Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Tuesday, December 24, 2019

Vợ Hiền



Vợ Hiền


Tràm Cà Mau


Vợ tôi không phải là một người đàn bà có nhan sắc khuynh nước đổ thành. Bởi tôi, vốn tài mạo tầm thường và cũng không có nhiều may mắn bất ngờ để lọt mắt xanh những cô có nhan sắc chim sa cá lặn.

Vả lại tôi cũng thường nghe bố tôi tuyên truyền nhồi nhét trong cái đầu từ nhỏ rằng, đẹp đến mấy rồi cũng trở thành méo mó xấu xí, và vợ đẹp là vợ người ta. Vợ tôi cũng không có tài ba xuất chúng, bởi tôi vốn nể sợ và có thành kiến với những người đàn bà tài giỏi, vì họ thường kiêu ngạo và hay thành độc tài vợ trị. Ðộc tài đảng trị thì có thể bỏ nước chạy ra biển chết, chứ độc tài vợ trị thì không chạy đâu cho thoát cả.

Vợ tôi chỉ là một người đàn bà trung bình trên tất cả mọi mặt. Với một vóc dáng tầm thường bên ngoài, không vêu vao xấu xí khó nhìn. Bên trong nàng mang một tấm lòng hiền hậu, bao dung, biết hành xử khôn ngoan khéo léo, để đem lại cho gia đình hạnh phúc êm ấm lâu bền mà tôi vô cùng biết ơn mỗi khi nghĩ đến.

Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi, chưa bao giờ có cử chỉ hay ngôn ngữ thiếu lịch sự, cũng chưa lần khóc lóc giận hờn đòi hỏi điều này điều kia, hoặc đặt điều kiện làm khó, hay so đo chuyện nhà với gia đình người khác. Ngoài tình cảm thắm thiết chia xẻ của vợ chồng, nàng âu yếm như một người tình, khoan dung rộng lượng như một người mẹ và hiểu biết như một người tri kỷ.

* * *

Năm tôi hai mươi tám tuổi, mẹ tôi nóng ruột thúc hối ép tôi lập gia đình. Bà đưa cái công thức cổ xưa của mấy ông Tàu bày ra là «tam thập nhi lập.» Tôi cũng chưa đến ba mươi, mẹ tôi cứ gán đại thêm cho hai tuổi để bề nói ép uổng.

Tuổi đó, thích được quen nhiều bạn gái, bạn thôi thì được, nhưng nghe đến chuyện hôn nhân là xanh mặt. Vì qua kinh nghiệm bạn bè, kinh nghiệm giao tiếp trong sở, tôi thấy đa số mấy anh có vợ rồi thì dường như bị khép chặt trong cái vòng chuyên chính của bà vợ nhà.

Cái vòng tuy lỏng lẻo và êm ái, nhưng bằng sắt, rất chặt và siết cứng. Một anh bạn thân, lâu lâu giận vợ, đến nhà tôi ở lại, nằm rũ ra trên giường như đống mền rách rầu rỉ nói với tôi: «Tao chỉ mong có được một ngày an bình, sung sướng như mầy, một ngày thôi cũng đủ.» Nghe thế thì không sợ sao được?

Trong sở tôi, có mấy anh bạn bị vợ cào rách mặt và phải lấy cớ là dao cạo râu cắt. Ai cũng biết chuyện gì đã xẩy ra, vì mặt mày các anh láng lẫy, trơn tru, có sợi râu nào đâu mà phải cạo cho dao cắt! Một ông lớn tuổi khác, vợ vào tận sở xé áo và kêu bằng mày tao, còn tố cáo ông mang bằng kỹ sư giả bên Pháp về.

Nhan nhản những tấm gương gia đình u ám trước mắt như vậy, thì chỉ có ngu quá hoặc liều mạng mới không sợ mà thôi.

Tôi khất lần mãi không được, phải bẻn lẻn theo mẹ, đi ra mắt, và xem mặt nhiều cô con gái các gia đình mà bà quen biết. Tôi theo lời dạy của một anh quân sư quạt mo, cứ mang bộ mặt đưa ma đến nhà người ta và

ăn nói nhát gừng cộc lốc, thì không ai muốn gả con gái cho, và các cô thấy vậy thì cũng ớn lạnh mà dạt ra.

Thế mà cũng có nhiều nhà khen tôi hiền lành, ít át, muốn gả con gái cho. Tôi tìm đủ lý do nói riêng với mẹ để chê bai, từ khước. Cô thì chê mặt dài, cô thì chê mũi lớn, cô khác chê mắt có đuôi, cô thì mồm như có râu. Toàn cả những lý do vu vơ. Mẹ tôi phiền muộn thở dài, vì biết con trai bà cũng chẳng có sự nghiệp gì sáng giá, chẳng có một phong cách đặc biệt nào, mà đòi hỏi quá đáng chăng?

Không nỡ để thấy mẹ buồn, tôi đem Lam, người bạn gái thân thiết nhất về giới thiệu với mẹ, bà vui vẻ chịu ngay. Bà khen Lam láu lỉnh, bặt thiệp và xinh đẹp. Mẹ tôi đến thăm xã giao nhà Lam hai lần dể dò xét gia thế, và quyết liệt chống đối cuộc hôn nhân, lấy lý do là mẹ Lam dữ dằn và có cách cư xử thiếu lễ độ với chồng. Tôi nói: «Con cưới Lam chứ cưới bà ấy đâu mà mẹ sợ?».

Mẹ tôi nhất quyết tin rằng, mẹ hổ thì khó sinh được con cừu. Vì cách đối xử của cha mẹ, ảnh hưởng đến tính tình con cái. Cha mẹ dữ dằn, con cái khó mà hiền lành được, vì ngày ngày học cách ăn nói, cách đối xử, tiêm nhiễm những thói quen của cha mẹ, và đem ra xử sự với đời, mà không biết đó là xấu.

Tôi cố bào chửa cho Lam, nhưng mẹ tôi đã nhất quyết, không lay chuyển được. Bà nói: «Mẹ thương con, mẹ không muốn sau nầy con khổ vì đời sống gia đình thiếu hạnh phúc. Vì không có gì khổ bằng có vợ dữ dằn, hỗn láo, có thể làm người chồng buồn phiền sinh ra rượu chè, cờ bạc, trai gái hư hỏng. Mẹ thương con, lo cho tương lai con nên mẹ không chịu».

Tôi định nói với mẹ rằng, con trai của mẹ cũng chẳng hiền lành chi, mà chê thiên hạ. Nhưng sợ mẹ buồn nên im lặng. Mẹ của Lam biết được ý kiến của mẹ tôi, nổi tự ái, nói nhiều lời tàn nhẫn, tổn thương đến gia đình tôi, và tuyên bố không bao giờ gả Lam cho tôi.

Khi bị trắc trở, ngăn cấm thì tình yêu càng thêm tha thiết bốc lửa, và hai đứa tôi càng quyết vượt qua hàng rào ngăn cản của gia đình. Muốn sống cho nhau, và sống chết vì tình yêu.

Một lần chìu ý mẹ, tôi miễn cưỡng đi xem mặt một cô mà mẹ tôi gọi là gia đình phúc hậu đàng hoàng. Tôi chẳng tha thiết gì, chỉ giữ đủ lịch sự tối thiểu để cho mẹ khỏi mất mặt.

Lần đó Lam biết được, nàng giận dữ xỉ vả tôi: «Anh là một thằng đểu cáng, xấu xa đê tiện, một kẻ hèn nhát núp váy mẹ, không dám làm gì cả. Anh không xứng đáng với tình yêu của tôi.»

Tôi nghe mà bàng hoàng, như bị sét đánh. Hai đứa giận nhau. Tôi chợt

nhớ tới lời nhận xét của mẹ, và thấy bà cũng có lý phần nào. Nhưng tim tôi vẫn nát tan xót xa vì chuyện tình đổ vỡ. Ngay sau đó, Lam có người yêu mới là Tuân. Tuân cũng là trong đám bạn bè quen biết lâu dài với tôi, tính tình Tuân hiền lành, chịu đựng, và Tuân đã bền bỉ theo đuổi Lam từ lâu.

Nửa năm sau, tôi đi dự đám cưới Tuân, Lam với trái tim vỡ nát, nhưng cũng vui mừng vì Lam lấy được chồng hiền lành và đàng hoàng có thể bảo đảm đời sống tinh thần vật chất cho gia đình sau nầy. Tôi thật tình nghĩ rằng, tôi không bằng được Tuân về nhiều mặt. Lam bỏ tôi là phải.

Mẹ tôi làm như lấy vợ cho bà, cứ khóc lóc thúc dục mãi. Tôi tâm sự với một người bạn cũ. Anh cười và nói: «Hay là cậu thử tìm hiểu Mai, em gái tôi xem sao. Nó cũng sẵn có cảm tình với cậu đó. Mai hiền lành lắm».

Ðược bạn khuyến khích, tôi bắt đầu tìm hiểu Mai. Nàng không đẹp, không xấu, chăm chỉ, hiền lành. Trước đây, đến nhà bạn chơi, tôi chỉ thấy Mai thấp thoáng đâu đó sau bàn học, hoặc lẳng lặng rút lui sau khi cúi đầu chào lễ phép. Dẫn Mai đi chơi, tôi không tìm hiểu được chi nhiều về Mai, vì nàng quá thụ động, khi nào cũng nhẹ nhàng chìu chuộng, ít đưa ý kiến riêng. Khi hỏi ý, nàng thường bảo: «Dạ, anh cho em đi đâu cũng thích cả, anh vui thì em cũng vui».

Tôi đem nhận xét về cái hiền lành của Mai nói với một người bạn. Anh cười hô hố và nói: «Trời ơi, khi mới quen thì em nào mà không hiền lành như thánh mẫu, dịu dàng như tiên cô. Khi cưới về thì cái đuôi dài thòng mới lòi ra, và dữ như chằng tinh. Em nào cũng vậy cả.» Tôi hỏi thẳng anh của Mai, anh trả lời: «Con nhỏ hiền lành, biết nhường nhịn và rất dịu dàng. Cậu có phước lắm mới gặp nó. Không phải vì nó là em gái mà tôi khen đâu.»

Mẹ tôi đến thăm gia đình Mai nhiều lần, khen mẹ của Mai phúc hậu, hiền lành, cư xử lịch sự, phải phép với chồng. Bà nghĩ rằng, nhất định Mai cũng học được nề nếp gia dình của mẹ, không nhiều thì ít. Bà thúc tôi làm đám cưới ngay. Tôi xin hoãn một thời gian để tìm hiểu thêm, mẹ không chịu, và bảo: «Lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.»

Tôi nói rằng, nếu nghe được lời dèm pha đúng, thì cũng là điều tốt, mình khỏi phải xét đoán lầm người. Mẹ tôi lại giảng cho tôi rằng, chín mươi phần trăm cách cư xử của con cái là do ảnh hưởng sinh hoạt tốt xấu của cha mẹ. Cha mẹ gieo vào đầu con cái thứ tư tưởng nào, thì nó sẽ hành dộng theo lối đó.

Thương mẹ, tôi tạm quên kinh nghiệm ghê gớm trong đời sống gia đình của bạn bè và đồng sự, liều thân lấy vợ cho mẹ vui lòng. Có một ông bạn bảo rằng, lại thêm một thằng đàn ông ngu muội đi vào vết xe đổ nghìn năm của nhân loại.

* * *

Tôi cưới Mai, nàng như cái bóng dịu hiền bên tôi. Tôi thấy mình tan loang vào tình yêu êm đềm, và chợt nhận ra đời sống gia đình êm ái, thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều lần đời sống độc thân. Không thấy gò bó tù túng trong dây ràng buộc của gia đình như nhiều người thường bảo.

Mai lo lắng cho tôi những thứ cần thiết lặt vặt trong cuộc sống bình thường, bổ khuyết cho tôi những thiếu sót, dịu dàng an ủi tôi những khi lo buồn. Tôi nói với vợ: «Anh ngu quá, biết lấy vợ mà sung sướng hạnh phúc như thế nầy, thì đâu để độc thân đến gần ba mươi tuổi. Uổng thật.» Những khi chúng tôi có ý kiến trái ngược, Mai dịu dàng phân tách thiệt hơn cho tôi nghe, rồi để cho tôi quyết định. Sau khi quyết định xong, dù có trái ý nàng, Mai cũng vui vẻ cố gắng giúp tôi hoàn thành công việc.

Không như các bà khác, những lúc chồng làm trái ý, thì các bà mong cho ông chồng thất bại để chứng tỏ ý kiến của bà là đúng, là hay. Mai thường nói: «Thuận vợ thuận chồng tát nước bể Ðông cũng cạn. Nếu ai cũng khăng khăng giữ ý của mình, thì chẵng làm nên được việc gì cả.»

Cũng có khi quyết định của tôi sai lầm, đưa đến kết quả không tốt. Những lúc nầy, Mai thường hết lời dịu dàng an ủi tôi, và cho rằng tôi không có lỗi gì cả, vì ai cũng có thể sai lầm, và Mai cho rằng nàng cũng có một phần lỗi, vì chưa tận tình giúp tôi đầy đủ ý kiến để làm quyết định.

Từ đó, tôi cảm thấy mình phải lắng nghe ý kiến của vợ nhiều hơn. Tôi nghĩ, nếu những lúc nầy mà Mai dằn vặt, nằng nặc buộc tội tôi, thì chưa chắc tôi đã thấy mình lầm lổi. Mai không như một số đàn bà khác, đúng hay sai cũng đổ lổi cho chồng, và những khi chồng thất bại trong đời, là cái dịp cho các bà chê bai, mai mĩa, nói những lời tàn nhẩn.

Ngoài xã hội, có những lúc tôi vô tình hoặc thiếu may mắn, gây nên những sai lầm với người khác, Mai tự đứng ra, gánh vác hết trách nhiệm thay tôi. Tự ái đàn ông, đâu cho phép tôi để vợ gánh vác trách nhiệm thay mình. Tôi thấy thương và quý vợ nhiều hơn. Mai bảo: «Chuyện nhỏ, để em gánh vác giúp, anh để tâm trí làm những việc khác ích lợi hơn».

Tôi thầm nghĩ, tôi thì làm chi có việc lớn mà gánh vác. Những năm mới lấy nhau, tài chánh gia đình khó khăn, dắp trước bù sau hàng tháng. Áo quần đơn sơ, ăn uống dè xẻn. Thế mà Mai bao giờ cũng vui vẻ, chưa bao giờ nghe Mai thở than hoặc so sánh với các bạn bè khác. Nàng thường nói: «Chúng ta nghèo vật chất, nhưng giàu hạnh phúc, tinh thần thanh sạch, thế là đủ. Ðời sống biết đủ là đủ.»

Chính vì Mai không than thở, nên tôi thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn về tài chánh gia đình. Buổi chiều về, tôi đi dạy thêm cho các lớp đêm. Ngày nghỉ, tôi mở lớp dạy kèm luyện thi cho từng nhóm nhỏ. Tài chánh gia đình nhờ đó mà dồi dào hơn, có thêm tiền, nhưng Mai không vui, mà chỉ lo cho tôi thiếu sức khỏe sinh bệnh hoạn.

Năm đó, tôi không chịu theo bè cánh với nhóm tham nhũng, chúng đày tôi về một tỉnh nhỏ xa xôi. Tôi buồn phiền lắm. Không đi thì không được, đi thì bỏ hết công chuyện làm ăn riêng tư. Mai khuyên tôi nhẫn nhịn, và gắng tìm vui trong hoàn cảnh mới. Khi chúng tôi về tỉnh nhỏ, Mai thường an ủi và nâng đở tinh thần tôi, đặt mua các thứ sách báo tôi thích, để giải trí và quên đi phần nào nỗi buồn nơi tỉnh nhỏ. Mai xin được việc ở một nhà dạy trẻ, để phụ thêm kinh tế cho gia đình.

Mỗi ngày, Mai thường đọc báo, và khoanh cho tôi các bài hay, các tin tức cần thiết. Nàng ghi danh cho tôi học ở Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn, mua bài gởi về tỉnh. Nàng đọc và làm tóm tắt từng bài học, ghi các ý chính của từng đoạn vào bên lề giấy. Nhiều đêm trước khi đi ngủ, Mai đọc bài cho tôi nghe, và nói lại đại cương của vấn đề. Ban đầu, tôi chìu vợ mà nghe những bài học khô khan đó. Nghe lơ là, không quan tâm lắm.

Nhưng về sau, tôi thấy cũng hiểu được nhiều điều hay của luật pháp, kinh tế, các vấn đề xã hội khác. Tôi thành chăm chỉ. Nhờ vậy mà ngày tháng ở tỉnh lẻ thành bận rộn trong êm đềm. Sau bốn năm, hai vợ chồng đều tốt nghiệp cử nhân Luật khoa và tôi xin chuyển ngành. Tôi thường nói đùa với bạn bè rằng, vợ tôi là giáo sư duy nhất mà tôi theo học trong chương trình cử nhân luật khoa. Tôi thật sự khâm phục vợ, vừa đi dạy trẻ kiếm thêm tiền, vừa chăm sóc con cái, nấu nướng, và học bài, ôn bài cho tôi mà khi nào cũng vui vẻ, dịu dàng, không than phiền, kêu ca.

Khi chạy vội về Sài Gòn vào năm 1975, chúng tôi mất tất cả, trở thành trắng tay. Tôi lo lắng và muộn phiền lắm, nhưng nhờ thái độ trầm tĩnh và chịu đựng của Mai mà tôi bớt bối rối. Trước ngày miền Nam sụp đổ, chúng tôi bàn nhau là nên ở hay đi.

Ý Mai thì nên đi để bảo toàn tình mạng cho gia đình, khi yên ổn thì quay trở về cũng chẵng mất mát gì. Phần tôi thì vì yêu mến quê hương một cách lãng mạn, quyết ở lại, muốn cùng chia xẻ khổ đau, sống chết cùng quê hương. Chủ nghĩa đối với tôi không quan trọng, tôi nghĩ chính thể nào cũng thế thôi, cũng cùng là người Việt, cùng giòng giống tổ tiên, thì việc gì mà phải bỏ chạy?

Tôi đã lầm to. Thảm họa trùm xuống khắp miền Nam. Ðau khổ, lao tù, đói lạnh, đè nén, áp bức. Tôi cũng ôm gói đi tù như mọi bạn bè. Trong tù, tôi vô cùng ân hận về quyết định sai lầm, để thân xác mình bị tù đày, để vợ con bơ vơ, đau khổ, đói rách, không vốn liếng không tài sản.

Ba tháng sau khi tôi đi tù, Mai thấy chồng chưa được thả về, đã xoay xở rất mau. Nàng mua áo quần cũ, cắt ra may thành áo quần trẻ em đem bỏ mối bán tại các chợ trời hè phố. Ðêm nào cũng may đến mười hai giờ khuya. Một mình nuôi chồng tù tội, nuôi con thơ dại, ngược xuôi trong cuộc đổi đời. Những năm tháng nằm tù, có nhiều thì giờ suy nghĩ, tôi mới sâu sắc nhận ra mình mang ơn vợ quá nhiều. Tình cảm nàng dành cho tôi tràn đầy dịu dàng, bao dung, âu yếm và hy sinh. Tôi biết mình là kẻ có phước được vợ hiền.

Bằng tiền bạc, Mai mua chuộc được tên cán bộ cai tù, cho nó một cái đồng hồ, hứa hẹn cho thêm cái đài (radio) và hứa thêm khi tôi được thả về, sẽ cho một chiếc xe đạp. Ðó là ba niềm ước mơ cao sang của nhân dân anh hùng miền Bắc dạo đó: «Ðạp, đồng, đài», ai có ba thứ nầy thì được xem như tột đỉnh giàu có. Thanh niên có đủ «đạp đồng đài» thì có thể cưới bất cứ cô gái nào trong xứ.

Tên cai tù đã tiếp tế cho tôi thuốc men, mì gói và các thức cần thiết,và phục vụ tôi như một tên đầy tớ trung thành. Nhờ thuốc từ gia đình,tôi thoát chết qua hai lần bệnh nặng không hy vọng sống sót. Sau nầy, gã cai tù tội nghiệp đã trở thành kẻ chịu sự sai khiến của tôi trong trại cải tạo. Tôi đã sai nó mua cho anh em nhiều thứ cần thiết, bí mật đưa tin tức về cho gia đình.

Trong thời gian tôi đi tù, một người bạn cũ của ông anh Mai, trước kia có theo đuổi nàng, sau vào bưng biền theo Cộng Sản, hắn đã đến viếng thăm và nói xa gần, rằng muốn giúp đỡ nếu Mai chịu hắn. Hắn sẽ xin việc làm cho Mai và sẽ tìm cách bảo lãnh cho tôi. Mai đã khéo léo nói cho nó bỏ đi và về sau tránh tiếp xúc.

Khi tôi được ra tù, thể xác tiều tụy, tinh thần suy nhược, đời sống bất ổn, bị đe dọa thường trực. Hàng tuần bị tên công an khu vực đến thúc dục đuổi đi về vùng kinh tế mới, và nói lời hăm dọa. Tôi nản lòng bàn với Mai để dọn về vùng kinh tế mới cho yên thân.

Nàng đã khôn ngoan giải thích rằng, bằng mọi giá phải bám vào thành phố, để sống còn và để bớt bị độc tài áp bức, bớt khốn khổ vì cái u mê của chế độ hành hạ. Nàng thường khuyên tôi: «Mình hãy xem cuộc đời nầy như một trò chơi không vui, đừng quá quan tâm đến những gì xẩy ra cho mình, cho thiên hạ chung quanh. Những đau khổ mà mình đang chịu đựng cũng là một thứ thử thách, làm cho mình lớn thêm lên, trưởng thành hơn, và cứ vui với những gì nhỏ nhoi nhất có thể có trong thời gian nầy. Không xấu xa nào có thể tồn tại mãi mãi được, ánh sáng tương lai sẽ có ngày chiếu rọi trên quê hương.»

Mai đã an ủi, khuyên nhủ và dịu dàng dắt tôi đi qua quãng đời đau khổ trong chế độ mới. Chúng tôi bữa đói bữa no dắt nhau đi trong đời sống mịt mù của xã hội chủ nghĩa bao cấp (kinh tế chỉ huy, kinh tế tập trung-TC). Nàng vay mượn và bán hết đồ đạc trong nhà, đóng tiền cho tôi bí mật vượt biên. Ngày chia tay, Mai rất bình tỉnh, mà tôi thì trong lòng nhũn ra vì yếu mềm, cố cầm dòng nước mắt cho khỏi tuôn trào. Mai dặn dò: «Anh phải giữ gìn sức khỏe. Em đủ sức lo cho các con và bản thân. Ðừng bao giờ quên cả dân tộc đang khổ đau, đợi chờ! Thôi anh đi». Tôi ôm vợ vào lòng, nước mắt chảy tràn đầy gò má. Tôi cố cầm tiếng nấc cho Mai đừng biết tối đang khóc.

Lời dặn dò của vợ làm tôi cứ ngỡ mình đang ôm cả khối hào quang sáng rực, ôm cả mặt trời chói lọi trong vòng tay. Tôi tự hứa sẽ không phụ lòng kỳ vọng của vợ trong phút chia ly. Tôi tự hứa, ra đi không phải chỉ để tìm tự do riêng cho bản thân mình thôi.

Chuyến đi không thành, phải dời lại một tháng sau. Nhiều người bỏ cuộc nên thuyền trống. Phút cuối chủ thuyền cho vợ con tôi cùng đi với lời hứa trả tiền sau. Tôi cám ơn Trời Phật đã xui khiến cho chúng tôi còn có bên nhau trong đời.

Trên biển đói khát Mai nhường phần ăn uống cho con, cho chồng, với lý do là tôi cần sống hơn nàng, tôi có thể làm được nhiều việc ích lợi hơn. Nhưng theo ý tôi, thì chính Mai mới xứng đáng để sống sót vì đời sống nàng có nhiều ý nghĩa, tốt đẹp hơn.

Những ngày khó khăn nắng cháy cực khổ tại trại tỵ nạn, nàng dành lấy hết tất cả việc vặt vãnh như lãnh thức ăn, xách nước, nấu nướng, chăm sóc con cái. Ðể cho tôi có thì giờ tham gia tiếp tay phụ giúp các công tác chung trong trại. Mai dặn tôi tránh xa những nơi có tranh dành, có chút quyền lợi, chỉ kê vai gánh vác những việc có ích chung mà không ai làm. Với khuyến khích và an ủi của vợ, tôi làm được nhiều việc hữu ích cho cộng đồng.

Trong lúc đó, một vài anh bạn tôi, tham gia việc cộng đồng mà như làm việc quốc cấm, bị vợ cằn nhằn, ngăn cản, mỉa mai rằng việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Nhiều người than vãn về những thiếu thốn, khó khăn cực khổ trong trại tị nạn. Mai thì khi nào cũng vui vẻ, lạc quan, và cho rằng tương lai được sống đời tự do đang rõ ràng trước mắt.

Những thiếu thốn, khó khăn trong trại tị nạn là đương nhiên. Ở đây cũng còn sung sướng hơn những ngày tháng sống với chế độ Cộng Sản u ám, bất trắc, chèn ép, sợ hãi. Những khi con tôi chê cơm, Mai nhắc nhở cho chúng những ngày khoai sắn qua bữa, những ngày đói khát trên biển khơi, thì chúng vội vàng ăn ngon lành những chén cơm trong trại tị nạn.

Chúng tôi đến Mỹ vào mùa đông, tuyết phủ ngút ngàn, trắng xóa cả đất trời. Chưa biết có thể làm gì để nuôi sống gia đình trong miền đất mới, nhưng nhờ trợ cấp xã hội trong thời gian đầu, đắp đổi tạm sống qua ngày.

Dù không dư giả, tiền trợ cấp xã hội được Mai chia ra làm ba phần, hai phần ba nuôi sống gia đình với chi tiêu dè xẻn tiện tặn, một phần ba gởi về nuôi những bạn bè đang đói khó khắc khoải trong lao tù, trong các vùng kinh tế mới.

Trong vòng ba tháng, chúng tôi đi xin việc cả trăm nơi khác nhau, đâu cũng gõ cửa, đâu cũng xin việc. Hai vợ chồng lội bộ dắt nhau đi tìm việc, và không nản lòng. Tôi tìm được một chân rửa chén bát tại khách sạn Holiday Inn. Mai tìm được một chân làm bánh ngọt Donut. Chúng tôi tự túc được rồi, và từ đó mà tiến lên, tôi tìm được công việc khác trong hãng tiện có đồng lương khá hơn. Chúng tôi bắt liên lạc với bạn bè xa gần, và ao ước được đóng góp phần nào vào nỗ lực làm vơi khổ trên quê nhà. Thơ của bạn bè hồi âm với lời lẽ bi quan, nhiều người khuyên tạm quên chuyện quê hương đi, mà lo cho đời sống bản thân và gia đình trước đã.

Khi bỏ nước ra đi, hầu như ai cũng mang trong lòng một hứa hẹn, một trách nhiệm âm thầm, không nói ra nhưng vô cùng tha thiết. Nhiều đêm Mai thì thầm: «Chúng ta có yên lòng hưởng hạnh phúc, tự do khi cả quê hương đang chìm đắm trong khổ đau? Chúng ta có quên được bao nhiêu người đang kỳ vọng chúng ta nơi quê nhà? Liệu chúng ta có làm được gì không, hay chỉ mãi mê lo cho đời sống riêng tư?»

Mai thường an ủi tôi: «Thôi, mình ráng làm ăn, rồi làm được những gì nhỏ nhất có lợi cho quê hương thì làm. Em tin tưởng sẽ có một ngày nào đó, chúng ta sẽ có cơ hội đóng góp cho quê hương nhiều hơn.»

Chúng tôi đi làm việc toàn thời gian, và làm thêm những việc sửa chữa lặt vặt cho các gia đình trong nhà thờ họ đạo. Các bà cụ dành việc làm cho tôi với tinh thần giúp đỡ, trả cho tôi những thù lao nhiều hơn trị giá thực sự. Chúng tôi chỉ để dành một số tiền nhỏ phòng khi bất trắc và ăn tiêu hết sức tiện tặn. Hàng tháng, Mai gởi tiền giúp đỡ các gia đình bà con, bạn bè đang đói khó, gia đình những người đau khổ trong tù đày, các bạn đang quay quắt ở các vùng kinh tế mới. Giúp nhiều nhất cho những người tù không có thân nhân bới xách, thiếu thốn thuốc men, thiếu thốn chất bổ dưỡng. Vợ tôi thường bảo, dù cho những giúp đỡ nầy như muối bỏ biển trong một quê hương đầy đói rách, nhưng có còn hơn không. Mai vui sướng trong việc xẻ chia chút dư thừa vật chất cho những người cùng khổ.

Chưa bao giờ tôi nghe Mai phàn nàn, sanh nạnh với tôi về công việc trong nhà. Chưa bao giờ nàng lên giọng sai bảo tôi hút bụi, quét nhà, rửa chén bát. Nếu rảnh, thì tôi làm, nếu tôi bận xem những trận thể thao hấp dẫn, thì thôi. Nhiều lúc Mai không cho tôi rửa chén bát, dành lấy mà làm, vì những lúc đó nàng rảnh rang. Chúng tôi cùng làm việc nhà trong tinh thần chia sẻ, không phải trong trách nhiệm phân chia việc nào chồng làm, việc nào vợ làm.

Mai chưa bao giờ tranh hơn thua với chồng. Nàng quan niệm rằng, vợ chồng không cần tranh hơn thua nhau, hơn chồng cũng không được gì mà chỉ tổ tình yêu bị thương tổn. Chưa bao giờ Mai lớn tiếng hay khăng khăng quyết đoán việc gì. Khi nào cũng dịu dàng thảo luận và sẳn sàng chờ lúc thuận tiện để thuyết phục thêm.

Tôi đã nghe thấy vợ nhiều người bạn, sẵn sàng xẵng tiếng với chồng, mở miệng ra là nói nặng lời, nói điều chua chát khó nghe, và tôi biết mình may mắn có vợ hiền. Tôi đem nhận xét nầy nói với Mai, nàng cho rằng những người đàn bà đó, chỉ đáng thương, vì không ai dạy cho họ điều khôn ngoan phải đạo mà có lợi cho họ hơn là có hại.

Những lúc tôi gặp khó khăn ngoài xã hội, mang bực bội và cái không vui về nhà, Mai thường khuyên tôi rằng: «“Mục tiêu tối thượng của đời người là đi tìm hạnh phúc. Ði làm kiếm tiền cũng chỉ để mua hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực của cuộc sống là gia đình vui vẻ, ấm êm và dễ chịu.

Không tội chi đem cái khó khăn bực bội của bên ngoài về nhà cho mất vui, mà phí phạm ngày tháng yên ấm của gia đình. Dù giàu sang danh vọng đến mấy, mà gia đình thiếu hạnh phúc thì đời không còn ý nghĩa gì.» Thế là tôi tìm được nguồn vui và yên tỉnh tâm hồn.

Khi tôi bị thất nghiệp, Mai càng an ủi vỗ về tôi nhiều hơn, để tôi không có cái mặc cảm mình vô tích sự, sống nhờ vào người khác. Nàng nói, cứ từ từ tìm rồi việc khác, đừng nóng lòng, không gấp chi, vì một người đi làm, nếu ăn tiêu tiện tặn lại, thì cũng không thiếu thốn. Vả lại công việc, thì cửa nầy đóng, sẽ có cửa khác mở. Mai khuyên tôi ở nhà nghỉ ngơi một thời gian cho khỏe. Bởi vậy nên tôi không hốt hoảng lo âu như vài người bạn khác. Một anh nói chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, đùa rằng: «Phải đi tìm việc gấp chứ, không thì ăn được của vợ một miếng cơm, thì phải mửa ra ba miếng máu». Tôi không tin và không vui khi nghe câu đùa cợt đó.

Nhiều khi nằm bên nhau, tôi hỏi Mai: «Sao hơn mười mấy năm sống bên nhau, chưa bao giờ em làm cho anh buồn lòng, chưa bao giờ em làm cho anh phải nổi giận. Em có khi nào buồn giận anh không?».

Nàng nói: «Ngày xưa đọc sách, em không nhớ tác giả nào đã viết rằng, con chó suốt đời không làm gì cả mà được mọi người thương yêu, vì cách xử sự của nó. Nó không giận hờn, không đòi hỏi, không trách móc. Cho đi tình thương chân thành, thì được nhận lại bằng tình thương. Nhiều người đàn bà đòi hỏi ở chồng quá đáng, ngoài khả năng của chồng. Bao nhiêu cũng không thỏa mãn cả. Họ không nhìn thấy sự hy sinh của người khác, mà chỉ cố bươi móc lỗi lầm cỏn con của chồng để mà trách móc, giận hờn. Làm thế không có lợi gì cả, mà chỉ là cách phá hoại hạnh phúc gia đình hữu hiệu nhất.»

Tôi thành thực mà nói rằng đã học rất nhiều điều tốt của vợi tôi. Nàng càng dịu dàng, càng thu mình nhỏ lại, thì tôi càng thương yêu trang trải bù đắp cho vợ nhiều hơn. Mỗi khi đi làm về, thấy nét mặt tươi vui hân hoan của vợ, thì bao nhiêu mệt nhọc bực bội trong ngày đều tiêu tan.

Khi tôi phạm phải lỗi lầm, hành động sai quấy, vợ tôi thường an ủi rằng, mình là con người chứ đâu phải là thần thánh chi, mà không có sai lầm. Ðừng buồn, cái thiệt hại nầy cũng là bài học tốt về sau.

Những an ủi, khuyến khích tinh thần của vợ, làm cho đời sống tôi nhẹ nhàng, êm ái, thư dãn, không bị dồn ép, không bị áp lực cuộc sống, không có căng thẳng gia đình như nhiều bạn bè khác.

Trên bước đường tha hương, một lần vợ chồng Tuân-Lam ghé thăm chúng tôi. Tuân là bạn cũ, Lam là người xưa. Vợ tôi biết rõ mối tình cũ giữa tôi và Lam, nhưng nàng tin chồng, và rất lịch sự, vồn vã đón tiếp họ hết lòng. Có lẽ Mai cũng biết chuyện xưa của chúng tôi đã nguội lạnh từ lâu, chẳng ai còn tiếc thương chi. Tuân vẫn hiền lành phúc hậu như xưa, nét mặt chịu đựng. Ðêm khuya tôi vẳng nghe tiếng Lam đay nghiến dằn vặt chồng ở phòng bên cạnh, nói những lời thiếu lễ độ.

Về sau, mỗi lần nghĩ đến Lam, lòng tôi phơi phới, vì may mắn, cuộc đời không phải gắn liền với một người đàn bà như Lam. Tôi biết ơn mẹ nhiều hơn. Kinh nghiệm sống của mẹ đã giúp cho cuộc đời tôi có hạnh phúc hơn. Và tôi biết thương yêu, nể trọng vợ hơn nhiều.

Một chị bạn gia đình không được hạnh phúc, hỏi vợ tôi bí quyết để được chồng thương yêu nể nang. Mai cười mà nói: «Không có bí quyết nào cả. Chỉ có câu chuyện sau đây, tôi thuộc nằm lòng từ thời còn đi học.

Chuyện ở trong sách tập đọc của Pháp. Rằng, có một anh nông dân đem bò ra chợ tỉnh bán. Suốt ngày không bán được dẫn bò về. Ðường xa mệt nhọc, con bò trờ chứng không chịu đi. Có người gạ đổi con bò lấy con ngựa hồng tung tăng. Anh tưởng được ngựa sẽ thong thả dong cương ra về, nhưng con ngựa lạ chủ không chịu cho anh cưỡi và cũng trì kéo dằng dai. Một người khác dẫn con heo nái ngoan ngoãn đi qua, gạ đổi heo lấy ngựa, anh đổi liền. Ðường xa mệt nhọc, con heo cũng nằm ì không chịu đi, bí quá, anh đổi heo lấy một con dê nái. Con dê càng cứng đầu khủng khiếp, anh vật lộn với dê phờ phạc. Ðêm đã tối mịt mù, một hành khách đề nghị đổi dê lấy một con gà trống lớn. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, anh ôm con gà vào quán đổi lấy một bữa cơm.

Thế là một bữa ăn trả giá bằng một con bò. Ăn xong, anh nông phu thong thả ra về, vừa đi vừa ca hát khỏe khoắn. Khi về đầu làng, có bạn quen hỏi đi đâu, mà về khuya thế. Anh kể chuyện đi bán bò, và đổi con gà lấy bữa cơm.

Người bạn hết hồn, khuyên anh khoan về nhà, mà bà vợ nổi cơn tam bành lên, không khéo vợ chồng xô xát gây ra án mạng. Anh nông dân bảo rằng, chắc vợ tôi cũng thấy việc làm của tôi là có lý. Anh bạn ức quá, đánh cá một con bò, nếu chị vợ mà không gây gổ, thì anh nông dân sẽ được một con bò, còn ngược lại, thì phải mất một con bò khác.

Người bạn đi theo núp bên ngoài nghe cuộc đối thoại của vợ chồng anh nông dân. Chị vợ hỏi anh, đã ăn gì chưa, đi đường có mệt lắm không, bò bán có được giá không? Anh đáp rằng đã ăn rồi, con bò không bán được mà trên đường về nó không chịu đi nên đã đổi con bò lấy con ngựa. Chị vợ nói rằng, có con ngựa cũng tốt, nó sẽ kéo xe, giúp mình di chuyển mau chóng hơn. Anh chồng cho biết con ngựa không chịu cho anh cưỡi nên đã đổi lấy con heo nái. Chị vợ cũng tán thành ngay và còn dự trù con heo mùa sau sẽ sinh ra một bầy heo khác, rất có lợi. Anh chồng cho biết thêm, con heo cũng trở chứng không chịu đi nên đổi lấy một con dê cái. Chị vợ tiếp liền, là con dê cũng rất có lợi, từ nay mỗi sáng gia đình sẽ có sữa dê mà uống. Anh chồng lắc đầu và cho biết đã đổi con dê ương ngạnh lấy con gà trống lớn. Chị vợ anh nông phu tiếp rằng, có con gà cũng tốt, mỗi sáng nó nghe gáy cũng vui tai. Anh chồng bảo là buổi sáng ra đi không đem tiền theo, đói quá, đã vào quán đổi con gà lấy bửa cơm.

Nghe xong, chị vợ anh nông phu đến quàng hai tay, ôm vai chồng và nói rằng, anh làm như thế là phải. Lấy của che thân, chứ đừng lấy thân che của. Ði cả ngày mệt nhọc đói khát, không ăn chịu sao nổi. Em đã để sẵn khăn, múc sẵn nước, anh đi tắm cho khỏe.»

Mai kết luận rằng; «Muốn được chồng thương cũng rất dễ, đừng bao giờ tranh hơn thua với chồng, việc gì đã lỡ, thì cho qua luôn, vui vẻ chấp nhận, và dịu dàng, nhường nhịn chồng là yếu tố căn bản để được chồng thương.»

Ngoài song thân ra, người tôi biết ơn nhiều nhất là vợ tôi. Ðời sống tôi có ý nghĩa hơn, sung sướng hơn, hạnh phúc hơn nhờ vợ khôn ngoan, dịu dàng. Nhiều đêm thức giấc tôi nhẹ hôn lên mắt vợ, thầm so sánh tấm lòng hiền nhân của vợ với trái tim của một vị nữ thánh. Phần nàng, thì luôn luôn: «Em chỉ muốn làm cái bóng nhỏ và âm thầm bên đời anh thôi».

Mai chưa hề đọc Thánh Kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng con.
Tràm Cà Mau

Monday, December 2, 2019

Thị trưởng Mỹ giả làm người vô gia cư, sống 3 ngày 2 đêm trên đường phố



Thị trưởng Mỹ giả làm người vô gia cư, sống 3 ngày 2 đêm trên đường phố


Hành động của ông Ben McAdams, nguyên Thị trưởng hạt Salt Lake, Hoa Kỳ, không chỉ dừng lại ở nước Mỹ mà còn là câu chuyện được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội khắp thế giới nhờ giá trị nhân văn mà nó truyền tải.

Để hiểu được nhu cầu và cảm xúc của người dân, đặc biệt là cuộc sống của tầng lớp thấp nhất xã hội – người vô gia cư, Thị trưởng Ben McAdams đã quyết định dành 3 ngày 2 đêm, cải trang thành một ông lão lang thang đầu đường góc phố để trải nghiệm cảm giác đó, theo Cocomy.

Kinh nghiệm này đã để lại cho ông những cảm xúc mãnh liệt và bài học giúp ông hiểu được làm thế nào để mang lại sự trợ giúp hiệu quả nhất cho cuộc sống của những người vô gia cư.


Ông nói: «Tôi làm vậy không phải vì để được lòng công chúng. Đây là một chuyến thăm trực tiếp tới những người dân trước khi đưa ra quyết định xây dựng một khu trú ẩn mới dành cho họ».

Trên những con phố quen thuộc hàng ngày ông vẫn qua, nhưng giờ đây trong một thân phận khác, ông đã trải qua 3 ngày 2 đêm khó quên trong đời.

Lẫn vào dòng người tấp nập với bộ dạng lôi thôi cùng tấm chăn cũ trùm đầu, ông được «hội cái bang» rộng lòng đón nhận. Biết ông là người mới, họ sẵn sàng chia sẻ cho ông 2 điều cần biết khi muốn sinh tồn ở hạt Salt Lake này: «Đầu tiên, không nên cởi đôi giày của bạn ra. Thứ hai, tốt nhất không vào nhà vệ sinh sau khi trời tối».


(Ảnh minh họa)


Đêm đầu tiên ông quyết định ngủ trên hè phố. Ông mô tả tình hình khi đó: «Tôi thấy rất buồn, ngủ trên đường khiến tôi cảm thấy cực kỳ không an toàn. Đó là một môi trường hỗn độn. Tôi chỉ ngủ được 4 tiếng từ chập tối đến sáng hôm sau».

Qua đó ông cũng nhận thấy rất nhiều người vô gia cư cũng ngủ trực tiếp bên lề đường giống mình, điều này khiến ông rất ngạc nhiên. Rõ ràng chính phủ đã cung cấp những bậc thềm có mái hiên làm nơi trú tạm thời cho họ, sao họ vẫn chọn mép lề đường để ngủ?

Nhận được thắc mắc của ông, những người bạn đường phố nói tốt nhất nên tìm không gian bên ngoài, vì những bậc thềm thường xuyên diễn ra các vụ ẩn đả giữa các băng đảng và những người ŧiêm chích ma ŧúy.

(Ảnh minh họa)

Đêm thứ 2, ông đã đến nơi trú ẩn The RoadHome, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông hệt như những điều những người vô gia cư miêu tả. Những thanh niên hư hỏng húŧ chích ma ŧúy, mùi khói ŧhuốc sặc sụa khắp không gian.

Không chỉ vậy, ông còn cảm thấy bàng hoàng khi nhìn thấy một người vô gia cư bị ức ɦiếp. Người đàn ông đáng thương kia bị túm tóc kéo ra khỏi chiếc ổ, cứ vậy đám thanh niên đập đầu ông xuống đất liên hồi.


Trong 3 ngày 2 đêm ám ảnh, ông cũng hiểu những người vô gia cư luôn phải lo lắng về bữa ăn tiếp theo là gì và tối nay sẽ ngủ ở đâu. Họ dành cả cuộc đời chỉ để tìm việc làm và thức ăn.

Sau khi gặp những người vô gia cư trở về,  ông đã quyết tâm phải thay đổi điều kiện sống của họ.

Ben nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông là cải thiện môi trường khắc nghiệt ở nơi trú ẩn bằng luật pháp. Ông muốn lắp hàng rào chắn ở khu đường Rio Grande để tách người vô gia cư khỏi những kẻ ռghiệռ húŧ, ŧội phạm… Ông cũng chuyển quán bán гượu ra xa khu vực người vô gia cư ở, theo Sltrib.  Sau đó ông xây thêm ba khu trú ẩn mới và có những kế hoạch dài hạn khác.


Theo Kutv, đầu năm nay, ông Ben từ chức. Tuy nhiên câu chuyện về người thị trường giả làm người vô gia cư để trải nghiệm cuộc sống của tầng lớp dưới đáy xã hội vẫn lưu truyền và khiến nhiều người cảm phục.

Friday, November 8, 2019

Người Tù Chung Thân Vượt Ngục



Người Tù Chung Thân Vượt Ngục

Tràm Cà Mau


Sau một hồi nói chuyện qua điện thoại, Dung báo cho tôi:

“Bác biết chuyện gì xẩy ra cho ba cháu chưa?”

“Chưa. Chuyện gì?”

“Ba cháu đã vào chùa, xuống tóc đi tu từ hơn nửa năm nay. Ba cháu hiện tu ở một chùa gần thành phố bác ở. Ba cháu không cho ai biết chuyện ông đi tu. Dấu, không cho biết tu ở chùa nào. Cháu mới tìm ra. Cháu định tháng tới qua thăm, và rủ bác cùng đi luôn. Gặp bác chắc Ba cháu mừng lắm.”

“Bác cũng mong gặp ba cháu. Lâu rồi, ba cháu và bác chưa gặp lại nhau. À, tại sao ba cháu có quyết định đi tu? Sao lại phải dấu chuyện tu hành. Ði tu, chứ có phải đi tù đâu mà dấu diếm. Còn mẹ cháu thì sao?”

Dung ậm ừ, như không muốn nói. Một lúc sau mới trả lời:

“Mẹ cháu vẫn bình thường. Vẫn oai phong như cũ. Thật ra ba cháu không cho ai biết tu nơi nào, vì sợ mẹ cháu đến phá đám. Bốn tháng trước, ba cháu tu tại một chùa gần West Virginia, mẹ cháu đến làm ồn ào, bắt ba cháu trở về. La mắng cả sư cụ, xỉ vả ông ta đủ điều, còn phao vu lên rằng sư cụ đồng tính luyến ái với ba cháu. Thiệt tình! Mẹ cháu nói rằng, ba cháu đức mỏng, đừng tu làm chi cho phí công. Lỡ có lên được niết bàn, cũng chỉ đi bưng ống nhổ cho thiên hạ, vì kém công đức. Về địa ngục, may ra còn được đi làm thơ ký, gác gian, đỡ nhọc nhằn hơn, bởi  tội lỗi cũng không nhiều lắm. Nhà chùa khuyên ba cháu đi tìm nơi khác tu. Ý họ muốn đuổi khéo. Ba cháu ra đi, như đi trốn. Thật buồn.”

Tôi cười khà khà, rồi an ủi Dung, người con gái út của bạn cũ:

“Thôi, cháu đừng buồn. Ði tu để giải thoát khỏi mọi khổ đau, hệ lụy. Biết đâu rồi Ba cháu cũng thành một thứ Phật nho nhỏ  nào đó. Cháu biết không, ngày xưa Ðức Thích Ca Mâu Ni nửa đêm cũng trốn hoàng cung ra đi, bỏ lại vợ con, ngai vàng, để tìm đạo. Trường hợp ba cháu, sao cũng có phần  tương tự.”

“Thôi, để gặp bác, cháu sẽ nói nhiều hơn. Không chừng bác có thể khuyên ba cháu trở về. Ba cháu chỉ còn có bác, người bạn thân nhất, chưa buồn giận ba cháu thôi. Ba cháu thường hay nhắc đến bác với giọng thân thiết lắm.”
Hai tuần sau, tôi lên phi trường San Francisco đón Dung, con gái út của Hùng, người bạn cũ từ thời còn cắp sách đến trường. Hai bác cháu từ nhiều năm không gặp, đã nhận ra nhau ngay. Dung giống mẹ của cháu thời còn con gái. Nhỏ nhắn, trắng trẻo, mặt hơi xương, có nụ cười toét hai vành môi ra đến mang tai, nụ cười tinh nghịch, dí dỏm. Ba mẹ của Dung là bạn cũ ngày xưa.... Thật ra, mẹ Dung là em gái của bạn tôi. Tôi biết bà từ khi mũi xanh còn hít vào trồi ra và dùng tay áo quẹt mũi. Bà xem tôi như ông anh trong gia đình, hay vòi vĩnh bánh quà.

Dung ôm ngang người tôi và nói:

“Lạ thật, bác không thay đổi gì cả, cháu nhận ra bác ngay. Tóc bác còn dày và đen. Ðầu ba cháu hói láng, chỉ còn cái vành tóc thưa sau đầu  thôi”.

Tôi cười với cháu:

“Ðầu bác cũng ‘phồn vinh giả tạo’ cháu à. Bác nhuộm tóc.  Còn ba cháu,  có tóc đâu mà gọi xuống tóc đi tu? Ông ta đã láng như sư cụ từ lâu rồi mà!”


Hai bác cháu cùng về trên con đường xa lộ có xe cộ nêm cứng và khói bụi lù mù. Cái giọng nói nhão nhẹt, ướt rượt  kéo dài những tiếng sau cùng của Dung, làm tôi nhớ đến bà Thu, mẹ của Dung. Bà là người con gái út trong một gia đình toàn anh trai, nên được cưng chìu, và nhõng nhẽo với các anh, với cha mẹ, và cả với mọi người chung quanh. Bà thông minh, học giỏi, ganh đua với bạn bè, không chịu thua ai. Khi lên đại học, bà đỗ ba cái bằng cử nhân cùng một năm.  Thông minh, học giỏi nên bà thường kiêu hãnh. Bà lạm bàn cả chuyện chính trị, kinh tế. Nhiều khi bà nói hăng say đến nước bọt đóng trắng bên mép. Mỗi lần có vấn đề lâm vào một cuộc tranh luận với bà, tôi thường thoái thác:

“Thôi, anh chịu thua cô. Khi nào cô cũng có lý hơn người khác cả. Tội gì tranh luận  thắng cô, để cô nhè nước mắt ra, ai dỗ cho được.”

“Thua phải có chầu phở, bún bò gì chớ. Thua không thôi ai mà chịu cho.”

Rồi bà cười hăng hắc thích thú, không giữ gìn ý tứ gì cả.

Tôi liếc nhìn qua cô cháu gái đang ngồi, hai tay đan nhau, tôi nói:

“Cháu giống mẹ cháu quá. Từ dáng điệu cho đến giọng nói..”

Dung có vẻ không bằng lòng  sự so sánh của tôi. Mặt cháu hơi buồn. Im lặng một lát, Dung nói nho nhỏ:

“Không giống đâu bác à... Mẹ cháu cứng rắn lắm. Cháu mềm yếu, có lẽ cháu giống ba cháu nhiều hơn.” Tôi nói nho nhỏ:

“Ðúng. Mẹ cháu cứng rắn. Bác biết điều đó từ thời bà còn nhỏ. Nhưng có chết ai đâu?” Dung nói nhỏ như hơi thở:

“Có. Chết một đời ba cháu.”

Hai bác cháu im lặng cho đến khi về đến nhà. Vợ tôi đón và thân mật ôm lấy Dung: “Trời, cháu giống hệt mẹ cháu.” Dung lại thoái thác:

“Không giống đâu bác.”

Vợ tôi không hiểu ý nói tiếp:

“Giống hệt như đúc ra từ một khuôn. Từ dáng điệu, cử chỉ, giọng nói,  ướt và ngọt như mật đổ ra đầy bàn. Thôi cháu thay áo quần, tắm rửa đi rồi ăn cơm. Ðường xa, bay nhiều giờ mệt nhọc. Tiếc hai thằng con trai của bác lấy vợ sớm quá, không thì cháu về làm dâu nhà bác cũng vui.”

Trong bữa ăn tối, Dung đưa nhận xét:

“Hai bác sao hạnh phúc quá. Tâm đầu ý hợp. Bác trai nói gì, bác gái cũng đồng ý vui vẻ. Bác gái nói gì, bác trai cũng phụ họa, thân mật. Ba mẹ cháu không được như vậy. Mẹ cháu khi nào cũng đầy cả uy quyền. Khi nào cũng khích bác, chê bai. Ba cháu có khi im lặng đến rợn người.”

Vợ tôi nói với cháu:

“Cãi nhau làm chi hở cháu? Vợ chồng tranh hơn thua làm chi? Hơn cũng     chẳng được cái gì, khi thua lại bực mình, và gia đình mất vui. Ngày xưa, bác cũng thích cãi vã, hay cằn nhằn, nhưng rồi học được trong sách vở, học được từ bạn bè, thay đổi dần dần, và thấy không khí gia đình vui vẻ, thân mật, ấm cúng hơn. Hạnh phúc gia đình phải tạo ra, không phải tự nhiên nó đến với mình. Trồng cây cũng phải tưới bón đều đặn, hạnh phúc gia đình cũng phải xây dựng, chăm bón không ngừng.”

Dung nhìn vợ tôi với ánh mắt hơi buồn và hỏi:

“Mục tiêu tối thượng của con người trên thế gian nầy là đi tìm hạnh phúc, thế nhưng sao không có một ngôi trường nào mở ra, để dạy cách sống hạnh phúc cho mọi người? Trường dạy về khoa học, nhân văn, xã hội có quá nhiều. Nhưng cái môn học quan trọng nhất là sống sao cho hạnh phúc, lại không có một ngôi trường nào cả, cũng không là một bộ môn nhỏ của những trường lớn. Sao vậy hở bác?”

Nghe câu hỏi ngộ nghĩnh, tôi cười:

“Có chứ, có khắp nơi, như nhà chùa, nhà thờ, đền thánh. Ở những nơi đó, các vị tu sĩ cũng giảng dạy tín đồ, sống sao cho hạnh phúc. Tìm hạnh phúc cho riêng mình, và đem hạnh phúc rải rắc cho những người bất hạnh chung quanh. Kinh điển dạy con người làm lành, tránh ác. Ðem kiếp sau ra hù dọa, để ngăn ngừa cái ác, cái xấu. Phải biết kiêng, biết sợ một cái gì đó, mới dễ dàng ngăn cản cái xấu trong mỗi người bùng dậy. Ngoài ra, còn có những khóa hội thảo, sách viết về hạnh phúc cũng tràn đầy trên thị trường, đọc không hết, sợ không đủ tiền để mua. Ngay cả kinh Phật, kinh Thánh, kinh Koran cũng là những cuốn sách dạy về hạnh phúc đó cháu à.”

“Không. Cháu muốn nói đến một ngôi trường chính thức, để người ta theo học một cách nghiêm chỉnh. Có cấp bằng, có thi cử đàng hoàng. Có học kỹ mới thấm, chứ đọc qua, nghe qua, sẽ mau quên lắm, và chỉ biết lơ mơ, nhớ lơ mơ cho nên không thi hành những điều học được.. Bởi vậy, nên trên thế gian nầy, chính con người làm khổ con người nhiều nhất... Con người gây rắc rối cho con người nhiều nhất. Bác có đồng ý không?”

Tôi nhìn Dung, tuổi trẻ sao có những ý nghĩ chín chắn, lạ lùng. Chuyện gì đã xẩy ra trong đời cháu, để cháu có những suy tư đó?  Dung ngần ngại nhìn hai vợ chồng tôi và tiếp:

“Bác không đồng ý rằng chính con người gây tai vạ, gây khổ đau cho con người nhiều hơn thiên tai, thú dữ và các thứ khác sao? Từ tranh chấp thế giới, chiến tranh, cho đến tranh chấp chính trị, tranh chấp quyền hành. Con người bày ra để làm khổ nhau, trong lúc đó, khi nào cũng hô hào, tuyên bố rằng nhân danh hạnh phúc, để tạo ra những  khổ đau, khó khăn cho người khác. Cháu thấy trong các cơ sở chính phủ, cơ sở kinh doanh thương mãi, và cả những người hành nghề tư nữa, lâu lâu cũng có một khóa tu nghiệp.. Ðể người ta ôn lại nghề nghiệp, và theo kịp các kỹ thuật tân tiến, để khỏi thụt lùi và lạc hậu. Nhưng không có lớp tu nghiệp nào về hạnh phúc gia đình. Ðể người ta nhắc nhở và dạy bảo đúng cách làm cha mẹ, làm con cái, làm anh em, làm chồng làm vợ. Không trường, không lớp, cho nên mỗi người tự học lấy, tự tìm lấy, có người may mắn học được những điều hay, tốt, có người thiếu may mắn, không học được gì cả, hoặc học được toàn điều xấu xa, mà không biết đó là xấu, nguy hại, phá vỡ hạnh phúc họ đang kiếm tìm. Cháu nghĩ phải có những khóa tu nghiệp thường xuyên về gây dựng hạnh phúc, bắt mỗi người làm cha, làm mẹ, làm con, làm chồng làm vợ, phải tham dự hàng năm, hoặc hàng hai năm một lần. Ðể đừng quên, để nhắc nhở, để học thêm. Bởi cuộc đời nầy, tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm, cũng chỉ để tìm kiếm và vun xới cho hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình mà thôi. Quan trọng như vậy, sao thiên hạ không đặt thành vấn đề. Những người cầm quyền, nhân danh đem lại hạnh phúc cho nhân dân, cũng không có một ngân khoản, một cơ quan chính thức nào chăm lo cho vấn đề quan trọng nầy.”

Tôi nói đùa: “Hay cháu mở một cơ sở kinh doanh, một trường đại học dạy hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân. Kêu gọi các nhà đầu tư, bán cổ phiếu sinh lời. Một ngôi trường đại học mới, cho tất cả mọi công dân, là môn học bắt buộc, phải tu nghiệp hằng năm, nếu không sẽ bị phạt vạ.”

Cả ba chúng tôi đều cười vui vẻ.  Dung nói tiếp trong ánh mắt tinh nghịch:

“Phải đó bác à. Gia đình lục đục, li dị, con cái hư hỏng, gây tội ác, vợ chồng giết nhau, tốn kém ngân sách của quốc gia nhiều lắm, dân chúng phải đóng thuế để trang trải cho cái thiếu hạnh phúc trong xã hội. Phí tiền quá. Bác nói trường đại học? Cháu nghĩ rằng, phải mở lớp từ sơ đẳng trở đi. Vì cháu thấy nhiều gia đình, nhiều người lớn tuổi, có đủ thứ bằng cấp, bằng cấp cao, nhưng xử thế như một kẻ không có chút hiểu biết nào về ý niệm hạnh phúc. Phải xem họ như những kẻ thất học về bộ môn xây dựng hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc cho người chung quanh. Có thể họ thông thái về khoa học, nhân văn, xã hội, nhưng họ như một kẻ thất học về thứ quan trọng nhất, thứ mà họ cố công theo đuổi trong đời người, là sống cho hạnh phúc.”

Vợ tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn Dung. Buổi tối trước khi ngủ, vợ tôi thầm thì:

“Khổ đau nào đã làm cho con bé chừng đó tuổi có những ý nghĩ lạ lùng kia? Tội nghiệp.. Trường dạy hạnh phúc? Ðâu phải vô lý. Ðời cũng là một trường học, phải vấp ngã, phải đớn đau, mới nhận chân ra ý nghĩa, tìm được vài phần chân lý.”

Tôi thao thức nghĩ đến bà nội tôi, học vấn của bà rất ít, chỉ đọc được năm ba chục chữ nho. Bà dạy con, dạy cháu qua  ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ. Việc nào cũng có một câu thích ứng, khôn ngoan để nói ra. Nhắc đi nhắc lại mãi, làm nó len vào ký ức của con cháu, không thể quên, không phai được. Những câu như: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Chồng giận thì vợ làm ngơ, đừng đổ thêm dầu lửa vở nhà thiêu. Một câu nhịn chín câu lành. Thương người như thể thương thân. Ðiều mình không muốn đừng làm cho người khác.. Anh em như thể tay chân. Ðược mùa chớ phụ môn khoai. Vân vân và vân vân..” Trong đầu bà tôi, có cả một kho tàng ca dao, những câu nói khôn ngoan của người xưa, mỗi ngày bà nhắc đi nhắc lại cho con cháu nghe, như những lời hướng dẫn cách ứng xử trong cuộc đời thường. Ông anh con bác tôi, thường chế nhạo bà, sửa câu nói của bà, để cười,  và nói thầm với tôi: “Một lần nhịn, chín lần nó cưỡi lên đầu mình. Anh em như thể râu ria. Ðược mùa, tội gì đớp môn khoai...” Ðó là thời anh còn nhỏ, lớn lên, tôi cũng nghe anh dạy con cái bằng những ca dao của bà tôi thường nói ngày xưa.

Buổi sáng thứ bảy, sau bữa điểm tâm, tôi chở Dung lên chùa thăm ba của cháu.. Trời mát, nắng vàng, cỏ cây xanh tươi. Xa lộ vắng, ít xe, tay lái khoan thai, và trí óc thư dãn. Tôi vặn nhạc. Tiếng nhạc vui tươi, dồn dập, như đổ thêm nguồn sống đất trời.

“Trời đẹp quá bác nhỉ.. Nhạc vui làm tinh thần hăng hái thêm. Có khi nào bác nghe nhạc buồn không? Nhạc Việt Nam mình, nhiều bài  nghe buồn đứt ruột, buồn đến rã rời thân xác, mềm nhũn tâm trí ra.”

“Có, thỉnh thoảng bác cũng nghe nhạc buồn. Ðể khơi một chút đau đớn, một chút nhớ thương, đưa hồn đi lạc về kỷ niệm xa xưa. Cũng như một chút khoái lạc trong xa xót mênh mang. Nhưng chỉ thoáng chốc thôi và không thường xuyên. Hai bác thường ngày nhắc nhủ nhau rằng, chuyện không vui nên quên liền đi, chuyện bực mình đừng than vãn, rán nói với nhau những chuyện vui, những lời tử tế.”

Dung tròn mắt: “Lạ thật, chưa ai dạy cho nháu những điều bác vừa nói. Ba mẹ cháu ít khi nói chuyện với nhau bằng giọng tử tế. Có thể nào bác khuyên khéo ba cháu trở về với  gia đình không? Mẹ cháu buồn lắm, cứ ngẫn người ra, cháu sợ mẹ buồn rồi phát bệnh, thì khổ lắm.”

“Ðể xem, bác không dám hứa, khi thuận bác sẽ nói.”

Hai bác cháu vào chùa. Chùa nguyên là một căn nhà được thiết kế lại, phòng khách lớn làm niệm Phật đường. Có một tượng Phật ngồi với cái đầu quá to và dài so với thân mình. Phần nhà xe được nới rộng, che mái chạy dài ra ngoài sân sau, làm trai phòng. Sư cụ đưa chúng tôi ra sau vườn. Hùng, bạn tôi, bố của Dung, mang bà-ba màu tro nhạt, đang ngồi giặt áo quần bằng tay, bên vòi nước. Hùng ngững đầu lên nhìn, với vẻ ngạc nhiên. Hai tay anh còn dính đầy bọt xà phòng. Anh vội vã đứng dậy, ôm chầm Dung và tôi vào hai vòng tay mừng vui, nói: “Khỉ.. Ai cho các người tới đây quấy rầy kẻ tu hành!”

Tôi trả lời:

“Phật có cấp giấy phép cho tôi đến thăm ông. Ðừng lộn xộn. Tu là bỏ hết bạn bè, bỏ con cái hay sao?”

Bạn tôi xả xà phòng bộ áo quần nâu, rồi treo lên dây phơi nắng, như ngày xưa còn ở Việt Nam. Dung nhìn theo bố với ánh mắt thương cảm:

“Ở đây không có máy giặt hay sao?”

“Chùa không có. Chỉ giặt một bộ thôi, giặt tay cho mau. Ba chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi. Hai ngày, thay ra phải giặt liền.”

Hùng đưa chúng tôi vào trai phòng, ngồi trên băng dài nói chuyện. Trà đậm chát trong bình thủy được rót ra ba chén nhỏ. Hùng cười, nụ cười rất hiền và đầy thương mến, hỏi Dung:

“Cả nhà vẫn bình thường chứ?”

Dung nhìn bố, chớp mắt, buồn buồn, giọng hơi hạ xuống:

“Không bình thường ba ạ. Mẹ con xuống tinh thần, và mong ba trở về sớm.”

Hùng nhìn con gái, rồi nhìn tôi.. Hơi lúng túng, sau một tiếng thở dài, Hùng nói một hơi dài:

“Dung à. Nhân sẵn có bác đây, ba nói ra cho con nghe, cũng  để bác chia sẻ tâm sự của ba.. Ba muốn nói với bác từ lâu, nhưng chưa có dịp. Ðời ba, có ba lần sung sướng nhất, xem như chết đi sống lại. Lần thứ nhất là ra khỏi trại tù cọng sản. Thoát tù, ai không sung sướng cho được? nhất là thứ tù không có án, không có thời hạn giam giữ. Lần thứ hai là khi vượt biển, đặt chân lên đất Mã Lai, dù bị dân họ đánh đập, xua đuổi, nhưng thấy được ánh sáng tự do trước mắt. Mừng đến khóc. Và lần thứ ba, ra khỏi chính nhà mình, vào chùa đi tu. Ba thấy mình như một kẻ mang án chung thân thoát được ngục tù. Trong ba lần đó, đem so sánh, thì lần sau cùng nầy xem như sung sướng, khoan khoái nhất. Ba là một kẻ nhu nhược, hèn nhát. Ba tên là Nguyễn Hổ Hùng, ba xấu hổ với cái tên của mình. Chẳng có hùng hổ tí ti nào cả. Ðáng ra, phải đổi thành Nguyễn Dun Dế  mới đúng. Chính ba cũng tự khinh mình. Tại sao? Tại vì ba thương các con, không muốn các con thấy gia đình lục đục, mất hạnh phúc. Không muốn gieo vào tâm trí non nớt của các con những muộn phiền về một gia đình thiếu hòa thuận. Nó sẽ có thể ảnh hưởng đến suốt đời, ảnh hưởng tới việc học, tới tương lai sau nầy của các con. Nhưng ba cũng đã làm gương xấu cho các con về sự bất lực, yếu đuối, bị ức hiếp, chèn nén mà nín lặng chịu đựng.  Mẹ con đã ức chế ba trong mấy chục năm nay. Nói ra thì xấu hổ, nhưng có thực, ban đầu chỉ vì muốn yên  nhà yên cửa nên chịu nhịn, nhưng dần dà về sau, nó thành nỗi hèn nhát, sợ hãi. Cái sợ nó xâm chiếm trong ba, không biết từ bao giờ, nhưng lo sợ thường trực. Sợ mẹ con. Khi nào cũng nơm nớp sợ. Nghe tiếng mẹ con ho cũng giật mình, nghe tiếng dép của mẹ con, trong lòng cũng không yên. Nghe tiếng mẹ con nói gì đó với ai, cũng lo vì lỡ mẹ nói với ba, mà ba không nghe kịp, sẽ có gây gỗ, có lôi thôi. Trở thành phản xạ có điều kiện, như con chó trong thí nghiệm tâm lý, cứ nghe tiếng chuông là chảy nước miếng. Ba sợ mẹ con gây gỗ, khóc lóc, cằn nhằn, nói những điều khinh bạc làm ba đau đớn, gán cho ba những tội lỗi ba không hề sai phạm. Sự lấn ép của mẹ con, mỗi  ngày một chút, từ từ, tiệm tiến, nhưng vững chắc và quá đáng.

Ngay từ khi ba mới bảo lãnh được cho mẹ và các con từ trại tị nạn đến Mỹ, mẹ con ngày đêm khóc lóc, tra hỏi ba làm gì trong bao nhiêu năm, mà không mua được căn nhà, phải đi ở thuê. Mẹ con còn nói rằng ba không gởi tiền về nuôi gia đình. Không gởi tiền về, làm sao mẹ sống phong lưu, đi nghỉ mát hàng tháng ở  Vũng Tàu, Đà Lạt. Rồi đi vượt biển mấy lần mất tiền, bị lừa. Không gởi tiền về  làm sao mà đi vượt biển được. Hồi ba mới đến Mỹ, tiếng Anh tiếng u còn ấm ớ, nghe không được, nói không ra hơi, phải đi làm lao động chân tay, lương tối thiểu.. Công việc khi có, khi không. Làm một lúc ba việc, ba nơi khác nhau. Ngày đi làm thợ gói hàng, tối đi làm an ninh canh gác, thứ bảy chủ nhật theo các nhóm người xứ Nam Mỹ đi hái trái ớt, hái dâu cho các nông trại. Trời nóng như lửa đốt trên lưng. Làm việc lãnh lương theo khối lượng dâu, ớt hái được. Cong lưng trên ruộng dâu suốt ngày, cái lưng đau như muốn gãy đôi. Hai tay đen kịt như nhúng bùn vì màu nhựa cây, phải chờ lột da mới hết màu đen điu. Mỗi đêm chỉ ngủ có ba bốn giờ. Bao nhiêu tiền làm được gom góp gởi về cho mẹ con, hy vọng có ngày gia đình sớm đoàn tụ. Ba chỉ ăn mì gói, hột gà, gà kho quanh năm. Nhà cũng không dám thuê, chỉ chia phòng ở trọ.. Thế mà mẹ con cứ khóc lóc, cả ban ngày, ban đêm, những khi đi chợ, đi chơi,  hỏi tiền để đâu cả. Ðem cho con bồ nào. Những dằn vặt nầy, kéo dài cho đến gần cả chục năm cũng chưa dứt. Ba khổ tâm lắm, giải thích cách nào mẹ con cũng không nghe, không chịu hiểu. Ban đầu thì không hiểu, nhưng về sau, giả vờ không hiểu.. Ba cũng thông cảm, vì không phải chỉ mình ba bị ở trong hoàn cảnh nầy, nhiều bạn bè ba cũng phải chịu cái dằn vặt tương tự của những người vợ qua sau. Hỏi sao ai cũng mua nhà, mà ba không mua được. Tiền để đâu? Con biét, phải cả hai vợ chồng cùng đi làm, và làm công việc có đồng lương kha khá, mới gồng mình lên mua được căn nhà. Chứ mới qua Mỹ, chưa có việc chuyên môn, chưa công việc lương khá, và bao nhiêu tiền dể dành, cứ lo chuyển về Việt Nam cho vợ con cả. Lấy gì để mua nhà. Ai bán cho. Ngân hàng nào cho vay. Có mua được, cũng làm sao đủ tiền trả hàng tháng? Mẹ con than vãn, so sánh với những gia đình khác. Khi nào cũng thở dài, thở ngắn, cằn nhằn và chê bai. Ba cũng đã làm hết sức mình, nhưng không làm sao cho mẹ con bằng lòng. Có lẽ ba cũng có phần lỗi, vì không đủ tài cán, không đủ may mắn để làm ra thật nhiều tiền, và có những phương tiện vật chất như mẹ con mong muốn.

Trong nhà, ba như một tù nhân, một tên đầy tớ, một tên nô lệ. Mẹ con như một bà chủ, một bà mẹ chồng khắc nghiệt đời xưa, luôn luôn dòm ngó, phê bình, nạt nộ ba. Ba co rúm người lại trước cái nhìn quắc mắt của mẹ con. Trong bữa ăn, nếu ba vô tình làm rớt hạt cơm, hay chút thức ăn ra bàn, mẹ con mắng ba xối xả, chê bai và nói những lời tàn nhẫn trước mặt con cái, trước mặt bà con, họ hàng. Bởi vậy, nên trong mỗi bữa cơm, trong lòng ba cũng không yên, cũng lo lắng sợ vô tình làm rớt giọt canh, rơi cọng rau. Mất hết cả tự nhiên, mất hết cả sinh thú trong khi ẩm thực. Lo lắng, khi nào cũng lo lắng không nguôi. Còn mẹ con nhiều lần làm đổ cả tô canh, làm rớt cả dĩa thức ăn ra sàn nhà, vỡ tan tành, cũng không ai dám nói một lời nhỏ. Những lúc nầy, ba chỉ an ủi mẹ con rằng không can gì, ai cũng có lúc sẩy tay. Nói lời an ủi, cũng sợ bị quật lại bằng những câu nói đau lòng.

Khi ba quét nhà, lau chùi bàn ghế, mẹ con cũng đưa mắt dòm ngó vào các hốc kẹt để tìm cọng rác bỏ sót, đưa ngón tay quẹt vào góc bàn, xem có còn bụi bám hay không. Ðể rầy rà ba, chê ba cẩu thả, làm biếng. Và bắt ba phải quét lại, chùi lại. Khi ba rửa chén bát, mẹ con cũng đứng chỉ huy và cằn nhằn, tại sao không rửa cái nầy trước, cái kia sau, và giảng giải về cách tổ chức công việc cho khoa học. Ba đã từng rửa chén bát nồi niêu ở nhà hàng, cả ngàn cái mỗi ngày, chưa có ông chủ bà chủ nào chê bai than phiền cả. Những khi ba đang dở tay làm một công việc gì đó, như đang đứng trên thang cưa cây, hoặc sơn lại bức tường, mà mẹ con nhờ làm việc khác, dù việc nhỏ nhặt đến đâu, cũng phải buông tay để làm ngay, không làm liền sẽ có ồn ào, làm liền thì mẹ con lại chê bai trách mắng ba tại sao không dẹp cái thang, tại sao còn để thùng sơn đó.... Việc gì ba làm, mẹ con cũng trách móc, uống nước chưa xong, mẹ con cũng lườm mắt hỏi sao không cất cái ly ngay, và chê ba làm biếng. Cất con dao vào chạn, mẹ con cũng kiếm cớ để phàn nàn, nhăn nhó. Áo quần đang thay, chưa cất kịp, cũng la hoảng lên. Con biết hết những điều đó. Ba nhắc lại cho bác nghe, để bác biết cho tình cảnh của ba.  Mỗi lần lái xe cho mẹ con đi đâu, như cả một cực hình, dọc đường, cứ thế mà mẹ con ra rả than vãn đủ chuyện, chê trách ba đủ điều, bới móc chuyện xưa từ mấy chục năm trước để mắng mỏ ba, dù cho ba không hề sai phạm. Khi lái xe trên đường, mẹ con như ông tướng ra lệnh, với giọng hách dịch sai bảo, lái mau, lái chậm lại, quẹo phải, quẹo trái. Chưa nghe mẹ con ra lệnh với cái giọng dịu dàng bao giờ. Ba là chồng, không phải tài xế, cũng không phải đứa nô lệ.

Nói với tài xế với giọng hách dịch như vậy, họ cũng bỏ việc, hoặc mắng lại cho nhục nhã. Mỗi khi lái xe, ba vừa bực mình vì những lời khó nghe của mẹ, vừa lo lắng sợ đi lạc đường. Nếu chỉ lạc đường một đoạn ngắn, mẹ con làm như trời đất long lở, làm như ba phạm tội sát nhân không bằng.  Mấy lần, người khác bất cẩn, cọ quẹt vào xe mình, thế mà ba lãnh đủ, bị mẹ con cằn nhằn, xỉ vả, nhiếc móc ba cả năm trời. Rồi thỉnh thoảng cũng còn nhắc lại. Rồi những khi mẹ con đọc báo, xem truyền hình, thấy những chuyện xấu xa xẩy ra  trong xã hội, mẹ con xỉ vả, chửi bới, trách móc, làm như chính ba là kẻ tội phạm. Đến khi ba phát cáu, gắt lên, mà mẹ con cũng không tha, cứ  tiếp tục hành hạ ba bằng những ngôn từ không tử tế. Vào tiệm ăn, bao giờ mẹ con cũng giận ba, vì không lấy đũa muỗng kịp thời cho mẹ, vì không lấy đủ khăn giấy, hoặc pha trà cho mẹ con quá đầy, quá vơi. Chưa bao giờ đi ăn tiệm chung với mẹ con, mà ba được quyền lựa chọn món ăn mình thích. Bởi vậy, những buổi trưa đi làm, ba thích ngồi ăn một mình trong tiệm, thấy lòng thanh thản, nhàn nhã, và sung sướng lắm. Thế nhưng nhiều khi mẹ con cứ bắt ba bới cơm theo, để tiết kiệm tiền. Mỗi sáng đi ra khỏi nhà, đến sở, ba cảm thấy bình yên, sung sướng, và thấy bạn bè, đồng nghiệp tử tế với mình quá. Ngồi trong sở, ba thấy vui hơn ngồi trong chính ngôi nhà mình. Trong sở, ba được xem như người cẩn thận, chăm chỉ, thường được giao cho phụ trách những dự án khó khăn. Thế nhưng, mẹ con xem ba như người cẩu thả, làm biếng, cái gì ba làm, mẹ cũng chê bai. Mỗi buổi chiều tan sở, ba nấn ná để về nhà chậm hơn, lái xe chậm hơn, vì về đến nhà, tự nhiên cái  nỗi lo sợ dâng lên trong lòng. Mở cửa nhà, mà lòng không vui, nghe tiếng mẹ con nói đã giật mình, hoảng hốt. Có khi về nhà, phải đi nhè nhẹ, sợ mẹ con biết ba đã về. Mỗi đêm, ba cũng không có quyền thức đêm đọc sách, xem truyền hình, mẹ con ra lệnh đi ngủ, phải gấp gấp thi hành. Không thì tru tréo lên, làm ầm nhà ầm cửa.  Ba như một đứa bé hai, ba tuổi, phải tuân phục tuyệt đối. Ba đọc sách, xem truyền hình, mẹ con cũng kiểm soát, cũng bảo phải đọc loại sách nầy, sách kia, phải xem đài nầy, đài kia. Không cho ba xem, đọc những sách, những chương trình truyền hình ba thích. Ðêm nằm ngủ bên mẹ con, cũng không dám trở mình nhiều, sợ mẹ con mất ngủ, thức giấc dậy phàn nàn, cau có. Cái lo đi cả vào giâc ngủ, nhiều đêm ác mộng thấy bị mẹ con dằn vặt, cằn nhằn. Ngay cả bây giờ, xa mẹ con vạn dặm, những giấc ác mộng đó vẫn chưa thôi.

Áo quần của ba, cũng phải mặc những thứ mẹ con mua, ba không có quyền lựa chọn áo quần cho ba. Tự mua cái áo, sẽ có chuyện rầy rà, mỗi lần đem cái áo đó ra mặc, mẹ con kiếm cớ chỉ trích, gây gỗ, và nói những lời đau lòng khó nghe. Bởi vậy, có những cái áo ba không dám đụng đến. Ba phải mặc những thứ áo quần mẹ mua cho, dù không ưa, không thoải mái.

Mỗi khi mua xe, mua nhà, là ba không dám có ý kiến, cứ đưa ý kiến ra, trước hết sẽ bị chê bai, khích bác. Nếu không, thì sau nầy, có bất cứ chuyện gì nhỏ nhặt xẩy ra cho căn nhà, cho chiếc xe, mẹ con níu lấy ba để đổ lỗi, làm tình, làm tội từ năm nầy qua năm kia. Khổ lắm. Ba cứ để cho mẹ con toàn quyền quyết định. Làm gì thì làm. Nhưng cũng có khi chẳng được yên đâu. Nếu có chuyện bất trắc, mẹ con trách cứ ba vô trách nhiệm, để mẹ con phải gánh vác một mình. Những khi trong nhà có thứ gì hư hỏng, ba phải sửa chữa, và làm với nỗi lo lắng, bất an, sợ sửa không được, mẹ con chê bai, nhục mạ, nói những lời hỗn láo khó nghe. Nếu kêu thợ sửa những thứ lặt vặt, thì mẹ con cứ lãi nhãi ba bất tài, vô dụng, vụng về.

Mẹ con phong tỏa kinh tế, không cho ba giữ tiền, mỗi khi tìm thấy tiền trong túi ba, mẹ con gây gổ, ồn ào. Hàng tháng, khi nhận được kết toán chương mục của ngân hàng, mẹ con dò tìm, hạch xách hỏi ba với giọng tra vấn, tại sao có mục nầy, tại sao có mục kia, trong lúc chỉ có mẹ con ký ngân phiếu và lấy tiền mà thôi. Ba bảo cứ đến hỏi ngân hàng, còn ba không biết. Nói thế cũng bị mắng mỏ, rằng không biết gì cả. Mẹ con sợ ba gởi tiền giúp đỡ những người bà con bên quê nhà.. Ðã giữ hết tiền, mà mẹ con khi nào cũng xa gần chửi bới bà con, bạn bè ba, là ăn bám, làm biếng, tham lam.. Khi ba nghèo khó, ba chịu ơn không biết bao nhiêu người, khi có chút tiền bạc, khá lên, thì không ai nhờ vả ba được một xu nào. Ba tự xấu hổ với lương tâm. Có những bà con bên nhà đau yếu, khó khăn, ba phải mượn tiền bạn bè để gởi về giúp đỡ. Ba còn nợ của bác đây mấy ngàn đồng, đã nhiều năm, chưa trả được một xu. Ba đợi đến sang năm, đủ tuổi lãnh non tiền an sinh xã hội, rồi thanh toán luôn.

Ba sợ nhất những khi bị thất nghiệp. Mỗi lần thất nghiệp phải chịu đựng sự dày vò của mẹ con. Mẹ con chê bai ba, đổ cho ba nhiều tội, cho rằng vì ba vô trách nhiệm, làm biếng, nên bị cho nghỉ việc. Mẹ con nói rằng, nếu ba khá hơn, người ta cho người khác nghỉ, chứ không phải ba. Mẹ con đằn vặt ba ngày đêm, và thúc hối ba đi tìm việc, làm như ba không muốn tìm ra việc. Chưa xong, mẹ con còn bêu rếu, đi đâu, gặp ai, cũng rêu rao ba bị cho nghỉ việc vì kém cỏi. Dù cho cái sở của ba làm có bị phá sản, mẹ con cũng đổ lỗi cho ba. Những khi nầy, mẹ con cho rằng ba ăn bám vào vợ. Ba tin rằng, đời ba chưa hề ăn được của mẹ con một miếng cơm nào. Có ăn của mẹ con được một miếng cơm, thì e cũng phải hộc ra ba bụm máu.

Ba còn nhớ cái thời mẹ con được công ty cho một chức vụ nhỏ, làm trưởng toán, có ba người nhân viên làm việc dưới quyền. Cái thời nầy, mẹ con càng hùng hổ hơn. Làm như bà xếp, kẻ chỉ huy tất cả mọi sự. Miệng phán ra toàn mệnh lệnh. Ba càng sợ hãi hơn. Bà con quen biết cũng phải khó chịu lây.

Một điều, cho đến ngày nhắm mắt, ba cũng còn ân hận, là chuyện bà nội con. Ông nội con mất khi ba còn bé. Bà buôn tảo bán tần, nuôi ba học hành đến nơi đến chốn. Có nghề nghiệp vững vàng, có chút địa vị trong xã hội. Biết bao nhiêu công phu, khó khăn, hy sinh để nuôi nấng ba. Thế nhưng, khi ba bảo lãnh được bà nội qua đây, mẹ con hất hủi, dằn vặt, nói nặng, nói nhẹ, để bà không sống nổi với con cháu, phải về lại bên quê nhà. Rồi bà mất, mà ba không về được. Ba khổ tâm lắm lắm. Không có gì bù đắp, không có gì chuộc lại những mất mát trong lòng ba. Ba hèn nhát, để vợ đối xử với mẹ như vậy.. Không ai có thể dung thứ cho ba cả. Ba có tu mấy mươi kiếp cũng không chuộc lại được tội của ba. Ba biết bà nội đứt ruột đứt gan khi thấy ba đớn hèn, sợ mẹ con như sợ cọp dữ. Ba đã nói, cái sợ như một phản ứng có điều kiện, nó nhập vào trong tiềm thức, ăn sâu vào trong não bộ. Lý trí không điều khiển được cái nỗi sợ trong lòng.

Còn chuyện vợ chồng, thì cái sợ nó che khuất cả tình thương yêu. Ðiều sau đây, đáng ra ba chỉ nói riêng với bác, nhưng con có thể nghe để học kinh nghiệm cho đời sống gia đình tương lai. Vợ chồng không còn tình yêu say mê, những khi  gần gũi thể xác, thì cũng chỉ như một việc trả nợ quỷ thần, làm cho xong bổn phận, và khó khăn lắm mới có thể khởi đầu. Nhiều khi ba tưởng mình đã  bị bất lực..

Bạn bè gần của ba, ai cũng biết và tránh không muốn đến nhà. Cái thái độ của mẹ con làm họ khó chịu.. Những khi có bạn bè từ xa đến thăm, ba lo lắng lắm. Mẹ con chỉ nấu giúp bình trà, hay làm một tô mì gói, cũng than vãn, cằn nhằn rằng không có sức để hầu hạ bạn của ba. Có khi mẹ con không ra chào họ. Khách cũng buồn vì nghĩ chủ nhà không muốn tiếp họ. Sau khi khách về, lòng ba lo lắng lắm, sợ sóng gió dậy lên trong gia đình.

Bà con xa gần bên nội đều lánh mặt, không muốn giao tiếp với gia đình mình, vì  thái độ thiếu lịch sự của mẹ con. Gia đình bên nội khinh ba bạc nhược, hèn nhát. Họ đúng. Nhưng con biết nguyên nhân sâu xa nào, làm ba trở thành yếu đuối, bạc nhược như vậy? Có lẽ vì ba mồ côi cha sớm, suốt một đời ba tha thiết tình phụ tử mà không có. Ba không muốn các con phải thiếu mất tình thương của cha, hoặc của mẹ trong khi tuổi còn thơ ấu. Ba thấy nhiều gia đình, cha mẹ li tán, con cái bơ vơ đau khổ tội nghiệp lắm, có đứa phải bỏ học, những đứa khác có thể thành công trong cuộc đời, nhưng vết thương, niềm đau trong lòng không bao giờ vơi lấp được. Ðó là lý do chính yếu... Bởi vậy, nên ba nguyện khi nào các con học xong, kiếm được việc làm tốt, ba vào chùa tu, rũ sạch lo âu phiền muộn. Ðể hết nhà cửa, tiền bạc, tài sản lại cho mẹ con, ba không cần mang theo một xu. Ba đã già, đời không còn bao năm nữa, tại sao lại phải sống trong lo âu, sợ hãi, bực bội, không vui? Ba muốn những năm ngắn ngủi còn lại trong đời mình, thành những ngày tháng thảnh thơi, dễ chịu, thong dong, không bị kềm kẹp, không bị kiểm soát, không bị dằn vặt, đay nghiến bởi bất cứ ai. Ba bây giờ như kẻ bị tù chung thân, đã thoát được ngục tù. Con  đừng bắt giam lại, tội nghiệp ba lắm.”

Hùng bưng trà, chiêu một hơi dài cạn chén, nở một nụ cười thỏa mãn, có lẽ vì đã nói ra được hết nỗi niềm chất chứa trong lòng từ lâu. Tôi thở dài. Dung thì nước mắt rưng rưng, mũi phập phồng, nắm chặt lấy tay bố.

Tôi đưa tay vò cái đầu láng bóng của Hùng và nói đùa:

“Cái đầu của ông trơn quá, e bụi cũng không bám vào được. Không ngờ đời ông cay đắng đến thế. Ngày xưa, khi còn sinh viên, mỗi lần biểu tình, bãi khóa, ông đi đầu cầm biểu ngữ, la hét hùng dũng lắm, chẳng sợ trời đất gì cả. Ra làm việc, ông cũng chẳng coi thượng cấp ra một kí lô nào... Thế mà lớn lên, chỉ sợ vợ thôi. Thiệt đời cũng lạ.”

Chúng tôi cùng cười. Dung đưa tay lau nước mắt và hỏi:

“Ở đây ba thấy sao? Có dễ chịu không? “

“Thiên đường! Ba sung sướng lắm. Trong lòng ba nhẹ nhàng, cái niềm lo âu đè nặng mấy mươi năm nay nó tuột đi, nhẹ bỗng lâng lâng. Mỗi sáng thức dậy, vui sướng. Sống từng giờ khắc không có một chút lo âu, lòng yên ổn. Chỉ riêng cái ý thức mình hết lo, hết sợ hãi, cũng đã sung sướng lắm rồi.”

Dung ngập ngừng: “Con hỏi, ba có tin đi tu sẽ được ... cái gì đó, để mai sau về niết bàn hay ... gì gì ấy không?”

Hùng cười: “Ba chẳng tin cái gì cả. Có lẽ chết là hết, tan thành tro bụi. Nhưng đọc kinh Phật, ba tìm được rất nhiều an ủi, thanh thản cho tâm hồn, cởi ra được nhiều sân si còn ẩn náu trong mình. Càng đọc, càng thấy mình nhẹ nhàng, thanh thoát. Chỉ có thế thôi.”

Buổi trưa, tôi mời Hùng ra tiệm ăn cơm chay, Hùng không chịu, và mời ở lại ăn cơm chùa. Chúng tôi ăn vào lúc gần một giờ chiều. Cơm ba món, canh bí đỏ, rau luộc, và dưa kho. Tôi ăn được ba chén đầy. Tôi nói với Hùng:

“Cơm ngon quá. Món ăn thanh đạm, giản dị, nhưng rất ngon. Tôi làm một lúc ba chén đầy. Ở nhà, chỉ ăn được hai chén đã là nhiều lắm.”

Hùng cười, nụ cười lém lỉnh thân thiết ngày xưa khi chúng tôi còn đi học, và trả lời:

“Ðể cho đói đến đắng miệng, thì ăn cơm nguội cũng ngon. Ðây cũng như chủ trương của nhà chùa. Không khi nào dọn cơm đúng bữa, phải dọn cơm cho khách thập phương càng trễ càng tốt..”

Tôi chèo kéo và năn nỉ lắm, Hùng mới chịu theo chúng tôi về nhà thăm, ở lại đêm chơi. Hùng mang áo cà sa vàng, cổ quàng một chuỗi hạt màu nâu, đem theo một bộ áo quần ngủ. Về đến nhà, vợ tôi mở cửa, chắp tay vái, và nói:

“Bây giờ chúng tôi phải kêu anh bằng gì cho đúng nhỉ? Thượng tọa, đại đức hay thầy...”

“Chẳng thượng tọa, đại đức gì cả. Tôi mới vào tu, chẳng có chức vị gì. Tôi cũng chẳng cần chức vị. Ði tu để tìm thanh thản cho tâm hồn. Tránh đau phiền nơi tục lụy. Ðược vậy, đã xem như đốn ngộ rồi.”

Vợ tôi rót nước, pha trà, và dọn bánh mời khách. Chúng tôi ngồi nói chuyện xưa, hàn huyên, nhắc đến bạn bè cũ. Kẻ mất người còn. Nhắc đến những kỷ niệm xưa, khi chúng tôi còn đi học, còn ở tỉnh lỵ nhỏ. Rồi vợ tôi lấy xe ra đi. Một lúc sau xách về nhiều bao thức ăn, rau, cải, tàu hủ, nước tương, chao. Chúng tôi phụ mang vào trong bếp.

Buổi tối, khi vợ tôi mời vào bàn ăn, thấy trên bàn dọn sẵn gần chục món chay khác nhau, màu sắc xanh đỏ, ngon lành. Có món canh khổ qua dồn thịt chay, chả cua chay vàng ruộm, thịt gà xào sả ớt chay, thịt heo hầm chay, giả cầy chay, miến xào, xà lách bát bửu, cá trê nướng chay, tôm kho nước dừa chay.

Hùng có vẻ ái ngại, nói:

“Ðể chị phải mất công mệt nhọc như thế nầy, tôi áy náy quá. Ðáng ra tôi phải nói trước, chỉ cần cho tôi chai nước tương tưới vào cơm ăn cũng đủ rồi.”

Vợ tôi cười vui vẻ:

“Thôi, anh đừng khách sáo. Mấy khi tôi được dịp ôn lại cách nấu cơm chay của mẹ tôi ngày xưa... Tôi phải cám ơn anh mới phải, nhờ có anh đến chơi, tôi mới có cơ hội nấu đồ chay. Ngày mai, có cháo gà ăn điểm tâm. Cháo gà đặc biệt lắm, cháo chay, nếu không nói trước, thì tưởng như cháo gà thật.”

Tôi cười: “Ðã ăn chay rồi, còn vọng mặn. Kìa, con cá chiên kia là chay hay mặn, sao giống thế, còn dĩa tôm kho nầy nữa. Toàn cả lừa mị thánh thần.”

Vợ tôi cười nói: “Ðấy, thế gian nầy đầy cả giả dối. Ngang nhiên lừa mị thánh thần rồi còn hiu hiu tự đắc. Không chừng, biết bị đánh lừa, mà mấy ổng lại khoái!”

Khi mở bia mời khách, vợ tôi mới biết không còn nước đá trong ngăn lạnh. Bên ngoài trời đổ mưa tầm tã, vợ tôi hơi bối rối, rồi chạy vào lấy dù ra xe đi mua nước đá. Tôi ngăn lại, cả Hùng cũng cản, vì uống bia không có nước đá càng ngon, cũng chẳng sao. Vợ tôi cười:

“Các anh uống bia không có nước đá mất ngon đi”.

“Nhưng trời mưa to quá, vả lại, đi làm chi cho ướt át, khổ thân.”

“Ðể em đi, lỗi tại em không làm đá sẵn, và quên để bia vào tủ lạnh. Các anh và cháu chờ nhé..”

Hùng áy náy nhìn theo vợ tôi đang xách dù mở cửa nhà xe ra đi. Mười lăm phút sau, vợ tôi chạy về với nét mặt vui vẻ, hớn hở, mang theo một  bịch nước đá lớn. Bỏ nước đá vào ly của Hùng và tôi, vợ tôi nhẹ nhàng:

“Không có nước đá, bữa ăn cũng mất ngon phần nào, uổng công tôi làm bếp..”

Vợ tôi tắt đèn điện, bưng ra ba đế đèn cầy,  ánh sáng vàng tỏa ra trong nhà ấm cúng. Chúng tôi nâng đũa. Hùng cười đùa:

“Bây giờ tôi mới hiểu câu nói ‘Thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu’. Nầy ông Nguyên, ông có vợ hiền, gia đình thật ấm cúng hạnh phúc. Không tu mà được hưởng phước đấy.”

Tôi đùa lại: “Không phải trong nhờ, đục chịu đâu. Có đục cũng phải gạn lọc cho thành trong... Phải ‘Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về...’ Ðể trễ quá, chỉ còn có nước vô chùa lánh nạn như ông mà thôi.”

Dung nói giọng nhão nhẹt: “Lánh nạn đâu cần phải vào chùa hở ba? Lánh nạn thì ở đâu chẳng được? Sao ba không qua Hawaii hoặc về Florida ở, vừa ấm áp vừa vui.”

Hùng trả lời: “Vào chùa, xem như dứt khoát, mình dễ làm quen với kinh kệ hơn. Ở ngoài còn ham cái khác, còn vọng động. Nhưng mục đích chính, để các con được dễ dàng trong chuyện nhân duyên, Ba không muốn các con mang tiếng có cha mẹ li dị. Ba đi tu, không ai có thể dị nghị các con. Người ta nghĩ ba làm việc tốt. Bây giờ các con lớn rồi, ba có cơ hội để sống thêm ít năm trong yên bình tâm trí, không ái ngại. Nếu từ đầu, không vì các con, thì ba đã lấy quyết định dứt khoát ngay. Ba đâu phải là một kẻ ngu đần để cắn răng chịu đựng mấy mươi năm nay. Khi nào các con có gia đình hết rồi, và nếu ba không tìm được an nhiên tự tại trong khi ở chùa, ba sẽ xét lại việc  đi tu. Nhưng hiện nay, như ba đã nói với con, là thiên đường đã tìm thấy, không cần phải chờ qua kiếp sau, hoặc đi đâu xa vời..”

Dung thở dài nói như khóc:

“Con biết ba khổ lâu nay, nhưng không ngờ trong lòng ba khổ đến thế. Con thương mẹ, nên mù quáng, không thấy hết uẩn khúc trong ba. Con qua đây để thăm ba, cũng định để thuyết phục ba trở về với mẹ.. Nhưng bây giờ, con tin, ba ở lại tu hành cũng đúng, không có lý do gì để ba phải chịu đựng cay cực nhiều hơn nữa.”

Ngày chủ nhật, vợ chồng tôi đưa Hùng và cháu Dung đi thăm San Francisco. Chúng tôi đi bằng xe điện tốc hành, rồi lấy xe bus, ra bến tàu, đi thăm cầu Golden Gate đỏ chói phơi mình một nửa ngoài nắng, một nửa chìm trong mây mù. Chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Về phố Tàu ăn “tỉm xấm” và qua thăm vườn Nhật. Buổi tối đi nghe nhạc hòa tấu đến khuya mới về đến nhà. Chúng tôi pha trà, ngồi nói chuyện cho đến khuya....

Hùng cảm động nói với vợ tôi:

“Bây giờ, tôi tin  hạnh phúc gia đình có thật trên đời nầy. Ở nhà anh chị hai hôm, đi chơi với anh chị suốt ngày, mà chưa hề nghe vợ chồng gay gắt nhau một lời. Người xướng, người họa, vui vẻ, hòa đồng, khi nào cũng ngọt ngào, tử tế, dịu dàng. Ðời sống thật hạnh phúc. Khi đủ ăn, đủ mặc, không túng thiếu, mà cuộc sống có hạnh phúc, thì đâu cần đi tìm thiên đàng cho xa xôi.”

Dung nhìn vợ tôi và hỏi: “Bác cho con một lời khuyên, sau nầy làm sao để tạo được một gia đình hạnh phúc?”

Vợ tôi cười và trả lời: “Cả hai người đều phải biết cho nhiều hơn nhận. Ðừng đòi hỏi ai phải có bổn phận đối với mình. Nên luôn luôn tự hỏi mình đã làm được gì  cho người khác chưa, đừng hỏi tại sao người khác chưa làm việc nầy, việc kia cho mình.. Biết  chấp nhận và thương cả cái ưu điểm, lẫn khuyết điểm của người mình thương”.
Tràm Cà Mau