Những câu chuyện ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa
Những câu chuyện ý nghĩa

Saturday, January 25, 2020

Chuyện Cuối Tuần



Chuyện Cuối Tuần


Cao Đắc Vinh
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông.
1.
- Sáng thứ bẩy anh định làm gì đây?
- Anh phải chùi rửa hai cái xe. Cả tháng rồi... Nhìn dơ quá bên trong và bên ngoài, thấy mà ghê!
- Có gì đâu mà dơ... Đừng mất thì giờ anh ơi! Trời mưa mấy hôm nay cũng tắm nó sạch rồi. Anh à! Em muốn đi Bolsa phố Việt ăn phở và đi chợ.
- Ok! Đi thì đi. Chợ búa cuối tuần em biết đông lắm đó nhưng trước khi đi, anh phải ghé Costco đổ xăng. Xăng bây giờ bao nhiêu một “gallon” em nhỉ?
- Em mới đổ tuần rồi 4 đô 10 xu nhưng thôi đừng đi Costco giờ này, cái “line” nó dài lắm! Chờ chết luôn, em không đợi được đâu.
- Anh muốn đổ cho xong, tiện đường ra xa lộ, sáng sớm mà đông thì đến trưa còn đông hơn em ạ!
- Thôi! Lâu lắm... Lên Bolsa đổ xăng đi anh. Ủa, sao anh lại đi “freeway” số 5. Đi xa lộ 405 đường rộng nhiều “lane” hơn, đỡ kẹt..
- Ok! Em muốn 405 thì đi 405. Đường nào cũng đến La Mã cả mà.
- Sao anh không lấy “carpool” đi nhanh hơn không? Thôi lỡ rồi! sáng nay xa lộ cũng vắng xe, vào “lane” phía ngoài đó không để ý khó “exit” lắm. Anh đổi “lane” qua phía tay phải vắng xe nè...
- Cứ từ từ em ơi! Mình đi ăn phở sáng thứ bẩy, có gì đâu mà vội em à? Ăn phở gà nhé! Anh thích phở gà vì “breakfast” nó nhẹ.
- Thôi! Lần nào ăn phở gà em cũng đau bụng. Ăn phở bò 79 trên đường Brookhurst đi anh. Lâu rồi em chưa lại đó.
- Ok! Sao cũng được. Tiệm ấy giờ này cũng đông lắm đó.
- Ủa, sao anh đi sau cái xe truck này mãi em ngán quá! Quẹo qua “lane” bên phải đi anh.
- Để yên anh lái! Sao em cứ xen vào làm chi cho mệt cả hai đứa. Nếu muốn, anh dừng lại cho em lái nhé...
- Không nói thì anh đâu biết! Đấy, anh vừa sang “lane” mà không để “signal” thấy không? Ấy! Sao anh đi nhanh thế! Hơn 70 “miles”, cảnh sát nó núp đâu đó là anh chết! Tiền phạt bây giờ nặng lắm...
- Đến nơi rồi! Tiệm phở này lúc nào cũng đông. “Parking” ở đây khó đậu quá.
- Hai dẫy dài thế này mà anh bảo ít à! Anh cứ đứng đây cho em thế nào cũng có người ra kẻ vào. Kia kìa! Có xe sắp lùi ra, nó để đèn “signal” anh lái đến gần đi nếu không lại tranh nhau cho mà xem.
2.
- Cái bàn này nhỏ quá anh nhỉ? Hỏi xem mình ngồi gần cửa sổ có được không? Thôi! tiệm đông quá. Ok! anh ăn phở gì?
- Anh ăn phở bò. Ở đây chỉ có phở bò là ngon nhất.
- Biết rồi! Ý em hỏi là anh ăn phở bò nhưng thịt thà làm sao kia...
- Tái gầu gân sách, hành trần nước béo...
- Bỏ giùm em mỡ gầu với nước béo đi. Anh không sợ cholesterol” à? Thôi để em kêu “order” cho anh.
- Lâu lâu mới đi ăn phở chứ có ăn mỗi ngày đâu mà em lo quá làm anh cũng nản... Ăn mất ngon!
- Cho tôi hai tô đặc biệt một tô trung, một tô nhỏ, hành dấm và hành trần nước trong.
- Ăn xong em muốn đi chợ nào? Gần đây có chợ Quang Minh và chợ Nam Hoa.
- Trước khi đi chợ, em muốn cắt tóc đã. Tóc dài quá rồi! Đi làm ai cũng nói như con bú dù.
- Thế em muốn cắt tóc ở đâu? Gần hai chợ này cũng có tiệm tóc Lê Nẫm.
- Không! Em muốn cắt ở tiệm trong khu mái ngói xanh mà quên tên rồi.
- Được! Anh biết tiệm đó. Thế trong lúc em cắt tóc, anh làm gì?
- Anh ngồi chờ em hay đi bộ qua tiệm Tip Top Café bên kia mua hộ em hai bánh mì “baguette” đang “on sale”.
- Ok! Chuyện nhỏ em đừng lo... Vào cắt tóc đi nếu không lại phải chờ đợi.
3.
- Anh ơi! Xong rồi họ làm nhanh quá.
- Tóc cắt đẹp đấy! Mặt em hợp với tóc ngắn, nhìn trẻ hơn 5, 6 tuổi.
- Em nói nó tỉa bớt tóc hai bên má cho mặt bớt bầu mà nó làm không đúng kiểu. Ghét quá! Lỡ rồi biết làm sao?
- Thôi đẹp rồi! Anh thấy đẹp mà... Sao em khó quá! Bây giờ muốn đi đâu? Chợ nào? Gần đây có chợ Thuận Phát, chợ Saigon lúc trước là chợ Đại Hàn sau bán lại cho người Việt, em nhớ không?
- Không đi chợ thằng Tầu và cả chợ Đại Hàn! Anh làm ơn cho em đến chợ T & K trên đường Bolsa.
- T & K cũng là chợ Tầu vậy!
- Đúng! Nhưng em hay đến đó nên quen rồi. Muốn kiếm cái gì cũng dễ nhất là cái anh con trai bán thịt, thích em... Mỗi lần em đến, nó chọn cho em những miếng ba chỉ rất nạc.
- Em mua thịt ba chỉ thì chiều nay cho anh ăn mắm nhé! Lâu không ăn mắm anh thèm quá! Cứ tưởng tượng mỗi miếng ba chỉ luộc thái mỏng kẹp theo một con tôm chua thì hết sẩy!
- Thôi ăn mắm độc lắm anh à! Già rồi ăn mặn, mắm muối sinh ra cao mỡ, cao máu không tốt đâu! Em mua thịt heo ba chỉ làm bánh xèo chiều nay.
- Vậy anh ghé chợ mua chai rượu ngon để nhậu với món ngon này nhé!
- Bớt rượu đi! Rượu nhiều hại gan đấy... Uống bia hơn. Ăn bánh xèo uống bia ngon và hợp khẩu vị.
- Hay là anh mời vợ chồng anh bạn tối nay đến ăn cho vui nhé!
- Thôi để dịp khác đi... Bánh xèo phải làm từng cái, ăn liền mới ngon nên nếu đứng tráng cho nhiều người ăn sẽ mệt lắm! Lần này em làm chúng mình ăn thôi.
- Ok! Ăn bánh xèo xong, nhà chỉ có hai đứa thì chúng mình “yêu nhau” để anh trả công cho em, chịu không? Cứ im lìm mãi thế này, anh không biết có còn hoạt động được nữa không ấy chứ!
- Thôi! Chủ nhật đi.... nếu khỏe! Hôm nay ngủ sớm cho lại sức chứ chẳng “mần” gì được đâu.
- Em lại hứa! Biết là hứa cuội bao nhiêu lần rồi mà vẫn hứa.
- Ấy anh! Đổ xăng đi chứ... Vào xa lộ hết xăng thì chết.
- Đây! Có cây xăng Mobil phía trước kia kìa
- Chết chết! Sao đắt quá 4 đô 30 xu một “gallon” cơ à? Thôi đi đến Costco đi anh...
4.
- Cảm ơn em đã cho anh suốt cả một ngày cuối tuần vui buồn có nhau. Một ngày thứ bẩy đẹp trời chúng mình cùng đi ăn phở, đi chợ ở Little Saigon. Hướng đi thì cùng chung nhưng hướng về thì không! Suốt chặng đường từ lúc đi cho đến lúc về, tất cả những ý kiến của anh đều tiêu cực, chỉ mình em là tích cực...
Anh đã phải bỏ quê hương để được sống những ngày có ý nghĩa, sống theo sở thích trên đất nước tự do này nhưng với em cuộc đời anh lại là cảnh “cơm lành canh ngọt” kiểu Mỹ có nghĩa là nhất đàn bà, nhì chó... thứ ba mới đến anh! Tội nghiệp... Sao anh thấy nuốt không “vô” em à? Yêu vợ nên vợ lộng hành ngồi cả lên đầu! Biết bao giờ em mới tỉnh táo, giới hạn bớt ảnh hưởng lên chồng con dù đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt: yêu đương, lái xe, ăn uống, chợ búa hàng ngày nhưng chính những chi tiết vụn vặt ấy, nếu con người được thỏa mãn, tích tụ lại sẽ là hạnh phúc cuộc đời.
Ngược lại, khi bất mãn tích tụ lâu ngày sẽ đẩy người chồng tới cảnh đi ăn phở một mình, Một cử chỉ “bất mãn” mà một số những người đàn ông cùng trường hợp như anh đã âm thầm hành động.
Anh mong trường hợp chúng ta và chính anh sẽ không đến nỗi vậy.
Cao Đắc Vinh

Wednesday, January 22, 2020

Thượng Đế đã an bài



Thượng Đế đã an bài

Mục sư Rob Reid
Ngày 14, tháng Giêng, 2020

Ðây là câu chuyện cho ta thấy những sự việc xảy đến trong cuộc đời ta luôn có lý do…

Một mục sư và vợ ông vừa mới dọn đến ngoại ô thành phố Brooklyn và họ có nhiệm vụ làm cho nhà thờ ở đây sinh hoạt lại. Họ rất háo hức với cộng đoàn ở Hội Thánh mới này. Khi họ nhìn thấy nhà thờ, họ biết cần phải sửa chữa nhiều vì rất nhiều nơi bị hư hỏng.

Họ tự đề ra mục tiêu là phải hoàn tất mọi việc trước lễ Giáng Sinh.

Họ đã làm việc rất cật lực trong nhiều ngày, sửa lại các hàng ghế, sơn phết tường, tô lại vách… và ngày 18 tháng 12, họ sắp hoàn thành công việc.

Nhưng rồi, ngày hôm ấy, một cơn gió lốc đã tàn phá khu phố, trong suốt hai ngày.

Ðến ngày 21, mục sư hướng về phía nhà thờ, tim ông se thắt lại khi thấy tòa nhà đã tróc mái, và bên trong là một lỗ hổng thật lớn, phía cuối nhà thờ, ngay sau Cung Thánh.

Vị mục sư lau chùi những đống đổ nát trên sàn nhà, rồi đi về.

Trên đường về, ông nhìn thấy các văn phòng đang tổ chức bán garage sale và ông dừng lại. Ông nhìn thấy một tấm khăn trải bàn màu ngà, với nét thêu hoa văn rất thanh nhã, với màu sắc thật đẹp, và ở giữa là một cây thánh giá thêu rất sắc sảo. A, đây là kích thước thật thích hợp để che lỗ hổng ở Cung Thánh. Ông ta mua tấm khăn và đem về nhà thờ.

Trong khi đó, trời lại đổ tuyết bên ngoài. Rồi một phụ nữ lớn tuổi đi hướng ngược lại đang cố chạy theo cho kịp chuyến xe bus, nhưng bà đã hụt mất rồi. Mục sư thấy thế liền đề nghị bà vô trong nhà thờ cho đỡ lạnh trong khi chờ chuyến xe sau.

Bà đến ngồi ở băng ghế và không để ý đến ông đang bắc thang và gắn tấm khăn trải bàn vừa mới mua làm thành một bức thảm treo tường. Vị mục sư không thể nghĩ rằng tấm khăn lại tuyệt đẹp như thế khi ông vừa gắn xong và nhìn ngắm bức tường. Tấm khăn che đậy sự khiếm khuyết một cách tuyệt hảo.


Rồi bỗng nhiên ông thấy người phụ nữ đi đến gần tấm khăn. Gương mặt bà ta trở nên xanh mét như tàu lá.

«Thưa ngài, bà nói, làm sao ngài có được tấm khăn này?»

Mục sư giải thích xuất xứ của tấm khăn và bà nhờ ông kiểm lại ở bên trong góc phải tấm khăn có thêu những chữ EBG không. Ðó là những mẫu tự đầu của tên bà, và chính bà là người đã thêu tấm khăn đó, 35 năm trước đây, khi bà còn ở bên Áo.

Bà không thể tin nổi khi mục sư kể lại làm sao ông mua lại được tấm khăn ấy.

Bà giải thích rằng trước cuộc chiến, bà và chồng mình sống một cuộc đời rất thoải mái ở Áo.

Rồi khi bọn Quốc Xã đến, bà bị buộc phải ra đi, và chồng bà thì rời nhà tuần sau đó. Nhưng ông ấy bị bắt, rồi vào tù; từ đó bà chưa bao giờ gặp lại ông hoặc trở về ngôi nhà xưa của họ.

Mục sư có ý muốn trả lại tấm khăn cho bà, nhưng bà yêu cầu ông giữ lại để dùng cho nhà thờ. Mục sư đành đề nghị đưa bà về nhà, đó là điều tối thiểu ông có thể làm lúc đó. Nhà bà ở phía bên kia đảo Staten và bà đến Brooklyn hàng ngày để làm công việc thu dọn nhà cửa cho chủ.

Ðêm vọng Giáng Sinh ở nhà thờ mọi việc diễn ra thật hoàn hảo. Phòng lễ gần như đông chật, ban nhạc hát Thánh Ca và niềm hân hoan của những người dự lễ thật tuyệt vời. Khi buổi lễ chấm dứt, mục sư và vợ ông ta đến chào mọi người ở ngưỡng cửa và nhiều người hứa sẽ trở lại đi lễ.

Có một người đàn ông cao tuổi hơn mục sư vẫn ngồi ở băng ghế và nhìn quang cảnh; vị mục sư không hiểu tại sao ông ấy chưa ra về.

Người đàn ông hỏi mục sư làm sao có được tấm khăn trải bàn trên tường, vì khăn đó giống hệt tấm khăn mà vợ ông đã thêu rất lâu rồi, lúc họ còn ở bên Áo trước chiến tranh, làm thế nào mà có thể có được hai tấm khăn giống nhau đến thế?

Ông kể cho mục sư nghe rằng trước khi Quốc Xã đến quê hương của ông, vợ ông buộc phải rời bỏ quê nhà, và đáng lý ông phải theo bà ta một thời gian sau, nhưng ông đã bị bắt và ngồi tù.

Ông chưa bao giờ gặp lại vợ mình hoặc trở về căn nhà của họ từ 35 năm qua.

Vị mục sư hỏi ông có cho phép mục sư đưa ông đi một vòng không.

Mục sư chở ông ta đến đảo Staten, đến ngay ngôi nhà mà mục sư đã chở người đàn bà thêu tấm khăn về  ba ngày trước đó.

Mục sư giúp ông ta bước lên ba bậc thềm trước nhà, đến gõ cửa, và ở đó mục sư đã trải qua một lễ Giáng Sinh vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất mà ông chưa bao giờ tưởng tượng được.

Ðây là câu chuyện thật- do mục sư Rob Reid thuật lại; ông thêm rằng Thượng Ðế luôn can thiệp một cách huyền bí.

Theo soleilinterieur- TháiLan dịch

Thursday, January 9, 2020

Cách nhìn mới về cuộc sống



CÁCH NHÌN MỚI
VỀ
CUỘC SỐNG

Khi tôi bắt đầu tập đạp xe đạp cách đây vài năm, tôi không bao giờ nghĩ rằng chuyện tôi luyện tập đạp xe sẽ trở thành một điều gì lớn hơn là một vài cuốc xe lòng vòng. Nhưng khi tôi khỏe lên, bạn bè tôi khuyến khích tôi nâng cao mức tập luyện và thử sức với vài cuộc đường dài.
Cuộc thử sức đầu tiên là đoạn đường 150 dặm (hơn 200km), MS-150, một cuộc đua xe hàng năm quyên góp tiền cho việc nghiên cứu chống lại bệnh xơ cứng. Khi tôi mới đăng ký dự thi, ý tưởng này dường như rất tuyệt vời - ủng hộ quyên góp cho một việc từ thiện khi chạy xe đường dài - và tôi rất hăng hái luyện tập. Nhưng khi cuộc đua đến, sự thiếu tự tin đã chiến thắng trong tôi. Tôi vẫn muốn quyên góp cho việc từ thiện, nhưng tôi không còn muốn chạy một đoạn đường dài như vậy trong suốt hai ngày liền.
Cuộc đua bắt đầu vào sáng ngày Chủ nhật tại vùng quê Georgia yên bình, và trong vài giờ đầu tiên tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Đây chính là điều mà tôi tưởng tượng, và tinh thần của tôi rất mạnh mẽ. Nhưng vào cuối ngày, tôi cảm thấy quá kiệt sức, nóng nảy.
Nếu ai đó tin rằng thể xác được nối với linh hồn, tôi đây sẽ là một ví dụ cụ thể. Mỗi điều than thở mà não đưa ra dường như đi thẳng tới hai chân tôi. «Mình không thể chịu nổi nữa,» thì chân bắt đầu một cơn chuột rút, và «những người khác đều giỏi hơn mình» được tiếp theo là cảm giác hụt hoi, thiếu dưỡng khí.
Tôi muốn bỏ cuộc. Lên đến đỉnh đồi, cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi chân trời xa đã giúp tôi đi tiếp được vài phút nữa. Khi đó tôi bỗng chú ý một vận động viên trước tôi một khoảng xa, đang đạp xe rất chậm trong bóng chiều đỏ rực. Tôi cảm thấy người này có điều gì đó khác lạ, nhưng tôi không rõ là điều gì. Vì thế tôi cố chạy đuổi theo. Cô ta đang chạy, đạp chậm nhưng đều đều vững vàng, với khuôn mặt mỉm cười nhẹ nhàng và cương quyết - và rồi tôi nhận thấy rằng cô ấy chỉ có một chân.
Sự tập trung của tôi thay đổi ngay lập tức. Cả ngày tôi không tin tưởng vào thể xác của chính mình. Nhưng bây giờ tôi đã biết - không phải là thể xác mà chính là ý chí sẽ giúp tôi đạt được đích đến của mình.
Cả ngày hôm sau mưa. Tôi không trông thấy người nữ vận động viên một chân nữa, nhưng tôi tiếp tục chạy mà không than thở, vì tôi biết rằng cô ấy đang cùng với tôi ở đâu đó trên đoạn đường. Và vào cuối ngày, vẫn cảm thấy mạnh mẽ, tôi đã hoàn tất được 150 dặm của mình.


Wednesday, January 8, 2020

Đọc lại và suy ngẫm chuyện «Con rắn và cái cưa»



Đọc lại và suy ngẫm chuyện «Con rắn và cái cưa»

Một con rắn bò vào trong cửa hàng bán đồ làm mộc và bò đến  góc nhà. Khi bò ngang qua một cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa  làm bị thương. Lập tức, nó quay lại và cắn cái cưa. Càng cắn,  nó lại càng bị thương ở miệng.

Sau đó, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bởi nghĩ rằng cái cưa  đang tấn công mình, nó quyết định quấn lấy cái cưa với ý định  làm cho cái cưa ngạt thở với toàn bộ sức mạnh của mình.  Thật không may, con rắn cuối cùng bị chết bởi một cái cưa  vô tri vô giác.

SUY GẪM:

Đức Phật dạy: Nguyên do của khổ đau phát sinh là vô minh,  tức là nhận thức sai lầm về thực tại.

Vậy vô minh là gì?
Sự việc dẫn đến khổ mà cho là vui, đó là vô minh.
Đời vô thường mà ta tưởng là thường, đó là vô minh.
Thực tại không có tự ngã mà ta tưởng là có tự ngã, đó là vô minh.

Từ vô minh, phát sinh ra tham vọng, giận hờn, sợ hãi, ganh  ghét, và bao nhiêu đau khổ khác. Con đường giải thoát là con  đường quán chiếu thực tại để thực chứng được tự tính vô thường,  vô ngã, và duyên sinh của vạn hữu. Con đường ấy là con đường  diệt trừ vô minh. Vô minh diệt thì phiền não diệt, và khổ đau diệt.  Đó là giải thoát.

- Trong đời sống đôi khi chúng ta phản ứng với sự giận dữ  để trả thù những người đã đối xử tệ với mình nhưng lại làm  chính bản thân mình bị tổn thương.

Khi thù hận là chúng ta đã tự hại mình như kẻ thù mong muốn. Đức Phật dạy rằng:

«Hận thù diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu».

Hãy chánh niệm khi khởi lên sân si thù hận. Hãy nghĩ đến  hậu quả của thù hận, hại mình hại người mà không giải quyết  được vấn đề. Đừng để 1 phút giây thù hận mà ân hận cả đời.  Thù hận chỉ làm nối tiếp thù hận, oan oan tương báo không  biết đến bao giờ. Khi chúng ta dùng thái độ thù hận, bất mãn  để đáp lại những điều khó chịu gặp phải trong cuộc sống, thì  cũng giống như một người đi ngược gió mà tung bụi, tự mình  hứng trọn bụi bẩn ấy. Cuộc đời như một tấm gương soi, chúng  ta nhe nanh múa vuốt với cuộc đời, thì cuộc đời cũng sẽ nhe  nanh múa vuốt với chúng ta.

Phiền não khởi lên ở đâu hay để nó diệt đi ở đấy. Đừng tiếp  thêm nhiên liệu cho ngọn lửa, nó sẽ tự lụi tàn. Mỗi một sự việc  diễn ra, dù tốt hay xấu, cũng đều hoàn hảo, vì nó diễn ra theo  đúng quy luật của nhân duyên. Phiền não cũng vậy, nó phải  sống hết quãng đời của nó. Khi nhân duyên để nó tồn tại hết  thì nó cũng sẽ tự biến tan, theo đúng quy luật vô thường, như  những con sóng vô thường lớp này đè lớp kia, triền miên  không dứt trong suốt cuộc đời chúng ta.

Sunday, January 5, 2020

Hai cha con đi bán lừa, lừa không bán được lại mệt phờ, tất cả là do 1 sai lầm kinh điển



Hai cha con đi bán lừa, lừa không bán được lại mệt phờ, tất cả là do 1 sai lầm kinh điển
Câu chuyện xảy ra trên đường đi tới chợ bán lừa của 2 cha con này cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người.

Aesop là một nhà văn Hy Lạp (620 – 564 TCN) nổi tiếng với các câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng sâu sắc và đầy triết lý, mặc dù cách chúng ta cả nghìn năm nhưng vẫn vô cùng phù hợp với thời hiện đại, cho ta những chỉ dẫn quan trọng về cách ứng xử trong cuộc sống.
Câu chuyện thứ nhất: Hai cha con đi chợ bán lừa
Hôm đó là một buổi sáng đẹp trời, với những tia nắng ấm áp nhảy nhót trên đường. Một ông bố cùng cậu con trai dắt theo một chú lừa đi ra chợ bán. Con lừa được nuôi cho béo tốt, sạch sẽ, chải lông cẩn thận, chắc hẳn sẽ bán được nhiều tiền. Chính vì thế, hai cha con lên đường với tâm trạng vô cùng vui vẻ.
Hai cha con đem lừa ra chợ bán, tưởng sẽ bán được nhiều tiền, nào ngờ...
Thế nhưng, vừa mới đi được chưa bao xa, họ đã nghe được một lời nhận xét khó nghe từ người đi đường, «Nhìn kìa, có con lừa béo tốt thế kia mà không biết đường cưỡi, lại phải đi bộ, đúng là cha con ngốc».
Nghe thấy thế, ông bố và cậu con trai thấy rất có lý, bèn cùng nhau trèo lên lưng con lừa.
Xong mới đi được một quãng, lại có người khác hét lên khiến cha con họ giật mình: «Nhìn những kẻ lười biếng kia kìa, khổ thân con lừa quá». Ông bố thấy họ nói cũng đúng, và vì ông nặng cân hơn cậu con trai, nên quyết định xuống đi bộ, để mình cậu con trai cưỡi con lừa mà thôi.
Một lúc sau, họ lại nghe thấy có người phàn nàn: «Đúng là đồ con trai bất hiếu, một mình ngồi lên lưng lừa, để cha phải đi bộ».
Ông bố lại nghĩ, đúng là mình nhiều tuổi hơn, nên được ưu tiên, bèn bảo con trai xuống đi bộ, để mình ngồi trên lưng lừa.
Ông cho rằng chắc không ai có thể phàn nàn gì được nữa, nhưng không ngờ chẳng bao lâu, ông lại nghe thấy có kẻ gièm pha: «Đúng là một lão già xấu tính, ngồi trên lưng lừa thảnh thơi, để cậu con trai phải đi bộ một mình».
Đến lúc này, cả 2 bố con đều rất hoang mang, không biết phải làm sao, đành xuống đi bộ cùng con lừa. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Họ trở nên hoang mang hơn bao giờ hết khi có người bảo họ rằng, nếu đi một quãng đường dài như vậy, con lừa sẽ mệt rã rời và sẽ chẳng có ai muốn mua một con vật như vậy.
Cuối cùng, họ phải đi tìm một cái gậy chắc chắn, buộc con lừa lên đó. Con lừa khá nặng, nên cứ đi được một đoạn, 2 cha con lại phải ngồi phịch xuống đất để thở dốc. Đến buổi chiều muộn ngày hôm ấy, 2 cha con vẫn chưa đi tới được khu chợ.


Lời bàn:

Ai cũng chỉ có năng lực hữu hạn, và không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế, hãy có chủ kiến của riêng mình, và không phí công làm những việc vừa phí công, vừa vô nghĩa như vậy.
Câu chuyện thứ 2: Sư tử và cừu
Trong một khu rừng, một con cừu nhỏ đang uống nước bên cạnh một dòng suối. Một con sư tử lớn lén quan sát nó từ lâu, tự nhủ sẽ phải cho cừu vào bẫy. Nó nói với con cừu: «Ngươi đang làm bẩn dòng nước của ta đấy. Ngươi có biết ta là vua của khu rừng này không?»

Sư tử tìm đủ mọi cách để có lý do ăn thịt cừu chính đáng.
Con cừu đáng thương trả lời: «Thưa ngài, dòng suối này ở hạ nguồn, sao có thể chảy lên chỗ ngài mà làm bẩn được. Về logic, nếu ngài làm bẩn nó thì chính tôi mới là người phải chịu ảnh hưởng».
Con sư tử nghe thấy thế, rất tức giận và nói: «Ngươi quả thật không biết trên dưới là gì, dám đôi co với ta, đáng tội chết».
Con cừu lại bình tĩnh nói: «Tôi không đôi co, tôi chỉ nói sự thực. Ngài có thể nhìn nước chảy từ thượng nguồn tới đây mà».
Con sư tử không biết nói lý làm sao, bèn chống chế: «A, ta nhớ ra rồi. Hôm qua bố của ngươi đã sỉ nhục ta. Ngươi là con của một gia đình thiếu giáo dục như thế thì cũng có tội, phải để cho ta ăn thịt».
Con cừu nghe thấy thế lại giải thích: «Vậy chắc ngài nhầm với ai rồi, vì bố tôi đã chết được 3 tháng rồi, chính là do ngài ăn thịt. Làm sao ông ấy có thể bất kính với ngài được?»
Con sư tử cáu thật sự. Nó không nghĩ ra lý do gì được bữa, bèn gầm lên: «Đồ nhãi ranh thích lý sự, ta cho ngươi vào bụng mà lý sự».

Lời bàn:
Lý do và cái cớ là 2 phạm trù rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Trong cuộc sống bạn cần phân biệt đâu là lý do thật sự, đâu là những cái cớ để người khác vin vào làm khó dễ bạn, để bản thân không bị thiệt thòi, tránh trường hợp bị lợi dụng hết lần này đến lần khác mà không biết.
Câu chuyện thứ 3: Cáo và sếu
Có một con cáo vì ăn quá tham lam nên bị mắc một cái xương ở cổ họng. Nó đã dùng đủ cách nhưng cái xương vẫn không nhúc nhích, không móc ra ngoài được, cũng không trôi vào trong, khiến nó không thể ăn uống gì được.

Vừa hay, nó nhìn thấy một con sếu đứng gần đó nên chạy tới để cầu cứu. Nó tin rằng với cái cổ dài của mình, thể nào con sếu cũng sẽ dễ dàng gắp được cái xương ra cho nó.
«Anh sếu ơi, nếu anh lôi được cái xương ở cổ họng ra cho tôi thì tôi sẽ trọng thưởng anh rất hậu hĩnh», cáo ngọt ngào mở lời.
Sếu cảm thấy việc cho đầu vào họng của cáo thật nguy hiểm, nhưng lại bị lời hứa của cáo làm lung lay nên cuối cùng quyết định giúp đỡ cáo.
Thế nhưng, ngay khi cảm thấy cái xương đã được lấy ra, cáo ho 1 cái rồi quay đầu, rảo bước đi rất nhanh, bỏ lại sếu đằng sau. Thấy vậy, sếu gọi với theo: «Còn phần thưởng của tôi thì sao?»
«Sao? Anh vẫn chưa hiểu à? Chẳng phải việc tôi tha không ăn thịt anh đã là một phần thưởng lớn nhất rồi hay sao?», cáo trả lời một cách xảo quyệt rồi lỉnh đi mất.

Lời bàn:
Lời của cáo nói không sai, nó tha không giết sếu đã là món quà lớn nhất và cũng là bài học giá trị nhất cho sếu. Trong cuộc sống của chúng ta cũng như vậy, phải tỉnh táo trong việc kết giao và nhìn người. Nếu giao du với những kẻ ích kỷ và nham hiểm thì đừng mong có kết cục tốt, bản thân không bị thiệt hại đã là may lắm rồi.
Theo Oshonews