Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Tuesday, October 30, 2018

Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại; Tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích



Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại; 
Tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích



Cuộc sống không thể lúc nào cũng thuận tâm vừa ý, không thể chỗ nào cũng hoàn mỹ tinh khôi. Có lúc gặp phải những chuyện thị phi mà chúng ta có giải thích cỡ nào cũng chỉ là uổng sức phí công. Vậy chi bằng chúng ta hãy cười mà bỏ qua, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Làm người, tâm an, vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng, thiên địa rộng, không người hiềm khích.

Kể về người tâm rộng có thể bao dung thiên hạ, trong lịch sử từng có một câu chuyện nhỏ như sau:

Tại Đường Vân, Phụng Hóa, Trung Quốc có một gia thôn nhỏ tên là Uông Gia Thôn, trong thôn có hơn chục gia tộc: Lưu, Bối, Hồ, Thành, Đổng, Lạc, Chu, Mao, Trúc, Uông, Chung… cùng chung sống hòa thuận với nhau, tình thân như anh em một nhà. Tất cả những nét đẹp văn hóa truyền thống này đều được bắt nguồn từ Uông Thái Công của Uông gia mà hình thành.

Trước đây rất lâu, có một ngày lợn nuôi của nhà họ Uông xổng chuồng chạy sang giẫm hỏng hết rau trong vườn nhà họ Đổng. Người nhà họ Đổng phát hiện nên đã dùng gậy đánh chết lợn nhà họ Uông rồi đem làm thịt ăn. Người nhà họ Đổng ỷ nhà mình người đông thế mạnh, tự nhủ rằng nếu như người nhà họ Uông đến đòi thì sẽ đánh cho một trận nhớ đời.

Sau khi sự việc bị phát hiện, anh em nhà họ Uông tay cầm khí giới chuẩn bị động thủ với gia đình nhà họ Đổng. Uông Thái Công nói: «Lợn nhà mình giẫm hỏng rau người ta, theo lý thì phải bồi thường, mọi người đừng có gây chuyện nữa». Các anh em con cháu nghe Uông Thái Công nói vậy thì đều không phục, Uông Thái Công phải cố gắng lắm mới ngăn chặn được sự phẫn nộ của mọi người.

Tuy nhiên sự việc bất ngờ xảy ra, ba ngày sau đó Đổng lão gia đột nhiên bị kịch bệnh qua đời. Uông Thái Công lấy đức báo oán, đích thân sang nhà họ Đổng giúp con cháu bên nhà họ Đổng lo liệu ma chay, đồng thời yêu cầu con cháu trong nhà sang đưa tang. Sự việc này khiến gia đình nhà họ Đổng vô cùng hối hận cảm kích tấm chân tình của Uông gia.

Một sự việc tưởng chừng như sắp xảy ra xung đột kịch liệt, bỗng nhiên lại được hóa giải một cách nhanh chóng. Anh em con cháu nhà họ Uông cũng vô cùng bội phục sự bao dung cũng như tầm nhìn xa trông rộng của Uông Thái Công. Từ đó về sau có bất kỳ việc gì xảy ra họ đều dùng tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi. Ngay cả người bên ngoài nghe thấy vậy cũng lần lượt kéo nhau đến ở khu vực lân cận nhà họ Uông.

Kể về người tâm rộng có thể bao dung thiên hạ, trong lịch sử từng có một câu chuyện nhỏ như sau:

Việc tưởng chừng như sắp xảy ra xung đột, bỗng nhiên lại được hóa giải bởi sự bao dung của Uông Thái Công.
(Ảnh minh họa: miyupu.com)

Khoan dung không chỉ là thiện lương với người khác mà còn là thể hiện của trí tuệ, là đại trí tuệ có thể dung nạp tất cả mọi thứ trên đời.

Kỳ thực, được là phúc, nhưng mất ấy cũng lại là phúc. Được và mất, ai là người có thể phân biệt được rõ ràng là phúc hay họa? Vậy nên đừng để những giả tướng trước mắt làm mê mờ…

Có một câu chuyện khác cũng rất thú vị:

Trước đây có một tiểu hòa thượng rất ham chơi, tâm tư không hề đặt vào việc tu luyện. Tiểu hòa thượng thường xuyên trốn ra ngoài chơi đùa, lão hòa thượng tuy biết nhưng cũng không hề quở trách.

Một hôm khi trời đã ngả chiều hôm, trăng tròn lên cao trên đỉnh núi, những chú dế cũng bắt đầu cất vang khúc nhạc đêm du dương của mình. Tiểu hòa thượng không thể nhẫn chịu được nữa, chú muốn được tung tăng bay nhảy như những con nai vàng vui tươi bên dòng suối. Chú nghĩ ngoài kia trăng tròn vằng vặc, đêm thu trong vắt, gió thổi nhẹ nhàng, hương hoa nhè nhẹ khiến cho lòng người không khỏi xuyến xao. Gió thu phong cảnh tuyệt vời, nếu được đi dạo thì còn gì tuyệt hơn! Tuy nhiên giờ đây cửa đã khóa rồi, làm sao có thể ra ngoài dạo chơi đây?

Tiểu hòa thượng nảy ra một ý, chú mang chiếc ghế cao ra đặt ở chân tường phía sau bụi cây, rồi từ đó trèo tường nhảy ra ngoài dạo chơi. Đang đêm lão hòa thượng đi kiểm tra tự viên thì phát hiện có chiếc ghế ở chân tường, ông đoán chắc là tiểu hòa thượng ham chơi lại trốn ra ngoài rồi. «Được, ta sẽ ở đây đợi tiểu hòa thượng, nhân tiện giáo hóa trò ta một chút mới được», lão hòa thượng nghĩ.

Đợi một hồi rất lâu lão hòa thượng nghe thấy có tiếng trèo tường, ông nhanh tay đem chiếc ghế ra chỗ khác rồi đứng dưới chân tường chống hay tay xuống đầu gối. Tiểu hòa thượng nhìn xuống chân tường, thấy đám đen đen cứ nghĩ đó là chiếc ghế hồi tối mình để nên nhón chân bước xuống. Đột nhiên một cảm giác hoàn toàn khác lạ, dưới chân là một thứ nhũn nhũn mềm mềm khiến chú giật mình suýt té ngã. Quay đầu nhìn lại hóa ra là sư phụ, chú ba chân bốn cẳng co chân chạy nhanh như một làn khói về phòng, rồi vội vàng nằm trên giường bấm bụng đợi sư phụ đến trách phạt. Tuy nhiên đợi mãi mà chẳng thấy gì, tiểu hòa thượng cũng ngủ luôn lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, trong buổi học kinh sáng, chú len lén nhìn sư phụ như thể cá nằm trong chậu đợi người xử lý. Tuy nhiên chỉ thấy lão hòa thượng rất nghiêm nghị lên lớp chứ không hề nhắc tới chuyện đêm qua khiến cho chú càng cảm thấy bất an. Mấy ngày qua đi, lão hòa thượng phát hiện tiểu hòa thượng đã không còn như trước, không còn ham chơi, trốn học ra ngoài nữa, lên lớp tham thiền học Pháp cũng chuyên tâm dụng chí hơn nhiều. Và cũng kể từ đó, tiểu hòa thượng bắt đầu bước trên con đường tinh tấn thường hằng, chuyên cần tu luyện trở thành một hòa thượng đức cao tuệ sáng.

Có một câu chuyện khác cũng rất thú vị:

Cũng kể từ đó, tiểu hòa thượng bắt đầu bước trên con đường tinh tấn thường hằng, chuyên cần tu luyện…
(Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Bao dung chính là cách giải thoát cho mọi con đường, cho mọi sai lầm trong cuộc sống. Đôi khi trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau cũng chỉ là lấy sai lầm để đối đãi cái sai lầm mà thôi. Lão hòa thượng đối đãi với tiểu hòa thượng cũng như Uông Thái Công đối đãi với người nhà họ Đổng, nếu như dùng sự phê bình hay đối chất để mà dưỡng dục đúng sai thì sẽ chỉ gây ra phản tác dụng. Giáo dục tốt nhất chính là để người sai tự nhận biết chỗ không đúng của mình, như vậy mới có thể thành công.
Theo Soundofhope
Minh Vũ biên dịch

Friday, October 26, 2018

Những bức ảnh về tình anh em khiến người xem rơi lệ



Những bức ảnh về tình anh em 
khiến người xem rơi lệ

Theo NTDTV

Nghèo đói không phải là điều gì đó mới mẻ trên thế giới, và ở đâu đó, ta cũng có thể bắt gặp những hình ảnh đầy cảm xúc như thế này, một thứ ‘tình thân trong nghèo đói’ khiến người xem không khỏi rung động.
   
Có thể bạn may mắn sinh ra trong một gia đình đầy đủ vật chất và tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Ngoài kia còn có những đứa trẻ phải sống cuộc sống bất hạnh hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh túng quẫn nhất của cuộc sống thì tình yêu thương, sự sẻ chia vẫn luôn tồn tại. Những đứa trẻ trong các bức ảnh dưới đây, dù cuộc sống vật chất thiếu thốn, cũng thiếu luôn cả sự chăm sóc của cha mẹ, nhưng chúng đã tự biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ của những đứa trẻ này phải đầu tắt mặt tối, làm việc vất vả ngoài đồng hoặc tại các thành phố xa, họ buộc phải để lại những đứa con của mình ở vùng nông thôn, để chúng tự chăm sóc cho nhau.


Hình ảnh bé gái mặt mũi lấm lem, trước ngực địu cả em mới 8 tháng tuổi ngay trong lớp học ở Quảng Nam khiến nhiều người xúc động. Trước mặt em, trang sách nhàu nát vẫn đang mở ra theo bài giảng của thầy giáo.


Một bé gái dân tộc thiểu số ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai hằng ngày phải địu em để cha mẹ lên nương rẫy. Em không được đến trường như bao đứa trẻ khác.


Trong ảnh, cậu bé khoảng 6-7 tuổi, đi chân trần, vừa học bài vừa địu em nhỏ khoảng 1-2 tuổi sau lưng. Trên tấm lưng nhỏ bé của người anh, đứa bé vẫn ngủ ngon lành.
Bức ảnh đầy tình cảm này ngay lập tức thu hút được sự chú ý của cư dân mạng với hơn 30 nghìn lượt like, 3 nghìn bình luận, 1,6 nghìn lượt chia sẻ. Bức ảnh được chụp tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.


Trong bức ảnh là một em bé H’mông cõng theo đứa em trai và một bó sậy tại một thung lũng ở Sapa, Việt Nam. Em bé khoảng hơn 4 tuổi, nhưng đã biết giúp đỡ gia đình.


Khi cha mẹ không có nhà, người chị đóng vai trò như một người mẹ, chăm sóc cho em từng miếng ăn giấc ngủ.


Hai chị em đang cùng nhau thưởng thức thân cây ngô, tuy không được ngọt ngon như mía, nhưng mùi vị của nó cũng rất tuyệt.


Đứa trẻ nằm ngủ ngon lành trên chiếc nôi của chị.


Đứa trẻ cùng em dong duổi trên đường để bán những món đồ phụ gia đình. Ở tuổi của em, đúng ra em sẽ được đến trường, được yêu thương, được ăn uống và chăm sóc. Tuy nhiên, thay vì thế cuộc sống của các em chỉ xoay quanh bụi đường và nắng cháy.


Em gái trên tên là Long Zhang Huan, hiện vừa tròn 10 tuổi. Trong khi đó, cậu em trai chỉ mới 2 tuổi và bị thiếu dinh dưỡng. Được biết, do cha mẹ và cả những đứa em họ đều đi làm ở xa nên ông bà buộc phải một mình chăm 8 đứa cháu. Vì sức khỏe của ông bà cũng trở nên yếu dần nên những đứa trẻ này buộc phải tự chăm sóc và đỡ đần lẫn nhau.


«Đừng khóc… Có anh ở đây rồi!». Dù vòng tay anh trai có nhỏ bé, nhưng đó lại là cả bầu trời của em gái nhỏ.
Theo NTDTV

Saturday, October 13, 2018

Câu chuyện con lừa ngốc và bài học sống



Câu chuyện con lừa ngốc 
và bài học sống
Ở đời phải biết mình là ai, 
đừng quá ảo tưởng để rồi thất bại cay đắng!


Nhật Minh

Câu chuyện con lừa ngốc và bài học sống: Ở đời phải biết mình là ai, đừng quá ảo tưởng để rồi thất bại cay đắng!

Điều bất hạnh lớn nhất trong đời người chính là không nhận thức được giá trị của bản thân để rồi suốt đời theo đuổi những ước vọng xa rời, phi thực tế và cuối cùng nhận lấy kết cục thảm hại.

Đôi khi chúng ta là chính mình, nhưng cũng có những lúc ta đánh mất bản thân, có những lúc để nhận thức được bản thân còn khó hơn cả việc nhận thức được thế giới xung quanh. Mỗi ngày ta đều soi gương, nhưng khi soi gương, có ai từng hỏi bản thân mình xem liệu bạn đã nhận thức được chính mình chưa? Hãy cùng đọc và ngẫm câu chuyện về chú lừa dưới đây.


Một ngôi chùa trên núi có nuôi một chú lừa, mỗi ngày lừa đều ở trong phòng xay thóc lúa vất vả cực nhọc. Thời gian lâu dần, lừa bắt đầu chán ghét cuộc sống vô vị với cái cối xay. Mỗi ngày nó đều suy nghĩ: «Nếu như có thể ra ngoài xem xem thế giới bên ngoài, không cần kéo cối xay nữa, như thế thật là tốt biết mấy!».

Không lâu sau, cơ hội cuối cùng đã đến, vị tăng nhân trong chùa muốn dẫn lừa xuống núi để chở hàng, trong lòng lừa hứng khởi mãi không thôi. Đến dưới chân núi, vị tăng nhân đem món hàng đặt lên lưng nó, sau đó trở về ngôi chùa. Thật không ngờ, khi những người đi đường trông thấy lừa, ai nấy cũng đều quỳ ở hai bên đường cung kính bái lạy.

Lúc đầu, lừa không hiểu gì cả, không biết tại sao mọi người lại muốn dập đầu bái lạy nó, liền hoảng sợ tránh né. Tuy nhiên, suốt dọc đường đều như vậy cả, lừa bất giác tự đắc hẳn lên, lòng thầm nghĩ thì ra mọi người sùng bái ta đến thế. Mỗi khi nhìn thấy có người qua đường thì con lừa lập tức sẽ nghênh ngang kiêu ngạo đứng ngay giữa đường phố, yên dạ yên lòng nhận sự bái lạy của mọi người.

Về đến chùa, lừa cho rằng bản thân mình thân phận cao quý, dứt khoát không chịu kéo cối xay nữa. Vị tăng nhân hết cách, đành phải thả nó xuống núi. Lừa vừa mới xuống núi, xa xa đã nhìn thấy một nhóm người đang đánh trống khua chiêng đi về phía mình, lòng nghĩ, nhất định mọi người đến để nghênh đón mình đây mà, thế là nghênh ngang đứng ngay giữa đường lộ.

Thực ra, đó là đoàn người rước dâu, đang đi lại bị một con lừa chắn ngang đường, người nào người nấy đều rất tức giận, gậy gộc tới tấp. Lừa vội vàng hoảng hốt chạy về chùa, khi về đến nơi thì cũng chỉ còn lại chút hơi tàn.

Trước khi chết, nó căm phẫn nói với vị tăng nhân rằng: «Thì ra lòng người hiểm ác đến thế, lần đầu khi xuống núi, mọi người đều cúp rạp xuống lễ bái lạy ta, nhưng hôm nay họ lại ra tay tàn độc với ta», nói xong liền tắt thở.

Vị tăng nhân thở dài một tiếng: «Thật đúng là một con lừa ngu ngốc! Hôm đó, thứ mà mọi người bái lạy chính là bức tượng Phật được ngươi cõng trên lưng mà thôi».

Trong thực tế cuộc sống cũng vậy, nếu như bạn có tiền tài, điều người ta sùng bái chẳng qua là tiền tài của bạn, chứ không phải chính bản thân bạn, nhưng bạn lại ôm ảo vọng rằng họ đang sùng bái mình.


Nếu như bạn có danh vọng, điều người ta tôn kính chẳng qua là danh vọng của bạn, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại lầm tưởng rằng người khác đang tôn kính mình.

Nếu như bạn có dung mạo đẹp đẽ, điều người ta mến mộ chẳng qua chỉ là dung mạo đẹp đẽ mà tạm thời bạn đang có, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại hoang tưởng cho rằng người khác đang ngưỡng mộ chính bản thân mình.

Và khi tiền tài, danh lợi, vẻ đẹp của bạn không còn nữa, thì cũng là lúc bạn bị vứt bỏ. Có bao giờ bạn nghĩ đến điều ấy chưa?

Giá trị một con người xuất phát từ nội tâm chứ không phải những thứ vật chất hay danh vọng bề ngoài, lao tâm khổ sở vì nó thật là điều bất hạnh nhất trên đời.

Chính vì vậy, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là chúng ta phải nhận thức được bản thân mình là ai và giá trị của mình ở đâu. Đừng nên quá ảo tưởng để rồi nhận lấy kết cục thảm thương như chú lừa trong câu chuyện trên!

Nhật Minh


Wednesday, October 10, 2018

Gia đình



Gia đình


(Trích trong «Sợi Chỉ Đỏ»)

«Cha mẹ tôi đã ly hôn, chúng tôi sống với mẹ. Mẹ chúng tôi đã tận lực nuôi dưỡng chúng tôi. Tôi buồn giận cha tôi lắm, tuy nhiên tôi thấy thiếu vắng cha tôi kinh khủng. Biết bao lần tôi hình dung cha tôi mà tôi chỉ nhớ loáng thoáng bóng dáng. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó đến nhà ông để khạc nhổ vào mặt ông ta cho hả cơn oán ghét và khinh bỉ. Hôm khác tôi lại mơ thấy mình nằm gọn trong cánh tay cha tôi, đắm mình trong một tình thương mà tôi tưởng chừng đã phai tàn. Rồi tôi đã khóc, nhưng không ai biết… Tôi nằm lăn đất vì đau khổ, vì bị xung độ khủng khiếp. Tôi muốn tìm cách báo thù: chống lại cha tôi, chống lại mẹ tôi, chống lại mọi người, chống lại xã hội và chống lại… chính tôi nữa!»

Tâm trạng của một đứa con mà cha mẹ đã ly dị với nhau là như thế: bị xâu xé ray rứt rất đau đớn: vừa thù ghét cha mẹ mà vừa đói khát thèm muốn tình thương của cha mẹ. Tương lai của những đứa con ly hôn là như thế: nó sẽ nổi loạn chống lại mọi người, phá phách mọi người và phá phách cả cuộc đời của chính nó nữa.

Vậy mà ít ai lưu tâm đến hoàn cảnh đau khổ to lớn ấy của những đứa con mà cha mẹ đã ly hôn. Ngược lại càng ngày người ta càng ủng hộ việc ly dị. Theo một bảng thống kê ở các nước giàu có phát triển thì cách đây 20 năm cứ 20 cặp vợ chồng thì có một cặp ly dị, cách đây 10 năm thì trong 10 cặp có một cặp ly dị, và hiện thời cứ 2 cặp là có một cặp ly dị. Nghĩa là tỷ lệ phân nửa: bên Nga cũng vậy mà bên Mỹ cũng vậy!

Lý do người ta dựa vào, là «Đã không thể sống chung với nhau nữa thì thà chia tay nhau». Một lý do quá giản dị, nhưng vì quá giản dị nên cũng quá thiếu sót, ít ra là thiếu sót ba điểm sau đây:

1/ Thứ nhất là quá ích kỷ: chỉ lo cho những cặp vợ chồng mà không nghĩ đến những đứa con. Cho phép ly dị thì có lẽ vợ chồng sẽ thoải mái đấy, nhưng con cái thì như chúng ta đã thấy qua bức trên đây. Cha mẹ muốn thoải mái cho bản thân mình, và dồn mọi hậu quả cho những đứa con phải chịu. Mà những đứa con đó nào có tội tình gì đâu? Tội là ở cha mẹ chúng, nhưng chúng phải gánh lấy hậu quả hoàn toàn.

2/ Thứ hai là phản trắc, lật lọng: những người ly dị là những kẻ phản trắc, lật lọng, không phải đối với ai khác mà đối với chính bản thân họ, đối với chính lương tâm của họ. Họ hãy nhớ lại xem trước khi cưới họ đã nghĩ gì, đã muốn gì, đã thề hứa gì? Họ muốn chiếm cho bằng được con người lúc đó họ đang yêu, họ chấp nhận tất cả mọi khó khăn xung đột của cuộc sống chung, và họ thề sẽ yêu thương nhau trọn đời. Lúc ban đầu thì vậy, nhưng lúc sau thì khác không yêu nhau nữa, không chấp nhận nhau nữa và đòi bỏ nhau bằng mọi giá. Có phải là phản trắc, là lật lọng, là tiền hậu bật nhất không?

3) Và điểm thứ ba là người ta đã quên một điều rất là thông thường trong cuộc sống hôn nhân: bất cứ cặp vợ chồng nào cũng phải trải qua những cuộc khủng hoảng. Không cặp nào thoát. Đó là điều tất yếu, và có thể nói còn cần thiết nữa. Cũng như một đứa trẻ cần phải trải qua khủng hoảng của tuổi dậy thì mới trở nên người lớn được, thì bất cứ cặp vợ chồng nào cũng cần phải trải qua khủng hoảng mới đi đến chỗ trưởng thành. Vậy mà khi gặp khủng hoảng thì tính ngay chuyện ly dị, thử hỏi làm sao gia đình trưởng thành được?

Đó là ba điểm rất quan trọng mà người ta đã bỏ qua không xét tới. Vì bỏ qua những điểm quan trọng như thế nên người ta càng ngày càng đòi hỏi ly hôn: những cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn, cha mẹ đôi bên xúi ly hôn, luật pháp cho phép ly hôn… Chỉ có Tin Mừng Chúa và Giáo hội Công giáo là còn cố gắng ngăn cản việc ly hôn. 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý tới những điểm sau đây:

1. Những người biệt phái dẫn chứng với Đức Giêsu rằng ông Môsê cho phép ly hôn. Đức Giêsu trả lời: đó chỉ là vì lòng dạ chai đá của các ngươi thôi. Nghĩa là Đức Giêsu vạch cho thấy nguồn gốc của ly hôn là lòng dạ chai đá, lòng xấu của con người. Và như chúng ta đã phân tích ở trên, lòng xấu ấy chính là cái tính ích kỷ, cái thái độ phản trắc lật lọng, thái độ hèn nhát vội tìm đường lẩn tránh trước những khủng hoảng tất yếu của hôn nhân.

2. Đức Giêsu nhắc nhở tính chất bất khả ly của hôn nhân là quyền của Thiên Chúa, con người không có quyền làm ngược lại «Điều gì mà Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly». Nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề này: vợ chồng không có quyền đòi ly dị, cha mẹ đôi bên và bè bạn không có quyền xúi ly dị, luật lệ xã hội không có quyền cho phép ly dị, cho nên dù có một trăm tờ giấy ly dị cũng chẳng có chút giá trị nào trước mặt Chúa.

3. Và thứ ba là Chúa nhắc mọi người phải nhớ đến những đứa trẻ. Đức Giêsu đã ôm trẻ nhỏ vào lòng, Ngài đã chúc lành cho chúng để nhắc mọi người phải thương yêu chúng, phải bao bọc chúng, đừng ruồng bỏ chúng để chúng phải bơ vơ vì cha mẹ chúng đã ly dị nhau; đừng ngăn cản, không cho chúng đến với Chúa bằng cách dạy chúng vào con đường bất mãn, nổi loạn, sa đọa khi cha mẹ chúng đã ly dị với nhau.

Tha thứ



Tha thứ

Khai Tâm

Một thiền sinh hỏi: «Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?»

Vị sư phụ đáp: «Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.»
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: «Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!»

Sư phụ đáp: «Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.»
Người đệ tử gãi đầu: «Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm»

Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.

Sư phụ gật gù bảo: «Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.»
Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: «Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!»

Sư phụ cười: «Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.»

Lời bình:
Đôi khi trong cuộc sống có rất nhiều chuyện khi nghĩ kỹ và suy xét đến tận cùng ta mới chợt nhận ra sao mình ngớ ngẩn thế, mình cũng rãnh thiệt…
Như câu chuyện ở trên cũng thế, ban đầu cậu học trò rất tự hào, hãnh diện luôn khoe với sư phụ là mình đã vượt qua rất nhiều gian nan và thử thách khi cố gắng xử lý thật tốt các tình huống mà sư phụ đặt ra cho mình.
Lần thứ nhất: Tại sao sư phụ phải kêu cậu ta tha thứ, bởi khi bạn không muốn phiền não hay giận hờn một ai đó thì điều đầu tiên là nên tránh mặt họ hay mang hình bóng họ ra khỏi cuộc đời của mình. Như khi bạn muốn cho nước ngưng sôi thì phải rút bỏ những cây và than trong lò ra. Nếu bạn vẫn giữ khư khư các thanh củi trong lò thì sự ước mong nước ngừng sôi là điều không thể. Đây cũng là cách giúp bạn buông xuống bớt những nỗi khổ niềm đau mà bấy lâu nay đã và đang dày vò và dằn xé tâm hồn mình.
Lần thứ hai: Tại sao sư phụ kêu cậu phải «Mở lòng yêu thương họ?» Bởi đây là cách duy nhất giúp bạn làm mới lại tâm hồn mình và người. Khi mở lòng yêu thương ai đó là bạn đã và đang tưới tẩm những dòng nước mát lên các que than lửa kia, nếu không bạn và người luôn bị ảnh hưởng bởi sức nóng của nó, muốn thương được thì bạn phải tập lắng nghe thật sâu bạn mới có thể hiểu và thương người ấy được.
Lần thứ ba: Lần này thật không dễ tí nào, chẳng những tha thứ và thương yêu mà bây giờ còn phải «ghi ơn họ», vì nhờ có họ bạn mới biết khi tha thứ xong lòng mình thấy nhẹ như thế nào, nhờ có họ mà bạn biết làm mới và hiểu thêm những người bên cạnh mình. Nhờ có họ bạn mới tìm lại được cảm giác thương yêu là như thế nào…. Như vậy sư phụ dạy phải «ghi ơn họ» là điều đương nhiên rồi.
Lần thứ tư: Khi cậu học trò thưa «Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ». Cậu học trò liền bị nhận thêm một gáo nước lạnh sửng người bởi câu sư phụ nói: «Vậy con hãy về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì đâu mà con phải tha thứ?»
Mới nghe qua chắc hẳn tôi và bạn cũng cảm thấy «sốc» vì cách ứng xử như vậy. Nhưng nếu ta chịu khó suy gẫm lại từng tình huống, thì tôi tin rằng bạn sẽ có một đáp án cho chính mình và cộng thêm một nụ cười thật dễ thương…hi.hi.
Khi tha thứ cho người, có thật sự bạn đang ban ơn cho họ hay là tự cứu lấy chính mình.
Khai Tâm

Sự thật về con quỷ và tình yêu của người cha



Sự thật về con quỷ 
và tình yêu của người cha


Cha vẫn cố lấy tay che hết mắt tôi và ông nói rất nghiêm: «Có một con quỷ rất đáng sợ, cha con mình ra ngay khỏi đây thôi!».

Một tối nọ tôi và cha đi xem phim, bộ phim không hấp dẫn lắm nên hai cha con đã quyết định về sớm. Khi đến ngã rẽ gần nhà, cha tôi đột nhiên dừng lại, trông nét mặt ông rất khác, rồi ngay sau đó ông lấy tay che kín mắt tôi. Ông nói với tôi: «Con đừng nói, đừng nhìn nhé». Tôi nghĩ cha đang đùa và muốn bỏ tay ông ra khỏi mặt mình, tuy nhiên cha vẫn cố lấy tay che hết mắt tôi và ông nói rất nghiêm: «Có một con quỷ rất đáng sợ, cha con mình ra ngay khỏi đây thôi!».


Nghe đến quỷ là tôi đã sởn gai ốc rồi! Ma quỷ rất đáng sợ, quỷ sẽ bay tới và ăn thịt trẻ con như mấy câu chuyện tôi được nghe kể…, sợ quá nên tôi cứ để tay cha che hết mắt mình từ lúc đó tới khi về nhà. Về nhà rồi tôi vẫn còn run rẩy vì sợ.

Sau khi đã bình tĩnh lại, tôi hỏi cha: «Con quỷ cha nhìn thấy trên đường ban nãy trông nó như thế nào?». Cha im lặng một lát rồi nói: «Con đừng hỏi, nếu biết con sẽ không thể thoát khỏi nó đâu». Tôi về phòng nhưng vẫn thấy tò mò về con quỷ vừa rồi. Tôi gặp mẹ và kể cho bà nghe chuyện đó. Mặt mẹ tự dưng tái nhợt, bà mãi mới cất lời: «Cha con nói đúng đấy, không nên hỏi về chuyện này, nếu không con không thể thoát khỏi nó đâu».

Sau lần ấy mỗi khi ra đoạn rẽ đó, tôi luôn nhìn xung quanh để xem có con quỷ nào xuất hiện hay không. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ đối diện bất kỳ một con quỷ nào như tối hôm hai cha con bỏ bộ phim về nhà sớm. Cũng thật kỳ lạ, có đôi chút thay đổi trong gia đình tôi kể từ hôm ấy…

Trước đó cha mẹ tôi hay cãi cọ và mẹ muốn ly hôn, sau hôm đó cha lại nói đồng ý li dị, nhưng mẹ không chấp nhận. Và lập tức không khí trong gia đình thay đổi đến kỳ lạ, hai người không còn cãi cọ nữa và tỏ ra hạnh phúc bên nhau, để cho chúng tôi trưởng thành trong mái ấm thực sự.

30 năm sau kể từ hôm ấy, cha mẹ tôi không còn cảnh mặt tưng bừng lớn tiếng quát tháo nhau…. Người cha 70 tuổi của tôi đã qua đời trong vòng tay yêu thương của vợ. Khuôn mặt ông nở nụ cười nhẹ nhàng. Lo an táng ông xong, tôi thu dọn di vật của cha và nhìn thấy cuốn nhật ký. Trong đó ông viết về cái đêm khi chúng tôi gặp «con quỷ»…, câu đố cuối cùng đã được giải đáp …


Trong nhật ký ông viết:

«Xem phim xong dắt con trai về nhà, bất chợt đến ngã rẽ vào hẻm nhìn thấy vợ mình cùng một người đàn ông lạ đang âu yếm nhau. Tôi cảm thấy như rơi xuống vực thẳm vì linh cảm của mình đã đúng. Tôi đã hết mực yêu thương vợ mình và cô ấy ngấm ngầm phản bội lại tôi và gia đình. Tôi thấy thương con trai, sự thật này quá tàn nhẫn với nó, có thể là bóng đêm ám ảnh suốt cuộc đời con trẻ. Con liệu có thể chấp nhận việc người mẹ yêu dấu của mình có hành vi như vậy!

«Tôi không thể tưởng tượng nổi con trai mình sẽ như thế nào nếu biết việc này. Mặc dù cô ấy đã xử tệ với tôi, nhưng tôi cũng phải ghi nhận rằng cô ấy từng tốt với mình, và còn con trai yêu dấu của tôi nữa. Vì vậy tôi đành phải nói dối con về con quỷ đó…»

Sau khi đọc nhật ký của người cha quá cố, mắt tôi đẫm lệ. Cha đã che giấu sự thật để gìn giữ hình ảnh hoàn mỹ về mẹ trong trái tim con trai bà, cũng bởi vì vậy mà cha mẹ tái hợp để cứu vãn cuộc hôn nhân đang trên bờ vực sụp đổ của họ.

Tôi đi vào phòng, trìu mến ôm người vợ đang mang bầu của mình, tiếp đó tôi xóa sạch mọi thông tin về người bạn gái cũ cũng như những thông tin khác… Bởi vì tôi đã học được một điều thật quý giá qua câu chuyện «con quỷ», lĩnh hội bài học làm người cha tốt.

Cha đã vì tình yêu thương với tôi mà dẹp bỏ nỗi giận dữ và tự ái nhẽ ra nên trút lên đầu mẹ để duy trì hạnh phúc gia đình. Bất kỳ ai trong hoàn cảnh gia đình có nguy cơ đổ vỡ cần phải xem xét lại bản thân và thông cảm cho đối phương với tấm lòng vị tha.

Không ai muốn chuốc lấy tổn thương về mình, nhưng cha đã làm vậy để cho tôi một cuộc sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Xin hãy chia sẻ câu chuyện này tới mọi người để trên thế gian sẽ còn nhiều người cha tốt như thế, để các bậc phụ huynh luôn tìm cách giải quyết xung đột và cho những đứa con thơ một mái ấm hạnh phúc bên mẹ cha.

Theo Guu

Tuesday, October 9, 2018

Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?



Ngài có thần thông và từ bi,
vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?



Có một đệ tử hỏi Phật rằng:

« Ngài có thần thông và từ bi,
vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?
»

Phật rằng :

«Tôi tuy có sức thần thông rất lớn ;
nhưng có bốn điều là vẫn không thể thực hiện được,
chính là :

Điều 1 :

«Nhân quả không thể đổi thay,
tự gieo nhân thì tự nhận quả,
người khác không thể nhận thay.

Điều 2 :

«Trí tuệ không thể cho được,
bất kỳ ai muốn có trí tuệ
thì phải tự mình tu, học.

Điều 3:

«Tột cùng của Diệu pháp không thể diễn tả được.
Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ
không thể cắt nghĩa mà hiểu được,
chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi.

Điều 4 :

«Không có duyên thì không thể độ,
người không có duyên thì họ không bao giờ nghe
những lời nói  mà ta chia sẻ.
Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước,
Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên.»

Chó cứu sống một bé sơ sinh bị bỏ rơi



Chó cứu sống một bé sơ sinh bị bỏ rơi


Cô thấy bàn tay nhỏ thò ra khỏi ổ chó hoang,
phát hiện tiếp theo khiến cô cả đời không quên

Suốt hàng nghìn năm nay, chó đã tham gia cuộc sống cùng với con người, chúng được yêu mến bởi lòng trung thành, tình yêu và sự sẵn sàng hy sinh vì người khác.

Chú chó tên Way còn đặc biệt hơn, nó đã trở thành «anh hùng» trong lòng rất nhiều người khi câu chuyện giữ ấm và cứu sống một em bé giữa trời giá lạnh của nó được phát sóng trên truyền hình.


Argentina có một mùa đông khắc nghiệt giá rét. Trên đường phố lớn, Way lang thang tìm thức ăn cho đàn con nhỏ của mình. Đôi chân nó bỗng đưa đến nơi có tiếng trẻ em khóc, một đứa trẻ mới đầy 1 tháng tuổi đang thoi thóp trong tiết trời đêm đang dần hạ thêm nhiệt độ.

Với bản năng của làm mẹ, Way đã cứu em bé giữa đêm và bảo vệ bằng cách ủ ấm em trong ổ của nó.


Sự việc chỉ được phát hiện khi cô Alejandra Griffa – cư dân gần nơi chú chó hoang Way sống nghe tiếng khóc của đứa trẻ vào sáng hôm sau. Khi đến nơi, cô thấy bàn tay một đứa trẻ thò ra từ bên dưới những con chó con đáng yêu. Cô lập tức mang đứa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Ở đây, bé được đội ngũ y tế chăm sóc cẩn thận. Các bác sĩ nhận định nếu chậm thêm thời gian ngắn nữa đứa trẻ có thể lìa đời vì nhiệt độ về đêm ngày càng xuống thấp.


Ngay sau đó cảnh sát đã vào cuộc và được biết đứa trẻ là con của một bà mẹ 33 tuổi, mắc chứng trầm cảm sau sinh nên cô đã «vứt» con trong vô thức. Hiện tại bà mẹ trẻ đã bị chính quyền bắt giữ để điều tra.

Với bản năng làm mẹ mãnh liệt, Way đã ủ ấm cho em bé. Và thật may mắn khi em bé được cô Alejandra phát hiện, nếu không một sinh mệnh bé nhỏ đã có thể phải rời xa thế giới này. Có lẽ sau sự việc này, sẽ có rất nhiều người yêu động vật chú ý và giúp đỡ Way. Hy vọng chú chó tốt bụng sẽ sớm tìm được một tổ ấm thực sự để nuôi dưỡng những đứa con của mình.
Hải Yến