Chỉ
người có tâm Đại Nhẫn
mới làm được việc to lớn
mới làm được việc to lớn
Trần Hưng
Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì
đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn
đến đó.
Cổ nhân có câu: «Không
nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn». Người nhẫn nhịn thường kín đáo,
trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng.
Lão Tử nói: «Thiên
Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng». Phật giáo giảng: «Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu
hành, «Nhẫn» là đệ nhất». Khổng Tử cũng nói rằng: «Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn», hay: «Bậc quân tử không có tranh giành». Tất cả đều giảng về Đạo «Nhẫn».
Trong lịch sử còn lưu lại nhiều câu chuyện nhờ có
Nhẫn mà làm được việc lớn.
Trần
Quốc Tuấn nhẫn nhịn cho đại sự
Năm 1281, nhân lúc nhà Trần có sự biến động, Vua Trần
Thái Tông đã mất, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông. Nhà
Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung cùng ngàn quân hộ tống sang sứ nước
ta.
Sài Thung đến kinh thành nghênh mặt kiêu ngạo, cưỡi
ngựa thẳng vào cửa Dương Minh, bị quân lính ngăn cản, Sài Thung không xuống
ngựa mà còn dùng roi ngựa đánh thẳng vào mặt quân lính khiến họ bị thương ở
đầu.
Sài Thung trách vua Trần lên ngôi nhưng không sang
thiên triều để chầu, yêu cầu vua Trần phải sang Nguyên đề chầu và triều cống.
Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp Thung, thế
nhưng Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Thung cũng
không dậy tiếp.
Biết tin, Trần Quốc Tuấn xin vua tiếp sứ quân Nguyên,
khi Quốc Tuấn đến Sài Thung liền vái chào rồi mời ngồi dùng trà. Thì ra Quốc
Tuấn đã gọt đầu ăn mặc giả làm nhà sư Tàu khiến Sài Thung phải tiếp.
Khi tiếp kiến Quốc Tuấn, Sài Thung biết người đối
diện mình là ai, liền đưa mắt ra hiệu cho lính hầu, lính hầu hiểu ý liền từ
đằng sau lấy mũi tên đâm vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, thế nhưng ông vẫn
nhẫn chịu, điềm nhiên nói chuyện như không có chuyện gì xảy ra.
Dù rất đau nhưng do Đại Việt đang ở thế yếu, nên Trần
Quốc Tuấn chủ động hòa hoãn, nhằm trì hoãn cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, để
Đại Việt có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Nhờ đó phải đến 4 năm sau, quân
Nguyên mới đem binh sang xâm lược đại Việt, lúc đó lực lượng quân ta đã mạnh
hơn, đủ sức chống giặc.
Khi 50 vạn đại quân Nguyên tiến đánh nước ta, vận
nước rối ren, nhiều người nhắc lại mối thù nhà năm xưa, để Trần Quốc Tuấn nhân
cơ hội này trả thù xưa và lên ngôi vua. Theo đó, cha của Trần Quốc Tuấn là An
Sinh Vương Trần Liễu trước khi chết nhắc lại mối thù nhà với Vua và còn nói rõ:
«Con không vì cha mà lấy được thiên hạ,
thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.»
Thế nhưng Trần Quốc Tuấn không vì tư thù mà làm hỏng
việc nước, trước nhiều lời nhắc lại mối tư thù này, trên đường hành quân ông
nhẫn nhịn cắm cây kiếm mạnh xuống đất đến gãy cả mũi kiếm, thể hiện quyết tâm
lo cho an nguy của xã tắc.
Chính vì có tâm Đại Nhẫn như vậy, Trần Quốc Tuấn mới
làm được việc lớn, làm Quốc Công Tiết Chế (Tổng chỉ huy quân đội) đánh với quân
Nguyên Mông 2 lần (lần thứ hai và thứ 3), lần nào cũng giành đại thắng, khiến
quân Nguyên đại bại tâm phục khẩu phục không còn dám nghĩ đến chuyện sáng đánh
nước ta thêm một lần nào nữa.
Đức
tính nào giúp Tư Mã Ý ngăn được Gia Cát Lượng?
Lần cuối cùng Gia Cát Lượng đưa quân ra Kỳ Sơn phạt
Ngụy, Tư Mã Ý hiểu rõ mình là không phải đối thủ của Gia Cát Lượng nên cố thủ
không giao chiến. Nhưng Gia Cát Lượng lừa được Tư Mã Ý là quân Thục đang cất
lương thực trên núi. Tư Mã Ý quyết định đến núi cướp lương nhằm ép Gia Cát
Lượng hết lương thực phải rút về.
Tại hang Thượng Phương quân Ngụy bị Gia Cát Lượng
dùng hỏa công tiêu diệt, trong lúc cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời than khóc
chờ chết thì một cơn mưa lớn trút xuống cứu thoát toàn bộ quân Ngụy.
Tư Mã Ý rút quân về bờ nam sông Vị Thủy hạ trại và ra
lệnh cho các tướng quyết không được ra đánh. Quyết kiên nhẫn cố thủ trong thành
để ngăn quân Thục.
Gia Cát Lượng đưa quân đến khiêu chiến, dùng đủ mọi
cách khiêu khích, hạ nhục, đến chửi mắng quân Ngụy, nhiều tướng Ngụy không sao
chịu nhục được, muốn quyết một phen đánh với quân Thục, nhưng Tư Mã Ý không
đồng ý và quyết thủ trong thành.
Tạo hình Gia Cát
Lượng và Tư Mã Ý trong phim (Ảnh qua Kienthuc.net.vn)
Tư Mã Ý biết rằng quân Thục hành quân từ xa đến, thì
việc tiếp tế chi viện sẽ hết sức khó khăn. Chỉ cần cố thủ, quân Thục lương hết
sẽ phải rút về.
Đây gọi là lấy «tĩnh
chế động», không đánh khi kẻ địch đang có lợi thế, chỉ đánh khi quân mình
có lợi thế. Đợi thời cơ đến sẽ có thể «chuyển
bại thành thắng», tuyệt đối không manh động làm hỏng đại sự, đó chính là
cái tài của người dùng binh vậy. Nhưng để thực hiện được kế này thì cần phải có
«Nhẫn».
Thấy mắng nhiếc không có tác dụng, Gia Cát Lượng mang
khăn, yếm, cùng bộ đồ đàn bà rồi cho người đưa sang tặng cho Tư Mã Ý kèm theo
lá thư sau:
«Trọng Đạt (tên
tự gọi của Tư Mã Ý) đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám
mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang,
để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm
quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà
nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy
này, y hẹn ra giao chiến».
Thời đấy nữ nhi không như bây giờ, phụ nữ thời đấy
hầu như không tham gia chính sự, chỉ ở nhà giữ mái ấm gia đình. Việc đưa đồ đàn
bà cho Tư Mã Ý là sự sỉ nhục vô cùng to lớn, là điều mà không một ai có thể
chịu đựng được.
Người xưa có câu: «Sĩ khả sát, bất khả nhục», nghĩa là kẻ sĩ thà bị chết chứ không
chịu nhục. Tư Mã Ý có thể chịu nhẫn nhục thêm một lần nữa, nhưng các tướng sĩ
khác không sao chịu nhục thêm được, bất chấp quân lệnh muốn ra trận ngay.
Tư Mã Ý trước đấy đã tâu với Vua xin giữ thành không
đánh rồi, nay bèn nhắc lại với các tướng của mình rằng: «Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ
vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh mất».
Thấy các tướng bực dọc không bằng lòng, Tư Mã Ý đành
nói: «Các ngươi nếu muốn đánh, đợi ta tâu
với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc, được chăng?»
Nói rồi, Tư Mã Ý cho người mang thư báo cho Ngụy Chủ
rằng: «Thần tài nhỏ trách nhiệm to… chiếu
chỉ sai thần giữ vững không đánh, để đợi quân Thục tự nhiên phải tan. Nhưng nay
Gia Cát Lượng sai người đưa khăn yếm, coi thần như đàn bà, thần lấy làm sỉ nhục
lắm. Thần kính tâu trước vời bệ hạ, sớm tối xin liều một trận đại chiến để báo
ơn triều đình, mà rửa cái xấu hổ cho ba quân. Thần cảm kích không biết ngần nào».
Vua Ngụy là Tào Tuấn xem xong, hỏi các tướng rằng: «Tư Mã Ý trước xin giữ vững không đánh, nay
lại dâng biểu xin đánh là cớ làm sao?» Vệ uý là Tân Tỷ tâu rằng: «Tư Mã Ý vốn không có bụng muốn đánh, đây là
Gia Cát Lượng sỉ nhục, các tướng căm tức, cho nên dâng biểu lên, là có ý muốn
cầu chiếu chỉ để trấn bụng các tướng đấy thôi.»
Tào Tuấn lấy làm phải, sai Tân Tỷ cầm cờ tiết đến
trại Vị Bắc, truyền lời dụ không được ra đánh. Nếu ai dám nói đến sự đánh, thì
ghép vào tội trái chiếu chỉ nhà vua. Các tướng đều phải tuân theo. Ý bảo với
Tân Tỷ rằng: «Ông thực là biết bụng tôi
lắm!»
Gia Cát Lượng được tin liền nói: «Tư Mã Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị
oai với chúng đó thôi. Có câu rằng: ‘Tướng ở ngoài, dù vua sai có điều không
nghe cũng được’. Lẽ đâu cách xa nghìn dặm, mà phải xin lệnh đánh bao giờ? Đây
vì Tư Mã Ý nhân các tướng tức giận, cho nên mượn ý Tào Tuấn để trấn bụng chúng
và truyền lời ấy ra, để quân ta sinh trễ nải đó thôi.»
Sau đó Gia Cát Lượng gặp bệnh mà mất, quân Thục phải
rút về. Gia Cát Lượng dù được xem là không có đối thủ, thế nhưng Tư Mã Ý đã
dùng sự Nhẫn nhịn to lớn của mình mà đẩy lui được đại quân của Gia Cát Lượng.
Lý
Mục dùng Đại Nhẫn đánh bại đại quân Hung Nô
Lý Mục là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, thời
gian này quân Hung Nô thường tràn biên giới nước Triệu cướp bóc, khi quân Triệu
đánh chỗ này thì đến chỗ khác cướp, khi quân Triệu rút thì lại tràn sang cướp.
Vì thế quân Triệu không có biện pháp nào để chặn quân Hung Nô.
Lý Mục được giao quân đóng ở vùng biên giới để ngăn
chặn quân Hung Nô. Ông đưa ra kế sách vườn không nhà trống, rồi nhẫn nhịn cố
thủ trong thành mà không đánh, ai trái lệnh tham chiến bị xử theo quân lệnh.
Quân Hung Nô đến dù không bị đánh nhưng gặp phải vườn không nhà trống thì không
cướp được phải tự rút về.
Triệu Vương cho rằng Lý Mục hèn nhát không đánh, nhắc
nhở nhiều lần nhưng Lý Mục cứ vờ như không nghe. Triệu Vượng bèn thay tướng
khác đến đem quân giao chiến nhiều trận với Hung Nô, kết quả quân Hung Nô quen
địa thế và thông thạo tập kích đã đánh cho quân Triệu đại bại.
Lúc này Triệu Vương đành phục chức cho Lý Mục để chặn
quân Hung Nô, Lý Mục ra điều kiện không được can thiệp vào kế sách của ông.
Danh tướng Lý Mục
(Ảnh: Sina)
Lý Mục tiếp tục thực hiện kế sách cũ, thực hiện vườn
không nhà trống và thủ trong thành, củng cố lực lượng, quyết không giao chiến.
Sau vài năm, lúc này quân Lý Mục có 1.300 chiến xa,
13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, thế nhưng quân Hung Nô không biết
lực lượng quân Triệu. Mặt khác sau vài năm cướp bóc quân Hung Nô đã quen với
cảnh quân Triệu chết nhát chỉ lo phòng thủ chứ không tham chiến, nên nghênh
ngang như chỗ không người mà chẳng phải lo gì, rất chủ quan khinh địch.
Khi sĩ khí lên cao, Lý Mục chủ động đưa quân tấn công
quân Hung Nô rồi giả thua vứt hết khí giới bỏ chạy, quân Hung Nô chủ quan đưa
hết 10 vạn kỵ binh tràn sang biên giới quyết đuổi theo quân Triệu và rơi vào
trận phục binh do Lý Mục chuẩn bị sẵn. Hai cánh quân của Lý Mục xông ra đánh
bại 10 vạn đại quân Hung Nô, từ đó trở về sau quân Hung Nô vô cùng sợ hãi không
còn dám cướp phá nữa.
Nhờ nhẫn nhịn vài năm mà chỉ một trận đánh Lý Mục đã
khiến quân Hung Nô đại bại không còn dám cướp phá như trước nữa.
Hàn
Tín chịu nhục chui háng
Hàn Tín là đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã đánh
bại nhà Tần, chặn Sở, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, thu Tề, đánh trận «thập diện mai phục» với Hạng Vũ lưu danh
sử sách, cuối cùng khiến nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Sở dĩ ông có năng lực lớn thế
là nhờ có tâm Đại Nhẫn.
Thời còn trẻ Hàn Tín luyện võ, học phép dùng binh và
thường khoác bảo kiếm đi ngoài đường. Một hôm, ngay trên phố sá sầm uất, Hàn
Tín mang kiếm đang đi trên đường thì gặp một đám côn đồ, một trong số chúng hét
lên: «Này, ngươi trông thật nhát gan. Tại
sao ngươi mang kiếm?»
Hàn Tín không muốn trả lời và chỉ muốn đơn giản bước
đi. Điều này khiến đám côn đồ vô lại giận dữ hơn nữa. «Nếu nhà ngươi có gan giết ta thì hãy rút kiếm đâm ta xem nào. Nhưng nếu
nhà ngươi nhát gan thì phải chui háng ta!»
Hàn Tín có tâm Đại
Nhẫn nên mới thành nghiệp lớn (Ảnh: Internet)
Đám đông tụ lại hồ hởi theo dõi xem sự việc thế nào.
Kẻ vô lại thấy Hàn Tín không dám đâm liền dang rộng hai chân ra thách thức. Hàn
Tín dù là tay kiếm rất giỏi nhưng không muốn phạm pháp, nên đã cúi mình bò dưới
hai chân kẻ vô lại kia. Những kẻ đứng xem đều cười lên thích thú chế giễu Hàn
Tín hèn nhát mà cũng mang theo kiếm.
Hàn Tín sau này trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang,
giúp Lưu Bang đánh thắng hết trận này đến trận khác. Lưu Bang không có Hàn Tín
giúp thì cũng không thể lập ra nhà Hán được. Bản tính khoan dung và tâm đại
nhẫn phi thường của Hàn Tín đã đặt nền móng cho sự thành công của ông.
Nếu như lúc đó Hàn Tín vung kiếm vì bị chọc giận, ông
sẽ bị xét xử vì tội sát nhân, và con đường học tập của ông sẽ bị gián đoán ảnh
hưởng, làm hỏng cả tiền đồ phía trước.
Nội
hàm của chữ Nhẫn
Chữ Nhẫn (忍) gồm có
chữ tâm (心) ở dưới vì chữ đao tức dao (刀) ở trên. Chữ «đao»
có hàm ý phải tôi luyện, mãi dũa mà thành.
Chữ đao (刀) này còn
có thêm một nét gạch nữa thể hiện độ sắc bén của dao kề vào trái tim tức chữ
tâm ở dưới. Ý nghĩa một con dao sắc bén cứa vào tim đối với người bình thường
phải rất đau đớn quằn quại.
Thế nhưng chữ tâm nằm ở dưới chính là nền tảng của cả
chữ «Nhẫn». Tâm này vẫn bất động, dù
dao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không Nhẫn được, nếu tâm tĩnh thì
càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra tâm Đại Nhẫn.
Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm thành được được
việc to lớn, những ai sống chỉ vì tranh vì đấu, suốt đời sống trong ủy mị, dằn
vặt và đau khổ, họ không thể làm được việc gì lớn lao cả.
Trần Hưng
No comments:
Post a Comment