Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Tuesday, May 26, 2020

Thầy Năm Chén......

Thầy Năm Chén......
Tiểu Tử
Sau trận Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, gia đình ông thầy thuốc Nam đó chết hết, chỉ còn lại có hai cha con. Nhà cửa tiêu tan, sự nghiệp tiêu tan, thầy không muốn ở lại cái vùng đất mà thầy cho là còn gần với quân xâm lăng miền Bắc. Thầy gạt nước mắt, dẫn thằng con trong tuổi quân dịch đi vô Nam. Thầy nói: «Ở trong nớ tuy tứ cố vô thân nhưng chắc chắn là mình được yên ổn lâu dài».
Trên chuyến xe vào Sài Gòn, ông bắt chuyện với một sư ông lên xe ở trạm Nha Trang. Thì ra sư ông cũng là thầy thuốc Nam nữa. Nhờ vậy, tâm sự được dàn trải dễ dàng. Sư ông trụ trì ở chùa Thiền Lâm Gia Định, vừa làm phật sự vừa bắt mạch vừa bốc thuốc. Sư ông nói:
- Tôi làm không xuể.
- Bịnh nhân có đông không ?
- Tùy mùa. Nói chung chung thì cũng nhiều. Với tôi, phật sự là chánh, còn chữa bịnh là phụ. Vì không đủ thời giờ nên tôi đành từ chối bịnh nhân ... Thấy cũng tội nghiệp !
Khi sư ông biết tình cảnh của cha con ông thầy thuốc Nam, sư đề nghị:
- Nếu ông anh không chê thì tôi xin mời ông anh về tá túc với chúng tôi. Mình sẽ phụ nhau chữa bịnh cho đồng bào thì thật là hoan hỉ.
Trong cảnh «tứ cố vô thân», đề nghị của sư ông như một cái phao. Ông thầy nhận lời và cám ơn rối rít. Sư ông nói:
- Đời sống trong chùa đạm bạc như thế nào chắc ông anh cũng đoán biết, không cần phải giải bày. Duy chỉ có điều này là cần nói rõ: bịnh nhân đến chùa phần đông là đồng bào nghèo, mà chùa thì không có khả năng tài chánh để chữa thí, vì vậy, mình chỉ lấy tiền thuốc thôi.
- Ngoài nớ, gặp bịnh nhân nghèo, tôi cũng làm như rứa. Đôi khi còn không lấy tiền.
- A di đà Phật ...
... Chùa Thiền Lâm nằm giữa một nghĩa trang vây quanh bởi một bức tường rào xây bằng gạch bờ-lóc không có tô và cũng không quét vôi. Nhiều nơi tường bị nứt dài, gạch bể lỗ đỗ. Dọc theo mặt tiền là mấy «tiệm» hớt tóc (Không biết gọi là gì cho đúng. Mấy anh thợ hớt tóc, trước đây hớt tóc dạo, bây giờ ... đóng đô ở đó bằng cách đóng lên tường mấy cây đinh rồi móc tấm ni-lông hay tấm vải trắng cỡ thước rưỡi bề ngang, có mấy cây trúc chống căng ra như một mái nhà. Bên dưới, đặt hai ghế đẩu - một cho khách, một cho thợ hớt tóc - và trên tường treo ngang tầm mắt người ngồi ghế đẩu là tấm kiếng cỡ hai trang giấy lớn.Trên tường cũng có viết nguệch ngoạc bằng sơn dầu các kiểu tóc và giá cả. Chiều, họ gỡ hết đem đi. Sáng, họ trương lên, ngồi đánh cờ tướng với nhau hay hút thuốc rung đùi ... đợi khách !). Cổng vào nghĩa trang, bằng sắt rỉ sét xiêu vẹo, mang một bảng gỗ đã mục nhiều nơi, lớp sơn tróc rơi để lòi sớ gỗ, nhưng cũng còn vừa đọc vừa ... đoán ra được hàng chữ: «Nghĩa trang Hội Tương tế X...».Từ ngoài ngõ chạy thẳng vô chùa là đường đất đỏ nằm giữa hai hàng cây điệp. Vây quanh chùa là mả thấp mả cao xếp hàng dài dài ...
Chùa là một ngôi nhà cất theo kiểu xưa: nền cao, nóc bánh ích, cột kèo gỗ, ba gian hai chái, hàng ba thật rộng. Không có mái cong chạm rồng chạm phụng gì hết. Mới nhìn tưởng là nhà ở chớ không phải chùa ! Biết là chùa nhờ có tấm bảng nằm dưới mái hiên: «Thiền Lâm Tự» ! Bên trong không có «năm ngăn bảy nắp đầy dẫy tượng Phật, tượng Bồ Tát sơn son thếp vàng» như mấy chùa nổi tiếng. Nhưng cũng có đầy đủ ngôi tam bảo với các vật dụng cần thiết để làm phật sự. Ở đây, đúng là một cảnh chùa nghèo. Tuy nhiên, theo lời sư ông, những ngày rằm ngày vía, phật tử đến cúng bái khá đông. Phần lớn là đồng bào ở trong vùng và những người không thích «chùa nhà giàu» - chính họ nói như vậy.
Về chùa Thiền Lâm, sư ông phân công rõ rệt: sư ông và người đệ tử lo phật sự và trông nom trong ngoài, còn cha con ông thầy thì lo phần chữa bịnh kể cả việc đi bổ thuốc. Cái chái phía bên phải xưa nay vẫn là phòng mạch, bây giờ giao hẳn cho ông thầy tự do sắp xếp. Cha con ông được cho một căn buồng ở hậu liêu, có cửa sổ nhìn ra vườn rau cải của chùa.
Lâu lâu, có ai rước sư ông đi làm đám ở đâu thì cha con ông thầy lãnh phần đèn nhang cúng bái thường nhựt ...
Ông thầy chữa bịnh mát tay nên bịnh nhân càng ngày càng đông. Thầy bắt mạch, rờ trán, xem lưỡ i... rồi bốc thuốc gói từng thang bằng giấy báo. Khi trao thuốc lúc nào thầy cũng dặn: «Đổ vô năm chén nước, sắc còn một chén uống». Thang nào của thầy cũng là năm chén nước và không thang nào là không đi kèm với câu dặn dò trên. Vì vậy, bịnh nhân và người trong vùng gọi ổng là «thầy năm chén». Lâu ngày thành tên luôn, làm như thầy thứ Năm và tên Chén vậy ! Cho nên, về sau, khi nói chuyện với thầy, bịnh nhân gọi thầy bằng «thầy Năm» rất tự nhiên. Không thấy thầy ngạc nhiên hay cải chánh gì hết !
Thằng con thầy Năm Chén, tên Kiệt, thông minh học giỏi cần cù. Kiệt thi đậu vào trường kỹ thuật Cao Thắng. Mấy năm sau, chưa ra trường đã phải nhập ngũ, đi công binh. Lâu lâu được kỳ phép, về chùa giúp cha bổ thuốc bốc thuốc, giống như thời mới vào Nam với hy vọng «nơi ni mình sẽ được yên ổn lâu dài»...
Xe
... Vậy rồi có ngày 30 tháng tư 1975...
Hồi thời Tết Mậu Thân, thầy còn chạy vô Nam. Bây giờ, thầy không biết chạy đi đâu nữa. Thầy thở dài: «Đúng là cái số !». Bản chất thầy hiền hòa mộc mạc như các vị thuốc Nam của thầy, cho nên sự miền Nam mất vào tay cộng sản, thầy nghĩ rất đơn giản: «Tại ông Trời ! Nhơn bất thắng Thiên, ông bà mình dạy như rứa. Khi ổng đã định, mần răng mà cãi được !». Hồi xưa, thầy học «chữ thánh hiền» trước khi thầy học thuốc. Chữ thánh hiền đã cho thầy có cái nhìn rất khiêm tốn khi thầy chữa bịnh: «Chẳng qua là phước chủ may thầy ...». Bây giờ, sống trong nghĩa trang, ngày ngày nhìn mấy lô mả to mả nhỏ nằm im hàng hàng, thầy càng tin ở số mạng. Cái số thầy phải bỏ xứ để vô Nam, cái số thầy phải ở chùa bốc thuốc, rồi bây giờ cái số thầy «bị mất nước; sống mần răng với bọn cộng sản đây ?». Nghĩ đến đó, thầy tự an ủi: «Chừ, mình sống giữa những người chết, chắc bọn nó để cho yên ...».
Kiệt đi học tập mấy hôm rồi về chùa phụ sư ông quét dọn trong ngoài, bởi vì bên phòng mạch bịnh nhân cũng vắng. Làm như người ta lo sợ quá rồi ... quên bịnh ! Trái lại bên phía chùa thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như bây giờ người ta chỉ còn biết ... dựa vào Phật !
Thời gian sau, Kiệt tìm được việc làm ở Khánh Hội, trong một ga-ra nằm cạnh bờ sông, chuyên sửa máy xe hơi máy tàu. Thầy Năm Chén và sư ông lâu lâu đóng cửa phòng mạch, đóng cửa chùa để đi học tập chánh trị. Bởi vì «tư tưởng Mác Lê là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại», phải thông suốt để về chùa làm phật sự cho đúng ... «tác phong cách mạng» và về phòng mạch kê toa bốc thuốc cho hợp với ... «yêu cầu đấu tranh giai cấp» !
Một hôm, mấy cán bộ thành vào viếng nghĩa trang. Sau khi đi một vòng, họ khen ... hai hàng phượng đẹp ! Cuối cùng, họ nói:
- Theo quy hoạch của thành phố, nơi này sẽ là công viên cây xanh, để đồng bào quanh vùng có nơi thư giãn. Việc bốc mộ sẽ có thông cáo. Mấy người được ở lại đây để trông chừng việc bốc mộ cho đến thời hạn ấn định trong thông cáo là phải dọn đi ngay. Rõ chứ ?
Sư ông làm thinh. Thầy Năm Chén cũng làm thinh. Nói cái gì bây giờ ? Đối với những người không biết luật pháp, đối với chế độ CS không có luật pháp, thì nói «» hay nói «không» cũng đều là vô nghĩa ! Bởi vì họ không chấp nhận sự đối thoại. Ngoài ra, họ kiêu căng đến mức độ có thể viết một câu tổ bố và lố lăng quá mức mà ai cũng thấy trên đường đi Bến Lức - câu này dân chúng chuyền miệng cho nhau nghe từ mấy tháng nay và chính mắt thầy Năm Chén đã đọc khi đi bổ thuốc ở vùng đó - «Thằng trời đi chỗ khác chơi; Để cho Nông Hội tiến lên làm mùa». Thì ... còn lời gì để nói ?
Nhưng sự «làm thinh» của sư ông và thầy Năm Chén không phải chỉ đơn thuần ở chỗ «hết nước nói», mà còn là cách để tỏ thái độ của hai ông: làm thinh là khinh miệt bọn chúng, những thằng không đáng để nói chuyện, những thằng mất gốc, tổ tiên không thờ đi thờ hai thằng tây mũi lõ Mác gì gì Lê gì gì đó không biết nữa. Sự làm thinh của hai ông - sự làm thinh của kẻ sĩ - có giá trị gấp mấy lần những lời thóa mạ chửi bới, vậy mà mấy cán bộ CS lại cho là «thành quả của giác ngộ cách mạng» !
Mấy hôm sau, thầy Năm Chén kéo thằng con ra góc nghĩa trang, thấp giọng nói:
- Cha có chuyện ni muốn nói với con. Nhưng con phải giữ kín.
- Dạ.
- Con nên tìm đường đi chui đi.
- Cha nói chi lạ rứa ?
- Không có chi lạ hết. Cha không muốn con ở lại xứ ni. Mình không còn đất đứng nữa, con à.
Nói đến đây, giọng thầy nghẹn lại. Thầy không nhìn con. Thầy nhìn ra mấy lô mả. Thầy chớp mắt thật nhanh để nước mắt đừng đọng thành giọt. Rồi thầy thở dài ...
Mồ mả sao mà an bình chi lạ. Rồi sẽ không còn được như vầy nữa, nay mai ... Chế độ không để cho ai được yên, kể cả người chết !
Kiệt nhìn cha, bồi hồi. Con người đó xưa nay hiền hòa, an phận. Vậy mà bây giờ lấy một quyết định có tánh cách chống đối dầu là tiêu cực, chứng tỏ ông «chịu đựng hết nổi».
- Nghèo như mình thì lấy vàng mô mà đi chui, cha ?
- Cha nghe nói có nhiều người làm việc trên tàu. Họ đi được.
- Nhưng đó là họ đi một mình. Đi đánh cá, gặp dịp là đi luôn.
- Thì cha cũng muốn con tìm cách làm như rứa. Con cũng một mình chớ mấy mình.
- Không ! Con còn có cha nữa.
- Đừng lo cho cha. Cha già rồi. Tương lai là con, mô phải là cha.
- Gia đình mình chết hết, còn lại có hai cha con. Con đâu thể nào bỏ cha được, cha.
- Chính bởi vì cha chỉ còn lại có mình con mà cha muốn con phải đi khỏi xứ ni. Cha không muốn thấy con làm tôi mọi cho một lũ ngu dốt. Cha muốn thấy con được sống trong một xứ tự do. Có nghèo cũng nghèo trong tự do. Mà rủi có ... rủi có chết cũng chết trong tự do,con à.
Đến đây thì Kiệt không dám nhìn cha, bởi vì gương mặt héo hon đó vừa nhăn nhúm lại như một miếng cau khô. Lòng quặn thắt, Kiệt nhìn đi nơi khác.
Mồ mả sao mà an bình chi lạ. Đằng kia, hai hàng phượng trổ bông đỏ ối. Màu đỏ trong nghĩa trang, xem vừa lạc lõng vừa vô duyên, không hợp tình hợp cảnh chút nào. Vậy mà bao lâu nay Kiệt không hề để ý. Làm như phải lâm vào một nghịch cảnh, người ta mới nhìn thấy rõ những nghịch cảnh chung quanh ! Bây giờ thì đến phiên Kiệt thở dài ...
... Từ ngày có thông cáo dán trên cổng nghĩa trang, đồng bào tới lui chùa nườm nượp. Làm như thiên hạ muốn gần Phật thường hơn, đều đặn hơn, lâu hơn ... trong những ngày những tháng còn lại này. Bởi vì Phật sẽ không còn được ở đây nữa, mặc dầu - theo lời ông già bà cả trong xóm - Phật đã được an vị ở chùa này gần ba mươi năm, hồi thời chưa có nghĩa trang, hồi thời bà phủ S. chưa bán đất cho Hội Tương tế X. Họ nói với nhau: «Nhà Nước CS này ngang ngược không nể nang ai hết. Có ngày sẽ bị Trời Phật trừng phạt cho coi !».
Bên phòng mạch, bây giờ, lúc nào cũng đông người. Có bịnh nhân đến xem mạch và có những người không phải đến xem mạch nhưng đã từng uống thuốc của thầy Năm Chén. Những người này, sau khi cúng bái bên chùa, bước qua đây ngồi nói chuyện cà kê. Làm như để hỗ trợ tinh thần thầy vậy. Có người hỏi:
- Rồi thầy dọn đi đâu ?
- Biết đi mô chừ !
- Quân gì mà vô nhân đạọ Muốn đuổi ai thì đuổi. Muốn lấy của ai thì lấy. Mà mở miệng ra là «cho nhân dân, vì nhân dân».
- Tại cái số của tôi như rứa, mấy ông à. Nói mần chi ?
Bây giờ, thầy Năm Chén, sau khi trao mấy thang thuốc cho bịnh nhân, không phải chỉ nói vỏn vẹn câu quen thuộc «đổ năm chén nước, sắc còn một chén uống», mà còn dặn dò thêm phải ăn uống như thế nào, phải kiêng cữ những gì bởi vì «cái tạng ni dễ bị bịnh khi trái gió trở trời»... Thầy còn nói: «Khi mô thấy bắt đầu khó chịu thì lấy bao nhiêu lá gì với lá gì kèm theo bao nhiêu bông gì với bông gì ... sắc uống cho nó chận». Thầy làm như ngày mai thầy sắp đi xa. Và chắc đi lâu lắm, bịnh nhân cần bảo trọng lấy thân. Người nào cũng cảm động khi nhận mấy thang thuốc của thầy, mấy thang thuốc không phải chỉ có những vị này vị nọ, mà có cả tình người nằm trong đó. Chất liệu trân quí này, trong thời buổi này, thật hiếm hoi. Cho nên, khi cầm trên tay mấy thang thuốc, cử chỉ của họ bỗng trở nên trang trọng. Và người nào cũng nghĩ: «Tội nghiệp ! Người hiền hậu như vậy, bảy tám năm nay giúp đỡ đồng bào bịnh nhân ai cũng mang ơn ... Vậy mà nhà cầm quyền CS cũng không để cho yên !».
... Ít lâu sau, Kiệt được một người bạn có tàu đánh cá rủ đi chui bởi hắn đang cần người xếp máy. Kiệt về chùa cho cha hay. Thầy Năm Chén mừng rớt nước mắt:
- Rứa là lời cầu nguyện của cha đã được Ơn Trên chứng giám. Khi mô đi ?
- Mười hôm nữa.
- Ờ ... Chừ thì mình vô thắp nhang lạy tạ Trời Phật, đi con.
Năm hôm sau, bỗng thầy Năm Chén than «khó thở», «tỳ vị bất thông». Thầy không ăn được cơm, thầy ăn cháo. Cháo với chao, tương, rau luộc. Không ăn được những món cứng như dưa leo, dưa cải, củ cải muối ... những món thường dùng trong bữa cơm chay lạt ở chùa. Không thấy thầy uống thuốc. Thầy nói: «Cứ ăn cháo vài hôm là khỏi». Sư ông thương hại, an ủi: «Họ đuổi thì mình đi. Thầy lo làm chi cho sanh bịnh. Chừng hết hạn bốc mộ, tôi sẽ đưa thầy về quê tôi ở Nha Trang. Ở đó, cũng có một ngôi chùa nhỏ như vầy. Mình sẽ tiếp tục giúp đồng bào như đã làm lâu nay. Thầy yên tâm đi. A di đà Phật...».
Ngày thứ mười, cha con thầy Năm Chén qua chùa lạy Phật. Xong, thầy đưa cho Kiệt một gói bằng vải đỏ đã phai màu nhỏ bằng đầu ngón tay cái, cột làm nhiều gút, nói:
- Cha cho con cái ni. Con giữ kỹ trong người để hộ thân.
Kiệt cho vào túi áo trên ngực, cẩn thận gài miệng túi bằng cây kim tây, nhìn cha cảm động, nghĩ: «Cha thật chu đáo. Còn nhớ cho mình bùa ngải để hộ thân nữa».
Chia tay mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra cổng nghĩa trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ người ta để ý ! Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ, chỉ có thở dài là không thấy ai để ý. Bởi vì, ai cũng thở dài hết !
... Thời gian sau, thầy Năm Chén theo sư ông về chùa ở ngoại ô Nha Trang. Thầy lại bốc thuốc giúp đồng bào nghèo. Kiệt đi chui, lọt. Rồi định cư ở Canada ...
Một hôm, sực nhớ gói bùa ngải của cha, Kiệt tò mò mở ra xem: đó là ba cái răng vàng, loại răng cấm. Thì ra thầy Năm Chén đã cạy ba cái răng vàng của mình để cho con làm của hộ thân ! Không còn răng để nhai cơm, thầy chịu ăn cháo suốt phần đời còn lại. Nhớ cha, thương cha, Kiệt cầm ba cái răng vàng trong tay mà khóc hết nước mắt ...

Tiểu Tử.....

Tuyệt vọng lên núi Nga Mi tự sát, cuộc gặp gỡ kỳ lạ khiến tôi tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại

Tuyệt vọng lên núi Nga Mi tự sát, cuộc gặp gỡ kỳ lạ khiến tôi tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại

Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, trong tôi dâng lên niềm tôn kính và ngưỡng vọng với bầu trời, tôi bắt đầu tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại…
Từ khi sinh ra tôi đã ốm yếu nhiều bệnh, sống hai mươi mấy năm thì hầu như năm nào tôi cũng phải vào viện nằm 1-2 tháng. Hồi nhỏ, đã có vài đợt tôi lâm trọng bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đến năm 22 tuổi, tôi lại phát hiện mình mắc bệnh gan, là bệnh viêm gan B mãn tính.
Năm nay tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, vẫn chưa tìm được việc làm. Vì điều kiện kinh tế khá giả, nên gia đình đã chạy chữa cho tôi khắp nơi, hễ nghe nói đến bài thuốc hay trị bệnh viêm gan B là cả nhà lại lặn lội đi tìm.
Chạy chữa đã nửa năm, cũng tiêu tốn vài chục nghìn tệ tiền thuốc men (10.000 tệ chừng 35 triệu VNĐ), nhưng bệnh tình của tôi không những không tiến triển mà ngày càng trầm trọng hơn. Giữa lúc ấy, bạn gái tôi ở Thẩm Quyến gửi tới một bức thư đòi chia tay. Lúc đó tôi cảm thấy mọi thứ đều sụp đổ, cuộc sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bản thân tôi không chỉ đau khổ mà còn tạo thành gánh nặng rất lớn cho người thân. Cuộc đời quả thực là vô vị, chẳng thà tôi mãi mãi ra đi…
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng quyết định sẽ kết thúc cuộc đời tàn tạ này. Lúc đó tôi cho rằng dù sao thì cũng chết, cớ gì mà không tìm tới nơi non xanh nước biếc, được như vậy sẽ không uổng phí một lần tới cõi thế gian này. Thế là tôi bắt chuyến bay tới Thành Đô, Tứ Xuyên, sau đó đi xe tới núi Nga Mi. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao mình lại chọn núi Nga Mi, chỉ là tự đáy lòng tôi có một tiếng nói dẫn đường, và vì thế mà tôi lựa chọn lên địa danh nổi tiếng này.
Lúc đó là cuối Thu đầu Đông, cũng là khoảng thời gian lạnh nhất trong chuyến hành trình. Theo kế hoạch, tôi sẽ leo bộ từng bước lên đỉnh núi thay vì ngồi xe cáp. Và khi đã lên tới đỉnh núi, tôi sẽ nghỉ lại một đêm để ngắm nhìn những gì đẹp nhất, ví như ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc và mặt trời lặn. Nếu không nhìn thấy cũng chẳng hề gì, tôi sẽ tìm một vách núi đựng đứng và nhắm mắt thả mình rơi xuống. Thế là xong một kiếp người!
Những người mắc bệnh viêm gan B thường rất yếu ớt, tôi đương nhiên cũng không nằm ngoài số đó. Bình thường thì đi bộ chừng một dặm là tôi đã hết hơi rồi, nhưng hôm đó thật lạ, mặc dù leo dốc cao nhưng bước chân tôi lại nhẹ bẫng một cách kỳ lạ, đi đường dài đến mấy cũng không thấy mệt. Đến trưa là tới lưng chừng núi, tôi ăn một chút lót dạ rồi nghỉ ngơi để buổi chiều leo lên đỉnh vàng.
Ảnh dẫn theo: giadinh.net.vn
Mọi người đều biết rằng núi Nga Mi có rất nhiều khỉ, hơn nữa chúng rất táo tợn và không biết sợ người. Trên đường đi tôi bị phá phách vài lần, nhưng tôi không sợ bầy khỉ ấy và cũng chẳng để tâm. Hơn nữa, một người sắp chết sẽ chẳng để tâm vào bất kể chuyện gì. Bầy khỉ dường như hiểu được tâm tư của tôi nên đã bỏ đi, không còn chạy theo bám riết lấy tôi nữa.
Trong lúc nghỉ trưa, tôi đã chứng kiến một cuộc tàn sát giữa bầy khỉ. Không biết lý do vì sao, khoảng hơn 20 con khỉ dưới sự thống lĩnh của con đầu đàn đang tấn công một con khỉ mẹ. Lúc ấy khỉ mẹ đang ôm khỉ con, không biết nó đã được mấy tháng, đại khái chỉ to bằng con mèo nuôi trong nhà chúng ta.
Khỉ mẹ liều mình chống cự hòng trốn chạy, nhưng vô ích. Hơn 20 con khỉ đã bao vây tứ phía, chúng vừa cào vừa cấu, máu chảy xuống từng dòng, hai bên đều kêu lên những tiếng đanh sắc, thê lương khác thường. Lúc này tôi mới biết đây không phải là trò chơi của những con khỉ, mà là một trận chiến sinh tử.
Tôi cảm nhận được tình mẫu tử rất mạnh mẽ của khỉ mẹ, nó không màng nguy hiểm bản thân mình mà dốc sức bảo vệ đứa con bé bỏng trong lòng. Bất giác tôi nghĩ tới người mẹ của nhân loại, xem ra thứ tình mẫu tử này không chỉ vượt qua ranh giới quốc gia mà còn vượt qua cả văn hóa, vượt qua giới hạn của muôn loài…
Tôi động lòng trắc ẩn, quyết định giúp khỉ mẹ một tay. Thế là tôi nhặt đá ném vào bầy khỉ, đồng thời còn lớn tiếng dọa nạt hòng đuổi chúng đi.
Sự can thiệp của tôi cũng có tác dụng, bầy khỉ ngay lập tức đã yên ắng trở lại, chúng dừng tấn công. Khỉ mẹ bị thương nhân cơ hội này đã chạy thoát khỏi vòng vây, và điều không tưởng tượng được là nó không chạy trốn mà lại nhảy bổ về phía tôi.
Khỉ mẹ không to lớn lắm, chỉ khoảng chừng 20kg, nó dặt dẹo bước từng bước từ trong hẻm núi về phía tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy rõ lưng của khỉ mẹ đã bị xé rách một tảng da lớn, còn lộ cả thịt tươi đỏ sẫm, nhưng kỳ lạ là không chảy máu. Còn trên chân nó có một vết thương to bằng bàn tay, nhưng máu tươi đầm đìa, liên tục chảy ra lênh láng. Ốm lâu thành thầy thuốc, tôi dự đoán là động mạch máu ở đùi khỉ mẹ đã bị thương, có vẻ cơ hội sống sót là vô cùng mong manh.
Khỉ mẹ dừng lại cách chỗ tôi khoảng 3 mét, đôi mắt nó đen như hạt đậu đang nhìn tôi không chớp. Từ ánh mắt của nó, tôi hiểu rằng nó không hề sợ hãi trước cái chết, mà ngược lại, đó là một tình yêu ấm áp dâng tràn.
Khỉ mẹ nhìn tôi chằm chằm chừng nửa phút, rồi nó bất ngờ trao khỉ con trong lòng mình cho tôi. Lúc đó tôi ngẩn người, nhưng cũng đưa tay ra đón lấy chú khỉ con như phản xạ tự nhiên.
Khắp mình khỉ con là một màu hồng nhạt với vài sợi lông lơ thơ. Có lẽ nó cũng ý thức được sự nguy hiểm nên không giãy giụa cũng không phản kháng lại, chỉ ngoan ngoãn nằm trong lòng bàn tay tôi và giương đôi mắt đen láy nhìn tôi một cách hiếu kỳ.
Tôi ôm lấy khỉ con mà nước mắt cứ thế rơi lã chã. Khi tôi còn chưa kịp định thần xem chuyện gì đang xảy ra thì khỉ mẹ đã nhảy xuống vách núi, lao vào giữa bầy khỉ hung dữ. Rồi những tiếng kêu đanh sắc lại vang lên. Lúc này bầy khỉ chia thành 2 tốp, một tốp tiếp tục tấn công khỉ mẹ, một tốp khác dưới sự chỉ huy của con khỉ đầu đàn lại lao vào bao vây tôi.
Con khỉ đầu đàn rất cao lớn, có lẽ khoảng 40, 50 kg. Nó ngoác miệng, nhe nanh, rồi gầm gừ hướng về phía tôi. Nhưng rõ ràng chúng không nhằm vào tôi, mà mục tiêu là khỉ con trong tay tôi.
Ảnh dẫn theo: blueskytravelblog.wordpress.com
Lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ là, dù thế nào cũng phải cứu sống khỉ con. Tôi nhanh chóng cởi áo lông nhung ra, đặt khỉ con vào trong túi rồi chạy thục mạng lên trên núi.
Nói thực là từ xưa tới nay tôi chưa bao giờ chạy nhanh như vậy, mặc dù không bằng Lưu Tường nhưng chắc chắn cũng nhanh hơn Diêu Minh. Nhưng dù cho tôi chạy nhanh hơn Lưu Tường thì bầy khỉ vẫn có thể đuổi kịp tôi, chúng nhảy nhót xung quanh tôi và phát ra thứ âm thanh man rợn.
(Diêu Minh là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp với chiều cao nổi trội 2.29 m; Lưu Tường là ngôi sao điền kinh nổi tiếng Trung Quốc)
Ban đầu chúng sợ dáng vóc của tôi nên không dám liều lĩnh, mà chỉ thăm dò hòng xé nát chiếc áo lông nhung của tôi. Nhưng rồi thấy tôi không lợi hại, con khỉ đầu đàn bắt đầu nhảy vào tấn công. Lúc đó tôi không nhìn rõ, chỉ nhớ là con khỉ lớn nhảy rất cao, rồi một bóng đen lướt qua và đầu tôi đau nhói, tôi sờ tay thì thấy toàn là máu.
Tôi hoảng hốt vừa chạy thục mạng vừa kéo mũ áo lông nhung lên để bảo vệ đầu và mặt, rồi vung tứ phía chiếc túi du lịch nhằm chống đỡ sự tấn công của bầy khỉ. Tôi chạy một mạch 5, 6 phút, dường như sức tôi cũng đã cạn, khắp người tôi bị bầy khỉ cào thương nhức nhối.
Đúng vào lúc tôi không chịu đựng được thì một ông lão xuất hiện trước mặt. Ông lão trông gầy guộc nhỏ bé, dáng thấp lùn, chừng khoảng 1m6. Ông quát lớn một tiếng, đồng thời cầm chiếc gậy trúc đập mạnh xuống con đường đá.
Bầy khỉ có vẻ rất sợ ông lão này, nghe thấy tiếng quát nạt bèn không dám tấn công tôi nữa. Khi nhìn thấy ông lão đập gậy trúc xuống đất, đa số bọn khỉ đều tháo chạy tứ phía, chỉ còn lại con khỉ lớn đầu đàn vẫn bám riết lấy tôi, liên tục gầm gừ dọa dẫm. Tôi đã sức cùng lực kiệt, bất giác ngồi nhoài xuống đất mà thở dốc.
Con khỉ lớn cách tôi không đến một mét, nó nhe cái nanh rất dài, rình rập muốn cướp lấy chú khỉ con trong lòng tôi bất cứ lúc nào. Lúc này ông lão chạy lại, ông nói điều gì đó với con khỉ bằng tiếng Tứ Xuyên khiến tôi nghe mà không hiểu được câu nào.
Con khỉ lớn không hề sợ hãi, trong khi đang gầm gừ, nó đột nhiên lao bổ vào tôi, túm lấy áo trước ngực tôi. Tôi một tay che mặt theo bản năng, một tay dùng túi xách đập vào con khỉ lớn. Tuy nhiên động tác của nó quá nhanh, nó đánh một cước rồi rút ngay, khiến chiếc áo lông nhung của tôi bị xé toạc một mảng lớn trước ngực, trong khi túi xách của tôi lại không động được tới một sợi lông của nó. Ông lão thấy con khỉ không nghe lời nên tỏ ra tức giận, ông quát lớn dọa nạt đồng thời dùng cây gậy trúc đánh liên hồi.
Con khỉ dường như trúng đòn, nó nhanh nhẹn túm chặt lấy gậy trúc của ông lão, đôi bên lại giằng co với nhau. Điều không ngờ được là ông lão lúc này tỏ ra rất khỏe, ông vung gậy trúc lên trên không, con khỉ nặng như vậy mà cũng bị ông tung lên trời. Nó dường như biết mình không phải là đối thủ của ông lão, nên đã nhanh chóng trượt xuống khe núi chạy thoát thân.
Sau khi con khỉ đi rồi, ông lão đến hỏi han tôi. Vì ông nói tiếng địa phương nên chúng tôi giao tiếp khá khó khăn, một lúc sau tôi cũng hiểu được. Tôi kể với ông mọi chuyện rồi đưa khỉ con trong lòng mình cho ông, hy vọng ông có thể xử lý được thỏa đáng.
Ông lão đặt khỉ con vào trong túi, sau đó đỡ tôi đứng dậy. Ông nói phải đưa tôi tới gặp bác sĩ để băng bó lại vết thương trên người. Rồi ông dẫn tôi đến một con hẻm nhỏ, đi thêm chừng 2, 3 dặm thì tới một «túp lều» ở lưng chừng núi. Đây là một căn nhà đá biệt lập, không có điện cũng chẳng có nước, ba phía đều là vách núi và thung lũng. Thật kỳ lạ là trong khu thắng cảnh này vẫn có một ngôi nhà như vậy tồn tại, con người ở đó thì sinh sống làm sao?
Ảnh dẫn theo: wallpapers-web.com
Ông lão dìu tôi vào trong nhà rồi bảo tôi ngồi xuống. Tôi chỉ thấy một màu tối đen như mực, dần dần mọi thứ rõ ràng hơn, tôi thấy đồ đạc vô cùng đơn sơ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Trong nhà có một ni cô đang ngồi đả tọa. Ông lão châm nến lên, sau đó nói chuyện với lão ni cô bằng tiếng Tứ Xuyên, tôi cũng không hiểu được câu nào.
Sau đó ông lão xoay người bước đi, không biết là đi đâu. Lão ni cô tới bên cạnh tôi, kiểm tra kỹ lưỡng vết thương trên người tôi. Đầu tôi bị con khỉ cào rách một miếng, rất đau, máu vẫn chảy, trên mông và đùi cũng bị cào rách mấy chỗ, nhưng không nghiêm trọng lắm.
Nhìn kỹ lão ni cô thì bà chừng khoảng 50, 60 tuổi, da trắng hồng, mặc một bộ đồ màu xám của nhà sư, trên đầu còn đội mũ. Cách ăn vận như vậy ở thánh địa nhà Phật trên núi Nga Mi này là quá đỗi bình thường, không có gì kỳ lạ cả. Nhưng khí chất của lão ni cô này thì tôi chưa gặp bao giờ, trông bà rất điềm tĩnh, rất thong dong, và đặc biệt ánh mắt xót thương ấy thì tôi chưa từng gặp ở bất kỳ ai.
Lão ni cô kiểm tra vết thương của tôi nhưng lại không chữa trị gì cả. Khi tôi còn đang vẩn vơ suy nghĩ thì đột nhiên bà nói bằng tiếng phổ thông rất chuẩn, hỏi tôi có phải tới núi Nga Mi để tự sát không? Tôi giật mình chấn động, buột miệng hỏi sao bà lại biết.
Lão ni cô nói rằng số mệnh của tôi ấn định là sẽ lắm bệnh nhiều tật, nhiều tai ương, dương thọ cũng không thể quá 25 tuổi. Lúc đó tôi đờ đẫn cả người, rất lâu sau tôi mới định thần lại được. Tôi lại hỏi sao bà biết chuyện của tôi, bà vẫn không trả lời mà chỉ nói rằng sở dĩ tôi lắm bệnh nhiều nạn, thọ mệnh cũng rất ngắn như vậy là vì kiếp trước tôi đã làm việc ác, đã nợ rất nhiều nghiệp lực. Nhưng hiện giờ không còn thế nữa, sau này mọi việc sẽ tốt đẹp lên, hơn nữa tôi cũng sẽ không chết vào tuổi 25.
Bà lại khuyên tôi không nên tự sát, tự sát gây tội nghiệp cũng giống như giết người, linh hồn của người tự sát thường phải trầm luân trăm năm cũng không được siêu sinh, thống khổ vô cùng.
Tôi ngây người nghe bà nói. Linh hồn ư? Đời trước ư? Nghiệp lực ư? Những thứ này tôi chưa từng nghĩ tới, cũng chưa từng tin thứ gì là kiếp trước hay đời này. Nhưng vào khoảnh khắc đó, không biết vì sao tôi lại tin rằng những lời của lão ni cô đều là sự thật, không chút mảy may ngờ vực.
Tôi hỏi bà vận mệnh của tôi vì sao lại thay đổi, bà không trả lời rõ ràng, chỉ nói: «Con người sinh một niệm, trời đất đã tỏ tường». Một niệm nhân nghĩa có thể khiến người ấy lên trời, trở thành Thần; còn một niệm ác có thể khiến con người trầm luân nơi địa ngục. Sinh – tử, họa – phúc của kiếp người kỳ thực đều liên quan mật thiết tới thiện ác trong ý niệm của mình.
Tôi như ngộ ra điều gì đó, có phải vì tôi cứu chú khỉ nhỏ, làm việc thiện, cho nên vận mệnh tương lai mới thay đổi? Lão ni cô nói rằng cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình, bái Phật không bằng tu tâm, có một cái tâm thuần thiện thì mới là hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Lúc đó với tôi những lời của lão ni cô quá cao thâm, tôi chỉ nghe mà thấy mơ màng, cũng không biết phải nói gì.
Lão ni cô không nói quá nhiều với tôi, cũng không chữa trị vết thương cho tôi. Bà chỉ đưa cho tôi cuốn sách Phật có 3 chữ nổi bật trên bìa. Sau đó lão ni cô nhẹ nhàng rời đi, còn lại tôi một mình trong căn phòng lập loè dưới ánh nến.
Lúc đó tôi có cảm giác như đang trong giấc mộng, cảm thấy ngày hôm nay trôi qua thật chóng vánh mà lại đằng đẵng như đã trải qua cả trăm nghìn năm. Tôi cầm cuốn sách Phật mà lão ni cô đưa cho rồi đứng dậy đi xuống núi, ý nghĩ muốn tự sát đã tiêu tan không còn dấu vết.
Trên đường xuống núi, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng những vết thương bị bầy khỉ cấu xé đã liền lại một cách thần kỳ. Những vết rách trên quần áo vẫn còn, vết máu trên đầu trên tóc đã khô lại, nhưng vết thương thì không còn. Vết thương trên đầu hay ở chân cũng vậy, đều biến mất, dù tôi sờ thế nào cũng không thấy đau, dường như tôi chưa từng bị thương.
Thời khắc đó lần đầu tiên trong cuộc đời tôi dâng lên niềm tôn kính và ngưỡng vọng với bầu trời, tôi bắt đầu tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại.
Sau khi xuống núi tôi về thẳng nhà, từ đó tôi bắt đầu bước vào tu luyện Phật Pháp. Và tôi muốn nói rằng tôi đang tu luyện «Phật Pháp» chứ không phải là «Phật giáo».
Tới tận bây giờ tôi vẫn chưa biết những người cứu tôi tên là gì, tôi cũng không biết lão ni cô ấy là người thế nào, nhưng chính vì cơ duyên này mà tôi bước vào tu luyện.
Tới nay đã 3 năm trôi qua, bệnh viêm gan B của tôi không chữa mà khỏi, hơn nữa tôi không còn mắc bệnh nặng nữa. Tuần trước tôi đã tổ chức sinh nhật lần thứ 25 của mình, vậy là tôi không phải chết…
Nhưng hạnh phúc hơn là tôi đã không tự sát. Tôi vẫn thường nhớ về khỉ con, nhớ lại ánh mắt đong đầy tình yêu ấm ấp của khỉ mẹ, và nhớ đến hình ảnh khỉ mẹ khẳng khái lao vào cái chết. Nếu không phải mẹ con khỉ đã diễn màn sinh ly tử biệt cảm động đó, có lẽ tôi sẽ không có cơ duyện bước vào tu luyện, lại càng không được sống mạnh khỏe tới tận bây giờ.
Nếu đời này kiếp này tôi tu thành chính quả, thì tương lai tôi nhất định sẽ thiện đãi chúng sinh…

Minh Nguyệt biên dịch

Chuyến vượt biên rùng rợn

Chuyến vượt biên rùng rợn
Nguyễn Thị Ngọc Nhung
Chuyện của Nguyễn Thị Ngọc Nhung mô tả những diễn biến rùng rợn của một chuyến vượt biên mà trong đó tác giả là nạn nhân. Được viết dưới dạng tự thuật, lôi cuốn từ đầu đến cuối, khiến người đọc vô cùng hồi hộp như được sống lại những kỷ niệm hải hùng của những ngày vượt biên.
o0o
Ghe tròng trành giữa dòng nước. Tôi sợ nên phải ngồi bám chặt mạn thuyền. Mắt láu liêng nhìn trời đêm sáng lờ mờ dưới ánh trăng mười chín.
Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe, gõ nhe trên mui báo hiệu cho mọi người là đã đến nơi an toàn.
Chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che nhìn vào và nói:
- Bây giờ mình phải đi bộ một khoảng, tui dẫn hai người một lần, chia ra để khỏi bị lộ, mấy người khác cứ ngồi đợi đến phiên mình, nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng.
Hắn dẫn hai người đàn bà ngồi sát cửa mui đi trước. Cả đám ẩn nhẫn ngồi đợi. Tim tôi chưa hết hồi hộp đập thình thịch thể như ai ngồi gần cũng đều có thể nghe được.
Phong nắm tay tôi. Tạy chàng đẫm mồ hôi và lạnh.
Tôi phải ngồi bệt và khom lưng gọn lỏng trong lòng Phong, hai đầu gối co đụng cằm.
Khoang ghe quá chật cho 10 người ngồi chèn lên nhau, phía ngoài còn tấn thêm mấy buồng chuối, mùi nhựa xông lên nồng chát.
Bên trái tôi là ba mẹ Phong vúi sát nhau. Một bé trai độ bốn năm tuổi bị cho uống thuốc ngủ nằm im lìm trong lòng cha nó. Bà vợ ngồi kế bên, chân trái bà đạp chân tôi, nhưng hình như bà không hay, và tôi cũng không thể dời chân đi nơi khác được, nên đành chịu trận! Người con gái ngồi kế bên, có lẽ là em gái bà, mặc bà ba đen như gái quê, mặt hai người từa tựa nét.
Khí trời đêm hơi lạnh, nhưng bên trong khoang nóng hầm hơi người. Hình như cái nóng hậm hực ấy tăng gấp bội khi nó trộn lẫn với nỗi căn thẳng bập bùng ngợp ngụa không gian.
Tôi lén nhìn đồng hồ giấu trong ngực áo. Khoảng 02:15 sáng. Tôi thì thầm bên tai Phong: «Hơn hai sáng rồi anh». Phong nhẹ gật đầu.
Người đàn ông chèo lái ngồi im như pho tượng. Đôi khi ánh mắt của hắn lấp lánh nhẹ dưới ánh trăng khi chớp. Cái mũi dài mang nét khoẵm khiến hắn lộ đầy vẻ gian ác, nhưng nụ cười nở rộng với hàm răng thưa làm giảm bớt cái ấn tượng xấu nơi người đối diện. Hắn mặc áo bà ba đen, tay áo xắn tới cùi chỏ.
Người đàn ông mà lúc nãy đã trở lại sau khi đưa hai người đàn bà lội bộ băng qua hàng cây thấp. Hơi thở của hắn nóng hôi hổi phà ngay trên mặt tôi khi thò đầu vào khoang để kêu người đàn ông ấm đứa con đang ngủ mê mệt. Người chồng bỏ ra đàng lái ghe, vác đứa bé trên vai như vác bị gạo, mò mẫm bước lên bờ. Vấp phải vật gì trên bờ đất, ông chúi nhủi suýt té, tay cô giữ thằng bé, người lão đão bước quàng xuyên rồi mới đứng thẳng lên được.
Tên dẫn đường bận áo sơ mi màu nâu đen, quần tây nhầu nát, ống nhỏ, túm lại hơi ngắn lên trên mắt cá, có chỗ sờn, mang đôi dép mỏng. Hắn ta tương đối coi được hơn người ngồi đàng lái. Với nước da đen tái, môi thâm vì thuốc lá, nhưng lại vẽ lên một nụ cười thật đẹp với đồng tiền lúm bên trái với kẻ răng đóng đầy nhựa thuốc. Đôi mắt mí to và hàng mi rậm, Duy có ánh mắt của hắn là không thẳng thắn, còn ngoài ra hắn dễ dàng lấy cảm tình của người lạ với giọng nói trầm và chậm.
Chúng tôi chưa bao giờ gặp hai người đàn ông này. Chuyến đi này chúng tôi qua trung gian bởi người bạn thân giới thiệu. Người bạn đó đã đến Mã Lai an toàn, chính vì vậy mà tôi và Phong mới tin tưởng nơi người trung gian này. Hơn nữa chuyến đi nầy lại có cả gia đình người thân gì đó của họ cũng đi nữa. Như vậy thì không có gì để chúng tôi lo ngại. Thường là khi chắc ăn rồi, thì người trung gian mới dẫn gia đình đi sau khi đã mối lái nhiều lần.
Ba mẹ Phong và tôi phải xuống cần Thơ già đi thăm bà con. Tôi mặc hai bộ đồ trên người, giấu theo ít vàng và nữ trang. Phong mặc quần áo nhăn nhúm không ủi. Mẹ Phong thì mặc áo bà ba, quần thâm; Ba Phong thì mặc đồ rách, và chùm vá đụp mấy chỗ, chân mang dép xút quay cột nối bằng mấy cọng kẹm. Tất nhiên là không dễ gì qua mắt người dân miệt quê đó, nhưng hình như họ cũng cảm thông mà thấy tội nghiệp trước sự «đóng kịch» một cách vụng về vì trả hình không đúng nên tôi thường bắt gặp ánh mắt ái ngại nhìn mà không dám hỏi vài lần trên suốt đường đi.
Đến nơi, cả bốn chúng tôi (ba mẹ Phong, Phong và tôi) được dẫn đến một căn nhà dựa mé sông chờ đến tối mới xuống ghe nhỏ theo sông ra cửa biển, nơi có ghe lớn đợi sẵn.
Trong nhà, lúc nầy, có độ hơn 10 người khác đợi sẵn để khi chúng tôi đến rồi biết chia nhóm mà theo ghe.
Tôi dặn Phong là nên tìm cách đi chung với người trung gian thì bảo đảm hơn. Phong gật đầu, nhưng gia đình người đó cả thầy là tám, và thêm hai người nữa thì vừa đủ cho một chuyến. Nhưng tôi và Phong đều không muốn đi tẻ ra riêng, nên đành phải chờ chuyến chót 10 người cho chuyến 10:.00 tối.
Thoạt đầu, ngồi chen chúc nhau trong khoang. Tôi muốn ngộp thở với hơi người, với mùi bùn non, và mùi nước đọng hồi hám ở đáy ghe.
Hai người chèo ghe bắt chúng tôi khom lưng gần như nằm mọp xuống, tấn bên ngoài, dằn bên trên mấy buồng chuối xanh sau khi đậy bao bố tời dơ bẩn lên đầu mọi người.
Đường đi may mắn yên tĩnh không có chuyện gì xảy ra tuy rất chậm và kéo dài như không bao giờ đến nơi.
Người đàn ông dẫn đường khi nãy, đang trở lại, kêu bà vợ và cô em gái của bà cùng đi. Tôi chợt ngửi phải mùi nồng tanh tưởi nơi áo hắn khi hắn nghiêng người khềo vai bà vợ. Bỗng dưng tôi nghe lợm giọng mà không hiểu tại sao. Cái mùi thật là lạ lùng.
Bóng tối trong khoang thuyền không cho phép tôi nhìn rõ mặt hắn. Mùi tanh đến lạ lùng. Hơi thở của hắn cũng nặng nè hơn. Tôi thì thào với Phong sau khi hắn đã đi.
- Anh có nghe mùi gì không?
- Không! Mùi gì?
- Có mùi tanh tanh kỳ lắm!...
Phong bâng quơ qua chuyện.
- Có lẽ mùi bùn đó mà!
Cũng khá lâu, người đàn ông dẫn đường mới trở lại. Có lẽ hắn đi không lâu lắm, nhưng khi chờ đợi thì năm ba phút dễ biến thành năm ba giờ.
Chỉ còn bốn người trong khoảng. Hai người đàn ông bàn tính nho nhỏ trên bờ. Tôi bỗng nghe gai ốc nổi đầy người. Tôi nắm chặt tay Phong. Mồ hồi tươm ướt cả lưng.
Người đàn ông đẹp trai khi nãy kêu chúng tôi ra khỏi khoang. Anh nói với giọng khoan thai:
- Bây giờ tôi dẫn mấy ông bà đi từng hai người một. Để khỏi mất thì giờ, hai người đi với anh Ban, hai người đi với tôi. Tụi tui chia ra đi hai đường, nhưng đường nào cũng dẫn tới chỗ ghe lớn. Đi đông sẽ có nhiều tiếng động dễ bị lộ.
Rồi không đợi phản ứng của người nào hết, hắn hất hàm về phía người có cái mũi khoẵm tên Ban, và đẩy cha mẹ Phong về phía đó. Quay nhìn hai đứa tôi, hắn cười, hàm răng lởn nhởn dưới ánh trăng. Bóng đen làm lúm đồng tiền nổi trên má, rồi hắn quay lại bắt đầu đi về phía rừng cây thấp.
Phong nắm tay tôi đi theo hắn. Rừng cây tối mờ dù là rừng thưa, bóng lá đen ngòm trên đường lồi lõm. Tôi vấp té loạng chọang nhiều lần nên đi chậm hẳn lại.
Chợt, một nhánh cây từ đâu đập vào mặt tôi đau điếng! Tôi khựng lại, giằng tay khỏi tay Phong để cúi người, lom khom, đở nhánh cây lên. Bỗng dưng, tôi nghe thấy tiếng nói của ai đang vọng lại từ một cõi xa xăm nào đó!…. Nhưng không! Không chắc là mình đúng, có lẽ chỉ là tưởng tượng thôi. Nhưng, sao tứ chi tôi chai cứng khi vẫn còn nghe thứ âm thanh nhọn như tiếng mèo gào giữa đêm khuya. Tim tôi đập cùng loạn! Tôi quờ quạng tìm tay Phong. Chàng đứng sát tôi, chợt tôi cảm thấy cả người mệt mỏi và thỏng dài…
Người đàn ông dẫn đường quay nhìn hai đứa tôi. Bóng tối lờ mờ, nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt kỳ lạ của hắn. Bỗng nhiên, nỗi sợ hãi ùa tới tràn ngập hồn tôi với sự im lặng kỳ lạ của người dẫn đường đã không thúc hối khi thấy chúng tôi khựng lại. Anh không hề kêu chúng tôi nhanh bước.
Thời gian đứng khựng, và cả ba chúng tôi đứng im như chờ đợi phản ứng của nhau.
Chợt, không hiểu tại sao Phong lại kéo tay tôi thật mạnh chạy ngược trở lại hướng chiếc ghe vừa rời lúc nãy. Tôi chạy cuống cuồng theo tay kéo mù loà của chàng. Rừng cây như cái ma trận. Chúng tôi chạy bất kể mọi thứ.
Rồi cả hai cũng trở lại được bờ sông nơi gặp nhau khi nãy. Người đàn ông tên Ban đang cui khom lục loi chi trên cái bóng đen đang nằm im bên chân hắn. Tôi đứng sựng, chết trân, kêu không ra tiếng. Miệng lưỡi dính thành một khối nghèn nghẹn. Bóng đèn dưới chân hắn là mẹ của Phong vói nửa trên loa thể, tư thế co quập, mặt úp xuống bùn.
Ban, hình như cũng không ngờ sự có mặt của chúng tôi. Hắn đờ người, tay còn cầm sợi dây chuyền vàng lòng thòng. Trong khoảnh khắc chúng tôi nhìn hắn, nhìn cái búa bửa củi vứt bên chân. Tôi không thấy máu, vì bóng đen làm nhòe bẩn mọi thứ. Nỗi sợ hãi dâng lấp trí óc tôi. Ý nghĩ lướt thật nhanh trong đầu. Tôi chợt hiểu ra ngay là tại sao chúng muốn dẫn từng hai người một. Tôi sực nhớ đến người dẫn đường. Dù hoảng sợ, nhưng tôi vẫn còn sáng suốt để nghe rõ tiếng chân chạy đuổi và tiếng la của hắn đâu đó:
- Ê Ban, coi chừng tụi nó chạy. Ban! Ban! Tụi nó chạy rồi!
Phong vụt chạy về chỗ neo ghe. Tôi chạy theo tay níu của Phong đến sát mé nước chân vấp phải vật gì. Tôi ré lên như đạp phải giòi. Nhìn xuống, ba Phong nằm nửa người vùi dưới nước. Phong khựng lại vì tiếng la của tôi, rồi đấy tôi ra sông. Tôi sặc sụa, nước chỉ mới ngang người. Phong hét vào tai tôi:
- Lội mau lên! Lội ra giữa sông ngay!
Tôi lội hối hả, tay chân nặng trình trịch vì hai bộ đồ sủng nước. Tôi quay người tứ phía, vì không định rõ là mình lội về hướng nào mới đúng.
Tiếng người la hét sau lưng nghe chói tai đến độ hãi hùng.
Một tràng đạn bắn vãi quanh tôi và Phong. Chàng nhấn đầu tôi xuống nước. Không bao lâu, tôi ngộp thở, hất tay Phong để trồi lên hớp không khí.
Súng nổ liên hồi như sát bên tai. Tôi lýnh quýnh đập tay chân loạn xạ. Chưa đầy mấy phút mà đã mệt lã người. Tôi càng cố trồi lên chừng nào thì lại càng bị chìm xuống chừng nấy. Tôi lặn lên hụp xuống như người sắp chết đuối. Có lẽ nhờ vậy và tôi tránh được đạn đang bắn xối xả chung quanh. Phong khi lặn thì kéo tôi hụp xuống, khi nổi lên thì chàng đẩy tôi chùi tới. Tôi lội tới tập với cảm tưởng như mình nổi ì một chỗ. Đầu óc dù rối loạn, nhưng hình như vẫn tỉnh táo, rất tỉnh táo để thấy ánh trăng mờ trên cao, cây cối đứng im nơi bờ, bóng nước lắp lánh quanh mình. Hơi thở hào hển, Cơn mệt muốn đứt hơi và mấy bóng đèn trên bờ với những lọat đạn dữ dội.
Tôi lội như máy, hơi thở dân ngắn với nước tuôn vào mũi miệng sặc sụa. Biết mình không đủ sức, tôi thả ngữa để Phong vịn vai đẩy đi.
Hình như chúng tôi đã ra được giữa sông! Tôi nhìn vào bờ, chỉ thấy dạng chiếc ghe. Hai bóng đen tàn ác nhoè đi, lẫn trong bóng đêm. Nhưng, những đóm lửa nháng lên nơi nòng súng với tiếng nổ vẫn còn đó.
Tôi đạp chân để phụ sức với Phong, mắt nhìn thẳng lên lòng đêm có trăng sao đầy đủ. Trời đất có đó, nhưng hình như đã bịt tai im lặng trước hành động dã man nầy. Tôi nhẩm cầu những đấng tối cao tôi có thể nghĩ đến trong nhịp tim hỗn loạn.
Tiếng súng bỗng im bặt. Sự im lặng hãi hùng để chụp lấy tôi. Tiếng đạp nước vùng vậy của chúng tôi bỗng trở thành tiếng động duy nhất nghe rõ mồn một trong đêm. Tôi lật sấp người lại, tiếp tục lội. Bên bờ kia vẫn còn xa thăm thẳm! Có lội ngang sông, mới thấy con sông không nhỏ như tôi tưởng khi còn ngồi trên ghe.
Phong nhìn lại rồi nói qua hơi thờ đứt quảng:
- Tụi nó đang chèo theo! Lội lẹ lên em may ra thoát!
Câu nói của Phong lại được đệm theo bằng những tiếng súng, nhưng rời rạc hơn lúc nãy. Tôi muốn bịt tai lại để đừng nghe thử âm thanh dữ dằn chở đầy gai nhọn đâm thẳng vào tim óc. Tôi nhìn lui, không hiểu sao trong lúc bấn loạn, trí óc vẫn tiếp tục có lúc minh mẫn để sáng suốt những thứ không dính dáng gì cả với quanh mình.
Chiếc ghe trôi lừ đừ ra giữa dòng sông. Lửa đỏ loé quanh. Tôi nghe rõ tiếng mái dầm quậy nước lẫn với tiếng súng mỗi lúc một thưa hơn. Tiếng lủm chùm của đạn rớt không còn nghe gần đâu đây nữa, mà vạt ra xa về phía bờ bên phải.
Phong Kề tai tôi thì thào:
- Tụi nó không thấy mình. Em hãy lội nhẹ dưới nước, thả trôi lần vào bờ, đừng gây tiếng động mạnh, khi tụi nó bắn thì mình lội nhanh hơn một chút.
Đám lục bình nhỡn nhơ trôi đâu đó làm hai tên kìa nhầm lẫn. Chúng la hét lẫn nhau:
- Mấy bắn lục bình không hà, Ban. Ê, ê, đụ mẹ tụi nó trôi hướng này mà sao mầy cứ bắn hướng đó hoài vậy? Đụ má! Giết có hai đứa mà cũng không xong thì biết làm ăn con cặc gì đây mậy?
- Câm cái miệng mày lại! Đứa nào để xảy. Hả? Mẹ cha nó, tao bắn trúng chỗ. Chắc tụi nó chim rồi! Không tin thì thôi! Đụ má bỏ cho rồi! Sống chết kệ mẹ tụi nó! Đi về cho rồi! Trời gần sáng rồi. làm cả đêm, mệt chết mẹ!
Mọi thứ vụt im, không còn tiếng mái chèo lẫn tiếng chửi thề nữa. Tay Phong nắm cứng vai tôi trong khoảnh khắc rồi buông ra. Tôi chúi đầu sát mặt nước, tay chân cố khuấy thật nhẹ nhưng vẫn mang cảm tưởng nặng trình trịch lào xào khuấy nước.
Im lặng nặng như tấm màn sủng nước phủ đè lên tâm trí tôi. Tìm tui đập rối rít, mạch máu nhảy trong tim hào hễn. Tại tôi nghe được tiếng bình bịch của tim mình tưởng như ai cũng đều nghe thấy. Chợt, như có người dúi chân tôi xuống. Tôi giật mình khi chân đạp phải lớp sinh mềm. Phong đứng, mặt ngữa lên, chỉ chừa mũi thở, cả đầu dìm gần hết dưới nước. Tôi bắt chước Phong, đỡ mệt vì chân đã chạm đáy sông, nhưng thỉnh thoảng phải đổi chân vì lớp sinh mềm khiến chân chùi nghiêng không vững.
Được một lát, tôi ngẩng nhìn, thì vừa lúc trong bóng đêm nơi kia lại nghe họ lên tiếng:
- Đằng kia kìa! Đó! Đụ má, tụi nó vừa hụp xuống chỗ này nè! Mầy bắn chỗ đó coi!
Phong nắm tay tôi, kéo hụp xuống nước.
Khi nghe được tiếng nói trên ghe thì tôi kịp chuẩn bị hít một hơi thật dài để không bị ngộp lâu.
Đạn bắn tung tóe sát nôi tôi đứng. Phong dò dẫm bước đi dưới nước. Tôi bước theo mò mẫm, chân đạp sình loạng choạng khi thỉnh thoảng bước hụt vào nơi trủng sâu làm tôi hốt hoảng, níu chặt lấy tay Phong. Miệng há ra bất ngờ khiến nước ủa vào miệng, tôi ngột ngạt trồi đầu lên thờ. Trước mặt tôi, đám lục bình bị kẹt những nhánh cây dừng lại dồn đống bên bờ. Tôi chui sâu vào đám lá, chỗ nước cạn ngang bụng nên ngồi chòm hõm dứới nước.
Bóng ghe đi ngang thật rõ. Tiếng nói chuyện vang vang:
- Kệ mẹ tụi nó! Về cho rồi! Mày cất đồ chưa?
Giọng trầm khoan thai trả lời như không bị ảnh hưởng gì hết với những hỗn loạn máu me vừa rồi.
- Rồi! Hỏi hoài! Tao lục hết mấy cái thây rồi. Trừ khi họ nuốt vô bụng thì tao chịu chết! Ờ! Hay là mình quay lại mỗ mấy cái thây đàn bà? Tụi nó có khi nuốt hột xoàn...
Giọng kia bẳng gắt hơn:
- Sao hồi nãy hỗng nói? Đụ mẹ! Gì cũng mầy! Đợi xong rồi mới nói. Làm xẩy hết hai đứa… Thôi, gần sang rồi. Mỗ miết gì nữa. Đụ má nó!
Tiếng đối thoại nhỏ dần theo chiếc ghe đan xa lần trong đêm tối.
Phong lần mò cố đứng lên, nhưng bị trượt lên trượt xuống vì cái lớp sình ở bờ sông. Nhưng, cuối cùng cũng bò lên được bờ đất. Tôi đạp sình nhão nhoẹt len giữa nhũng kẽ ngón chân để theo Phong leo lên chỗ đất cứng. Bờ đất với muôn ngàn rễ cây chằng chịch, mà không rõ là những cây gì, làm chân tôi bị vấp đau điếng. Tôi ngồi bệch xuống đất, lần ngực áo tìm cái đồng hồ. Ánh lân tinh mờ ảo của hai cây kim và những con số của cái đồng hồ cho tôi biết đã 4:20 sáng.
Vừa định nói gì với Phong, thì tôi nhận thấy mình hơi bị lạc giọng:
- 4:20 rồi anh! Giờ tính sao đây?
Phong, có lẽ mệt quá, nên không trả lời, mà cởi áo ra vắt nước. Tôi cũng cởi bớt bộ đồ bên ngoài ra vắt nước, rồi phơi trên nhánh cây gần đó. Hơi lạnh tinh sương thấm qua lần áo ướt còn lại trên người khiến tôi nỗi da gà. Cái lạnh làm tôi run bật lên từng cơn, hai hàm rang đánh bò cạp liên hồi theo phản xạ tự nhiên .
Tôi ngồi bó gối. Hai tay ôm chân. Co ro! Phong choàng tay qua tôi, ôm cho tôi ấm. Hai đứa chúi vào nhau. Đầu óc tĩnh dần, nhưng cố không nghĩ đến những gì vừa xảy ra.
Rừng cây thưa, không một bóng nhà, hay ngay cả một ánh dèn leo lét nào. Sao trên trời thật nhiều, và thật sáng.
Tiếng ếch nhái ễnh ương đâu đó vang lên, thật bình yên như không nghe thấy chuyện gì vừa xảy ra! Bất giác, nước mắt tôi chầm chậm lăn dài xuống má. Cơn sợ hãi đang dần lắng xuống. Giờ chỉ còn bị lạc long khốn cùng sau cơn bão tàn khốc. Tôi có cảm tưởng vừa trống không vừa đầy ấp đến độ buồn nôn! Không biết tôi phải nên nói gì, và làm gì. Sau «cơn giông» tàn bạo, sực thấy mình không là gì cả. Tay chân dư thừa.! Trong đầu đầy rẫy những hình ảnh chết chóc, và cảm thấy như mình rất mong manh, dễ vỡ tan thành mãnh vụn!
Giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống như đã khơi dậy những «trùng dương» trong tôi. Bất giác, tôi khóc một cách ngon lành như một đứa trẻ chưa bao giờ được khóc. Trí óc tôi bắt đầu lần mò hồi tưởng lại cái xác người mà tôi bị vấp phải ở mé nước; Sợi dây chuyền vàng đong đưa trong tay gã đàn ông đang cúi mình trên cái xác trần. Tim tôi hụt nhịp. Những người đi chung ghe đã chết. Tôi nhớ thằng bé ngủ say vì thuốc. Cô gái thì thầm với tôi: «Bố em ở Texas. Anh ấy hứa sẽ đón em khi em tới đảo. Mấy năm qua, em chỉ chờ có dịp đi nầy. Tưởng là sẽ không bao giờ gặp lại rồi chứ!». Cô cười vui sướng, lòng tràn đầy hy vọng. Giờ thì… không bao giờ gặp được rồi. Em ơi!
Tôi gục đầu, ủ rủ trong nước mắt. Phong vẫn ngồi trong in lặng. Chúng tôi đã gặp bọn cướp. Lũ cướp cùng màu da, cùng tiếng nói với mình. Tôi đã từng nghe người ta kể «hải tăc» Thái lan. Nhưng tại sao tôi chưa bao giờ nghe nói đến lũ cướp cùng màu da, cùng tiếng nói với mình? Giờ thì tôi hiểu ra tại sao rồi. Chúng đã giết sạch hết thì còn lấy ai đâu nữa mà kể lại chuyện thương tâm nơi bờ sông vắng. Và, đã có biết bao nhiêu «bờ sông vắng» chứng kiến những cảnh tượng như thế nầy?
Tôi chậm nước mắt lên tay áo còn ẩm nước sông, rồi nằm lăn ra đất như để những nỗi hờn oan tỏa đều trên mặt đất hầu tâm hồn tôi đươc thanh thảng ít nhiều chăng!
Phong nằm cạnh bên tôi trên mặt đất. Tôi gối đầu lên tay chàng, sờ soạng mặt chàng trong đêm tối với những ngóm tay ướt dầm nước mắt. Tôi vùi mình trong lòng chàng, cảm kích, và đau đớn vô vàn.
oOo
Bà ngoại Phong mất sau 2:00 sáng cùng ngày hôm ấy. Dì Sáu cho chúng tôi hay mấy ngày sau khi chúng tôi mò về được đến nhà. Bà mất đúng ngay ngày chúng tôi bị nạn.
Khoảng lúc 2:00 bà còn đòi dì Sáu rót cho bà tách trà; Sau đó dì đi về giường của mình. Đến sáng thì bà đã chết cứng trong tư thế hai chân đang thò ra ngoài như sửa soạn xuống giường, và tay phải níu chặt thành giường, mắt mở hé.
Phong ôm đầu nghỉ ngợi mông lung. Lát sau, Phong hỏi dì Sáu:
- Dì có chắc là ngoại mất sau 2 giở không?
- Dì biết chắc! Là vì dì còn nhớ là lúc dì rót cho ngoại nửa tách trà, khi để tách xuống bàn, tự nhiên dì chợt nhìn cái đồng hồ để ngay đó chỉ gần 2 giờ, chứ dì có định coi giờ đâu.
Dì Sáu là em út của mẹ Phong. Dì lớn tuổi, nhưng không có con. Chồng dì đang ở trong trại tù «cải tạo» nên dì không muốn đi với chúng tôi; Vả lại, ngoại nay đã hơn 75 rồi, già yếu, lại bệnh hoạn nữa; Nếu dì đi rồi thì ai trông nôm ngoại.
Dì có nhiều nét giống mẹ Phong, nhưng khô khan và cằn cỗi hơn. Mắt dì sung húp vì khóc nhiều.
Lúc mở cửa thấy hai đứa tôi, dì òa lên khóc như một đứa trẻ. Thấy trở về là dì biết ngay là đi không thoát; Phần vì mới chon cất mẹ có một mình nên dì thấy tủi thân, mủi lòng mà khóc. Đến khi biết ba mẹ Phong đã tử nạn, dì bật lên khóc thảm thiết hơn nữa. Phong chỉ ngồi yên nhìn tôi và dì, mặt chai cứng với vẻ giận dữ và oán hờn.
Tối hôm đó, Phong đang ngồi trên giường ngoại. Chợt nhớ ra điều gì, Phong bỗng la lên:
- Mình thoát được là nhờ ngoại đó. Em ơi!
Tôi nhìn Phong, không hiểu gì. Dì Sáu hỏi:
- Con nói sao?
Đôi mắt xa xôi, Phong chậm rãi nói:
- Lúc vợ con giật tay con đứng lại, tự nhiên con thấy bà ngoại. Thấy như thế nào thì con không biết, lúc đó, chỉ biết là thấy mà trong người không hề thắc mắc tại sao.
Bà ngoại xua xua tay biểu: «Chạy đi con, lội qua bên kia sông mau! Lẹ lên! Chạy đi con!». Con nghe rõ ràng giọng thúc hối nóng lòng của Ngoại. Con đang hoang mang chưa biết làm gì thì lại nghe bà nói: «Mẹ mày chết rồi. Chạy mau lên đi con ơi!». Rồi như có gì ám, con lôi tay vợ con chạy về phía bờ sông theo lời Ngoại.
Tôi nghe lạnh nơi sống lưng. Đến phiên tôi nhớ lại. Vậy là tôi đã không vô cớ kéo tay Phong đứng lại, rõ ràng là có nhánh cây đập nơi mặt đau như trời giáng nên tôi đứng lại không suy nghĩ. Khi mặt trời lên, Phong nhìn vào chỗ cây đập trên người tôi mà không thấy vết bầm hay trầy trụa nào trên mặt tôi cả. Tại sao vậy? Tôi tự hỏi. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì cái đau xé da thịt kia không thể nào không để lại dấu vết trên mặt. Còn tiếng gào, thứ tiếng đau đớn của một con thú bị nạn. Thứ âm thanh chỉ có thể tạo được bởi cơn đau tận cùng xương tuỷ. Phong đã không nghe tiếng gào nào hết khi giật tay tôi quay lui chạy ngược về hướng cũ.
Không dám suy nghĩ nhiều hơn, tôi chỉ đơn giản cho rằng mẹ Phong đã tìm cách cứu chúng tôi bằng tiếng gào mà bà đã không kịp thoát thành tiếng. Tôi đã nghe được thứ âm thanh xé rách màn đêm chọc thẳng óc mình, đã ngửi được mùi máu trên áo kẻ sát nhân. Nếu không có nhánh cây quật vào mặt, thì tôi đã không dừng lại và đã tiếp tục ngoan ngoãn đi theo tên dẫn đường gian ác kia rồi. Nếu không có tiếng gào, có lẽ tôi vẫn tiếp tục đi không chút ngờ vực. Tiếng gào và cái đau của nhánh cây quật mặt, cả hai đều là thật, thật như nỗi hãi hùng của cuộc thảm sát ghê rợn nơi bờ sông vắng. Tôi đã cảm thấy được tất cả mọi thứ bằng mọi giác quan trên người. Có thể, nhánh cây làm tôi đau nhưng không để lại dấu vết, nhưng còn tiếng gào, tôi phải giải thích làm sao khi Phong không hề nghe có tiếng gào nào hết. Như vậy thì rõ ràng là hai đứa tôi đã được báo động cùng một lúc bằng hai hình thức khác nhau. Và nhờ hành động vụt chạy bất thần khiến tên dẫn đường không kịp trở tay. Nếu không, nếu không... tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không, nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra và tôi sẽ làm gì nếu gã đàn ông không gờm tay với mình giả như tôi và Phong cùng rơi vào tình trạng sống chết dưới tay hắn?
Đây là nỗi ám ảnh không biết đến khi nào tôi mới được quên dù đã yên ổn xứ người nhiều năm sau đó.

Nguyễn Thị Ngọc Nhung