Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Wednesday, January 19, 2022

 

 

Chuyện bà già mang dép Lào

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=178772120739450&id=100058199894708

Tác giả: Lê Thi
Nguồn: Nhìn Ra Bốn Phương
Ngày đăng: 2021-04-03

Khoảng năm 1981, 1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau bạc-ba-ga cho khách ngồi … Mỗi sáng cứ 5 giờ là ra đứng ở đầu hẻm trước nhà để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ con hẻm nơi khá gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò, chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân cách nhà độ 3 km đứng đón khách. Có khách hay không thì 10 giờ 30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều… lên lớp.

Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1. Tôi phanh xe và hỏi:

– Cụ đi mô ?

Bà cụ nói

– Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?

Thấy bà già nhà quê tôi chợt nhớ mẹ. Tuyến đường lại trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:

– Đúng giá là 1 đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.

Bà cụ cười dơ hàm răng chỉ còn toàn … lợi và nói:

– Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!

Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng. Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:

– Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!

Tôi cười và bảo:

- Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!

Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà cụ ở Thanh Quýt ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con.

Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng. Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:

- Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:

- Cụ ngồi yên, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.

Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:

- Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.

Bà trả lời:

- Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí (tí).

Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.Tôi giẫy nẩy:

- Con nói rồi. Con chở dùm không lấy tiền xe.

Cụ bảo:

- Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi. Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau. Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau. Răng. Nhận đi con, cho bà vui.

Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe. Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung đông đúc cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!

«Bà ơi. Bà đang ở cõi nào? Nay con có thể viết những quyển sách nhận nhuận bút hàng chục triệu đồng. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà … một hộp sữa!»

Friday, January 14, 2022

Cậu bé lương thiện mồ côi đi tìm mẹ


Cả nước Đức rơi lệ với câu chuyện về cậu bé lương thiện mồ côi đi tìm mẹ…

http://tinnuocmy.com/ca-nuoc-duc-roi-le-voi-cau-chuyen-ve-cau-be-luong-thien-mo-coi-di-tim-me-d30105.html

Trần Phong

Tháng 2/1994, khi tuyết trắng phủ dầy đặc cả miền bắc nước Đức, trại trẻ mồ côi Yite Luo nằm bên sông Rhine, tĩnh lặng trong gió tuyết. Sáng hôm ấy, nữ tu sĩ Terri ra ngoài làm việc và nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Bà phát hiện một bé trai tóc vàng được đặt trong một bụi cây cạnh cổng trại. Nữ tu sĩ đã đưa cậu bé về trại trẻ nuôi dưỡng, đặt tên là Derby.

Bảy năm ở cô nhi viện, Derby lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Cậu bé có tấm lòng lương thiện, nhưng tính cách lại có chút u buồn.

Một lần, khi các nữ tu sĩ dắt lũ trẻ ra ngoài dạo chơi, có một người mẹ ở trong thị trấn chỉ vào những đứa trẻ và nói với con của bà rằng: «Những đứa trẻ này đều là bị cha mẹ bỏ rơi, nếu con mà không nghe lời, mẹ cũng sẽ đem bỏ con vào cô nhi viện đấy!»

Derby cảm thấy vô cùng đau lòng khi nghe thấy những lời này. Cậu bé liền hỏi nữ tu sĩ:

– Mẹ ơi! Tại sao cha mẹ con lại không cần con? Có phải là họ rất ghét con không?

Nữ tu sĩ hiểu cậu bé đã tổn thương như thế nào. Bà an ủi cậu:

– Mặc dù ta chưa từng gặp mặt mẹ của con, nhưng ta tin rằng nhất định bà ấy rất yêu thương con. Trên đời này không có người mẹ nào là không yêu thương con của mình cả. Năm đó mẹ của con để con lại, chắc chắn là vì một lý do bất đắc dĩ nào đó thôi.

Derby thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine, trong lòng khao khát một ngày nào đó có thể gặp lại mẹ. (Ảnh minh hoạ)

Derby nghe xong lặng im không nói lời nào, nhưng cậu bé thay đổi rất nhiều kể từ ngày ấy. Cậu thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine, trong lòng khao khát một ngày nào đó có thể gặp lại mẹ.

Vào «ngày của mẹ» năm 2003, trên tuyền hình chiếu những hình ảnh cảm động về tình mẹ con. Derby thấy một cậu bé 6 tuổi, mồ hôi chảy đầm đìa đang giúp mẹ cắt cỏ. Mẹ của cậu bé nhìn con rơi nước mắt. Derby cũng muốn làm việc giúp mẹ, cậu bé chạy đến chỗ tu sĩ:

– Con cũng muốn được làm việc giúp mẹ! Mẹ ơi! Mẹ có biết cha mẹ ruột của con đang ở đâu không ạ?

Nữ tu sĩ không nói được lời nào. Suốt mấy năm qua bà không hề nhận được tin tức gì của cha mẹ cậu bé. Derby đau khổ và khóc trong đau đớn. Cậu thực sự chỉ muốn được giúp mẹ của mình.

Mấy tháng sau, khi Derby được 9 tuổi, cậu bé rời khỏi cô nhi viện để đến học tập ở một ngôi trường gần đó. Một lần, thầy giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện: «Thời xưa, có một vị hoàng đế rất yêu thích chơi cờ vây, vì vậy ông liền quyết định ban thưởng cho người phát minh ra trò chơi này. Kết quả, người phát minh này lại mong muốn ban thưởng cho anh ta mấy hạt gạo. Tại ô thứ nhất trên bàn cờ đặt một hạt gạo, ô thứ hai đặt hai hạt gạo, tại ô thứ 3 số hạt gạo gấp lên 4 lần…Theo đó suy ra, đến khi bỏ đầy bàn cờ thì số hạt gạo đã là 18 triệu tỷ hạt».

Đôi mắt của Derby lập tức sáng lên. Cậu nghĩ nếu như cậu giúp một người, sau đó yêu cầu người đó giúp 10 người khác, 10 người khác sẽ giúp 10 người khác nữa… Cứ như vậy, biết đâu một ngày nào đó người được trợ giúp sẽ là mẹ cậu. Ý nghĩ này đã khiến Derby vui mừng khôn tả. Từ đó về sau, cậu bé rất chăm chỉ giúp đỡ mọi người xung quanh. Khi ai đó cảm ơn, cậu bé đều nói: «Xin cô (chú…) hãy giúp đỡ 10 người khác ạ! Đó là cách cảm ơn lớn nhất đối với cháu!»

Mọi người tuy không biết câu chuyện của Derby nhưng sau khi nghe xong đều vô cùng cảm kích trước tấm lòng lương thiện của cậu. Tất cả họ đều thực hiện, mỗi khi họ giúp ai đó, họ lại đề nghị người kia giúp đỡ 10 người khác. Cứ như vậy, mọi người đều âm thầm thực hiện lời hứa của mình.

Derby không thể ngờ mình lại có thể giúp đỡ ông Rick – người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức.

Vào năm 2003, Rick mắc bệnh trầm cảm và không thể tiếp tục được công việc, ông đã xin đài truyền hình cho ông được nghỉ dưỡng một năm. Rick đã tới thành phố mà Derby đang sinh sống để tham quan và bị vẻ đẹp của dòng sông Rhine thu hút. Một lần, khi trời chạng vạng tối, ông đang đi dạo trên bờ sông và bệnh tim đột nhiên tái phát. Ông ngất xỉu trên mặt đất. Derby lúc ấy đang câu cá trên bờ sông phát hiện ra điều này và đã gọi điện cho xe cấp cứu đến đưa ông đến bệnh viện.

Nhờ được cấp cứu kịp thời, Rick đã qua khỏi, ông nắm lấy đôi tay của Derby và nói:

– Cháu bé, ông phải làm sao để cảm ơn cháu đây? Nếu như cháu cần tiền, ông có thể cho cháu rất nhiều tiền!”.

Derby nghe xong liền lắc đầu nói:

– Nếu như ông có thể giúp đỡ 10 người khác khi họ cần sự giúp đỡ, như vậy chính là ông đã cảm ơn cháu rồi ạ!

Rick liền bị cậu bé kỳ lạ này thu hút. Nhìn vào đôi mắt đang rực sáng của cậu bé, trong lòng ông cảm thấy ấm áp, ông nghiêm túc gật đầu và hứa với cậu bé sẽ làm đủ 10 điều tốt.

Từ đó về sau, Rick bắt đầu chăm chỉ giúp đỡ những người khác. Mỗi lần giúp đỡ được một người, nhận được lời cảm ơn của họ, trong lòng ông lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc, cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn rất nhiều. Rick nhanh chóng trở lại đài truyền hình làm việc. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự thay đổi chóng mặt của ông. Ông trở nên vui tươi, lạc quan và hòa đồng với mọi người hơn rất nhiều.

Derby mong muốn một ngày nào đó những việc tốt mà cậu làm sẽ đến được với mẹ

Ngày 01/12/2003, Rick lần đầu tiên lên sóng sau kỳ nghỉ dài. Ông xúc động kể về sức mạnh của «10 việc tốt» mà ông đã học được từ một cậu bé 9 tuổi. Cuối cùng, ông nói:

– Có lẽ, không ai tin đây là câu chuyện thật, nhưng nó đã tiếp thêm rất nhiều động lực sống cho tôi. Xin các bạn cũng hãy giúp đỡ 10 người khác khi họ cần. Tôi tin rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được loại cảm giác kỳ diệu này!

Chương trình của Rick được phát sóng trên khắp nước Đức. Mọi người đều rất xúc động về câu chuyện này. Nhiều người đã sẵn lòng làm «10 việc tốt» và yêu cầu được nghe Derby nói chuyện trên truyền hình bởi vì họ muốn gặp cậu bé lương thiện này.

Tháng 1/2004, Derby được mời đến đài truyền hình chia sẻ về câu chuyện của mình. Tại quay trường, có người đã hỏi cậu:

– Tại sao cháu lại có suy nghĩ như vậy?

Derby do dự, cậu đứng lặng một lúc, rồi bắt đầu kể câu chuyện của mình. Rất nhiều người đã bật khóc trước tình yêu vô bờ bến cậu bé dành cho mẹ. Rick ôm chặt lấy thân thể gầy yếu của Derby và nói:

– Mẹ của cháu nhất định yêu cháu vô cùng. Cháu nhất định sẽ tìm được mẹ!

Sau lần phỏng vấn ấy, gần như toàn bộ nước Đức đều biết về phong trào «10 việc tốt». Mọi người bắt đầu quan tâm hơn đến những người xa lạ họ tình cờ gặp và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Derby đã trở nên nổi tiếng và đài truyền hình cũng giúp cậu tìm mẹ, nhưng mẹ của Derby mãi vẫn không thấy xuất hiện…

Tháng 2/2004, một sự việc bất hạnh và đau lòng đã xảy ra…

Sau khi Derby nổi tiếng, các tay xã hội đen trong thị trấn đã nghĩ rằng cậu bé có nhiều tiền.

Đêm ngày 16/02/2004, trên đường trở về trường học, Derby đã bị một nhóm lưu manh vây quanh. Bọn chúng không tìm thấy tiền nên đã đâm trọng thương cậu bé. Derby bị đâm thủng bụng và gan và nằm thoi thóp trên vũng máu. Hai tiếng đồng hồ sau, cảnh sát tuần tra mới phát hiện ra cậu bé và đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong lúc hôn mê, cậu bé vẫn một mực gọi «Mẹ! Mẹ! Mẹ!…» mãi không thôi.

Đài truyền hình tiếp sóng trực tiếp tình trạng của Derby. Mấy chục sinh viên đến quảng trường Alexanderplatz, nắm tay nhau thành một vòng tròn và gọi: «Mẹ! Mẹ!…» Những tiếng gọi này làm cảm động những người qua đường, họ liền gia nhập vào nhóm đứng xếp thành hình trái tim. Số người tham gia càng lúc càng đông lên, trái tim càng lúc càng lớn hơn…

Hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến đài truyền hình xin được giả làm mẹ của Derby. Nhưng người mẹ thực sự của cậu thì vẫn không xuất hiện. Đài truyền hình đã thảo luận và chọn cô Judy làm mẹ của Derby. Bởi vì cô sống cùng thành phố và giọng nói của cô cũng giống với giọng của cậu.

Sáng ngày 17/02/2004, sau một thời gian dài hôn mê, Derby đã mở mắt. Cô Judy đã ôm một bó hoa loa kèn xuất hiện ở đầu giường. Cô nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Derby và nói:

– Con trai Derby yêu quý! Mẹ chính là mẹ của con đây!

Đôi mắt Derby đột nhiên sáng rực lên:

– Mẹ thực sự là mẹ của con sao?

Derby đã nhắm mắt, vĩnh viên rời xa thế gian nhưng đôi bàn tay cậu bé vẫn còn nắm chặt bàn tay của mẹ… 

Cô Judy cố nuốt nước mắt vào trong và gật đầu. Tất cả mọi người có mặt ở đấy cũng mỉm cười gật đầu. Hai dòng nước mắt chảy ra từ đôi mắt của Derby, cậu bé thều thào nói:

– Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ lâu lắm rồi! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ?”

Cô Judy gật đầu và nghẹn ngào nói:

– Con trai yêu quý, con hãy yên tâm. Mẹ sẽ không bao giờ rời xa con nữa…!.

Trên khuôn mặt tái nhợt của Derby nở một nụ cười. Cậu muốn nói nhiều hơn nữa nhưng đã không còn sức lực nữa rồi…

Đó là ngày cuối cùng của Derby ở trên cõi đời. Cậu bé nắm thật chặt bàn tay mẹ không buông. Cậu cũng không dám nhắm mắt lại vì muốn được nhìn thấy mẹ nhiều hơn… Tất cả mọi người đều òa khóc.

Hai giờ sáng ngày 18/02/2004, Derby nhắm mắt, vĩnh viên rời xa thế gian nhưng đôi bàn tay cậu bé vẫn còn nắm chặt bàn tay của mẹ…

Thiện Nam (ST)