Bốn
Cái Ngu
Dong Trinh
Tác giả tên thật là Trịnh Thị Đông, hiện là
cư dân Arkansas .
Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải
Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh
Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của
tác giả.
***
Ở đời có bốn cái ngu
Tôi đây ngu hết hai rồi, trời ơi!
Những năm mới qua Mỹ, chúng tôi thỉnh
thoảng hay gởi tiền về cho thân nhân đang kẹt lại bên Việt Nam .
Lúc đó, bên Mỹ có rất nhiều dịch vụ
chuyển tiền. Tôi ở thành phố nhỏ , mỗi lần cần gởi về cho người thân thì hay hỏi
thăm mấy người quen biết ở California
chỉ giùm, nơi nào có uy tín, chuyển nhanh và huê hồng rẻ.
Tình cờ, một hôm tôi nói chuyện với
Kim, cô bạn thân sát nhà ở Bình Dương.
Kim cho biết có quen cô Xuân làm dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam , rất đáng
tin tưởng, chí cần gọi cho biết số tiền muốn gởi cho ai, ở đâu. Trong vòng một
tuần sau mình sẽ nhận được hồi báo với đúng chữ viết của thân nhân bên nhà, khi
đó mình mới gởi tiền trả lại cho chị Xuân. Thế là từ đó, tôi trở thành thân chủ
của chị Xuân.
Đâu được một năm sau, tôi có một
người quen ở cùng thành phố. Liên, tên cô bạn tôi và Phương, chồng của Liên mở
một tiệm bán hàng kỷ niệm, sách báo. Liên nhờ tôi giới thiệu với chị Xuân bên California để Liên làm đại
lý ở đây. Thương Liên con đông tôi không ngần ngại gọi chị Xuân nói chuyện. Thấy
hơn một năm qua tôi rất đàng hoàng với chị về tiền bạc, chị chấp thuận ngay đề
nghị của Liên.
Tiệm của vợ chồng Liên cũng khá
đông khách hàng. Nay lại thêm chuyển tiền và bán thẻ điện thoại do chị Xuân
cung cấp, nên mức thu nhập có phần khấm
khá hơn. Thấy vợ chồng Liên làm ăn trôi chảy, thuận lợi, tôi cũng mừng cho họ.
Ít lâu sau, Liên đi làm hãng để mua bảo hiếm sức khỏe cho gia đình.
Rồi đột nhiên, một thời gian ngắn
sau đó, Phương đóng cửa tiệm với lý do buôn bán ế ẩm. Tôi nghe nhưng cũng không
để ý lắm vì tôi cũng rất bận rộn với gia đình.
Một hôm, tôi vừa đi chợ về thì có
tiếng điện thoại reng. Từ bên kia đầu dây, giọng nói quen thuộc của chị Xuân:
- Alo, chị An hả?
- Dạ, chị khoẻ không? Lâu quá,
không nói chuyện với chị vì người nhà tôi đã qua Mỹ hết, nên không còn phải gởi
tiền về bên đó nữa!
- Dạ vậy xin chúc mừng chị nha!
Rồi chị ngập ngừng trong giây lát
như có điều chị khó nói. Tôi hỏi thăm qua loa chị vài câu, định chào chị thì
nghe tiếng chị khóc. Tôi ngạc nhiên quá, mình đã nói gì sơ sót để chị khóc?
Chị nghẹn ngào kể cho tôi nghe:
- Chị An biết không, tôi tin tưởng
chị nên cho chú Phương hợp tác làm ăn. Mấy tháng đầu chú rất đàng hoàng, rồi
sau đó chú bắt đầu thiếu tôi, một ngàn, hai ngàn và cho đến giờ, tổng cộng số
tiền là mười sáu ngàn rồi. Tôi gọi thì chú cứ hẹn lần, hẹn mòn nói khách hàng
thiếu nên chú mới thiếu lại tôi. Tôi nghe vậy cũng tin chú. Hổm rày, tôi kêu
hoài mà không được, điện thoại đã bị cắt rồi, chị làm ơn nói với chú Phương
thanh toán số tiền đó cho tôi đi, ông xã tôi cằn nhằn tôi quá trời, ổng nói hỏng
quen biết gì mà dám cho người ta thiếu rồi biết đi đâu mà đòi đây?
Nghe qua, tôi điếng hồn luôn! Thời đó, vàng y chỉ năm sáu trăm
dollars một lượng, mười sáu ngàn không phải là số tiền nhỏ. Tôi không biết phải
nói sao với chị, chỉ khuyên chị bình tĩnh, để tôi liên lạc với Liên, hỏi rõ sự
tình và nói họ phải trả tiền lại cho chị. Chiều Liên đi làm về, tôi gọi hỏi,
Liên trả lời tỉnh queo:
- Chuyện đó của ông Phương, con
đâu có biết. Lâu nay con đi làm, không dính dáng gì tới tiệm nữa, cô hỏi ổng
đi!
Trời đất quỷ thần ơi, ngó xuống mà
nghe nè! Hồi cần thì cô vợ ngọt ngào nhờ tôi, giờ lại nói giọng ngang như cua.
Tôi tức cành hông nhưng đành ngậm bồ hòn mà chịu chứ biết nói gì đây!
Hôm sau, tôi gọi cell phone của
Phương để nói chuyện.
Không như Liên, Phương nhỏ nhẹ nói
với tôi:
- Cô làm ơn nói với chị Xuân cho
con khất một thời gian. Tại con làm ăn thua lổ nên mới ra nông nổi, chứ con đâu muốn để cô mang tiếng!
Cục đường phèn này nhét vô họng mà
tôi nghe đắng hơn ký ninh! Thôi rồi, tôi làm sao mà ăn nói với chị Xuân đây?
Một tuần sau, chị Xuân gọi lại,
tôi nói những lời của Phương cho chị nghe, mong chị thông cảm cho mấy đứa. Chị
buồn bã nói:
- Thôi thì tôi cũng đành chờ và cầu
mong chú làm ăn khấm khá để trả lại cho tôi.
Trong thời gian này, Liên vẫn đi
làm đều đặn còn Phương thì ít thấy bóng dáng . Tôi nghĩ có lẽ Phương đang đi
làm đâu đó để có tiền trả nợ. Thật ra, tôi có nghe phong phanh, Phương dùng tiền
của khách hàng trả để thầu football, bị thua lổ đến mất luôn tiệm .
Rồi chị Xuân lại gọi. Thiệt tình
mà nói, mỗi lần chị gọi, tôi rầu lắm vì không biết phải nói sao!
Tiếng chị nhỏ nhẹ trong máy, tôi
nghe mà muốn khóc theo chị:
- Chị An biết không? Chị cho tôi số
điện thoại cầm tay của chú Phương nhưng tôi gọi hoài mà chú không thèm bắt. Chị
làm ơn nói vợ chồng chú rán trả tiền cho tôi đi. Trả một lần không được thì trả
nhiều lần. Chỉ cần có trả thì nợ sẽ hết, không trả thì còn hoài chị ơi! Hổm rày
ông chồng tôi ổng chửi tôi quá chừng! Chị nói chú Phương, chỉ cần mỗi tháng trả
tôi hai chục đồng cũng được, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, làm ơn đi chị...
Trời đất! Tôi có nghe lộn không? Số
nợ mười sáu ngàn đồng, mỗi tháng trả hai chục đồng? Vậy thì khi chị Xuân trăm
tuổi cũng chưa hết nợ!
Tôi thật là tội nghiệp cho chị.
Người ta thiếu tiền mình mà mình phải năn nỉ trả, từng đồng từng cắc! Tôi hỏi chị lại cho chắc ăn:
- Chị nói chỉ cần trả hai chục một
tháng thôi hả? Vậy chừng nào mới hết?
- Thì tôi nói vậy chứ hỏng lẻ mỗi
tháng chú Phương đi gởi cho tôi hai chục sao? Nếu chú có nhiều thì trả nhiều,
không có thì hai chục cũng gọi là trả mà!
Tôi chỉ biết thở dài, thương cho
chị sao quá tin người, để rồi phải khổ. Mà không phải một mình Phương đâu, chị
nói còn vài nơi khác nữa. Họ cũng thiếu chị chỗ năm ngàn, chỗ tám ngàn!
Cứ thỉnh thoảng chị gọi tôi và tôi
cũng chỉ biết nói chị cho tụi nó thời gian.
Trong khi đó, Kim, cô bạn đã giới
thiệu chị Xuân cho tôi quen, tự nhiên bặt
tin, không gọi cho tôi như trước giờ . Tôi gọi nhiều lần thì Kim mới bắt điện
thoại, nói chuyện lợt lạt. Tôi cứ thắc mắc hoài, không hiểu mình đã làm gì để
Kim giận. Đến nay, đã gần hai mươi năm, chúng tôi hầu như bặt tin nhau. Tôi chợt
nghĩ đến số nợ của Phương. Tôi đem thắc mắc này hỏi Bích, một cô bạn chung với
tôi và Kim. Bích cho biết đúng là Kim giận tôi vì cho rằng tôi đã lường gạt chị
Xuân! Thật là oan ơi ông địa! Tôi biết làm sao giải bày cho Kim hiểu được tôi
đây? Tôi xin thề với đất trời, một xu nhỏ tôi cũng không có lấy mà!
Phần chị Xuân, sau nhiều lần gọi vẫn
không kết quả, chị cũng làm thinh luôn. Chẳng hiểu chị có còn mạnh khỏe hay
không?
Đến giờ tôi vẫn nghe áy náy vì đã
ngu si, giới thiệu vợ chồng Liên cho chị Xuân. Chị mất một số tiền lớn, tôi mất
đi người bạn thân từ tấm bé!
Cái ngu thứ nhất đã làm tôi mất uy
tín, mang tiếng xấu với bạn bè, vậy mà tôi vẫn chưa tởn!
o0o
Cách nay khoảng mười lăm năm, một
hôm, Quân, bạn của Liên đến nhà chơi và nói sẽ đi Việt Nam . Không biết
ông ứng bà hành sao, tôi buột miệng nói:
- Quân có muốn cưới vợ ở Việt Nam không?
Quân hỏi ngay:
- Cô có quen ai bên đó hả?
- Ừ, con gái một người bạn. Không
đẹp lắm nhưng nết na, hiền lành.
Quân nói ngay:
- Vậy cô cho con xin địa chỉ rồi
cô viết thơ con đem về làm quen với cô đó nha!
Nghe Quân đồng ý, tôi mừng lắm.
Hoài là con gái của một người quen
tôi ở Bình Dương. Nhà rất nghèo, cô bạn tôi đầu tắt mặt tối, tảo tần buôn bán
mà vẫn không đủ tiền chạy gạo nuôi con.
Tôi hy vọng Quân về cưới Hoài, đem
con bé qua đây để cháu đi làm phụ giúp mẹ nuôi em.
Một tháng sau, Quân trở qua, mang
cho tôi coi hình đám cưới hai đứa. Cô dâu thật rạng rỡ trong chiếc áo cưới ,
chú rễ cười tươi vì được vợ hiền. Tôi nghe vui trong lòng vì đã làm bà mai
ngang xương mà kết quả vô cùng mỹ mãn!
Rồi Quân bắt đầu làm thủ tục bảo
lãnh Hoài sang Mỹ. Trong khi chờ đợi, cứ vài ba tháng Quân về Việt Nam thăm vợ,
tình cảm ngày càng thắm thiết.
Ít lâu sau, Quân mở quán cà phê.
Quân nhờ cô bạn học ngày xưa cũng đang ở cùng thành phố , đến phụ trông coi
quán. Tôi nghe nói, trong lòng có ý lo ngại nhưng không nói ra.
Một buổi chiều cuối năm, trời bên
ngoài lạnh giá, tuyết phủ trắng xoá trên mái nhà. Tôi nhận được thơ của Hoài,
cho biết đã bốn, năm tháng rồi không có tin tức của Quân. Hoài gọi điện thoại
qua thì nghe tiếng đàn bà trả lời!
Thôi rồi! Nỗi lo của tôi đã biến
thành sự thật! Tôi đến tiệm cà phê tìm Quân. Hôm nay quán vắng, một mình Quân
ngồi nơi quày tính tiền, hút thuốc bên ly cà phê đen. Tôi đưa thơ Hoài gởi tôi
cho Quân coi. Đọc xong, tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt Quân chảy dài trên má.
Quân nói:
- Con thương Hoài lắm mà giờ con
không biết phải nói sao cô ơi! Con lỡ có con với Lan rồi, Lan buộc con phải bỏ
Hoài. Mong cô làm ơn nói lại với Hoài cho con xin lỗi, Hoài đừng chờ đợi con nữa!
Nói sao nghe dễ quá! Một đời con
gái của Hoài đã trao hết cho Quân. Một đám cưới rình rang với Việt Kiều! Làm
sao con nhỏ ngó mặt xóm giềng nữa đây!
Mười lăm năm trôi qua, con trai của
Quân và Lan đã mười bốn tuổi, duyên tình của cha mẹ thằng bé cũng vỡ tan. Thỉnh
thoảng gặp tôi, Lan hỏi thăm Hoài. Tôi chỉ biết lắc đầu. Không hiểu Lan có hối hận vì mình đã cố tình
làm người thứ ba, gây đổ vỡ cho Hoài và rồi chính mình cũng đón nhận hậu quả
đau buồn này?
Hoài giờ đã ba mươi chín tuổi, cái
tuổi lỡ thời. Hoài vẫn sống độc thân, đi làm phụ mẹ nuôi cha nằm một chỗ sau
cơn tai biến.
Nhiều năm nay, tôi mang trong lòng
một nỗi hối hận không nguôi! Tại sao tôi tài lanh chi để một người bị mất tiền mất bạc, gia
đình xào xáo. Tôi lo thân tôi còn không xong, bày đặt mối với mai chi để làm lỡ
đi đời một đứa con gái nết na, hiền hậu! Tội này của tôi làm sao rửa sạch đây?
Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu!
Dong Trinh
No comments:
Post a Comment