Những
oan hồn vất vưởng
Lưu An
https://viettudomunich.org/2021/04/24/nhung-oan-hon-vat-vuong/
Vài hàng phi lộ.
Có lẽ khi nói đến hiện tượng ma quái, những người có
niềm tin tuyệt đối vào khoa học thực nghiệm họ sẽ cho đó là chuyện hoang đường
không có thật, một tưởng tượng quá mức phản lại khoa học. Nhưng khi bước vào
thực tế có những người có trình độ khoa học, rất thông thái, họ không phải là
dạng người dễ dàng tin điều gì mà họ không cảm nhận được một cách chính xác.
Nhưng họ cũng phải chấp nhận có những hiện tượng mơ hồ bước ra khỏi giải thích
của khoa học. Những hiện tượng này không có nhiều nhưng vẫn làm cho người ta
không thông suốt khi tìm cách giải thích nó trong khoa học. Ngay như đức Khổng
Tử một nhà hiền triết tuyệt đỉnh của Đông phương. Khi được hỏi đến hiện tượng
ma quái, ngài đã không đề cập đến tin hay không tin mà chỉ khuyên người ta nên
đứng xa, tỏ lòng kính ngưỡng.
Rồi ở Mỹ, quốc gia của vật chất, văn minh khoa học
nhưng chưa có ai giải thích thỏa mãn những căn nhà hoang phế, không ai dám đến
cư ngụ vì có ma. Hiện tượng này không thể là một trò bịa đặt vì nó xẩy ra cho
bất cứ ai cư ngụ. Hay ở một đoạn đường vào ban đêm, nhiều người bị hỏng xe, rồi
một ông linh mục hiện ra giúp đỡ, chính là người đã bị chết vì tai nạn giao
thông trên đoạn đường này hàng chục năm về trước.
Cá nhân tôi học hành, làm việc và sống hơn 40 năm
trời ở quốc gia tân tiến, tinh thần khoa học đã thấm sâu vào trí não, không cho
phép tôi tin vào chuyện ma quỷ hiện hình, bùa phép... Nhưng một lần nào đó
chính tôi đã gặp hay nghe từ những người mà tôi biết chính họ cũng không tin
hiện tượng ma quái và họ cũng như tôi phải ngẩn ngơ không hiểu!
Trong bài viết tìm vui này tôi tìm cách nối kết những
hiện tượng mà chính cá nhân tôi cảm nhận cùng với những lời kể của người khác,
những người mà tôi không có lý do gì để nghĩ họ thêu dệt. Rồi từ những sự kiện
đó nhờ văn chương, chữ nghĩa đem nó vào một câu chuyện tạo ra một niềm vui,
giải trí cho người đọc. Ai muốn tin để cho lòng mình có tí chút lơ lửng với
tưởng tượng, tìm một khoảnh khắc nhấn mình trong mộng ảo, đó không phải là một
thích thú lắm sao? Ngược lại, ai mỉm cười mà phủi nhẹ bàn tay, coi là một
chuyện hoang đường vớ vẩn của một kẻ dùng cái ướt át của văn chương để ma mị
nhân gian thì cũng có gì đâu mà kẻ viết này phải bực bội, chán chường ? Nhưng
dù thế nào, tin hay không tin thì cuộc sống vẫn chuyển động “không có chị thì chợ
vẫn đông“. Không có kẻ múa bút văn chương kể lể chuyện tầm phào này thì cuộc
đời vẫn đầy rẫy nụ cười trong vui tươi nhưng cũng chẳng thiếu những bóng dáng
khốn khổ, lầm than. Đời là thế, toàn chứa những âm vang của một vở kịch bi hài.
*****
Vào truyện.
Trong thời gian sống và học tại Nhật bản, tôi có hai
người bạn đã ghi sâu vào trí nhớ và cảm xúc của tôi khá sâu. Người bạn đầu
tiên, anh ta là người Nhật, tên là Shotaro là con trai duy nhất của một gia
đình có 4 anh chị em. Trên anh ta là người chị gái đã có gia đình sống riêng
biệt, dưới là 2 cô em gái là sinh viên ngành sư phạm. Gia đình Shotaro khá giàu
có, thuộc thành phần thế lực từ ngày xưa. Bố của Shotaro là luật sư của toà án
tỉnh, một người cha rất nghiêm khắc với con cái. Trong chiến tranh thứ 2 ông là
một sĩ quan ngành quân pháp của Nhật ở Đại hàn. Chiến tranh chấm dứt ông bị Nga
cầm tù và đem sang
Mẹ của Shotaro trái lại rất cởi mở, rất thương và
chiều con, bà thường dấu chồng cung ứng tiền bạc và che chở cho các con mỗi khi
bị bố mắng chửi. Với tôi bà cũng rất ân cần, mỗi khi Shotaro rủ tôi đến nhà
chơi, tôi luôn được bà giữ lại ăn cơm. Để tránh ánh mắt nghiêm nghị của chồng,
bà và mấy cô em gái thường bầy riêng cho chúng tôi mâm cơm khác trên lầu, phòng
riêng của Shotaro. Đã thế lúc ra về tôi còn được bà nhét cho một bịch nào là
bánh ngọt, trái cây. Nếu bất chợt gặp tôi lang thang trên phố hay ở siêu thị,
bà kéo tôi vào quán ramen (tương tự món hủ tíu mì, rất thông dụng ở Nhật) bắt
tôi ăn, bà chỉ ngồi nhìn hay nói chuyện về các con của bà hay hỏi vu vơ về gia
đình tôi ở VN. Lòng tốt và hình ảnh của bà đôi khi đã làm tôi rướm nước mắt,
kéo tôi về quá khứ với người mẹ kính yêu của mình, thời đó gia đình tôi quá
nghèo, mẹ tôi đã phải tần tảo bán hàng rong để nuôi anh em chúng tôi ăn học.
Đôi khi thấy con đói, mẹ dẫn tôi vào tiệm ăn phở, cũng như bà, me tôi cũng chỉ
ngồi nhìn, không ăn. Mãi sau này lớn khôn, nhớ lại tôi mới biết mẹ không ăn chỉ
vì quá nghèo không dám bỏ tiền cho cả hai mẹ con. Khi khôn lớn, ra đời, có điều
kiện về vật chất thì mẹ đã ra người thiên cổ!
Nhà của Shotaro cũng ở trong tỉnh, không quá xa căn
nhà trọ của tôi. Có lẽ vì ông bố quá khắt khe nên Shotaro không thích ở nhà nên
rất thường đến nhà tôi chơi, anh thường mang bánh trái, hay 5, 6 lon bia và vài
món ăn để nhâm nhi nói chuyện hay xem TV. Chính vì vậy Shotaro cũng trở nên một
thành viên rất thân tình với nhóm bạn của tôi. Vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần,
nhất là gặp những ngày hè nóng bức, Shotaro thường mang xe của gia đình chất
đầy đồ ăn, nước uống chở chúng tôi đến một thị xã cũng không xa thành phố, địa
phương có bãi biển khá đẹp. Trong nhóm bạn cũng có một người sống ở đó, vì thế
mỗi lần đi chơi như vậy, chúng tôi lại được gia đình bạn mời đến nhà ăn uống.
Những lần đi chơi như vậy, chúng tôi thường về lại thành phố rất khuya .
Không biết, có phải vì sự đưa đẩy kỳ lạ của định mệnh
hay không, vào một buổi sáng cuối tuần nắng nóng, Shotaro mang xe đến chở chúng
tôi đi tắm biển. Suốt ngày vẫy vùng với sóng biển, buổi chiều, thay vì theo
người bạn địa phương đến nhà anh ta ăn cơm tối như mọi lần, Shotaro đề nghị mời
bạn bè đến một quán ăn cá sống (sashimi) không xa bãi tắm. Dĩ nhiên là cả nhóm
vui mừng đồng ý vì chẳng ai trong chúng tôi là người không khoái khẩu với món
ăn truyền thống, độc đáo này của Nhật bản.
Một sự việc xẩy ra đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên và
cũng khởi đầu cho sự bi đát đến với gia đình Shotaro. Một quán ăn khá bình dân
ở miền quê, vỏn vẹn với 4 cái bàn ăn ngắn chân xếp trên sàn lót chiếu, quán chỉ
có 2 người phụ nữ phục dịch, trong đó một người là một cô gái Đại hàn. Trung
thực mà nhận xét, tất cả nhóm bạn của tôi trừ Shotaro đều thấy cô gái hầu bàn
này chẳng có gì để nói là đẹp, nếu không muốn nói là dưới mức trung bình. Trừ
làn da rất trắng, nhưng cái trắng hơi thô không mịn màng như da của các cô gái
Nhật bản. Khuôn mặt bầu bĩnh lại thêm cặp mắt một mí càng làm cho mặt cô ta có
vẻ tròn hơn. Tuy nhiên phải công nhận cô gái có nụ cười rất duyên dáng, giọng
nói ngọt ngào âm điệu rất nhu hoà pha cái nhí nhảnh dễ thương khiến người nghe
phải cảm mến cô ta.
Ngay khi cả nhóm vừa bước qua ngưỡng cửa quán, cô gái
tiếp đón niềm nở cúi đầu, nói vài câu chiêu khách rất ngọt ngào, lịch sự rồi
dẫn cả chúng tôi đến 2 cái bàn trống. Shataro đưa mắt nhìn cô ta rất lạ lùng,
như bị cuốn hút lạ kỳ bởi cô gái Đại hàn. Suốt bữa ăn, anh là người bắt chuyện
với cô gái nhiều nhất. Chúng tôi cũng cảm thấy kỳ lạ, thỉnh thoảng chúng tôi
lại đùa dỡn vun vào tình thân của họ với những câu chọc ghẹo, giới thiệu tánh
tình gia thế của Shotaro cho cô gái nghe.
Sau bữa ăn, chúng tôi nghĩ chẳng có gì để nói nữa bởi
vì chỉ là chuyện thoáng qua, đùa giỡn bên đường mà thôi. Nhưng bỗng một hôm
Shotaro đến nhà tôi chơi, anh ta không đến một mình mà kéo theo cô gái phục vụ
quán ăn, gốc Đại hàn. Sau một lúc ngạc nhiên và hỏi han, tôi được biết là sau
lần gặp mặt đó Shotaro đã nhiều lần một mình đến quán ăn và cuộc quen biết đã
thăng tiến và họ đã trở thành cặp tình nhân. Gygong tên cô gái, ông nội cô ta
là công nhân nhà máy đến Nhật bản từ thời Nhật chiếm đóng rồi chiến tranh chấm
dứt họ ở lại Nhật. Dù đã ba đời sống và làm việc, hấp thụ văn hoá Nhật nhưng
toàn thể gia đình cô ta vẫn chưa được vào quốc tịch Nhật bản đời sống của gia
đình cô ta vẫn thuộc giới nghèo thấp trong xã hội Nhật.
Cũng từ đó thỉnh thoảng Shotaro vẫn mang Gygong theo
trong những cuộc gặp mặt, đi chơi của chúng tôi, Gygong đã nghiễm nhiên gần gũi
và thành người bạn mới của nhóm. Nhiều lần cô ta cũng đến phòng trọ của tôi nấu
cơm Đại hàn cho chúng tôi thưởng thức. Những cuộc đi chơi xa hay lê la ở những
quán bar, uống rượu trên trung tâm thành phố, Shotaro vẫn mang cô ta đi theo,
họ đúng nghĩa là một cặp tình nhân đang thời khắng khít.
Nhưng một điều rất rõ rệt, mọi người đều biết là cuộc
tình này đã bị toàn thể gia đình Shotaro phản đối. Đặc biệt với ông bố, ông ta
tìm đủ mọi cách ngăn cản chia rẽ Shotaro và Gygong. Ngay cả việc ông đã bỏ công
việc và cùng với vài người bạn có chức vị của địa phương nơi gia đình Gygong
sinh sống, trực tiếp gặp Gygong, dùng lời lẽ nửa khuyên răn, nửa đe doạ yêu cầu
Gygong hãy chấm dứt, đừng mơ tưởng hão huyền mà thương yêu con trai của ông.
Ông chẳng ngại ngần cho biết không bao giờ có chuyện ông chấp nhận cô ta là con
dâu. Nhưng tất cả những cố gắng của bố mẹ và gia đình cũng chẳng thay đổi khác
được, Shotaro vẫn tìm đến với Gygong, anh ta tìm đủ mọi cách hẹn hò, ngay cả
việc học hành cũng bị sao lãng, Shotaro rất thường vắng nhà mà còn dẫn Gygong
đi du lịch nhiều khi 3,4 ngày mà không nói cho gia đình biết. Thấy sự quyết
liệt của Shotaro, bà mẹ và các chị em gái cảm thấy không thể làm khác được nên
họ đã có phần nào cảm thông và che chở cho Shotaro mỗi khi bị ông bố mắng chửi.
Căn nhà trọ của tôi, nó đã dần dần biến thành nơi gặp gỡ, truyền tin giữa bà mẹ
và các em gái của Shotaro với anh ta mỗi khi có gây gỗ với ông bố và anh ta bỏ
nhà ra đi. Tôi cũng chẳng biết làm gì hơn là đóng vai trò trung gian chuyển tin
tức, tiền bạc, vật dụng cho Shotaro và Gygong.
Cuộc tình yêu sóng gió đó vẫn tiếp tục, cường độ gió
bão không có dấu hiệu suy giảm đã khoảng gần một năm đi qua. Shotaro gần như
điên cuồng mỗi khi gặp mẹ hay các em kể lể về những cơn nóng giận, đe dọa của
ông bố. Đã vài lần tôi đã phải tế nhị bỏ đi chỉ vì không muốn nhìn cảnh bà mẹ
đẫm nước mắt, rấm rức ôm lấy con trai năn nỉ hãy chịu nhường nhịn bố tí chút để
trở về với gia đình.
Bất thình lình một hôm, tôi được cô em gái của
Shotaro khóc nức nở điện thoại cho biết Shotaro đã thắt cổ tự vận ngay trong
căn phòng riêng trên lầu, nơi tôi và vài người bạn khác đã quá quen thuộc vì những
bữa cơm ngon lành do bà mẹ và các cô em khoản đãi mỗi khi chúng tôi đến chơi.
Phải nói là cú điện thoại buồn đau, ngỡ ngàng đó đã làm tôi bàng hoàng, mắt tôi
hoa lên, đôi chân của tôi gần như không còn đứng vững, muốn quỵ xuống nền lan
can, nơi có máy điện thoại chung cho cả dẫy nhà trọ.
Tôi và vài người bạn trong nhóm trong đó có cả Tari
người bạn rất thân của tôi và Shotaro, anh ta cũng là sinh viên đến Nhật bản du
học như tôi nhưng là người Thái lan. Đây cũng là người bạn mà tôi không bao giờ
quên, tôi sẽ nói về anh ta trong phần cuối câu truyện này. Chúng tôi đến tham
dự đám táng của Shotaro từ đầu đến cuối, lúc xác được làm lễ bỏ vào quan tài
cho đến khi đem đến một ngôi chùa Thần đạo để hỏa táng. Tôi cùng với vài người
thân và toàn thể gia đình đã được hân hạnh cầm chiếc kẹp mạ bạc gắp những khúc
xương trắng chưa tan thành bột, bỏ vào chiếc hũ bằng sành rồi làm lễ chuyển đến
nơi thờ phượng của gia đình.
Cô em gái của Shotaro cho biết, buổi tối trước khi tự
tử, Shotaro có một cuộc cãi vã rất lớn tiếng với ông bố. Gia đình can ngăn
nhưng cũng chẳng đến đâu, nên mọi người chán nản bỏ đi ngủ. Có lẽ khoảng giữa
đêm, Shotaro đi vào phòng ngủ, mọi người nghĩ rằng chuyện cãi vã đã được tạm
yên. Nhưng sáng hôm sau thấy đã muộn mà con chưa dậy, bà mẹ lên gọi mới biết
rằng Shotaro đã treo cổ lên chiếc xà ngang của căn phòng tự vẫn. Trên bàn chỉ
có một tờ giấy ghi vỏn vẹn vài câu đại ý than trách tánh tình cố chấp, độc tài
và thiếu cảm thông của bố. Kết án bố không biết gì về tình yêu, chỉ khăng khăng
dựa vào lý trí và nhất là mang thành kiến sai lầm thù ghét người Đại hàn để rồi
ngăn cản tình cảm của con. Shotaro không nói gì về mẹ, bà chị và các em trong
lá thư tuyệt mệnh.
Shotaro chết được khoảng một tuần lễ, chúng tôi lại
được một tin buồn từ gia đình người bạn ở thị xã ven biển, nơi mà Shotaro gặp
và yêu Gygong. Gia đình người bạn cho biết Gygong cũng vừa nhẩy xuống biển tự
tử, nơi mà Shotaro vẫn hẹn cô ta ra ra đó để tâm tình. Mấy ngày sau người ta
mới tìm thấy xác Gygong nổi lên, táp vào một làng chài lưới cách đó không xa.
Chúng tôi đã đến quá muộn khi đám táng của Gygong đã hoàn tất, gia đình cô ta
cho chúng tôi biết, trước khi chết vài ngày, Gygong nói với mọi người là trong
một giấc mơ, Shotaro hiện về, hẹn cô ta đến bãi biển nơi mà hai người từng hò
hẹn ngày trước. Rồi Gygong đã y lời đến đó vào ban đêm, khi trở về nhà cô ta
cho gia đình biết đã thực sự gặp lại hồn ma của Shotaro nơi hò hẹn. Mọi người
cũng tưởng rằng Gygong mê sảng mà nói vu vơ, nhưng hôm sau Gygong im lặng bỏ
nhà ra đi, buổi tối vẫn không thấy về, gia đình tưởng cô ta buồn vì cái chết
của Shotaro mà bỏ lên tỉnh thăm viếng bạn bè như trước kia. Nhưng hôm sau lúc
thu dọn phòng, cha mẹ Gygong tìm thấy một lá thư của Gygong nhét dưới khay đựng
tách uống trà. Đại khái xin lỗi gia đình vì quyết định tìm chết của mình, cô ta
cho biết đã gặp gỡ hồn ma của Shotaro trong đêm ra biển vừa qua, hai người đã
hẹn gặp lại nhau trong thế giới bên kia.
Sau cái chết của Shotaro và Gygong tôi và nhóm bạn
gần như bị mất cân bằng vì sự việc xẩy ra quá bàng hoàng, ngoài sức tưởng
tượng. Chúng tôi chẳng còn thích thú gì để ăn nhậu hay rủ nhau đi quán bar, vũ
trường như trước nữa. Tuy vậy căn nhà trọ của tôi vẫn là nơi chúng tôi tụ họp,
nhưng không trong bầu không khí vui nhộn, đầy tiếng cười đùa như ngày trước,
thay vào đó là sự thê lương, buồn bã luôn luôn phủ trùm lấy cả chúng tôi vì
không gian và vật thể kéo trí nhớ chúng tôi về với cuộc tình bi đát của họ. Với
ấm trà xanh, vài chiếc bánh ngọt chúng tôi thường ngồi với nhau, kể lể về những
lần gặp gỡ, vui đùa và nhắc lại lòng tốt, yêu thích bạn bè của cặp tình nhân
khắng khít đa tình nhưng bất hạnh đó mà lòng buồn rười rượi.
Đôi lần tôi cũng gặp gỡ bà mẹ và các cô em của
Shotaro trên đường phố, hay thỉnh thoảng tôi cũng tạt vào thăm họ, thắp vài nén
hương trước bàn thờ chung của gia đình, nơi đó có tấm ảnh của Shotaro lồng
kính, trong lễ hoả táng. Không khí thê lương bao trùm cả căn nhà khá rộng rãi,
sang trọng cùng với những khuôn mặt u buồn, nét đau khổ hiển hiện trong ánh
mắt, trong dáng đi của mọi người trong gia đình của Shotaro. Nhất là bà mẹ, chỉ
vài tuần lễ sau ngày Shotaro chết, bà như bị già đi 10, 15 tuổi. Bước chân của
bà chậm rãi yếu đuối như bị đè nặng bởi tấm thân, làm cho lưng bà bị còng hẳn
xuống. Gặp tôi bà mất hẳn đi nét vui mừng trước kia, nhưng mỗi khi tôi nói lời
từ giã, bà lại nắm lấy tay tôi năn nỉ tôi ở lại với bà thêm chút nữa. Bà đưa
cho tôi xem vài cuốn album chụp con trai của bà, từ lúc ấu thơ đến ngày nó
chỉnh tề trong bộ veston trong chiếc khuôn hình để trước chiếc quan tài sơn đen
đính vào đó những hoa văn mạ vàng! Có lần bà đưa mắt nhìn tôi rất kỹ, như muốn
tìm một cái gì đó trên con người tôi để giúp bà tưởng nhớ về đứa con trai duy
nhất của bà, rồi miệng nói bâng quơ như tự nói cho bà nghe:
- Con ơi, con sẽ chẳng bao giờ trở về với mẹ nữa, đứa
con trai duy nhất, đáng thương của mẹ. Chỉ vì ba của con đã quá khắt khe, quá
cường điệu trong tình cảm để rồi ba con đã không hiểu được tình yêu kiên cường
của con, làm con phải buồn đau, con ra đi để tìm cái ước muốn siêu linh phải
không con, đứa con yêu của mẹ? Nhưng con ơi, mẹ có tội tình gì mà con nỡ bắt mẹ
phải buồn đau vì mất con thế hả, Shotaro?!
Rồi vào ngày lễ 49 ngày, tôi được gia đình Shotaro
mời đến, lần đó tôi gặp ông bố. Nhìn ông, tôi không thể nào tưởng được ông đã
suy xụp đến mức kinh khủng như vậy. Chỉ mới đúng 7 tuần lễ sau ngày Shotaro,
con ông chết, ông khác lạ đến nỗi tôi không thể tin vào nhãn quan của mình. Đôi
xương gò má của ông nổi cao hẳn lên, mầu da mặt tái xanh, thiếu máu, mất đi
hoàn toàn vẻ phương phi,cương nghị của một người cha trí thức rất tự tin trước
đây. Ánh mắt ông lờ đờ như một người mệt mỏi đang ngái ngủ, tôi nhìn thấy rất
rõ sự buồn thảm hoà trộn với lòng ân hận đang dày vò tâm tư ông.
Sau khi vị chủ lễ trong giáo phái thần đạo đã làm
xong những thủ tục cúng lễ, mọi người ngồi quây quần quanh mấy chiếc bàn uống
trà. Ông bố Shotaro đến gần tôi cúi đầu chào rất sâu, nói với tôi vài lời cám
ơn đã là bạn chí thiết của con ông khi sống và là người vẫn nhớ đến nó khi nó
rời xa. Chờ cho tôi cúi đầu trả lễ nói vài câu đáp từ trong khuôn phép của Nhật
bản, ông nắm nhẹ bàn tay tôi, đưa cặp mắt rất buồn đẫm lệ nhìn tôi, ông nói như
than van:
- Bác ân hận quá. Một sự khắt khe đầy ngu ngốc! Bác
đã không thể ngờ được thằng Shotaro nó lại dại dột và liều lĩnh như thế. Nhưng
bây giờ tất cả đã chấm dứt và quá muộn rồi! Đau khổ của bác hôm nay vẫn còn quá
nhẹ so với lỗi lầm mà chính bác đã gây ra!...
Nghe ông nói, đôi mắt tôi cũng nhoà lệ, lòng tôi như
trĩu nặng vì cảm thương nỗi đau buồn, ân hận to lớn đang dằn vặt trong lòng
ông. Đúng như ông nói, tất cả đã muộn màng, cái sai lầm của ông không thể sửa
chữa được nữa. Sự đầy đoạ vì hối hận sẽ kéo dài suốt những năm tháng còn lại
trong đời ông.
Cũng trong lần lễ 49 ngày, tôi được bà chị cả kín đáo
cho biết, rất nhiều đêm, mọi người trong gia đình đều nghe thấy những tiếng
khóc than, cãi vã, to tiếng từ trong phòng của Shotaro vang ra, tiếng vang
giống như tiếng Shotaro từng cãi vã với ông bố trước kia. Tôi nghe bà chị kể,
dù không nói ra nhưng trong lòng tôi nghĩ chỉ là sự tưởng tượng, có lẽ vì quá
buồn đau với cái chết của Shotaro nên mọi người đã bị hoang mang mà tưởng tượng
ra mà thôi.
Sau đó khoảng hơn một năm, tôi lại được cô em của
Shotaro báo tin ông bố bị bệnh nặng phải nghỉ việc làm, đi cấp cứu tại bệnh
vìện tỉnh. Tôi chưa kịp đi thăm vì bận rộn với thi cử thì được tin ông mất!
Cũng chẳng lâu hơn 2 tháng tôi lại ngỡ ngàng nghe tin bà mẹ cũng ra đi! Với
những tin buồn dồn dập, ngoàì sự tưởng tượng đó đã làm tôi và nhóm bạn bàng
hoàng, chưa đầy 6 tháng trời mà 3 người trong gia đình Shotaro đã nối tiếp ra
đi!
Sau ngày bà mẹ của shotaro chết, tôi chẳng có lý do
gì để đến thăm gia đình Shotaro nữa. Rồi qua người bạn, tôi được biết 2 cô em
gái đã cho mướn căn nhà và đã dọn đi chỗ khác. Một lần tôi có dịp đi qua, căn
nhà của Shotaro, nó đã được đổi chủ và đã cải tạo thành một tiệm bán quần áo ở
tầng trệt. Phần sát với mặt đường chính, trên lầu vẫn vậy, không thay đổi, đó
là căn phòng riêng của Shotaro ngày xưa có khung cửa sổ mở vào phía sân vườn
bên cạnh vẫn y nguyên.
Rồi không lâu sau đó tôi tốt nghiệp và rời tỉnh đó
lên
Hai người nhân viên một trai, một gái vẫn còn trẻ
tuổi cho biết, khi mới đến, họ nghe hàng xóm nói căn nhà có ma, nhất là căn
phòng trên lầu, đã có nhiều người lên đó ngủ bị ma dựng dậy, bóp cổ đuổi họ ra
khỏi phòng. Hai nhân viên không tin mà còn mong mỏi được gặp ma một lần xem
sao. Ngay đêm hôm mới vào làm việc, người thanh niên ở lại với ý định ngủ lại
qua đêm, sau khi ra tiệm ăn bữa cơm tối, anh ta xách chậu đi tắm công cộng rồi
trở về nhà trải tấm nệm ngủ (người Nhật bản ngủ trên nền nhà lót chiếu) lên sàn
nhà nằm dỗ giấc ngủ. Khoảng giữa đêm, thấy có bàn tay xương xẩu, móng tay dài
và sắc bấu vai anh ta rất mạnh. Anh ta thức dậy nhìn thấy một con ma đàn ông
mặc quần áo lụng thụng mầu trắng đục đang để tay lên vai anh ta, miệng nhe hàm
răng nhọn như răng chó sói nhìn anh ta cười. Người nhân viên sợ đến run người,
chưa nói được gì thì con ma bỏ bàn tay ra khỏi vai anh ta, cầm lấy cái thảm ngủ
kéo rất mạnh. Chiếc thảm ngủ kéo luôn tấm thân của anh ta ở trên lướt đến đụng
vào cái cột ở góc phòng, đau quá anh ta hét lên, con ma nhìn anh ta cười ra vẻ
chế nhạo rồi biến mất.
Ngày hôm sau anh ta kể cho cô gái đồng nghiệp nghe,
anh ta cũng không quên cho cô ta xem vết sưng trên đầu khi đụng vào cột nhà. Cô
đồng nghiệp không những không tin mà còn chế nhạo anh ta nhát nhúa và tưởng
tượng quá mà sinh ra mộng du. Cô ta còn nói, ngay đêm đó sẽ ngủ lại để chứng
minh lời giải thích của mình. Nhưng ngay buổi trưa, sau khi ăn xong hộp cơm
(bento), cô ta lên trên phòng nằm nghỉ ngơi. Đúng lúc cô ta riu riu, chưa thực
sự đi vào giấc ngủ, con ma hiện ra, cũng áo trắng đục, cũng những ngón tay móng
sắc nhọn, xương xẩu, chẳng nói chẳng rằng, con ma giơ thẳng tay tát cho cô ta
một cái như búa bổ vào mặt. Lúc này thì cô ta tin có ma và quá sợ rồi, miệng
lắp bắp không nói, không la được một câu, nằm gục xuống nền chiếu run như cầy
sấy, con ma giơ tay định tát cho cô ta một cái nữa. Đúng lúc đó người bạn thanh
niên ở dưới nhà nghe thấy tiếng động mạnh, anh ta đoán là có chuyện lộn xộn cho
cô gái trên lầu, bỏ cửa hàng anh ta chạy vội lên lầu miệng vừa la hét vừa hỏi
cô gái. Không biết có phải vì tiếng la hét của anh thanh niên làm cho con ma sợ
hãi mà biến mất hay không? nhưng nhờ đó mà cô gái thoát nạn. Từ đó 2 người nhân
viên không dám bén mảng lên trên lầu, nhất là vào căn phòng lúc ban đêm nữa .
Nghe ông chủ tiệm nói, tôi nhớ lại lời bà chị gái của
Shotaro nói với tôi về tiếng khóc than, tiếng la hét cãi nhau của Shotaro vọng
ra hàng đêm. Tôi cảm thấy ơn ớn, tôi tin rằng trong cái thế giới được cấu tạo
bởi vật chất có trọng lượng này vẫn có cái gì đó bước ra khỏi cái chân lý của
khoa học hữu hình để vào cái mông lung, khó hiểu của thế giới siêu linh, đó là
thế giới của ma quái. Những hiện tượng tôi vừa kể về Shotaro, chỉ là những
chuyện tôi nghe từ người khác kể. Nhưng những sự kiện mà tôi kể sau đây về
ngườì bạn thứ hai của tôi ở Nhật bản, là những hiện tượng chính cá nhân tôi đã
gặp.
***
Người bạn thứ hai, tên là Tari, sinh viên gốc Thái
Lan, du học Nhật bản như tôi, học trên tôi một năm. Qua lời tâm sự tôi biết gia
đình anh ta cũng không khá gỉả lắm, một gia đình theo Phật giáo rất thuần thành
ở
Tari nấu ăn rất giỏi đã thế lại rất thích nấu cho bạn
bè ăn, chính vì thế phòng trọ của tôi khá rộng, có chỗ nấu nướng lại gần đại
học cho nên Tari được rất nhiều dịp để trổ tài cho bạn bè thưởng thức các món
ăn Thái Lan rất cay nhưng lại làm mê mẩn người ăn. Nhất là vào những ngày nghỉ
cuối tuần hay dịp nghỉ hè, nghỉ xuân, gần như ngày nào chúng tôi cũng được Tari
khoản đãi những món ăn độc đáo của quê hương anh ta.
Đại học của tôi có một cái hồ bơi khá lớn. Dù ở miền
nam Nhật bản, khí hậu khá ấm áp nhưng chỉ duy nhất vào mùa hè (khoảng tháng 6
đến tháng 9), nhà trường mới bơm nước vào cho sinh viên vào tắm tư do mà thôi.
Mặc dầu mở cửa tự do cho sinh viên vào tắm nhưng cũng chẳng có mấy người ham
thích, thỉnh thoảng mới có 3, 4 sinh viên đến tắm hay có dịp đùa dỡn với nhau
mà thôi. Lý do rất dễ hiểu, Nhật bản có quá nhiều bờ biển, chỉ cần đi 5,10 phút
xe đạp hay một cuốc xe bus là có thể đến bãi biển rộng rãi lại gần gũi với
thiên nhiên, cần gì vào hồ tắm cho chật chội?!
Phòng trọ của tôi rất gần đại học cho nên nhóm bạn
của chúng tôi nhiều khi đi chơi về khuya hay ăn nhậu nhem nhuốc, không muốn tốn
tiền đi tắm công cộng, chúng tôi chạy vào hồ nhẩy xuống vùng vẫy một hồi cho
sạch sẽ rồi về nhà. Vào mùa hè nóng bức, muốn giải cái nóng bức, chúng tôi cũng
thường rủ nhau vào đó bơi lội đến chiều tối mới về. Thật ra đến đó bơi lội chỉ
là cái cớ mà thôi, mục đích vẫn là khỏi tốn tiền vì tắm công cộng, còn có chỗ
trải khăn trên bờ đá ven hồ nằm phơi nắng và nói chuyện tầm phào với nhau.
Hôm đó, có lẽ vào ngày giữa tuần của tháng 7 mùa hè,
lúc khoảng 6 hay 7 giờ tối, mặt trời vẫn còn rạng rỡ trên lùm cây, tôi thu gom
sách vở, dụng cụ trong phòng thí nghiệm ra về, đang lững thững bước ra khỏi
cổng trường để mắt ngắm nghía những bông hoa dại xen kẽ, len lỏi chui ra từ những
lùm cây bên con đường dẫn về nhà trọ. Thình lình tôi thấy Tari, anh ta cũng có
vẻ nhàn nhã đi ngược lại từ hướng đối diện. Sự việc chẳng có gì lạ lùng, vì tôi
và anh ta gặp nhau rất thường, từ xa tôi đã nở nụ cười thân thiện với anh ta,
nhưng lần này tôi có cảm tưởng Tari hôm nay có cái gì khang khác. Anh ta nhìn
tôi mà đôi mắt như mơ màng, không chú ý, nét mặt như có gì u ám khó hiểu, mất
hẳn đi vẻ vồn vã, vui mừng cố hữu mỗi khi chúng tôi gặp dù ở sân trường hay bất
cứ đâu. Mặc dù có tí lạ lùng với sự khác thường, nhưng cũng chẳng để tâm, từ
xa, tôi cười với anh ta, hất đầu thân thiện hỏi:
- Tari, có gì lạ không? đi đâu vậy, nếu thích đến chỗ
tôi uống cà phê.
Tari nhìn tôi, dáng điệu có vẻ gì khó hiểu, ánh mắt
anh ta rất kỳ lạ, như mơ màng không chú ý đế lời chào hỏi của tôi. Linh cảm cho
tôi biết anh ta đang có gì bất bình thường, không vui nên mất đi vẻ vồn vã
thường nhật mỗi khi gặp tôi. Với tí chút ngạc nhiên nhưng chỉ thoáng qua khi
tôi nghĩ anh ta không vui vì việc gì đó trong trường học hay từ gia đình bên
Thái lan gửi sang. Đưa tay vỗ nhẹ vào vai Tari, tôi an ủi:
- Thôi dẹp chuyện buồn đi, tí nữa nhớ đến phòng tôi
nhe.
Tari nhíu cặp mắt nhìn tôi khó hiểu với một chút im
lặng rồi anh ta nói với tôi gần như không mang theo một tí cảm xúc, âm thanh
không phải buồn chán mà nó có cảm giác lạnh lùng, vô cảm:
- Anh về nhà cất cặp sách đi rồi ra hồ bơi gặp tôi
nhe.
Nói xong anh ta lách sang một bên bước qua mặt tôi
không thèm ngoái lại và đi thẳng. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo anh ta với cảm giác
khó hiểu vì sự lạnh lùng rất khác thường của anh ta, nhưng tôi chợt nghĩ, tự
nói với mình, có gì quan trọng đâu mà tôi phải chú ý đến anh ta quá mức? Rồi
tôi bình thản quay về hướng của mình, thủng thẳng về nhà trọ. Mở cửa bước vào
căn phòng, tôi bỏ chiếc cặp sách vở vào một góc phòng, vươn vai nằm ngửa, dạng
chân ngay trên nền chiếu hướng mắt nhìn lên trần nhà suy nghĩ vẩn vơ. Vẻ lạ
lùng của Tari trở lại trong trí nhớ, cho tôi cảm giác khó hiểu bởi vì chưa bao
giờ tôi thấy Tari có hành động và thái độ kỳ lạ đó với tôi. Với sự thắc mắc về
thái độ khác thường của Tari làm tôi suy nghĩ và muốn ra hồ bơi để gặp và hỏi
cho rõ nguyên nhân. Nghĩ như vậy, tôi thu dọn tí chút cho gọn ghẽ căn phòng rồi
định mở cửa ra khỏi phòng, ngay lúc đó một người bạn khác cũng vừa đến tìm tôi,
tôi cho người bạn biết là Tari đang hẹn và chờ tôi ở hồ bơi. Dĩ nhiên anh bạn
cũng đi theo tôi bởi vì anh ta cũng là bạn trong nhóm và biết rất kỹ về Tari.
Hai chúng tôi đến hồ bơi, một sự kiện làm chúng tôi
không thể tin được, khi nhìn thấy xác Tari đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước
giữa hồ. Tôi không thể nhầm lẫn được dù cái xác mặc quần tắm nhưng rõ ràng là
Tari bập bồng nổi giữa mặt hồ. Tôi và anh bạn sợ quá, luống cuống một hồi, anh
bạn đang định cởi quần áo nhẩy xuống hồ. Nhưng ngay lúc đó hình ảnh gặp Tari kỳ
lạ vừa mới đây, cách nhau chỉ khoảng hơn 30 phút đã làm tôi lạ lùng, khó hiểu,
tôi ngăn người bạn lại và nói với anh ta là với khoảng thời gian ngắn đó, Tari
không có thể về nhà, thay quần áo và cũng không thể đến hồ bơi được. Đã thế tôi
còn thấy anh ta đi về hướng đối diện, rời xa cổng trường, làm sao có chuyện anh
ta trở lại trường nhanh và chết như vậy được. Tất cả thắc mắc hiện lên trong
suy nghĩ của tôi, cuối cùng người bạn Nhật chạy đến cái hộp đìện thoại công
cộng không xa gọi báo tin cho cảnh sát.
Không quá 10 phút sau, đã nghe thấy tiếng bi bo của
xe cảnh sát cùng với xe cứu thương đến vớt xác Tari và chở đến bệnh viện để
khám nghiệm và điều tra. Tôi và anh bạn dù là kẻ báo tin nhưng vẫn bị cảnh sát
rất lịch sự kéo lên xe với lý do cần nhân chứng, nhưng trong mắt họ tràn đầy sự
nghi ngờ chúng tôi liên quan đến cái chết của Tari… Họ chở chúng tôi về trung tâm,
cả đêm hôm đó tôi và anh bạn bị hỏi đi hỏi lại rất kỹ, nhất là khi tôi khai đã
chính mắt nhìn thấy Tari chỉ không hơn 30 phút trước khi thấy Tari chết trong
hồ bơi. Tất cả mọi người cũng đồng ý với tôi có sự vô lý với khoảng thời gian
để Tari về nhà rồi hẹn tôi ra hồ bơi. Cũng chính sự vô lý đó, cảnh sát đã nhìn
tôi với ánh mắt không bình thường, đầy vẻ nghi ngờ. Chúng tôi cũng phải nói với
cảnh sát về tất cả bạn bè, người quen biết có liên hệ đến tôi và Tari. Cuộc
điều tra, hỏi han chúng tôi kéo dài cho mãi gần sáng chúng tôi mới được thả về,
bụng đói meo vì chưa ai ăn cơm tối.
Gần trưa hôm sau, khi tôi đang lờ đờ làm việc ở phòng
thí nghiệm thì 2 người cảnh sát đến, họ kéo tôi đến một phòng riêng biệt. Họ
cho tôi biết xác Tari đã được khám nghiệm, kết quả cho biết anh ta đã chết từ
tối hôm kia nghĩa là trước một ngày lúc tôi và người bạn tìm thấy anh ta nổi
lên trong hồ bơi. Họ lại xoắn vào hỏi tôi có chắc chắn tôi đã gặp anh ta trên
đường đi hay không, họ yêu cầu tôi mô tả rất kỹ dáng điệu, hình dạng của Tari,
người tôi đã gặp trên đường về nhà. Họ không tin tôi đã gặp Tari mà gặp một
người nào khác rồi vì mệt mỏi sau giờ làm việc cho nên tôi đã nhìn gà hoá quốc!
Khổ thật! Tôi nói với họ tất cả và rất chính xác, tôi
cho họ biết dù trong bóng tối tôi cũng nhận rõ Tari được vì tôi đã gặp anh ta,
thân cận anh ta nhiều năm rồi, không có chuyện tôi lầm lẫn. Hai người cảnh sát
im lặng nghe, lúc chia tay họ còn cười chế nhạo tôi bằng câu đùa giỡn:
- Không lẽ ông nhìn thấy ma? Xin ông cố gắng nhớ lại
rất kỹ, bất cứ khi nào nhớ thêm được điều gì mới, xin báo cho chúng tôi biết.
Tôi cũng chẳng cần đính chính với họ thêm nữa bởi vì
với họ đúng là chuyện hoang đường, nếu tôi cố nói với họ, có lẽ tôi sẽ biến
thành một tên u mê, nhiều tưởng tượng. Ngay như người bạn đi với tôi ra hồ bơi
thấy xác Tari, anh ta cũng có tí nghi ngờ về sự chính xác của nhãn quan của
tôi, anh ta không nói ra, sợ làm buồn tôi đó mà thôi. Dù vậy nhưng trong lòng
tôi đã dấy lên sự sợ hãi, có cái gì đó mù mờ của ma quái, bóng tối ban đêm đã
làm cho tôi có cảm giác ghê ghê khi phải đi ra ngoài một mình. Tôi chợt nhớ
Tari theo Phật giáo như tôi, sự cúng bái vẫn là điều mà cha mẹ tôi vẫn làm mỗi
khi có giỗ kỵ. Nghĩ như vậy nên ngay hôm sau, thứ bẩy tôi lấy xe bus đến một
tiệm tạp hoá của người Tầu trong tỉnh, mua một bó hương vài xấp giấy tiền âm
phủ cùng vài thứ lỉnh kỉnh như bố mẹ tôi thường làm trong những lần cúng vái.
Ngay buổi chiều hôm đó, tôi rủ thêm 2 người bạn Nhật
bản cùng với tôi đến hồ bơi. với một đĩa ngũ quả, vài chiếc bánh đậu xanh cùng
với bó giấy tiền, một cây nến. Tôi đốt tất cả bó hương, đem cắm khắp mọi nơi
quanh hồ bơi rồi kính cẩn quỳ lạy, miệng lẩm bẩm lời cám ơn Tari về tình thân
thương, chân thành của người bạn mà anh đã dành cho tôi lúc còn sống, chân
thành chúc linh hồn anh sớm siêu thoát về cõi yên bình thanh thản. Hai người
bạn Nhật họ im lặng nhìn tôi, tôn trọng sự thành kính của tôi trong lúc quỳ lạy
khấn vái. Sau cùng họ cũng kính cẩn chắp tay vái theo tôi vài cái. Chờ cho
những cây hương đã tàn, chúng tôi đem giấy tiền ra đốt sau đó ngồi ăn trái cây,
nói chuyện khá lâu chung quanh cái chết kỳ lạ của Tari trước khi ra về.
Chiều tối hôm sau, chủ nhật. Tôi đang ngồi buồn bã
trong căn phòng trọ, đưa mắt bâng quơ nhìn qua khung cửa sổ theo dõi vài con
chim sẻ chuyền nhẩy trên mái nhà bên cạnh. Tôi nhớ đến Tari, đến những người
bạn thân thiết trong đời tôi đã ra đi vĩnh viễn. Mỗi người họ đến với tôi trong
một hoàn cảnh khác nhau, rồi bị một đưa đẩy nào đó, họ vĩnh viễn xa rời để lại
trong ký ức buồn bã của tôi những hoài niệm về họ. Trong nỗi buồn nhớ thương
bạn bè đó, tôi cũng chẳng thèm bật đèn dù bên ngoài trời đang mưa và tối đen
như mực. Vài tiếng gõ cửa đã kéo tôi ra khỏi nỗi suy tư không vui đó. Hai người
bạn Nhật bản hôm qua, họ hiện ra với một tí lạ lùng vì thấy tôi đang thờ thẫn
ngồi trong bóng đêm, chỉ vài phút sau họ đã nhìn thấy nỗi buồn đang tràn lan
trên khuôn mặt của tôi. Khi biết tôi chưa ăn cơm tối, họ rủ tôi lên phố đến một
nhà hàng đặc sản mà nhóm bạn chúng tôi vẫn thường làm nơi tổ chức sinh nhật của
mọi người trong nhóm.
Chúng tôi vào quán ăn, dĩ nhiên được tiếp đón rất ân
cần của người chủ nhà hàng quen biết. Sau khi sai người phục vụ đem món ăn cho
chúng tôi, lại gặp lúc quán thưa khách, người chủ quán đem lon bia ghé ngồi
xuống cùng trò chuyện với chúng tôi. Sau một lúc đề cập về vài vụ lộn xộn chính
trị trong quốc hội đang làm ồn ào trên báo chí. Người chủ quán, thình lình nhớ
ra chuyện gì, ông vỗ nhẹ lên vai một người bạn của tôi và hỏi:
- Các ông còn nhớ thằng Tari người Thái lan không? Mới
tối hôm qua nó đến đây ăn uống khướt mướt đến khuya mới chịu về.
Cả ba chúng tôi ngẩn ngơ, nhìn vẻ bình thản, tự nhiên
của ông ta, chúng tôi không một ai lại nghĩ ông ta đang đùa giỡn. Đưa mắt nhìn
nhau, chúng tôi chưa kịp nói gì thì ông ta tiếp:
- Kỳ lắm! Lúc hắn về được một lúc thì đến giờ tiệm
đóng cửa. Một lạ lùng mà chính tôi cũng không biết là thật hay giả. Lúc kiểm
điểm lại tiền trong hộp, tôi thấy mấy tờ giấy bổi mầu đỏ, hình vẽ loằn ngoằn
như lá bùa vậy, chưa bao giờ tôi nhìn thấy và tại sao nó lại có trong hộp thu
tiền của tôi.
Nói xong ông ta đứng dậy với tay lên cái kệ trên góc
nhà, đưa cho chúng tôi vài tờ giấy bổi mầu đỏ có những hình vẽ, y hệt như ông
ta đã mô tả. Nó cũng đúng là những tờ giấy tiền âm phủ mà tôi đã mua ở tiệm tạp
hoá của người Tầu vào buổi gần trưa ngày hôm qua, cũng ngay buổi chiều hôm qua,
tôi và 2 người bạn đã đến cúng vái ở hồ bơi nhưng tất cả những tờ giấy tiền âm
phủ đó đã được đốt không một tờ nào sai sót, Tari cũng đã chết được 4 ngày. Tất
cả là hoang đường sao? Nhưng sự thật rành rành ra trước mắt không những của
chính tôi mà còn của 2 người bạn Nhật nữa.
Hai người bạn Nhật giương mắt nhìn tôi rồi lại nhìn
vào mấy tờ tiền âm phủ, họ ngẩn ngơ không nói được câu nào và hình như thân
mình họ cũng hơi run run vì sợ hãi. Còn tôi thì cũng chẳng khá gì hơn, chẳng
còn nghi ngờ gì nữa, một sự thật quá hiển nhiên, Tari đã hiện về gặp tôi trên
đường đi, mách bảo tôi đến hồ bơi để tìm thấy xác của anh ta và cũng chính Tari
đã hiện về đến quán này ăn uống no say rồi dùng tiền âm phủ mà tôi và 2 người
bạn Nhật bản đã cúng và đốt cho anh để trả tiền ăn nhậu cho người chủ quán .
Cuối cùng lấy lại được bình thản, tôi kể cho ông chủ
quán nghe rất kỹ về cái chết của Tari và những sự kiện ma quái đã xẩy ra vừa
qua. Ông chủ quán nghe tôi kể xong, cũng phát run lên vì sợ.
Khoảng hơn một tuần lễ sau, cơ quan điều tra cho biết
Tari đã bị vọp bẻ khi bơi ở hồ nước mà chết đuối, không gì mù mờ hay liên quan
đến tự vẫn cả, dĩ nhiên sự vô can của tôi cũng được xác nhận. Rồi sau đó khoảng
một tuần lễ bố mẹ và vợ chồng người em của Tari sang Nhật, họ cho biết sẽ nhờ
chùa Phật giáo ở Nhật lo việc ma chay rồi hoả thiêu ở Nhật. Vì phong tục hay vì
niềm tin nào đó họ cho biết hũ tro cốt của Tari sẽ để ở chùa Nhật đủ 3 năm, sau
đó họ mới làm lễ gửi về Tháilan.
Sau đó hơn 3 tháng trời, chẳng có gì xẩy ra, cuộc
sống và học của tôi đã trở lại bình thường. Cái chết của Tari hình như cũng bị
lãng quên hay ít nhất nhóm bạn chúng tôi cũng chẳng còn ai nhắc tới chuyện buồn
bã đó nữa. Một hôm, người bạn có gia đình sống ở thị xã nhỏ ven biển, nơi mà
Shotaro đã thường lái xe chở chúng tôi đến đó tắm biển, ăn uống vào những ngày
hè nóng bức. Cũng chính là nơi Shotaro quen và yêu Gygong cô gái Đại hàn, cuộc
tình lãng mạn, sâu đắm nhưng chứa đầy bi thương đó đã mở đầu cho bao nhiêu bi
đát dồn dập đổ đến cho gia đình Shotaro. Người bạn đó đã có nhã ý mời chúng tôi
đến tham dự lễ cưới của người em trai, tổ chức vào ngày chủ nhật. Dù một người
bạn có xe autô, nhưng chúng tôi quyết định đi xe bus vì biết chắc chắn việc
uống rượu phải có nếu mang autô theo rất phiền phức với luật pháp mà lại còn bị
mất vui nữa.
Đúng như vậy, đám cưới khởi đầu từ buổi trưa, kéo đến
khoảng 9 giờ tối mới xong. Chúng tôi từ giả gia đình người bạn rồi thủng thẳng
đi ra đường liên tỉnh chờ xe bus để trở về lại thành phố. Trong lúc đang đứng
chờ xe, bất thình lình có một chiếc xe microbus tư nhân chạy chầm chậm rồi dừng
xe ngay trước mặt chúng tôi. Trên xe có 3 người, một thanh niên cầm lái, ngồi
bên cạnh là một cô gái. Một thanh niên khác ngồi trên chiếc ghế dài ở phía sau.
Xe vừa dừng lại, người thanh niên ở phiá sau, kéo cánh cửa bên hông ra. Nhìn
chúng tôi rất thân thiện, có vẻ quen thuộc, anh ta nói:
- Chào tất cả mọi người.
Chẳng cần nhìn vẻ lạ lùng của chúng tôi, anh ta vui vẻ
nói tiếp:
- Lên xe đi. Các anh quên chúng tôi rồi sao?
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, nghĩ rằng đây chắc là
bạn của ai đó trong nhóm, nhưng tất cả đều ngơ ngác đưa mắt cho nhau như dò
hỏi. Người thanh niên, vẫn cười thân thiện, anh ta nói tiếp:
- Không phài là Viên san đó sao? (San, trong tiếng
Nhật có nghĩa như tiếng Mr của Anh ngữ)
Rồi anh ta nói ra tất cả tên từng người của chúng tôi
một cách rất thân thìện, không những thế anh ta còn nói đến những đặc điểm của
từng người nữa. Chẳng hạn với tôi anh nói tên khu nhà tôi ở, là sinh viên VN
đến đây du học đã nhiều năm…Sau vài câu trao đổi sơ sài, thấy chúng tôi còn
thắc mắc anh ta giải thích:
- Chúng tôi là người cùng học đại học với các anh,
nhưng vì khác phân khoa nên các anh không quen biết đó mà thôi.
Với câu nói đó. chúng tôi chẳng có lý do gì để không
lên xe anh ta cả. Vào trong xe cả ba người bọn họ nói chuyện rất cởi mở thân
tình với với chúng tôi. Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là cả ba người hình
như biết rất rõ về chúng tôi, từ chỗ ở, đến ngành học và đôi khi họ còn nói đến
cá tánh từng người của chúng tôi nữa. Trong khi đó chúng tôi hoàn toàn mù tịt
về họ. Rồi xe vào thành phố, họ hỏi chúng tôi muốn đi đâu, họ sẽ chở đến tận
nơi. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau ra vẻ ngại ngần không muốn làm phiền họ quá
nhiều, chỉ nhờ họ chở cả nhóm đến nhà tôi. Chúng tôi chưa kịp nói rõ đường đi
cho họ, thì người lái xe đã mỉm cười quay lại đằng sau nói với chúng tôi:
- Nhà Viên san, tôi biết rất rõ, ở gần cổng đại học
phải không? Được rồi tôi sẽ chở các anh đến đó.
Phải nói không riêng gì tôi mà những người bạn của
tôi cũng ngạc nhiên vì tại sao họ biết rất rõ về chỗ ở của tôi như vậy?! Chiếc
xe chạy bon bon, không một tí gì lạ lùng đường xá, họ chạy đến nhà trọ của tôi
rất trơn tru, thành thạo như đến chính nhà của họ vậy. Chiếc xe chạy chầm chậm
dừng sát vào hàng hiên căn nhà trọ. Chúng tôi tự mở cửa xe, mỗi người chúng tôi
trước khi bước xuống xe vừa nói lời cám ơn vừa vỗ vào vào vai hay tay của hai
người thanh niên, tỏ ra cảm động với thân tình của họ. Khi cả bọn đã bước xuống
khỏi xe, chiếc cửa bên hông chưa đóng. Chúng tôi đều đưa mắt nhìn vào ba người
trên xe để từ giã họ thêm lần nữa trước khi chiếc xe chuyển bánh. Nhưng ngay
lúc đó, tất cả chúng tôi đều rợn da gà, chết xững, một tia điện rất lạnh chạy suốt
xương sống đến đôi chân, toàn thân chúng tôi run lên vì sợ hãi đổ ập lên chúng
tôi!
Trên xe, 2 người ngồi phía trước họ quay lại nhìn
chúng tôi mỉm cười, họ chính là Shotaro người lái xe, khuôn mặt anh ta xanh
mướt, hơi sưng to, đúng là khuôn mặt của người bị chết vì thắt cổ. Bên cạnh
không ai khác là Gygong, người thiếu nữ Đại hàn, người yêu tuyệt vời muôn thuở
của Shotaro, làn da cô ta trắng đục, mái tóc ướt lẹp nhẹp lòa xòa che phủ lấy
khuôn mặt tròn bầu bĩnh, Gygong đang hiện diện một người bị chết trôi! Còn
người ngồi phiá sau, người ngồi sát bên chúng tôi trong suốt cuốc xe, làm sao
chúng tôi quên được nước da ngăm ngăm đen, bụng xình to, mái tóc ngắn lưa thưa
không đủ dài để xõa xuống cái trán hơi thấp, quần áo ướt xũng như một người vừa
chui lên từ hồ nước lên, đúng là Tari, Tari người bạn mới chết đuối trong hồ
bơi của đại học hơn 3 tháng trước cũng là người đã làm tôi bực mình, khốn khổ
với cơ quan điều tra về cái chết của anh ta. Trong khi chúng tôi sợ đến nỗi
muốn xỉu, đứng không vững thì ba hồn ma nhìn chúng tôi tiếp tục mỉm cười trong
khi chiếc xe từ từ lăn bánh dù cửa kéo bên hông xe vẫn chưa đóng lại.
Chuyện hồn ma của 3 người bạn hiện hình trêu chọc
chúng tôi đã được khá nhiều sinh viên và dân cư chung quanh nhà trọ của tôi nói
đến. Nhưng hình như mọi người vẫn có tí nghi ngờ, có người nói chúng tôi cố ý
thêu dệt chuyện ma quái cho vui. Nhưng suy nghĩ kỹ, sự nghi ngờ của họ cũng có
lý mà thôi, vì sau đó khá lâu mà mọi chuyện lại im rơ, bình thản chẳng thấy dấu
vết gì của ma quái như chúng tôi kể với họ cả.
Căn nhà trọ của tôi khá xa trạm xe bus. Từ trạm xe
đến nhà trọ cũng khoảng 1 cây số, phải đi qua những con đường nhỏ, dù hai bên
đuờng nhà cửa san sát nhau, nhưng là những căn nhà không hoạt động thương mại
nên khu vực cũng khá vắng vẻ, yên tĩnh. Nhất là về ban đêm khu vực rất im ắng,
lâu lâu mới một vài người hay vài chiếc xe đi qua. Một hôm tôi có việc đi xa,
nên về nhà rất khuya. Đang lầm lũi đi trên những đoạn đường vắng lặng hướng về
nhà trọ, không hiểu sao, tôi có linh cảm như thoáng nghe tiếng chân hay thoáng
nhìn thấy bóng của ai đang đi theo tôi, khi tôi đi chậm lại hay để ý lắng tai
nghe, tôi có cảm tưởng người đi đằng sau tôi họ cũng biết và họ cũng dừng lại!
Đã mấy lần tôi cố ý bất chợt quay nhanh lại phía sau, nhưng cũng chỉ là bóng
tối, cái bóng tối không bình thường, nó đang có vẻ che dấu cái gì đó làm cho
tôi có cảm giác sờ sợ. Cuối cùng tôi cũng về đến gần nhà trọ, cảm thấy yên lòng
hơn nên tôi mạnh bạo đứng hẳn lại, quay nhìn rất kỹ về phía sau, trong bóng
tối, hình như tôi thoáng nhìn thấy một bóng trắng lung linh thập thò từ góc
đường xa xa. Tôi để mắt nhìn rất kỹ, nhưng cũng chẳng có gì ngoài ánh đèn loe
loét của đèn đường, yên tâm, tôi nghĩ rằng đó chỉ là sự lay động của tàng cây
dưới ánh đèn đường mù mờ đã làm cho tôi ngộ nhận mà thôi.
Yên lòng tôi leo lên cầu thang mở cửa vào căn phòng
trọ, bỏ chiếc cặp lên cái bàn thấp chân ở góc phòng, sau khi đánh răng rửa mặt,
thay quần áo xong. Tôi sửa soạn kéo chiếc đệm ngủ ra, trải trên nền chiếu,
thình lình có vài tiếng gõ cửa rất nhẹ. Dù rất nhẹ nhưng tôi cũng cảm nhận được
rất rõ âm thanh từ cánh cửa của chính phòng mình vọng vào. Chắc lại một ai đó,
cùng sống trong dẫy nhà trọ thiếu thốn cái gì cần thiết hay có vấn đề gì khó
khăn nên làm phiền mình đây ? với chút bực bội, không vui tôi không mở cửa, cất
tiếng hỏi:
- Ai đấy?
Tiếng gõ cửa im lại tí chút, như biết tôi không mở
cửa, tiếng gõ lại tiếp tục nhưng to hơn, chẳng cần dấu sự bực mình, tôi gắt lên
to hơn:
- Về đi, đêm khuya rồi, xin đừng làm phiền tôi nữa!
Nói xong tôi nghĩ là quá đủ để kẻ làm phiền mình
thông hiểu và chấm dứt, nhưng ngược lại, tiếng gõ cửa như muốn trêu tức tôi, nó
mạnh hơn, dồn dập hơn. Đã đến lúc tôi không còn lịch sự được, tôi bực bội đứng
dậy bước ra gần cánh cửa phòng, đưa tay vặn chiếc móc cửa nhưng chỉ hé mở, đủ
để nhìn xem ai là kẻ đáng ghét làm phiền mình giữ đêm khuya và cũng sẵn sàng
đóng ập cửa khi cần thiết. Nhưng bên ngoài cánh cửa, hoàn toàn im lặng và trống
trơn, ngạc nhiên rồi với tí lưỡng lự, tôi mở to cánh cửa, ngoái đầu ra bên
ngoài. Chẳng có gì dưới ánh đèn khá sáng của dẫy hành lang, bóng đêm vẫn tịch
mịch, chẳng có ai hay dấu vết gì chứng tỏ là có người vừa làm phiền hay chọc
phá tôi. Bực bội tôi đóng cánh cửa rồi quay vào.
Ngay lúc đó, mặt tôi tái xanh, khắp thân mình nổi gai
ốc kèm theo cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo xương sống, đôi chân tôi lập cập
làm cho tôi không đứng vững, phải ngồi bệt xuống nền nhà. Trước mắt tôi, ngồi
ngay giữa căn phòng, chỗ mà tôi còn để vương vãi chiếc đệm ngủ, Tari đang ngồi,
hướng đôi mắt buồn buồn nhưng có gì xoi mói đang nhìn tôi. Sợ hãi bao phủ lấy
tôi, làm cho tôi chỉ giương mắt nhìn anh ta, không nói gì, thật ra dù có muốn
nói nhưng chiếc lưỡi và hàm răng đã cứng đơ, chúng không còn làm theo ý muốn
của tôi nữa. Hình như nhìn thấy nỗi sợ hãi của tôi, hồn ma Tari nói trong vô
cảm :
- Tôi đến nhờ anh gíúp tôi một việc đây, tại sao anh
sợ tôi đến thế?
Có lẽ lời nói của hồn ma đã giúp tôi tí chút bình
tĩnh, tôi cố gắng phát âm:
- Ta...Ta... ri...Tari, sao... sao anh cứ... cứ...
theo về... về gây... gây rắc.. rắc rối... rối... cho tôi... tôi... mãi...
thế... ?
Tôi muốn nói nhiều hơn, nói đến tình thân lâu dài và
chân thành của tôi và anh ta vừa qua, không lẽ anh ta vô tình đến nỗi muốn tìm
tôi gây phiền nhiễu nữa hay sao? Nhưng làm sao tôi có thể nói được khi thân thể
tôi vẫn còn run và chiếc lưỡi vẫn cứng đơ, chưa muốn làm theo ý muốn của tôi!
Hồn ma lắc nhẹ đầu có vẻ như muốn từ chối lời trách
cứ của tôi, rồi chẳng cần chú ý đến cảm giác sợ hãi của tôi hồn ma nói tiếp:
- Tôi hiện về đây, nhờ anh liên hệ với gia đình tôi
hãy mau chóng đem hũ tro cốt của tôi về Thái lan, tôi không muốn làm con ma vất
vưởng nơi xứ người xa xôi buồn tẻ này nữa. Xin anh hãy vì tình thân của chúng
ta mà cố gắng giúp tôi càng mau càng tốt.
Nói xong, hồn ma như cảm nhận ý của mình đã được tôi
đã thông hiểu, hồn ma hơi lắc nhẹ, mù mờ như làn mây rồi dần dần biến mất. Tôi
cũng dần dần trở lại bình tĩnh nhưng vẫn ngồi im lặng trên sàn nhà đưa ánh mắt
bâng qươ vẫn chưa hết bàng hoàng hướng về chỗ ngồi của hồn ma với một tâm trạng
buồn vui khó tả.
Rồi mấy ngày sau khi đã lấy lại được cân bằng, nhìn
lại chính mình với nỗi buồn xa xứ, với biết bao nhiêu thiếu thốn của quê hương,
chỉ nơi đó mình mới tìm thấy ánh mắt thân cận của đồng bào, món ăn quen thuộc
và cũng chỉ nơi đó chất chứa những hoài niệm cuộc đời từ trẻ thơ cho đến lúc
trưởng thành. Từ cái cảm giác đó, tôi đã nhìn thấy rất rõ nỗi buồn của hồn ma
Tari và hiểu rằng dù người ta chết đi vẫn cần có những ước mơ, những kỷ niệm…
mang theo. Hôm sau tôi đến văn phòng đại học hỏi số điện thoại của gia đình
Tari, nhờ một gia đình Thái lan định cư ở Nhật nhờ họ điện thoại trực tiếp với
gia đình Tari, kể cho họ nghe rất kỹ về Tari và những chuyện xẩy ra sau khi anh
ta bị tai nạn ở hồ bơi mà chết. Rồi tôi nhờ họ dùng ngôn ngữ quê hương của
chính họ nói rất rõ với gia đình Tari vể ước muốn của anh ta muốn được trở về
Thailan, quê hương của anh càng sớm càng tốt.
Chẳng lâu sau đó tôi đã được gia đình Tari đến thăm,
họ cám ơn tôi về những gì tôi đã làm cho thân nhân họ cũng như tình bạn sâu đậm
giữa tôi và Tari. Cũng từ đó và có lẽ mãi mãi về sau tôi và nhóm bạn chẳng có
dịp để gặp lại hồn ma của Tari nữa. Chúng tôi đoán rằng linh hồn Tari đã được
mang về quê hương của anh ta, nơi đó anh đang được yên bình, nơi mà anh sinh ra
và mang đầy kỷ niệm.
Lưu An Vũ ngọc Ruẩn
(
(Theo lời kể của GĐ người bạn và chứng
nghiệm của chính mình)
No comments:
Post a Comment