Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Friday, November 18, 2022

Câu Chuyện Ở Trên Chùa

 

Câu Chuyện Ở Trên Chùa

http://www.dslamvien.com/2022/11/cau-chuyen-o-tren-chua.html

Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)

Tôi sống cách khu chợ Việt Nam khá xa, nên cả tháng hoặc hơn nữa mới có dịp ghé lên khu chợ để mua một số thực phẩm cần thiết. Mỗi lần như thế giống như «nhà quê lên tỉnh», khi trở về thì trên xe đầy ắp thực phẩm không có bán ở các siêu thị Mỹ. Thông thường những chuyến «lên tỉnh» như thế là vào cuối tuần.

Chuyến «lên tỉnh» lần này là sáng sớm thứ bảy, và tôi «lên tỉnh» một mình với một «danh sách» những gì phải mua, vì bà xã phải ở nhà để trông cháu. Khi đi ngang qua chỗ bán nhang đèn, tôi sực nhớ ra là đã khá lâu không ghé qua chùa để thắp nén nhang cho cha mẹ vợ tôi. Thế cho nên khi mua xong các thức ăn khô, tôi liền ghé qua chùa, nơi để hình ảnh của cha mẹ vợ, cách chợ cũng chẳng bao xa.

Đây là một ngôi chùa lớn, thế nhưng hôm nay thật vắng vẻ. Trước sân chùa có một cụ già đang quét lá. Cụ già người gầy còm nhưng xem ra rất khoẻ mạnh, không có vẻ là người đi tu, với mái tóc và bộ râu bạc phơ, mặc bộ quần áo nâu rách vá nhiều chỗ. Tôi gật đầu chào:

- Chào ... bác ... Hôm nay sao chùa vắng vẻ quá vậy?

Ông cụ ngửng đầu lên:

- Chào ông. À ... dạo này mùa dịch nên chùa lúc nào cũng vắng ... Ông ghé chùa chắc có điều gì ...

- Dạ cũng không có chi. Tôi đi chợ nên tiện đường ghé qua đây thắp nén nhang cho ông bà cụ tôi.

- À ra thế ... Như vậy cũng tốt ...

Tôi gợi chuyện:

- Bác làm công quả sớm thế ...

Ông cụ ngừng quét, nhìn lên cười:

- Tôi ở ngay trong chùa này ông ạ. Thấy có gì giúp được thì tôi làm ... đổi lấy chút hương hoa, lộc chùa ấy mà ... À, tôi cũng phải vào xem xét bàn thờ và nhang đèn nữa chứ ...

Tôi và ông cụ cùng bước vào chánh điện. Ông cụ bước lên bục xem xét nhang đèn, các đĩa trái cây và các bình hoa. Tôi đi ra căn phòng phía sau bệ thờ, là nơi để hình của những người đã khuất được gia đình đem lên chùa. Bà mẹ vợ tôi mất sau ông cụ hơn bẩy năm, nhưng khi nhà chùa biết là vợ chồng thì để hai hình cạnh bên nhau. Tôi vừa cắm ba nén nhang vào bát nhang thì giật mình vì nghe thấy tiếng của ông cụ quét sân đã đến kế bên từ lúc nào.

- Đâu là hình hai ông bà, hả ông?

Tôi chỉ vào hai tấm hình. Ông cụ nghiêng đâu nhìn, rồi gật gù:

- Ông bà cụ tốt tướng lắm ... Thế hai ông bà thọ được bao lâu hả ông?

- À ... Ông bà cụ tôi bằng tuổi nhau ... Ông cụ tôi chỉ mới ngoài tám mươi ... Nhưng mất trước bà cụ tôi cả gần chục năm ...

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, ông cụ lên tiếng:

- Ồ ... xin lỗi ông ... Đáng lý tôi không nên quá tò mò ...

- Không có gì đâu bác. Thực ra thì đây là cha mẹ vợ tôi, và khi bác hỏi thì tôi bỗng dưng không nhớ gì về tuổi tác của ông bà, thế cho nên mới ngập ngừng vậy thôi ...

- À ra thế ... Ông có ghé chùa thường xuyên không?

Tôi đỏ mặt:

- Dạ ... không ... vì chúng tôi ở cách đây khá xa ...

Ông cụ cười thông cảm:

- Vậy thì ngày rằm hay mùng một thì tôi xin phép ông để thắp cho ông bà đây mấy nén nhang ...

Tôi chắp tay xuýt xoa:

- Vậy thì quý hoá quá ... Gia đình tôi xin cảm ơn bác rất nhiều ... Cầu xin đức Phật gia hộ cho bác ...

Ông cụ quét sân chắp tay trả lễ:

- Không có gì đâu ông ... Tôi ở trong chùa, nếu biết ai không thường được thăm viếng thì tôi giúp ngay ...

Sau đó thì cuộc nói chuyện trở nên thân mật hơn, và tôi được biết tên ông cụ là Hoà, vợ mất sớm và được gửi về an táng ở quê nhà, chỉ có một người con gái, nhưng theo chồng ở miền đông. Cụ có ở với gia đình cô con gái một vài năm, nhưng không chịu nổi cái lạnh mùa đông, nhất là hầu như chẳng có bóng dáng người Việt nào ở gần, thế cho nên cụ trở lại miền nam California nắng ấm và đông đảo người Việt. Cụ hay lên chùa làm công quả, và đàm đạo rất tương đắc với vị sư trụ trì. Thế cho nên, sau khi hiểu hoàn cảnh của cụ thì sư trụ trì cho cụ ở luôn trong chùa cho tiện.

Khi nắng đã lên quá đỉnh đầu, tôi xin phép cụ Hoà để ghé chợ mua tiếp các thức cần thiết trong danh sách của vợ tôi đã ghi.

oOo

Có lẽ cũng đã hơn một tháng trời tôi mới lại có dịp «lên tỉnh». Lần này cũng đi một mình vì là đi gặp bác sĩ để khám sức khoẻ thường niên; và vợ tôi, cũng nhân tiện, ghi cho tôi một danh sách thức ăn cần thiết, không dài lắm. Vì là khám sức khoẻ thường niên, nên chỉ mất khoảng chưa đến nửa tiếng là xong. Việc mua hàng cũng chẳng mất bao lâu. Lúc ra quầy tính tiền, nhìn thấy cô gái tính tiền có đeo tượng Phật trên cổ, tôi chợt nhớ đến bác Hoà, lần trước gặp ở trên chùa. Tôi hỏi cô tính tiền xem ở gần đây có tiệm nào bán quần áo cho người tu hành tại gia không?

Không những cô gái này không có vẻ gì ngạc nhiên về câu hỏi, mà cô ta còn sốt sắng trả lời và ghi cho tôi địa chỉ của một tiệm bán vải và quần áo may sẵn gần nhất, đồng thời cũng cẩn thận chỉ rõ ràng cho «chú» về quẹo trái, quẹo phải, qua mấy cái đèn đỏ ... để đến tiệm đó mà không bị lạc. Và nhất là nói với họ là «con» tên là Liên giới thiệu «chú» đến mua quần áo thì sẽ được giá rẻ. Tôi cảm ơn cô ta, và quả nhiên, nếu cứ nhắm mắt mà đi theo lời cô ta dặn dò thì cũng đến đúng ngay cửa tiệm bán quần áo.

Thực ra thì đây là tiệm bán vải và quần áo may sẵn cho phụ nữ và một vài kiểu áo dài khăn đóng cổ truyền cho phái nam. Nhìn quanh thì chẳng thấy loại quần áo cho người lên chùa thường mặc. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, bà chủ tiệm, tôi đoán như thế, là một người dáng phúc hậu, từ sau quầy tính tiền, tiến lại gần và lên tiếng:

- Ông cần gì, tôi có thể giúp ông ...

Tôi nói ngay là cô Liên giới thiệu tôi đế đây để mua quần áo của những người hay mặc khi lên chùa tụng kinh hoặc làm công quả. Với một vẻ ngạc nhiên thoáng qua, bà chủ tiệm lên tiếng:

- À thì ra vậy. Ông chờ tôi một chút, vì loại quần áo đó chỉ thỉnh thoảng mới bày ra bên ngoài ...

Vài phút sau, bà chủ tiệm mang từ sau ra một xấp mấy bộ quần áo, rồi với lời lẽ của một người buôn bán chuyên nghiệp:

- Đây là các bộ quần áo mà ông hỏi ... Tôi không biết ông định mua cho ai, nhưng thường thì đàn ông mặc màu nâu, và đàn bà mặc màu lam ... Chúng tôi có đủ cỡ và nếu cần phải sửa như lên gấu, lên tay, hay «bóp eo» thì cũng không tính thêm tiền ... Chúng tôi có thợ làm hai ngày, thứ ba và thứ tư, nếu đến đúng ngày thì có thể chờ để lấy liền ... Ông được cô Liên giới thiệu thì chúng tôi bớt mười phần trăm ... và mua từ hai bộ trở lên sẽ bớt tổng cộng mười lăm phần trăm ...

Sau vài phút nói về giá cả và ni tấc, tôi quyết định mua hai bộ màu nâu để tặng cho bác Hoà. Bà chủ tiệm, xem ra có vẻ là người mộ đạo, nên khi tôi ra về thì bà ta chào với câu «A Di Đà Phật ... Cho tôi gửi lời thăm cô Liên ...» Tôi nói lời đáp lễ, nhưng nghĩ thầm «Cái nhà cô Liên ấy, chắc gì có dịp gặp lại để chuyển lời nhắn của bà chủ tiệm này ...Mà có gặp lại thì tôi cũng chẳng dám chuyển lời, vì chắc gì cô ta đã nhớ cái 'chú' hỏi tiệm mua quân áo mặc lên chùa ...»

oOo

Cơn đại dịch vẫn chưa qua, nên cảnh chùa cũng vắng vẻ như lần trước. Thực ra thì vắng vẻ hơn lần trước vì không thấy ông cụ quét sân chùa đâu cả. Tôi cầm chiếc túi đựng hai bộ quần áo nâu đi loanh quanh từ trước ra sau, từ trong ra ngoài chùa để tìm bác Hoà mà tuyệt nhiên chẳng gặp ai cả. Bên trong chánh điện thì đang có tiếng tụng kinh, nên tôi thơ thẩn ngoài sân để chờ. Cũng may là chỉ mấy phút sau là có một vị sư già, râu dài và bạc phơ như ông tiên, đang chậm rãi đi ra trước sân chùa. Tôi lên tiếng hỏi:

- Thưa ... thầy ... Xin phép cho tôi hỏi là tôi muốn gặp cụ Hoà ...

Vị sư già nhíu mày:

- Cụ Hoà ...

Tôi mau mắn:

- Vâng, cụ Hoà ... giúp việc chùa ...

Vị sư già nhướng mày:

- Ồ, tưởng ai chứ bác Hoà thì chắc là quanh quẩn đâu đây thôi... Ông chờ chút để tôi đi mời bác ấy ...

Chờ chút, như lời vị sư già nói, nhưng cả mười phút sau cũng chẳng thấy vị sư già kia hoặc bác Hoà đâu cả. Cũng may là tiếng tụng kinh trong chánh điện đã dứt, nên tôi bước vào trong. Khi ấy trong chánh điện chỉ còn một vị sư, không già lắm, có lẽ vẫn còn ở trong khoảng tuổi sáu mươi, đang bước vào phía sau bệ thờ đến khu để hình ảnh. Tôi vội bước theo:

- Xin lỗi thầy ... tôi muốn gặp bác Hoà ...

Cũng với cái nhíu mày, vị sư lên tiếng:

- Bác Hoà? 

Tôi cũng vội vã:

- Vâng ... bác Hoà, người vẫn giúp việc cho chùa ...

Vị sư trung niên nhướng mày, như chợt nhận ra câu hỏi:

- À, bác Hoà ... Ông muốn gặp bác làm gì?

Tôi giơ chiếc bao đựng hai bộ quần áo:

- Tôi muốn tặng bác ấy hai bộ quần áo này ... Vị sư cụ ngoài vườn bảo tôi chờ để đi gọi bác ấy ... nhưng nãy giờ không thấy ... Tôi ở xa không thể ở lại lâu ... Thầy có thể giúp tôi được không?

Vị sư trung niên nở một nụ cười rất hiền từ, chỉ tay lên bức hình treo trên tường, ngay sau lưng tôi:

- Có phải vị sư già này bảo ông chờ phải không?

Tôi quay lại nhìn:

- Vâng, đúng là vị sư này ...

Vị sư trung niên chắp tay:

- A Di Đà Phật, Đó là thầy của tôi ...

Rồi quay qua những tấm hình, vị sư chỉ tay vào một bức hình:

- Bác Hoà có giống vị này không?

Tôi bàng hoàng:

- Vâng ... rất giống ...

Vị sư trung niên, vẫn với nụ cười trên môi, hai tay chắp trước ngực, chậm rãi nói:

- A Di Đà Phật ... Tôi là sư trụ trì của chùa này. Vị sư già trong hình là thầy tôi, nhưng đã viên tịch gần mười năm rồi. Bác Hoà thì cũng đã mất hơn năm năm nay rồi... Thật là hy hữu... A Di Đà Phật...

Về phần tôi thì lúc đó nghe như có một luồng khí lạnh buốt chạy từ đỉnh đầu đến gót chân. Thế nhưng khuôn mặt với nụ cười từ bi của vị sư trung niên đã đem lại sự bình tĩnh cho tôi:

- Vậy sao ... thưa thầy ... Thế thì hai bộ quần áo này có lẽ tôi nên đốt để gửi đến cho bác Hoà ...

Vẫn với nụ cười từ bi trên môi:

- Chắc là không nên đâu ông ạ, tăng chúng thì thiếu gì người ... Ông cứ để lại đây ... Ai cần thì nhà chùa sẽ thay ông để tặng cho họ ... Vì con gái bác Hoà, hôm qua, đã đến chùa xin đem tro cốt của bác ấy để đem về quê an táng rồi ...

Không hiểu vì lý do gì khiến tôi buột miệng:

- Con gái bác Hoà, cô Liên phải không ạ?

Vẫn với nụ cười từ bi trên môi, vị sư trung niên nói:

- À thì ra ông cũng biết về gia đình bác Hoà ...

Bùi Phạm Thành
ngày 1 tháng 10 năm 2022
(Đặc San Lâm Viên)

Tuesday, September 6, 2022

Thượng Đế nhiệm mầu! Phép nhiệm mầu có thật


Thượng Đế nhiệm mầu! Phép nhiệm mầu có thật

http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2022/09/phep-nhiem-mau-co-that-nang-ntmn.html

(Chuyện khó tin nhưng có thật)

Tôi sinh ra không biết cha mẹ mình là ai. Từ bé tí, tôi đã ở cùng với mõ già trong một ngôi chùa ở làng. Mọi người vẫn quen gọi nơi đây là chùa làng, nhưng nó bé lắm, do làng xây dựng từ thời xa xưa để cho bà con dân làng thờ Phật. Phía ngoài chùa có một am nhỏ mõ nói là thờ Thành Hoàng làng, và một cái chái phía bên cạnh am để cho mõ già và tôi ở.

Chùa làng không có sư, chỉ có mõ già được làng cắt cử ra trông coi chùa. Có việc lễ cúng gì thì người làng gọi mõ, sai mõ sửa soạn để các cụ trong làng ra cúng. Mõ không phải làm nghề đi thông báo công việc của làng xã, nhưng không hiểu sao người làng lại gọi là mõ.

Mõ già kể mõ nhặt được tôi trước cổng chùa. Người mẹ nào đó nhẫn tâm bỏ tôi lại trước cửa chùa không một mảnh vải che thân, dây rốn còn dài lòng thòng chưa kịp cắt. Thân thể mình mẩy tôi dính đầy máu, gọi kiến đen kiến đỏ kéo nhau đến bu kín. Lúc ấy là canh ba, tôi khóc như xé vải, mõ già nghễnh ngãng, tai đực tai lành, chẳng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trước cửa chùa đâu.

Mõ nói, như có trời xui đất khiến, đêm ấy mõ không ngủ được nên lần ra cửa chùa. Nhìn thấy một bọc máu đỏ hỏn, ngo ngoe dưới chân, kiến bu đen bu đỏ, mõ giật mình. Bế tôi lên, mõ xót xa chửi rủa quân vô lương, phường chó sói, hổ dữ còn không ăn thịt con thế mà có đứa nó dám đẻ con rồi vứt cho kiến ăn.

Tôi thành con của mõ già, sống cùng mõ trong ngôi chùa làng. Mõ dạy tôi trồng lúa, trồng rau, nuôi gà để lấy cái ăn. Ngày rằm mồng một, trong làng có ai cúng nải chuối, đĩa xôi thì hôm đó hai mõ con có chút thức ăn tươi tỉnh.

Tôi lớn lên tự biết thân phận bất hạnh của mình, một mắt tôi bị mù do kiến đục sâu vào thủy tinh thể hồi lọt lòng. Tôi lại bị khèo một tay nên mõ thương tôi lắm. Mõ già chăm bẵm tôi, mỗi lần tắm cho tôi, mõ lại than thở, chắc khi đẻ ra nó biết mày mù mắt khoèo tay nên nó sợ nuôi mày sẽ vất vả, cho mày làm người lớn lên sẽ tủi nhục con ạ, nên con mẹ mày mới ngậm đắng nuốt cay bỏ mày đi để hóa kiếp cho mày. Ai ngờ số mày không làm ma được mà phải làm người con ạ. Thôi gắng sống cho nên người. Con người ta có số cả, ông trời không lấy của ai hết tất cả đâu mà lo!

Đó là câu cửa miệng mõ già luôn nói với tôi: «Ông trời không lấy của ai hết tất cả mọi thứ đâu con» để động viên tôi ráng vượt lên hoàn cảnh.

Tôi dứt khoát không đi học, vì mặc cảm thân phận. Mõ thương tôi, không nỡ ép. Mõ già dạy tôi biết tính nhẩm cộng trừ con số đủ để đi chợ bán rau không bị nhầm tiền. Mõ dạy tôi biết đọc và biết mỗi việc ký tên tôi nếu phải dùng đến chữ ký trong trường hợp nào đó mà không phải điểm chỉ như những người mù chữ thực sự. Mõ nói, mõ chỉ có thể dạy tôi được đến thế, và đó cũng là tất cả những vốn liếng văn hóa mà mõ có được thời bình dân học vụ. Mõ trút lại hết cho đứa bé côi cút tội nghiệp là tôi.

Mõ già lắm rồi, đau yếu quanh năm nên mọi việc trông nom trong chùa và công việc đồng áng một mình tôi gánh vác. Mõ không có chồng, không có con. Mãi sau này, khi giờ phút lâm chung, mõ mới nói cho tôi biết rằng, mõ có chồng nhưng hai người cưới nhau chưa kịp có con, chồng mõ đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường. Mõ ngã quỵ vì buồn đau, ốm một trận thập tử nhất sinh. Nhà chồng đưa mõ ra ngôi chùa làng để sư thầy trông coi chùa có nghề thuốc nam, thuốc thang cứu mõ.

Khỏi bệnh, mõ xin phép nhà chồng và nhà mẹ đẻ được ở lại chùa hầu hạ công việc tâm linh cho sư thầy. Vậy là mõ rời nhà đến chùa làng ở, coi như xuống tóc đi tu. Thật ra mõ chỉ nhận mình là mõ, chưa bao giờ mõ nhận mình là sư, vì mõ biết con đường tu tập phải học nhiều mà mõ thì chẳng có kiến thức. Mõ chỉ ở đây giúp đỡ sư thầy thôi. Nhưng từ khi có mõ ở chùa làng, sư thầy ra đi vì đã có mõ để gửi gắm công việc ở làng.

Nghe nói sư thầy ra tỉnh để nhận trụ trì ở một ngôi chùa to hơn. Từ đó đến nay, chùa làng không có sư, chỉ có mõ sống thui thủi một mình ở chùa cho đến ngày nhặt được tôi.

Mõ chỉ lên bát hương đặt sau bàn thờ Thành Hoàng làng và nói với tôi, hăm hai tháng chạp là ngày giỗ của chồng mõ, sau này mõ khuất núi, con nhớ thắp hương cho linh hồn ông ấy khỏi tủi phận.

Mỗi lần mõ ốm là tôi lại khóc vì sợ mõ chết, bỏ tôi lại một mình. Mõ thương tôi, nước mắt đục rỉ ra từ hai khóe mắt nhăn nheo. Mõ thều thào: «Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Con cố gắng sống và kiếm đứa con mà nuôi. Người như con lấy chồng chắc là khó, không ai người ta thương mình tàn tật đâu con. Kiếm lấy mụn con, sau này nương tựa lúc tuổi già».

Mõ ốm nằm liệt giường 2 năm rồi mới mất. Có lẽ mõ thương tôi, đi không dứt nên cứ leo lắt sống để mỗi ngày lại bày dạy cho tôi thêm một việc quan trọng ở đời mà lúc sinh thời có thể mõ đã dại dột mà đánh mất. Cứ mỗi lần mõ định đi, mõ lại kêu tôi đến bên giường, thều thào cái điệp khúc ông trời không lấy đi của ai tất cả, cố gắng kiếm lấy đứa con để nương tựa, đừng sống một mình thui thủi như mõ…

Nhưng không ai cưỡng được sinh lão bệnh tử. Cuối cùng mõ cũng rời bỏ ngôi chùa làng và tôi để trở về cõi âm trong một ngày mùa đông hửng nắng. Tôi buồn đau đến nỗi không thể gắng gượng được để lo tang ma cho mõ. Hội người cao tuổi trong xã lo đưa mõ ra đồng an nghỉ ngàn thu.

Cuộc sống trong ngôi chùa hẻo lánh những ngày không có mõ buồn hiu hắt. Năm đó tôi bước sang tuổi 18. Một mình trong ngôi chùa làng tôi vào ra thơ thẩn vì nhớ mõ. Tôi khóc nhiều lắm, khóc vì mất một người thân duy nhất để nương tựa trên đời. Mõ vừa là mẹ, vừa là cha, chăm sóc tôi từ khi tôi đỏ hỏn. Thế nên mất mõ, tôi thấm thía thế nào là mồ côi, là cô độc.

Năm đó, có thể là phép nhiệm màu đầu tiên của đời tôi đã xảy ra. Tôi vẫn chua chát nghĩ vậy mỗi lần nhớ đến sự kiện đó. Sau này càng ngẫm, tôi càng tin rằng mõ đã xui khiến cho tôi có sự gặp gỡ như vậy. Linh hồn mõ đã không bỏ rơi đứa con côi cút của mõ nhặt về. Sau này, trong tận cùng của cơn bĩ cực, tôi vẫn không một lần nào oán hận người đàn ông đã cho tôi một đứa con, dù đứa con đó đau ốm và bệnh tật từ trong trứng nước.

Tôi không một lần oán hận số phận, dù cuộc sống của tôi toàn những bất hạnh và buồn đau. Tôi tin lời mõ và luôn tâm niệm một điều, ông trời sẽ không lấy đi của ai tất cả.

Những ngày tháng sau cái chết của mõ, tôi rất buồn. Trong làng, các bậc cao niên sau cái chết của mõ già cũng đã họp và bàn bạc cử người ra trông chùa. Không thể để cho một đứa con hoang, lại là con gái, tàn tật như tôi không rõ gốc gác ở đâu, do mõ già nhặt về, giờ lại thay mõ coi sóc chùa làng được. Sớm muộn gì thì tôi cũng phải ra đi. Nếu tôi có ở lại thì cũng phải có người chính để coi chùa làng, tôi mới chỉ là một đứa con gái 18 tuổi, không thể đảm đương công việc soạn sửa ở chùa của làng. Nếu có thì tôi chỉ là làm những việc phụ giúp ở chùa làng thôi chứ không thể đứng ra thay mõ được. Điều đó khiến tôi càng buồn bã, mất phương hướng hơn.

Trong làng có một ông giáo già đã về hưu thường hay ra lễ chùa và cứ ngày rằm mồng một lại viết chữ nho cho dân làng ra xin sớ về dâng lễ ở gia tiên. Ông giáo dạy tôi chữ quốc ngữ để cho tôi biết đọc biết viết. Và điều gì đến đã đến. Tôi chưa kịp nghĩ đến việc sẽ xin ai đó một đứa con bầu bạn sớm hôm lúc tuổi già thì tôi đã bị chính ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi cam phận và nhớ lời mõ dặn, thôi thì đây cũng là cơ hội cho tôi kiếm đứa con mà không phải mất công mất sức đi xin ở đâu xa, mà xin chắc gì thân phận tàn tật như tôi người ta đã cho.

Sau mấy lần cưỡng hiếp tôi, ông giáo già nói với tôi: «Ông được người làng cử ra trông chùa làng thay mõ. Ông thương mày côi cút, cho mày đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Mày có chửa thì đừng ở lại đây nữa mang tiếng cho cả ông và mày. Ông già rồi, có gia đình, con cháu đã phương trưởng ông không thể cưu mang mày được. Mày còn trẻ, ông cho mày ít tiền, ông dạy mày biết đọc biết viết rồi, mày ráng lên thành phố mà tìm cơ hội để làm việc sinh con làm lại cuộc sống, đừng có ở đây, mà chết già. Mày đi đi, đừng bao giờ trở về làng nữa mà tủi nhục con ạ». Đau đớn và tủi nhục, tôi khăn gói quần áo và cầm ít tiền ông giáo chuẩn bị cho rồi ra đi.

Chưa một lần được hưởng lạc thú giữa đàn ông và đàn bà, hay được hưởng niềm hạnh phúc bình thường của một người con gái, một người đàn bà có một người đàn ông chăn gối cho đúng nghĩa, tôi đã mang thai và có con trong hoàn cảnh trớ trêu và bi kịch như vậy. Cắn răng lên thành phố, tôi xin việc ở một gánh chè trong ngõ. Ngày đi làm, tối về ngủ ở gầm cầu xó chợ. Khi cái bụng chửa đã vượt mặt, tôi đến cửa chùa xin được nương tựa để sinh con.

Nhưng chưa thấy ông trời thương tình ở đâu, chỉ thấy ông trời luôn tàn nhẫn với tôi, một số phận quá bất hạnh. Tôi sinh con trong thiếu thốn, bản thân thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng nên tôi đã không biết để tiêm phòng cho con. Con gái tôi lên 5 tuổi bị ốm một trận, hai chân teo tóp lại không đứng vững được nữa. Tôi đưa con đi khám mới biết con bị bại liệt do sơ sinh không được chủng ngừa đầy đủ. Nước mắt tuôn rơi, tôi ôm con mà chỉ muốn được đi ra cây cầu, đứng trên đó mà gieo mình xuống lòng sông để dòng nước cuốn mẹ con tôi trôi đi mãi, để tôi không phải sống kiếp người đau khổ…

Mình tôi tàn tật, tứ cố vô thân đã là cực khổ, tủi phận; đằng này, làm mẹ đơn thân, rồi lại sinh ra đứa con nhưng do thiếu hiểu biết, tôi đã vô tình làm hại con, tước đi cuộc sống bình thường lành lặn của con gái tôi, đó là một tội lỗi mà tôi không thể tha thứ cho bản thân được.

Khi bác sĩ giải thích căn bệnh bại liệt của con vô phương cứu chữa, và khả năng con phải đối diện với việc không còn đi lại được nữa, cả cuộc đời sẽ gắn liền với chiếc xe lăn mà tôi gần như ngất đi. Tôi ôm con trên tay, nước mắt tuôn rơi lã chã. Tôi không biết kêu ai, không biết than thở cùng ai. Tôi hận cuộc đời, hận chính bản thân mình, và tôi rơi vào tận cùng của tuyệt vọng. Tôi ôm con từ bệnh viện trở về nhà trọ đi như trôi trong vô định, mấy lần đứng sững trước làn đường ôtô đang chạy. Tôi chỉ muốn được chết.

Từ đó trở đi, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết. Tôi muốn kết thúc hết những đau khổ hiện tại để giải thoát cho cả hai mẹ con. Tôi không thể gắng gượng để sống tiếp. Tôi không dám nhìn vào đôi chân bại liệt của con, càng không dám hình dung con tôi sẽ lớn lên như thế nào trên chiếc xe lăn. Tôi khèo tay, đã đủ khổ, giờ con tôi hai chân không đi lại được, nó sẽ khổ cực gấp trăm lần tôi. Sau này tôi già đi, không đi làm được nữa, ai sẽ chăm sóc cho con tôi, ai sẽ nuôi nấng nó, ai sẽ bao bọc cho cuộc đời nó.

Chỉ nghĩ đến đấy thôi, nước mắt tôi đã lại tuôn rơi. Tôi không muốn tiếp tục với bể khổ trên vai. Tôi muốn tìm cách để kết thúc. Tôi sám hối trước con, bao nhiêu lần tôi ý định tự tử cùng với con nhưng mỗi lần bế con lên, nhìn gương mặt như thiên thần của con gái, nụ cười rạng rỡ của con, tôi không cầm lòng nổi. Không ít lần tôi ôm con gái tôi đi lên trên những chiếc cầu vắt qua sông Hàn với ý định sẽ nhảy xuống dòng sông chảy xiết để kết thúc những đau khổ ân hận. Nỗi ân hận giày vò tôi, hành hạ tôi, vì tôi mà con gái tôi tật nguyền, rằng tôi đã hại đời con gái mình một cách ngu xuẩn.

Chính sự thiếu hiểu biết của tôi mà con gái tôi mất đi sự cử động phát triển bình thường của một đôi chân. Càng nghĩ đến điều đó, tôi càng đau đớn, càng cảm thấy tội lỗi với con. Càng ân hận, lại càng nghĩ quẩn, vì thế tôi chỉ muốn được chết để giải thoát tất cả. Nhưng không biết có phải ông trời đã không lấy đi của ai tất cả như lời mõ già nói năm xưa không mà mỗi lần ôm con gái lên với ý định gieo mình xuống sông thì con gái tôi lại ngước ánh mắt trong veo ngây thơ nhìn tôi và nhoẻn miệng cười.

Con bập bẹ gọi mẹ, dụi mái đầu tóc tơ vào ngực tôi lần tìm bầu sữa mẹ. Con gái tôi gọi Mẹ! Mẹ! âu yếm như trong con chưa từng trải qua những cơn đau thể xác ở đôi chân. Con gái tôi vẫn lớn lên, với một sức sống mãnh liệt vô cùng. Con không đi được thì con bò, con lết chân rất nhanh và lúc nào cũng nhoẻn miệng cười với mẹ. Con gái tôi đã níu tôi lại với cuộc đời, ràng buộc tôi vào sự sống mãnh liệt của nó. Và tôi đã thua cuộc. Con gái tôi dù bị tật nguyền hai chân, con không chạy nhảy được, không chơi được cùng với các bạn cùng trang lứa nhưng con luôn tỏ ra là đứa bé lạc quan yêu đời.

Từ bé con đã như biết thân biết phận mình nên rất ít khi con quấy khóc. Con là đứa trẻ vui vẻ, thông minh và đáng yêu. Con cười suốt và luôn mang lại niềm vui cho tôi. Tôi cắn răng nuôi con lớn lên chấp nhận hoàn cảnh. Tôi mang con vào xin tá túc ở chùa. Ngày ngày tôi đi phụ bán chè, tối về lại vào chùa chăm con tìm chốn trú chân mưa nắng.

Con gái tôi thích đi học. Tôi không thể tước đoạt niềm khát khao của con. Hằng ngày tôi cõng con đến trường và chiều lại đến cõng con về. Suốt 5 năm cấp 1, dù mưa hay nắng, tôi đều dành thời gian để đưa con đến lớp mà không bỏ buổi nào trừ những hôm không may con bị ốm.

Lúc đầu tôi chỉ nghĩ cho con học đủ để biết đọc biết viết là được, rồi cho con ở nhà chăm sóc nuôi nấng giúp đỡ con, hai mẹ con nương tựa vào nhau mở gánh chè để sống. Nhưng con gái tôi rất thông minh, học giỏi xuất sắc, các thầy cô giáo rất yêu quý cháu và gần như miễn giảm hết các khoản nộp ở trường lớp để động viên con tiếp tục tới trường.

Nguyện vọng của con gái tôi là được tiếp tục học lên nữa nên tôi đã không thể tước bỏ ước mơ của con. Tôi đã tước bỏ đôi chân của con, làm cho con chịu đời sống tật nguyền, giờ đây tôi không có quyền để tước đoạt ước mơ của con. Nhà chùa nơi mẹ con tôi xin ghé nhờ tá túc người ta quyên góp mua tặng cho con gái tôi một chiếc xe lăn.

Từ đó khi con gái tôi lên cấp 2, con được bạn qua chùa đẩy xe lăn giúp con gái tôi tới trường. Niềm vui vì con ngoan, học giỏi đã giúp tôi vượt qua bao khó khăn cực khổ, giúp tôi vượt qua nỗi tủi hận về thân phận mình vốn đã chôn sâu trong tận cõi lòng.

Con gái tôi lớn lên như một phép màu cuộc đời đậu xuống cuộc sống khốn khổ và bất hạnh của tôi. Cùng với chiếc xe lăn con vượt qua bao gian khó để đến với những ước mơ của riêng con. Con vượt qua bao kỳ thi học sinh giỏi, qua bao thử thách của số phận để đón những điều tốt lành. Con thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, một ngôi trường mà bao bạn bè lành lặn khác, có điều kiện sống tốt hơn con nhưng vẫn không với tới. Con trở thành sinh viên đại học trên chiếc xe lăn, và ngày tốt nghiệp đại học, con được một công ty lớn mời con về làm việc.

Thưa các anh các chị!

Từ ngày con gái tôi vào một công ty tài chính của nước ngoài làm việc, hai mẹ con tôi không phải tá túc ở chùa nữa, con gái đã đưa lương về phụ đỡ mẹ để mẹ có thể tìm chỗ thuê nhà. Tôi cũng đã mở được gánh chè trong hẻm bán cả ngày. Những đồng tiền dành dụm từ mồ hôi nước mắt của tôi từ gánh chè giờ không cần dùng đến nữa. Tôi tích cóp lại trong sổ tiết kiệm để mơ ước có một ngày mẹ con tôi mua được một gian nhà nhỏ trong thành phố để ở, để cho hai mẹ con an tâm có một chỗ của riêng mình.

Nhưng mơ ước chỉ là ước mơ thôi vì tiền lãi lời từ gánh chè có đáng là bao. Con gái đi làm lương đã có thể đủ trang trải cho cả hai mẹ con một cuộc sống không quá khổ nữa. Với đôi chân tật nguyền, chiếc xe lăn sớm tối, con gái bé nhỏ của tôi đã đến và bước vào đời sống này như một niềm ân huệ trời ban cho người mẹ đau khổ là tôi

Nhưng các anh chị ơi!

Phép nhiệm màu đã đến với mẹ con tôi không phải con gái tôi làm được tiền, hay có công việc ổn định, mà con tôi đã có một người đàn ông đích thực, một người đàn ông giàu yêu thương đã đến từ phía bên kia quả địa cầu và chia sẻ cùng con hành trình trên đường đời phía trước.

Ngày có một người đàn ông cao lớn, mắt xanh, tóc vàng đẩy xe lăn đưa con gái tôi về nhà và quỳ xuống nắm lấy hai bàn tay tôi nói bằng ngôn ngữ tiếng Việt rất sõi rằng: «Mẹ ơi, con xin phép mẹ cho con được yêu thương Nga và cưới cô ấy về làm vợ. Con nguyện cả đời chăm sóc và yêu thương cô ấy mẹ ạ» thì trái tim tôi vỡ òa ra nức nở.

Cả đời tôi không biết bố mẹ là ai. Cả đời tôi không được gọi một tiếng bố tiếng mẹ. Tôi chỉ có mõ già, lớn lên trong côi cút, hiu quạnh. Đời tôi chưa một lần được yêu đương, tôi có thai từ những lần bị ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi sinh con gái ra trong tận cùng cay cực. Vì ám ảnh tội lỗi mình gây ra cho con, khiến cho tôi khép chặt lòng mình vĩnh viễn, tôi ở vậy để dồn tất cả tình yêu thương, mối quan tâm để nuôi dạy con nên người. Tôi cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện con gái tôi có thể học lên được đại học, tốt nghiệp giỏi, rồi ra trường có được một công ty lớn mời về làm việc. Càng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện con có được một chàng trai yêu thương và lấy làm chồng.

Nếu có mơ thì cũng chỉ dám mơ con gái tôi tìm được người cùng hoàn cảnh, thấu hiểu hoàn cảnh thiệt thòi của nhau mà có thể thương yêu nhau nên vợ nên chồng. Càng không bao giờ dám hy vọng có một người con trai khỏe mạnh lành lặn đường hoàng thương con gái tôi chứ chưa nói đến việc chọn con gái tôi làm vợ.

ấy thế mà đứa con tật nguyền không nhà, không cha là bé Nga nhà tôi không những trở thành một nhân viên giỏi, được bạn bè đồng nghiệp quý trọng, con còn tìm được tình yêu của một người đàn ông xuyên biên giới. Cậu ấy là người Pháp, cùng làm việc trong công ty tài chính mà con gái tôi đang làm hiện nay, và chàng trai đó đã về tận ngôi nhà thuê trọ nhỏ bé trong hẻm để quỳ xuống xin phép tôi chấp nhận cho cậu ấy được lấy bé Nga làm vợ.

Kính thưa các anh các chị!

Cuộc đời tôi có là mơ không. Đám cưới của con gái tôi được các đồng nghiệp ở công ty tổ chức một bữa tiệc nhỏ ấm cúng ở Việt Nam. Bố mẹ con rể tôi bay từ Pháp sang dự tiệc và đến tận nhà trọ nơi hai mẹ con tôi ở để ăn bữa cơm thân mật do tôi tự tay nấu, các con tôi đang đi hưởng tuần trăng mật tại Phú Quốc. Bố mẹ chồng của con gái tôi đã bay trở về Pháp để chuẩn bị tổ chức tiệc cưới vào đúng ngày Valentin cho cả hai đứa ở bên Pháp. Vé máy bay mời dự đám cưới của con gái ở Pháp cũng đã được con rể tôi mua sẵn cho mẹ vợ rồi. Nhiều lúc tôi không dám tin đây là sự thật nữa.

Tôi viết những dòng chữ này để chia sẻ câu chuyện của đời tôi mà nước mắt tôi chảy giàn giụa. Tôi nhớ mõ già, người đã nhặt tôi ở cổng chùa về nuôi, người đã trao cho tôi một niềm tin mãnh liệt để sống, để vượt qua cay đắng tủi cực. Tôi nhớ mõ luôn động viên tôi: «Con hãy tin đi, ông trời không lấy đi của ai tất cả». Tôi đã sống bằng niềm tin mong manh ấy. Tôi đã đến được bến bờ hạnh phúc cũng chỉ bằng một niềm tin bé nhỏ trong vũ trụ bao la này.

Thưa các anh các chị!

Tôi định khi các con ổn định sau đám cưới, tôi sẽ kể cho con gái tôi nghe gốc gác của con và ai là bố của con. Tôi sẽ dẫn con gái, con rể tôi trở về làng, vào ngôi chùa làng để thắp nén hương, lạy tạ cho Mõ già, cho Đức Phật ở đó. Tôi tin rằng, Mõ già vẫn dõi theo tôi và chở che cho tôi đến được bến bờ hạnh phúc hôm nay.

Và còn một điều nữa, tôi muốn con tôi biết mặt bố, cho dù ông ấy là một kẻ hèn hạ, độc ác, hay giờ chỉ còn là một nấm mộ ngoài nghĩa trang đi chăng nữa thì con tôi vẫn có quyền được biết bố của mình là ai, và tôi cũng nói với ông ấy một lời hàm ơn rằng vì ông ấy mà tôi có được kho báu của đời mình.

Đà Nẵng (NTMN)

Ghi chú: Không biết tác giả là ai, chỉ thấy ghi vắn tắt: NTMN, chỉ đoán là nữ mà thôi.  TG

Sunday, August 28, 2022

Chàng trai năm xưa

  

Chàng trai năm xưa

https://hoiquanphidung.com/forum/các-chuyên-mục/văn-nghệ/truyện-ngắn/3620-chàng-trai-năm-xưa

Nguyễn Thị Thanh Dương 

Bà Xuân đang dọn cơm ra bàn, ông ngồi chờ sẵn và cất tiếng hỏi bà:

Ăn cơm xong bà có đi với tôi ra «Đài chiến sĩ» tham dự buổi «mít tinh» kỷ niệm 30 tháng Tư không?

Bà dửng dưng lắc đầu:

Coi như ông đi «đại diện» là đủ rồi. Ngồi chung xe với ông từ nhà mình tới đấy mất chừng 10 phút nhưng sẽ là 10 phút căng thẳng và thể nào cũng… cãi nhau.

Ông nhìn bà phân bua dài lê thê:

Nếu mà bà ngoan ngoãn ngồi yên như người ta thì làm gì có chuyện? tôi chạy chậm bà chê lù đù như gà rù, tôi chạy nhanh bà bảo gìa rồi còn bạt mạng, tôi chạy tốc độ trung bình thì bà bảo lừng khừng như chính trị gia không lập trường, xe chưa tới bảng stop bà đã bắt tôi chuẩn bị ngừng từ xa, tôi nhường cho người ta thì bà bảo tôi lép vế khép nép, tôi không nhường thì bà chê bất lịch sự, đi đâu mà hấp tấp, vội vàng… ngồi lái xe mà bà cứ khủng bố tinh thần tôi từng giây từng phút như thế, nếu tôi không vững vàng tinh thần thì lạc tay lái từ lúc nào rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn hân hạnh mời bà đi cùng mà…

Bà bĩu môi:

Gớm, ông phân bua mà dài dòng như đọc điếu văn. Cám ơn lời mời nhé, để tôi ở nhà nằm võng đu đưa vừa coi ti vi vừa ngủ còn sướng hơn.

Hôm nay bà Xuân cho ăn món rau muống luộc dầm qủa cà chua chín với vài tép tỏi và thịt thăn kho tiêu, y như món bà đẻ vẫn ăn ngày xưa, bây giờ là món của hai vợ chồng gìa kiêng khem chất béo mỡ màng để bảo vệ sức khỏe vì cả hai ông bà đều cao máu, cao mỡ.

Bà chăm chăm nhìn ông ăn và nói như ra lệnh:

Ông chan nước rau muống luộc vào cơm, rồi chấm rau vào nước mắm ớt mà ăn chung thì mới ngon.

Ông phản đối:

Đến ăn uống bà cũng chỉ huy tôi? Tôi có là tù nhân của bà đâu? gần 10 năm trời tù tội cộng sản đủ khổ cuộc đời tôi rồi nhé. Tôi cứ thích húp nước rau riêng, xong ăn rau muống riêng đấy. Việc gì đến bà!

Ông thật là bướng bỉnh, thế món cà ri chấm bánh mì, ông thử chấm bánh đa có được không hả?

Ông dứt khóat:

Nhưng không có quy luật nào bắt người ta phải ăn rau muống luộc kiểu của bà cả, tôi ăn kiểu của tôi và thấy ngon là đủ rồi.

Bà xụ mặt ra không thèm nói và nhìn ông nữa. Hai ông bà lặng lẽ ngồi ăn cơm tiếp.

Ăn cơm xong ông Xuân lấy thuốc ra uống, có loại thuốc phải uống mỗi ngày cho đến hết cuộc đời. Coi như thuốc men song hành cùng với thực phẩm nuôi nấng tấm thân già.

Ông thay quần áo và mũ nón đi ra cửa thì bà gọi giật lại:

Khoan đã…đợi tôi một chút…

Ông Xuân mỉm cười hài lòng:

Cuối cùng thì bà cũng chịu đi với tôi dự cuộc họp kỷ niệm lớn lao này chứ gì?

Không !!

Hay là bà bắt tôi ở nhà coi ti vi với bà cho vui?

Không !!

Bà đưa cho ông mẩu giấy vừa ghi vội:

Một công đôi ba chuyện, đằng nào cũng một lần lái xe đi, một lần tốn xăng, chỗ mít tinh «Đài chiến sĩ» gần chợ Hồng Kông 4, hội họp xong ông ghé vào chợ mua cho tôi những thứ này, biết ông lẩm cẩm quên trước quên sau tôi đã ghi ra giấy đây, nhớ đừng có lú lẩn mà làm rơi tờ giấy là được rồi.

Hừm, tôi chưa lẩm cẩm và lú lẩn đâu. Dù say sưa hội họp, dù chen chân giữa đám đông người, tôi vẫn sẽ giữ kỹ mẩu giấy này còn hơn giữ tờ gia phả dòng họ nhà tôi để hoàn thành nhiệm vụ bà giao phó cho nhà cửa êm thắm.

Rồi ông mỉa mai:

Thì ra bà kết hợp để sai tôi đi chợ cho bà luôn thể đấy. Bà tính toán giỏi qúa.

Ông bước ra cửa còn ngoảnh lại cố nói thêm một câu:

Thế sao ngày xưa bà lại học dốt môn toán hả? Tôi dạy kèm cho bà mà đôi lúc bực cả mình vì cô học trò vừa dốt vừa lười…

Bà nhào ra cửa:

Này ông có giỏi thì đứng lại. Ngày xưa….

Nhưng ông đã nhanh chân đi khuất rồi. Bà Xuân quay vào nhà, nằm ra võng mà bực mình, chẳng buồn mở ti vi ra xem. Hai vợ chồng bà càng gìa càng xung khắc, hay cãi nhau dù những chuyện không đâu, chẳng ai chịu nhường nhịn ai.

Bà bỗng nhớ lại chuyện ngày xưa mà ông vừa khơi ra nửa vời…

Ngày xưa, bà Xuân là cô thiếu nữ tên Nguyễn Thị Hoa, tiểu thư con nhà giàu, trong một gia đình đông anh chị em. Bố cô Hoa là một công chức hiền lành nho nhã, trong khi mẹ cô Hoa đảm đang tháo vát như đàn ông, một tay bà kinh doanh làm nên nhà cao cửa rộng, nuôi đàn con đông.

Bà xông pha kinh doanh đủ mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bà hoàn toàn xa lạ, nhưng cứ thấy lợi là bà không từ. Bà đã mua lại một cửa hàng sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự, dù các con trai không đứa nào theo nghề sửa xe. Thợ chánh thợ phụ đều phải thuê mướn hết.

Đó là một tiệm sửa xe gắn máy đặc biệt vì chủ nhân trông coi tiệm là phụ nữ, là mẹ cô Hoa, bà «bổ nhiệm» cô con gái xinh đẹp Nguyễn Thị Hoa lúc ấy đang là nữ sinh trung học ra quản lý cửa tiệm những khi thời gian rảnh rỗi để phụ với bà.

Không ngờ nhờ thế mà cửa tiệm đắt hàng, anh nào đến sửa xe một lần thì thế nào cũng có lần sau dù có khi xe anh không mấy hư hỏng, dĩ nhiên các anh khách hàng này chỉ căn ngày nào có cô chủ ngồi trong quầy, nếu lướt ngang cửa tiệm thấy bóng dáng to đồ sộ của mẹ cô chủ là họ biết hôm ấy cô chủ không có mặt.

Tội nghiệp mấy anh khách hàng si tình, nào biết cô Hoa đã có người yêu, là anh chàng Xuân, sinh viên kiêm thày giáo dạy kèm môn toán tư gia cho cô.

Anh Xuân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo. Anh sinh viên đã bỏ dở chuyện học hành để lên đường nhập ngũ ở Thủ Đức.

Mãn khóa anh Xuân về sư đoàn 21 ở Chương Thiện, đời lính trôi nổi hết Chương Thiện đến Bạc Liêu, rồi rừng U Minh…nơi nào cũng là vùng lửa đạn sinh tử.

Những lá thư tình đầy ắp thương yêu của cô Hoa theo anh Xuân đi khắp mọi nơi, cô vừa lãng mạn vừa chung tình, hứa sẽ yêu anh, lấy anh dù trong hoàn cảnh nào.

Có mấy đám mai mối hỏi cưới cô Hoa, cha mẹ cô rất ưng ý vì các chàng trai kia đều thành đạt, con nhà khá gỉa, tương xứng với gia đình cô, nhưng cô Hoa vẫn cương quyết từ chối.

Khi biết cô Hoa yêu anh Xuân, chàng sinh viên nghèo dạy kèm cho cô Hoa ngày nào, bây giờ lại đời lính chiến nay sống mai chết, mẹ cô nổi giận ngăn cản, bà đã khẳng định: «Thằng Xuân hội đủ những điều kiện để mẹ …không bao giờ gả con gái cho nó, con đừng có mơ».

Thế mà những lá thư tình vẫn không hề thiếu, không hề vơi đi, vẫn từ tay cô Hoa bay đến chiến trường với anh Xuân, dù anh Xuân đã nhiều lần tự ái khuyên cô Hoa nên vâng lời cha mẹ lấy chồng ở thành phố cho cuộc sống ấm êm, và vì chính anh cũng cảm thấy thương cho Hoa quá, lấy chồng lính chiến là phiêu lưu, bấp bênh biết bao.

Mỗi lần anh Xuân về phép Sài Gòn, anh đi lướt qua cửa tiệm sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự cho cô Hoa trông thấy là cô Hoa đã nhanh chóng cho nhân viên đóng cửa tiệm nghỉ sớm để hẹn hò với người yêu.

Anh Xuân không dám đến nhà cô Hoa đã đành, mà anh cũng không dám vào tiệm sửa xe vì ngại những tay thợ trông thấy sẽ mách với bà chủ.

Một lần vào lúc 3 giờ chiều, cô Hoa vừa ra lệnh đóng cửa tiệm thì anh thợ chính băn khoăn nói:

Cô chủ ơi, chúng ta có cái hẹn 5 giờ chiều nay giao xe gấp cho người ta rồi. Anh không quân đẹp trai hay sửa xe tiệm mình đó..

À, anh có cái xe Vespa mang tới tiệm mình sửa gần chục lần rồi chứ gì? Tiệm mình kiếm bộn tiền sửa xe của anh ta rồi chứ gì?. Không sao đâu, chiều nay không có thì chiều mai anh ta sẽ đến lấy xe.

Anh thợ gãi đầu gãi tai:

Nhưng cô ơi, chiều mai là ngày bà chủ trông cửa tiệm.

Tôi hiểu rồi, đừng lo, bảo đảm với anh là chiều mốt có mặt tôi ở đây anh không quân sẽ đến lấy xe và không dám kêu ca phàn nàn gì đâu, chỉ nhìn thấy tôi mỉm cười là anh ta bối rối lên rồi. Anh cứ đóng cửa tiệm về sớm mà đi chơi hay đi nhậu đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với mẹ tôi và với anh khách hàng chủ nhân chiếc xe Vespa ấy.

Thế là cô Hoa ra phố gặp anh Xuân, cô sung sướng hãnh diện đi bên anh lính chiến vào quán kem, vào rạp xi nê để tha hồ tâm sự nhớ thương mà không hề nghĩ đến anh không quân sẽ đứng trước tiệm sửa xe đã đóng cửa một cách tùy tiện và phũ phàng, chủ nhân không một lời giải thích nhắn gởi. Không gặp cô chủ đã đành, mà cũng không thể lấy xe mà xử dụng được.

Mối tình em hậu phương anh tiền tuyến kéo dài cho tới khi anh Xuân đổi về Hậu Nghĩa làm đại đội trưởng sư đoàn 25 bộ binh.

Hậu Nghĩa, Củ Chi cách Sài Gòn không xa nên thỉnh thoảng cô Hoa lên thăm người yêu, nhiều lần hơn anh về phép thăm cô…

Hai người gắn bó keo sơn qúa cuối cùng cha mẹ cô Hoa đành chịu thua, đồng ý cho hai người thành hôn, chính thức nên duyên chồng vợ. Họ đã có một thời tuổi trẻ là tình nhân, là vợ chồng tha thiết và đầm ấm…

Cô Hoa năm xưa đang ngủ thiếp trong võng thì choàng tỉnh dậy khi ông Xuân về tới nhà, lên tiếng gọi oang oang:

Bà ơi…

Bà mở choàng mắt ra và chợt bàng hoàng buột miệng:

Anh Xuân !

Ông Xuân ngạc nhiên đặt ngay những túi xách vừa mua ở chợ về và dồn dập hỏi:

Bà vừa nói gì thế? Tôi có nghe lầm không? Hình như bà gọi tôi là «Anh Xuân»?

Bà hơi bẻn lẻn:

Chắc tại tôi nằm mơ…

Ôi, dù chỉ là giấc mơ cũng được, hôm nay nghe bà gọi âu yếm hai chữ «Anh Xuân» tôi sung sướng bồi hồi như thấy cô Hoa bé bỏng, dịu dàng của mấy chục năm về trước, chứ không phải là bà Xuân vừa gìa vừa đanh đá bây giờ….

Bà ngượng ngùng:

Vậy hả ông. Nãy vô tình ông nhắc đến ngày xưa nên tôi vừa sống lại một thời qúa khứ, ngày xưa khi tôi và ông mới quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau.

Ông cũng bồi hồi:

Ngày xưa bao giờ cũng đẹp, nên chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu bằng hai chữ «Ngày xưa». Cứ thế bà nhé, con cái ở xa chỉ có hai vợ chồng gìa, thỉnh thoảng cũng cần cho nhau những lời âu yếm yêu thương như thời trẻ chứ. Bà đừng có lắm lời, khó tính khó nết với tôi nữa nhé..

Cả ông nữa, cũng đừng bướng bỉnh trái ý tôi nữa nhé?.

Ông Xuân cười gật gù:

Chắc tại tuổi gìa làm cho con người thay đổi tính nết thôi, chứ tình yêu xưa vẫn còn đây. Tôi và bà cố gắng đối xử với nhau như lúc trước, được tí nào hay tí ấy…

Rồi ông chỉ vào những bịch chợ:

Tôi mua đủ những món bà ghi trong giấy rồi. Ngoài ra tôi còn mua cả món bà không dặn là mấy hộp Blueberry mà bà yêu thích vì nó giống như quả sim tím thường làm bà chạnh lòng nhớ đến bài hát «Những đồi hoa Sim» của thuở đang yêu tôi đấy.. Hàng mới bày ra, tươi ngon lắm nên tôi phải mua ngay.

Bả cảm động:

Thế hả? cám ơn ông đã để ý đến cả sở thích của tôi.

Thì tôi đáp lại tấm lòng bà thỉnh thoảng làm món gà luộc chấm muối tiêu chanh sở thích của tôi, dù tay bà đã yếu chặt con gà luộc cũng là vất vả, miếng dài miếng ngắn, miếng to miềng nhỏ…

Bà trìu mến hỏi:

Thế cuộc họp ở Đài chiến sĩ đông vui không hở ông?

Ông Xuân hào hứng:

Dĩ nhiên là đông người chứ, giây phút chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhìn những người lính mặc quân phục xưa tôi lại bồi hồi nhớ thời mình trai trẻ đã chiến đấu dưới màu cờ thân yêu ấy.

Bà cũng hào hứng theo:

Lần sau trở đi dù bất cứ hội họp gì của cộng đồng Việt Nam, của lính tráng, tôi sẽ đi với ông, bất chấp ông lái xe thế nào.

Ông Xuân vui mừng:

Bà đã giao phó cả cuộc đời bà cho tôi thì cứ yên chí, dù lái xe kiểu nào tôi cũng lo an toàn mà. Chuyện lớn chuyện nhỏ, đồng vợ đồng chồng mới vui bà ạ. Tôi cám ơn bà…

Bà lôi những món đồ trong túi chợ ra xếp vào tủ lạnh, ông chồng gìa dưới mắt bà lù khù và bướng bỉnh vẫn còn nhiệt huyết với quê hương, với đồng đội chẳng khác gì anh Xuân, người lính trẻ hào hùng, xông xáo khắp nẻo chiến trường ngày nào mà bà từng thương yêu và ngưỡng mộ.

Thì ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh Xuân lại trở về trong lòng cô Hoa, dù hai người đã gìa.

Bà quay ra dịu dàng nhìn ông và chính bà cũng tưởng như mình đang trẻ lại:

Anh Xuân ơi, anh vẫn là chàng trai năm xưa của em đấy.

Nguyễn Thị Thanh Dương