Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Monday, July 6, 2020

Thế giới khác bên trong một giọt nước (Phần 2)


Thế giới khác bên trong một giọt nước (Phần 2):
Nước là tấm kính phản chiếu tâm chúng ta

Một mẩu giấy ghi hai từ «yêu thương» và «cảm ơn» được dán lên khay đựng nước đã tạo nên tinh thể này. (Ảnh: Tiến sĩ Masuru Emoto)
Tiến sĩ Masaru Emoto, chủ tịch Viện Hado Quốc tế (IHM) và là tác giả cuốn sách «Thông điệp của Nước», đã tiến hành các thí nghiệm qua đó kết luận rằng các nhân tố như sự ô nhiễm, âm nhạc, và suy nghĩ của chúng ta có thể tác động đến hình dạng của tinh thể nước.
Các thí nghiệm của ông đã làm dấy lên các phản ứng hứng thú từ độc giả. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, nhà vật lý, tiến sĩ Trình Lạc Già thảo luận về ý nghĩa của các thí nghiệm này.
Trái: Tinh thể nước máy. Phải: Tinh thể nước sau khi 500 người phát thiện niệm đến một chai nước máy. (Ảnh: Tiến sĩ Masaru Emoto)
Cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Trình Lạc Già
Phóng viên: «Theo quan điểm của ông, điểm đặc thù nhất trong các thí nghiệm tinh thể nước của Tiến sĩ Emoto là gì?»
Tiến sĩ Trình: «Thí nghiệm này khá đơn giản. Nó cho thấy các kiểu kết tinh khác nhau của nước trong các hoàn cảnh khác nhau. Hiếm khi có một thí nghiệm ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu, đồng thời mang đến một thành quả to lớn như vậy.»
Thí nghiệm này đụng đến một chủ đề cực kỳ to lớn và quan trọng, ấy là cách thức tâm trí con người tác động đến vật chất. Chưa có nhiều thí nghiệm được tiến hành trong lĩnh vực này. Mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần là một chủ đề đã được tranh luận trong một thời gian dài. Thật ý nghĩa khi có thể khám phá mối liên hệ giữa hai nhân tố nhờ vào một thí nghiệm đơn giản như vậy.
Hơn nữa, các bức ảnh gốc của thí nghiệm đã được phóng to lên 200 đến 500 lần. Các quan sát này trên thực tế đã đạt đến mức vi mô, tức là, chúng ta đang quan sát các lớp vật chất ở mức vi mô chứ không chỉ là một điểm (một phân tử, nguyên tử đơn lẻ). Đây là điều rất hiếm thấy trong giới khoa học. Tôi tin rằng việc quan sát toàn bộ thể hiện của vật chất thuộc một tầng vi mô nhất định (vd: tất cả các phân tử, tất cả các nguyên tử, tất cả các electron,…) sẽ mang đến cho chúng ta một thế giới mới.
Tôi nghĩ, trên cả hai phương diện chủ đề và phương pháp nghiên cứu, thí nghiệm này là một sự khởi đầu mới trong khoa học.
Phóng viên: «Kết quả của các thí nghiệm tinh thể nước đã được xuất bản chi tiết trong cuốn sách «Thông điệp của nước». Phần nào trong cuốn sách làm ông ấn tượng nhất.»
Tiến sĩ Trình: «Bức ảnh đầu tiên trong quyển sách là một viên băng, nước trong trạng thái đông lạnh, sắp sửa tan chảy thành nước nhưng chưa biến hẳn thành nước. Nó biểu thị một bức họa hoàn chỉnh ký tự Thủy trong Hán tự! Tổ tiên người Trung Quốc có lẽ đã có khả năng nhìn xuống tầng vi mô của vật chất. Bức ảnh này cho tôi một hiểu biết mới về hệ thống chữ Hán tượng hình.»
Khi một viên băng tan chảy, hình dạng tinh thể của nó trông rất giống chữ «thủy» (shui) trong tiếng Hán. (Ảnh: Tiến sĩ Masaru Emoto)
Khi hai từ «Tình thương» và «Cảm ơn» được đọc hướng vào những mẫu nước, các tinh thể tạo nên một hình dạng tuyệt đẹp. Khi mẫu nước được tiếp xúc với các từ ngữ mang tính chất tiêu cực, các tinh thể sẽ tạo nên hình dạng hỗn loạn và vô trật tự. Các kết quả tương phản là rất đáng kinh ngạc và phản ánh trực tiếp ảnh hưởng của tâm trí con người lên vật chất.
Hình dạng tinh thể nước tương ứng với các nhãn hiệu khác nhau được gắn lên bình chứa. (Ảnh: Image Shack)
Chúng ta thường nghĩ rằng tâm trí và linh hồn con người tồn tại dưới dạng thức trừu tượng. Chúng thuộc về một phân loại khác với vật chất, nhưng thí nghiệm này đã hé lộ một mối liên hệ chặt chẽ giữa tinh thần và vật chất.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể thấy rằng ý nghĩ tốt sẽ có tác động tích cực lên vật chất, và các ý nghĩ xấu khiến vật chất cũng trở nên xấu. Khi bạn nói từ «đẹp đẽ» với nước, tinh thể của nó trở nên đẹp. Khi bạn nói từ «bẩn» với nó, tinh thể nước thực sự trở nên vô cùng bẩn thỉu.
Nhìn vào những bức ảnh này, một bà mẹ có lẽ sẽ hiểu rằng sự khích lệ và lời khen sẽ khiến con cái trở nên thông minh và đẹp đẽ hơn. Một môi trường gia đình hòa thuận cũng sẽ góp phần giúp làm các cây trồng trong nhà trở nên khỏe mạnh và đẹp đẽ hơn. Bài học mà công chúng có thể rút ra từ thí nghiệm này không nên bị đánh thấp.
Phóng viên: «Thí nghiệm này cũng phân tích cách thức ngôn ngữ, hình ảnh, và âm thanh, tác động đến nước. Ông có nhận xét gì về các kết quả thu được?»
Tiến sĩ Trình: «Rất thú vị, Khi tiếp xúc với từ «Trí tuệ», viết bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, và tiếng Đức, nước hình thành một tinh thể có hình dạng giống nhau. Tiếp xúc với từ «Vũ trụ», viết bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, và tiếng Hy Lạp, nước cũng có biểu hiện tương tự. Kết quả cũng như vậy với từ «Tình thương» và «Cảm ơn».»
Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Trí tuệ» bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Trí tuệ» bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Trí tuệ» bằng tiếng Đức. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)
Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Vũ trụ» bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ  «Vũ trụ» bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Vũ trụ» bằng tiếng Hy Lạp. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)
Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Tình thương, cảm ơn» bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Tình thương, cảm ơn» bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ «Tình thương, cảm ơn» bằng tiếng Đức. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)
Điều này cho thấy không phải một từ riêng lẻ, ngôn ngữ sử dụng, hay các rung động của âm thanh là nguyên nhân đã tạo nên cấu trúc tinh thể như vậy, mà là các quá trình suy nghĩ bên trong hay ý nghĩa biểu thị bởi ngôn ngữ, đã tác động đến nước. Ý nghĩa giống nhau hay thông tin giống nhau sẽ tạo nên hiệu ứng giống nhau, cho dù nó được diễn tả bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Trong trường hợp của nước, nếu chúng ta suy luận thêm một bước nữa, rằng mỗi từ/ ý nghĩ sẽ sản sinh ra một hình dạng khác nhau, vậy chúng ta có thể rút ra kết luận gì? Chỉ có một kết luận mang tính logic duy nhất là: ý nghĩa của một từ sẽ tạo ra một hình dạng! Nói cách khác, ý nghĩ có hình dạng! Vậy chẳng phải tinh thần và vật chất là cùng một thứ?
Ý nghĩa của một từ sẽ tạo ra một hình dạng! Nói cách khác, ý nghĩ có hình dạng! Vậy chẳng phải tinh thần và vật chất là cùng một thứ?
Nước cũng rất nhạy cảm với các hình ảnh. Sau khi «nhìn» một bức tranh hoa sen, tinh thể nước sẽ tỏa rộng ra không ngừng, như một bông hóa sen nở lớn không ngừng. Sau khi «nhìn» một bức tranh cây thông, nước sẽ thay đổi màu sắc định kỳ trong quá trình kết tinh, cũng giống như một cái cây thay đổi trong quá trình hô hấp.
Trái: Tinh thể nước sau khi nhìn một bức tranh hoa sen. (Masaru Emoto) Phải: Ảnh bông hoa sen bằng pha lê (Ảnh: krystalkastle.com)
Thú vị hơn nữa, khi nước «nhìn thấy» một bức ảnh Mặt trời hay khi nhìn thấy từ «Mặt trời», hai tinh thể tạo thành cũng có hình dạng giống nhau. Điều này cho thấy một bức ảnh cũng sở hữu một loại khả năng nhận thức, một loại thông tin. Giống với từ ngữ, hình ảnh thể hiện một loại ý nghĩ, nhưng được diễn tả theo cách thức khác nhau. Mỗi loại hình dạng khác nhau biểu thị một loại linh hồn khác nhau. Một câu ngạn ngữ thời xưa có nói «Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu» – hình dạng giống nhau thì linh hồn giống nhau. Đây là một lý do tại sao một bức tranh có thể thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả, đồng thời cũng khơi gợi những suy nghĩ và cảm xúc tương tự trong lòng người xem.
Khả năng nghe nhạc của nước còn ấn tượng hơn nữa. Sau khi «nghe» một bản nhạc hòa tấu của Bach, hình dạng một tinh thể nước sẽ trông rất có tổ chức và rõ ràng. Hình dạng của tinh thể nước sẽ trông trong sáng và sống động sau khi nước «nghe» bản nhạc giao hưởng Đồng quê của Beethoven.
Sau khi nghe một giai điệu của trẻ con, nước sẽ trở nên trong sáng và tinh khiết. Sau khi nghe một bản nhạc có tựa đề Forest in the Dim Light of Night (tạm dịch: Khu rừng dạ quang mờ ảo), tinh thể nước dường như được bao bọc trong một chùm ánh sáng lờ mờ của màn đêm. Tính chất lờ mờ phản ánh trong tinh thể này không phải là do thiếu ánh sáng, mà là do âm thanh. Những kết quả này cho thấy âm thanh và hình dạng của một vật thể là có tương quan với nhau. Điều này thật sự đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới.
Sự tương quan giữa âm thanh và hình dạng là một khái niệm mới rất quan trọng. Lấy ví dụ, một thiết bị chơi nhạc tốt phải có một hình dạng tốt. Vào thời cổ đại, khi đúc chuông, chỉ cần liếc qua hình dáng của chuông khi nó được mang ra khỏi khuôn đúc, một người thợ có kinh nghiệm sẽ biết chất lượng của âm thanh phát ra. Ảnh hưởng của âm thanh lên hình dạng tinh thể nước trong thí nghiệm này là vô cùng sinh động.
Phóng viên: «Lúc ban đầu hầu hết mọi người đều cảm thấy rất ngạc nhiên khi họ nhìn thấy những tinh thể nước tuyệt đẹp. Họ không kỳ vọng nước lại có nhiều hàm nghĩa đến vậy.»
Tiến sĩ Trình: «Thực ra, trong truyền thống Trung Hoa, con người đã có một sự hiểu biết rất sâu sắc về nước. Lấy ví dụ, để sắc thuốc người ta phải chọn loại nước kỹ càng. Để bào chế Ải Cước (một loại thuốc cổ truyền), cần phải dùng đến thứ nước từ Giếng Ải ở làng Ải thuộc tỉnh Sơn Đông.»
Nước dùng để pha trà cũng phải được lựa chọn cẩn thận. Một số loại trà cần đến loại nước suối đặc biệt, một số phải được pha bằng nước sương từ bông hoa sen, một số phải được pha bằng tuyết đọng trên bông hoa mai, và thậm chí có một số loại trà phải lấy nước từ một khúc sông nhất định của một con sông nhất định.
Trà đạo (Ảnh: Thinkstock)
Tất cả điều này không chỉ minh chứng rằng người Trung Hoa cổ đại có học thức; chúng cũng thể hiện kiến thức uyên thâm của họ về bản chất của nước. Tôi từng nghe kể một câu chuyện như sau: Ở vùng nông thôn Trung Quốc, phụ nữ biết rất nhiều phương thuốc dân gian tuy đơn giản mà lại hiệu quả cao. Nước là một trong những phương thuốc phổ biến nhất. Lấy ví dụ, khi một đứa trẻ ăn phải thứ gì đó chưa chín, nó sẽ bị đau bụng. Đôi lúc đau đến nỗi đứa trẻ sẽ lăn lộn trên mặt đất. Người mẹ sẽ đi đun sủi một bát nước (chỉ vừa sôi nhưng chưa thật sự sôi). Khi đứa trẻ uống thứ nước này, cơn đau sẽ thuyên giảm ngay lập tức, hiệu quả tức thì. Có rất nhiều cách sử dụng nước cho các mục đích khác nhau. Vốn hiểu biết về nước là một phần của truyền thống Trung Hoa từ thời cổ đại.
Nước là một nhân tố quan trọng trong sự hình thành của vạn vật. Hiểu được nước sẽ giúp chúng ta hiểu được vật chất, tinh thần, và sự sống.
Phóng viên: «Ở phần cuối cuốn sách Thông điệp của Nước, tác giả đã nêu lên một số câu hỏi như: nó đến từ đâu, nó sẽ đi về đâu, mục đích của sự sống là gì v.v… Ông nhận xét thế nào?»
Tiến sĩ Trình: «Không chỉ tập trung vào chủ đề trước mắt, Tiến sĩ Emoto có thể nhảy ra khỏi cái khung thông thường và đặt ra các câu hỏi sâu sắc. Tâm trí của ông thật cởi mở. Nước là một nhân tố quan trọng trong sự hình thành của vạn vật. Hiểu được nước sẽ giúp chúng ta hiểu được vật chất, tinh thần, và sự sống.»
Cuộc phỏng vấn này được PureInsight.org thực hiện vào năm 2002.
Nguồn: PureInsight.
Quý Khải biên dịch.

1 comment: