe chở xác chết đến lò thiêu nối đuôi nhau mà nhích… nhích… nhích… một cách vất vả. Bất cứ ai và bất cứ khi nào thần chết cũng có thể đến bắt đi mà không cần báo trước. Mặc dù ngày nào bà cũng nhận được tin tức của con cháu qua điện thoại, nhưng lòng mẹ nào có thể yên được và bà chắc rằng con cái bà cũng chẳng thể nào an tâm về bà. Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia. Lúc nào bà cũng có cảm giác đang ngồi trên đống lửa.

Ngoài cái chết do dịch thì còn một cái chết khác đang lơ lửng trên đầu. Chết đói. Người ta thì bà không biết, chứ con cái bà thì bà biết rõ chúng như những đường chỉ tay của bà. Cuộc sống của chúng chẳng lấy chi khá giả. Toàn là vặt mũi bỏ miệng. Cứ ngăn sông, cấm chợ mãi; cứ cách ly cách liếc hoài thì biết làm gì sống đây, Trời? Đành rằng bầu và bí chẳng thể nào đoạn tuyệt nghĩa tình vì mãi mãi chung giàn máu đỏ da vàng. Thế nhưng, miệng ăn núi lở. Cái túi thần chỉ có trong truyện cổ tích. Khi những cái túi bình thường kia cạn kiệt thì tương lai sẽ ra sao? Đói thì đầu gối phải bò. Đúng vậy. Nhưng, bò đi đâu? Mọi đám cỏ- kể cả những đám cỏ cháy xém- đều đã bị khóa chặt. Đầu gối rất muốn bò, nhưng lại không được phép bò. Đành phải nằm một chỗ chờ sung rụng. Và, hôm nay, sung đã rụng đến chỗ bà.


Địa điểm phát quà cứu trợ đặt ở đầu hẻm. Tất cả đều là nhu yếu phẩm. Gạo, rau, củ, quả, nước đóng chai, thuốc men thường dùng… Những gói nghĩa tình bầu bí quấn quyện Rồng- Tiên huyết nhục. Ân cần thăm hỏi. Ân cần đưa trao. Ân cần dặn dò. Trong những câu nói, người ta nghe được tiếng sụt sùi của nghẹn ngào dòng lệ. Đến lượt bà, người ta hỏi bà cần thứ nào? Thứ nào đối với bà cũng là cần thiết. Rất cần thiết. Thế nhưng, đâu chỉ riêng một mình bà gặp khó khăn? Bà chỉ vào những gói gạo. Đúng, bà chỉ cần có gạo thôi. Bà sẽ để dành đó, chờ khi nào con cháu bà về, bà sẽ nấu cho tụi nó một nồi cơm. Cứ tưởng tượng đến cảnh con cháu tụ tập bên nồi cơm bốc khói nghi ngút và những cái miệng ăn ngấu ăn nghiến là bà cảm thấy như được cải lão hoàn đồng. Bà run run đón nhận gói gạo, miệng móm mém nơi lời cám ơn và bước ra. Những bước chân run rẩy. Run rẩy vì tuổi tác. Run rẩy vì xúc động.

Một người phụ nữ đang đứng xếp hàng chờ tới lượt, vội vàng chạy đến bên bà, một tay dìu bà, một tay đỡ lấy bịch gạo đang chực rơi ra khỏi bàn tay của bà. Bất chợt, những tiếng còi ré lên inh ỏi cùng những bước chân sầm sập chạy tới. Gần một chục thanh niên trai tráng, mặt bịt khẩu trang, thái độ dữ dằn áp sát vào hai người phụ nữ một già một trẻ. Một tiếng thét giận giữ:

- Đ.m. Chị kia! Buông bà cụ ra ngay! Chị không tuân thủ luật giãn cách xã hội của chính phủ hả? Muốn phạt không? Đ.m.

Chị nhỏ nhẹ:

- Các anh có thấy bà cụ quá già và quá yếu không? Tôi chỉ đến giúp cụ thôi, chứ không có ý chống lại luât giãn cách của chính phủ.

- Đ.m. Không nói nhiều. Đm. Buông ra! Buông ngay ra! Đ.m.

Chị lớn tiếng:

- Các anh hãy đứng cách xa chúng tôi ngay! Các anh đâu được phép đứng sát chúng tôi. Đứng xa ra đúng chỉ thị của chính phủ.

- Đ.m. Mày dám cãi lệnh chúng tao à?

Một cái tát như trời giáng vào mặt chị. Những cánh tay trai tráng xô đẩy, giằng co, cố giựt cho bằng được tay chị ra khỏi tay bà cụ. Cuối cùng, sức phụ nữ không địch lại sức trai trẻ. Chị và bà cụ ngã đập mặt xuống mặt đường. Bịch gạo vỡ toang. Những hạt gạo trắng bắn ra tung tóe. Hai bàn tay xương xẩu của cụ quơ cào… quơ cào… quơ cào… Cái miệng móm mém thều thào:

«Gạo… gạo… gạo… cơm… cơm… cơm…». Ít phút sau, đầu cụ nghẹo sang một bên. Từ khóe miệng, một dòng máu đỏ trào ra. Những hạt gạo vẫn còn dính trên mấy đầu ngón tay nhăn nheo…

Uyên Sồ
Thung Lũng Máy Nước,
14/8/2021

Tuesday, July 27, 2021

Gả con cho giặc


Gả con cho giặc

https://www.aihuubienhoa.com/p122a610/11/ga-con-cho-giac-nguyen-thi-thanh-duong

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Cô Lạc báo tin cho cha mẹ là sẽ về thăm Việt Nam cả tháng nay thì cả tháng nay anh chị Siêu mừng vui đến mất ăn mất ngủ. Phen này thì cả làng An Bình sẽ lên cơn sốt như cách đây 3 năm họ đã lên cơn khi biết cô Lạc nhà quê nhà mùa, trình độ văn hóa lớp 6 kết hôn với một ông kỹ sư người Mỹ.

Nhà anh Siêu nghèo, mấy sào ruộng nhà nước chia theo tiêu chuẩn đầu người không đủ cho hai vợ chồng cầy cấy nuôi 3 đứa con, anh đi bộ đội về cảnh nhà eo hẹp nên lấy vợ trễ, con còn nhỏ. Cô Lạc lớn nhất nhà đã được bố mẹ gởi gấm theo vài người anh em họ vào thành phố Sài Gòn làm ăn. Trong làng, nhà nào cũng có người vào Nam kiếm sống nên đồng hương cũng giúp đỡ nhau nói chi là họ hàng

Lạc xin vào làm cho một hãng nhựa tư nhân ở Chợ Lớn, ngày làm 12 tiếng, một tuần làm 6 ngày quần quật cực nhọc không thua gì làm ruộng nương nơi quê nhà. Ăn dè để dành mỗi năm Lạc cũng tom góp được chút tiền gởi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi hai em, còn Lạc không dám mơ đến chuyện về thăm quê, bởi tiền tàu xe từ Nam ra Bắc sẽ ngốn hết những đồng tiền để dành ít ỏi ấy.

Đột nhiên người anh họ tên Chu của anh Siêu từ Mỹ về thăm quê hương, người anh họ mà anh Siêu chưa bao giờ biết mặt, vì cách ngăn bởi vĩ tuyến 17 giữa hai miền Nam Bắc. Năm 1975 từ Sài Gòn anh Chu cùng gia đình di tản qua Mỹ, sau bao nhiêu năm yên ổn cuộc sống nơi xứ người anh Chu mới thể theo lời trăn trối của người cha gìa trước khi nhắm mắt là hãy về thăm lại quê quán, tìm gặp người thân nơi miền Bắc.

Thấy cảnh nhà anh Siêu nhà xiêu mái dột, con cái nheo nhóc tương lai là cày thuê cuốc mướn đói nghèo, anh Chu thương cảm cho thêm qùa, thêm tiền.

Chợt nhìn thấy tấm hình cô con gái lớn anh Siêu đóng khung để trên bàn, tấm hình mà Lạc đã chụp ở Sài Gòn làm kỷ niệm gởi về để cả nhà ngắm cho đỡ nhớ, trông cô hiền lành xinh xẻo nên anh Chu chợt nảy ra một ý định là kiếm chồng ở Mỹ cho cô, đó là cách giúp đỡ dài lâu và thiết thực nhất.

Anh Chu mang tấm hình cô Lạc về Mỹ. Làm cùng hãng với anh là một ông kỹ sư Mỹ tuổi trung niên độc thân và cô độc. Hai người ngồi cạnh nhau nên thân nhau, anh Chu đã đưa hình Lạc ra và ngỏ ý muốn giới thiệu cho ông.

Chuyện cầu may mà thành sự thật, Richard mừng lắm, vì cuộc đời ông đã mấy lần li dị, lần này lấy một cô gái quê chất phác, dòng máu Á Đông dịu dàng chắc sẽ chung thủy với ông suốt đời. Hơn nữa, lại là một cô gái trẻ tuổi trinh nguyên và xinh đẹp, thì làm sao mà ông Richard không vui vẻ chấp nhận.

Thế là sau một thời gian trao đổi thêm thư từ hình ảnh giữa ông Richard và Lạc, có anh Chu làm thông dịch cho đôi bên, thì cả hai cùng đồng ý đi đến hôn nhân dù ông Richard lớn hơn Lạc hơn 20 tuổi, nhưng bù lại ông sẽ mang Lạc đi Mỹ, sự trao đổi cũng tương xứng, công bằng cho cả hai.

Anh chị Siêu mừng lắm, đứa con gái nhà anh lấy chồng được đi Mỹ có nằm mơ cũng chả dám, dù là người chồng lớn tuổi, nhưng còn hơn ở lại Việt Nam lấy được thằng chồng trẻ ngang vai phải lứa, cùng nông dân cày cuốc thì cái nghèo đói lại di truyền từ đời vợ chồng Lạc tới con cháu nó không biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên nổi.

Để mong thoát cảnh đói nghèo bao nhiêu con gái quê Việt Nam phải lấy chồng ngoại Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc, mà phần nhiều là chồng gìa hay có vấn đề về sức khỏe, sung sướng thì ít, đau thương thì nhiều, chứ dễ gì lấy được chồng Mỹ và đi Mỹ, cái đất nước nổi tiếng to đẹp, hùng mạnh nhất thế giới.

Ông Richard và anh Chu cùng về làng An Bình. Đám cưới Richard và Lạc sẽ diễn ra ở đây.

Đột nhiên họ hàng, làng xóm thấy anh chị Siêu phát lễ hỏi như dân phố Hà Nội là trầu cau, trà sen, bánh xu xê, bánh cốm trong hộp có giấy bóng kính màu đỏ và thiệp cưới in đẹp đẽ đến từng nhà, ai cũng kinh ngạc vì qùa đám hỏi to qúa.

Tin Lạc sắp lấy chồng Mỹ như một qủa bom vừa pháo kích vào ngôi làng bé nhỏ êm ả này.

Đám cưới diễn ra ai được mời cũng không từ chối, vì ai cũng tận mắt muốn xem mặt thằng chú rể người Mỹ của làng An Bình.

Sau đám cưới ông Richard về lại Mỹ làm giấy tờ bảo lãnh Lạc. Cả làng xôn xao bàn tán, khi thì ở trên bờ đê lúc tạm ngừng làm ruộng, khi thì trong hàng chè xanh nơi đầu làng:

- Con Lạc sắp đi Mỹ rồi. Sao số nó sung sướng thế nhỉ?

- Ôi giời, lấy thằng giặc Mỹ mà hãnh diện à? Bố con Lạc từng là anh hùng diệt Mỹ thời chiến tranh chống Mỹ Ngụy đấy nhé

- Nghe nói chồng nó là kỹ sư cơ đấy?

- Phô trương thế thôi, ai biết đâu mà kiểm chứng? Có khi là thằng Mỹ đầu đường xó chợ cũng nên?

- Chưa biết chừng nó mang sang Mỹ bán cho động mãi dâm như bọn buôn người qua Trung Quốc đấy. Phúc đâu chưa thấy, họa lại mang vào người.

Một ông có vẻ hiểu biết, phản đối:

- Đời nào có, tôi chưa nghe chuyện gái Việt Nam lấy Mỹ bị bán vào động mãi dâm bao giờ.

- Bọn Mỹ là ác lắm, việc gì chúng chẳng làm….

Ông kia tiếp tục khoe sự hiểu biết:

- Các bác không đọc báo, nghe đài à? Ta và Mỹ bây giờ là bạn rồi, có cái tàu Mỹ đến thăm Việt Nam và Hải Quân ta ra tận tàu Mỹ nghênh tiếp nữa mà. Rồi lại có cái tàu gì to lắm, có chỗ cho máy bay đỗ và đáp cơ đấy, cũng sang thăm Việt Nam và phe ta lên tàu tham quan thích lắm.

Giọng đàn bà nhà quê đanh đá:

- Gớm, to lớn mấy cũng bị bộ đội ta diệt thời chống Mỹ rồi. Mỹ vẫn là thằng giặc thua trận.

Ông «hiểu biết» giảng giải chuyện đời miễn phí:

- Biết đâu là bàn cờ thế cuộc, chứ họ văn minh thế kia mà. Nay thời thế đã đổi khác, bạn hóa thù, thù thành bạn. Xưa Trung Quốc là bạn hàng xóm gần gũi thân yêu của ta, như «môi và răng» môi hở thì răng lạnh, từng giúp đỡ ta trong chiến tranh. Nay bạn hại ta đấy thôi, từ chuyện kinh tế, hàng hóa đồ dùng Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam để giết chết ngành công kỹ nghệ sản xuất của ta, cả trái cây Trung Quốc như nhãn, vải, táo, cam cũng lấn chiếm thị trường nông sản Việt Nam làm thiệt hại các nhà trồng vườn, đến chuyện lấn chiếm vùng đất, vùng biển Hoàng sa, Trường Sa. Họ đã hiếp đáp, bắt giữ tàu và ngư dân đòi tiền chuộc hoặc làm chết ngư dân mình.

Một bà rụt rè lẩm bẩm:

- Ừ nhỉ, lúc này đi đâu cũng thấy hàng hóa Trung Quốc, mà nghe nói toàn là hàng độc hại. Trông mẫu mã đẹp mắt mà chết người.

Những lời dị nghị, đồn thổi không hay đã đến tai vợ chồng anh Siêu, anh chị vừa tức giận vừa xấu hổ chẳng biết đường nào mà phân bua, mà cãi..

Trong làng có bà tên Cào, tên thật của bà người ta không thèm gọi mà chỉ gọi bằng cái tên nghề nghiệp vì bà chuyên nghề đi thuyền cào tôm, cá ngoài sông. Bà gặp chị Siêu đã mát mẻ mỉa mai:

- Sướng nhé, có con gái gả cho Mỹ rồi tha hồ mà hưởng qùa đế quốc Mỹ. Nhưng con gái tôi thì không thèm đâu, thà ở làng quê này đi cào cá cào tôm như cha mẹ nó, tuy nghèo mà có tình quê hương, chẳng phải lệ thuộc thằng nước ngoài nào cả.

Chị Siêu nén giận cười gượng:

- Vâng, mỗi người một hoàn cảnh. Chúng tôi có dám mơ ước cho con gái lấy Mỹ bao giờ đâu, chẳng qua bác nó ở Mỹ muốn giúp đỡ …

Lạc được tòa lãnh sự Mỹ gọi phỏng vấn và bị từ chối. Thời điểm này chính phủ Mỹ khám phá ra mấy vụ người Việt Nam và người Mỹ bản xứ kết hôn với người bên Việt Nam là «dịch vụ» lấy tiền để đưa người từ Việt Nam nhập cư vào Mỹ nên họ nghi ngờ và cho «rớt» khá nhiều.

Anh chị Siêu và Lạc lo lắm, Lạc không đi Mỹ được thì dân làng lại có đề tài mà mỉa mai châm chọc thêm cho đáng đời kẻ ham muốn gả con cho giặc Mỹ, chứ chắc gì họ buông tha?

Ông Richard đã làm đơn khiếu nại, gởi bổ sung thêm những chứng cớ cần thiết và Mỹ phỏng vấn Lạc lần thứ hai đã chấp nhận hồ sơ cho Lạc được đi Mỹ đoàn tụ với chồng.

Anh chị Siêu mừng rối rít, gọi điện hỏi thăm anh Chu là ông Richard đã «chạy» đường dây nào mà hay thế? tốn phí hết bao nhiêu tiền?

Tội nghiệp anh chị Siêu, từ cha sinh mẹ đẻ quen bị hà hiếp, bóc lột, quen phải hối lộ cho chính quyền từ phường xã tới quận huyện, từ việc lớn đến việc nhỏ, và vì trình độ văn hóa thấp, chỉ quanh quẩn ở làng quê không biết gì ngoài ruộng lúa và lũy tre làng, nên ngây thơ hồn nhiên tưởng ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này cũng ăn hối lộ tận tình như quê hương Việt Nam mình.

Anh Chu kể rằng ông Richrd chẳng chạy chọt đường dây nào cả, khi có đầy đủ chứng cớ thì Mỹ phải chấp nhận cho đi. Ngoài ra anh Chu còn kể thêm có những hồ sơ bảo lãnh đã được phỏng vấn và chấp thuận mà người bên Việt Nam vì lý do gì đó chưa muốn đi Mỹ nên chần chờ chẳng tiến hành thêm gì cả, hàng năm sở di trú vẫn gởi giấy nhắc nhở họ có muốn đi Mỹ thì làm tiếp một hai bước thủ tục sau cùng. Vẫn không có trả lời dứt khoát, cuối cùng sở di trú phải gởi cho người bên Việt Nam một «tối hậu thư» hỏi có muốn đi Mỹ hay không? nếu không thì lần này Mỹ sẽ đóng hồ sơ.

Anh chị Siêu kinh ngạc qúa, ai đời quyền lợi của họ, họ không hưởng thì thôi, việc gì Mỹ phải nhắc nhở họ và hỏi đi hỏi lại mãi thế? Ở Việt Nam , có mà cầu cạnh, đút lót cả đống tiền chưa chắc mua được sự việc như ý, dù mình có cả tỷ lý do vô cùng chính đáng.

Lạc đi Mỹ được hai năm thì tiền bắt đầu gởi về cho cha mẹ xây sửa nhà cửa, vì Lạc đã đi làm nail nên có tiền riêng tha hồ gởi giúp gia đình, người chồng Mỹ của Lạc, với đồng lương sung túc của mình, chỉ cần Lạc đẻ cho ông một hai đứa con và chung thuỷ suốt đời là hạnh phúc rồi.

Hàng xóm họ hàng càng bàn tán, càng vu khống nhiều hơn, dù chị Siêu đã mang ra khoe với họ những tấm hình vợ chồng Lạc và 1 đứa con của họ.

- Tiền gởi về cho bố mẹ nhiều thế này đích thực là tiền làm gái mà ra chứ của đâu sẵn thế?

- Ừ nhỉ, làm gì mà ra tiền nhanh thế nhỉ?

- Nhưng bà Siêu có khoe hình con Lạc chụp với thằng chồng Mỹ, cái thằng đã về làng cưới nó hẳn hòi mà.

Một bà gạt phăng:

- Ối giời ôi, thằng Mỹ nào trông cũng giống nhau, có khi là thằng chồng thứ bao nhiêu rồi đấy?

Những lời dèm pha này lại cố tình đến tai vợ chồng anh Siêu. Nghe những lời ganh tị mấy năm nay anh chị đã quen tai, nhưng anh chị cũng đã thấy vài kẻ trong làng thèm thuồng được như anh chị lắm, khi họ ghé vào thăm ngôi nhà 3 tầng khang trang mới xây trên cái nền đất của căn nhà xộc xệch cũ, khi họ nhìn những tấm hình Lạc đẹp đẽ từ Mỹ gởi về, và thấy cuộc sống vật chất nhà anh Siêu thong thả hẳn ra.

Một người họ hàng bên vợ anh Siêu, ở tận Hà Nội, nhà giàu có, con cái đứa thì bằng cấp đại học, đứa đang chuẩn bị thi vào đại học, mà còn mong ước gả cô con gái lớn cho người Mỹ, các em thì không thèm du học ở Anh, Úc, Canada, mà chỉ thích Mỹ.

Xưa nay anh chị Siêu mấy lần có dịp lên Hà Nội nào dám bén mảng tới nhà họ chơi, vì khỏang cách giàu nghèo và trình độ, nhưng từ dạo Lạc đi Mỹ, từ dạo nhà anh Siêu xây to nhất làng, thì chính người họ hàng đó đã vồn vã mời chào, nhờ thế anh Siêu mới biết được những tâm tư khát khao của gia đình họ và của nhiều người dân thành thị, người ta không còn căm thù người Mỹ nữa, giới trẻ đua nhau học tiếng Mỹ, các nhà khá gỉa còn cho trẻ con học tiếng Mỹ từ thuở vỡ lòng song song với tiếng Việt, các cửa hàng, dịch vụ trên phố xá từ Hà Nội đến Sài Gòn, đến các thành phố lớn nhỏ khác đều kèm theo tiếng Mỹ, con gái Việt Nam nhiều người lấy chồng Mỹ rồi, và nhờ thế anh chị Siêu mới vơi bớt mặc cảm tội lỗi gả con cho giặc Mỹ mà một số dân làng An Bình đã ganh tị và ác cảm đổ cho anh chị.

Qua con gái anh chị Siêu đã biết được một nước Mỹ tự do dân chủ, cuộc sống thoải mái..

Lạc kể mua cái ti vi về coi mấy tuần thấy không vừa ý đã đem trả lại tiệm, hay đơn gỉan có lần Lạc mua một cây Lê trong chợ Mỹ về nhà trồng, cây bị chết sau đó, Lạc đã gọi phone than phiền với chủ tiệm, vây mà người ta xin lỗi và mời cô đến chọn lại cây lê khác, dĩ nhiên là không phải trả tiền lần nữa và họ cũng không cần Lạc mang bằng chứng cây lê đã bị khô chết kia.

Thật là trung thực, tin cậy lẫn nhau, một xã hội có cuộc sống, có nếp suy nghĩ như thế không biết đến đời kiếp nào Việt Nam mới bắt chước được?

Ở Việt Nam người ta mua gian bán lận, làm hàng gỉa, lừa đảo khách hàng vì lợi nhuận, vì lòng tham sao cho đầy túi, làm gì có chuyện mua hàng về nhà xài rồi đem trả lại? chúng đã không đổi cho mà còn mắng chửi té tát vào mặt. Ngay như mua vàng hôm trước, hôm sau mang ra chính tiệm ấy bán lại, chúng cũng kiếm cách ăn chận, nào là hôm nay vàng vừa mới xuống gía, nào là vàng…hao hụt, để trả gía rẻ, để lời nhiều.

Hàng hóa gỉa, còn có cả bằng cấp rổm nữa, những anh chị y tá có công với đảng được «đề bạt» học bổ túc chuyên môn là trở thành bác sĩ, hay con ông cháu cha học hành thì ít ăn chơi thì nhiều nhưng chạy chọt vào trường Y khoa, cũng ra trường bác sĩ như ai dù kiến thức thì chẳng bằng ai. Nên các bệnh nhân ở Việt Nam gặp nhiều ‘biến cố” chết người không có gì làm lạ.

Những chuyện đời thường của nước Mỹ mà nghe xong anh Chị Siêu còn giật mình không muốn tin, nếu không do chính con gái anh chị kể ra thì chắc chắn anh chị cho là bịa đặt, là chuyện hoang đường trên trời rơi xuống.

Anh chị dần dần cảm mến nước Mỹ, những nước thuộc thế giới tự do họ có lý tưởng của họ trong chiến tranh, Mỹ có căm thù gì dân Việt Nam đâu mà tàn ác giết hại dân Việt Nam?.

Anh chị thương thằng con rể Mỹ, nó hiền hòa, trung thực, nó đã đổi đời cho Lạc, thương yêu chiều chuộng con gái anh, đối xử tốt với gia đình nhà vợ. Người xấu người tốt ở đâu cũng có, cũng tùy người..

Anh Siêu thấy xấu hổ khi nhớ lại ngày xưa anh đã căm thù đế quốc Mỹ, hình ảnh những người lính Mỹ là tàn ác, ghê gớm, là gieo rắc đau thương cho xóm làng, nhân dân Việt Nam. Anh đã đăng ký đi bộ đội sớm, khi chưa đủ tuổi để mong tiêu diệt kẻ thù, bằng chứng là tấm giấy khen công anh hùng diệt Mỹ của anh vẫn còn kia, vì anh đã cùng vài người khác tóm cổ được một lính Mỹ đi lạc trong rừng.

Năm ấy anh Siêu mới 18 tuổi, cái tuổi trẻ mới lớn dễ tin người, tin đời. Anh hãnh diện nghĩ mình đã lập được công trạng cho đất nước, cho đồng bào.

Ngày anh chị Siêu mong chờ cũng đã đến. Từ Mỹ vợ chồng Lạc và đứa con về thăm làng An Bình.

Anh chị thuê chiếc xe tải nhỏ ra phi trường Nội Bài đón con cháu.

Xe về làng, về nhà, mấy va ly, mấy thùng qùa Mỹ được mở ra, mùi thơm thơm lạ lùng từ một phương trời xa mà cả đời anh chị Siêu chưa được biết đến. Anh chị hoa mắt sung sướng với đủ những món qùa anh chị Siêu đã dặn con gái mua cho, nào kính mát, áo vét cho anh Siêu, nào áo khóac ấm cho chị Siêu, vì mùa Đông miền Bắc dài và lạnh, rồi qùa cho các em, họ hàng chú bác, đến hàng xóm láng giềng ít nhất cũng được cục xà bông hay bịch kẹo «sô cô la», cũng được hưởng mùi qùa Mỹ.

Lần này thì dân làng tận mắt thấy mặt chồng Lạc, vẫn là ông Mỹ cách đây 3 năm. Có khác chăng là bây giờ ông Richard biết nói những câu tiếng Việt thông dụng, ai hỏi thì ông vui vẻ và thân thiện trả lời, giọng nói âm hưởng Mỹ nhưng tiếng Việt Nam ngọng ngịu của ông Richard làm mọi người cười vui. Họ không thấy ở ông Richard một chút nào hình ảnh thằng giặc Mỹ tàn ác thời chiến tranh mà họ đã nghe qua sự tuyên truyền của đảng vẫn còn ít nhiều trong tâm tư họ nữa.

Lạc thì đổi mới hẳn ra, đẹp xinh với quần áo lụa là sang trọng, không phải là cô Lạc nhếch nhác quần đen ngắn lấc cấc với áo vải ngày nào. Còn đứa con gái của họ vừa có nét thùy mị Việt Nam vừa có nét phương tây mạnh mẽ trông thật dễ thương.

Chị Siêu mang qùa của con gái đi biếu hầu như cả làng, đến nhà bà Cào, chị hơi e dè, sợ lại phải nghe những lời mỉa mai. Nhưng lạ chưa, bà Cào đã nắm tay chị Siêu, nói với tất cả niềm chân tình và rất lịch sự:

- Tôi cám ơn chị và cháu lắm. Nhờ chị nói với cô Lạc rằng về Mỹ xem có anh Mỹ nào thì làm mai cho con gái tôi với nhé, tôi còn hai đứa con gái chưa lấy chồng đây. Khổ qúa, con lớn nhà tôi lấy chồng cùng thời với cô Lạc, tưởng ở lại làng để làm nghề cào lưới tôm cá cũng đủ sống rồi, ai ngờ khốn khổ chị ơi, bữa đói bữa no. Thà cứ gả quách cho giặc Mỹ… ấy chết, xin lỗi chị tôi cứ quen mồm, thà cứ gả quách cho người Mỹ như cô Lạc nhà chị mà sướng tấm thân và cả nhà được nhờ.

- Vâng, để em bảo cháu. Nhưng chẳng phải dễ đâu, bác nó ở Hà Nội có con gái vừa đẹp vừa học giỏi cũng đang kiếm chồng Mỹ cho con để xuất ngoại đổi đời mà chưa có đám nào.

Bà Cào nài nỉ:

- Thì tôi cứ dặn phòng xa thế, may ra có duyên nợ thì gặp. Chị nhớ nhé?

Chị Siêu về nhà thấy hả hê nhẹ cả lòng, bà Cào là người đanh đá mồm miệng nhất làng mà đã chịu xuống nước, nhìn vào sự thật như thế thì từ đây cả làng cũng sẽ nguôi ngoai, không ai có lý do gì để động chạm đến việc Lạc lấy chồng Mỹ, hay kết tội anh chị gả con cho giặc Mỹ nữa..

Gia đình Lạc ở làng quê An Bình chơi 4 tuần, ông Richard theo vợ đi chơi khắp làng, đến thăm họ hàng, hàng xóm. Đến nhà nào ông Richard cũng chào hỏi tử tế bằng mấy câu Việt Nam thấy mà thương.

Đến ngày trở về Mỹ, chiếc xe tải nhỏ lại được thuê chở khách Việt Kiều ra phi trường Nội Bài.

Anh chị Siêu kể cho họ hàng và những nhà hàng xóm thân rằng sang năm Lạc có quốc tịch Mỹ và sẽ làm đơn bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ định cư.

Tin này đã nhanh chóng lan ra cả làng, ai cũng nói là vài năm nữa cả nhà anh Siêu sẽ sang Mỹ đoàn tụ với con gái. Cái nhà ấy có phước to.

Có người thật tình, có người vì tò mò đến nhà anh Siêu chơi để nghe thêm chuyện. Họ thấy trên tường, nơi phòng khách trang trọng nhất, nơi mà từ hồi căn nhà cũ, trên vách tường cũ vẫn treo tấm giấy khen «Anh hùng diệt Mỹ» đóng khung, lồng kính và đã bạc màu hoen ố theo thời gian của anh Siêu không còn nữa, mà thay thế vào là khung hình mới tinh, trên bức tường cũng mới tinh, hình gia đình cô Lạc, cô với người chồng Mỹ và đứa con gái của họ, thật là đẹp và hạnh phúc chứa chan.

Nguyễn Thị Thanh Dương.