Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Saturday, March 30, 2019

Bốn Cái Ngu



Bốn Cái Ngu
Dong Trinh

Tác giả tên thật là Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.


 ***

Ở đời có bốn cái ngu

Tôi đây ngu hết hai rồi, trời ơi!

Những năm mới qua Mỹ, chúng tôi thỉnh thoảng hay gởi tiền về cho thân nhân đang kẹt lại bên Việt Nam.

Lúc đó, bên Mỹ có rất nhiều dịch vụ chuyển tiền. Tôi ở thành phố nhỏ , mỗi lần cần gởi về cho người thân thì hay hỏi thăm mấy người quen biết ở California chỉ giùm, nơi nào có uy tín, chuyển nhanh và huê hồng rẻ.

Tình cờ, một hôm tôi nói chuyện với Kim, cô bạn thân sát nhà ở Bình Dương.  Kim cho biết có quen cô Xuân làm dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam, rất đáng tin tưởng, chí cần gọi cho biết số tiền muốn gởi cho ai, ở đâu. Trong vòng một tuần sau mình sẽ nhận được hồi báo với đúng chữ viết của thân nhân bên nhà, khi đó mình mới gởi tiền trả lại cho chị Xuân. Thế là từ đó, tôi trở thành thân chủ của chị Xuân.

Đâu được một năm sau, tôi có một người quen ở cùng thành phố. Liên, tên cô bạn tôi và Phương, chồng của Liên mở một tiệm bán hàng kỷ niệm, sách báo. Liên nhờ tôi giới thiệu với chị Xuân bên California để Liên làm đại lý ở đây. Thương Liên con đông tôi không ngần ngại gọi chị Xuân nói chuyện. Thấy hơn một năm qua tôi rất đàng hoàng với chị về tiền bạc, chị chấp thuận ngay đề nghị của Liên.

Tiệm của vợ chồng Liên cũng khá đông khách hàng. Nay lại thêm chuyển tiền và bán thẻ điện thoại do chị Xuân cung  cấp, nên mức thu nhập có phần khấm khá hơn. Thấy vợ chồng Liên làm ăn trôi chảy, thuận lợi, tôi cũng mừng cho họ. Ít lâu sau, Liên đi làm hãng để mua bảo hiếm sức khỏe cho gia đình.

Rồi đột nhiên, một thời gian ngắn sau đó, Phương đóng cửa tiệm với lý do buôn bán ế ẩm. Tôi nghe nhưng cũng không để ý lắm vì tôi cũng rất bận rộn với gia đình.

Một hôm, tôi vừa đi chợ về thì có tiếng điện thoại reng. Từ bên kia đầu dây, giọng nói quen thuộc của chị Xuân:

- Alo, chị An hả?

- Dạ, chị khoẻ không? Lâu quá, không nói chuyện với chị vì người nhà tôi đã qua Mỹ hết, nên không còn phải gởi tiền về bên đó nữa!

- Dạ vậy xin chúc mừng chị nha!

Rồi chị ngập ngừng trong giây lát như có điều chị khó nói. Tôi hỏi thăm qua loa chị vài câu, định chào chị thì nghe tiếng chị khóc. Tôi ngạc nhiên quá, mình đã nói gì sơ sót để chị khóc?

Chị nghẹn ngào kể cho tôi nghe:

- Chị An biết không, tôi tin tưởng chị nên cho chú Phương hợp tác làm ăn. Mấy tháng đầu chú rất đàng hoàng, rồi sau đó chú bắt đầu thiếu tôi, một ngàn, hai ngàn và cho đến giờ, tổng cộng số tiền là mười sáu ngàn rồi. Tôi gọi thì chú cứ hẹn lần, hẹn mòn nói khách hàng thiếu nên chú mới thiếu lại tôi. Tôi nghe vậy cũng tin chú. Hổm rày, tôi kêu hoài mà không được, điện thoại đã bị cắt rồi, chị làm ơn nói với chú Phương thanh toán số tiền đó cho tôi đi, ông xã tôi cằn nhằn tôi quá trời, ổng nói hỏng quen biết gì mà dám cho người ta thiếu rồi biết đi đâu mà đòi đây?

Nghe qua, tôi điếng hồn  luôn! Thời đó, vàng y chỉ năm sáu trăm dollars một lượng, mười sáu ngàn không phải là số tiền nhỏ. Tôi không biết phải nói sao với chị, chỉ khuyên chị bình tĩnh, để tôi liên lạc với Liên, hỏi rõ sự tình và nói họ phải trả tiền lại cho chị. Chiều Liên đi làm về, tôi gọi hỏi, Liên trả lời tỉnh queo:

- Chuyện đó của ông Phương, con đâu có biết. Lâu nay con đi làm, không dính dáng gì tới tiệm nữa, cô hỏi ổng đi!

Trời đất quỷ thần ơi, ngó xuống mà nghe nè! Hồi cần thì cô vợ ngọt ngào nhờ tôi, giờ lại nói giọng ngang như cua. Tôi tức cành hông nhưng đành ngậm bồ hòn mà chịu chứ biết nói gì đây!

Hôm sau, tôi gọi cell phone của Phương để nói chuyện.

Không như Liên, Phương nhỏ nhẹ nói với tôi:

- Cô làm ơn nói với chị Xuân cho con khất một thời gian. Tại con làm ăn thua lổ nên mới ra nông nổi,  chứ con đâu muốn để cô mang tiếng!

Cục đường phèn này nhét vô họng mà tôi nghe đắng hơn ký ninh! Thôi rồi, tôi làm sao mà ăn nói với chị Xuân đây?

Một tuần sau, chị Xuân gọi lại, tôi nói những lời của Phương cho chị nghe, mong chị thông cảm cho mấy đứa. Chị buồn bã nói:

- Thôi thì tôi cũng đành chờ và cầu mong chú làm ăn khấm khá để trả lại cho tôi.

Trong thời gian này, Liên vẫn đi làm đều đặn còn Phương thì ít thấy bóng dáng . Tôi nghĩ có lẽ Phương đang đi làm đâu đó để có tiền trả nợ. Thật ra, tôi có nghe phong phanh, Phương dùng tiền của khách hàng trả để thầu football, bị thua lổ đến mất luôn tiệm .

Rồi chị Xuân lại gọi. Thiệt tình mà nói, mỗi lần chị gọi, tôi rầu lắm vì không biết phải nói sao!

Tiếng chị nhỏ nhẹ trong máy, tôi nghe mà muốn khóc theo chị:

- Chị An biết không? Chị cho tôi số điện thoại cầm tay của chú Phương nhưng tôi gọi hoài mà chú không thèm bắt. Chị làm ơn nói vợ chồng chú rán trả tiền cho tôi đi. Trả một lần không được thì trả nhiều lần. Chỉ cần có trả thì nợ sẽ hết, không trả thì còn hoài chị ơi! Hổm rày ông chồng tôi ổng chửi tôi quá chừng! Chị nói chú Phương, chỉ cần mỗi tháng trả tôi hai chục đồng cũng được, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, làm ơn đi chị...

Trời đất! Tôi có nghe lộn không? Số nợ mười sáu ngàn đồng, mỗi tháng trả hai chục đồng? Vậy thì khi chị Xuân trăm tuổi cũng chưa hết nợ!

Tôi thật là tội nghiệp cho chị. Người ta thiếu tiền mình mà mình phải năn nỉ trả, từng đồng từng cắc!  Tôi hỏi chị lại cho chắc ăn:

- Chị nói chỉ cần trả hai chục một tháng thôi hả? Vậy chừng nào mới hết?

- Thì tôi nói vậy chứ hỏng lẻ mỗi tháng chú Phương đi gởi cho tôi hai chục sao? Nếu chú có nhiều thì trả nhiều, không có thì hai chục cũng gọi là trả mà!

Tôi chỉ biết thở dài, thương cho chị sao quá tin người, để rồi phải khổ. Mà không phải một mình Phương đâu, chị nói còn vài nơi khác nữa. Họ cũng thiếu chị chỗ năm ngàn, chỗ tám ngàn!

Cứ thỉnh thoảng chị gọi tôi và tôi cũng chỉ biết nói chị cho tụi nó thời gian.

Trong khi đó, Kim, cô bạn đã giới thiệu chị Xuân cho tôi quen,  tự nhiên bặt tin, không gọi cho tôi như trước giờ . Tôi gọi nhiều lần thì Kim mới bắt điện thoại, nói chuyện lợt lạt. Tôi cứ thắc mắc hoài, không hiểu mình đã làm gì để Kim giận. Đến nay, đã gần hai mươi năm, chúng tôi hầu như bặt tin nhau. Tôi chợt nghĩ đến số nợ của Phương. Tôi đem thắc mắc này hỏi Bích, một cô bạn chung với tôi và Kim. Bích cho biết đúng là Kim giận tôi vì cho rằng tôi đã lường gạt chị Xuân! Thật là oan ơi ông địa! Tôi biết làm sao giải bày cho Kim hiểu được tôi đây? Tôi xin thề với đất trời, một xu nhỏ tôi cũng không có lấy mà!

Phần chị Xuân, sau nhiều lần gọi vẫn không kết quả, chị cũng làm thinh luôn. Chẳng hiểu chị có còn mạnh khỏe hay không?

Đến giờ tôi vẫn nghe áy náy vì đã ngu si, giới thiệu vợ chồng Liên cho chị Xuân. Chị mất một số tiền lớn, tôi mất đi người bạn thân từ tấm bé!

Cái ngu thứ nhất đã làm tôi mất uy tín, mang tiếng xấu với bạn bè, vậy mà tôi vẫn chưa tởn!

o0o

Cách nay khoảng mười lăm năm, một hôm, Quân, bạn của Liên đến nhà chơi và nói sẽ đi Việt Nam. Không biết ông ứng bà hành sao, tôi buột miệng nói:

- Quân có muốn cưới vợ ở Việt Nam không?

Quân hỏi ngay:

- Cô có quen ai bên đó hả?

- Ừ, con gái một người bạn. Không đẹp lắm nhưng nết na, hiền lành.

Quân nói ngay:

- Vậy cô cho con xin địa chỉ rồi cô viết thơ con đem về làm quen với cô đó nha!

Nghe Quân đồng ý, tôi mừng lắm.

Hoài là con gái của một người quen tôi ở Bình Dương. Nhà rất nghèo, cô bạn tôi đầu tắt mặt tối, tảo tần buôn bán mà vẫn không đủ tiền chạy gạo nuôi con.

Tôi hy vọng Quân về cưới Hoài, đem con bé qua đây để cháu đi làm phụ giúp mẹ nuôi em.

Một tháng sau, Quân trở qua, mang cho tôi coi hình đám cưới hai đứa. Cô dâu thật rạng rỡ trong chiếc áo cưới , chú rễ cười tươi vì được vợ hiền. Tôi nghe vui trong lòng vì đã làm bà mai ngang xương mà kết quả vô cùng mỹ mãn!

Rồi Quân bắt đầu làm thủ tục bảo lãnh Hoài sang Mỹ. Trong khi chờ đợi, cứ vài ba tháng Quân về Việt Nam thăm vợ, tình cảm ngày càng thắm thiết.

Ít lâu sau, Quân mở quán cà phê. Quân nhờ cô bạn học ngày xưa cũng đang ở cùng thành phố , đến phụ trông coi quán. Tôi nghe nói, trong lòng có ý lo ngại nhưng không nói ra.

Một buổi chiều cuối năm, trời bên ngoài lạnh giá, tuyết phủ trắng xoá trên mái nhà. Tôi nhận được thơ của Hoài, cho biết đã bốn, năm tháng rồi không có tin tức của Quân. Hoài gọi điện thoại qua thì nghe tiếng đàn bà trả lời!

Thôi rồi! Nỗi lo của tôi đã biến thành sự thật! Tôi đến tiệm cà phê tìm Quân. Hôm nay quán vắng, một mình Quân ngồi nơi quày tính tiền, hút thuốc bên ly cà phê đen. Tôi đưa thơ Hoài gởi tôi cho Quân coi. Đọc xong, tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt Quân chảy dài trên má. Quân nói:

- Con thương Hoài lắm mà giờ con không biết phải nói sao cô ơi! Con lỡ có con với Lan rồi, Lan buộc con phải bỏ Hoài. Mong cô làm ơn nói lại với Hoài cho con xin lỗi, Hoài đừng chờ đợi con nữa!

Nói sao nghe dễ quá! Một đời con gái của Hoài đã trao hết cho Quân. Một đám cưới rình rang với Việt Kiều! Làm sao con nhỏ ngó mặt xóm giềng nữa đây!

Mười lăm năm trôi qua, con trai của Quân và Lan đã mười bốn tuổi, duyên tình của cha mẹ thằng bé cũng vỡ tan. Thỉnh thoảng gặp tôi, Lan hỏi thăm Hoài. Tôi chỉ biết lắc đầu.  Không hiểu Lan có hối hận vì mình đã cố tình làm người thứ ba, gây đổ vỡ cho Hoài và rồi chính mình cũng đón nhận hậu quả đau buồn này?

Hoài giờ đã ba mươi chín tuổi, cái tuổi lỡ thời. Hoài vẫn sống độc thân, đi làm phụ mẹ nuôi cha nằm một chỗ sau cơn tai biến.

Nhiều năm nay, tôi mang trong lòng một nỗi hối hận không nguôi! Tại sao tôi tài lanh  chi để một người bị mất tiền mất bạc, gia đình xào xáo. Tôi lo thân tôi còn không xong, bày đặt mối với mai chi để làm lỡ đi đời một đứa con gái nết na, hiền hậu! Tội này của tôi làm sao rửa sạch đây?

Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu!

Fort Smith, tháng Ba 2019

Dong Trinh

Monday, March 11, 2019

Huyền thoại Sisyphus



Huyền thoại Sisyphus


Các vị thần đã bắt Sisyphus phải chịu hình phạt không ngừng lăn một tảng đá lên tới đỉnh một ngọn núi, để rồi tảng đá lại bị sức nặng của chính nó kéo cho rơi xuống đất. Họ đã nghĩ, cũng với một cái lý, là không có sự trừng phạt nào khốc liệt hơn sự lao động hoài công và vô vọng.


Nếu tin vào lời Homer, Sisyphus chính là kẻ khôn ngoan và hiểu biết nhất trong thế giới loài người. Tuy nhiên, theo một giai thoại khác thì anh ta lại được khoác cho cái nghề mãi lộ. Tôi không thấy hai điều đó có gì tương phản. Người ta có những ý kiến giải thích khác nhau về lý do anh ta bị biến thành kẻ lao lực miệt mài vô vọng trong cõi âm. Đầu tiên, anh ta bị khép tội có tính khinh mạn đối với các vị thần. Anh ta đã đánh cắp những bí mật của họ. Aegina, con gái của Aesopus, bị Jupiter bắt đi mất. Sự mất tích của nàng làm người cha rúng động, và ông đem chuyện đó ra than vãn với Sisyphus. Biết rõ về vụ bắt cóc này, anh ta hứa sẽ nói sự thật với điều kiện Aesopus cung cấp nước cho thành đô Corinth. Cảm tình của anh ta đã nghiêng về phía sự tốt lành của dòng nước hơn là những lưỡi tầm sét từ trời – điều đó đem lại sự trừng phạt cho anh ta ở cõi âm. Homer còn kể thêm với chúng ta là chính Sisyphus đã xích thần chết lại. Diêm Vương Pluto không thể chịu đựng nổi cảnh tượng trống trải im lìm của đế quốc ông ta. Thế là ông ta đã phái thần chiến tranh xuất hiện trên mặt đất, và thần này giải phóng cái chết từ tay người đã hàng phục được nó.

Còn có câu chuyện khác là Sisyphus, trước lúc sắp từ giã cõi đời, đã dại dột muốn thử thách tình yêu của vợ anh ta. Anh ta ra lệnh cho nàng phơi xác mình lộ thiên ngay chính giữa quảng trường công cộng. Thế rồi Sisyphus thức giấc ở cõi âm. Ở đây, giận dữ vì sự vâng lời của vợ mình quá trái ngược với tình cảm con người, anh ta xin được phép của Diêm Vương cho trở về mặt đất để sửa trị cô vợ. Nhưng đến khi anh ta nhìn lại được mặt đất, sung sướng với nước và mặt trời, những tảng đá ấm áp và biển cả, anh ta không muốn phải quay về địa ngục tối tăm nữa. Bao nhiêu lời triệu hồi, bao nhiêu biểu hiện giận dữ, những lời cảnh cáo đều vô hiệu. Anh ta sống thêm nhiều năm trời trước mặt là bờ vịnh cong cong, nước biển lấp lánh và những nụ cười của mặt đất. Cuối cùng phải cần đến một sắc dụ của chư thần. Sứ thần Mercury đến tận nơi, túm lấy cổ áo kẻ trâng tráo, kéo xềnh xệch gã khỏi những niềm vui sướng của mình về lại âm cung, nơi tảng đá của gã đang chờ đợi.

Ta đã nắm bắt được hình ảnh của Sisyphus như người anh hùng phi lý. Những khát vọng của anh ta tạo ra điều đó cũng nhiều như sự hành hạ anh ta phải chịu vậy. Sự khinh mạn các vị thần, nỗi thù ghét đối với cái chết và niềm đam mê cuộc sống đã đem về cho anh ta hình phạt không thể diễn tả nổi trong đó toàn thể sự hiện hữu dốc vào một việc không đạt được gì cả. Đó chính là cái giá phải trả cho những khát vọng trần gian. Chúng ta không được nghe kể gì về Sisyphus ở cõi âm cả. Các huyền thoại được tạo ra để cho trí tưởng tượng thổi sinh khí vào chúng. Với huyền thoại này, người ta chỉ thấy toàn thể nỗ lực của một thân hình gồng lên cố sức nâng tảng đá khổng lồ, cố sức đẩy và lăn nó đi đi lại lại hàng trăm lần trên đường dốc; người ta thấy khuôn mặt rắn đanh lại, má tì chặt vào tảng đá, bờ vai đỡ lấy khối nặng bê bết đất sét, bàn chân chèn thêm vào, sự bắt đầu trở lại với đôi tay trần đưa ra, sự bảo hộ hoàn toàn do sức con người, cậy nhờ vào hai bàn tay đóng vón đầy đất. Đến tận cùng nỗ lực dằng dặc, được đo bằng không gian không có bầu trời và thời gian không có chiều sâu của anh ta, mục tiêu đã đạt đến được. Thế rồi Sisyphus đứng nhìn trong vài khoảnh khắc tảng đá lăn ào xuống về hướng thế giới ở dưới sâu để bắt anh ta lại phải đẩy nó lên lại đỉnh núi. Sau cùng, anh ta đi trở lại xuống dưới mặt đất.

Chính vào lúc trở lại đó, trong khoảng khắc ngừng tay đó, Sisyphus mới lôi cuốn được sự chú ý của tôi. Một khuôn mặt lao lực vất vả sát bên những tảng đá như vậy, chính nó cũng là đá! Tôi nhìn thấy con người đó đi trở xuống bằng những bước chân nặng nề nhưng đều đặn với khổ hình mà anh ta sẽ không bao giờ thấy nó chấm dứt. Giờ khắc đó cũng giống như khoảng trống để thở, cũng chắc chắn sẽ tái diễn đi đi lại lại hệt như sự hành phạt của anh ta, đó chính là giờ khắc của ý thức. Mỗi khoảnh khắc trên chặng đường từ đỉnh cao và từ từ lún dần xuống sào huyệt của các vị thần đó, anh ta đã vượt lên cao hơn số phận mình. Anh ta đã mạnh hơn tảng đá.

Nếu đây là một huyền thoại bi đát, chính là vì người anh hùng của nó ý thức rõ. Thật vậy, nếu niềm hy vọng thành công nâng anh ta lên theo mỗi bước chân, thì còn sự hành phạt ở chỗ nào? Con người lao động ngày nay làm mỗi ngày suốt đời những việc hệt như nhau, và số phận này cũng không kém phi lý hơn chút nào cả. Nhưng nó chỉ thành bi kịch trong những khoảnh khắc hiếm hoi nó có ý thức. Sisyphus, người vô sản của các vị thần, không quyền lực và đầy tính khí nổi loạn, thấu hiểu toàn diện hoàn cảnh khốn cùng của mình: đó chính là điều anh ta nghĩ ngợi đến trong lúc xuống núi. Cái nhìn thấu suốt làm nên sự hành hạ của anh ta lại cũng đồng thời khoác lên cho anh ta vòng hoa chiến thắng. Không có số phận nào không thể vượt qua bằng sự khinh mạn được.

o0o

Nếu chặng đường đi xuống đó có khi diễn ra trong sầu não, nó cũng có thể đi hết trong niềm vui. Từ này không phải quá đáng. Một lần nữa, tôi lại hình dung thấy Sisyphus quay trở lại tảng đá của anh ta, và sự sầu khổ lại khởi đầu. Khi hình ảnh trần gian đeo đẳng quá chặt trong ký ức, khi tiếng gọi của hạnh phúc trở nên quá dai dẳng, sự u sầu dâng lên trong tâm tư con người: đây là chiến thắng của tảng đá, đây chính là tảng đá. Nỗi thương đau vô hạn quả là nặng nề quá sức. Đó là những đêm trên đồi Gethsemane của chúng ta. Nhưng những sự thật đè bẹp con người sẽ tan biến đi sau khi được nhận chân. Cũng như Oedipus, lúc khởi đầu tuân phục số phận mà không hề hay biết. Nhưng từ lúc anh ta phát hiện ra thì bi kịch của anh ta mới thật sự khởi diễn. Tuy nhiên cũng cùng lúc đó, mù loà và tuyệt vọng, anh ta nhận ra điều duy nhất nối kết mình với thế giới là bàn tay mát rượi của một người con gái. Thế rồi một nhận xét lớn lao cất lên: «Dù cho có bấy nhiêu oan trái, tuổi tác từng trải và sự cao quý của tâm hồn ta buộc ta phải kết luận là mọi sự đều tốt đẹp.» Oedipus của Sophocles, cũng hệt như Kirilov của Dostoevsky, đã vạch ra công thức dẫn đến chiến thắng phi lý. Sự khôn ngoan cổ xưa khẳng định cho chủ nghĩa anh hùng hiện đại.

Người ta không thể khám phá cái phi lý khi chưa bị lôi kéo vào việc soạn một cẩm nang cho hạnh phúc. «Thế nào! Bằng con đường hạn hẹp như vậy ư—-?» Dù sao thì cũng chỉ có một thế giới. Hạnh phúc và cái phi lý là hai đứa con của cùng một thế gian. Chúng không thể nào phân chia ra được. Sẽ là một sai lầm khi nói rằng hạnh phúc nhất định sẽ nảy ra từ việc khám phá cái phi lý. Cùng lúc đó, cảm giác về cái phi lý cũng nảy sinh từ trong hạnh phúc. «Ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp», Oedipus nói, và nhận xét này thật thiêng liêng. Nó vang vọng trong gió và giới hạn lại vũ trụ của con người. Nó dạy rằng mọi sự không phải, chưa phải, đã được dùng đến cạn kiệt. Nó đuổi khỏi thế giới này một vị thần đã đến trong nó với sự bất mãn và thích thú với những khổ đau vô ích. Nó biến số phận thành một vấn đề của con người, và phải được dàn xếp giữa con người.

Chính trong điều này chứa đựng niềm vui thầm lặng của Sisyphus. Số phận của anh ta thuộc về chính anh ta. Tảng đá thuộc về anh ta, là công vịệc của anh ta, Cũng như vậy, con người phi lý, khi hắn suy tư về sự dày vò của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Trong vũ trụ bỗng nhiên được đặt trở về trong tĩnh lặng, vô số những tiếng nói nhỏ nhoi của trần gian cất lên. Vô thức, những tiếng gọi bí mật, những mời mọc từ đủ khuôn mặt, chúng là mặt trái và cái giá nhất thiết của chiến thắng. Không có mặt trời nào không có bóng, và hiểu biết về đêm tối là điều thiết yếu. Con người phi lý đáp lời và từ đó về sau, nỗ lực của hắn sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Nếu có cái gì gọi là số phận cá nhân, trên đời này không còn định mạng gì cao hơn nữa, hay ít nhất có một định mạng mà hắn xác định là không tránh khỏi và đáng khinh ghét. Ngoài ra, hắn biết mình là chủ nhân của mọi ngày trong cuộc đời. Vào giây phút mơ hồ khi con người liếc nhìn lại cuộc đời mình sau lưng đó, Sisyphus quay trở về với tảng đá, trong cái xoay đầu nhẹ anh ta chiêm nghiệm lại chuỗi hành động không liên quan với nhau đã trở thành số phận của mình, do chính anh ta tạo ra, tập hơp lại dưới con mắt của ký ức anh ta, và chẳng bao lâu phong bế lại bởi cái chết anh ta. Và như thế, đã được thuyết phục về nguồn gốc hoàn toàn mang tính con người của tất cả những gì thuộc về con người, một người mù hăm hở muốn gặp người biết rằng bóng đêm dài vô hạn, anh ta vẫn tiếp tục bước đi. Tảng đá lại tiếp tục lăn.

Tôi bỏ đi, để lại Sisyphus dưới chân núi! Người ta sẽ luôn luôn tìm thấy lại gánh nặng của mình. Nhưng Sisyphus dạy cho ta một sự chân xác đã có thể phủ nhận các vị thần và nâng những tảng đá lên. Anh ta cũng kết luận mọi sự đều tốt đẹp. Vũ trụ này từ đây không còn có chủ nhân không có vẻ gì là trơ trụi hay vô ích dối với anh ta. Mỗi phân tử của tảng đá, mỗi mảnh khoáng chất trong quả núi đầy bóng đêm tự nó tạo thành một thế giới. Cuộc vật lộn để đạt tới đỉnh cao tự nó đã đủ để lấp đầy trái tim một con người. Ta buộc phải hình dung Sisyphus đang hạnh phúc.