Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Sunday, August 28, 2022

Chàng trai năm xưa

  

Chàng trai năm xưa

https://hoiquanphidung.com/forum/các-chuyên-mục/văn-nghệ/truyện-ngắn/3620-chàng-trai-năm-xưa

Nguyễn Thị Thanh Dương 

Bà Xuân đang dọn cơm ra bàn, ông ngồi chờ sẵn và cất tiếng hỏi bà:

Ăn cơm xong bà có đi với tôi ra «Đài chiến sĩ» tham dự buổi «mít tinh» kỷ niệm 30 tháng Tư không?

Bà dửng dưng lắc đầu:

Coi như ông đi «đại diện» là đủ rồi. Ngồi chung xe với ông từ nhà mình tới đấy mất chừng 10 phút nhưng sẽ là 10 phút căng thẳng và thể nào cũng… cãi nhau.

Ông nhìn bà phân bua dài lê thê:

Nếu mà bà ngoan ngoãn ngồi yên như người ta thì làm gì có chuyện? tôi chạy chậm bà chê lù đù như gà rù, tôi chạy nhanh bà bảo gìa rồi còn bạt mạng, tôi chạy tốc độ trung bình thì bà bảo lừng khừng như chính trị gia không lập trường, xe chưa tới bảng stop bà đã bắt tôi chuẩn bị ngừng từ xa, tôi nhường cho người ta thì bà bảo tôi lép vế khép nép, tôi không nhường thì bà chê bất lịch sự, đi đâu mà hấp tấp, vội vàng… ngồi lái xe mà bà cứ khủng bố tinh thần tôi từng giây từng phút như thế, nếu tôi không vững vàng tinh thần thì lạc tay lái từ lúc nào rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn hân hạnh mời bà đi cùng mà…

Bà bĩu môi:

Gớm, ông phân bua mà dài dòng như đọc điếu văn. Cám ơn lời mời nhé, để tôi ở nhà nằm võng đu đưa vừa coi ti vi vừa ngủ còn sướng hơn.

Hôm nay bà Xuân cho ăn món rau muống luộc dầm qủa cà chua chín với vài tép tỏi và thịt thăn kho tiêu, y như món bà đẻ vẫn ăn ngày xưa, bây giờ là món của hai vợ chồng gìa kiêng khem chất béo mỡ màng để bảo vệ sức khỏe vì cả hai ông bà đều cao máu, cao mỡ.

Bà chăm chăm nhìn ông ăn và nói như ra lệnh:

Ông chan nước rau muống luộc vào cơm, rồi chấm rau vào nước mắm ớt mà ăn chung thì mới ngon.

Ông phản đối:

Đến ăn uống bà cũng chỉ huy tôi? Tôi có là tù nhân của bà đâu? gần 10 năm trời tù tội cộng sản đủ khổ cuộc đời tôi rồi nhé. Tôi cứ thích húp nước rau riêng, xong ăn rau muống riêng đấy. Việc gì đến bà!

Ông thật là bướng bỉnh, thế món cà ri chấm bánh mì, ông thử chấm bánh đa có được không hả?

Ông dứt khóat:

Nhưng không có quy luật nào bắt người ta phải ăn rau muống luộc kiểu của bà cả, tôi ăn kiểu của tôi và thấy ngon là đủ rồi.

Bà xụ mặt ra không thèm nói và nhìn ông nữa. Hai ông bà lặng lẽ ngồi ăn cơm tiếp.

Ăn cơm xong ông Xuân lấy thuốc ra uống, có loại thuốc phải uống mỗi ngày cho đến hết cuộc đời. Coi như thuốc men song hành cùng với thực phẩm nuôi nấng tấm thân già.

Ông thay quần áo và mũ nón đi ra cửa thì bà gọi giật lại:

Khoan đã…đợi tôi một chút…

Ông Xuân mỉm cười hài lòng:

Cuối cùng thì bà cũng chịu đi với tôi dự cuộc họp kỷ niệm lớn lao này chứ gì?

Không !!

Hay là bà bắt tôi ở nhà coi ti vi với bà cho vui?

Không !!

Bà đưa cho ông mẩu giấy vừa ghi vội:

Một công đôi ba chuyện, đằng nào cũng một lần lái xe đi, một lần tốn xăng, chỗ mít tinh «Đài chiến sĩ» gần chợ Hồng Kông 4, hội họp xong ông ghé vào chợ mua cho tôi những thứ này, biết ông lẩm cẩm quên trước quên sau tôi đã ghi ra giấy đây, nhớ đừng có lú lẩn mà làm rơi tờ giấy là được rồi.

Hừm, tôi chưa lẩm cẩm và lú lẩn đâu. Dù say sưa hội họp, dù chen chân giữa đám đông người, tôi vẫn sẽ giữ kỹ mẩu giấy này còn hơn giữ tờ gia phả dòng họ nhà tôi để hoàn thành nhiệm vụ bà giao phó cho nhà cửa êm thắm.

Rồi ông mỉa mai:

Thì ra bà kết hợp để sai tôi đi chợ cho bà luôn thể đấy. Bà tính toán giỏi qúa.

Ông bước ra cửa còn ngoảnh lại cố nói thêm một câu:

Thế sao ngày xưa bà lại học dốt môn toán hả? Tôi dạy kèm cho bà mà đôi lúc bực cả mình vì cô học trò vừa dốt vừa lười…

Bà nhào ra cửa:

Này ông có giỏi thì đứng lại. Ngày xưa….

Nhưng ông đã nhanh chân đi khuất rồi. Bà Xuân quay vào nhà, nằm ra võng mà bực mình, chẳng buồn mở ti vi ra xem. Hai vợ chồng bà càng gìa càng xung khắc, hay cãi nhau dù những chuyện không đâu, chẳng ai chịu nhường nhịn ai.

Bà bỗng nhớ lại chuyện ngày xưa mà ông vừa khơi ra nửa vời…

Ngày xưa, bà Xuân là cô thiếu nữ tên Nguyễn Thị Hoa, tiểu thư con nhà giàu, trong một gia đình đông anh chị em. Bố cô Hoa là một công chức hiền lành nho nhã, trong khi mẹ cô Hoa đảm đang tháo vát như đàn ông, một tay bà kinh doanh làm nên nhà cao cửa rộng, nuôi đàn con đông.

Bà xông pha kinh doanh đủ mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bà hoàn toàn xa lạ, nhưng cứ thấy lợi là bà không từ. Bà đã mua lại một cửa hàng sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự, dù các con trai không đứa nào theo nghề sửa xe. Thợ chánh thợ phụ đều phải thuê mướn hết.

Đó là một tiệm sửa xe gắn máy đặc biệt vì chủ nhân trông coi tiệm là phụ nữ, là mẹ cô Hoa, bà «bổ nhiệm» cô con gái xinh đẹp Nguyễn Thị Hoa lúc ấy đang là nữ sinh trung học ra quản lý cửa tiệm những khi thời gian rảnh rỗi để phụ với bà.

Không ngờ nhờ thế mà cửa tiệm đắt hàng, anh nào đến sửa xe một lần thì thế nào cũng có lần sau dù có khi xe anh không mấy hư hỏng, dĩ nhiên các anh khách hàng này chỉ căn ngày nào có cô chủ ngồi trong quầy, nếu lướt ngang cửa tiệm thấy bóng dáng to đồ sộ của mẹ cô chủ là họ biết hôm ấy cô chủ không có mặt.

Tội nghiệp mấy anh khách hàng si tình, nào biết cô Hoa đã có người yêu, là anh chàng Xuân, sinh viên kiêm thày giáo dạy kèm môn toán tư gia cho cô.

Anh Xuân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo. Anh sinh viên đã bỏ dở chuyện học hành để lên đường nhập ngũ ở Thủ Đức.

Mãn khóa anh Xuân về sư đoàn 21 ở Chương Thiện, đời lính trôi nổi hết Chương Thiện đến Bạc Liêu, rồi rừng U Minh…nơi nào cũng là vùng lửa đạn sinh tử.

Những lá thư tình đầy ắp thương yêu của cô Hoa theo anh Xuân đi khắp mọi nơi, cô vừa lãng mạn vừa chung tình, hứa sẽ yêu anh, lấy anh dù trong hoàn cảnh nào.

Có mấy đám mai mối hỏi cưới cô Hoa, cha mẹ cô rất ưng ý vì các chàng trai kia đều thành đạt, con nhà khá gỉa, tương xứng với gia đình cô, nhưng cô Hoa vẫn cương quyết từ chối.

Khi biết cô Hoa yêu anh Xuân, chàng sinh viên nghèo dạy kèm cho cô Hoa ngày nào, bây giờ lại đời lính chiến nay sống mai chết, mẹ cô nổi giận ngăn cản, bà đã khẳng định: «Thằng Xuân hội đủ những điều kiện để mẹ …không bao giờ gả con gái cho nó, con đừng có mơ».

Thế mà những lá thư tình vẫn không hề thiếu, không hề vơi đi, vẫn từ tay cô Hoa bay đến chiến trường với anh Xuân, dù anh Xuân đã nhiều lần tự ái khuyên cô Hoa nên vâng lời cha mẹ lấy chồng ở thành phố cho cuộc sống ấm êm, và vì chính anh cũng cảm thấy thương cho Hoa quá, lấy chồng lính chiến là phiêu lưu, bấp bênh biết bao.

Mỗi lần anh Xuân về phép Sài Gòn, anh đi lướt qua cửa tiệm sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự cho cô Hoa trông thấy là cô Hoa đã nhanh chóng cho nhân viên đóng cửa tiệm nghỉ sớm để hẹn hò với người yêu.

Anh Xuân không dám đến nhà cô Hoa đã đành, mà anh cũng không dám vào tiệm sửa xe vì ngại những tay thợ trông thấy sẽ mách với bà chủ.

Một lần vào lúc 3 giờ chiều, cô Hoa vừa ra lệnh đóng cửa tiệm thì anh thợ chính băn khoăn nói:

Cô chủ ơi, chúng ta có cái hẹn 5 giờ chiều nay giao xe gấp cho người ta rồi. Anh không quân đẹp trai hay sửa xe tiệm mình đó..

À, anh có cái xe Vespa mang tới tiệm mình sửa gần chục lần rồi chứ gì? Tiệm mình kiếm bộn tiền sửa xe của anh ta rồi chứ gì?. Không sao đâu, chiều nay không có thì chiều mai anh ta sẽ đến lấy xe.

Anh thợ gãi đầu gãi tai:

Nhưng cô ơi, chiều mai là ngày bà chủ trông cửa tiệm.

Tôi hiểu rồi, đừng lo, bảo đảm với anh là chiều mốt có mặt tôi ở đây anh không quân sẽ đến lấy xe và không dám kêu ca phàn nàn gì đâu, chỉ nhìn thấy tôi mỉm cười là anh ta bối rối lên rồi. Anh cứ đóng cửa tiệm về sớm mà đi chơi hay đi nhậu đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với mẹ tôi và với anh khách hàng chủ nhân chiếc xe Vespa ấy.

Thế là cô Hoa ra phố gặp anh Xuân, cô sung sướng hãnh diện đi bên anh lính chiến vào quán kem, vào rạp xi nê để tha hồ tâm sự nhớ thương mà không hề nghĩ đến anh không quân sẽ đứng trước tiệm sửa xe đã đóng cửa một cách tùy tiện và phũ phàng, chủ nhân không một lời giải thích nhắn gởi. Không gặp cô chủ đã đành, mà cũng không thể lấy xe mà xử dụng được.

Mối tình em hậu phương anh tiền tuyến kéo dài cho tới khi anh Xuân đổi về Hậu Nghĩa làm đại đội trưởng sư đoàn 25 bộ binh.

Hậu Nghĩa, Củ Chi cách Sài Gòn không xa nên thỉnh thoảng cô Hoa lên thăm người yêu, nhiều lần hơn anh về phép thăm cô…

Hai người gắn bó keo sơn qúa cuối cùng cha mẹ cô Hoa đành chịu thua, đồng ý cho hai người thành hôn, chính thức nên duyên chồng vợ. Họ đã có một thời tuổi trẻ là tình nhân, là vợ chồng tha thiết và đầm ấm…

Cô Hoa năm xưa đang ngủ thiếp trong võng thì choàng tỉnh dậy khi ông Xuân về tới nhà, lên tiếng gọi oang oang:

Bà ơi…

Bà mở choàng mắt ra và chợt bàng hoàng buột miệng:

Anh Xuân !

Ông Xuân ngạc nhiên đặt ngay những túi xách vừa mua ở chợ về và dồn dập hỏi:

Bà vừa nói gì thế? Tôi có nghe lầm không? Hình như bà gọi tôi là «Anh Xuân»?

Bà hơi bẻn lẻn:

Chắc tại tôi nằm mơ…

Ôi, dù chỉ là giấc mơ cũng được, hôm nay nghe bà gọi âu yếm hai chữ «Anh Xuân» tôi sung sướng bồi hồi như thấy cô Hoa bé bỏng, dịu dàng của mấy chục năm về trước, chứ không phải là bà Xuân vừa gìa vừa đanh đá bây giờ….

Bà ngượng ngùng:

Vậy hả ông. Nãy vô tình ông nhắc đến ngày xưa nên tôi vừa sống lại một thời qúa khứ, ngày xưa khi tôi và ông mới quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau.

Ông cũng bồi hồi:

Ngày xưa bao giờ cũng đẹp, nên chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu bằng hai chữ «Ngày xưa». Cứ thế bà nhé, con cái ở xa chỉ có hai vợ chồng gìa, thỉnh thoảng cũng cần cho nhau những lời âu yếm yêu thương như thời trẻ chứ. Bà đừng có lắm lời, khó tính khó nết với tôi nữa nhé..

Cả ông nữa, cũng đừng bướng bỉnh trái ý tôi nữa nhé?.

Ông Xuân cười gật gù:

Chắc tại tuổi gìa làm cho con người thay đổi tính nết thôi, chứ tình yêu xưa vẫn còn đây. Tôi và bà cố gắng đối xử với nhau như lúc trước, được tí nào hay tí ấy…

Rồi ông chỉ vào những bịch chợ:

Tôi mua đủ những món bà ghi trong giấy rồi. Ngoài ra tôi còn mua cả món bà không dặn là mấy hộp Blueberry mà bà yêu thích vì nó giống như quả sim tím thường làm bà chạnh lòng nhớ đến bài hát «Những đồi hoa Sim» của thuở đang yêu tôi đấy.. Hàng mới bày ra, tươi ngon lắm nên tôi phải mua ngay.

Bả cảm động:

Thế hả? cám ơn ông đã để ý đến cả sở thích của tôi.

Thì tôi đáp lại tấm lòng bà thỉnh thoảng làm món gà luộc chấm muối tiêu chanh sở thích của tôi, dù tay bà đã yếu chặt con gà luộc cũng là vất vả, miếng dài miếng ngắn, miếng to miềng nhỏ…

Bà trìu mến hỏi:

Thế cuộc họp ở Đài chiến sĩ đông vui không hở ông?

Ông Xuân hào hứng:

Dĩ nhiên là đông người chứ, giây phút chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhìn những người lính mặc quân phục xưa tôi lại bồi hồi nhớ thời mình trai trẻ đã chiến đấu dưới màu cờ thân yêu ấy.

Bà cũng hào hứng theo:

Lần sau trở đi dù bất cứ hội họp gì của cộng đồng Việt Nam, của lính tráng, tôi sẽ đi với ông, bất chấp ông lái xe thế nào.

Ông Xuân vui mừng:

Bà đã giao phó cả cuộc đời bà cho tôi thì cứ yên chí, dù lái xe kiểu nào tôi cũng lo an toàn mà. Chuyện lớn chuyện nhỏ, đồng vợ đồng chồng mới vui bà ạ. Tôi cám ơn bà…

Bà lôi những món đồ trong túi chợ ra xếp vào tủ lạnh, ông chồng gìa dưới mắt bà lù khù và bướng bỉnh vẫn còn nhiệt huyết với quê hương, với đồng đội chẳng khác gì anh Xuân, người lính trẻ hào hùng, xông xáo khắp nẻo chiến trường ngày nào mà bà từng thương yêu và ngưỡng mộ.

Thì ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh Xuân lại trở về trong lòng cô Hoa, dù hai người đã gìa.

Bà quay ra dịu dàng nhìn ông và chính bà cũng tưởng như mình đang trẻ lại:

Anh Xuân ơi, anh vẫn là chàng trai năm xưa của em đấy.

Nguyễn Thị Thanh Dương 


Friday, August 19, 2022

Sự kỳ diệu của tình yêu thương...!

 

Sự kỳ diệu của tình yêu thương...!

 https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1581954

Giống như bất kỳ người mẹ nào, khi Karen biết mình mang thai, cô làm tất cả những gì có thể để giúp đứa con trai 3 tuổi, Michael, chuẩn bị tâm lý chào đón một thành viên mới trong gia đình.

Thành viên mới này là một bé gái. Ngày ngày, Michael hát cho đứa em gái còn trong bụng mẹ nghe. Cậu bé đã xây dựng tình yêu thương đối với em gái mình ngay cả trước khi cô bé ra đời.

Thai kì tiến triển bình thường. Theo thời gian, những cơn đau chuyển dạ đến. Mỗi năm phút, ba phút rồi một phút một lần. Tuy nhiên, biến chứng nghiêm trọng phát sinh, Karen chuyển dạ hàng giờ. Cuối cùng, em gái của Michael chào đời. Nhưng cô bé lại trong tình trạng rất nguy kịch. Tiếng còi hú trong đêm, xe cứu thương vội vàng chở đứa trẻ sơ sinh đến khu chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện St. Mary, Knoxville.

Thời gian trôi dần... Tình trạng của bé trở nên tồi tệ hơn. Các bác sĩ nhi khoa nói với cha mẹ Michael rằng có rất ít hy vọng, hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất...!

Karen và chồng liên lạc với một nghĩa trang địa phương để chuẩn bị cho việc chôn cất. Họ đã chuẩn bị một căn phòng đặc biệt trong nhà cho em bé mới, nhưng giờ phải lên kế hoạch cho một đám tang...!

Tuy nhiên, Michael đã van nài cha mẹ cho cậu vào gặp em gái mình. Cậu bé nói: «Con muốn hát cho em ấy nghe...!».

Tuần thứ hai trong phòng chăm sóc đặc biệt. Michael tiếp tục nài nỉ để được hát cho em gái mình, nhưng trẻ con không được phép vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Karen quyết định đưa Michael vào thăm em mình cho dù bệnh viện có đồng ý hay không. Nếu giờ cậu bé không được nhìn thấy em gái mình, thì có thể sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa. Michael mặc bộ quần áo quá khổ và được dẫn đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trông cậu bé giống như một giỏ đựng quần áo di động.

Người y tá trưởng nhận ra cậu bé và hét lên: «Đưa nó ra khỏi đây ngay. Trẻ con không được phép vào!»

Bản năng làm mẹ trong Karen trổi dậy và người phụ nữ bình thường hòa nhã nhìn trừng trừng vào mắt người y tá trưởng, với một giọng đanh thép, cô nói: «Cậu bé sẽ không rời khỏi cho đến khi nó hát cho em gái mình nghe...!»

Sau đó, Karen kéo Michael đến bên giường cô bé. Cậu bé nhìn chằm chằm vào đứa em đang yếu dần trong cuộc chiến giành lấy sự sống...! Sau một lúc, cậu bắt đầu cất giọng. Bằng giọng trong veo của một đứa trẻ 3 tuổi, Michael hát:

«You are my sunshine, my only sunshine, you make me happy when skies are gray.» (Bé là ánh nắng, ánh nắng mặt trời duy nhất của anh, bé làm anh hạnh phúc dẫu bầu trời xám xịt.)

Ngay lập tức, cô bé dường như có phản ứng. Mạch bắt đầu trở nên ổn định.

«Tiếp tục đi Michael», Karen động viên, mắt ngấn lệ.

«You never know, dear, how much I love you, please don't take my sunshine away.» (Bé con à, em không biết anh thương em thế nào đâu, xin đừng lấy đi ánh nắng mặt trời đi.)

Khi Michael hát, hơi thở rời rạc, yếu ớt của em bé trở nên nhịp nhàng. «Tiếp tục đi, con yêu...!»

«The other night, dear, as I lay sleeping, I dreamed I held you in my arms». (Bé con ơi, một đêm nọ, khi anh nằm ngủ, anh mơ được ôm em trong vòng tay.)

Em gái của Michael bắt đầu thư giãn như đang ngủ. «Tiếp tục đi, Michael.» Lúc này, nước mắt đầm đìa trên gương mặt của người y tá trưởng hống hách. Karen thì cảm thấy ấm lòng.

«You are my sunshine, my only sunshine. Please don't take my sunshine away…» (Bé là ánh nắng, ánh nắng mặt trời duy nhất của anh. Xin đừng lấy ánh nắng ấy đi ...)

Ngày hôm sau, ngay ngày hôm sau..., một thời gian ngắn tiếp theo..., cô bé đã đủ khỏe để trở về nhà...!

*Thế mới hiểu: «Nơi nào có tình yêu thương chân thành thì nơi đó, luôn có điều kỳ diệu đáp đền...!»*

Trần Hồng Điệp
*Dịch từ truyện ngắn «The miracle of love, true story».
(Đinh Trực sưu tầm)

 

 

Câu chuyện về người Mẹ «xấu» nhất thế giới

https://saigonnhonews.com/doi-song/cau-chuyen-ve-nguoi-me-xau-nhat-the-gioi/

Câu chuyện xảy ra vào cuối thế kỷ 19.Mary Ann Bevan sinh ngày 20 Tháng Mười Hai năm 1874.

 Từ nhỏ, bà sống một cuộc đời êm ấm trong gia đình trung lưu ở một vùng ngoại ô London. Mary vốn là một thiếu nữ xinh đẹp. Bà theo học ngành y tá năm 1894.

9 năm sau, bà lập gia đình với Thomas Bevan, một người nông dân đến từ quận Kent vào năm 1903.

Gia đình Bevan sống hạnh phúc và sung túc. Vợ chồng bà có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Năm1914, chồng bà qua đời, mọi chuyện thay đổi từ đó. Với đồng lương ít ỏi, bà đã xoay sở rất chật vật để nuôi dưỡng 4 người con.

Không lâu sau đó, bà bắt đầu có triệu chứng Acromegaly – là chứng rối loạn hormone do tuyến yên tạo ra một lượng thặng dư hormones.

Đây là chứng bệnh hiếm gặp, ngày nay có thể chữa trị được, nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, khi mà y học chưa được tiến bộ như bây giờ thì không có cách nào để giúp bà Mary chữa trị. Bệnh phát triển khiến cho ngoại hình của bà bị biến dạng hoàn toàn.

Bà Mary Ann Bevan trước và sau khi bị bệnh.
Ảnh: historyofyesterday

Trán và cằm to và nhô về phía trước, tứ chi dài quá mức bình thường. Mũi phồng lên rất thô kệch. Tình trạng sức khỏe như vậy đã khiến bà không giữ được việc làm hiện tại. Bà Mary đành phải chấp nhận làm tất cả những công việc lặt vặt, miễn có đủ tiền nuôi con.

 Nhiều năm sau, một nhân viên hội chợ thuật lại với Mary rằng người chủ của bà đã nói «bà Mary nên xem có nơi nào tổ chức cuộc thi dành cho người phụ nữ xấu nhất thì đi ghi danh dự thi.» Nhớ nằm lòng lời nói đó, bà đã ghi danh cuộc thi «Homeliest Woman», còn được biết đến là  «Ugly Woman» – Người Phụ Nữ Xấu Xí. 

Bà Mary vượt qua 250 đối thủ để đoạt giải nhất của cuộc thi

Chiến thắng này đã làm các ông bầu để ý tới bà. Trong khi đó, bác sĩ kết luận rằng bệnh tình của bà sẽ ngày một tệ hơn. 

Từ đó, bà quyết định khai thác vốn tự có – chính là nhân dạng dị biệt của mình làm phương kế mưu sinh nuôi con.

Bà được nhận vào gánh hát lưu động đi biểu diễn khắp vùng British Isles.

Năm 1920, bà đọc thấy một mục quảng cáo trên một tờ báo ở Luân Đôn:  «Cần tuyển người phụ nữ xấu nhất. Không dị dạng, tật nguyền. Đảm bảo lương hậu, công việc lâu dài dành cho ứng viên được tuyển. Xin gửi kèm hình mới nhất»  Không chút đắn đo suy nghĩ, bà gửi hình của mình đến công ty đó.

Nhận được tấm hình của bà Mary, người đăng quảng cáo cho rằng tuy ngoại hình của bà có phần ngược với yêu cầu của quảng cáo, nhưng không đến nỗi gây khó chịu hay khiếp đảm cho khán giả.Thế là bà được nhận vào gánh xiếc Dreamland ở đảo Coney, một trong những điểm giải trí lớn nhất lúc bấy giờ và làm việc ở đây đến khi qua đời vào năm 1933.

Trong suốt những năm đó, bà Mary còn nhận biểu diễn thêm ở nhiều gánh xiếc khác.

Khán giả đến xem người phụ nữ cao 5’7″ (khoảng 1.7 m) nặng 154 pounds (khoảng 70 kgs), hả hê với những trận cười giễu cợt. Bà không màng những điều đó, bỏ ngoài tai tất cả, miễn là gom được tiền về nuôi con. Bà Mary còn nghĩ ra cách mời khách mua các bưu thiếp in hình bà. Nhờ nguồn thu này, bà có thêm tiền đóng tiền học cho con.

Bưu thiếp có hình bà Mary.
Ảnh: American Philosophical Society

Bà chăm chỉ làm việc, thu hút sự hiếu kỳ của một lượng lớn khán giả. Chỉ trong hai năm biểu diễn ở New York, mà bà kiếm được 22,000 bảng Anh, tương đương khoảng 1.6 triệu USD theo thời giá hiện nay.

Làm việc đến năm 1933, bà qua đời ở tuổi 59. Bà được đưa trở về quê nhà, an táng tại nghĩa trang Ladywell.

Tên của bà gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ mang danh hiệu «xấu nhất thế giới» nhưng bà được ghi nhớ mãi với hình ảnh đẹp nhất của một bà mẹ suốt đời khai thác dung mạo dị dạng của mình làm phương kế nuôi con.

Mary Ann Bevan – một trong những người Mẹ đẹp nhất thế gian.

****

Người Mù (Blind Man)

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=495521402173590&id=108545684204499

Anh bị mù từ lúc mới sinh ra. Tức là thế giới xung quanh anh chỉ là một màu đen kịt. Thậm chí anh không có cả khái niệm về màu sắc nữa, chỉ biết mẹ anh bảo đó là màu đen.

Mù bẩm sinh ít có cơ hội để phục hồi cho nên những lần đi khám, chữa bệnh thường kỳ đối với cha mẹ anh cũng chỉ là phương pháp để an ủi và nuôi hy vọng cho con mình mà thôi…

Điều mà họ có thể mang lại lợi ích thiết thực nhất cho anh là gửi anh vào một trường học chữ cho người mù …

Từ khi biết đọc, anh hình dung được vạn vật mà không nhất thiết phải dùng đến tay để sờ mó…

Anh rất thích những bông hoa vì thấy nó mềm mại, và có mùi thơm khác nhau… Người ta nói, những người bị mù thì thường các giác quan khác cực kỳ phát triển, điều này rất đúng với anh. Hàng chục các loại hoa khác nhau, chỉ cần đưa lên mũi là anh có thể nói tên vanh vách.

Người ta thường khen hoa đẹp, mà chẳng bao giờ thấy ai chê… cho nên anh có ước mơ: Nếu được nhìn thấy ánh sáng cho dù chỉ một lúc thôi thì ngoài cha mẹ ra anh sẽ chọn những bông hoa để ngắm nhìn chiêm ngưỡng…

Từ khi biết đọc, anh còn biết thêm hoa còn là biểu tượng khi người ta ngưỡng mộ tôn sùng lẫn nhau …

Năm nay anh đã 17 tuổi, trong thế giới đen kịt của anh bỗng thỉnh thoảng lại lóe lên những «tia chớp» có màu khang khác, không phải màu đen. Thấy lạ, anh kể với bố mẹ. Họ lập tức đưa con trai đi khám. Sau 2 ngày xem xét kỹ các kết quả khám nghiệm, bác sĩ chuyên ngành gọi riêng cha mẹ anh đến để nói chuyện:

Con trai của ông bà bị mù bẩm sinh là do thiếu tác động của một loại hormone, chúng tôi đã dùng nhiều loại thuốc để kích hoạt nhưng không có hiệu quả… Năm nay cháu 17 tuổi, tuổi dậy thì. Nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, nếu cháu tự nhiên nhìn thấy những tia sáng, điều này chứng tỏ hormone đã có những tác đông tích cực đến thị lực của cháu. Đây là một điều rất đỗi khả quan cho chúng ta… Nếu ông bà đồng ý tôi sẽ gửi các mẫu xét nghiệm của cháu ra nước ngoài. Vạn sự mà được như ý thì chỉ sau một cuộc phẫu thuật của họ, ánh sáng sẽ đến với con trai của ông bà … Có điều là, chi phí cho việc này rất tốn kém, nếu gia đình  không có điều kiện thì tôi cũng không thể giúp được điều gì hơn…

Tất nhiên là cha mẹ anh đồng ý ngay lập tức, đối với họ việc này không cần phải suy nghĩ vì họ chỉ có với nhau một đứa con trai. Còn chuyện tiền nong thì họ có thể lo được, nếu cần thì sẵn sàng bán đi tất cả để đổi lấy ánh sáng, đã từ lâu tối mờ trong gia đình của mình…

Bác sĩ bổ sung thêm:

– Trong thời gian chờ đợi có khi tới khoảng 2 tháng. Tôi nghĩ, con trai của ông bà phải sống tại trại điều dưỡng và phục hồi khuyết tật cho người mù của chúng tôi, để được theo dõi thường xuyên và kỹ lưỡng hơn. Và đặc biệt trong thời gian này, cháu nó tuyệt đối không được khủng hoảng về tinh thần, như tức giận, đau buồn, thất vọng … Tôi nói vậy chắc ông bà hiểu… Tất cả chúng ta phải cố gắng cùng nhau tạo cho cháu một môi trường sống thật bình yên và vui vẻ…

..........

Cô cũng bị «», nhưng chỉ là tạm thời, đó là kết quả của 1 va chạm trong một tai nạn giao thông…

Cô vào trạm điều dưỡng này đã hơn 3 tuần. Theo lời các bác sĩ thì tiến trình phục hồi của cô rất kém bởi vì cô hay khóc và tức giận mỗi khi chạm vào những vết sẹo chưa lành hẳn trên cơ thể và chỉ nhìn thấy trước mặt mình một màn tối đen …

Hôm nay, đang ngồi thừ ra suy nghĩ «chuyện đời» thì cô được bác sĩ trưởng khoa gọi lên phòng khám, nghe nói ông này là chuyên gia lẫy lừng đã mang lại «ánh sáng» không biết cho bao nhiêu người…

Cháu ngồi xuống đi – Bằng giọng nói đầy truyền cảm và thuyết phục bác sĩ nói với cô gái:

Đáng lẽ ra cháu được xuất viện từ lâu rồi, nhưng chỉ vì thiếu lạc quan với cuộc đời và hay khóc cho nên cháu cho đến giờ vẫn ngồi trước mặt chú đấy

Nhưng… Cô định nói gì đó nhưng ông đã ngắt lời:

Thôi bỏ qua chuyện đó đi, hôm nay chú có một chuyện khiến cháu sẽ vui và không bao giờ khóc nữa, bệnh của cháu chẳng mấy chốc mà lành. Cháu sẽ được giao một nhiệm vụ rất quan trọng và sẽ không còn cảm giác là người thừa khi vào đây nữa.

Cô bắt đầu thấy tò mò và lần đầu tiên kể từ khi bị tai nạn cô mỉm cười :

Nhiệm vụ gì thế hả chú ?

Ngày mai sẽ có một chàng trai trạc tuổi với cháu nhập viện để chờ một ca mổ tại nước ngoài, anh ấy thật đáng thương vì bị mù cả 2 mắt từ lúc mới sinh ra, nhưng lại rất lạc quan và yêu đời , đặc biệt có rất nhiều tài năng mà người bình thường không thể có. Tiếp xúc với anh ấy, cháu sẽ thấy rất thú vị cho mà xem… Nhiệm vụ của cháu là chủ động tiếp cận làm quen, chia sẻ mọi chuyện buồn vui, mục tiêu là để anh ấy không bị rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần do nhớ nhà và cô đơn gây ra.

Thấy mình được người lớn tin cậy và cũng vì sự tò mò của một cô gái mới lớn chưa có người yêu, cô gật đầu đồng ý.

Trước khi cô ra về, bác sĩ còn nói với theo «Bằng mọi giá cháu nhé, nhớ đấy! Chú rất hy vọng ở cháu!»

Nhiệm vụ được giao đã hoàn thành một cách xuất sắc. Chỉ có vài ngày mà họ đã thân quen như đã từng biết nhau từ thủa thiếu thời…

Chưa bao giờ cô thấy có một «nhiêm vụ» nào mà nó đáng yêu đến thế!… Chàng trai luôn làm cô ngạc nhiên về tài sử dụng các giác quan khác của một người khiếm thị bẩm sinh… Chỉ cần sờ lên các đồ vật là anh biết ngay chúng được làm bằng gỗ, nhựa hay sắt thép. Hỏi, «tại sao anh biết?» thì nghe câu trả lời rất đơn giản «chúng nóng lạnh khác nhau mà».

Nhất là tài phân biệt các loại hoa thì cô phục sát đất luôn! Cô hay được bố mẹ, bạn bè mang hoa đến tặng, anh ngửi chúng và gọi tên chẳng bao giờ sai. Thậm chí hoa tulip và thược dược chẳng có mùi vị gì mà anh cũng phân biệt được ..

Anh thì cũng «» cô chẳng kém, mê từ giọng nói, tiếng cười, đặc biệt là cái sở thích «yêu hoa» của cô rất giống anh. Qua các câu chuyện của cô, thế giới không những trở nên nhiều màu mà nó còn có thêm cả vị nữa, đó chính là vị ngọt của tình yêu mà anh chưa được biết…

Hai tuần đã trôi qua… Tình yêu là bản năng gốc của con người không phận biệt ngoại lệ, nó đã đến là không ai có thể né tránh được… Anh và cô cũng vậy, họ yêu nhau từ lúc nào mà chẳng biết… Gặp nhau từ sáng đến tối mà họ vẫn thấy «thiếu» nhau kinh khủng, màn đêm trong đôi mắt anh luôn luôn có chớp giật, nhất là những khi họ cầm tay, dắt nhau đi chơi…

Tất nhiên nhiệm vụ nào mà chẳng có «sự cố»… Đó là lần anh bỗng nhiên ôm cô thật chặt, cô muốn kêu lên và đẩy anh ra nhưng nhớ lại lời dặn của bác sĩ, cô nhanh trí nói nhỏ vào tai anh «Em bị tai nạn, cơ thể vẫn còn đau lắm, tạm thời mình đừng làm thế anh nhé!» …

Vị bác sĩ đôi khi cũng muốn hỏi cô về cái nhiệm vụ ấy đã làm được đến đâu, nhưng hàng ngày vẫn được nghe tiếng cười của họ từ hành lang vọng vào phòng khám, ông lại thôi và chỉ mỉm cười mãn nguyện…

Một lần anh đợi cô ở trước cổng viện, bỗng có một thứ mùi rất đặc biệt của các loại hoa trộn lẫn nhau… Anh cất tiếng gọi:

Này! Người bán hoa ơi! Làm ơn lại đây cái nào! …

Bà bán hoa chạy lại :

Cậu gọi tôi à? không nhìn thấy gì sao mà biết được nhỉ?”

Anh chỉ mỉm cười:

Bà làm ơn bán cho cháu mấy bông hoa màu vàng và màu tím có được không ạ? Cô ấy thích hai màu này lắm …

Cầm lấy bó hoa nhỏ anh đưa lên mũi hít từng hơi thật dài, cô cũng vừa chạy tới, anh đưa hoa cho cô rồi nói:

Anh thấy trong sách họ viết, hoa là biểu tượng cho sự tôn sùng và ngưỡng mộ lẫn nhau, em cầm lấy đi, đây là lần đầu tiên anh tặng hoa cho một cô gái đấy …

Cô cầm hoa rồi bẽn lẽn dụi đầu vào ngực anh:

Em cũng thế, lần đầu tiên được một người đàn ông tặng hoa, em sẽ giữ nó mãi anh nhé!….

Một tháng trôi qua, cô đã bình phục, hình dáng của anh đã rõ nét chứ không còn «lờ mờ» như xưa, anh cao lớn, đẹp trai còn hơn cả cô tưởng tượng… Đôi khi cô còn chạnh lòng «To cao đẹp giai vậy,sau này khỏi bệnh chắc gì đã đoái hoài đến mình!!»

*****

Và tin vui của anh cũng đã đến trước thời hạn… Bên kia họ điện về bảo bệnh nhân phải sang gấp để khỏi bỏ lỡ cơ hội «ngàn năm có một». Bệnh của anh là đề tài nghiên cứu khoa học của rất nhiều người cho nên được miễn phí. Gia đình anh chỉ cần phải lo chuyện đi lại ăn ở mà thôi… Ngày chia tay, thấy anh có vẻ buồn khi cùng cha mẹ bước ra khỏi cổng viện… Cô gọi, anh quay lại, họ ôm chặt lấy nhau, cô thì thào: «Anh hãy vui lên, đừng buồn, thành công hay thất bại em cũng vẫn sẽ đợi anh về với em», nói rồi cô đặt lên môi anh một nụ hôn vụng về nhưng nồng cháy… Lần đầu tiên anh được biết «nụ hôn» có sức mạnh ghê gớm như thế nào. Toàn thân anh như bốc lửa, màn đêm trong mắt anh lại nổi cơn giông tố đầy màu sắc…

Lại một tuần trôi qua, không có ngôn từ nào có thể lột tả hết niềm vui không giới hạn của anh khi được tháo băng trên mắt. Trong cái phòng tối đó, lần đầu tiên trong đời, anh nhìn thấy mọi người và các đồ vật ở xung quanh mình…

Rồi, tất cả đi ra, chỉ còn anh và bố mẹ ở lại ôm nhau mà khóc, nước mắt được nhân ba trong một niềm vui đang nức nở…

Vài ngày sau anh đã được tiếp cận với mặt trời. Việc đầu tiên là anh ra vườn trước cổng bệnh viện để ngắm những bông hoa…

Nếu như mặt trời rực rỡ gấp trăm lần trong tiềm thức, thì những bông hoa còn đẹp hơn gấp nghìn lần so với trí tưởng tượng của anh hồi ấy….

Và anh nghĩ đến cô, anh không biết cô trông như thế nào nhưng tấm lòng cô dành cho anh có lẽ còn đẹp hơn gấp vạn lần mặt trời và hoa…

Anh nhắm mắt lại, trong vườn rất nhiều hoa, nhưng anh không tìm thấy mùi vị của những bông hoa mà anh đã tặng…

Ngày bay về nước, mẹ nói với anh: «Cha mẹ đã sinh ra con lần thứ nhất trong bóng tối nhưng may mắn thay con lại được người ta tái sinh lại dưới ánh mặt trời, con có biết những người ấy là ai không?» 

Anh trả lời không chút ngần ngừ:

Đó là bác sĩ trưởng khoa viện mắt Trung ương…

Còn ai nữa?

Anh lắc đầu, thì mẹ nói:

Là người yêu của con đấy, hơn một tháng chờ đợi phẫu thuật, cô ấy đã đem hết tình yêu, lòng bao dung của người phụ nữ dành cho con, để cảm giác hạnh phúc không rời con nửa bước mặc dù đáng nhẽ ra cô ấy đã được ra viện từ lâu.

Bây giờ anh mới hiểu, và càng cảm thấy nhớ cô hơn… Mẹ lại nói:

Chuyện con lành bệnh mọi người đã biết cả rồi. Họ quyết định ra sân bay để đón con đấy, liệu con có thể dùng trực giác của mình như xưa để tìm ra họ được không?

Anh nói giọng quả quyết:

Con sẽ làm được mà, hãy tin ở con đi…

Qua khỏi hàng rào kiểm soát, trước mắt anh là cả một rừng người, hoa nhiều vô số, họ đang ngóng đợi người thân của mình trở về…

Thấy anh có vẻ hoang mang mất phương hướng, mẹ anh động viên:

Con hãy tìm đi! họ đứng ở hai nơi khác nhau nhưng đều mang theo những dấu hiệu riêng mà con còn nhớ…

Anh nhắm mắt lại suy nghĩ gì đó rồi nói với mẹ:

Mẹ lấy cái khăn và bịt mắt con lại đi !

Mẹ anh làm theo, cả thế giới ngày xưa lại trở về… Anh đi lang thang giữa dòng người…

Thấy chuyện lạ nhiều người quên cả việc đón thân nhân, nhìn anh theo dõi… Bỗng anh dừng lại, cởi khăn che mắt rồi quỳ gối trước một người đàn ông tuổi trung niên giọng ngẹn ngào:

Chú ơi, con đã về với chú đây này! Cám ơn chú đã đem lại cho con điều rực rỡ nhất của cuộc sống con người là ánh sáng mặt trời…

Người đàn ông vội đỡ anh dậy:

Con vấn giỏi giang như xưa, chỉ cần chú mặc bộ blu của bệnh viện có mùi thuốc mà hàng ngày con phải uống là đã nhận ra rồi. Bây giờ thì con hãy đi tìm tình yêu của mình đi, mau lên!

Anh lại buộc khăn che mắt và đi tiếp vào dòng người, họ như biết chuyện của anh, tất cả đứng im lặng để cổ vũ …

Cô vội đỡ anh lên, vì cô không muốn anh phải quỳ… Anh cũng không cởi khăn vì chỉ muốn cho cô biết rằng cô luôn xinh đẹp và cao cả như xưa, tấm lòng của anh bây giờ dành cho cô vẫn là tấm lòng của thằng mù hồi ấy và sẽ không bao giờ thay đổi theo thời gian…

Họ ôm hôn nhau trong tiếng vỗ tay của tất cả những ai hôm đó đã từng có mặt tại sân bay này…

Có một điều khó hiểu đối với nhiều người là tại sao anh lại tìm ra cô dễ dàng đến như vậy? Chuyện này đối với anh thật đơn giản, anh đi theo mùi vị đặc biệt của một bó hoa mà cô đang cầm ở trên tay, bó hoa mà hôm đó anh đã tặng cô ở cổng bệnh viện, nó đã khô lại nhưng hương vị thì vẫn chưa phai mờ…

Friday, August 12, 2022

MẸ ANH - MẸ EM

 

MẸ ANH - MẸ EM


Vừa mở cửa căn hộ, nó đã kêu toáng lên:

- Chồng ơi! Em đã về rồi nè. Chồng nó vui vẻ:

- Ờ, em đã về đấy à? Nhà mình có khách đấy, em vào rửa tay rồi ăn cơm, anh nấu xong rồi! .

Bỗng nó nhìn thấy đôi dép nhựa cũ cáu bẩn, cùng cái túi xách đựng đồ bề ngoài rách rưới để kế bên tường. Nó lên giọng: - Cái này là cái gì đây thế?

Chồng nó để ngón tay lên miệng, mặt nghiêm túc:

- Em nói nhỏ thôi, Mẹ mới đi xe lên còn mệt đấy!

Nó thét lên nghe chát chúa:

- Anh giỏi lắm, nhà mình đã nhỏ rồi còn đưa lên chứa mấy cái thứ bån thỉu dơ dáy này, sao không ở dưới mà lên đây làm gì? Sao không ở nhà họ hàng mà lại tới đây? Tôi là tôi không chịu đâu đó!

Anh chồng nhẹ nhàng:

- Thì thỉnh thoảng cũng để Mẹ lên chơi với vợ chồng mình ít hôm chứ, em lạ thật! .

Anh chồng cố nói cho nó hiểu, mà nó đâu cần nghe:

- Đúng là mất hứng, anh nấu thì mẹ con nhà anh ăn đi, tôi không ăn đâu, tôi ra ngoài ăn đây! .

Và… nó quay lưng đi còn đá vào cái túi xách và đôi dép vô tội:

- Anh lo mà dọn dẹp cho sạch đi, rồi vô mà giặt giũ chứ bẩn là tôi không thích đâu đó!

Bỗng dưng... Mẹ đẻ nó từ trong phòng bước ra. Nó trợn tròn con mắt:

- Mẹ! Mẹ lên lúc nào mà không báo trước cho con biết?

Rồi nó trách chồng:

- Sao anh không nói là Mẹ em? Em cứ tưởng… là Mẹ anh?

Bà giơ tay táng cho nó một cái tát mạnh cháy má:

- Trời ơi là trời, mày là con của tao đây sao? Cái thứ bất hiếu. Lâu nay tao chỉ nghe người ta nói, tao không tin. Bây giờ thì mắt tao thấy, tai tao nghe… Nhục nhã lắm, vô phúc cho nhà tao đã đẻ ra đứa con táng tận lương tâm như mày. Đồ bất hiếu!

Rồi bà ngã xuống…

Nó kêu lạc cả giọng:

-Mẹ ơi, con xin lỗi!

Chồng nó gạt nó ra và ẵm bà đi bệnh viện cấp cứu. Mắt anh quắc lên:

-Cô tránh ra, Tôi sẽ ly dị với cô!

Anh quay lưng bước đi!

Nó đứng đó, hai tay buông thõng rồi đổ ụp xuống!!!