Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Saturday, April 25, 2020

Nhật ký của một linh hồn sau khi chết


Nhật ký của một linh hồn  sau khi chết

- Vào một ngày, khi hơi thở ta không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ của ta, ta đã thấy... Người ghét ta, nhảy múa vui mừng, người thương ta, nước mắt rưng rưng.

- Ngày động quan...
Thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất. Người ghét ta, nhìn nấm mộ niềm vui hiện rõ. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.

- Ba tháng sau...
Thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.

- Một năm sau...
Thân thể của ta đã rã tan…nấm mộ của ta mưa bay gió thổi...ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình. Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta...họ vẫn còn bực tức. Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.

- Vài năm sau...
Ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn. Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta. Người yêu thương ta, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.

- Vài chục năm sau...
Nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.

- Đối với thế giới này...
Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta dành dụm để lại, rơi vào tay kẻ khác.
Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà ta cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.

- Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là sự lương thiện.
Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi.
Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc.
Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm mồ vô danh

Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.

P/s :
Đã biết chốn này là quán trọ...
Hơn thua hờn oán để mà chi...
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì...

3 mẩu chuyện ngắn

3 mẩu chuyện ngắn.
Một vị phu nhân khinh thường một ông lão làm vườn, một vị chủ doanh nghiệp nhỏ thất bại khi giao dịch kinh doanh, một cậu thanh niên giúp một bà già trú mưa, toàn bộ những việc làm ấy có thể là ngẫu nhiên, bình thường, giản đơn…nhưng mỗi một hành động lại ở trong một hoàn cảnh khác nhau và đem lại những kết cục vô cùng bất ngờ…

1. Đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá.

Một người phụ nữ thanh lịch khoảng 40 tuổi dẫn con trai vào khuôn viên tòa nhà trụ sở một công ty nổi tiếng ở Thượng Hải. Họ chọn một chiếc ghế băng dài ngồi xuống và ăn nhẹ tại đó.

Một lát sau người phụ nữ ném xuống đất một mẩu giấy ăn bẩn. Cách đó không xa, một ông lão đang tỉa cây nhìn thấy hành động đó bèn lẳng lặng đến nhặt mẩu giấy vứt vào thùng rác.

Vài phút sau, người phụ nữ này lại vứt thêm một mẩu giấy xuống đất. Một lần nữa, ông lão bước tới nhặt mẩu giấy ném vào thùng rác. Cứ như vậy, ông đã nhặt rác của người phụ nữ ba lần liên tiếp.

Người phụ nữ ngồi đó nhìn ông lão với ý khinh thường và nói với cậu con trai: «Con thấy không, nếu không chịu khó học hành, tương lai sau này con chỉ có thể làm những công việc tầm thường như vậy thôi.»

Sau khi nghe câu chuyện, ông lão làm bên đặt cái kéo xuống và tiến đến nói: «Xin chào, đây là khu vườn riêng của tập đoàn, hai người sao có thể vào được đây?» Người phụ nữ cao ngạo trả lời: «Tôi vừa nhận được lời mời đến làm giám đốc chi nhánh của tập đoàn.»

Đúng lúc đó một người đàn ông vội vã tiến đến, đứng cung kính phía trước ông lão: «Thưa tổng giám đốc, hội nghị sắp bắt đầu.»

Ông lão từ tốn nói: «Ta đề nghị miễn chức vụ của vị phu nhân này.» Tiếp đó ông tiến tới, xoa đầu và nói với cậu bé rằng: «Chàng trai nhỏ, ông hy vọng cháu có thể hiểu được rằng, trên thế giới này điều quan trọng nhất là phải học cách tôn trọng người khác cũng như công việc hoàn cảnh sống của họ…»

Vị phu nhân kia sững sờ mở to đôi mắt và không nói được gì cả…

Trong cuộc sống, đâu cứ phải ăn mặc sang trọng, làm những công việc to lớn thì mới được coi là người đáng được coi trọng. Có biết đâu, những con người nhỏ bé, làm những công việc bình thường lại là những con người không hề tầm thường. Quan trọng ở thái độ mỗi người khi ta chứng kiến, tiếp xúc cũng như đối xử với họ ra sao.. Đừng chỉ nhìn vào bề ngoài của họ mà đánh giá, bởi nét đẹp của con người xuất phát ở nội tâm, ở tấm lòng cao cả và sự thánh thiện.

2. Chân thành là vô giá.

Tại Hoa Kỳ, có một chủ doanh nghiệp nhỏ A luôn luôn muốn được hợp tác cùng chủ doanh nghiệp lớn B nhưng nhiều lần đều thất bại.

Lần đó, vì bàn chuyện hợp tác không thành nên ông chủ A lầm lũi buồn rầu đi ra khỏi tòa nhà văn phòng công ty B. Anh đang đi thì nhìn thấy bên đường có một cây non bị gió thổi rạp xuống mặt đất, anh bèn tiến đến nâng cái cây lên. Sợ cây nhỏ như vậy có thể bị gió thổi đổ một lần nữa, anh liền tìm quanh một chiếc dây thừng cố định lại.

Thật không ngờ, ông chủ B đã nhìn thấy rất rõ ràng những việc làm đó của anh. Hành động vô tư ấy khiến ông rất cảm phục, lập tức đề nghị hợp tác cùng.

Khi bản hợp đồng được ký xong, ông chủ B nói: «Cậu biết không? Điều làm ta cảm động không phải vì hành động dựng cây nhỏ, mà vì cây nhỏ, cậu đã chạy rất xa tìm một sợi dây thừng đem nó cố định lại. Khi người khác cần sự giúp đỡ, nếu một người dù không hiểu rõ tình huống lúc bấy giờ nhưng vẫn hy sinh lợi ích của bản thân không chút do dự, cho dù đó chỉ là những điều nhỏ nhoi thì đều đáng quý. Ta không có lý do gì không hợp tác cùng những người như vậy, những người như vậy không có lý do gì không được thành công.»

Một hành động tốt bụng nhỏ bé, vô tư vô ngã nhưng mang ý nghĩa lớn lao sẽ đem lại ích lợi cho chính bản thân người có trái tim bao la biết cứu giúp những người xung quanh đó. Con người chúng ta vẫn nghe câu, rằng: gieo nhân nào gặp quả đó, làm người tốt sẽ được gặp những điều tốt lành, còn làm việc xấu sẽ  tự nhận báo ứng xui xẻo. Thế thì chẳng phải giúp người chính là giúp mình hay sao?

3. Cơ hội luôn đến khi ta không toan tính và đủ chân chính.

Hoa Kỳ một ngày mưa rơi xối xả xảy ra một câu chuyện cảm động tại một cửa hàng bách hóa.

Ở cửa hàng bách hóa nọ hôm ấy có một bà lão tiến đến. Do khắp cả người ướt nhèm nên tất cả nhân viên đều không muốn đón tiếp bà.

Nhưng lúc ấy có một người thanh niên trẻ chân thành tiến đến và lịch sự hỏi: «Chào bà, cháu có thể giúp gì cho bà không ạ?». Bà nở nụ cười hiền đáp: «Không cần đâu, ta chỉ xin trú mưa một chút rồi rời đi ngay.» Đến nhờ trú mưa tại đây như vậy thật ngại, nên bà muốn mua một chút gì đó để coi như trả ơn, loay hoay qua lại hồi lâu nhưng bà vẫn không biết phải mua gì cả. Người thanh niên thấy vậy liền nói: «Bà ơi đừng khó xử, cháu sẽ mang cái ghế đặt ở gần cửa, bà ngồi nghỉ ở đó là được ạ.» Hai tiếng đồng hồ trôi qua, cuối cùng mưa cũng tạnh, bà lão đưa cho chàng trai một tấm danh thiếp, nói lời cảm ơn rồi rời đi.

Vài tháng sau, một cơ hội bất ngờ đến với chàng trai này. Lãnh đạo đã chỉ định cậu đại biểu cho chuỗi cửa hàng bách hóa đến đào tạo nghiệp vụ tại một công ty lớn, lợi nhuận không hề nhỏ.

Thì ra, chính bà lão trú mưa ngày trước đã cho cậu cơ hội đặc biệt này. Bà lão đó không phải ai khác, chính là mẹ của ông vua thép Andrew Carnegie.

Sau đó, chàng trai vì phẩm chất tốt đẹp, và niềm đam mê học hỏi và là người có năng lực rất tốt nên đã trở thành phụ tá đắc lực của Carnegie.

Trong cuộc sống, luôn luôn xảy ra những điều bất ngờ phải không? Những bất ngờ đó có thể là những cơ hội mà con người có được bằng sự chân thành, bằng lòng tốt không hề toan tính khi giúp đỡ người khác. Chàng trai trong câu chuyện kể vừa rồi chẳng phải là một ví dụ thực tế đầy thuyết phục hay sao. Vậy nên, hãy cứ vô tư giúp đỡ những người xung quanh mình bằng tấm lòng từ bi hòa ái, không toan tính, biết đâu cơ hội sẽ bất ngờ đến với bạn.

PS. Nhớ nhé: Làm việc tốt với tâm thành, không  đóng kịch, không giả tạo; Dù cơ hội  không đến, lòng mình cũng thanh thản, vui tươi . Đó là  một phần thưởng.

Sunday, April 12, 2020

Bác sĩ Alexandre Yersin


Bác sĩ Alexandre Yersin

«Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và có nhiều công việc cần làm», vị bác sĩ tiếp tục. Khi ấy, Nha Trang không biết đến ông như Alexandre Yersin lẫy lừng thế giới, người đã đẩy lùi căn bệnh dịch hạch. Trong mắt họ, chỉ có một «ông Năm» tốt bụng, quý trẻ con và chữa bệnh miễn phí cho làng chài nghèo khổ. Quả thật, hiếm người Pháp nào được xứ Đông Dương yêu mến nhiều đến thế.
Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.
Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương «dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ». Ông nói «đời mà không đi, thì còn gì là đời».
Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur «mời ăn tối và nghe báo cáo», «thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể». Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để «vang danh thiên hạ, giúp nhân loại». Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Viện bảo tàng Yersin tại Nha Trang
Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để «ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời». Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là thành phố dược phẩm, là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.
Ông cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua….(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng «tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân». Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.
Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà…thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh….mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ «ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..». Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật…không hề làm ông nản bước. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt Nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông «bày vẽ» cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói «do Pháp xây» là do ông chọn vị trí cả. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo «đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ». 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông «dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ». Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ quyết định thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém….của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.
Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi về phương Đông, một miền đất nghèo xa lạ. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm việc và an nghỉ cuối đời. Ông luôn nói «tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và tôi sẽ phụng sự cả tính mạng và cuộc đời tôi cho họ».

Tượng Alexandre Yersin nơi Bảo tàng Yersin tại Nha Trang
Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu 1 thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị «Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi».
Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo….để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn Yersin. Công lao của ông với dân tộc này, với đất nước này là không bao giờ kể hết.
Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin, có nhiều cuốn sách viết về ông. Đó là một người mà người Việt chúng ta phải mãi mãi nghiêng mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để dạy ở các cấp học để thế hệ chúng ta mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.
Và mỗi cá nhân, nếu tình cờ đọc được những dòng chữ trên thì hãy bắt chước ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe – cái nhà – miếng đất – bằng cấp – chức vụ – công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Cùng nhau MAKE VIETNAM BETTER.
Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.
Xuân Kỷ Hợi, 2019
Nguồn: Tony buổi sáng
____________________
«Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết nơi này thú vị như thế nào», Alexandre Yersin viết về Nha Trang trong lá thư gửi cộng sự Emile Roux đầu thế kỷ 20.
«Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và có nhiều công việc cần làm», vị bác sĩ tiếp tục. Khi ấy, Nha Trang không biết đến ông như Alexandre Yersin lẫy lừng thế giới, người đã đẩy lùi căn bệnh dịch hạch. Trong mắt họ, chỉ có một «ông Năm» tốt bụng, quý trẻ con và chữa bệnh miễn phí cho làng chài nghèo khổ. Quả thật, hiếm người Pháp nào được xứ Đông Dương yêu mến nhiều đến thế.
Chân dung bác sĩ Alexandre Yersin. Ảnh: Wikipedia.
Sinh năm 1863 tại Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ), Alexandre Yersin học y khoa tại Lausanne rồi chuyển sang Marburg (Đức), cuối cùng đến Paris (Pháp). Năm 1886, ông về làm việc tại phòng nghiên cứu Louis Pasteur theo lời mời của Emile Roux đồng thời tham gia phát triển huyết thanh chống bệnh dại. Năm 1888, ở tuổi 25, Yersin nhận bằng tiến sĩ. Ông gia nhập Viện Pasteur thành lập năm 1889, cùng với Roux khám phá ra độc tố bạch hầu. Tương lai sáng lạn như được định sẵn cho nhà khoa học trẻ tuổi tài năng. Thế nhưng Yersin lại suy nghĩ khác. Đối với ông, «đời mà không đi thì còn gì là đời». Louis Pasteur viết trong nhật ký ngày 21/10/1890: «Sự thôi thúc đi đến các quốc gia xa xôi cuốn hút Yersin, và không có cách nào giữ anh ở lại với chúng ta».
Năm 1890, Yersin nghỉ việc ở Viện Pasteur, lên đường đến Đông Dương với vai trò là bác sĩ cho công ty Vận tải Hàng hải trên tuyến Sài Gòn – Manila và Sài Gòn – Hải Phòng. Năm 1891, lần đầu đặt chân đến Nha Trang, Yersin đã yêu mến mảnh đất này và quyết định lưu trú tại đây. Ông cho dựng nhà ở Xóm Cồn đồng thời mở phòng khám, trở thành bác sĩ người Âu đầu tiên hành nghề trong vùng.
Năm 1894, chính phủ Pháp cùng Viện Pasteur yêu cầu Yersin tới Hong Kong nghiên cứu bệnh dịch. Ở đó, trong túp lều nhỏ gần bệnh viện, người học trò xuất sắc của Pasteur khám phá ra công trình vĩ đại: mầm bệnh dịch hạch. Ông đặt tên cho trực khuẩn tìm thấy là Pasteurella Pestis nhằm tôn vinh người thầy vĩ đại trước khi giới khoa học đổi lại thành Yersinia Pestis.
Từ năm 1895 đến 1897, Yersin tiếp tục công trình về bệnh dịch hạch. Năm 1895, ông quay về Viện Pasteur Paris với Émile Roux, Albert Calmette và Amédée Borrel; chuẩn bị cho huyết thanh chống dịch hạch đầu tiên. Cũng trong năm này, Yersin lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang phục vụ cho việc nghiên cứu. Năm 1898, Viện Pasteur Nha Trang được khánh thành.
Yersin trong trang phục thám hiểm tại Nha Trang. Ảnh: Institut Pasteur/CVN.
Năm 1902, theo đề nghị của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Yersin ra Hà Nội thành lập Đại học Y Đông Dương, nay là Đại học Y Hà Nội. Ông thiết kế giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp: sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết; đích thân giảng dạy các giờ vật lý, hóa học, phẫu thuật. Yersin nhận xét lứa sinh viên y khoa đầu được đào tạo ở Đông Dương «rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với các sinh viên giỏi nhất bên Pháp, ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm, gần như không có ai lười biếng». Hai năm sau, khi mọi thứ đã vào guồng, ông từ chức để dành trọn thì giờ nghiên cứu.
Quay về Nha Trang, Yersin sống gần gũi với dân làng. Người ta gọi ông là «Ông Năm» theo cấp bậc đại tá quân y. Vị bác sĩ lấy tiền khám bệnh của những kẻ máu mặt, giàu có nhưng hoàn toàn miễn phí với người nghèo, còn thường xuyên cho trẻ con kẹo hoặc tiền lẻ để mua quà. Trong thư gửi mẹ, Yersin tâm sự: «Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa bệnh cho những ai đến nhờ, nhưng không muốn biến y học thành một nghề, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một bệnh nhân trả tiền vì đã điều trị cho họ. Con coi y học là thiên chức, là nhiệm vụ. Đòi chi phí từ bệnh nhân chẳng khác nào nói với họ rằng: tiền hay mạng sống». Không chỉ vậy, Yersin trân trọng những đóng góp của các phụ tá người bản địa. Ông quý mến, quan tâm đến đời sống của họ, nhẫn nại tử tế và không bao giờ to tiếng thị oai.
Yersin cùng bác sĩ thú y Henri Jacotot. Ảnh: Institut Pasteur/CVN.
Dành trọn tâm huyết cho khoa học, Yersin không màng đến danh vọng quyền lợi của bản thân. Ông nhận những giải thưởng cao quý trong sự ái ngại bởi «không hề thấy mình xứng đáng», rồi quyết định dùng toàn bộ tiền từ số giải thưởng ấy vào các công trình nghiên cứu. Noel Bernard, cây bút đầu tiên viết tiểu sử Yersin nhận xét: «Chắc chắn rất hiếm người ít tư lợi như thế». Mặc bộ đồ kaki bạc màu, đi chiếc xe đạp cũ kỹ, Ông Năm sống giản đơn, ngay thẳng, bình thản và chừng mực.
Năm 1934, Yersin được đề cử làm Giám đốc Danh dự của Viện Pasteur Paris kiêm ủy viên Ban Quản trị. Năm 1940, ông quay lại Pháp lần cuối cùng trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai bùng nổ.
Ngày 1/3/1943, Yersin qua đời tại nhà riêng ở Nha Trang. Di chúc của ông viết: «Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Đám tang làm giản dị, không điếu văn». Rất đông dân chúng đã đến để tiễn Ông Năm về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn đưa tang dài hơn 3 km.
Trải qua gần nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất hình chữ S, bác sĩ Alexandre Yersin đã để lại dấu ấn sâu đậm khó có thể miêu tả hết. Ngoài y học, ông còn góp công lớn vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm, khí tượng. Tên ông được lấy đặt cho con đường ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang. Quần thể mộ Yersin ở Suối Dầu cùng thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được xem là trường hợp duy nhất người nước ngoài duy nhất được cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Làng Tân Xương ở Suối Dầu thờ cúng ông như một thành hoàng, một vị Bồ Tát. Yersin đã đến đây bằng tấm lòng chân thành và sẽ còn lưu mãi trong ký ức Việt Nam.
Minh Nguyên
Theo VnExpress

Bốn Đại tá trốn trại tù «cải tạo»


Bốn Đại tá trốn trại tù «cải tạo»
Võ Hữu Hạnh
Những năm dài tháng tận rồi cũng trôi qua trong nhọc nhằn khổ sở cả thể xác lẩn tinh thần. Thắm thoát đã hai năm qua ở mảnh đất tận cùng biên giới phía Bắc Việt Nam này. Hàng ngày chúng tôi phải dậy thật sớm trước khi tiếng kẻng rùng rợn vang lên giữa đêm giá rét 0 độ của miền Bắc rẻo cao này, để xếp hàng làm vệ sinh cá nhân, vì hể một khi tiếng kèn đã nổi lên rồi thì mình sẽ không còn là mình nữa,mà là một con trục quay cuồng trong guồng máy luyện thép khổng lồ.
Thời gian đó các cai tù phân công chúng tôi ra từng cặp một trẻ một già, một khoẻ một yếu để vác một cây bồ đề dài khoảng 6 thước, chu vi chừng vài tấc trở lên qua đoạn đường rừng gần 10 cây số, mỗi ngày cặp tù nhân đó phải vác đủ ba chuyến như thế cho đủ chỉ tiêu. Lúc dó khoảng 4 giờ chiều, tôi và một anh bạn trẻ đang khiêng một cây Bồ Đề to lớn, đã cố sức vưọt qua bao nhiêu ngọn đèo,chỉ còn một đèo chót là đến nơi đang xây dựng bệnh xá được xây thêm cho càng ngày càng có thêm bệnh nhân tù.
Trời mưa tầm tã, dưới chân chúng tôi nước chảy thành dòng như muốn cuốn trôi mọi thứ, chúng tôi phải hết sức kềm chân cho chặt vừa phải oằn vai chịu sức nặng đẫm nước của cây tươi vừa đốn hạ. Bỗng nhiên anh bạn gánh vai sau trợt chân té ngửa, buông rơi cả thân cây to, khiến đầu cây còn lại đập mạnh vào hông phải tôi. Đau đón tôi ngất lịm, chân bị trật cả gân lẫn xương. Tôi vào bệnh xá dể được một ông y sĩ Trường Sơn, mỗi lần chữa bệnh, vừa xem cuốn sách châm cứu do Miền Nam ấn hành, vừa châm vào tôi cây kim dài đã hơ qua ngọn lửa vừa nói:
- Tổ chức châm cứu săn sóc anh đây. Chừng nào anh cảm thấy đau buốt thì cứ la lên, tôi sẽ tìm huyệt khác đúng hơn!.
Nhờ mỗi ngày chịu trận cho ông y sĩ dỏm này thực tập vài ba tiếng, tôi mới được ông ký giấy cho «Miễn lao động» trong ngày ấy.
Ngày hôm trước ngày tôi bị cây to đè ngang hông, khi tôi khiêng cây dến đoạn đường Nghĩa Lộ, vừa đói vừa khát, kiệt sức tôi ngã vật xuống bên lềđường. Hai cán bộ bảo vệ trẻ thương hại mới đỡ tôi dậy, nhưng ngay lúc đó cán bộ phó trại, ngưòi mập lùn đi ngang qua, không cho đỡ tôi lại còn đay nghiến: «-Các đồng chí không việc gì mà phải đỡ hộ họ!» Rồi anh cán bộ phó trại quay sang chúng tôi sang sảng: « Tôi biết rõ ở trong Nam, mỗi tuần các anh hầm thuốc Bắc một đứa trẻ từ một tuổi để bồi dưỡng, đúng là quân man di mọi rợ không có tính người! Vì thế anh nào cũng béo tốt như ri, lao động một chút không bằng ai mà cũng giả vờ té xỉu..nhất là mấy anh tỉnh trưởng!!!»
Nhìn vẻ mặt anh ta đỏ gay, gân cổ lên mà nói to ra vẻ rất hiểu biết, để gây thêm căm thù, chúng tôi bổng thấy thương hại sự ấu trĩ của họ hơn là oán ghét. Còn lạ gì một anh chăn trâu suốt đời không được học hành giáo dục, chỉ biết lặp lại nhai lại y khuôn những gì Đảng nói và nhồi sọ cho họ, gây căm thù giai cấp càng nhiều càng tốt. Họ có biết đâu lúc đó tại các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, hàng ngày các bác sĩ cán bộ được lệnh «Kế Hoạch Hóa Gia Đình», để hợp pháp giết non hàng ngàn thai nhi vô tội.
Chúng tôi vẫn tiếp tục lê gót sống những ngày tù khoắc khoải, thì một hôm nọ, trời vừa hửng sáng là trại bị bọn cán bộ, lính bảo vệ trang bị súng ống chĩa vào các lán trạì tù. Ngày hôm đó họ kiểm soát rất gắt gao, nhân dịp tịch thu tất cả những gì chúng tôi có thể để dành ăn chống đói như đường,sữa, bánh ngọt khô.
Cán bộ phó oang oang cái miệng hò hét om sòm:
- Dzõ dzàng nà các anh ngoan cố phản động không chịu học tập cải tạo tốt để sớm lên ngườì công dân xã hội chủ nghĩa tốt, nhất là mấy bọn đại tá các anh đã phụ nòng tin tưởng khoan hồng của Bác, Đảng và Chính phủ, các anh có biết chuyện gì xảy ra sáng nay không?
Ai nấy đều rõ nhưng vẫn im lặng như không. Các lán trại đã tung tin rất nhanh về việc 4 ông đại tá đã trốn trại làm nức lòng nhũng trại viên còn lại. Họ vừa mừng vừa lo và van vái thầm cầu xin cho các vị đó được mau thoát đến đất Lào và biết đâu đến bờ Tự Do đất Thái.
Họ đi theo đội hình như sau:
- Đại Tá Thành, trung đoàn trưởng, trưởng toán trốn trại, mở đường.
- Kế đó là Đại tá Nguyễn Văn Thi, binh chủng Pháo Binh, người giữ địa bàn định hướng.
- Người đi giữa mang thực phẩm cho toán là Đại tá Đỗ Trọng Huề, cựu giám đốc QuốcGia Nghĩa Tử, cố vấn văn hóa cho tổng thống Thiệu.
- Và người giữ mặt hậu là Đại tá Quế, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Pleiku.
Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày củng cố lòng tin cho mọi người. Các cán bộ điên cuồng như ác thú lùng sục tất cả núi đồi. các đội tù đi lấy cát, đá, vôi ở Bến Phà Ô Lâu cũng như các đội lao động nặng lên rừng đốn gỗ đều được lệnh tạm đình chỉ. Chỉ riêng 4 đội tăng gia và hái chè là còn hoạt động cầm chừng dưới sự giám sát gấp đôi của những chú bộ đội phúng phính trong bộ đồ «Cứt Ngựa».Các giờ giài lao 10 phút thưòng lệ đều bị cắt bỏ, chỉ tiêu tăng gấp đôi để mọi người mệt nhoài không còn thời giờ nghỉ ngơi dù là một phút giây nào. Vài anh tù «nông cạn» vội chưởi rủa bốn anh trốn trại, vì họ mà cả bọn chịu cực khổ thêm. Còn lại đa số đều «phấn khởi hồ hởi» vì họ thêm một ngày hi vọng cho những ai chuẩn bị trốn trại sau đó.
Trại cho thay đổi ngay những người «anh nuôi». Những người nầy bị an ninh điều tra thô bạo. Anh đại tá Võ Ân bị gọi lên xuống mấy chục bận mỗi ngày để điều tra manh mối xem ai là người xếp đặt hậu cần cho các anh trốn một cách bí mật chu đáo mà không ai hay biết.
Bốn anh Đại tá trong đội «Cơ Động» hàng ngày đưọc phân công dùng xe cải tiến đến Bến Phà Ô Lâu chở vật liệu nặng về xây cất cho trại. Các anh lợi dụng những chuyến đưọc xuất trại xa như thế đã ngấm ngầm cấu kết với nhau âm mưu trốn trại qua Lào, với sự giúp đỡ của anh Võ Ân, phụ trách nhà bếp trại.
Sau cả tháng mỗi ngày giấu một ít thực phẩm khô, ngày N,giờ G, thừa lúc mấy anh bảo vệ lơ là, các anh ĐT nhà ta lần lượt biến mất sau mỗi quả đồi, hẹn nhau tại một điểm tập trung và … chạy trốn!
Các anh đã đi suông sẻ suốt ngày đầu tiên mà không ai hay biết cho đến chiều tối lúc điểm danh. Đội cơ động bị phát hiện thiếu mất bốn người khiến cán bộ quản giáo, bộ đội canh gác bấn lọan, bắn súng loạn xạ. Lúc đó cả trại mới hay có bốn ông «Bò Lục» trốn thoát, ít nữa là ngày đầu tiên, ai nấy vừa lo vừa mừng cho các anh.
Chúng tôi lo lắng vì noi miền rẻo cao này, mỗi người dân đều là Cộng Sản, là cán bộ tình báo của chúng để quan sát theo dõi chúng tôi sít sao, vì thế mà họ không ngại «thả» chúng tôi ra ngoài để lao động khổ sai vì vùng này họ cho là an toàn nhất,một con ruồi còn khó qua mắt họ.
Nhóm anh Huề, anh Thành, Anh Thi và anh Quế vớí sự trợ giúp hậu cần của anh Võ Ân, tưởng đã trốn trại được đến gần biên giới Lào vẫn bị chúng nó phát hiện sau năm ngày sát biên giới, mà theo lời kể của các anh là «chỉ cần qua bên kia con sông đang chảy xiết là đến đất Lào rồi», kể thì các anh quá giỏi đã vạch kế hoạch, đi đúng hướng chính xác mục tiêu, thất bại chẳng qua là.. số mệnh dun rủi mà thôi!
Chúng họ theo đuổi lùng sục các anh tận biên giới, nơi chắc chắn các anh sẽ đến, quả thật bọn chúng đánh giá không thấp trình độ của các sĩ quan ta. Khi giải các anh về bọn chúng như bầy quỷ dữ khát máu hung hăng, tha hồ đánh đập hành hạ các anh chết đi sống lại cho hả cơn giận của chúng. Riêng anh Thành, trưởng nhóm vượt ngục, bị nhốt riêng rồi thay nhau đánh đập tra khảo anh từ suốt đêm đến sáng. Càng bị hành hạ, anh càng lớn tiếng chưởi bới, cho đến khi gà gáy sáng thì anh không còn có thể la mằng gì được nữa vì chúng nó đã treo cổ anh rồi.
Sau này khi tôi bị biệt giam với các anh Huề, Thi, Võ Ân, Tâm, Huy, Bình, Đức ở khu F, phòng 7, trại Hà Tây, Tỉnh Hà Sơn Bình, mỗi khi nhắc đến anh Thành là mọi người yên lặng rơi lệ, thành kính tưởng niệm một anh hùng bất khuất, nhất là anh Huề, Thi,Võ Ân.
Theo lời anh Huề, sau khi chuẩn bị kỷ lưỡng cà mấy tháng trời những địa điểm tiếp tế các anh đã lần lượt chôn dấu thực phẩm cho những ngày đầu còn ở gần trại thì các anh bắt đầu đi suốt ngày đêm, tránh gặp dânchúng. Đến ngày thứ ba và thứ tư qua, bốn anh em mừng rỡ tưởng gần như thoát nạn rồi. Đường càng xa Yên Bái thì núi non càng cao dần lên, nhiều nơi dốc như thẳng đứng khiến anh em khốn khổ vô cùng. Đến sớm ngày thứ tư thì anh Thành thoáng thấy từ xa một buôn làng có những cuộn khói bốc lên từ các mái tranh. Tuy mừng rỡ nhưng anh em bảo nhau đề cao cảnh giác đi bọc vòng xa ngôi làng.
Bổng đâu có tiếng rào rào như giông to sắp đến nơi, anh Thi, người định hướng đi trong rừng giỏi nhất vì anh là cấp chỉ huy pháo binh, kể chuyện tiếp:
«Lúc đó mọi người đều rã rời vì cơn khát nung nấu dày vò, nhưng tiếng động lạ càng lúc càng to dần,mọi người dều thủ dao sẳn bên mình, sẳn sàng chiến đấu một mất một còn với bất cứ ai khám phá ra bọn người đang quyết tâm đi tìm tự do với bất cứ giá nào.
Tiếng rì rào càng phút càng to dần trên đầu, bọn ngươì núp vào kẻ đá trong lùm cây chờ đợi. Thật bất ngờ! Mọi người há hốc mồm nhìn lên … đó là một con kỳ đà khổng lồ rất dài đang le chiếc lưõi đôi nhìn bọn người trốn trại nhỏ bé đang ép mình vào kẹt đá.»
Ngươì ta thuờng nói «Ra đường gặp kỳ đà cản mũi, ắt việc không thành tựu được!». Nhưng lúc đó đối với các anh tù vượt ngục đói khát suy nhược thì con kỳ đà này là món quà trời thương ban, giúp các anh có thêm sức lực.
Họ đã thấy xa xa con sông to dài tung lên những bọt trắng xóa chứng tỏ nước chảy rất mạnh. theo bản đồ và la bàn thì con sông đó có thể là sông Mekong chảy xuyên qua Trung Cộng, Lào, Kampuchia và Việt Nam, vì từ trên đỉnh núi cây lá dày đặc nhìn xuống thì nó rất rộng và dài vô tận uốn khúc như con rắn khổng lồ.
Gần bờ sông các làng mạc mọc nhiều, dân cư hay lên rừng đốn củi, săn thú nên anh em quyết định ngày ngủ dêm đi, di chuyễn dần lên phía Bắc nơi con sông hẹp hơn để vượt qua. Ai cũng mừng vì sắp thành công cuộc vượt ngục hi hữu này, cố làm sao đủ sức vượt sông đến khu rừng tre dày đặc bên kia xứ Lào.
Khi con người cố gắng hết sức để đạt mục tiêu, cơ thể có khả năng siêu việt vượt qua tất cả, để một khi đạt hay gần khi gần tới mục tiêu, cơ thể rũ liệt kiệt sức,các anh em vượt trại mấy ngày đêm nay thấy gần thành công thì bỗng dưng bao mệt mõi đổ ụp xuống, tuy nhiên anh em cũng cố gắng thay phiên nhau trực canh, tìm mọi phuơng cách để vượt sông an toàn.
Bổng nhiên có tiếng chó sủa càng lúc càng gần càng rộ lên. Thì ra, dân bản xứ đi rừng khám phá dâu chân lạ trên con đường mòn, gần bờ suối cây lá bị đạp ngã, họ thả chó đánh hơi và báo đồn công an, nghi ngờ có bọn thổ phỉ buôn lậu thuốc phiện xuyên biên giới.
Tiếng chó sủa dữ dội cùng tiếng súng bao vây các anh, nhữngtiếng quát tháo rợn người vang lên:
- Ai muốn sống giơ tay khỏi đầu ngay!
Rồi những gương mặt dữ dằn của bầy lang sói độc ác xuất hiện kèm theo những trận mưa đòn tàn bạo, gậy gộc báng súng đánh tới tấp trên đầu, cổ, mặt mũi, mình mẩy những nạn nhân tù đày ốm đói run rẩy không chút tự vệ.
Giữa trận mưa máu, có tiếng một cụ già:
- Thôi cho tôi xin các ông! Tưởng là bọn thổ phỉ buôn lậu biên giới, hóa ra là tù «cải tạo» Miền Nam. Họ không thể chống cự, hà tất phải đánh đập họ đến chết như thế!
Bốn anh em ngất lịm đi trong cơn mưa đòn khủng khiếp nhất trên đời. Mặt mũi mình mẩy họ không còn là con ngườii nữa mà là những con vật hình thù méo mó tả toi dươí những trận đòn từ những ác quỷ đầy hận thù đội lốt người thắng trận!
Chiều hôm đó tại lán trại, sau khi nhận điện báo khẩn, trại trưởng huy động hai đội lao công khẩn trương đục hang vào sưòn núi sâu, không ai biết để làm gì, tưởng là nơi để họ cất giấu vũ khí hay chứa thực phẩm lưong khô, đến khi có những tấm vĩ sắt dựng thành cửa ngục lên thì ai nấy đều hiểu ra đó là nơi để giam giữ tù vượt trại. Chúng tôi hoài nghi có lẽ bốn «Bò Lục» đã bị bắt và đang trên đường trở về.
Thật đúng như vậy! Một buổi chiều u ám, từ chân trời có tiếng vó ngựa tung bụi mờ, giữa bầy quỷ dữ đang hò hét trên lưng ngựa cho chiến thắng vĩ đại là bốn người tù bị lôi xểnh theo sau lưng ngựa, hứng chịu những trận đòn, họ té khụy xuống rồi lại bị lôi dậy lúp xúp chạy theo vó ngựa, rồi loạng choạng té xuống mặc cho những sợi dây trói chặt quấn lấy thân thể rách bươm lôi kéo họ như những thanh gổ vô tri giác!
Chúng tôi chết điếng lặng ngưòi nép bên đường nhìn họ đi qua sau giờ chúng tôi lao động cải tạo vể, vô tình hay cố ý họ cho chúng tôi thấy hình phạt khủng khiếp của những ai có ý định trốn trại. Chúng tôi để mặc cho giòng lệ tuôn trào từ những đôi mắt trũng sâu, lăn dài trên đôi gò má hốc hác khắc khổ. Anh em chúng tôi đó! Những NGƯỜI HÙNG sau cuộc chiến! Không thành công đã thành NHÂN! Dù không còn ai có thể nhận ra các anh, vì các gương mặt đã bị bầm dập tan nát sau trận mưa đòn thù.
Sáng hôm sau, anh Thành đã chết cách anh dũng bất khuất! Xin dâng anh một nén hương lòng!
Vài hôm sau đó, có lẽ để xoa dịu lòng căm phẫn nhem nhúm trong tù trại Yên Bái trại 2, hoặc gây chia rẽ nghi ngờ giữa các anh em tù, hoặc muốn tỏra rằng Đảng ta luôn khoan hồng nhân đạo,nên trong một buổi học tập chính trị toàn trại, người ta đem anh Quế trình diện mọi người, đề cao anh là «thành phần tiến bộ», biết «tội lỗi mình làm», xin tập thể trại viên nhận anh lại vào hàng ngũ những người cải tạo tốt. Còn hai anh Huề và Thi hãy còn ngoan cố,chưa xứng đáng được nhân dân tha thứ, còn phải chờ lâu dài. Mọi người khẽ thở dài, không ai có ý kiến gì, bởi vì không ai đoán bọn CS thâm độc mưu mô này sẽ còn dùng chiêu thức gì nữa.
Ít lâu sau đó, ngày 19/07/1977, hàng ngũ tù Đại tá chúng tôi được lệnh chuyển sang trại Tám ở thâm sơn cùng cốc đầy ao tù nước vàng đặc, nếu lỡ đạp chân xuống đó sẽ bị nhiễm sốt rét hoặc sốt rét rừng kinh niên. Ngay ngày đầu tiên khai hoang vùng hoang địa này dể trồng trọt, tôi là bệnh nhân sốt rét rừng đầu tiên. Cứ khoàng 4, 5 giờ chiều cơn rét kéo tới hành hạ tôi run lập cập, đắp bao nhiêu mền vẫn không đủ ấm, cái lạnh từ trong xương lạnh ra, rồi đến 12 giò đêm thì nóng sốt như lủa đốt như có muôn ngàn ngọn lửa châm vào đầu ngón chân mình mẩy. Thế mà sáng ra không được nghỉ ngơi, họ cho là tôi bệnh vờ nên tôi vẫn phải lao động như thường. Như chưa đủ khốn khổ, người phát thuốc ở trạm xá, vốn là người «của ta», nhưng nhờ «quen biết» cán bộ, nên bắt chẹt anh em, mỗi lần anh ta bố thí cho vài viên Quinine, đã bị anh ta liếm hết chất ngọt bọc đường bao quanh, là đổi lại chúng tôi phải biếu hắn thuốc lào ba số hoặc đồ thăm nuôi. Thuốc men gia đình chúng tôi gửi nuôi đều bị trại cất giữ hộ, họ phát «Xuyên Tâm Liên» để trị bá bệnh!

Võ Hữu Hạnh