Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Wednesday, October 10, 2018

Tha thứ



Tha thứ

Khai Tâm

Một thiền sinh hỏi: «Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?»

Vị sư phụ đáp: «Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.»
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: «Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!»

Sư phụ đáp: «Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.»
Người đệ tử gãi đầu: «Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm»

Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.

Sư phụ gật gù bảo: «Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.»
Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: «Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!»

Sư phụ cười: «Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.»

Lời bình:
Đôi khi trong cuộc sống có rất nhiều chuyện khi nghĩ kỹ và suy xét đến tận cùng ta mới chợt nhận ra sao mình ngớ ngẩn thế, mình cũng rãnh thiệt…
Như câu chuyện ở trên cũng thế, ban đầu cậu học trò rất tự hào, hãnh diện luôn khoe với sư phụ là mình đã vượt qua rất nhiều gian nan và thử thách khi cố gắng xử lý thật tốt các tình huống mà sư phụ đặt ra cho mình.
Lần thứ nhất: Tại sao sư phụ phải kêu cậu ta tha thứ, bởi khi bạn không muốn phiền não hay giận hờn một ai đó thì điều đầu tiên là nên tránh mặt họ hay mang hình bóng họ ra khỏi cuộc đời của mình. Như khi bạn muốn cho nước ngưng sôi thì phải rút bỏ những cây và than trong lò ra. Nếu bạn vẫn giữ khư khư các thanh củi trong lò thì sự ước mong nước ngừng sôi là điều không thể. Đây cũng là cách giúp bạn buông xuống bớt những nỗi khổ niềm đau mà bấy lâu nay đã và đang dày vò và dằn xé tâm hồn mình.
Lần thứ hai: Tại sao sư phụ kêu cậu phải «Mở lòng yêu thương họ?» Bởi đây là cách duy nhất giúp bạn làm mới lại tâm hồn mình và người. Khi mở lòng yêu thương ai đó là bạn đã và đang tưới tẩm những dòng nước mát lên các que than lửa kia, nếu không bạn và người luôn bị ảnh hưởng bởi sức nóng của nó, muốn thương được thì bạn phải tập lắng nghe thật sâu bạn mới có thể hiểu và thương người ấy được.
Lần thứ ba: Lần này thật không dễ tí nào, chẳng những tha thứ và thương yêu mà bây giờ còn phải «ghi ơn họ», vì nhờ có họ bạn mới biết khi tha thứ xong lòng mình thấy nhẹ như thế nào, nhờ có họ mà bạn biết làm mới và hiểu thêm những người bên cạnh mình. Nhờ có họ bạn mới tìm lại được cảm giác thương yêu là như thế nào…. Như vậy sư phụ dạy phải «ghi ơn họ» là điều đương nhiên rồi.
Lần thứ tư: Khi cậu học trò thưa «Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ». Cậu học trò liền bị nhận thêm một gáo nước lạnh sửng người bởi câu sư phụ nói: «Vậy con hãy về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì đâu mà con phải tha thứ?»
Mới nghe qua chắc hẳn tôi và bạn cũng cảm thấy «sốc» vì cách ứng xử như vậy. Nhưng nếu ta chịu khó suy gẫm lại từng tình huống, thì tôi tin rằng bạn sẽ có một đáp án cho chính mình và cộng thêm một nụ cười thật dễ thương…hi.hi.
Khi tha thứ cho người, có thật sự bạn đang ban ơn cho họ hay là tự cứu lấy chính mình.
Khai Tâm

No comments:

Post a Comment