CHỊ
AGNÈS
Vĩnh Chánh
Vào năm Terminale tôi chuyễn trường từ Providence ở Huế vào Lycée Blaise Pascal tại
Đà Nẵng, và tạm trú trong biệt thự của người chị con bác ruột tại đường Nguyễn Thị
Giang trong suốt niên học. Gia đình anh chị Châu có 4 đứa con, gồm 3 trai và
một gái út đang ở lứa tuổi từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp. Gia đình rất
mộ đạo, tối nào cũng đọc kinh chung với nhau trước bàn thờ. Tôi cũng tham gia
khi không quá bận với các bài học.
Thỉnh thoảng, vào cuối mỗi hai tuần, thân phụ của anh Châu đến thăm,
mang những sản phẩm trong vườn nhà tại Hòa Vang, như các loại rau, ớt, su le,
mướp, khoai lang, chuối, ổi, nhản, mận, mít, bòn bon, chanh, xoài, cà na…cùng
với gà vịt tươi. Ngoài ra ông còn mang theo 2 chị em, là cháu ngoại của ông,
kêu anh Châu bằng cậu, từ trong nội trú của dòng nữ tu Sacré Coeur tại Đà Nẵng,
về ở chơi suốt ngày thứ Bảy rồi đem trả về lại nhà dòng sau lể sáng Chủ Nhật.
Người chị lớn tên Thanh, còn được mấy đứa nhỏ trong nhà kêu chị Agnès, thua tôi
khoảng ba hay bốn tuổi. Mỗi khi đến chơi, Thanh luôn mặc đồng phục màu xanh da
trời, nhìn vào biết ngay đang là đệ tử thanh tuyễn.
Ngoài chuyện thỉnh thoảng tôi chỉ dạy cho các cháu nhỏ chút bài vở, nhất
là các bài tập về toán vào cuối tuần theo sự yêu cầu của cha mẹ, cả đám xúm xít
ngồi nghe tôi kể chuyện, thường là vào tối Thứ Bảy, bao gồm bốn đứa con của anh
chị chủ nhà, hai chị em Thanh, và một đứa cháu trai khác là con của em gái chị
chủ nhà. Tất cả đám, từ Thanh lớn nhất cho đến đứa nhỏ nhất, đều kêu tôi bằng
cậu. Từ chuyện tôi vui chơi lang thang một mình khi còn nhỏ trong vườn rộng lớn
đầy đủ loại cây ăn trái của OB Nội tôi, như trèo cây hái trái, bắt ve sầu bằng
mủ mít, bắt châu chấu cho chim con, bắt dế cho đá nhau, lấy tre làm gươm… trong
thời gian gia đình tôi còn ở Phủ Cam, cho đến các chuyện ma kinh dị, các truyện
đường rừng mà tôi nghe được từ các bà chị ông anh của tôi, rồi chuyện vui buồn
7 năm học của tôi tại trường Providence với các Cha người Pháp thuộc Dòng Thừa
Sai Mission Étrangère de Paris. Tôi cũng kể những đoạn hay trong các truyện tàu
như Nhạc Phi Chung Vô Diệm, Tề Thiên Đại Thánh và Đường Tam Tạng, Tôn Tẩn Bàng
Quyên, Việt Vương Câu Tiển nàng Tây Thi và Ngô Phù Sa , Trận Xích Bích, Luu Bị
Tào Tháo Khổng Minh, Triệu Tử Long cứu ấu chúa... Rồi lần lượt kể luôn những
tác phẩm văn chương Pháp tôi còn nhớ, đã học hay đọc qua, của Lamartine, Victor
Hugo, Molière, Corneille, Romeo et Juliette, Les Miserables, Quasimodo của Nhà
Thờ Đức Bà, Les Trois Musquetaires, Vingt Ans Après, Le Comte de Monte Cristo,
Les Grands Coeurs, cùng một số tác phẩm của các văn hào người Nga và một loạt
truyện của AJ Cronin như La Citadelle, Les Vertes Années, Les Clés du Royaume,
Trois Amours, là những truyện có lẻ phần nào ảnh hưởng đến tôi về sau khi tôi
chọn theo học Y Khoa.
Những tối cùng ngồi trên sân thượng, nhất là vào những đêm có nhiều sao,
tôi cũng giải thích chút xíu về thiên văn, giải ngân hà, các chùm sao Petite
Ourse, Grande Ourse, Étoile Polaire kèm theo câu chuyện thần thoại Hy Lạp…Cách
tôi kể chuyện có vẻ hấp dẫn vì không những các câu truyện đều mới lạ với đám
trẻ trong lứa từ 7 tuổi cho đến 15 tuổi mà còn vì tôi có khuynh hướng thêm chổ
này bớt chổ nọ cho câu chuyện thêm phần ly kì và lý thú. Cả đám thường hả miệng
chăm chú ngồi nghe một cách say sưa, súyt soa khi đến phần nguy hiểm, vổ tay
khi người xấu bị loại và người tốt thắng, hoặc la hét ngồi sát với nhau vì sợ
ma trong các chuyện kinh dị. Chị Agnès cũng thích thú lắng nghe như bọn nhỏ, tuy
có phần yên lặng, kín đáo hơn và ngồi tách xa hơn.
Một trong những truyện tôi kể, có lẻ chị Agnès thích nhất là truyện Les
Étoiles của Alphone D’Audet. Đó là câu truyện ngắn về một chú chăn cừu thường
xuyên đưa đàn cừu của ông chủ lên núi và ở đó đôi khi cả vài tháng. Ở trên cao,
chú thường nhìn xuống so sánh ánh sáng làng mình với ánh sáng của các vì sao
trên trời, đồng thời nghĩ đến những sinh hoạt hàng ngày tại trang trại, và đôi
khi chú cũng mơ mộng về Stephanette, cô con gái trẻ đẹp như thiên thần và rất
thương người của ông chủ. Ngày tiếp tế lương thực, chú không ngờ chính
Stephanette tình nguyện cởi lưng lừa đem lương thực đến vì mọi người trong
trang trại đều bận. Quá bối rối và vui sướng vì đây là lần đầu tiên được cô chủ
nhỏ đích thân tiếp tế lương thực, chú chăn cừu chỉ cho cô chủ bầy cừu, chổ ăn
ngủ của mình và giảng bày sinh hoạt hàng ngày của mình…Khi cô chủ nhỏ chào ra
về vào xế trưa, chú cảm thấy tiếng đá lăng dưới móng chân lừa y như tiếng đá
rơi vào lòng chú. Vào lúc trời gần tối, bổng dưng chú nghe như ai gọi tên mình
vọng lên từ dưới dốc, sau đó cô chủ nhỏ bất ngờ xuất hiện trên lưng con lừa,
không tươi cười như vùa qua, mà ướt sủng, rét run và sợ hải. Thì ra cô gần chết
đuối khi vượt qua con suối với nước dâng lớn và chảy xiếc sau trận mưa hồi đêm.
Thế là chú phải an ủi Stephanette đừng quá lo lắng, rồi lăng xăng dọn
bửa ăn tối, soạn chổ ngủ cho nàng nằm trong lán gần mấy con cừu cho được ấm.
Còn chú thì ra ngoài sân trống, nằm bên cạnh đống củi bùng sáng trong lửa.
Nhưng nàng không ngủ được vì các con cừu cựa mình sột sột rồi be be. Nàng đành
ra bên ngoài ngồi gần đống lửa, bên cạnh chú. Chú cảm thấy thế giới đêm nay
bổng trở nên huyền bí hơn với hương đêm ngọt ngào, những âm thanh của thiên
nhiên, tiếng nổ lách tách của các que củi cháy, những rung động nhỏ nghe thật
gần gủi của cây cỏ xung quanh, tiếng suối văng vẳng nơi xa, những vì sao lấp
lánh nhiều hơn trên trời…Rồi chú giải thích cho nàng khi có sao băng xẹt trên
trời tức là phải cầu nguyện cho một linh hồn lên thiên đàng, chỉ cho nàng thấy
vị trí và tên những chùm sao, mà quan trọng nhất với nhóm người chăn cừu là Sao
Mục Đồng vì đó là Sao Hôm, kim chỉ thời gian cho chú xua đàn cừu về chuồng và
đó cũng là Sao Mai để lùa chúng ra khỏi chuồng trước sáng. Thao thao kể chuyện,
chú cảm thấy có cái gì mịn màng êm ái đè nhẹ xuống vai mình. Thì ra nàng đang
tựa đầu vào vai chú thiêm thiếp giấc nồng. Về phần chú, ngồi yên cho nàng tựa
đầu, chú ngắm nhìn ngàn sao tiếp tục chuyễn động trầm lặng lung linh trên trời
từ từ mờ dần trong ban mai, để cảm nhận một ngôi sao nhỏ bé, sáng nhất và thanh
tú nhất đang lạc đường và đậu trên vai mình.
Giữa Thanh và tôi, chúng tôi luôn giữ một khoảng cách tuy rằng, giống
như mấy đứa cháu nhỏ kia, càng lúc càng thân tình một cách tự nhiên, và tôi
luôn miệng kêu Thanh là chị Agnès - một sự nể nang kính trọng cho những người
tu hành, cũng như tôi cũng đã từng kêu Chú tất cả 11 bạn học cùng lớp ở
Providence nhưng đang tu tại Chủng Viện gần trường mà về sau đều trở thành linh
mục. Có lần tôi hỏi Thanh vì sao chọn bổn mạng Agnès vì theo tôi tên Thánh
Agnès không mấy thông dụng, chị trả lời do mẹ đở đầu chọn. Khi vào dòng tu, chị
mới biết Agnès, có nghĩa là cừu con theo tiếng Latin, bị xử tử bởi quân dữ La
Mã vì đã làm nhiều phép lạ cứu người nhân danh Chúa Giê Su khi chỉ vào khoảng
13 tuổi. Về sau Agnès được Giáo Hội Công Giáo phong Nữ Thánh Agnès và là biểu
tượng cho sự thanh khiết, lòng trinh bạch, sự trong trắng mộc mạc.
Có một lần, tôi múa miệng khoe với chị
Agnès là tôi biết coi chỉ tay, vì tôi có đọc qua 2 cuốn sách La Main Qui Parle
và Les Lignes De La Main. Đó là hai cuốn sách mà Măng tôi thường xuyên nghiên
cứu và thỉnh thoảng giảng dạy cho tôi đôi chút trong những khi cầm bàn tay tôi
để so các chỉ tay. Thế là chị đưa bàn tay cho tôi đọc. Tôi vừa cầm tay chị Agnès
vừa thao thao bất tuyệt giảng và chỉ vào lòng bàn tay các ligne de vie, de
tête, de coeur, de destinée mà nhiều người còn gọi là ligne de chance và vài
lignes nhỏ phụ khác như de santé, de soleil, de l’amour, de l’argent, de
l’intuition…thì bổng ông Ngoại của chị bước đến gần, trừng mắt với chị và ra
dấu bắt chị vào bên trong nhà. Chị Agnès đứng dậy đi ngay; phần tôi cảm thấy
mình thật vô ý, vụng về, và sượng cả người.
Kể từ tối hôm đó, những chuyến về thăm
cậu mợ của chị Agnès thưa dần. Mà nếu có thì cả hai chúng tôi cố tình lẫn tránh
không chạm mặt nhau, vì cảm giác luôn có sự theo dỏi nghiêm khắc của ông ngoại
của chị làm chúng tôi cảm nhận phần nào chút mặc cảm tội lổi. Phần tôi quen
thuộc dần nên theo bạn cùng lớp vui chơi vào cuối tuần nhiều hơn, hai chị em
Agnès ít ở lại tối Thứ Bảy. Cuối niên học, sau khi đậu Bac 2, tôi rời hẳn Đà
Nẵng, về Huế thi vào học Y Khoa. Image result for hình ảnh nữ tu cầu nguyện
Vào
cuối năm thứ 2 Y Khoa, tôi nghe tin chị Agnès đậu tú tài toàn, nhận được ơn kêu
gọi, đồng thời xác tín tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình khi chị
khấn hứa trọn đời và chính thức trở thành một nữ tu Dòng Thành Tâm (hình số 1).
Một vài năm sau, Chị Agnès nhận trách nhiệm đến phục vụ trại cùi tại làng Hòa
Vân, được xây dựng bởi một Mục Sư người Mỹ vào đầu năm 1968 và ẩn mình kín đáo
dưới chân núi Hải Vân nhìn ra biển (hình số 2), mà phía trái là biển Lăng Cô. Đây
cũng là nơi mà các bệnh nhân trại cùi ở Huế, vốn nằm ở phía sau BV Huế, được
chuyễn đến, khi cơ sở tại Huế bị thiệt hại nặng trong biến cố Mậu Thân.
Vài năm sau, khi dân số làng cùi Hòa Vân đạt trên ba trăm người, do từ những trại cùi các địa phương khác đưa về, bao gồm vừa bệnh nhân và gia đình của họ, đó chính là thời điểm chị Agnès đến tăng cường nhóm 2 nữ tu có sẳn, đem lòng thương khó phục vụ dân làng cùi, trực tiếp chung sức săn sóc bệnh nhân, chăm lo đời sống tinh thần và sức khỏe cho dân làng, xây dựng từ từ bệnh xá nhỏ, nhà sinh hoạt, nhà nguyện, cũng cố niềm tin và lòng tự trọng cho bệnh nhân cùi luôn cảm thấy bất hạnh và mặc cảm vừa bị trời phạt vừa bị xả hội kỳ thị, hắt hủi và ruồng bỏ. Về vật chất, dân Làng Hòa Vân sống nhờ vào hổ trợ xả hội từ chính phủ và cơ quan y tế địa phương và từ những thu hoạch riêng của họ qua trồng trọt, chăn nuôi và đánh lưới bắt cá cận biển.
Làng Hòa Vân từ trên cao nhìn xuống (hình từ internet)
Vài năm sau, khi dân số làng cùi Hòa Vân đạt trên ba trăm người, do từ những trại cùi các địa phương khác đưa về, bao gồm vừa bệnh nhân và gia đình của họ, đó chính là thời điểm chị Agnès đến tăng cường nhóm 2 nữ tu có sẳn, đem lòng thương khó phục vụ dân làng cùi, trực tiếp chung sức săn sóc bệnh nhân, chăm lo đời sống tinh thần và sức khỏe cho dân làng, xây dựng từ từ bệnh xá nhỏ, nhà sinh hoạt, nhà nguyện, cũng cố niềm tin và lòng tự trọng cho bệnh nhân cùi luôn cảm thấy bất hạnh và mặc cảm vừa bị trời phạt vừa bị xả hội kỳ thị, hắt hủi và ruồng bỏ. Về vật chất, dân Làng Hòa Vân sống nhờ vào hổ trợ xả hội từ chính phủ và cơ quan y tế địa phương và từ những thu hoạch riêng của họ qua trồng trọt, chăn nuôi và đánh lưới bắt cá cận biển.
BS. người Đức Malfred Ludwig, BS. Ngô Văn Tường và BS. Hà Thị Như Minh (tư liệu cá nhân)
Từ
năm 1972, bệnh viện Đức Malteser tại Đà Nẵng chính thức đảm trách chửa trị cho
làng Hòa Vân. Các toán y tế bao gồm các BS. người Đức của bệnh viện Malteser,
như BS. Malfred Ludwig, BS. Zimmerman (phụ chú hình số 2) cùng với các đồng
nghiệp BS. tốt nghiệp từ trường Y Khoa Huế, như BS. Ngô Văn Tường (BV.
Malteser) cùng vợ là BS. Hà Thị Như Minh (Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa ĐN), BS. Lê
Thị Mỹ (hình số 2), BS. Trần Tiễn Lương Hoa (BV Malteser) nhận trách nhiệm săn
sóc sức khỏe làng cùi Hoa Vân. Đây là một việc làm phát xuất từ lòng từ tâm của
các vị BS. và họ đã đến thăm, khám bệnh cho thuốc từng mỗi cuối tuần. Thỉnh
thoảng các BS. Giải Phẩu người Đức cũng tham gia hội chẩn và chọn các bệnh nhân
đã âm tinh với vi trùng cùi Hansen để đưa vào bệnh viện Malteser giải phẩu
chỉnh hình tay chân hay ghép lông mày.
Tháng 8, 1974, khi đoàn xe chuyễn quân
Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù của tôi trên đường từ Điện Bàn đến tham chiến tại một vùng
phía Tây Đà Nẵng tạm ngừng di chuyễn, tôi nhảy xuống xe và tình cờ nhìn thấy
một giáo đường nhỏ nằm về phía phải và cách quốc lộ 14 chừng vài trăm thước. Tôi
bước vào nhà thờ bấy giờ vắng hoe, đứng ở góc gần cửa ra vào, đọc kinh cầu
nguyện xin Ơn Trên phù hộ cho tôi trong chuyến vào trận đầu đời lính của mình. Bước
ra khỏi nhà thờ, tôi thấy một nữ tu trong bộ đồ màu xanh nhạt, có mang lúp cùng
màu trên đầu, dáng người nhỏ và gầy; tôi tiến lại gần người nữ tu hỏi tên của
nhà thờ giáo xứ. Sau đôi ba câu mở đầu, bỗng chị nữ tu thốt lên «Xin lổi ông, có phải ông là em của mợ Châu
trước đây ở Đà Nẵng không?» Đang khi tôi chưa kịp nhớ tên người bà con,
người nữ tu nói tiếp liền, có lẻ vừa đọc bản tên màu đen của tôi trên áo trận «Và ông tên Chánh phải không?»
Thế là chị Agnès và tôi cùng nhận ra
nhau. Trong ít phút nói chuyện, Chị Agnès cho biết chị khấn hứa trọn đời vào
cuối năm 1969. Sau trên một năm làm việc tại một giáo xứ trong Quảng Tín, chị
được điều về làm việc ở làng Hòa Vân từ đầu năm 1971. Khi số bệnh nhân cùi
trong làng Hòa Vân giảm dần vì tiến triển bệnh tình khả quan, phần lớn do sự
tận tụy chửa bệnh của các bác sĩ Đức - Việt và sự sử dụng hữu hiệu các trụ sinh
mới, vào đầu năm 1974, chị được Mẹ Bề Trên chuyễn đến nhà thờ Ái Nghĩa này, tại
quận Đại Lộc, phụ trách dạy giáo lý cho các em trong giáo xứ. Phần tôi cho chị
biết tôi nay là một bác sĩ nhảy dù và đơn vị đang di chuyễn vào vùng hành quân.
Chị vừa chỉ tay về hướng núi trước mặt vừa cho biết là trong mấy ngày qua dân
trong vùng này dồn dập dắt nhau tản cư đi nơi khác sau khi có tin Việt Cọng
chiếm được quận Thường Đức nằm không quá xa nơi đây. Trước khi chào nhau tạm
biệt, tôi chúc chị Agnès nhiều ơn phước trong sứ mệnh rao giảng đức tin và tình
thương, và nhờ chị góp lời cầu nguyện cho tôi được bình an trong cuộc hành
quân.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Agnès. Vào
lần chuyễn vùng hành quân vài tháng sau đó, vào một ngày lạnh có mây xám và mưa
của tháng 1, 1975, trong tôi không còn có những nao nức bồn chồn sôi động của
lần mới vào vùng. Với tâm trạng của một người lính sống qua sự tàn phá chết
chóc của trận chiến, miên mang suy tư về những khuôn mặt cương nghị, những ánh
mắt quyết tâm, những tên không kịp nhớ nay đã ra đi, và những chiến binh sống
sót giờ đây im lặng ngồi tư lự bên cạnh tôi trong cùng chiếc GMC, tôi chẳng để
ý đến ngôi nhà thờ đoàn xe bỏ lại đằng sau hồi nào. Để tự hỏi Chị Agnès còn yên
bình ở đó, nhà thờ có bị trúng pháo địch…
Qua một thời gian dài hơn cả một phần
ba thế kỷ, và sau bao trôi nổi của cuộc đời, tôi có dịp liên lạc với đứa cháu
có mặt cùng thời với tôi trong nhà anh chị Châu ở Đà Nẵng, và được cho biết anh
chị Châu có cuộc sống ổn dịnh tại Pháp, 4 đứa con đều thành đạt. Người em gái
của chị Agnès về sau cũng trở thành một nữ tu và đã về hưu trí tại nhà dòng Thánh
Tâm ở Đà Nẵng. Riêng chị Agnès tình nguyện trở lại phục vụ người cùi, không
phải ở làng Hòa Vân mà tại trại cùi Quy Hòa, cách thị xả Quy Nhơn khoảng mươi
cây số, sau khi làng Hòa Vân lần lượt bị giải tỏa bởi chính quyền mới, với tin
truyền miệng một số bệnh nhân bị chết khi chiếc tàu chở họ bị đắm ngoài biển,
do tai nạn hay do bàn tay sắp xếp của nhóm người vô thần, và số còn lại được
đưa vào Quy Hòa. Một số ít khác được cho ra Đà Nẵng nếu xét tình trạng căn bệnh
phần nào ổn định.
Trại Quy Hòa, yên tỉnh và biệt lập
trong một thung lũng bao quanh ba mặt bởi núi và mặt còn lại tiếp giáp với
biển, được thành lập từ đầu thế kỷ 20 do BS. người Pháp Lemoine hợp chung với
các cố đạo và nữ tu người Pháp. Nơi đây cũng là nơi có ngôi mộ của thi sĩ Hàn
Mạc Tử, một bệnh xá khá rộng, cả trăm căn nhà lớn nhỏ cho bệnh nhân và một giáo
đường nghe nói có móng sâu bằng chiều cao của nhà thờ để chống bảo. Trước 1975
một năm và vài năm sau đó, lượng bệnh nhân cùi và gia đình gia tăng rất nhiều,
có khi đạt đến trên cả năm ngàn người, khiến công việc nuôi ăn, săn sóc, chửa
trị, phục vụ…trở nên khó khăn và phức tạp, đòi hỏi thêm nhân lực và thiện chí. Với
kinh nghiệm từng làm việc với bệnh nhân cùi, lòng tận tụy và đức hy sinh sẳn
có, chị Agnès lại lên đường tận hiến thêm một lần nữa cuộc đời mình cho nhóm
người cùng cực nhất của trần gian, mang đến cho họ tình thương và niềm hy vọng.
Để cuối cùng chị qua đời ngay tại trại Quy Hòa, nơi chị cống hiến cả 25 năm
cuối cuộc đời mình, giữa sự thương mến vô tận của đại gia đình cùi của trại.
Tôi không thể biết khi chị Agnès vĩnh
viễn nhắm mắt, có ngôi sao băng nào xẹt ngang trên trời cao không? Nhưng tôi
nghĩ chị luôn sẳn sàng đón nhận ánh sáng vĩnh cữu từ hằng bao triệu sao khác đã
có mặt trên thiên đàng.
Xin Chúa nhân từ cho linh hồn Agnès
được yên nghĩ muôn đời và ánh sáng ngàn thu luôn soi sáng lên linh hồn chị.
Giờ đây, trại Hòa Vân hoàn toàn bị xóa
tên, nhà cửa cơ sở bỏ hoang phế, kể từ khi vùng đất xanh đẹp yên tỉnh này bị
các lãnh đạo địa phương chiếu cố, và trưng dụng cho dự án xây cơ sở dưỡng hưu
lớn cho các thành phần giàu có cao cấp. Trại Quy Hòa cũng chịu một số phận
tương tự, biến thành một thắng cảnh du lịch, là nơi du khách đến tắm biển và
thăm viếng ngôi mộ của Hàn Mạc Tử nhiều hơn các cơ sở đã từng là nơi ở, nơi săn
sóc, nơi sinh hoạt, bệnh xá, di tích của những bệnh nhân cùi… Tuy nhiên, khách
đường xa thỉnh thoảng vẫn được cho nhìn thấy một vài bệnh nhân cũ lãng vãng đây
đó trong trại. Như một trưng bày vô cảm không hơn không kém cho mục đích thương
mãi.
Vĩnh Chánh
Ngày 27, tháng 6, 2018
mật kỳ đa
ReplyDelete